Phân tích truyện ngắn Hoa đào nở trên vai

Phân tích Hoa đào nở trên vai của Vũ Thị Huyền Trang

Hoa đào nở trên vai của Vũ Thị Huyền Trang là  một truyện ngắn ấm áp tình người, niềm tin yêu vào cuộc sống! Truyện kể về cậu bé Lụm sáu tuổi sống sót sau một trận bão, người thân trôi theo cơn lũ. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích truyện ngắn Hoa đào nở trên vai chi tiết kèm theo bài văn mẫu để các em có thêm tài liệu tham khảo khi viết bài.

Phân tích Hoa đào nở trên vai của Vũ Thị Huyền Trang 

Tác giả: Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, tốt nghiệp Khóa 9 Khoa Viết văn và Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ.Vũ Thị Huyền Trang là tác giả của 14 đầu sách văn học đã xuất bản, sở hữu một bộ sưu tập khá lớn các giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi sáng tác văn xuôi, truyện ngắn. Các sáng tác chủ yếu viết về đề tài gia đình và người phụ nữ. Ở chị luôn có sự yêu thương day dứt cho những số phận, những bi kịch của con người nhất là người phụ nữ và trẻ em.

Truyện “Hoa đào nở trên vai”: là câu chuyện cảm động, giàu giá trị nhân văn, để lại trong tâm hồn bạn đọc những ấn tượng tốt đẹp về tình cảm của con người sau mùa lũ. Đọc truyện, chắc hắn trong trái tim ta cảm thấy vô cùng ấm áp bởi tình cảm của bố con ông Vại dành cho Lụm - cậu bé bị trôi dạt theo dòng nước lũ may mắn được ông Vại cứu sống và cưu mang.

1. Dàn ý phân tích Hoa đào nở trên vai

Mở bài

+ Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, nhiều tác phẩm đã khắc sâu vào lòng người đọc bằng những câu chuyện cảm động và giàu giá trị nhân văn.

+ Một trong số đó là truyện ngắn "Hoa đào nở trên vai" của Vũ Thị Huyền Trang.

+ Tác phẩm kể về tình cảm chân thành của ông Vại và gia đình dành cho cậu bé Lụm, người bị cuốn trôi theo dòng lũ và được họ cưu mang.

+ Qua câu chuyện, tác giả không chỉ tái hiện lại những mất mát do thiên tai gây ra mà còn gửi gắm một thông điệp sâu sắc về tình người và niềmhy vọng.

Thân bài

Khái quát

+ Vũ Thị Huyền Trang, một nhà văn trẻ thuộc thế hệ sau đổi mới, đã ghi dấu ấn với phong cách sáng tác tập trung vào đề tài gia đình và số phận con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

+ Những trang viết của chị luôn chứa đựng sự yêu thương day dứt, đặc biệt là những bi kịch đời thường.

+ Truyện "Hoa đào nở trên vai" được kể theo ngôi thứ ba, qua điểm nhìn của nhân vật ông Vại, cho phép người đọc tiếp cận câu chuyện một cách toàn diện và khách quan.

+ Cốt truyện của tác phẩm đơn tuyến, tập trung vào quá trình ông Vại và gia đình dần gắn bó với cậu bé Lụm để từ đó làm nổi bật chủ đề về tình người giữa những khó khăn và mất mát.

+ Nhân vật trung tâm của truyện "Hoa đào nở trên vai" là Lụm, cậu bé bị trôi dạt theo dòng nước lũ và may mắn được ông Vại cứu sống và cưu mang. Đây là nhân vật chính góp phần làm nổi bật chủ đề của tác phẩm này.

Tóm tắt và nêu chủ đề

+ Truyện có thể được tóm tắt như sau: Lụm- một cậu bé sáu tuổi bị cuốn theo dòng lũ và được ông Vại cứu sống. Sau khi mất hết người thân, Lụm trở thành thành viên trong gia đình ông Vại và được mọi người yêu thương như con ruột. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh sau lũ, khi cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tình người đã giúp họ vượt qua mọi gian khó. + Tác phẩm đề cập đến đề tài tình người trong hoàn cảnh thiên tai, một đề tài không mới nhưng vẫn mang đến sự cảm động bởi cách khai thác chân thực và nhân văn của tác giả.

+ Chủ đề của truyện xoay quanh tình yêu thương, sự hy sinh và hy vọng, thể hiện qua cách ông Vại và gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng Lụm, giúp cậu bé dần quên đi nỗi đau quá khứ và hướng về tương lai tươi sáng.

Phân tích nhân vật chính

+ Lụm, nhân vật trung tâm của truyện ngắn "Hoa đào nở trên vai," là một cậu bé sáu tuổi chịu đựng những mất mát khủng khiếp sau cơn lũ, khi gia đình và ngôi nhà của cậu đều bị cuốn trôi.

+ Trong tình cảnh khốn khó, Lụm trở thành đứa trẻ vô gia cư, nhưng may mắn được ông Vại và gia đình cưu mang.

+ Mặc dù cậu bé mang theo những tổn thương sâu sắc, thể hiện qua việc ôm chặt cột nhà mỗi khi gió nổi, và những cơn ác mộng hằng đêm, Lụm vẫn dần dần tìm lại được nụ cười và niềm vui trong cuộc sống. Hành động chăm chỉ làm việc, lội bùn bắt tôm tép, hay giúp đỡ ông Vại xây dựng lại ngôi nhà đều thể hiện sự kiên cường và ý chí vượt qua nghịch cảnh của Lụm.

+ Những lúc Lụm cười tươi, dù lấm lem bùn đất, cho thấy cậu bé bắt đầu mở lòng đón nhận tình cảm và cuộc sống mới.

=>Tác giả Vũ Thị Huyền Trang đã xây dựng nhân vật Lụm như một biểu tượng của sức sống mãnh liệt, khả năng hồi sinh từ đổ nát và sự tái sinh của niềm hy vọng. Qua nhân vật này, nhà văn muốn gửi gắm thông điệp về sức mạnh của tình người, lòng nhân ái, và niềm tin vào tương lai dù cuộc đời có nhiều đau thương, mất mát.

Phân tích các nhân vật khác

Nhân vật phụ trong truyện gồm ông Vại, cô Thảo, và chồng cô Thảo, mỗi người đều đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống mới của Lụm. Ông Vại, với tấm lòng nhân hậu và sự kiên nhẫn, đã trở thành người cha thứ hai của Lụm, không chỉ cứu sống cậu bé mà còn giúp cậu tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Cô Thảo, với tình yêu thương dịu dàng, đã chăm sóc và bảo vệ Lụm như con ruột của mình, giúp cậu bé cảm nhận được sự ấm áp của tình mẫu tử. Chồng cô Thảo, dù ở xa, cũng đóng góp bằng cách gửi tiền về xây dựng một ngôi nhà vững chãi, biểu tượng cho sự ổn định và tương lai mới của gia đình. Những nhân vật này đều góp phần làm nổi bật chủ đề về tình người và tinh thần vươn lên sau những khó khăn mất mát.

Đánh giá về nghệ thuật của đoạn trích

Tác phẩm có rất nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện:

+ Cốt truyện của tác phẩm đơn giản nhưng giàu cảm xúc, tập trung vào những khoảnh khắc đời thường nhưng đầy ý nghĩa của cuộc sống sau lũ.

+ Ngôi kể thứ ba giúp tác giả linh hoạt trong việc miêu tả nội tâm và hành động của các nhân vật, tạo nên sự gần gũi và đồng cảm từ phía người đọc.

+ Cách dựng tình huống truyện cũng được xây dựng một cách khéo léo, từ cảnh gặp gỡ ban đầu đầy ngẫu nhiên giữa ông Vại và Lụm cho đến quá trình Lụm hòa nhập vào gia đình mới.

+ Cách khắc họa nhân vật qua hành động, lời nói và suy nghĩ đã giúp truyện trở nên sống động và chân thực.

+ Ngôn ngữ truyện đơn giản nhưng giàu hình ảnh, có sự kết hợp miêu tả và biểu cảm, giúp người đọc dễ dàng hình dung và cảm nhận được tình cảm chân thành của các nhân vật.

+ Giọng điệu trong truyện trầm buồn nhưng ấm áp, pha lẫn chút hy vọng, tạo nên một bầu không khí lắng đọng và sâu lắng vô cùng.

Đánh giá chung và liên hệ

+ Truyện "Hoa đào nở trên vai" là một tác phẩm đặc sắc với nội dung nhân văn sâu sắc và nghệ thuật kể chuyện tinh tế.

+ Tác phẩm gửi gắm thông điệp về sức mạnh của tình người, sự đoàn kết và niềm hy vọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, mất mát.

+ Qua câu chuyện, Vũ Thị Huyền Trang đã cho thấy khả năng thấu hiểu và miêu tả sâu sắc tâm lý nhân vật, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong dòng văn học Việt Nam hiện đại.

+ So sánh với các tác phẩm cùng đề tài như “Vợ nhặt" của Kim Lân, "Hoa đào nở trên vai" mang đến một góc nhìn mới mẻ, tươi sáng hơn về tình người và cuộc sống.

Kết bài

+ "Hoa đào nở trên vai" của Vũ Thị Huyền Trang không chỉ là một câu chuyện cảm động về tình người mà còn là một bài học về sự kiên cường, vượt qua khó khăn để hướng về tương lai.

+ Tác phẩm đã khơi gợi trong lòng người đọc những cảm xúc ấm áp và lòng tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

+ Với lối kể chuyện giản dị nhưng giàu hình ảnh, truyện đã chứng tỏ sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc, là một minh chứng cho sự vững chãi của tình người giữa dòng đời đầy biến động.

2. Phân tích tác phẩm Hoa đào nở trên vai

Vũ Thị Huyền Trang là nhà văn của quê hương Phú Thọ, được đánh giá cao bởi bút lực dồi dào và sức viết dẻo dai. Cô đã chứng tỏ được khả năng văn chương của mình ở lĩnh vực thơ ca, tản văn, truyện ngắn với nhiều tác phẩm đã được xuất bản và giành được nhiều giải thưởng. Truyện ngắn Hoa đào nở trên vai hấp dẫn người đọc ngay từ nhan đề nhẹ nhàng và lãng mạn; càng giàu sức hút hơn khi những vấn đề đặt ra trong tác phẩm lại có sức nặng vô cùng, đó là thông điệp về tình yêu thương, về sự bao dung, sẻ chia của con người trong cuộc sống này.

Truyện ngắn xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Vại, cô con dâu tên Thảo và cậu bé Lụm – cậu bé may mắn thoát chết sau trận lũ khủng khiếp nhưng đã mất mẹ, chỉ còn bơ vơ, côi cút một mình. Sau trận lũ, cha con ông Vại nhận nuôi Lụm, dùng sự quan tâm, những hành động nhỏ bé mà tràn ngập tình yêu thương để xua đi nỗi buồn và làm Lụm nguôi ngoai đau đớn. Lụm dần mở lòng mình, hòa nhập vào cuộc sống mới cùng gia đình ông Vại và những người dân thuần phác, tốt bụng nơi đây. Quá trình cậu bé Lụm dần bước ra khỏi ám ảnh chết chóc, đau đớn và hướng đến cuộc sống mới với sự lạc quan được đúc kết và thể hiện rất đẹp qua hình ảnh chiếc bớt hình bông hoa đào đẹp đẽ và đầy sức sống trên vai cậu bé.

Câu chuyện thu hút người đọc bởi những nội dung hấp dẫn được đề cập đến trong tác phẩm. Trước hết, đó là sự tàn phá của thiên tai và số phận những con người nhỏ bé. Thiên tai mang đến mất mát cho con người: “nhà cửa tan hoang” là khung cảnh quen thuộc sau mỗi trận lũ, tất cả công sức lao động, nhà cửa đồ đạc của con người chả còn lại gì sau mỗi lần thiên nhiên nổi giận. Con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Gia đình ông Vại và những người dân vùng lũ phải chịu cảnh tượng lộn xộn, mất mát, khốn khổ sau trận lũ được tác giả miêu tả rõ nét nhất trong câu “Xứ này đâu đâu lạ gì cảnh sau mỗi trận bão lũ lại thấy đồ đạc nhà mình trôi đi, đồ đạc nhà người ta trôi đến. Khi thì xoong nồi, khi thì cây cối, gà, vịt, khi thì quần áo, búp bê, cặp sách” – nhưng tất cả những đồ vật trôi đến “đều không còn dùng được”. Cuộc sống của những người dân vùng lũ bị đảo lộn cả lên. Cuộc sống sinh hoạt của họ lúc này thật khó khăn khi “nguồn nước cũng ô nhiễm nặng. Những gáo nước đục ngầu không thể gột rửa hết bùn đất trên cơ thể đứa bé tội nghiệp”, đồ đạc thiếu thốn, mất nơi trú ngụ. Đặc biệt, ở nhân vật Lụm là minh chứng rõ nhất cho sự bất hạnh, bi kịch của con người trước thiên tai. Lụm đã mất mẹ, mất người thân trong trận lũ. Cậu may mắn sống sót nhờ bám vào cây tre, được ông Vại cứu giúp, cưu mang. Cậu bị ám ảnh sau trận lũ, chìm vào nỗi đau đớn khó có thể thoát ra được mỗi khi ngẫm về cảnh ngộ của mình, hay khi nhìn cô Thảo mà nhớ đến mẹ… Tác giả khắc họa khung cảnh của một vùng quê Việt Nam sau trận lũ khủng khiếp, đặc tả ở hoàn cảnh của Lụm và gia đình ông Vại. Qua đó, có thể thấy được sự tàn phá ghê gớm của thiên tai, lũ lụt đối với con người và thấy được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên.

Trải qua những hoàn cảnh khó khăn, sự sẻ chia và tình cảm ấm áp của con người mới được bộc lộ một cách rõ nét nhất, điều đó có thể thấy rõ qua cách ứng xử, sẻ chia, giúp đỡ của gia đình ông Vại đối với cậu bé Lụm. Ông Vại không nề hà cứu giúp Lụm trong trận lũ, đưa nó ngược dòng nhằm tìm người thân. Khi biết hoàn cảnh của Lụm không còn người thân nào thì gia đình ông nuôi nấng cưu mang cậu bé.rất kiên nhẫn, bao dung với cậu bé nhận nuôi. Dù chính gia đình mình mất mát đồ đạc sau trận lũ, phải dựng tạm cái lều, “mâm cơm đạm bạc và giấc ngủ tứ bề gió thổi” nhưng luôn quan tâm đến Lụm. Ông luôn quan tâm đến cậu bé từ những việc nhỏ nhất “thỉnh thoảng ông Vại ới thằng nhỏ xách hộ cái xô, giữ giùm cái thang, trông giùm mấy mẻ cá đang phơi ngoài sân sợ con mèo ăn mất” bởi ông “sợ nó ngồi không hay nghĩ ngợi vẩn vơ” lại càng thêm đắm chìm vào nỗi đau mất mẹ. Mỗi khi rảnh hay lúc giải lao “ông thường đạp xe đèo nó đi chơi làng trên xóm dưới”, giành toàn bộ tình cảm và sự quan tâm của mình cho cậu bé. Ông bảo con dâu “Tết cũng chẳng cần mua sắm gì nhiều” vì vừa qua mùa lũ, không còn kinh tế. Thế nhưng vẫn dặn con “nhớ phải mua cho thằng Lụm bộ quần áo mới” để thằng bé khỏi tủi thân. Ngay cả anh con trai tên Vĩnh đang đi xuất khẩu lao động xa cũng quan niệm rằng “không thể để cho thằng nhỏ sống tạm bợ thế được” bởi vì như thế “sẽ chỉ càng khiến nó nghĩ về mất mát” nên anh cố gắng kiếm tiền gửi về để bố và vợ xây tạm cái nhà cho cậu bé Lụm cùng ở. Với Thảo – cô con dâu, cô quan tâm đến Lụm bằng tình thương của một người mẹ. Cô “luôn nấu những món mà Lụm thích, ôm Lụm ngủ, thủ thỉ kể những câu chuyện cổ tích” cho thằng bé nghe để kéo dần cậu bé ra khỏi sự đau đớn của mất mát. Dù rất mong được Lụm chấp nhận, gọi mẹ; nhưng khi có người nhắc Lụm gọi “mẹ Thảo”, cô rất tâm lí, thủ thỉ với cậu bé về người mẹ “không thể thay thế” được của cậu, và mong cậu có nụ cười trên môi; động viên để Lụm có niềm tin vào cuộc sống, lạc quan về tương lai. Có thể nói, iữa những khó khăn, mất mát vẫn hiện lên tình cảm yêu thương, sẻ chia ấm áp giữa những con người hoàn toàn xa lạ. Những con người cùng bên nhau để vượt qua sự tàn phá của thiên tai, động viên nhau vươn lên khỏi những mất mát, khổ đau.

Câu chuyện cũng cho ta thấy được giá trị của tình yêu thương và sức mạnh chữa lành kì diệu của nó. Tình yêu thương có sức mạnh vô cùng, khiến con người có động lực trong cuộc sống. Nhân vật Lụm là minh chứng rõ nhất cho sức mạnh chữa lành của yêu thương. Những sự quan tâm, yêu thương chân tình của ông Vại và vợ chồng cô Thảo dành cho Lụi đã dần kéo cậu bé ra khỏi đau đớn. Ban đầu, cậu bé đang chìm đắm trong thế giới riêng, chưa tự thoát ra được. Sau biến cố hơn ba tháng mà “thằng nhỏ vẫn buồn bã, lầm lì như thế”. Sau một thời gian sống trong sự quan tâm và tình yêu thương của gia đình, Lụm đã “ít dần những cơn ác mộng khiến thằng nhỏ bật dậy mếu máo gọi “mẹ ơi” vào lúc nửa đêm”. Hành động vô thức thể hiện sự sợ hãi sau khi thoát khỏi tử thần là “bám chặt vào cột nhà mỗi khi thấy ngoài trời nổi gió” cũng đã dần bớt đi, Lụm đã dần mở lòng với mọi người. Cậu bé đã dần dần trở lại với “bộ dạng lấm lem, miệng cười hở hàm răng sún chưa thay hết” đúng với tâm lí của một cậu bé 6 tuổi. Đặc biệt, trong buổi tát cá đồng cùng với ông Vại và mọi người, Lụm đã xua đi được những ám ảnh của nỗi đau mất mẹ, mất người thân. Cậu bé đã “khóc một trận đã đời” để xua đi những thắt nghẹn trong lòng, “nước mắt càng rơi lòng Lụm càng nhẹ nhõm” vì đã trút bỏ được đau khổ, mất mát. Biểu tượng chiếc bớt hình hoa đào trên vai Lụm thể hiện mùa xuân – mùa của hạnh phúc, của hi vọng, của niềm tin đã đến; cũng giống như lời của Thảo “Cô cũng tin sau này Lụm nhất định sẽ trở thành một chàng trai tươi vui, hạnh phúc. Bởi con mang cả mùa xuân đang nở thắm trên vai”. Đó là một hình ảnh biểu tượng thật đẹp và sâu sắc. Có thể thấy rằng, tình yêu thương có sức mạnh khôn cùng, giúp Lụm có thể vượt qua những khổ đau, mất mát, bi quan để có thể dần lấy lại nụ cười trên môi, lấy lại được niềm tin và hi vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tình yêu thương có sức mạnh vô cùng, khiến con người có động lực trong cuộc sống. Từ khi có Lụm, ông Vại và cô Thảo dường như thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nhận xét rằng “Từ khi có nó nhà cửa tự nhiên cứ ấm dần lên”. Sự ấm áp này chính là sức mạnh của yêu thương, khiến người ta thêm vui vẻ, thêm yêu đời.

Không chỉ hấp dẫn người đọc bởi thông điệp giàu ý nghĩa, truyện ngắn còn thu hút người đọc bởi những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật. Tác giả có nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, phác họa thành công những nét rất riêng của nhân vật. Cách đặt tên các nhân vật như ông Vại, Lụm rất dân dã, gần gũi, chân thực như đời sống hàng ngày khiến người đọc thêm gần gũi với nhân vật. Bên cạnh đó, việc phác họa hoạt động, tính cách nhân vật qua những chi tiết được lựa chọn, đặc sắc: ông Vại là một người nhân hậu, giàu tình cảm, tâm lí. Ông luôn quan tâm đến người khác từ những hành động nhỏ nhặt nhất như: cùng chơi với Lụm, hiểu tâm lí của Lụm và luôn bên cạnh cậu bé, đưa cậu bé đi làm cùng, ru cậu bé ngủ… Những điểm này khiến nhân vật hiện lên rất rõ nét. Không những thế, tác giả còn khắc họa tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo qua quá trình diễn biến tâm lí của Lụm, từ khi cậu bé chìm đắm trong đau khổ đến khi lấy lại được nụ cười trên môi, từ khi trằn trọc với những cơn ác mộng ban đêm đến khi xả hết được qua tiếng khóc kìm nén… Bên cạnh đó, tác giả còn thành công trong việc xây dựng tình huống truyện. Chọn lựa tình huống truyện éo le: con người đối mặt với thiên tai, lũ lụt; khắc họa sự bất hạnh của Lụm, mất mát của Lụm khi mẹ bị trôi theo cơn lũ và được gia đình ông Vại cưu mang… tác giả đã khiến sự đối lập giữa mất mát, đau khổ và ấm áp yêu thương được hiện lên rõ ràng hơn; từ đó bộc lộ rõ phẩm chất, tính cách của từng nhân vật, thể hiện đầy đủ nhất dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đồng thời, truyện ngắn còn thu hút người đọc bởi ngôn ngữ, hình ảnh giàu sức biểu tượng. Ngôn ngữ được sử dụng rất đời thường, chân thực, giản dị như những người dân thuần hậu, chất phác và đầy yêu thương. Kết hợp ngôn ngữ đối thoại ngắn gọn, gần gũi và đoạn miêu tả thiên nhiên nhẹ nhàng, ngọt ngào khiến cho câu chuyện thêm hấp dẫn. Đặc biệt, biểu tượng chiếc bớt hình hoa đào trên vai và ý nghĩa sâu sắc của nó: bông hoa đào đại diện mùa xuân đã nở, mùa xuân với sự khởi đầu tốt đẹp đã đến cũng giống như Lụm sẽ có khởi đầu mới tốt đẹp hơn, vui vẻ và hạnh phúc hơn. Những nét đặc sắc đó về nghệ thuật đã góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm.

Hoa đào nở trên vai là một truyện ngắn nhẹ nhàng mà sâu lắng, không có nhiều yếu tố kịch tính nhưng lại thấm sâu vào lòng người bởi sự ấm áp của tình yêu thương, chia sẻ mà con người giành cho nhau. Truyện ngắn gợi cho em nhiều suy nghĩ về giá trị của tình yêu thương, của sự chia sẻ trong cuộc sống; nuôi dưỡng trong mỗi chúng ta niềm tin về sự tốt đẹp trong cuộc sống này.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 1.647
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm