Phân tích truyện Thầy giáo dạy vẽ Của Xuân Quỳnh

Thầy giáo dạy vẽ là một truyện ngắn hay của tác giả Xuân Quỳnh. Thầy giáo dạy vẽ là một câu chuyện xúc động và ý nghĩa về tình cảm thầy trò thiêng liêng. Tác phẩm đã góp phần tôn vinh vai trò của người thầy trong xã hội. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ nội dung truyện ngắn Thầy giáo dạy vẽ cùng với mẫu dàn ý phân tích truyện Thầy giáo dạy vẽ của Xuân Quỳnh. Mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích Thầy giáo dạy vẽ của Xuân Quỳnh

Nội dung truyện ngắn Thầy giáo dạy vẽ

THẦY GIÁO DẠY VẼ

Xuân Quỳnh

Tôi muốn kể với các em về thầy giáo dạy vẽ của tôi. Thầy dạy chúng tôi cách đây đã mười bảy năm, khi đó chúng tôi mới học lớp 5, mà thầy thì mái tóc đã bạc phơ...

Tuần trước, vào một buổi tối, có hai người bạn học cũ đến thăm tôi: Châu - họa sĩ và Hiền - kỹ sư một nhà máy cơ khí. Châu hỏi tôi:

- Cậu có nhớ thầy Bản không?

- Nhớ chứ! Thầy Bản dạy vẽ bọn mình hồi nhỏ phải không?

- Đúng rồi. Thầy mới mất hôm đầu tháng. Mình có đến dự đám tang, nhưng không kịp đến báo cho các cậu. Thầy về hưu đã lâu; những năm cuối, thầy yếu mệt nhiều, vẫn ở trên căn gác xép với một cô cháu gái

Tôi sững sờ nhớ lại hình ảnh của thầy Bản. Đã lâu lắm tôi không gặp lại thầy, trừ một lần, đạp xe qua phố, tôi thấy thầy đứng xếp hàng trước một quầy hàng dầu hỏa. Nếu gặp, chắc thầy cũng không nhận ra tôi: Thầy dạy nhiều lớp, nhiều học trò và môn học một tuần chỉ có một tiết.

Hồi ấy, thầy bao nhiêu tuổi, tôi không rõ. Chỉ biết là thầy dạy học đã lâu, nhiều cô giáo, thầy giáo trong trường từng là học trò của thầy.

Thầy ăn mặc theo kiểu xưa: bộ com-lê đen đã cũ lắm, nhưng chiếc cà-vát vẫn luôn thắt chỉnh tề trên cổ. Thầy thường đội mũ nồi, bộ râu mép rậm lấm tấm bạc, đôi giày cũ và chiếc cặp da nâu cũng đã sờn rách.

Thầy luôn đăm chiêu, nhưng hiền hậu. Chẳng bao giờ thầy cáu giận, gắt gỏng chúng tôi. Cũng chẳng bao giờ thầy bỏ một tiết lên lớp nào, kể cả những hôm thầy yếu mệt, sốt cao, giọng run run.

Các cô giáo, thầy giáo trong trường kể rằng: thầy là một trong những họa sĩ học khóa đầu tiên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bạn học của thầy, hầu hết đều đã trở thành những họa sĩ tên tuổi, có người nổi tiếng cả ở nước ngoài, riêng thầy Bản chỉ là một giáo viên dạy vẽ bình thường ở một trường cấp hai.

Thầy dạy chúng tôi kẻ chữ, vẽ cái sọt giấy, lọ mực, viên gạch, thỉnh thoảng mới có một bài “vẽ tự do”: cảnh chùa, hoặc lao động ở vườn trường. Thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ, chỉ bảo cho chúng tôi từng li từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ. Nhưng thú vị hơn cả là những câu chuyện của thầy. Thầy thường nói say sưa với chúng tôi về hội họa, về màu sắc và đường nét, về cái thế giới thứ hai, thế giới rực rỡ, kỳ lạ của những bức tranh, những cánh cửa mở tới những khu vườn tốt lành và đẹp đẽ. Có những lần, thầy đưa chúng tôi về nhà thầy chơi, về gian gác hẹp xếp đầy sách vở và tranh ảnh. Thầy đưa chúng tôi xem những quyển tranh của các bậc danh họa. Thầy cũng cho chúng tôi xem những bức tranh thầy vẽ, những bức tranh nhỏ, vẽ rất tỉ mỉ những bình hoa nhiều màu, những ngôi nhà, những em bé hàng xóm. Thầy vẽ chậm, vẽ kỹ, không hiểu có đẹp không, những tranh của thầy ít được mọi người chú ý. Chúng tôi có đi hỏi, nhưng chẳng thấy có mấy ai biết đến tên họa sĩ Nguyễn Thừa Bản.

Chẳng hiểu vì thầy không có tài hay không gặp may, tuy thầy rất yêu hội họa, dành hết sức lực và tiền bạc cho nó. Vợ con thầy đều đã mất từ lâu, thầy bảo giờ đây nguồn vui của thầy chỉ là công việc và các em học sinh. Chúng tôi đều rất quý và thương thầy.

Có lần, thầy đến lớp, vẻ nghiêm trang, xúc động, thầy nói với chúng tôi:

- Ở triển lãm mỹ thuật thành phố, người ta có bày một bức tranh của tôi. - Thầy mỉm cười rụt rè khẽ nói thêm - Các em đến xem thử.

Chiều hôm ấy, mấy đứa chúng tôi - trong đó có Châu và Hiền - rủ nhau đến phòng triển lãm. Trong gian phòng chan hòa ánh sáng, bức tranh của thầy Bản treo ở một góc. So với những bức tranh to lớn sang trọng khác, bức tranh của thầy thật bé nhỏ, trong một chiếc khung cũ. Bức tranh vẽ rất cẩn thận một lọ hoa cũ, mấy quả cam, những cánh hoa vàng rơi trên mặt bàn. Mọi người đi lướt qua, chẳng ai để ý tới bức tranh của thầy. Chúng tôi ngồi xuống cạnh bàn ghi cảm tưởng của người xem: Chẳng thấy ý kiến nào khen ngợi hoặc nhắc đến bức tĩnh vật của thầy giáo chúng tôi. Lúc ấy, chúng tôi thấy thầy Bản cũng đến, thầy đi lại trong phòng triển lãm, nhìn người xem rồi lại nhìn về cái tranh của mình, bồn chồn, hồi hộp. Rồi sau cảm thấy đứng mãi ở đấy không tiện, thầy lại lóc cóc ra lấy xe đạp, đạp đi.

Càng thương thầy, chúng tôi càng giận những người xem vô cùng. Nảy ra một ý, chúng tôi bàn khẽ với nhau, rồi mở quyển sổ ghi cảm tưởng, chúng tôi thay nhau viết:

“Trong phòng triển lãm này, chúng tôi rất thích bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản!”.

“Bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Thừa Bản rất đẹp. Họa sĩ là một người có tài năng và cần cù lao động. Kính chúc họa sĩ mạnh khỏe, v.v.”.

Rồi chúng tôi ký những cái tên giả dưới các ý kiến đó. Ngoài mấy đứa chúng tôi, không ai biết việc này.

Vài hôm sau, thầy Bản đến lớp. Bối rối vì cảm động, thầy báo tin:

- Các em ạ. bức tranh ở triển lãm của tôi. cũng được một số người thích. Họ có ghi cảm tưởng. Ban tổ chức có đưa cho tôi đọc. tôi có ghi lại.

Thầy húng hắng ho, rồi nói thêm, vẻ ân hận:

- Bức tranh ấy tôi vẽ chưa được vừa ý. Nếu vẽ lại, tôi sẽ sửa chữa nhiều.

Thương thầy quá, chúng tôi suýt òa lên khóc. Bây giờ, nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi đã lớn lên, đã làm nhiều nghề khác nhau, có người là cán bộ quân đội, có người là công nhân, Hiền trở thành kỹ sư và tôi làm nghề viết báo. Chỉ có Châu là họa sĩ. Tuy còn trẻ, Châu đã có nhiều tác phẩm, được quần chúng và đồng nghiệp đánh giá cao. Nhưng Châu và chúng tôi chẳng hề quên thầy Bản. Không chỉ làm cho chúng tôi yêu hội họa, thầy còn là một tấm gương về sự cần cù, lòng trong sạch, tình yêu thương trân trọng với công việc bình thường của mình.

Thầy không phải là một nghệ sĩ nổi tiếng như các bạn của thầy, nhưng đối với chúng tôi, hình ảnh hiền hậu khiêm nhường của thầy đáng quý trọng biết bao.

Có lẽ đến phút cuối của cuộc đời, thầy cũng không biết rằng: Chính chúng tôi - những học trò nhỏ của thầy - đã viết vào quyển sổ cảm tưởng trong kỳ triển lãm ấy. Bây giờ, thầy Bản không còn nữa!

Tối ấy, ngồi với nhau, chúng tôi nhắc nhiều và nhớ nhiều đến thầy.

Thưa thầy giáo dạy vẽ kính yêu!

Viết những dòng này, chúng em muốn xin thầy tha lỗi cho chúng em và muốn lần nữa được thưa với thầy rằng: Chúng em biết ơn thầy, mãi mãi biết ơn thầy.

(trích Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng – 2005)

Dàn ý phân tích truyện Thầy giáo dạy vẽ

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, ấn tượng về chủ đề của tác phẩm.

2. Thân bài: Cần đảm bảo những nội dung quan trọng sau:

* Ý 1. Khái quát về nội dung chính của tác phẩm: Truyện kể về một người thầy dạy vẽ, có cuộc sống vật chất đạm bạc nhưng rất yêu nghề. Thầy yêu thương tất cả học sinh của mình, thầy ân cần, hiền hậu, chẳng bao giờ gắt gỏng hay cáu giận gì. Dù tuổi tác không còn trẻ, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nhưng thầy luôn tận tâm với công việc. Mặc cho có ốm yếu, sốt cao nhưng thầy chưa bao giờ phụ lòng học sinh, thầy luôn có mặt đủ, không bỏ một tiết lên lớp nào. Thầy dạy học sinh chu đáo, tỉ mẩn từng chút một. Nhân vật “tôi” còn kể về kỉ niệm thầy bồi hồi, xúc động khi báo tin bức tranh của mình được trưng bày ở triển mỹ thuật thành phố. Để động viên thầy, nhân vật “tôi” và các bạn đã giấu thầy viết cảm tưởng trong cuốn sổ. Điều đó được giữ bí mật đến khi thầy ra đi. Câu chuyện khép lại trong nỗi nhớ thương và lòng biết ơn của các học trò đối với thầy.

* Ý 2. Phân tích chủ đề, đề tài của truyện:

- Truyện ca ngợi một người thầy yêu nghề, tận tâm với học trò; có khát vọng hội họa:

+ Thầy hiền từ, nhân hậu, luôn ân cần, chẳng bao giờ quát mắng hay cáu giận với học trò.

+ Thầy tâm huyết với công việc, chẳng ngại mệt nhoài, đau ốm, thầy vẫn có mặt đủ các tiết dạy.

+ Thái độ tập trung, giảng dạy tỉ mỉ từng chút một với học trò của mình.

+ Khát vọng hội họa của thầy gửi gắm qua những câu chuyện, những bức tranh trên gác mái và tâm trạng đầy xúc động khi bức tranh của mình được trưng bày ở triển lãm mỹ thuật thành phố.

- Truyện còn thể hiện lòng biết ơn, trân trọng của nhân vật “tôi” và các bạn đối với công ơn của thầy:

+ Giấu thầy viết cảm tưởng trong cuốn sổ ở kỳ triển lãm tranh.

+ Luôn nhớ và biết ơn thầy cả khi thầy đã mất.

* Ý 3. Chỉ ra và phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện:

- Truyện đã sử dụng thành công ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện là một trong những người học trò khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, chân thực.

- Ngôn ngữ kể chuyện mộc mạc, giản dị, gần gũi đời thường,…

- Tình huống truyện nhẹ nhàng, dung dị nhưng đầy xúc động.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật người thầy được xây dựng chủ yếu thông qua hình dáng, cử chỉ, thái độ, việc làm và cả những suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật “tôi” và “chúng tôi” (nhân vật “tôi” và các bạn) về thầy.

- Nhan đề “Thầy giáo dạy vẽ cũng góp phần làm nổi bật chủ đề của truyện.

3. Kết bài:

- Khẳng định giá trị của truyện

- Liên hệ mở rộng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
36 14.488
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm