Phân tích Dặn con Trần Nhuận Minh
Phân tích bài thơ Dặn con
Dặn con là một bài thơ rất hay của tác giả Trần Nhuận Minh. Bài thơ Dặn con được tác giả viết năm 1991, in trong Nhà thơ và hoa cỏ. Dặn con là bài thơ giản dị, lời lẽ không cầu kỳ, không đánh đố, không hoành ngôn tráng cú, ý tứ gần gũi nhưng lại mang ý nghĩa cao cả về tình người, về lòng yêu thương san sẻ trong cuộc sống. Sau đây là dàn ý phân tích bài thơ Dặn con của nhà thơ Trần Nhuận Minh, mời các bạn cùng tham khảo.
Phân tích bài Dặn con của Trần Nhuận Minh
1. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm:
- Thơ Trần Nhuận Minh khắc họa, đi cùng số phận con người. Cuộc sống thường nhật tràn ngập trong những trang viết của ông. Cảm xúc của nhà thơ một mặt được mở rộng trên nhiều hướng của đời sống, mặt khác lại đào sâu hơn vào số phận của từng con người bình thường trong xã hội.
- Thơ ông trong sáng, giản dị. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ chắt lọc, hàm súc. Có những bài thơ đã tạo ra một khoảng rộng để người đọc suy ngẫm và chiêm nghiệm.
- Bài thơ “Dặn con” của nhà thơ Trần Nhuận Minh in trong tập “Nhà thơ và hoa cỏ” – một tập thơ có nhiều bài thơ hay ấn tượng viết về cuộc sống đời thường. “Dặn con” cũng nằm trong mạch cảm xúc, cảm hứng thế sự ấy.
2. Những vấn đề cơ bản:
a. Sự thấu hiểu cuộc sống xã hội còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, éo le, bất hạnh thông qua chân dung người hành khất của nhà thơ Trần Nhuận Minh
- Bài thơ mở đầu bằng lời tâm sự với con về thân phận những người hành khất. Tình huống nhà thơ chọn ta thường gặp hàng ngày và dễ bỏ qua. Chỉ có những trái tim thi sĩ nhạy cảm đau đáu với nỗi thương người, thương đời, thương những hoàn cảnh éo le mới dễ cảm thông và chia sẻ. Nhà thơ về nên chân dung của người hành khất “hôi hám úa tàn” nhưng lại giàu lòng trắc ẩn, xem đây như là một quy luật của tạo hóa: “Tội trời đày ở nhân gian” với sự đồng cảm sâu sắc và độ lượng. Nhịp thơ thắt lại như cái ngoái đầu của nhà thơ khi dặn con: “Con không bao giờ được hỏi / Quê hương họ ở nơi nào” đã chạm vào ta một nỗi rưng rưng khó tả khi đụng vào nỗi đau và lòng tự ái của con người đã chịu thiệt thòi về số phận. Câu thơ “Dặn con” thật sâu thẩm và hàm chứa cả nghĩa bao dung, độ lượng.
- Bài thơ có một tình tiết rất xúc động khi viết về con chó: “Con chó nhà mình rất hư – Cứ thấy ăn mày là cắn - Con phải răn dạy nó đi - Nếu không thì con đem bán”. Từ răn dạy đến bán là cả một hành trình ứng xử vừa kiên quyết vừa mở ngỏ đầy tính thương lượng, tôn trọng lòng tự trọng của đứa bé là một cấp độ cao hơn ở thế chủ động trong tình huống bất trắc này. Phải thật khôn khéo và vị tha mới có hàm chứa ân tỉnh đó. Để nhận một chút bố thí của thiên hạ, họ phải nhận những lời miệt thị, chế giễu, xua đuổi. Tình thế của người hành khất là tình thế yếu đuối, cô độc, mất tự tin, sự cản trở dù nhỏ cũng sẽ gây tổn thương, đau đớn.
- Người cha dặn con “không được cười giễu họ” -> Điệp ngữ “con không” thể hiện thái độ nghiêm khắc mệnh lệnh người cha dạy con phải có tình yêu thương con người, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ những người bất hạnh để không gây ra những tổn thương cho họ.
- Người cha hiểu thấu lẽ đời, hiểu thấu được những bất trắc trong cuộc sống xoay vần của “cơ trời” và giàu tình người để có thể “thương người như thể thương thân”.
b. Suy nghĩ về lẽ sống, soi vào mình, xây dựng cách nghĩ, cách nhìn về mọi người xung quanh:
b1. Hiểu được tâm tư tình cảm của những ăn mày nghèo khó.
- Hiểu nỗi đau lớn nhất của họ khi bị hỏi quê hương bản quán là điều cần tránh vì sẽ tạo cảm giác chạnh lòng, xót xa. Đi xin ăn có thể làm mất lòng tự trọng nhưng không làm ảnh hưởng đến quê hương.
=>Vẻ đẹp nhân văn và sâu sắc trong tâm hồn những con người nghèo khổ được tác giả tinh tế phát hiện ra.
b2. Hiểu về tấm lòng của mọi người trong xã hội đó là sự đồng cảm, thải độ trân trọng với cuộc đời và số phận của những người hành khất nâng lên thành giá trị, đạo đức, lẽ sống của dân tộc.
- Tác giả không gọi họ là “ăn mày” mà là “hành khất” cách dùng từ Hán Việt thể hiện sự trân trọng đối với những người bất hạnh và cái cái nhìn vị tha, nhân ái, yêu thương. Từ đó nhà thơ mong muốn con biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ và tôn trọng những người khó khăn hơn mình, sống khoan dung, nhân ái:
+ Quan tâm, đồng cảm, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn một cách chân thành với những người xung quanh mình mà không cần sự đáp lại.
+ Hiểu người sẽ được mọi người xung quanh yêu mến, tôn trọng rút ngắn khoảng cách giữa con người, giúp con người xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
b3. Hiểu chính mình, soi vào mình để thấy rõ bản chất con người mình.
- Trong cuộc sống, chúng ta vẫn gặp những con người bất hạnh. Họ phải chịu những khó khăn, khổ cực trong cuộc đời. Vì vậy cần yêu thương cảm thông, chia sẻ để góp phần xoa dịu đi những nỗi đau họ để họ có động lực vươn lên trong cuộc sống. Nhà thơ đã dạy cho con về lòng yêu thương con người, đó là hạt nhân cơ bản, cốt lõi, bài học mà ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời đại nào con người ta cũng cần phải có.
- Người cha dặn con cuộc sống không ngừng thay đổi, thương người là thương mình ngày mai. Sống không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai. Điều đó thể hiện những suy nghĩ thấu đáo, từng trải của cha “Ai biết cơ trời vần xoay”. Trong cuộc sống biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ đúng lúc tránh có những thái độ khinh thường, miệt thị người khác, ích kỉ, nhỏ nhen gây tổn thương cho người khác “đừng cười giễu họ dù họ hôi hám úa tàn”.
- Khổ thơ kết viết thật hay, bất ngờ, thấu đáo, trải nghiệm sống với một dự cảm rất phương đông của triết lý luân hồi nhà Phật: “Lòng tốt gửi vào thiên hạ - biết đâu nuôi bố sau này”.
- Đọc bài thơ, người đọc thức tỉnh, tự nhìn nhận, đánh giá lại bản thân mình qua hành vi, ứng xử với người bất hạnh xung quanh, từ đó cần biết điều chỉnh cách sống, cách ứng xử để không chỉ thể hiện được tình thương mà còn thể hiện được sự tế nhị - đó mới là cách sống, cách ứng xử của người có văn hoá.
=> Lời dặn con giản dị nhưng hàm chứa những ẩn ý sâu xa, đánh thức lòng trắc ẩn, tình yêu thương, sẻ chia, khơi dậy lòng tốt làm bừng sáng, thức tỉnh những điều tốt đẹp trong mỗi người. Để rồi con nhận ra rằng việc giúp đỡ người bất hạnh, người hành khất, những người có hoàn cảnh không may ... đó chính là việc nghĩa mà ai cũng cần phải nên làm. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm thông, đồng cảm và thấu hiểu họ.
- Bài thơ ngắn chỉ vẻn vẹn 16 câu thơ mà đã chuyển tải được một trạng thái sống, kinh nghiệm sống và cao hơn hết là đạo lý sống cao đẹp “Con người sống để yêu nhau”. “Dặn con” cũng chính là dặn mình.
c. Những hình thức nghệ thuật đặc sắc
- Bài thơ có giọng kể ngỡ như đơn điệu bởi cách đặt các nhân vật: Người cha, đứa con, người ăn mày, chú chó trong một không gian hẹp nhưng chuyển cảnh, chuyển trạng thái tình cảm rất nhanh từ tình huống ngoại cảnh đến tâm trạng.
- Lời thơ giản dị, giọng điệu tâm tỉnh, thủ thỉ, những từ ngữ, câu chữ mộc mạc, giản dị, cái nhìn tinh tế và những trải nghiệm về đời sống, Trần Nhuận Minh hướng ngòi bút về những phận người lam lũ, cơ cực quanh mình để an ủi, chia sẻ với những người bất hạnh trong xã hội, khơi gợi sự đồng cảm, lòng vị tha, bao dung ở người đọc.
- Thể thơ 6 chữ phù hợp với lối tâm tình, thủ thỉ, “Dặn con” mà như tự độc thoại với mình về một kinh nghiệm sống, một bài học đạo lý làm người.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Dũng
- Ngày:
Tham khảo thêm
Phân tích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc
Phân tích truyện ngắn Hương hoa hoàng lan
Phân tích bài thơ Mùa thu và mẹ
Nghị luận bài thơ Thuốc đắng
Phân tích truyện ngắn “Thằng gù” của Hạ Huyền
Phân tích truyện ngắn Hiu hiu gió bấc - Nguyễn Ngọc Tư
Phân tích truyện ngắn Cơm mùi khói bếp
Phân tích truyện ngắn Người ở của Thái Chí Thanh
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27