Phân tích truyện ngắn Anh hai Lý Thanh Thảo

Truyện ngắn Anh hai của Lý Thanh Thảo là câu chuyện kể về cách cư xử của thằng bé con nhà giàu và hai đứa trẻ nghèo khổ. Văn bản Anh hai của Thanh Thảo gửi đến chúng ta một thông điệp về tình cảm gia đình và sự quan tâm lẫn nhau. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến  bạn đọc bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Anh hai của Lý Thanh Thảo hay và chi tiết sẽ giúp các em có thêm gợi ý viết bài.

Viết bài văn phân tích tác phẩm Anh Hai

Văn bản Anh hai của Lý Thanh Thảo

ANH HAI

Bên đường, người phụ nữ sang trọng trong xe đang dỗ dành con:

- Ăn thêm cái nữa đi con!

- Ngán quá, con không ăn đâu!

- Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng!

- Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi!

Thằng bé lắc đầu nguầy nguậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường sát mép cổng. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi.

Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ liền xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng bảo thằng con trai:

- Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.

Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn.

- Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh. – Con bé nói rồi thút thít.

- Ừa. Tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!

(Theo Lý Thanh Thảo, “ Truyện hay cực ngắn”, NXB Phụ nữ, 2003, trang 7)

Dàn ý phân tích Anh hai của Lý Thanh Thảo

a. Mở bài:

+ Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả)

+ Nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.

b. Thân bài:

- Nêu ngắn gọn nội dung chính của tác phẩm: Truyện kể về thằng bé con nhà giàu đòi từ chối ăn bánh kem và vứt nó đi; hai anh em nhà nghèo nhặt vội lên, thổi những chỗ lấm lem trên bánh để ăn nhưng cuối cùng bánh bị rơi xuống cống. Hai anh em liếm miếng kem còn rớt lại trên ngón tay.

- Nêu được chủ đề của tác phẩm: Ca ngợi tình cảm anh em ruột thịt yêu thương, đùm bọc, nhường nhịn, sẻ chia, gắn bó khăng khít trong hoàn cảnh khó khan, nghèo khổ.

- Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của truyện:

* Phân tích đặc sắc nội dung.

+ Đứa con nhà giàu: Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay, chiếc bánh kem văng qua cửa xe rơi xuống đường, sát mép cống.

+ Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon.

+ Hai anh em chia nhau liếm hai ngón thôi.

-> Mối quan hệ giữa anh và em được thể hiện rất tự nhiên và chân thật. Anh Hai thể hiện tình cảm lo lắng và quan tâm đặc biệt đối với em gái khi thấy em ăn kem và có vẻ không thoải mái.

-> Tính cách nhân vật: một người anh chăm sóc và quan tâm đến em gái. Trong khi đó, em gái có vẻ thích ứng và không ngần ngại khi đối mặt với khó khăn.

* Đặc sắc nghệ thuật:

- Nghệ thuật tương phản, đối lập: truyện nói về số phận, hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau của đứa trẻ nhà giàu và hai anh em con nhà nghèo, qua đó làm nổi bật tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

- Tình huống gay cấn: đứa em từ chối ăn bánh kem và đòi vứt đi, nhưng người anh vẫn cố gắng thuyết phục và thậm chí thổi sạch kem trên bánh để em có thể ăn. Tuy nhiên, cuối cùng, bánh vẫn rơi xuống cống và mất đi.

- Ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, gần gũi miêu tả sự hồn nhiên của người anh.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc thông qua cử chỉ, hành động, việc làm.

c. Kết bài:

- Bức thông điệp của truyện.

-Tác động của văn bản tới nhận thức, cảm xúc của cá nhân người viết.

Phân tích Anh hai của Lý Thanh Thảo

“Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”.

Đúng thật như vậy, ở một giây phút nào đó trong cuộc đời, ta sẽ thấy được rằng cuộc sống không bao giờ suôn sẻ, con đường mà ta đang và sắp phải đi qua không bao giờ bằng phẳng và trải đầy hoa hồng. Những va vấp và sự cố trên đường đi có thể sẽ làm ta nản lòng và tuyệt vọng. Những lúc ấy, ta sẽ cần lắm một bờ vai để dựa vào, một nơi để sẻ chia những nỗi niềm, một vòng tay âu yếm đế chở che. Khi đó, người anh và người chị sẽ luôn sẵn sàng ở bên ta, nâng đỡ ta, che chở cho ta, thương yêu ta, sưởi ấm con tim và chữa lành vết thương cho ta. Thông điệp yêu thương ấy lại một lần nữa được gửi gắm trong câu chuyện “Anh Hai” của Lý Thanh Thảo.

Hai từ “Anh Hai” nghe thật tha thiết. Quả thật như vậy, câu chuyện kể về hai đứa trẻ nghèo phải đi bới móc rác, không có tiền để mua đồ ăn dù chỉ là một chiếc bánh nhỏ để ăn. Một hôm nọ, khi đang bới móc rác thì hai anh em bỗng thấy một chiếc bánh kem nằm sát mép cống. Bất chấp việc chiếc bánh đã bị vấy bẩn, hai anh em vẫn chạy đến, nhìn chiếc bánh một cách thèm thuồng. Vi thấy chiếc bánh bẩn quá người anh ra sức thổi hết bụi đi nhưng bụi “chẳng chịu đi cho”, người em vì đói qua nên phụ anh thổi. Nhưng chính “cái miệng háu đói” của người em đã làm chiếc bánh rơi tõm xuống cống. Người em khóc, đổ lỗi cho người anh. Người anh không phủ nhận mà lại nhận hết trách nhiệm về mình rồi còn nhường phần nhiều miếng kem dính trên tay cho người em. Chiếc bánh ấy mặc dù đã bị người khác vứt bỏ nhưng hai anh em ấy lại xem nó như món quà mà trời ban tặng cho. Qua câu chuyện trên, ta thấy được có nhiều người có được cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc nhưng không biết trân trọng trong khi còn có biết bao người bất hạnh hơn mình gấp trăm lần. Đồng thời câu chuyện còn muốn đề cao tình anh em, chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau.

Trong thực tế hàng ngày, ta có thể thấy trên ti vi hay sách báo, ở những vùng quê nghèo, gia đình không đủ chi phí để nuôi cả hai anh em hay chị em ăn học. Người anh hoặc người chị sẽ luôn luôn hi sinh cho em ăn học, còn mình thì đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình nuôi em ăn học. Chính mẹ của tôi là một minh chứng. Ngày xưa khi còn nhỏ như tôi, vì gia đình nghèo, đông con nên mẹ tôi đã nghỉ học, ngày ngày phải đội mưa, đội nắng đi chẻ cùi, đi bán hàng rong để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Mẹ tôi đã nhường tấm vé đi tới tương lai cho những đứa em của mình… Thể nhưng có những người anh, người chị xem em mình như một gánh nặng, luôn ghét bỏ và xua đuổi em của mình. Như bạn của tôi tên T, mỗi khi tôi đến nhà nó là nhìn thấy anh nó mắng chửi, đánh nó. Mặc dù nó khóc rất nhiều và đã nói xin lỗi cả trăm lần nhưng anh nó vẫn tiếp tục đánh nó.

Trong một gia đình, nếu như anh em hòa thuận, sống vui vẻ và thương yêu lẫn nhau thì tổ ấm của mình sẽ luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc. Giống như nhà thơ Tố Hữu từng viết:

“Có gì đẹp hơn trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau”.

Và nếu trên Trái Đất này tràn ngập niềm yêu thương và niềm hạnh phúc, ánh nắng ấm áp bao trùm cả Trái Đất, thì trên đời này sẽ không còn chiến tranh, không còn những xung đột, bất hòa. Vậy nên tình anh em trong mỗi gia đình là rất quan trọng. Nhưng ngược lại, nếu anh em trong gia đình bất hòa, ngày nào cũng gây gổ, chiến tranh lạnh với nhau thì bóng tối u ám sẽ bao trùm lấy cả Trái Đất này. Chúng ta sẽ phải ngày ngày sống trong chiến tranh, bất hòa, những cuộc cãi vã không có điểm dừng. Xã hội sẽ ngày càng đi xuống, an ninh trật tự trong xã hội sẽ bị rối loạn.

Trong xã hội ngày nay, tầng lớp nào cũng có, thành phần nào cũng có, đặc biệt là những người bị tê liệt cảm xúc, không có trái tim, không biết yêu thương người thân nhất là anh em của mình. Còn có những người còn tệ hại hơn nữa, những thành phần sống dưới đáy xã hội, là cặn bã của xã hội. Họ làm những chuyện đồi bại, hãm hại chính anh em của mình. Trong tầng lớp thượng lưu, ta có thể thấy rất rõ, vì tranh chấp tài sản, mà ngay cả anh em mình cũng hãm hại lẫn nhau. Chỉ vì bị vật chất và đồng tiền làm lu mờ mà “anh em tương tàn”, trở mặt với nhau. Những người đó đáng bị xã hội lên án và trừng trị.

Hiểu rõ và cảm nhận được sâu sắc sự quan trọng của tình anh em, chúng ta phải làm thế nào? Những ai đã xây dựng được tình anh em trong gia đình thì hãy trân trọng nó, hãy tiếp tục yêu thương, tiếp tục vun đắp cho nó thật vững chắc để ngọn gió nào cũng không thể đánh gục nó. Còn những người chưa yêu thương anh em của mình, hãy để tình yêu làm tan chảy trái tim băng giá của mình, đừng để mất rồi lại hối hận thì đã muộn. Và riêng những người hay ghen ghét, đố kị với anh em của mình thì “Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Nó là con rắn độc. Nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”. Hãy tập sống vị tha và bao dung, đừng bao giờ sinh lòng đố kị với anh em của mình. Nó sẽ che mắt mình dẫn mình vào con đường tăm tối và lạc lối. Hãy luôn nhớ sống trên đời là để yêu thương, nếu không biết yêu thương thì xem như ta đã “chết khi còn sống”.

Trong câu chuyện ta còn thấy có nhân vật cậu bé và người mẹ trong chiếc xe. Qua hình ảnh đó ta thấy được cậu bé ăn bánh đến nỗi ngán ngẩm không muốn ăn nữa còn hai đứa trẻ kia thì không có bánh để ăn, phải nhặt lại chiếc bánh mà cậu bé kia đã vứt bỏ. Từ đó ta nhận được thông điệp rằng mình còn hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người khác nên hãy quý trọng cuộc sống của mình hoặc nếu có lòng nhân hậu thì hãy sẻ chia “chiếc bánh ấy” cho những người đang cần nó chứ đừng như cậu bé thẳng tay vứt bỏ “chiếc bánh”.

Tình yêu thương không cần thể hiện qua một cái gì đó lớn lao. Tình yêu thương có thể là thầm lặng. Tình yêu thương thể hiện qua những điều nhỏ nhặt và tầm thường nhất trong cuộc sống như hai anh em nhường nhau một mẩu bánh trong câu chuyện “Anh Hai” hay là một bàn tay nâng đỡ khi thấy người khác gặp hoạn nạn khó khăn. Tình anh em cũng thế, không cần thể hiện ra cho mọi người thấy, chỉ cần trong tim mỗi người đều có ngọn lửa yêu thương thì có thể sưởi ấm khắp cả thế gian

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
7 4.700
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng