Soạn bài Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi trang 59

Soạn văn 9 KNTT tập 1 bài Nói và nghe trang 59

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) là nội dung bài Nói và nghe trang 59 Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức. Thông qua bài học này các em sẽ nhận biết được yêu cầu của hoạt động thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học). Sau đây là gợi ý soạn bài Nói và nghe trang 59 Ngữ văn 9 tập 1 KNTT, mời các bạn cùng tham khảo.

I. Một số lưu ý khi thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống

- Thực hiện đúng những quy định trong thảo luận: nguyên tắc luân phiên lượt lời, tập trung vào vấn đề thảo luận, đảm bảo quy định về thời gian, tuân thủ sự điều hành của người chủ trì.

- Tham gia đóng góp ý kiến trong việc thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm hoặc một nhiệm vụ mà nhóm, lớp phải thực hiện.

- Nghe và tóm tắt được nội dung thuyết trình của người khác.

- Nắm bắt được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi, thảo luận và trình bày lại được nội dung đó.

II. Tiến hành thảo luận

1. Trước khi thảo luận

Kết quả chuẩn bị trước khi thảo luận của HS.

2. Thảo luận

– Người chủ trì nêu đề tài thảo luận và điều phối việc phát biểu ý kiến của các thành viên tham gia thảo luận.

– Người phát biểu cần tập trung vào trọng tâm của vấn đề và thể hiện rõ quan điểm của cá nhân. Các thành viên còn lại theo dõi để nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi và trình bày lại được nội dung đó (nếu được yêu cầu). Các khía cạnh của vấn đề phải được thảo luận thấu đáo, bàn luận từ nhiều góc nhìn khác nhau, có liên hệ với các chi tiết, nhân vật, vấn đề được đặt ra trong tác phẩm văn học được chọn. Người phát biểu sau cần nắm rõ ý kiến của người phát biểu trước đó, thể hiện thái độ tán thành hay phản đối ý kiến ấy.

- Người chủ trì theo dõi, tổng hợp các ý kiến để đưa ra kết luận. Có thể khẳng định những điểm đồng thuận của các ý kiến hoặc những khía cạnh còn tồn tại các quan điểm khác nhau.

3. Đánh giá

- Kết quả đánh giá của HS sau khi thảo luận.

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi lớp 9 trang 59

Đề tài người lính là đề tài tốn nhiều giấy mực của các nhà văn nhà thơ thời kì kháng chiến chống giặc cứu nước. Có người vẽ lên cuộc sống vất vả, sự hy sinh anh dũng nơi chiến trường của các chiến sĩ, có người vẽ lên vẻ đẹp oai hùng, uy nghi cùng với tinh thần lạc quan… Nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Vậy hình ảnh người lính được thể hiện như thế nào trong thơ văn kháng chiến, cụ thể là qua bài thơ Đồng chí, xin mời thầy cô và các bạn cùng lắng nghe và trao đổi.

Hình ảnh người lính trước hết được thể hiện ở xuất thân và lí tưởng sống cao đẹp. Người lính cụ Hồ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể là những người lao động nghèo khổ “Quê hương anh đất mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Đồng Chí – Chính Hữu), hoặc là những chàng thanh niên trẻ tuổi vô tư “chưa một lần yêu/ còn mê thả diều” (Đồng dao mùa xuân- Nguyễn Khoa Điềm)… Dù xuất thân ở hoàn cảnh nào thì ở họ đều có chung một lí tưởng cao đẹp sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân mặc áo lính gan dạ dũng cảm “tỳ tay trên mũi súng” (Cá nước – Tố Hữu), các anh dẻo dai bền bỉ hành quân vượt qua “trăm suối ngàn khe”, vượt suốt, trèo đèo trong cảnh “ngày nắng đốt” chói chang, những “đêm mưa dầm dề, gió buốt chân tay” quanh năm suốt tháng. Không một khó khăn, trở lực ngăn được bước tiến của anh:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới”.

Bên cạnh đó, hình ảnh người lính còn được thể hiện ở hoàn cảnh sống và chiến đấu thiếu thốn, khắc nghiệt. Người lính chiến đấu ở những nơi rừng núi âm u rậm rạp “đêm nay rừng hoang sương muối” (Chính Hữu), “bụi phun tóc trắng”, “mưa xối xả”… Cuộc chiến đấu diễn ra trong mọi hoàn cảnh: trong đêm đông lạnh buốt, hay nắng lửa mưa ngàn, nơi chiến trường ác liệt. Người lính phải gắng vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt mà cuộc sống chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, thiếu thốn và cả sự khốc liệt của chiến tranh: những cơn sốt rét rừng hành hạ, ốm đau thiếu thuốc men, bom đạn rình rập đe dọa sự sống, cuộc chiến tranh khốc liệt, hiểm nguy mà những người lính phải đối mặt “áo rách, quần có vài mảnh vá, chân không giày” (Phạm Tiến Duật). Bằng những hình ảnh chân thực, sống động, những nét vẽ không màu. Thơ ca đã gieo vào lòng người đọc những xúc động lắng sâu về hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, thử thách, của những người lính cách mạng- những anh bộ đội cụ Hồ. Đất nước gian lao, cuộc đời người lính cách mạng cũng đầy khó khăn thử thách. Người lính đã vượt lên, chiến thắng mọi hoàn cảnh để chiến thắng được kẻ thù .

Và cuối cùng, hình ảnh người lính hiện lên là những con người yêu nước với những phẩm chất tốt đẹp: giàu lòng yêu nước, kiên cường, lạc quan yêu đời. Những người lính ra đi từ mọi miền quê của đất nước, họ gác lại những tình cảm, ước mơ riêng, những khát khao tuổi trẻ băng qua bom đạn, vượt qua mọi khó khăn, để tiến về phía trước. Quyết tâm ra đi chiến đấu để bảo vệ độc lập cho quê hương cho Tổ quốc. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc và vô cùng vĩ đại của những người lính mang tên gọi vô cùng giản dị mà thân thương: Bộ đội cụ Hồ. Những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Mọi khó khăn gian khổ, bom đạn của kẻ thù lùi lại phía sau bởi ở họ có một lòng yêu nước sâu sắc, một lý tưởng cao đẹp “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Với tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc thân yêu”. Trong gian nan thử thách, tình đồng đội càng tỏa sáng, trong chiến đấu gian khổ, đồng đội là nguồn động viên là cánh tay dìu đỡ, là người chia lửa khi giáp mặt quân thù “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đồng thời đó cũng là động lực giúp người lính vượt qua tất cả để hoàn thành lý tưởng cao cả của mình. Dù hoàn cảnh chiến đấu còn đầy những cam go, thử thách, vẻ đẹp phẩm chất cách mạng của người lính vẫn rạng ngời tỏa sáng. Họ chính là những bài ca đi cùng năm tháng, bất tử với thời gian.

Hãy thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………… học sinh lớp ………

Chúng ta đã quá quen thuộc với cảnh học đường phong phú và đa dạng. Nơi đó, chúng ta thấy cuộc sống vui vẻ, hồn nhiên của tuổi học trò nhưng cũng không ít khía cạnh tiêu cực, đặc biệt là vấn đề bắt nạt. Vậy khi bị bắt nạt chúng ta cần phải có cách hành xử như thế nào?

Trước hết, hãy cùng nhau hiểu rõ hơn về khái niệm “tệ nạn bắt nạt”. Bắt nạt không chỉ là hành vi bạo lực hoặc phi bạo lực, mà còn ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần của một cá nhân. Tệ nạn này đã và đang gây ra nhiều tổn thương cho nạn nhân: từ tổn thương cơ thể đến những vết sẹo tâm hồn không thể xóa nhòa. Thường nghĩ rằng những người bị bắt nạt là những người lập dị, yếu đuối, nhưng thực tế không phải như vậy. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân, dù là người bình thường hay nổi bật. Đây thực sự là một vấn đề dai dẳng và khó giải quyết.

Vậy tại sao vấn nạn này vẫn còn tồn tại lâu như vậy? Nguyên nhân chính đến từ tâm lý lệch lạc của những kẻ bắt nạt. Đó là những cá nhân nổi loạn, phản đối xã hội, muốn thu hút sự chú ý bằng mọi cách. Ngoài ra, nạn nhân thường do lo sợ trả thù mà không dám phản kháng. Một số người biết chuyện nhưng chọn lựa im lặng, ngó lơ. Nhà trường lo sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, các bạn học lo sợ rủi ro cho bản thân, dẫn đến tình trạng cô đơn của nạn nhân.

Thực tế cho thấy, hiện tượng bắt nạt trong học đường diễn ra phổ biến, đa dạng. Hậu quả của nó là đáng tiếc: trẻ em rơi vào tình trạng cô lập, xa lánh xã hội, thậm chí từ bỏ cuộc sống vì sự châm chọc, chế giễu từ bạn bè. Điều này gây ra đau đớn cho các gia đình và suy giảm đạo đức xã hội.

Làm thế nào để loại bỏ sự tiêu cực đó khỏi xã hội? Đầu tiên, chúng ta cần bắt đầu từ việc dạy dỗ, rèn dũa ngay từ gia đình. Cách mà trẻ em được đối xử sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tâm lý và hành vi của họ trong tương lai. Sau đó, nhà trường và cộng đồng cần thiết lập các biện pháp răn đe, trừng phạt mạnh mẽ. Tình đoàn kết, yêu thương giữa bạn bè cũng rất quan trọng để ngăn chặn bạo lực học đường. Hãy học cách lan tỏa tình yêu thương, bạn nhé!

Tóm lại, vấn nạn bắt nạt trong trường học gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng đến cá nhân, cộng đồng. Chúng ta cần đứng lên bảo vệ bản thân và những người xung quanh, xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh.

Trên đây là phần trình bày của tôi thảo luận về vấn đề Cách hành xử phù hợp khi bị bắt nạt. Mong được sự góp ý của thầy cô và tất cả các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 23
0 Bình luận
Sắp xếp theo