Phân tích vở kịch Kim tiền - Vi Huyền Đắc

Vi Huyền Đắc là nhà giáo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà soạn kịch. Một trong những vở kịch nổi tiếng của ông có thể kể đến tác phẩm kịch Kim tiền. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý phân tích vở kịch Kim tiền của tác giả Vi Huyền Đắc có kèm theo bài mẫu chi tiết sẽ giúp các em nắm được cách viết bài văn phân tích một tác phẩm kịch lớp 9.

1. Dàn ý phân tích vở kịch Kim tiền

A. Mở bài

- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả, thể loại): Vi Huyền Đắc là nhà văn, nhà giáo, nhà biên khảo, nhà soạn kịch tài năng. Kịch của ông đề cao chân thiện mỹ, ca tụng đạo đức, đề cao ý chí nghị lực con người, bênh vực tầng lớp dân nghèo, phu thợ lầm than bị chủ bóc lột, đòi sự công bằng, đạo lý.

- Nêu nhận xét chung về tác phẩm đoạn trích: Kim tiền là vở kịch nổi tiếng nhất của Vi Huyền Đắc, được đăng trên báo Ngày nay từ số 99 đến số 107 và được diễn lần đầu tại Nhà hát Tây Hải Phòng năm 1938. Tác phẩm là thể nghiệm bi kịch đầu tiên của các nhà viết kịch Việt Nam, đặt nền móng cho thể loại bi kịch và sự thành công của các tác phẩm thuộc thể loại này.

Đoạn trích Đình công và nổi dậy thuộc đoạn thứ bốn của vở kịch, kể về cuộc đấu tranh của công nhân dưới sự áp bức bóc lột nặng nề của ông chủ mỏ Trần Thiết Chung. Qua đoạn trích, ta thấy được thông điệp của tác giả muốn gửi đến người đọc, đó là hãy giữ được bản tính, phẩm giá của mình, đừng chạy theo đồng tiền và bị nó cám dỗ, tha hóa.

B. Thân bài

1. Tóm tắt tác phẩm và đoạn trích

- Tóm tắt tác phẩm: Kim tiền kể về Trần Thiết Chung, người vốn là một văn sĩ, sống thanh bần, quyết không để tiền bạc, vật chất chi phối, “không dấn thân vào những chỗ hôi tanh, u ám”. Ông đã từng định đốt tờ ngân phiếu ghi số tiền lớn mà ông nhà giàu Cự Lợi biếu vì Cự Lợi muốn nhờ ông ủng hộ trong vận động dân cử, dân biểu. Nhưng rồi vì phải chiều theo ý vợ và hiểu ra “ta cũng giống như muôn nghìn người khác, ta không thể thoát li ra ngoài cái vòng tôi mọi của đồng tiền được”, Trần Thiết Chung đã dần thay đổi. Từ một văn sĩ thanh liêm, nghèo khó nhưng giàu lòng tự trọng; ông trở thành nhà đại tư bản Trần Thiết Chung. Có nhiều tiền, ông khai thác mỏ, xây biệt thự, lấy thêm vợ… Trong khi đó, người con trai cả tên Bích chỉ biết ăn chơi, vì tiền mà mâu thuẫn ngày càng trở nên căng thẳng với cha và gia đình. Do hám lời, gia đình chủ mỏ Trần Thiết Chung đã ra sức bóc lột người lao động dẫn tới kết cục bi thảm…

- Vị trí và tóm tắt đoạn trích: Đoạn trích Đình công và nổi dậy thuộc đoạn thứ bốn của vở kịch kể về cuộc đấu tranh của cu-li mỏ Tiêu Giao do sự áp bức bóc lột nặng nề của ông chủ mỏ Trần Thiết Chung. Diễn biến đầy gay cấn của cuộc nổi dậy được miêu tả rõ qua từng chi tiết. Kết cục, ông chủ mỏ đã chết, vợ và con ông Chung đang tranh nhau chìa khóa mở két tiền thì những người cu-li nổi dậy đã ùa vào. Màn hạ, để lại dư âm đầy đau xót về sự tha hóa của con người trước đồng tiền. Đồng tiền đã biến con người thành kẻ độc ác, bất chấp tình nghĩa và đạo lí làm người.

2. Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm

2.1. Cuộc đình công và nổi dậy thể hiện mâu thuẫn không thể giải quyết giữa ông Chung với những cu-li lao động ở mỏ

Cuộc đình công và nổi dậy của cu – li mỏ đã thể hiện mâu thuẫn không thể giải quyết giữa gia đình ông Chung với những cu-li lao động ở mỏ. Diễn biến của cuộc nổi dậy và mâu thuẫn này được thể hiện qua miêu tả của tác giả ở thái độ, lời nói, hành động của ông Chung và những người lao động trong vai “tiếng ở dưới đường”.

* Nhân vật ông Chung

- Có thái độ rất coi thường người lao động và cuộc nổi dậy “không sợ… cửa sổ toàn bằng gỗ lim nạm sắt, chúng nó có phá được còn khó…”;

- Gọi tê-lê-phôn cho quan đồn để xin điều lính có súng xuống trợ giúp dẹp cuộc nổi dậy, đàn áp người lao động; tự tin an ủi vợ “Mình không ngại, thế nào họ cũng đến kịp... Dầu chúng nó có gậy gộc, cuốc xẻng cũng không sao đến gần mình được…. Mình đừng ngại”.

- Không sợ hãi khi đối mặt với người lao động, bỏ qua sự can ngăn của vợ vì không cho rằng họ dám làm gì nguy hiểm hơn: “Ô hay, sợ cái gì… Mình cứ để tôi ra xem chúng nó nói gì… Có súng đây, sợ gì”.

- Khi điều đình với người lao động, vẫn giữ thái độ bề trên, coi thường; lời lẽ đanh thép, trịch thượng, không nhận ra sai lầm của mình, quát “Các anh đừng có nói bậy…” và không thừa nhận “bỏ các anh em chết đói”.

- Đổ tội cho người lao động:” Nếu các anh đi làm ăn cẩn thận, có ngày nào không phát gạo, phát hàng” chứ không nhận ra việc phát gạo phát hàng thối mốc không thể ăn được là lỗi của mình.

- Đe dọa người lao động: “Lần này là lần cuối cùng, tôi ra lệnh cho các anh, ai phải về trại ấy ngay lập tức” và “Nếu ai không nghe lời, còn đứng lảng vảng ở ngoài đường, lính ở đồn xuống ngay bây giờ, tôi sẽ hạ lệnh bắn về tội phiến loạn”.

* Những người lao động – vai “tiếng ở dưới đường”

- Là những người cùng khổ, bán sức lao động để kiếm miếng cơm nhưng do bị bóc lột quá tàn tệ đến mức không chịu được nên mới đình công và bảo nhau nổi dậy để thay đổi hoàn cảnh. Họ hỏi ông Chung đầy thống thiết: “Ông chủ đem anh em chúng tôi ra đất rừng rú này… rồi bỏ chúng tôi chết đói hay sao?”

- Họ lí giải nguyên nhân mình đình công là do “ông phát gạo kém, gạo xấu, không ăn được, cá mắm thối” – hoàn cảnh sinh hoạt quá kham khổ, thiếu thốn, không đảm bảo yêu cầu cơ bản về thức ăn. Khi kêu ca do phải nhận gạo xấu, cá mắm thối thì “cai lại đánh đập chúng tôi”…

- Họ bị đàn áp cả về mặt thân thể và tinh thần, đến mức phải thốt lên rằng “Ông hành hạ chúng tôi quá…”, “Ông chỉ biết ăn no, ông bỏ chúng tôi chết đói à? Ông ác nghiệt quá… Ông chủ… Ông ác nghiệt quá…”

- Khi bị ông Chung đe dọa cho quân lính bắn, họ không chịu nổi nên càng phản kháng và dẫn đến cái chết của chủ mỏ.

=> Mâu thuẫn của những người cu-li mỏ với gia đình ông Chung là mâu thuẫn muôn đời giữa người lao động và tư bản, một bên là áp bức, bóc lột tàn tệ và một bên là khổ sở, bị vắt kiệt sức lao động mà không được đảm bảo các điều kiện làm việc tối thiểu. Nhân vật ông Chung đại diện cho những người có chức, có quyền trong xã hội, giàu có nhưng lại bóc lột sức lao động của công nhân. Người lao động đại diện cho những người đấu tranh đòi lại công bằng, tự do. Mâu thuẫn giữa họ là không thể điều hòa được do quan điểm, lợi ích của hai tầng lớp khác biệt với nhau. Tác giả đã thể hiện mâu thuẫn này một cách rõ nét qua các chi tiết diễn biến đầy căng thẳng của cuộc nổi dậy.

2.2. Cuộc đình công và nổi dậy thể hiện bi kịch tha hóa đạo đức của con người trước sức cám dỗ của đồng tiền

* Nhân vật ông Chung

- Là một ông chủ mỏ, có cuộc sống giàu có, sung sướng: thể hiện ở việc trang phục “bộ pi-ja-ma” và “áo dài trắng” của ông và vợ; thói quen nghỉ trưa hàng ngày và dinh thự có cửa “toàn là gỗ lim” của ông.

- Sự sung sướng đó của ông được làm nên từ mồ hôi, nước mắt, công sức của biết bao người phu mỏ. Ông là chủ mỏ nhưng không đảm bảo nổi những yêu cầu cơ bản nhất của người làm việc cho mình, đó là được ăn no mà ông vì đồng tiền của bản thân mà bóc lột họ một cách tàn tệ.

- Ông vì đồng tiền mà“phát gạo kém, gạo xấu, không ăn được, cá mắm thối…” cho người lao động, khiến họ bị đói không có sức đi làm; huống hồ công việc khai thác ở mỏ lại vô cùng vất vả và cần sức lực. Ông đã không còn có được đạo đức cơ bản của người làm chủ, mà đã bị mờ mắt bởi lợi ích, bởi đồng tiền.

- Ông vì đồng tiền, vì lợi ích bản thân mà đàn áp, cai trị bằng bạo lực: ông “ác nghiệt”, “hành hạ” người lao động, để cai đánh đập họ. Khi xảy ra đình công, nổi dậy thì ông ngay lập tức gọi điện cho quan đồn xin lính có vũ khí xuống để đàn áp họ.

- Nhân vật bà Ba và con trai cả Bích

+ Nhân vật bà Ba, vợ ông Chung xuất hiện trong đoạn trích chủ yếu ở những cảnh thể hiện thái độ lo lắng, sốt ruột cho an toàn của bản thân trước cuộc nổi dậy của phu mỏ. Nhưng trong phần cuối đoạn trích, tác giả đã cho thấy sự tha hóa về mặt đạo đức, sự tham lam của người đàn bà này. Ngay khi ông Chung bị bắn, bà vẫn thể hiện sự lo lắng, sốt ruột; nhưng sau khi kêu khóc và “mặt ngơ ngác như hóa điên” thì bà lại không tiếp tục tìm cách cứu chồng mà “thò tay móc túi ông túi bên phải, túi bên trái, rồi bà rút ra một chùm chìa khóa. Bà đi ra tủ két tìm chìa khóa cho vào lỗ khóa” nhằm tìm tài sản, phục vụ cho bản thân.

+ Nhân vật cả Bích chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong cảnh cuối, cũng không có lời thoại nào, nhưng lại thể hiện một cách rõ nét nhất sự tha hóa về mặt nhân cách đạo đức của con người. Hắn là con nhưng không hề lo lắng cho an toàn của cha mẹ, thậm chí khi nhảy từ cửa sổ vào, thấy cha chết cũng điềm nhiên như không mà chỉ “đứng nhìn các phía rồi chạy xông lại phía tủ két”. Quá đáng hơn, hắn “nhảy xổ vào giơ hai tay bóp cổ” rồi “đẩy bà Ba ngã ra đấy, rồi ra tủ két mở tủ”. Hành động bất hiếu, bất nhân của cả Bích là đỉnh điểm của sự tha hóa nhân cách do mờ mắt bởi lợi ích của đồng tiền.

=> Qua ba nhân vật trong gia đình ông Chung, tác giả đã khắc họa rõ nét sự biến chất, tha hóa về mặt đạo đức, nhân cách con người của những nhân vật này. Họ đã bị che mắt bởi cám dỗ của đồng tiền mà sẵn sàng bán rẻ lương tâm, đánh mất những đạo nghĩa cơ bản nhất của con người.

3. Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm

3.1. Xây dựng xung đột kịch gay gắt thể hiện nội dung chủ đề của đoạn trích

- Trước hết, tác giả tạo ra xung đột trong hai tuyến nhân vật, giữa một bên là gia đình ông chủ Chung và một bên là người lao động. Xung đột của hai tuyến nhân vật này là xung đột về mặt lợi ích, không thể điều hòa do khác biệt về quan điểm.

- Sau đó tác giả tạo xung đột tâm lí để cho các nhân vật trải qua các thử thách về tâm lí, đạo đức: ông Chung khi nghe phản ánh sự “ác nghiệt” của mình, việc phát gạo mốc, cá mắm thối… của mình sẽ xử lí thế nào? Bà Ba trước cái chết của chồng và việc tìm tài sản duy trì lợi ích bản thân thì chọn lựa thế nào? Cả Bích xử sự ra sao? Đó chính là những xung đột tâm lí trong nội tâm nhân vật, và lựa chọn của họ đã cho thấy rõ tính cách, phẩm chất của họ.

- Đặc biệt, tác giả còn đưa nhân vật vào trong tình huống khó khăn buộc phải đối đầu thông qua các lời chỉ dẫn sân khấu và lời thoại nhân vật làm tăng sự căng thẳng cho người đọc: việc người lao động đốt nhà kho, lời nói thảng thốt của loong toong, lời dẫn về mức độ căng thẳng của cuộc nổi dậy…

3.2. Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại đặc sắc khắc họa rõ nét diễn biến căng thẳng của đoạn trích

- Ngôn ngữ là yếu tố vô cùng quan trọng trong thể loại kịch, vì kịch chỉ có số ít lời dẫn sân khấu, còn lại đều tập trung vào ngôn ngữ nói của nhân vật. Tác giả đã dụng tâm trong việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại đặc sắc, làm nổi bật lên tính cách của nhân vật và mâu thuẫn, xung đột trong vở kịch.

- Những màn đối thoại, độc thoại trong đoạn trích được sáng tạo sắc nét không những giúp nhân vật bộc lộ suy nghĩ, tính cách mà còn giúp người đọc hiểu được những suy ngẫm triết lý sâu sắc được gửi gắm.

- Lời thoại của mỗi tuyến nhân vật đều thể hiện được suy nghĩ, tình cảm của nhân vật: nhân vật ông Chung với lời thoại thể hiện sự coi thường người lao động, bà Ba với sự sốt ruột luống cuống khi lo cho ích lợi bản thân, người lao động thể hiện sự uất ức, dồn nén…

3.3. Những nét đặc sắc nghệ thuật khác

- Lời chỉ dẫn sân khấu: so với các tác phẩm kịch thì trong đoạn trích xuất hiện khá nhiều lời chỉ dẫn sân khấu, miêu tả cặn kẽ tâm lí và hành động của các nhân vật, thể hiện diễn biến căng thẳng của cuộc nổi dậy. Từ việc miêu tả tiếng ồn ào từ xa đến gần thể hiện được bước tiến của những người cu – li mỏ; miêu tả nét mặt của ông Chung, bà Ba thể hiện sự lo lắng, luống cuống và ngày càng sốt ruột hay hành động vội vã của người loong toong, hành động của cả Bích cuối đoạn trích… đều khắc họa rõ nét từng sự thay đổi nhỏ nhất của diễn biến đoạn trích…

- Hành động kịch: thể hiện rõ tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Hành động của ông Chung: gọi điện xin lính đàn áp, an ủi vợ, lấy súng, ra cửa sổ, đối chất với phu mỏ, đe dọa phu mỏ… thể hiện sự coi thường người lao động, khinh miệt họ đến tận cùng. Hành động lục lọi túi khi chồng chết của bà Ba để lấy chìa khóa tìm tài sản cho thấy sự ích kỉ, khắc bạc của bà ta. Hành động bóp cổ mẹ, đẩy ngã và chiếm chìa khóa của cả Bích thể hiện sự mất nhân cách đạo đức của hắn.

C. Kết bài

- Khẳng định hiệu quả thẩm mĩ và ý nghĩa của tác phẩm: Với những nét đặc sắc về nghệ thuật làm nổi bật nội dung chủ đề của tác phẩm, đoạn trích Đình công và nổi dậy đã khắc họa được mâu thuẫn không thể điều hòa trong xã hội giữa giai cấp tư bản bóc lột và người lao động, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức, nhân cách của con người trước cám dỗ của đồng tiền.

- Liên hệ bản thân: Những thông điệp mà tác giả gửi gắm qua đoạn trích khiến em và chắc hẳn rất nhiều người phải suy nghĩ, trăn trở. Mỗi chúng ta hãy sống một cách trong sạch, giữ vững được nhân cách, đừng để bị tha hóa, đừng để bị đồng tiền điều khiển.

2. Viết bài văn phân tích vở kịch Kim tiền

Vi Huyền Đắc là nhà văn, nhà giáo, nhà biên khảo, nhà soạn kịch tài năng. Kịch của ông đề cao chân thiện mỹ, ca tụng đạo đức, đề cao ý chí nghị lực con người, bênh vực tầng lớp dân nghèo, phu thợ lầm than bị chủ bóc lột, đòi sự công bằng, đạo lý. Kim tiền là vở kịch nổi tiếng nhất của ông, được đăng trên báo Ngày nay từ số 99 đến số 107 và được diễn lần đầu tại Nhà hát Tây Hải Phòng năm 1938. Tác phẩm là thể nghiệm bi kịch đầu tiên của các nhà viết kịch Việt Nam, đặt nền móng cho thể loại bi kịch và sự thành công của các tác phẩm thuộc thể loại này. Đoạn trích Đình công và nổi dậy thuộc đoạn thứ bốn của vở kịch, kể về cuộc đấu tranh của công nhân dưới sự áp bức bóc lột nặng nề của ông chủ mỏ Trần Thiết Chung. Qua đoạn trích, ta thấy được thông điệp của tác giả muốn gửi đến người đọc, đó là hãy giữ được bản tính, phẩm giá của mình, đừng chạy theo đồng tiền và bị nó cám dỗ, tha hóa.

Kim tiền kể về Trần Thiết Chung, người vốn là một văn sĩ, sống thanh bần, quyết không để tiền bạc, vật chất chi phối, “không dấn thân vào những chỗ hôi tanh, u ám”. Ông đã từng định đốt tờ ngân phiếu ghi số tiền lớn mà ông nhà giàu Cự Lợi biếu vì Cự Lợi muốn nhờ ông ủng hộ trong vận động dân cử, dân biểu. Nhưng rồi vì phải chiều theo ý vợ và hiểu ra “ta cũng giống như muôn nghìn người khác, ta không thể thoát li ra ngoài cái vòng tôi mọi của đồng tiền được”, Trần Thiết Chung đã dần thay đổi. Từ một văn sĩ thanh liêm, nghèo khó nhưng giàu lòng tự trọng; ông trở thành nhà đại tư bản Trần Thiết Chung. Có nhiều tiền, ông khai thác mỏ, xây biệt thự, lấy thêm vợ… Trong khi đó, người con trai cả tên Bích chỉ biết ăn chơi, vì tiền mà mâu thuẫn ngày càng trở nên căng thẳng với cha và gia đình. Do hám lời, gia đình chủ mỏ Trần Thiết Chung đã ra sức bóc lột người lao động dẫn tới kết cục bi thảm…

Đoạn trích Đình công và nổi dậy thuộc đoạn thứ bốn của vở kịch kể về cuộc đấu tranh của cu-li mỏ Tiêu Giao do sự áp bức bóc lột nặng nề của ông chủ mỏ Trần Thiết Chung. Diễn biến đầy gay cấn của cuộc nổi dậy được miêu tả rõ qua từng chi tiết. Kết cục, ông chủ mỏ đã chết, vợ và con ông Chung đang tranh nhau chìa khóa mở két tiền thì những người cu-li nổi dậy đã ùa vào. Màn hạ, để lại dư âm đầy đau xót về sự tha hóa của con người trước đồng tiền. Đồng tiền đã biến con người thành kẻ độc ác, bất chấp tình nghĩa và đạo lí làm người.

Cuộc đình công và nổi dậy của cu – li mỏ được tái hiện trong đoạn trích đã thể hiện mâu thuẫn không thể giải quyết giữa gia đình ông Chung với những cu-li lao động ở mỏ. Diễn biến của cuộc nổi dậy và mâu thuẫn này được thể hiện qua miêu tả của tác giả ở thái độ, lời nói, hành động của ông Chung và những người lao động trong vai “tiếng ở dưới đường”. Ông Chung là chủ mỏ Tiêu Giao, có thái độ rất coi thường người lao động và cuộc nổi dậy “không sợ… cửa sổ toàn bằng gỗ lim nạm sắt, chúng nó có phá được còn khó…”. Khi phát hiện phu mỏ đình công, đang tiến dần tới dinh thự; ông đã gọi tê-lê-phôn cho quan đồn để xin điều lính có súng xuống trợ giúp dẹp cuộc nổi dậy, đàn áp người lao động; tự tin an ủi vợ “Mình không ngại, thế nào họ cũng đến kịp... Dầu chúng nó có gậy gộc, cuốc xẻng cũng không sao đến gần mình được…. Mình đừng ngại”. Ông không sợ hãi khi đối mặt với người lao động, bỏ qua sự can ngăn của vợ vì không cho rằng họ dám làm gì nguy hiểm hơn: “Ô hay, sợ cái gì… Mình cứ để tôi ra xem chúng nó nói gì… Có súng đây, sợ gì”. Khi điều đình với người lao động, vẫn giữ thái độ bề trên, coi thường; lời lẽ đanh thép, trịch thượng, không nhận ra sai lầm của mình, quát “Các anh đừng có nói bậy…” và không thừa nhận “bỏ các anh em chết đói”.

Không những thế, ông còn đổ tội cho người lao động:” Nếu các anh đi làm ăn cẩn thận, có ngày nào không phát gạo, phát hàng” chứ không nhận ra việc phát gạo phát hàng thối mốc không thể ăn được là lỗi của mình. Ông ta đe dọa họ: “Lần này là lần cuối cùng, tôi ra lệnh cho các anh, ai phải về trại ấy ngay lập tức” và “Nếu ai không nghe lời, còn đứng lảng vảng ở ngoài đường, lính ở đồn xuống ngay bây giờ, tôi sẽ hạ lệnh bắn về tội phiến loạn”.

Trái ngược với ông Chung, những người lao động – vai “tiếng ở dưới đường” là những người cùng khổ, bán sức lao động để kiếm miếng cơm nhưng do bị bóc lột quá tàn tệ đến mức không chịu được nên mới đình công và bảo nhau nổi dậy để thay đổi hoàn cảnh. Họ hỏi ông Chung đầy thống thiết: “Ông chủ đem anh em chúng tôi ra đất rừng rú này… rồi bỏ chúng tôi chết đói hay sao?” Họ lí giải nguyên nhân mình đình công là do “ông phát gạo kém, gạo xấu, không ăn được, cá mắm thối” – hoàn cảnh sinh hoạt quá kham khổ, thiếu thốn, không đảm bảo yêu cầu cơ bản về thức ăn. Khi kêu ca do phải nhận gạo xấu, cá mắm thối thì “cai lại đánh đập chúng tôi”… Họ bị đàn áp cả về mặt thân thể và tinh thần, đến mức phải thốt lên rằng “Ông hành hạ chúng tôi quá…”, “Ông chỉ biết ăn no, ông bỏ chúng tôi chết đói à? Ông ác nghiệt quá… Ông chủ… Ông ác nghiệt quá…” Khi bị ông Chung đe dọa cho quân lính bắn, họ không chịu nổi nên càng phản kháng và dẫn đến cái chết của chủ mỏ.

Có thể nói, mâu thuẫn của những người cu-li mỏ với gia đình ông Chung là mâu thuẫn muôn đời giữa người lao động và tư bản, một bên là áp bức, bóc lột tàn tệ và một bên là khổ sở, bị vắt kiệt sức lao động mà không được đảm bảo các điều kiện làm việc tối thiểu. Nhân vật ông Chung đại diện cho những người có chức, có quyền trong xã hội, giàu có nhưng lại bóc lột sức lao động của công nhân. Người lao động đại diện cho những người đấu tranh đòi lại công bằng, tự do. Mâu thuẫn giữa họ là không thể điều hòa được do quan điểm, lợi ích của hai tầng lớp khác biệt với nhau. Tác giả đã thể hiện mâu thuẫn này một cách rõ nét qua các chi tiết diễn biến đầy căng thẳng của cuộc nổi dậy.

Bên cạnh việc tái hiện mâu thuẫn giữa hai giai cấp, đoạn trích còn thể hiện bi kịch tha hóa đạo đức của con người trước sức cám dỗ của đồng tiền. Điều này thể hiện rõ nét qua gia đình ông Chung. Ông Chung là một ông chủ mỏ, có cuộc sống giàu có, sung sướng: thể hiện ở việc trang phục “bộ pi-ja-ma” và “áo dài trắng” của ông và vợ; thói quen nghỉ trưa hàng ngày và dinh thự có cửa “toàn là gỗ lim” của ông. Thế nhưng, sự sung sướng đó của ông được làm nên từ mồ hôi, nước mắt, công sức của biết bao người phu mỏ. Ông là chủ mỏ nhưng không đảm bảo nổi những yêu cầu cơ bản nhất của người làm việc cho mình, đó là được ăn no mà ông vì đồng tiền của bản thân mà bóc lột họ một cách tàn tệ. Ông vì đồng tiền mà“phát gạo kém, gạo xấu, không ăn được, cá mắm thối…” cho người lao động, khiến họ bị đói không có sức đi làm; huống hồ công việc khai thác ở mỏ lại vô cùng vất vả và cần sức lực. Ông đã không còn có được đạo đức cơ bản của người làm chủ, mà đã bị mờ mắt bởi lợi ích, bởi đồng tiền. Ông vì đồng tiền, vì lợi ích bản thân mà đàn áp, cai trị bằng bạo lực: ông “ác nghiệt”, “hành hạ” người lao động, để cai đánh đập họ. Khi xảy ra đình công, nổi dậy thì ông ngay lập tức gọi điện cho quan đồn xin lính có vũ khí xuống để đàn áp họ.

Nhân vật bà Ba, vợ ông Chung xuất hiện trong đoạn trích chủ yếu ở những cảnh thể hiện thái độ lo lắng, sốt ruột cho an toàn của bản thân trước cuộc nổi dậy của phu mỏ. Nhưng trong phần cuối đoạn trích, tác giả đã cho thấy sự tha hóa về mặt đạo đức, sự tham lam của người đàn bà này. Ngay khi ông Chung bị bắn, bà vẫn thể hiện sự lo lắng, sốt ruột; nhưng sau khi kêu khóc và “mặt ngơ ngác như hóa điên” thì bà lại không tiếp tục tìm cách cứu chồng mà “thò tay móc túi ông túi bên phải, túi bên trái, rồi bà rút ra một chùm chìa khóa. Bà đi ra tủ két tìm chìa khóa cho vào lỗ khóa” nhằm tìm tài sản, phục vụ cho bản thân.

Nhân vật cả Bích chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong cảnh cuối, cũng không có lời thoại nào, nhưng lại thể hiện một cách rõ nét nhất sự tha hóa về mặt nhân cách đạo đức của con người. Hắn là con nhưng không hề lo lắng cho an toàn của cha mẹ, thậm chí khi nhảy từ cửa sổ vào, thấy cha chết cũng điềm nhiên như không mà chỉ “đứng nhìn các phía rồi chạy xông lại phía tủ két”. Quá đáng hơn, hắn “nhảy xổ vào giơ hai tay bóp cổ” rồi “đẩy bà Ba ngã ra đấy, rồi ra tủ két mở tủ”. Hành động bất hiếu, bất nhân của cả Bích là đỉnh điểm của sự tha hóa nhân cách do mờ mắt bởi lợi ích của đồng tiền.

Qua ba nhân vật trong gia đình ông Chung, tác giả đã khắc họa rõ nét sự biến chất, tha hóa về mặt đạo đức, nhân cách con người của những nhân vật này. Họ đã bị che mắt bởi cám dỗ của đồng tiền mà sẵn sàng bán rẻ lương tâm, đánh mất những đạo nghĩa cơ bản nhất của con người.

Không chỉ hấp dẫn người đọc bởi thông điệp giàu ý nghĩa, đoạn trích còn thu hút người đọc bởi những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật. Trước hết, tác giả đã xây dựng xung đột kịch gay gắt thể hiện nội dung chủ đề của đoạn trích. Tác giả tạo ra xung đột trong hai tuyến nhân vật, giữa một bên là gia đình ông chủ Chung và một bên là người lao động. Xung đột của hai tuyến nhân vật này là xung đột về mặt lợi ích, không thể điều hòa do khác biệt về quan điểm. Đồng thời, tác giả tạo xung đột tâm lí để cho các nhân vật trải qua các thử thách về tâm lí, đạo đức: ông Chung khi nghe phản ánh sự “ác nghiệt” của mình, việc phát gạo mốc, cá mắm thối… của mình sẽ xử lí thế nào? Bà Ba trước cái chết của chồng và việc tìm tài sản duy trì lợi ích bản thân thì chọn lựa thế nào? Cả Bích xử sự ra sao? Đó chính là những xung đột tâm lí trong nội tâm nhân vật, và lựa chọn của họ đã cho thấy rõ tính cách, phẩm chất của họ. Đặc biệt, tác giả còn đưa nhân vật vào trong tình huống khó khăn buộc phải đối đầu thông qua các lời chỉ dẫn sân khấu và lời thoại nhân vật làm tăng sự căng thẳng cho người đọc: việc người lao động đốt nhà kho, lời nói thảng thốt của loong toong, lời dẫn về mức độ căng thẳng của cuộc nổi dậy…

Ngôn ngữ là yếu tố vô cùng quan trọng trong thể loại kịch, vì kịch chỉ có số ít lời dẫn sân khấu, còn lại đều tập trung vào ngôn ngữ nói của nhân vật. Tác giả đã dụng tâm trong việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại đặc sắc, làm nổi bật lên tính cách của nhân vật và mâu thuẫn, xung đột trong vở kịch. Những màn đối thoại, độc thoại trong đoạn trích được sáng tạo sắc nét không những giúp nhân vật bộc lộ suy nghĩ, tính cách mà còn giúp người đọc hiểu được những suy ngẫm triết lý sâu sắc được gửi gắm. Lời thoại của mỗi tuyến nhân vật đều thể hiện được suy nghĩ, tình cảm của nhân vật: nhân vật ông Chung với lời thoại thể hiện sự coi thường người lao động, bà Ba với sự sốt ruột luống cuống khi lo cho ích lợi bản thân, người lao động thể hiện sự uất ức, dồn nén…

Bên cạnh đó, đoạn trích còn có những nét đặc sắc nghệ thuật khác, thể hiện tài năng của tác giả. Đó là lời chỉ dẫn sân khấu và hành động kịch. So với các tác phẩm kịch thì trong đoạn trích xuất hiện khá nhiều lời chỉ dẫn sân khấu, miêu tả cặn kẽ tâm lí và hành động của các nhân vật, thể hiện diễn biến căng thẳng của cuộc nổi dậy. Từ việc miêu tả tiếng ồn ào từ xa đến gần thể hiện được bước tiến của những người cu – li mỏ; miêu tả nét mặt của ông Chung, bà Ba thể hiện sự lo lắng, luống cuống và ngày càng sốt ruột hay hành động vội vã của người loong toong, hành động của cả Bích cuối đoạn trích… đều khắc họa rõ nét từng sự thay đổi nhỏ nhất của diễn biến đoạn trích… Tác giả cũng dùng các hành động kịch để thể hiện rõ tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Hành động của ông Chung: gọi điện xin lính đàn áp, an ủi vợ, lấy súng, ra cửa sổ, đối chất với phu mỏ, đe dọa phu mỏ… thể hiện sự coi thường người lao động, khinh miệt họ đến tận cùng. Hành động lục lọi túi khi chồng chết của bà Ba để lấy chìa khóa tìm tài sản cho thấy sự ích kỉ, khắc bạc của bà ta. Hành động bóp cổ mẹ, đẩy ngã và chiếm chìa khóa của cả Bích thể hiện sự mất nhân cách đạo đức của hắn.

Với những nét đặc sắc về nghệ thuật làm nổi bật nội dung chủ đề của tác phẩm, đoạn trích Đình công và nổi dậy đã khắc họa được mâu thuẫn không thể điều hòa trong xã hội giữa giai cấp tư bản bóc lột và người lao động, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức, nhân cách của con người trước cám dỗ của đồng tiền. Những thông điệp mà tác giả gửi gắm qua đoạn trích khiến em và chắc hẳn rất nhiều người phải suy nghĩ, trăn trở. Mỗi chúng ta hãy sống một cách trong sạch, giữ vững được nhân cách, đừng để bị tha hóa, đừng để bị đồng tiền điều khiển.

3.  Đoạn trích Đình công và nổi dậy (Trích Kim tiền - Vi Huyền Đắc)

Ngày hôm sau, vẫn cảnh đoạn ba, nhưng cả buồng giấy có vẻ lộn xộn. Lúc ấy vào giữa buổi trưa.

Kéo màn lên, sân khấu không có người. Bỗng có tiếng nói léo xéo, tiếng giày chạy thình thịch lên cầu thang, rồi cửa phía buồng kế toán mở bung ra. Người loong toong mặt cắt không ra một hột máu, hơt hơ hớt hải chạy vào, nhìn về phía bàn giấy không có ai, liền chạy thẳng đến cửa buồng ăn thông vào tư thất của ông Chung.

Loong toong: - Cụ chủ! Cụ chủ! Cụ chủ!

Có tiếng giày ở trong buồng, rồi cửa buồng mở ra. Ông Chung ra. Bà Ba theo sau. Hai ông bà cơ chừng đương ngủ trưa nên còn mặc quần áo ngủ cả. Ông mặc bộ pi-gia-ma. Bà mặc áo dài trắng, vừa ra vừa vấn tóc.

Ông Chung: - Cái gì? Làm sao? Cái gì?

Loong toong: - Bẩm… bẩm… thưa cụ, cu li nổi loạn, đương kéo nhau đến phá nhà… nhà… kho.

Ông Chung cau mặt. Ông nghĩ một tí rồi quay lại chỗ cửa lát kính. Bà Ba cũng theo sau và đứng nấp ở đằng sau lưng ông. Xa xa có tiếng hò reo, lúc rõ, lúc không rõ, tùy theo gió thổi.

Ông Chung: - Không sợ… cửa sổ toàn bằng gỗ lim nạm sắt, chúng nó có phá được còn khó…

Bà Ba: (Bủn rủn luống cuống) – Mình ơi, bây giờ làm thế nào hở mình?

Ông Chung: Không ngại!... Ta phải gọi tê-lê-phôn báo đồn… đồn cho lính xuống.

Bà Ba: Ngộ đồn người ta không xuống thì làm thế nào?

Ông Chung: - Mình nói dở, sao đồn lại không xuống. Bổn phận của họ là phải bênh vực tính mệnh, tài sản cho mình chứ… Có sợ chỉ sợ họ không xuống kịp… thôi… (Ông nói rồi lại bàn nhấc máy nói gọi) A lô! A lô! Ông làm ơn cho tôi gặp quan đồn… Vâng, quan đồn… Ông chủ mỏ Tiêu Giao cần lắm… ông gọi ngay cho.

Bà Ba: - Chết! Nếu không kịp thì chết! Mình ơi, hay ta xuống lấy ô tô mà đi… đi… khỏi chỗ này đã…

Ông Chung: (Vẫn nghe tê-lê-phôn, hình như có tiếng trả lời, ông xua tay bảo bà im)

– A lô! A lô! Đội trưởng Đội lính khố xanh… A lô! A lô!... Thế nào? Quan đi vắng à… đi đâu? Thôi không cần… ai nói đấy?... À, ông phán Lương? Xin chào ông Lương… Tôi đây… tôi là ông Chung, chủ mỏ Tiêu Giao đây… Vâng… cu-li ở mỏ tôi nó nổi loạn… Nó đương kéo nhau phá nhà kho… Vâng… nguy cấp vô cùng, quan đi vắng thì ông cứ cho ngay ông quản đem ngay lính lại dẹp bọn cu-li giúp tôi… Vâng, nếu chờ quan thì chậm quá… có thể nguy hiểm đến tính mệnh chúng tôi mất… Vâng, ông giúp chúng tôi, không bao giờ chúng tôi dám quên ơn. Vâng… hai chục người mới được… A lô! A lô! A lô!... (Trong khi ông nói tê-lê-phôn, tiếng ồn ào càng ngày càng to hơn, bà Ba nhìn ông rồi lại nhìn ra cửa).

Bà Ba: (Đương nhìn qua cửa sổ bỗng kêu rú lên) – Mình ơi, nó kéo đổ cột dây thép… mình gọi mau lên, đổ rồi!

Trong này, ông cũng vừa bỏ máy nói xuống.

Ông Chung:… Cắt!... (Ngửng lên) May quá… tôi nói vừa xong, bây giờ có đứt cũng không cần. Lính ở đồn đến bây giờ, không sợ.

Bà Ba: - Mình ạ, họ có đi ô tô cũng phải mất non một giờ đồng hồ, còn phải qua phà.

Ông Chung: - Đến thế thật… một giờ là nhanh… Trong khi đợi ta phải thủ thế mới được… À quên. (Quay lại chỉ người loong toong) Nhà dưới đã đóng cửa chưa?

Loong toong: - Bẩm, đóng rồi ạ, nhưng con mới cài qua cái then thôi…

Bà Ba: - Anh xuống ngay chận cả cái dóng vào… Mau lên.

Loong toong: - Vâng, vâng.

Nói rồi tất tả chạy ra lối cửa buồng kế toán, ông Chung gọi giật anh ta lại.

Ông Chung: - Này, này! Anh kéo thêm bàn ghế mà chận thêm vào nữa, nghe không! Mau lên!... Mau lên!

Người loong toong mở vội cửa đâm đầu chạy đi.

Bà Ba: - Mình ơi, tôi sốt ruột quá! (Mặt bà cau lại, bà xoắn hai bàn tay lại với nhau ra dáng hết sức nóng nảy, lo sợ) Biết bao giờ lính mới đến… Họ không đến kịp thì làm thế nào, mình?

Ông Chung: - Mình không ngại, thế nào họ cũng đến kịp… Họ đến bây giờ đấy mà… (Ông nói rồi lại bàn giấy, kéo ngăn kéo, lấy ra một khẩu súng lục và giơ ra) Ta có khẩu súng này thì còn sợ gì… Dẫu chúng nó có gậy gộc, cuốc xẻng cũng không sao đến gần mình được… Mình đừng ngại.

Tiếng ồn ào bỗng đưa lại rõ hơn. Ông đứng dậy, quay đầu nhìn ra phía cửa sổ. Bà cũng nhìn theo. Hình như bọn phu đã bỏ cái nhà kho và kéo lại đằng này.

Bà Ba: (Bỗng kêu to lên) – Mình ơi! Khói! Khói ở đằng nhà kho… Thôi chết rồi, chúng nó đốt nhà kho, mình ơi! Quân nó to gan thật… Ra nó làm giặc rồi còn gì.

Tiếng ở dưới đường: - Anh em ơi! Lại cả đây! Cửa sổ mở… Lại cả đây… Ông chủ đâu… ra cho anh em chúng tôi nói chuyện.

Ông Chung chực đi ra phía cửa sổ, nhưng bà níu ông lại.

Bà Ba: - Mình ra đấy làm gì… Không, tôi van mình, mình đừng ra…

Ông Chung: - Ô hay, sợ cái gì… Mình cứ để tôi ra xem chúng nó nói gì… Có súng đây, sợ gì…

Ông nói rồi giằng tay bà đi ra chỗ cửa sổ, để khẩu súng lục một bên, chống hai tay thẳng ra, ghé đầu ra ngoài nhìn xuống. Bà Ba đứng nép ở một bên cửa sổ. Tiếng ồn ào lại nổi lên.

Tiếng ở dưới đường: - Im! Im! Im!... Có người ra cửa sổ… Ông chủ!... A…a…a… ông chủ! Im… Im… để mà nói… Anh em hãy im đi!... Để nói… Im!... Im!... Ông chủ đem anh em chúng tôi ra đất rừng rú này… rồi bỏ chúng tôi chết đói hay sao?

Ông Chung: - Các anh đừng có nói bậy… Ai bỏ các anh em chết đói? Nếu các anh đi làm ăn cẩn thận, có ngày nào không phát gạo, phát hàng. Tại các anh không muốn làm nữa nên tôi bắt buộc phải làm như vậy. Công việc của tôi không phải chuyện chơi. Các anh không có phép được tự ý muốn làm lúc nào thì làm, muốn bỏ lúc nào thì bỏ… Các anh đình công là các anh dại. Rồi các anh xem, còn có quan trị, quan nhậm, tôi sẽ dùng pháp luật trị cái tội bỏ công việc của các anh…

Tiếng ở dưới đường: - Anh em chúng tôi phải đình công là vì ông phát gạo kém, gạo xấu, không ăn được, cá mắm thối… Chúng tôi kêu thì cai lại đánh đập chúng tôi… Ông là ông chủ làm gì cũng được, nhưng ông cũng phải thương đến những kẻ nghèo khó, hai sương một nắng đổi bát mồ hôi lấy bát cơm… Ông hành hạ chúng tôi quá… […] Đói thì không đi làm được… (Lại ồn ào) Ông chỉ biết ăn no, ông bỏ chúng tôi chết đói à? Ông ác nghiệt quá… Ông chủ… Ông ác nghiệt quá…

Ông Chung: - Các anh phải đói là vì các anh đình công, bỗng dưng, chẳng ai để các anh đói… Lần này là lần cuối cùng, tôi ra lệnh cho các anh, ai phải về trại ấy ngay lập tức, rồi tôi sẽ liệu… Nếu ai không nghe lời, còn đứng lảng vảng ở ngoài đường, lính ở đồn xuống ngay bây giờ, tôi sẽ hạ lệnh bắn về tội phiến loạn…

Tiếng ở dưới đường: (Lại ồn ào hơn trước) – Anh em ơi! Ông ấy gọi lính về để bắn chết anh em… Bắn thì bắn… không sợ… Có giỏi cứ bắn chết cả đi xem nào… Anh em ơi! Đừng đợi lính đến, phá, phá cái nhà này đi cho ông… Phá… đốt… phá!

Rồi ở trong những tiếng ồn ào bỗng có tiếng nổ to hơn. Dứt tiếng nổ thì thấy ông Chung giơ tay phải bưng lấy trán, còn tay trái, ông vịn vào vai bà Ba. Bà nhìn lên thấy máu ở trán ông chảy ròng ròng xuống tay ông thì kêu rú lên.

Bà Ba: Ôi giời ơi, nó bắn chết chồng tôi rồi… (Bà vừa kêu vừa khóc, vừa dìu ông, đỡ ông ngồi xuống ghế. Ông vừa ngồi xuống ghế xong thì xoài tay ra, gục đầu xuống bàn, bất tỉnh nhân sự. Bà cuống quýt, rờ vào chỗ vết thương, ngước mắt nhìn quanh quẩn để cầu cứu nhưng không thấy ai. Bà lại lay ông) Ông ơi! Ông ơi! Ông ơi! Ới ông ơi! (Ông nấc lên một cái rồi xoài hẳn người ra, một tay buông thõng xuống. Bà ôm chặt lấy ông, mặt ngơ ngác như hóa điên) Ới giời ơi! Giời đất ơi! Chồng tôi chết rồi! Có ai cứu chúng tôi… Ới giời ơi (Bà rờ trán ông, rồi lại rờ tay ông. Bà chạy đi, chạy lại, rồi lại đứng dừng lại, ngẫm nghĩ một lát. Sau vụt đến bên ông, thò tay móc túi ông túi bên phải, túi bên trái, rồi bà rút ra một chùm chìa khóa. Bà đi ra tủ két tìm chìa khóa cho vào lỗ khóa. Ngay lúc bấy giờ, cái cửa kính phía tay phải bỗng bật tung ra, kính vỡ rơi loảng xoảng. Bà giật mình, dừng tay nhìn ra. Một người đàn ông bận đồ Tây nhảy xuống sàn. Người ấy đứng nhìn các phía rồi chạy xông lại phía tủ két. Bà Ba hình như đã nhìn rõ người đàn ông nên kêu rú lên) Cả Bích! Mày… (thì vừa bị người đàn ông nhảy xổ vào giơ hai tay bóp cổ […] Cả Bích, vì chính người đàn ông ấy là cả Bích, đẩy bà Ba ngã ra đấy, rồi ra tủ két mở tủ. Cả Bích vừa xoay cái chìa thì có tiếng rầm rộ ở buồng kế toán. Cửa bị phá tung ra. Kẻ xẻng, người cuốc, kẻ dao, người gậy ùa vào). […]

Màn hạ thật nhanh.

(Kim tiền, in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 24, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000)

Đánh giá bài viết
1 20
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm