Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) lớp 9 KNTT tập 1

Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) là nội dung bài học trang 104 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức. Thông qua bài học này các em sẽ nhận biết và hiểu được những yêu cầu đối với bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm truyện. Dưới đây là một số kiến thức về dạng bài viết văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học truyện lớp 9, mời các em cùng tham khảo.

Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)

1. Phân tích bài viết tham khảo Nốt nhạc trầm trên đỉnh non cao

* Bố cục của bài viết tham khảo:

- Mở bài (đoạn 1): Giới thiệu và nêu nhận xét khái quát về tác phẩm.

- Thân bài:

+ Các đoạn 2 - 6: phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm (sự cống hiến, hi sinh lặng thầm của những con người lao động bình dị).

+ Đoạn 7: Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện (nghệ thuật kể chuyện độc đáo, sáng tạo tình huống bất ngờ, nghệ thuật tạo dựng không khí truyện, ngôn ngữ tinh tế, đầy chất trữ tình, dụng ý trong cách không đặt tên nhân vật).

- Kết bài (Đoạn 8): Khẳng định giá trị và ý nghĩa của tác phẩm.

* Cách tổ chức luận điểm: rõ ràng, mạch lạc.

Có thể tổ chức theo cách khác.

- Cách sử dụng lí lẽ rất chặt chẽ, mạch lạc, bằng chứng tiêu biểu, bám sát lí lẽ và chủ đề bài viết.

- Những điều học hỏi được từ bài viết tham khảo như:

+ Cần giới thiệu được tác giả, tác phẩm và nêu nhận xét khái quát về tác phẩm.

+ Cần nêu rõ được nội dung chủ đề tác phẩm.

+ Cần phân tích được đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.

+ Cần triển khai được hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ và bằng chứng xác đáng.

+ Cần khẳng định được giá trị của tác phẩm,...

2. Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) lớp 9 trang 104

Thực hành viết theo các bước 

Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

Lựa chọn tác phẩm để viết bài văn nghị luận, chẳng hạn: Chuyện người con gái Nam Xương, một đoạn trích trong Truyện Kiều,...

b. Tìm ý:

HS tìm được các ý bằng cách trả lời các câu hỏi trong phiếu tìm ý.

c. Lập dàn ý

Dàn ý phân tích truyện Chuyện người con gái Nam Xương

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, “Chuyện người con gái Nam Xương” và số phận bi kịch của Vũ Nương.

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp của Vũ Nương

- Vũ Nương là cô gái xinh đẹp: tư dung tốt đẹp.

- Là cô gái có đức tính tốt đẹp: thùy mị, nết na.

→ Khiến chàng Trương đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ.

- Ngày chồng tòng quân: nàng đau lòng, dặn dò và mong chồng bình an trở về.

- Khi chồng ra trận: ở nhà một lòng một dạ chăm sóc con trai và chăm sóc mẹ chồng những ngày cuối đời.

→ Là người vợ hiền lành, đảm đang, đầy đủ “công - dung - ngôn - hạnh” đáng ngưỡng mộ.

→ Là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ với những phẩm hạnh tốt đẹp.

b. Số phận bi kịch của Vũ Nương

- Nguyên nhân: khi chồng bế con ra thăm mộ mẹ, đứa nhỏ đã tiết lộ bố nó đêm nào cũng đến thăm nó → Trương Sinh đem lòng nghi ngờ, ghen tuông.

- Khi Trương Sinh về nhà đã chửi mắng nàng và đuổi nàng đi mặc cho nàng van xin và thanh minh.

→ Người phụ nữ không được tự quyết định số phận của mình mà phải phụ thuộc vào người đàn ông trong gia đình. Tuy mình bị oan nhưng không được thanh minh.

- Để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình Vũ Nương đã nhảy sông tự tử.

→ Đau khổ, xót thương trước số phận bất hạnh của nàng sau những điều tốt đẹp nàng đã làm cho nhà chồng.

- Sau này, khi Trương Sinh hiểu ra oan khuất của nàng đã vô cùng đau xót nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa mà mãi ở lại nơi thủy cung. → Đây được coi là cái kết vừa có hậu vừa đoản hậu của Vũ Nương: có hậu vì cuối cùng nàng cũng được minh oan và khiến cho người làm nàng đau khổ là Trương Sinh nhận ra lỗi lầm, ân hận về lỗi lầm đó; đoản hậu vì nàng không được quay lại nhân gian để sống tiếp kiếp người, để nhận lại phúc đức sau những nghĩa cử cao đẹp nàng đã làm.

3. Kết bài

Khẳng định lại số phận của Vũ Nương và giá trị của tác phẩm.

Dàn ý phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi

* Mở bài:

- Giới thiệu truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

- Khái quát về tác phẩm: một truyện ngắn thành công trong việc khắc hoạ hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thời kì kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

* Thân bài:

- Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm:

+ Cuộc sống gian khổ, công việc nguy hiểm của ba cô gái ở trọng điểm trên tuyến đường (bằng chứng: ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, quan sát địch ném bom, đánh dấu bom chưa nổ, phá bom,...).

+ Nét riêng của ba cô gái (bằng chứng).

+ Vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của ba cô gái: gạn dạ, dũng cảm, không sợ hi sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ,... (bằng chứng: thể hiện trong một lần phá bom).

– Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm:

+ Kể chuyện theo ngôi thứ nhất (Phương Định – “tôi”) giúp cho nhân vật dễ dàng bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc.

+ Xây dựng nhân vật qua diễn biến tâm lí, hành động, lời nói, suy nghĩ,... (bằng chứng: nhân vật Phương Định).

+ Xây dựng tình huống truyện mang tính thử thách, nguy hiểm để nhân vật bộc lộ vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn (bằng chứng: tình huống phá bom).

+ Ngôn ngữ và nhịp điệu kể chuyện phù hợp với không khí khẩn trương của chiến trường (bằng chứng: các câu văn ngắn, nhịp nhanh trong truyện,...).

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

Viết bài văn nghị luận phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa

Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam viết về đề tài trẻ em. Truyện ngắn đã đem đến cho người đọc những rung động sâu sắc về tình yêu thương trong cuộc sống. Khi đọc "Gió lạnh đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam, ta không khỏi xúc động trước những mảnh đời đau khổ bế tắc.

Thạch Lam đã mở đầu chuyện bằng khung cảnh buổi sáng mùa đông. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc. Nhân vật Sơn ngủ dậy thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị… đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”.

Thế rồi khung cảnh sinh hoạt của gia đình Sơn được Thạch Lam khắc họa thật giản dị. Mẹ Sơn bảo chị Sơn bê thúng quần áo ra. Nhìn chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành, mẹ Sơn nói: “Đây là cái áo của cô Duyên đấy”. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nói, Sơn cũng “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Cái áo bông chính là kỉ vật gợi lên tình cảm mẫu tử thiêng liêng, tình anh em sâu đậm và tình thương của vú già nhân hậu.

Gia đình Sơn khá giả, chị em Sơn được mẹ chăm sóc, lo toan. Sơn được mặc cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm. Cách ăn mặc ấy đối với những đứa trẻ em nghèo ngày xưa là cả một niềm mơ ước. Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc vẫn mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn thấy Sơn và Lan, lũ trẻ con xóm chợ đều lộ vẻ “vui mừng”. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Đặc biệt nhất là khi chị Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Sơn đã “động lòng thương” và chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Chị Lan và Sơn đã bàn với nhau cho cái Hiên chiếc áo bông cũ. Sau đó, Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Sơn yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo cũ mà chị em Sơn đem cho cái Hiên chứa đựng biết bao tình người, thể hiện tình cảm san sẻ của một đứa trẻ có một trái tim giàu tình yêu thương. Hành động của chị em Sơn tuy nhỏ bé nhưng lại thật cao cả, đáng quý.

Tình yêu thương của Sơn đã xua tan đi mùa đông lạnh giá, những tưởng câu truyện kết thúc ở đó. Nhưng một ngày, mẹ cái Hiên đã đem cái áo bông đến trả cho bà mẹ của chị em Sơn và nói: “Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông, tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ...” Hành động này giúp ta cảm nhận được sự tự trọng của mẹ Sơn, tuy nghèo nhưng vẫn giữ cho mình một tâm hồn đẹp đẽ. Còn đối với mẹ của Sơn thì cái áo bông cũ là di vật thiêng liêng. Và rồi, mẹ của Sơn cho mẹ cái Hiên vay năm hào bạc để mua áo rét cho con như một cách giúp đỡ nhưng không hề có ý khinh thường người mẹ nghèo. Cuối cùng, mẹ của Sơn âu yếm ôm con vào lòng và bảo: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?” Lời trách móc này lại là lời trách yêu, và có gì đó tự hào lẫn yêu thương trong lời nói của người mẹ: Tự hào vì con mình đã có một tấm lòng thật đẹp đẽ.

Dù viết về cái nghèo, cái đói, cái khổ cùng quẫn, văn chương Thạch Lam vẫn thật đẹp. Giữa những sự khổ đau, giữa những tầng lớp xã hội khác nhau, vẫn luôn có những con người tốt bụng xóa mờ đi khoảng cách đó, tạo nên tình thương giữa người với người, sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá.

Trong sáng tác, Thạch Lam luôn quan niệm: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà người ta không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.” Và cái đẹp ấy, đã được nhà văn thể hiện trong tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa”, đó là cái đẹp của tâm hồn con người. Với ý nghĩa sâu sắc ẩn sâu bên trong tác phẩm, chắc chắn “Gió lạnh đầu mùa” sẽ mãi là một truyện ngắn gợi nên trong lòng độc giả bao cảm xúc mãnh liệt.

Viết bài văn nghị luận phân tích truyện ngắn Lạng lẽ Sa Pa

Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị mà đặc sắc nhất là truyện ngắn “ Lặng lẽ Sa Pa”. Đọc tác phẩm ta bắt gặp những con người lao động thầm lặng mà đầy ý nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước mà tiêu biểu nhất là nhân vật anh thanh niên. Mặc dù phải sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhưng ở anh thanh niên lại tỏa sáng nhiều phẩm chất tốt đẹp đáng để chúng ta ngưỡng mộ, học tập. Có lẽ khi gấp trang sách lại, người đọc vẫn không thể nào quên được hình ảnh anh thanh niên với lí tưởng cao đẹp.

Một bức tranh thiên nhiên rất đẹp, đầy chất thơ. Lào Cai miền Tây Bắc của Tổ quốc không hề hoang vu mà trái lại, rất hữu tình, tráng lệ. Khi xe vừa "trèo lên núi" thì "mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng". Trạm rừng là nơi "con suối có thác trắng xóa". Giữa màu xanh của rừng, những cây thông "rung tít trong nắng", những cây tử kinh "màu hoa cà" hiện lên đầy thơ mộng. Có lúc, cảnh tượng núi rừng vô cùng tráng lệ, đó là khi "nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn". Sa Pa với những rặng đào, với đàn bò lang cổ đeo chuông... như dẫn hồn du khách vào miền đất lạ kì thú.

Trên cái nền bức tranh thiên nhiên ấy, cuộc sống của con người nơi miền Tây Tổ quốc thân yêu càng thêm nồng nàn ý vị: "nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo". Có thể nói đó là những nét vẽ rất tinh tế và thơ mộng.

Trên cái nền thơ mộng hữu tình ấy là sự xuất hiện của những con người đáng yêu, đáng mến. Thiên nhiên, cảnh vật dù đẹp đến mấy cũng chỉ là cái nền tô điểm, làm cho con người trở nên đẹp hơn.

Đó là bác lái xe vui tính, cởi mở, nhiệt tình với hành khách. Đó là ông họa sĩ già say mê nghệ thuật, "xin anh em hoãn bữa tiệc đến cuối tuần sau" để ông đi thực tế chuyến cuối cùng lên Lào Cai trước lúc về hưu. Lúc nào ông cũng trăn trở "phải vẽ được một cái gì suốt đời mình thích". Đó còn là cô kĩ sư trẻ mới ra trường đã hăng hái xung phong lên Lào Cai công tác, bước qua cuộc đời học trò chật hẹp, bước vào cuộc sống bát ngát mới tinh, cái gì cùng làm cho cô hào hứng. Cô khao khát đất rộng trời cao, cô có thể đi bất kì đâu, làm bất cứ việc gì.

Và cả những nhân vật không trực tiếp xuất hiện: ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa suốt đời nghiên cứu và lai tạo giống su hào to củ và ngọt để phục vụ dân sinh và xuất khẩu. Đồng chí cán bộ nghiên cứu khoa học "suốt ngày dự sét", ngày đêm mưa gió hễ nghe sét là "choàng choàng chạy ra", mười một năm không một ngày xa cơ quan, "không đi đến đâu mà tìm vợ", lo làm một bản đồ sét riêng cho nước ta", cái bản đồ ấy "thật lắm của, thật vô giá". Trán đồng chí ấy cứ hói dần đi!

Và, tiêu biểu nhất có lẽ là anh thanh niên 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, “một trong những người cô độc nhất thế gian". Anh có nhiệm vụ "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất" góp phần dự báo thời tiết, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Những đêm bão tuyết, rét ghê gớm, một mình một đèn bão ra "vườn" lấy số liệu vào lúc nửa đêm cả thân hình anh "như bị gió chặt ra từng khúc", xong việc, trở vào nhà, "không thể nào ngủ lại được". Anh đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, với ý chí và nghị lực to lớn để vượt qua gian khổ và đơn độc giữa non xanh. Chí tiến thủ là một nét đẹp ở anh: đọc sách, tự học, cần cù và chịu khó: nuôi gà lấy trứng, trồng hoa... làm cho cuộc sống thêm phong phú. Rất khiêm tốn khi nói về mình, dành những lời tốt đẹp nhất ngợi ca những gương sáng nơi Sa Pa lặng lẽ. Rất hiếu khách, anh mừng rỡ, quý mến khi khách lạ đến chơi. Một bó hoa đẹp tặng cô kĩ sư trẻ, một làn trứng gà tươi hiếu ông họa sĩ già, một củ tam thất gửi biếu vợ bác lái xe mới ốm dậy... là biểu hiện của một tấm lòng yêu thương, đối xử chân tình với đồng loại. Anh sống và làm việc vì lý tưởng cao đẹp, vì quê hương đất nước thân yêu, như anh thổ lộ với ông họa sĩ già: "Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?". Vì thế sau khi vẽ xong chân dung anh cán bộ khí tượng, họa sĩ nghĩ về anh: "Người con trai ấy đáng yêu thật...”

Tóm lại, những nhân vật trên đây là hình ảnh những con người mới đã sống đẹp, giàu tình nhân ái, hết lòng phục vụ đất nước và nhân dân, sống nơi lặng lẽ non xanh nhưng họ chẳng lặng lẽ chút nào! Trái lại, cuộc đời của họ vô cùng sôi nổi, đầy tâm huyết và giàu nhiệt tình cách mạng. Đúng như Bác Hồ đã nói: "Đất nước ta là một vườn hoa đẹp. Mỗi người là một bông hoa đẹp". Nhà văn Nguyễn Thành Long đã dành những lời tốt đẹp nhất nói về những con người đang sống và cống hiến giữa Sa Pa lặng lẽ. Mỗi người nơi non xanh ấy là một gương sáng, là một bông hoa ngát hương.

Truyện Lặng lẽ Sa Pa là một bài thơ bằng văn xuôi rất trong sáng, trữ tình. Trên cái nền tráng lệ của thiên nhiên rừng, suối Sa Pa hiện lên bao con người đáng yêu. Mỗi người chỉ một vài nét vẽ mà tác giả đã lột tả được tâm hồn, tính cách, dáng vẻ của họ. Nguyễn Thành Long rất chân thực trong kể và tả, nhờ thế mà ta thấy những nhân vật như bác lái xe, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, anh thanh niên... rất gần gũi và mến yêu.

Viết bài văn nghị luận phân tích truyện ngắn Lão Hạc

Nam Cao, một tác giả với những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc, đặ lại nhiều cảm xúc và tâm trạng cho độc giả. Mỗi tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn của cuộc sống, khắc họa hình ảnh sống động về những con người bình dân, những khổ cực trong xã hội. Trong số đó, truyện ngắn “Lão Hạc” là một tác phẩm cảm động, nói lên về số phận đau buồn của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Tác phẩm là một minh chứng cho sự quý báu của tâm hồn con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Nam Cao đặt nền tảng cho câu chuyện trong bối cảnh lịch sử khó khăn, nước mất, nhà tan, và nhân dân chìm đắm trong nghèo đói. Ông xây dựng nhân vật chính là một nông dân, tượng trưng cho số phận của người nông dân nghèo khó trong xã hội. Người kể chuyện là ông Giáo, người hàng xóm thân thiết của lão Hạc, tạo thêm sự chân thực và sinh động cho câu chuyện. Đọc giả sẽ theo dõi cuộc sống, những khó khăn và biến cố trong đời của một con người qua lời kể của ông Giáo.

Câu văn đơn giản nhưng chân thành, làm cho tâm hồn độc giả rung động trước mảnh đời cảm động. Mỗi đoạn văn khắc họa một phần của cuộc sống, nói về nghèo đói nhưng cũng toát lên vẻ nhân văn, lòng tốt và sự yêu thương chan chứa trong họ. Lão Hạc, nhân vật chính, là biểu tượng của người nông dân hiền lành, chất phác, sống chăm chỉ. Dù cuộc sống đầy thách thức, sức khỏe yếu đuối, lão vẫn giữ vững phẩm chất và lòng yêu thương cho con trai.

Lão Hạc đã phải đối mặt với sự bế tắc và túng quẫn, thậm chí nghĩ đến việc bán chó cậu Vàng để kiếm sống. Tuy nhiên, tình cảm quá mạnh mẽ giữa lão và cậu Vàng khiến lão không thể thực hiện quyết định đó. Sự đau lòng, giằng xé trong tâm hồn lão khiến sức khỏe của ông ngày càng suy giảm. Cuối cùng, để nuôi sống cậu Vàng, lão đã đưa ra quyết định khó khăn, phải lừa để bán chó. Đoạn mô tả cảnh bán chó không chỉ là một khảo cứu về tình cảm giữa người và thú cưng, mà còn là biểu tượng cho sự hy sinh và đau khổ của lão Hạc.

Cảnh chó Vàng ra đi đã làm cho tâm trạng người đọc trở nên xúc động. Lão Hạc, người nông dân chất phác, ngay cả khi đối mặt với cái chết cũng không quên giữ cho bản thân mình trong sạch. Tình yêu thương đối với con trai và sự quyết định kết liễu cuộc đời mình để không làm gánh nặng cho con, đều là những nét đẹp tâm hồn, làm đậm thêm giá trị nhân văn của tác phẩm.

Đoạn hội thoại giữa ông Giáo và vợ về việc lão Hạc bán chó cũng là một phần rất đặc sắc của tác phẩm. Sự bất lực, thất thường của ông Giáo khi nghe vợ nói về sự khó khăn và đói nghèo của gia đình lão Hạc, một lời nhắc nhở về lòng nhân ái và sự quan tâm đối với những người xung quanh. Tác giả gián tiếp truyền đạt thông điệp về sự nhạy cảm và hiểu biết đối với những hoàn cảnh khó khăn.

Cuối cùng, cái chết của lão Hạc không chỉ là một cái chết thể xác mà còn là một tình huống bi thảm, làm thức tỉnh nhận thức xã hội. Tác phẩm là một tác phẩm về sự bất công trong xã hội phong kiến, đưa người đọc suy ngẫm về sự túng quẫn và khốn khổ của người nông dân. Cái chết của lão Hạc không chỉ do bệnh tật, mà còn là hậu quả của một cuộc sống bế tắc và không lối thoát.

Truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao không chỉ là một tác phẩm văn học đầy tình cảm mà còn là gương mặt của những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Tác phẩm nhấn mạnh giá trị tâm hồn và lòng nhân ái, tạo nên một tác phẩm đặc sắc, khiến người đọc không thể quên.

Viết bài văn nghị luận phân tích truyện ngắn Bầy chim chìa vôi

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra nhiều tác phẩm xuất sắc dành cho thiếu nhi, và trong số đó, "Bầy chim chìa vôi" là một tác phẩm đặc biệt đáng chú ý. Truyện này mang đến rất nhiều bài học ý nghĩa và sâu sắc về tình yêu và lòng dũng cảm.

Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính, Mon và Mên, và được tác giả xây dựng một cách độc đáo và tinh tế. Một khoảng hai giờ sáng, Mon thức dậy và gọi anh trai của mình, Mên. Mon tỏ ra lo lắng và bồn chồn, liên tục đặt ra những câu hỏi như "Anh ơi, mưa có to không?" và "Nhưng anh ơi, sông có đang lên không?" Những câu hỏi này thể hiện rõ ràng sự quan tâm của Mon đối với tình hình thời tiết. Mên, ban đầu, đáp lại một cách khó chịu, nhưng khi Mon tiết lộ rằng anh ấy lo sợ cho bầy chim chìa vôi non bị chết đuối, Mên cũng bày tỏ sự lo lắng của mình. Hai anh em không thể tiếp tục ngủ, và họ tiếp tục trò chuyện. Mon chia sẻ câu chuyện về việc anh thả một con cá bống mà bố đã bắt được, và thay vì trách mắng, Mên chỉ cười vui. Qua đoạn này, chúng ta thấy được tính hồn nhiên và tinh thần trẻ thơ của hai nhân vật này.

Sau khi thảo luận một thời gian, Mon đề xuất rằng họ nên ra bờ sông cứu bầy chim chìa vôi. Hai anh em không sợ mưa gió, nguy hiểm và quyết định sử dụng chiếc đò của ông Hảo. Mon và Mên được mô tả như những cậu bé dũng cảm và đầy tình yêu thương động vật. Họ băng qua đoạn sông để cứu bầy chim.

Trong truyện, tác giả cũng tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, với ánh bình minh chiếu sáng những hạt mưa trên mặt sông. Cảnh tượng này đặc biệt ấn tượng khi dòng nước mạnh đã nuốt chửng phần còn lại của bãi cát. Chim chìa vôi bé bỏng đã đòi thoát khỏi mặt nước và bay lên trời. Điều này cho thấy sự kỳ diệu của tự nhiên và lòng dũng cảm của bầy chim chìa vôi. Cuối cùng, Mon và Mên đứng yên, đầy xúc động và tình yêu thương, với giọt nước mắt là biểu hiện của những cảm xúc này.

Tóm lại, truyện "Bầy chim chìa vôi" của Nguyễn Quang Thiều chứa đựng thông điệp sâu sắc. Nó nhắc nhở chúng ta về tình yêu và lòng dũng cảm, và rằng chúng ta cần phải sống hòa hợp, gắn kết và yêu thương động vật và thiên nhiên.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 11
0 Bình luận
Sắp xếp theo