Phân tích về bài thơ Nắng Ba Đình của Nguyễn Phan Hách

Phân tích tác phẩm Nắng Ba Đình

Nắng Ba Đình là một bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Nội dung chính của bài thơ Nắng Ba Đình là miêu tả cảm xúc và kỉ niệm về sự kiện lịch sử của dân tộc thông qua hình ảnh nắng Ba Đình và Bác Hồ. Sau đây là nội dung bài thơ Nắng Ba Đình và bài văn mẫu phân tích bài thơ Nắng Ba Đình hay và chi tiết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm.

Phân tích tác phẩm Nắng Ba Đình

1. Bài thơ Nắng Ba Đình

Đôi nét về tác giả, tác phẩm:

- Nguyễn Phan Hách vốn mang dáng dấp của một người quê hiền lành, chân chất, giản dị, luôn trách nhiệm, tận tụy trong từng công việc nhỏ. Hồn thơ ông tinh tế, lãng mạn và sâu lắng. Ông là một nhà thơ chuyên viết về mùa thu với một dòng cảm xúc đầy sâu lắng và ngọt ngào. Những bài thơ của ông nhất là thơ về mùa thu đã làm rung động biết bao trái tim bạn đọc yêu thơ.

- Bài Thơ “Nắng Ba Đình” là một tác phẩm nổi bật của nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Bài thơ với lời lẽ nhẹ nhàng, da diết bộc lộ niềm biết ơn, công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu. Lòng tự hào vào thời khắc đất nước được độc lập.

Nắng Ba Đình mùa thu

Thẩm vàng trên lăng Bác

Vẫn trong vắt bầu trời

Ngày Tuyên ngôn độc lập

Ta đi trên quảng trường

Bâng khuâng như vẫn thấy

Nắng reo trên lễ đài

Có bàn tay Bác vẫy

Ấm lòng ta biết mấy

Ánh mắt Bác nheo cười

Lồng lộng một vòm trời

Sau mái đầu của Bác...

2. Phân tích Nắng Ba Đình

Bác Hồ kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta rất lâu rồi nhưng Người vẫn mãi mãi sống cùng non sông đất nước này. Đó là một sự thật. Hình bóng của Người, tinh thần của Người vẫn vẹn nguyên, vẫn hiển hiện khắp nơi, từ cỏ cây đến sắc trời, từ con đường đến màu nắng... Cảm giác này càng kì lạ và càng rõ ràng mỗi khi chúng ta đi trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách dường như đã nói giùm chúng ta điều đó trong bài thơ “Nắng Ba Đình”

Từ ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Người đã mang về đây mùa thu cách mạng và trong ánh nắng mùa thu bao đời của thiên nhiên xử sở, bắt đầu từ đấy cũng có một màu sắc mới: Nắng Ba Đình! Đó là nắng cách mạng, Nắng Tuyên ngôn, Nắng Bác Hồ! Đi trên quảng trường hôm nay, cảm xúc thơ đến từ ánh nắng in trên lăng Bác:

“Nắng Ba Đình mùa thu

Thắm vàng trên lăng Bác”

Hai chữ “thắm vàng” dường như đã nói được cả sự tươi tắn, sáng trong của nắng trời, cả ánh nắng huy hoàng từ sao vàng cờ đỏ, có cả ánh sáng kiêu hãnh tự hào của tấm lòng một công dân độc lập, lòng biết ơn sâu nặng của một người con đối với Bác Hồ. Hai chữ “thắm vàng” còn như thắm vàng lên lăng Bác, làm cho khối hoa cương và cẩm thạch ấy rực rỡ nguy nga hơn! Tác giả còn nhận ra sắc nắng, sắc trời hôm nay còn là sắc nắng, sắc trời của hôm nào:

“Vẫn trong vắt bầu trời

Ngày tuyên ngôn Độc lập”

Trong một không gian rộng lớn và quyến rũ của mùa thu thì sắc nắng như một tấm áo bằng lụa mỏng choàng xuống. Màu vàng của nắng tươi thắm lòng người và tô thắm: “Nắng Ba Đình mùa thu - Thắm vàng trên lăng Bác”. Giữa quảng trường Ba Đình rộng lớn hình ảnh lăng Bác như một điểm nhấn, một đài hoa. Đến lăng Bác ta gặp những lũy tre ngà màu vàng rì rào vẫy gọi. Nhà thơ như một nghệ sĩ nhiếp ảnh từ cận cảnh: Lăng Bác được nhuộm trong sắc thắm nắng vàng mùa thu lại mở rộng ống kính nâng dần lên tỏa rộng ra bát ngát: “Vẫn trong vắt bầu trời - Ngày Tuyên ngôn độc lập”. Chữ “trong vắt” là một cảm nhận trực giác tỉnh khiết, trong trẻo vừa như là sự gạn lọc, chọn lọc tinh túy để tôn vinh sự thiêng liêng ngày Quốc khánh 2/9 - Ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập. Chao ôi! Màu nắng, màu trời trong vắt hiện ra trong một ngày thế rồi cũng hoá thành vĩnh viễn! Nghĩa là khoảnh khắc đã hoá thành vĩnh cửu. Đúng thế, bầu trời trong vắt ngày Tuyên ngôn Độc lập không bao giờ phai đối với tâm trí mỗi người dân Việt Nam! Cảm xúc của tác giả tiếp tục được nâng lên nữa:

“Ta đi trên quảng trường

Bâng khuâng như vẫn thấy

Nắng reo trên lễ đài

Có bàn tay Bác vẫy”

Nắng không chỉ có màu sắc “thắm vàng”. Nắng còn cất lên tiếng nói của riêng mình nữa “Nắng reo trên lễ đài”. Đó là ánh nắng thu đang xao động, hay nắng chính là tiếng sóng reo hò của muôn vạn con tim Việt Nam trong giờ phút Người đọc Tuyên ngôn đến nay dư âm vẫn còn vang vọng, vẫn còn dậy lên trong sắc nắng Ba Đình? Có lẽ tất cả những ấn tượng ấy đã ùa đến trong lòng nhà thơ và hội tụ trong ngòi bút thơ ca, hội tụ vào hai chữ “Nắng reo”. Từ hai chữ “Nắng reo”, nhà thơ còn như hình dung cả bàn tay Bác vẫy trên lễ đài làm xao động cả nắng Ba Đình: “Có bàn tay Bác vẫy”

Tác giả nhìn màu nắng thực hôm nay làm sống dậy cả quá khứ, đem những hình ảnh của quá khứ làm hiển linh trong hiện tại này. Ấy là thủ pháp từ cái có (hữu hình) mà gọi dậy cái không (vô hình) vậy! Sự hiển hiện của Người vẫn toàn vẹn nhất là ở khổ thơ kết:

“Ấm lòng ta biết mấy

Ánh mắt Bác nheo cười

Lồng lộng một vòm trời

Sau mái đầu của Bác...”

Nếu như sắc màu của nắng của trời mây là tĩnh thì khổ thơ thứ hai chuyển về trạng thái động khi lòng người náo nức nhớ về ngày độc lập: “Ta đi trên quảng trường Bâng khuâng như vẫn thấy - Nắng reo trên lễ đài - Có bàn tay Bác vẫy”. Từ năng “thắm vàng” đến “nắng reo” là một bước chuyển trạng thái tâm hồn hợp với sự hiểu động của tuổi nhỏ. Nắng reo hay lòng người reo và nắng chỉ reo khi có bàn tay Bác Hồ vẫy chào. “Reo” là sự hồ hởi, náo nức như muốn tung tẩy bay nhảy dưới bầu trời tự do của ngày độc lập. Bàn tay Bác vẫy chào đã tạo ra một ấn tượng tốt đẹp thân thiết, sức truyền cảm lớn lao. Nắng Ba Đình thắm vàng, nắng Ba Đình reo thật ấm áp biết bao khi ngày độc lập trọng đại ấy ta lại nhìn thấy “Ánh mắt Bác nheo cười” làm cho mọi người đều có cảm giác “Ấm lòng ta biết mấy”. Nắng ấm tỏa ra từ ánh mắt Bác cười với đôi mắt sáng ngời, vầng trán cao, chòm râu bạc. Nhà thơ viết “Ánh mắt Bác nheo cười” trong ánh nắng “thắm vàng” thật đẹp, thật lạc quan bình dị. Từ sự đặc tả hình ảnh ánh mắt Bác bất ngờ nhà thơ nới rộng không gian tỏa ra: “Lồng lộng một vòm trời - Sau mái đầu của Bác”. Chính sự tượng hình về sự vĩ đại lớn lao của lãnh tụ kính yêu đã tạo ra một niềm tin tất yếu khẳng định sự bền vững độc lập tự do của một nước: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” vừa mới khai sinh. Thì ra, tất cả nắng Ba Đình đều bắt nguồn từ ánh mắt của Người. Ánh nắng làm sáng lên, làm ấm lại cả dân tộc này là ánh nắng lan toả ra từ ánh mắt của Bác từ mùa thu ấy! Từ bàn tay vẫy, hình ảnh Bác cứ rõ dần hơn với “Ánh mắt Bác nheo cười”, rồi cuối cùng là cả “mái đầu của Bác”.

Có phải trong những khoảnh khắc nào đó bằng lòng biết ơn Bác Hồ sâu nặng khi qua quảng trường Ba Đình, trong nắng Ba Đình, trong sắc trời Ba Đình, ta sẽ thấy bóng dáng Người hiển hiện ấm áp, ân tình. Và chính điều ấy đã cho thấy Người đã hoà nhập, đã trường tồn cùng non sông đất nước này! Có lẽ thế! “Nắng Ba Đình” đã cho ta thêm một lần cảm nhận về sự hiện diện thiêng liêng mà gần gũi của Bác Hồ trong đời sống hàng ngày của non sông và của mỗi một chúng ta! Bởi thế, trong ta luôn biết ơn những ân tình mà Bác đã mang về cho non sông, Tổ quốc ta!

Bằng thể thơ ngũ ngôn giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ, hình ảnh đẹp cùng sự nhạy cảm tinh tế nhà thơ đã phối màu thật đẹp, thật ấm áp gần gũi mà vẫn rất thiêng liêng khi vẽ nên hình ảnh “Nắng Ba Đình”. Hai danh từ Nắng và Ba Đình đã kết hợp chuyển thành một tỉnh từ: “Nắng Ba Đình” rất đỗi tự hào và xúc động, Bài thơ “Nắng Ba Đình” của Nguyễn Phan Hách đã để lại trong lòng ta niềm thành kính thiêng liêng, lòng biết ơn sâu sắc với vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh.

Đọc bài thơ “Nắng Ba Đình” của Nguyễn Phan Hách trong ta chan chứa niềm tự hào. Đó là màu nắng của niềm tin, màu của tự do và màu của hi vọng, màu nắng của mùa thu dân tộc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
12 5.374
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm