Đọc hiểu vở bi kịch Kim tiền

Đọc hiểu văn bản Kim tiền

Kim tiền là một tác phẩm kịch được chắp bút bởi tác giả Vi Huyền Đắc. Vở Kim tiền được đăng trên báo Ngày nay và được giải thưởng của Tự Lực văn đoàn năm 1937. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đề đọc hiểu vở kịch Kim tiền của tác giả Vi Huyền Đắc có đáp án trong bài viết sau đây.

1. Tóm tắt văn bản Kim tiền

Trần Thiết Chung vốn là một người có tài, quyết chí sống thanh bạch bằng nghề văn, coi khinh mọi sự phú quý ở đời. Cự Lợi – một chủ thầu – là bạn thân thiết với Trần Thiết Chung, đã năm lần bảy lượt đến nhà và khuyên Trần Thiết Chung nên dùng tài năng của mình để kiếm tiền, nhằm lo cho vợ con đỡ khổ. Trước lời khuyên của bạn cũng như những lời nói gây tự ái của vợ, Trần Thiết Chung đành cay đắng thay đổi lối sống. Ông lao vào kiếm tiền bất chấp mọi thủ đoạn và nhanh chóng trở thành một nhà triệu phú. Tuy nhiên, từ khi trở nên giàu có, ông cũng thay đổi tính nết. Vì tiền, Trần Thiết Chung sẵn sàng hắt hủi vợ con, xua đuổi bạn bè cũ, đối xử tệ bạc với người làm thuê. Công nhân mỏ than vì bị đối xử tệ bạc, đã quyết định đình công, kéo đến phá nhà Trần Thiết Chung. Kết cục, Trần Thiết Chung bị công nhân dùng súng bắn chết.

2. Văn bản Kim tiền của Vi Huyền Đắc

Đoạn trích dưới đây là màn đối thoại giữa Cự Lợi và Trần Thiết Chung, khi Trần Thiết Chung còn sống trong cảnh nghèo khó, thanh bạch.

ÔNG CỰ LỢI: – Lúc nào tôi cũng chỉ thấy bác sống ở trong cõi mơ mộng. Ở đời này, không thể thế được đâu, bác ạ. Bác nghe tôi, chớ có mơ hồ mãi như vậy. Bao giờ tôi cũng thấy bác túng bấn… Bác ơi! Bác phải nhớ cho rằng anh em mình sống ở nhị thập thế kỉ, không thể như ông Nhan Hồi8 ăn cơm nguội, uống nước lã, gối đầu khuỷu tay được…

ÔNG TRẦN THIẾT CHUNG: – Sung sướng thay những người không cần thiết gì hết!

ÔNG CỰ LỢI: – Tôi xin cãi câu ấy: Sung sướng thay những người muốn gì được nấy! Bác cứ cố chấp quá thành ra ương, gàn. Bác giận tôi xin chịu, tôi cứ nói. Không những tôi mà mọi người trên mặt đất này ai cũng phải nhận rằng tiền là huyết mạch. Không có tiền không thể sống được. Mà bác ạ, tiền vị tất đã là xấu xa, bỉ ổi? Tiền mà biết dùng là một cái lợi khí, có thể làm được chán vạn việc từ thiện, danh nghĩa, cao thượng.

ÔNG TRẦN THIẾT CHUNG: – Vâng, tôi biết thế lắm chứ, nhưng như ý tôi, ở cái đất nước này, nếu muốn cho có tiền, muốn làm giàu, trừ phi bóc lột kẻ nghèo khó, hút máu hút mủ kẻ túng thiếu, không còn có cách gì nữa.

ÔNG CỰ LỢI: – Giời ơi! Bác cố chấp đến thế thì tôi cũng không còn nói thế nào được nữa. Nhưng này, bác này, còn cái thuyết này, bác bảo sao: người ta sinh ra ở đời, đội trời đạp đất, ai cũng phải có cái chí phấn đấu. Trước hết phấn đấu để sống đã này, sau phấn đấu để có một cái địa vị hơn người. Trong sự cạnh tranh, tiền là một sức mạnh vô cùng. Bác nghĩ kĩ mà xem, bao nhiêu tài năng của bác sẽ vì sự túng quẫn mà tiêu ma hết. Bác nghe tôi, đổi chí hướng đi…

ÔNG TRẦN THIẾT CHUNG: – Tôi nghe bác nói từ nãy đến giờ thì hình như hôm nay bác đến để cảm hóa tôi có phải không ạ?

ÔNG CỰ LỢI: – Không những một hôm nay mà lần nào tôi gặp bác, tôi cũng đều rắp tâm như thế cả, ấy cũng chỉ vì tôi tiếc cái tài của bác. Nếu bác không câu nệ, cố chấp thì ngày nay, công danh, sự nghiệp của bác cũng chẳng kém gì ai rồi. Tôi nói thật, bao nhiêu công việc bác trù tính,

Nhan Hồi: học trò xuất sắc của Khổng Tử, luôn sống vui vẻ với cảnh nghèo khó của mình.

chỉ vì tiền mà thất bại. Bao nhiều điều thất vọng của bác chỉ vì tiền mà ra cả. Thế mà bác cứ khinh rẻ tiền, không chịu kiếm tiền. Bác nghe tôi, không có tiền việc gì cũng hỏng hết.

ÔNG TRẦN THIẾT CHUNG: – Thế nghĩa là mục đích ở cái đời này là kiếm tiền, có phải không thưa bác?

ÔNG CỰ LỢI: – Vâng, chính thế. Phải có tiền trước đã rồi muốn làm gì mới có thể làm được. Tôi biết, bác coi tiền là phân, là bẩn, là rác, nhưng bác ơi, phân, bẩn, rác là những vật ô uế bẩn thỉu thật đấy, nhưng phân, bẩn, rác cũng lại là những vật liệu rất quý. Bác chớ có khư khư đứng về một phương diện mà nhầm to. Không nhờ phân, nhờ bẩn, nhờ rác thì làm gì có những bông lúa nặng trĩu, những tàu rau xanh ngát, những bông hoa ngào ngạt.

ÔNG TRẦN THIẾT CHUNG: – Vâng, vâng, bác ví đúng lắm, tôi xin bái phục cái tài biện bạch của bác. Ai dám bảo bác không phải là một nhà thi sĩ của kim tiền. Vâng, có thể dùng phân bẩn để bón những bãi đất hoang, những đồng cỏ xanh để làm thành vườn, thành ruộng phì nhiêu được. Có thể đem tiền mà vãi lên những hoang đảo để làm ra những tỉnh thành nguy nga, rực rỡ được. Tôi biết lắm chứ. Nhưng đối với tôi, phân bẩn tuy dùng được việc đấy, chỉ hiềm rằng kiếm ra nó, thu nhập được nó thì nhơ lắm, nhớp lắm. Sao cho tránh khỏi không dấn thân vào chỗ hôi tanh, u ám.

ÔNG CỰ LỢI: (Hơi phật ý vì thấy bạn nói tràn không nể mặt mình) – Tôi xin lỗi bác, bác nói thế khí quá. (Cười gằn) Có lẽ vì bác đã gặp nhiều việc bất đắc chí thành ra chua chát.

ÔNG TRẦN THIẾT CHUNG: – Không, không, tôi chả cay đắng, chua chát gì hết. Ý tưởng của tôi thế nào, tôi nói thế. Bao giờ cũng vậy, hễ mình càng tham muốn nhiều thì cái gánh hệ lụy càng nặng. (…) Tôi nhất quyết tránh xa cái vòng cầu danh, trục lợi.

ÔNG CỰ LỢI: – Vâng, tôi xin bái phục cái gan của bác. Nhưng bác này, giá bác chỉ có một mình bác thì tôi chả dám phản đối, nhưng bác không có quyền để những người thân yêu của bác cực nhọc. Bác nghe tôi, đừng mơ hồ, ngang ngạnh nữa…

ÔNG TRẦN THIẾT CHUNG: – Bác có ý kiến của bác, tôi có ý kiến của tôi, chúng ta cứ cãi vã với nhau như thế này, không bao giờ có thể xong được. Âu là bác thích giàu có, sang trọng, bác đã được toại chí rồi đấy; còn tôi, tôi ưa cái đời giản dị tầm thường, bác cứ mặc tôi…

(Trích vở bi kịch Kim tiền, Vi Huyền Đắc, in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 24, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, Tr.412-414)

3. Đọc hiểu Kim tiền của Vi Huyền Đắc tự luận

Câu 1. Xác định đề tài của đoạn trích?

Câu 2. Đoạn trích trên sử dụng đối thoại hay độc thoại? Chỉ ra những lời chỉ dẫn sân khấu được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 3. Xung đột chính trong đoạn trích là gì?)

Câu 4. Chỉ ra cái đúng, cái sai trong lí lẽ của nhân vật Cự Lợi?

Câu 5. Chỉ ra cái đúng, cái sai trong lí lẽ của nhân vật Trần Thiết Chung?

Câu 6. Xác định chủ đề của đoạn trích?

Câu 7. Anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân mình sau khi đọc đoạn trích trên?

Câu 8. Phân tích ngắn gọn nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của tác giả được thể hiện qua đoạn trích trên

Gợi ý

Câu

Nội dung

1

Đề tài: Vấn đề đồng tiền trong cuộc sống.

2

– Đoạn trích trên sử dụng lời đối thoại: đó là cuộc đối thoại giữa Trần Thiết Chung và Cự Lợi.

– Những lời chỉ dẫn sân khấu được sử dụng trong đoạn trích:

+ Hơi phật ý vì thấy bạn nói tràn không nể mặt mình

+ Cười gằn

3

Xung đột chính trong đoạn trích là xung đột về quan điểm sống giữa Trần Thiết Chung và Cự Lợi: Cự Lợi coi đồng tiền là quan trọng, trong khi Trần Thiết Chung phủ nhận điều đó, đề cao lối sống thanh bạch.

4

Chỉ ra cái đúng, cái sai trong lí lẽ của nhân vật Cự Lợi:

– Cái đúng: Tiền tự nó không xấu không tốt, cái quan trọng là ở cách người ta sử dụng nó; đồng tiền là phương tiện quan trọng để giúp con người đạt được những mục đích của mình.

– Cái sai:

+ Quá ham mê lối sống vật chất thích gì được nấy và muốn áp đặt quan điểm sống đó lên người khác.

+ Vả lại, trong xã hội kim tiền mà Trần Thiết Chung và Cự Lợi sống, nếu muốn kiếm nhiều tiền, hẳn là sẽ phải dùng đến thủ đoạn.

5

Chỉ ra cái đúng, cái sai trong lí lẽ của nhân vật Trần Thiết Chung:

– Cái đúng: Nhận thức được trong xã hội hiện thời, nếu bất chấp để kiếm tiền thì sẽ phải đánh mất nhân cách.

– Cái sai: Quá bảo thủ, cực đoan, cho mọi thứ liên quan đến tiền đều xấu xa, nhơ bẩn.

6

Chủ đề của đoạn trích:

Thông qua cuộc đối thoại giữa Trần Thiết Chung và Cự Lợi, tác giả ngầm phê phán lối sống đam mê vật chất, chạy theo đồng tiền; phê phán quan niệm bảo thủ, quá coi khinh đồng tiền. Đồng thời, tác giả cũng muốn mọi người hãy có cách nhìn nhận và hành xử đối với đồng tiền một cách hợp lí, để vừa giữ được nhân cách, vừa không rơi vào cảnh sống đói khổ, cùng cực.

7

8

Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là phù hợp và liên quan đến nội dung của đoạn trích. Tham khảo:

– Cần có quan niệm đúng đắn về đồng tiền: đồng tiền tự nó không tốt cũng không xấu, điều đó tùy thuộc vào mục đích kiếm tiền và sử dụng đồng tiền.

– Cần tránh xa lối suy nghĩ cực đoan: quá coi trọng đồng tiền hoặc quá khinh rẻ đồng tiền.

Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của tác giả được thể hiện qua đoạn trích:

– Ngôn ngữ giàu tính triết lí, giúp làm nổi bật tư tưởng của tác giả.

– Ngôn ngữ có tính cá thể hóa, thể hiện rõ nét tính cách của nhân vật.

– Ngôn ngữ đối thoại căng thẳng, kịch tính, góp phần tạo xung đột, làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 116
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi