Phân tích tác phẩm Lão Hạc (Dàn ý)

Phân tích truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Lão Hạc là một truyện ngắn của nhà văn Nam Cao được viết vào năm 1943. Tác phẩm là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, phản ánh xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc mẫu dàn ý phân tích tác phẩm Lão Hạc để các em nắm được cách viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học truyện.

phân tích truyện ngắn Lão Hạc

Dàn ý phân tích truyện ngắn Lão Hạc

1. Mở bài

- Giới thiệu nhà văn Nam Cao: Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn trong nền văn học dân tộc. Trước cách mạng tháng Tám 1945, các sáng tác của nhà văn chủ yếu tập trung vào hai đề tài người nông dân và người trí thức bị đói nghèo vùi dập.

- Giới thiệu tác phẩm: Truyện ngắn “Lão Hạc” là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn viết về người nông dân. Nhan đề “Lão Hạc” được đặt theo nhân vật chính của tác phẩm. Với ngòi bút khắc họa nhân vật tinh tế, cách kể chuyện đặc sắc, tình tiết hấp dẫn, truyện đã khắc họa cảm động về số phận đau khổ và phẩm chất cao đẹp của người nông dân trong xã hội cũ.

2. Thân bài

2.1. Nêu ngắn gọn nội dung chính của tác phẩm:

Truyện ngắn được ông giáo (nhân vật “tôi”) kể về cuộc đời số phận của người nông dân có tên là Lão Hạc. Truyện xoay quanh tình cảnh của lão Hạc với nhiều chi tiết khá xót xa về những ngày tháng cuối của cuộc đời lão. Lão Hạc là một người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai vì nghèo mà không lấy được vợ nên phẫn chí xin đi mộ phu đồn điền cao su, một mình lão Hạc thui thủi, bầu bạn với cậu Vàng, vốn là con chó mà người con trai từng nuôi. Sau khi bán chó, lão Hạc tính trước tương lai khi gửi gắm ông giáo tiền bạc và trông nom nhà cửa. Cuối cùng lão Hạc tự tử bằng bả chó để lại nhiều xót xa, ngậm ngùi cho ông giáo.

2.2. Nêu chủ đề của tác phẩm: Thông qua hình tượng lão Hạc, truyện ngắn đã thể hiện số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao quý, tiềm tàng của họ. Đồng thời, truyện còn cho thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với người nông dân.

*Truyện ngắn phản ánh số phận bất hạnh của người nông dân trong xã hội cũ.

Nhân vật lão Hạc là hiện thân cho số phận bi thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám:

+ Nỗi khổ về vật chất: Vì nghèo mà không có tiền cưới vợ cho con để con phẫn chí đi làm đồn điền cao su mấy năm chưa về. Không có việc làm, bão gió mất mùa đói kém, lão ăn hết tiền dành dụm, thậm chí chế được gì ăn đó và sau đó tìm đến cái chết.

+ Nỗi khổ về tinh thần: Lão luôn đau khổ, dằn vặt lương tâm. Không chỉ là miếng ăn, hơn thế đó là nỗi đau mất con. Đó là nỗi buồn của một con người phải sống trong cảnh tuổi già, cô độc được biểu hiện qua những lời nói, cách cư xử của lão với một con chó.

+ Cái chết đau đớn, thê thảm, bất ngờ: Lão xin bả chó của Binh Tư để kết thúc cuộc đời trong đau đớn, vật vã.

=> Qua cuộc đời bất hạnh của nhân vật lão Hạc, tác giả phản ánh số phận đầy bi thảm, đau thương của người nông dân trong xã hội cũ. Từ đó, tác giả bộc lộ niềm thương cảm, xót xa cho số phận đau khổ của họ.

*Không chỉ phản ánh số phận bất hạnh, truyện còn ngợi ca những phẩm chất vô cùng cao đẹp của người nông dân dù có bị cái đói nghèo đẩy vào đường cùng.

Lão Hạc lại là người nông dân có bao phẩm chất tốt đẹp như hiền lành, chất phác, vị tha, nhân hậu, thương con vô bờ, có nhân cách sáng trong, lương thiện:

+ Lão Hạc hiện lên là người giàu lòng nhân hậu, nghĩa tình: Cách lão chăm chút, đối xử với cậu Vàng, tâm trạng đau đớn, xót xa, dằn vặt của lão sau khi bán cậu Vàng: cảm thấy tội lỗi, tệ bạc, xót xa, ân hận vì đã lừa một con chó

+ Lão Hạc là người cha có tình thương con sâu nặng: Lão luôn nuôi hi vọng ngày con trở về, rồi tìm đến cái chết để giữa trọn mảnh vườn cho con.

+ Lão Hạc là người giàu lòng tự trọng và nhân cách lương thiện, cao cả:

++ Trong lúc đói kém, phải ăn sung, ăn khoai, ăn ốc, lão vẫn từ chối sự giúp đỡ của ông giáo.

++ Gửi ông giáo tiền để nhờ cậy dân làng lo ma chay khi lão mất.

++ Tìm đến cái chết để giữ trọn tình thương con và lòng tự trọng của mình.

=>Tác giả ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của người nông dân khi bị đẩy vào bước đường cùng.

*Qua nhân vật ông giáo, tác giả đã bộc lộ tình cảm, thái độ của mình với nhân vật lão Hạc cũng như với người nông dân nghèo:

Thoạt đầu nhân vật ông giáo có vẻ dửng dưng, thờ ơ khi nghe chuyện lão Hạc muốn bán chó và tâm sự về con trai. Sau đó là cảm thông, muốn chia sẻ giúp đỡ lúc thấy lão Hạc đau đớn vì bán chó “tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc”. Trăn trở, xót xa khi thấy lão Hạc từ chối sự giúp đỡ. Ông giáo nghi ngờ, thất vọng khi nghe Binh Tư kể chuyện lão Hạc xin bả chó. Và sau đó ông giáo thương cảm, xót xa khi chứng kiến cái chết của lão Hạc và nguyện làm theo những mong muốn của lão Hạc để lão ra đi được nhẹ lòng.

=> Ông giáo chính là bóng dáng của nhà văn Nam Cao, bày tỏ tình cảm của mình dành cho những người nông dân trước cách mạng:

+ Tác giả xót xa, thương cảm cho số phận bi thảm của họ.

+ Tố cáo xã hội phong kiến nửa thực dân với chính sách áp bức tàn bạo đẩy người nông dân vào bước đường cùng

+ Trân trọng ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân trong hoàn cảnh khốn cùng: nhân hậu, nghĩa tình, tự trọng, thương con, ... Đồng cảm với ước mơ chính đáng của họ.

2.3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm:

- Trần thuật bằng ngôi thứ nhất, nhân vật kể chuyện được chọn là nhân vật ông giáo, người chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, và đây cũng là nhân vật thân thiết với lão Hạc, bởi vậy câu chuyện được kể sẽ rất chân thực, tin cậy, vừa kể vừa bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện của Lão Hạc.

- Kết hợp linh hoạt tự sự với một số phương thức biểu đạt khác. Những đoạn văn miêu tả hiếm hoi trong thiên truyện lại rất ngắn, chỉ vài câu nhưng lại đạt đến độ cô đọng và hiệu quả nghệ thuật cao. Điển hình là cái đoạn miêu tả nỗi đau đớn dồn nén của lão hạc khi phải bán chó hay đoạn miêu tả cái chết của lão Hạc.

- Xây dựng nhân vật sinh động, khắc họa tâm lí nhân vật tinh tế. Nhân vật lão Hạc được hiện lên qua nhiều phương diện như ngoại hình, hành động, lời nói, nhưng đặc biệt qua diễn biến tâm lí giằng co, phức tạp.

- Cốt truyện độc đáo: từ những sự việc tưởng như vụn vặt, tác giả tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện (từ việc làng mất vé sợi, lão Hạc bán chó, đến việc lão Hạc nhờ ông giáo coi sóc mảnh vườn, việc xin bả chó, và cuối cùng là cái chết thê thảm).

- Kết thúc bất ngờ, để lại nhiều suy ngẫm nơi người đọc. Cái chết bi thảm, một cái chết đau đớn vật vã, nó phản ánh phương diện đáng buồn. Cuộc sống, những con người lương thiện lại phải luôn chịu đau khổ, thậm chí là tột cùng, đau khổ

3. Kết bài: Khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện.

Tham khảo thêm:

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.229
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm