Phân tích bài thơ Tiếng Việt mến yêu Nguyễn Phan Hách

Bài thơ Tiếng Việt mến yêu là một trong số các bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Phan Hách. Bài thơ đã truyền cho người đọc niềm tự hào về đất nước con người được thể hiện độc đáo qua sự đa dạng phong phú của tiếng Việt. Sau đây là dàn ý phân tích bài thơ Tiếng Việt mến yêu sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích giúp các em nắm được cách phân tích tác  phẩm.

Dàn ý phân tích bài thơ Tiếng Việt mến yêu

Năm mươi người con theo cha xuống biển

Năm mươi người con theo mẹ lên rừng

Những người con ngồi đúc trống đồng

Tiếng chim hót phổ vào giọng nói

Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi

Nghe dịu dàng âu yếm biết bao

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt có từ đâu

Sau tiếng Mẹ là tiếng Yêu thánh thót

Tiếng Nước nghe như rơi từng giọt

Tiếng Đất nghe chắc nịch vững bền

Tiếng Cơm nghe ngạt ngào hương thơm

Người Giao Chỉ lắng nghe tiếng gió

Tiếng dòng sông rì rào sóng vỗ

Tiếng trời xanh lồng lộng mênh mang

Tiếng xôn xao của nắng thu vàng

Tiếng dế đêm trăng thanh vời vợi

Tiếng hồ gầm vang trong hốc núi

Tiếng mây bay vương vấn sắc trời

Tiếng sấm rền và tiếng mưa rơi

Tiếng nhịp đập trái tim thiếu nữ

Tiếng bập bùng nhen trong bếp lửa

Những thanh âm tha thiết bồi hồi

Bật ra thành tiếng Việt trên môi.

1. Đôi nét về tác giả, tác phẩm:

- Nguyễn Phan Hách là một con người đa tài. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông nghiêm túc, cần mẫn và sáng tạo trên nhiều lĩnh vực của văn học, nghệ thuật và đã có một “cuộc rong chơi” với những đam mê, sáng tạo bất tận, dồi dào, đó là kết quả của Tiếng Việt bắt đầu từ tình mẫu tử thiêng cả một quá trình dài trải nghiệm và thử thách. Nguyễn Phan Hách với tâm hồn lãng mạn, bay bổng nhưng đôi khi cũng đầy thực tế trong văn chương hoàn toàn phù hợp với nét tính cách hào sảng, vui vẻ, đầy dí dỏm và ẩn trong đó là chiều sâu đầy suy ngẫm của ông.

- Bài thơ “Tiếng Việt mến yêu” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của tác giả. Bài thơ thể hiện sự đặc sắc của tiếng Việt, với ngôn ngữ đa dạng và phong phú Nguyễn Văn Hách thể hiện niềm tự hào đối với ngôn ngữ dân tộc.

2. Những vấn đề cơ bản:

a. Đoạn trích “Tiếng việt mến yêu” của Nguyễn Phan Hách là lời ngợi ca, niềm tự hào về nguồn gốc, cội nguồn cao quý của con người đất Việt, của tiếng nói đất Việt

+ Cội nguồn, nguồn gốc cao quý thiêng liêng của con người đất Việt:

- Mở đầu bài thơ, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã gợi về nguồn cội của mỗi người dân đất Việt: Nguồn gốc Rồng, Tiên qua việc nhắc đến câu chuyện “Con Rồng, cháu Tiên” của nhân dân ta. Câu chuyện là huyền thoại đẹp và ý nghĩa về dòng giống dân tộc Việt

“Năm mươi người con theo cha xuống biển

Năm mươi người con theo mẹ lên rừng”

- Người Việt ta luôn tự hào về nguồn gốc cao quý, thiêng liêng của mình - nòi giống Lạc Hồng đã ghi đậm dấu ấn vào trong mỗi trái tim, tâm khảm của người dân nước Việt. Niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ca ngợi mối quan hệ gắn bó thân thiết tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam bởi chúng ta đều sinh ra từ bọc trăm trứng, của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, cùng sống trên một Đất Nước và cùng có tiếng nói chung - Tiếng Việt. Tiếng Việt là hơi thở của sự sống, là sự kết tinh bao đời của một dân tộc anh hùng. Khi tiếng Việt cất lên ta nghe trong đó nhiều cung bậc cảm xúc với lối nghĩ, lối cảm riêng của người dân đất Việt: đó là tình yêu quê hương, đất nước được gìn giữ, truyền lưu từ bao đời nay.

- Cảm xúc về tiếng Việt, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã không bắt đầu bằng những khái niệm trừu tượng mà dẫn nhập bằng những câu thơ có sức gợi để cho người đọc thấy được đời sống sinh hoạt, lao động của người Việt - nơi thai nghén, hình thành và nuôi dưỡng tiếng nói dân tộc. Một không gian văn hóa Việt được tạo dựng với những hình ảnh, âm thanh của làng quê Việt Nam thân thuộc, dấu yêu: Tiếng Việt được sinh ra từ lao động, trong lao động:

“Những người con ngồi đúc trống đồng

Tiếng chim hót phổ vào giọng nói”

- Mọi mặt của đời sống lao động đã làm nên hồn cốt của tiếng Việt. Những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, mang đậm bản sắc dân tộc đã dệt nên tiếng Việt thân thương, mộc mạc, chân chất, khoẻ khoắn, trong trẻo.

+ Tiếng Việt bắt nguồn từ những âm thanh tha thiết của cuộc sống:

- Tiếng Việt bắt đầu từ tình mẫu tử thiêng liêng:

“Mẹ là tiếng đầu tiên trẻ gọi

Nghe dịu dàng âu yếm biết bao”

- Câu thơ gợi lên tình mẫu tử thiêng liêng, thể hiện qua tiếng nói đầu đời của con. Đó là những lời ru đưa con vào giấc ngủ, là lời ngọt ngào với bao yêu thương mẹ dành cho đứa con bé bỏng của mình. Là lúc con bập bẹ gọi tiếng “mẹ ơi”, bao nhiêu cảm xúc vỡ òa trong tâm tư người mẹ. Và tiếng Việt cũng bắt đầu từ tiếng gọi của tình mẫu từ thiêng liêng.

- Nguồn gốc tiếng Việt còn bắt nguồn từ những âm thanh tha thiết của cuộc sống đó là tiếng chim hót, tiếng gọi mẹ, tiếng nước chảy, tiếng cơm, tiếng dòng sông, tiếng trời xanh, tiếng nắng, tiếng dế,... Nguyễn Phan Hách đã liệt kê một loạt âm thanh của cuộc sống cùng với việc sử dụng điệp ngữ “tiếng” được lặp lại nhiều lần trong câu thơ tạo nên ấn tượng về sự bất tận của tiếng Việt, về những hình sắc khác nhau của tiếng Việt.

- Tiếng Việt không chỉ giàu giá trị biểu cảm mà tiếng Việt còn là hơi thở không bao giờ ngừng của cuộc sống. Sự phong phú của tiếng Việt được tác giả ngầm so sánh với dòng Trường Giang không bao giờ cạn, như ngàn vì sao tinh tú trên bầu trời. Sự đặc sắc và dữ dội của tiếng Việt được thể hiện rõ hơn qua tiếng hỗ gầm, tiếng mây bay, tiếng sấm rền và đặc biệt là tiếng nhịp đập trái tim của người thiếu nữ. Những âm thanh nghe thật thiết tha, bồi hồi. Sự mềm mại thanh thoát trong tiếng nước, sự vững chắc bền bỉ của đất trời, sự no ấm và sung túc của tiếng cơm,... Mỗi tiếng nói cất lên như mang trong nó tất cả những gì mà ngôn ngữ biểu đạt: Trong tiếng Mẹ là tỉnh mẫu tử thiêng liêng, trong tiếng Yêu là tình thương, trong tiếng Nước là giọt âm thanh rơi xuống, trong tiếng Đất là sự chắc nịch vĩnh hằng.. tất cả tạo nên bức tranh sinh động, giàu cảm xúc về những cung bậc, sắc thái của tiếng Việt. Nguyễn Phan Hách đã viết về ngôn ngữ nước mình bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

- Nhà thơ đã sử dụng một loạt động từ “tuôn trào”, “cuồn cuộn”, “chi chít” ... và khéo léo đưa sự kết nối giữa âm thanh với những liên tưởng đặc biệt của sự vật để làm lên những lời thơ vô cùng thú vị... để diễn tả sự phong phú và mãnh liệt, cuộn chảy của tiếng Việt mến yêu. Không sử dụng những khái niệm trừu tượng để lí giải Tiếng việt mà người nghệ sĩ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gần gũi với cuộc sống của chúng ta, đó là tiếng gọi mẹ, tiếng nước chảy, tiếng của sông, của đất trời,... hoà điệu với nhau làm nên thứ tiếng vừa giàu, vừa đẹp...

- Âm thanh vang lên trong câu thơ là những âm thanh đậm tình, sâu lắng, những âm thanh gắn liền với cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày. Những âm thanh nghe sao mà thiết tha nghĩa là tất cả những gì gần gũi, thân thiết, máu thịt nhất đối với mỗi người; là thứ tiếng lấm láp giọt mồ hôi mặn chát, những giọt nước mắt cay đắng và cả những tâm tình sâu lắng, ngọt ngào, say đắm. Tiếng Việt là thử tiếng của tình yêu và lao động. Yêu tiếng Việt, Nguyễn Phan Hách lắng nghe trong tiếng Việt hơi thở của sự sống, của vạn vật xung quanh. Trong tâm hồn mỗi người con đất Việt, tiếng Việt là tiếng nói đầu tiên thể hiện tình yêu quê hương, yêu đất nước. Tiếng Việt tồn tại và là dòng chảy của mỗi sự vật, gắn liền với đất nước thân yêu.

- Mỗi câu thơ là một cung bậc cảm xúc khác nhau. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ nguyễn Phan Hách đã thể hiện niềm trân trọng tiếng Việt, nó như lời nhắc nhở thế hệ trẻ về sự trân trọng ngôn ngữ ngàn đời của dân tộc. Tiếng Việt là kết quả lao động vất và của nhân dân. Nhân dân đã lao động, sáng tạo, đổ biết bao mồ hôi công sức, chịu đựng bao vất vả, bao hi sinh để gìn giữ, vun đắp cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp làm nên sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, cần cù, chịu thương, chịu khó, ân tình, thủy chung son sắt.

- Qua đoạn trích bài thơ “Tiếng Việt mến yêu” nhà thơ đã gửi gắm tình cảm yêu thương, trân quý, mến yêu đối với Tiếng Việt. Tình yêu ấy như dòng chảy xuyên suốt cả bài thơ. Tiếng Việt như hơi thở, mang sự sống của chúng ta, mỗi tiếng nói cất lên thể hiện tất cả những suy nghĩ, cảm xúc. Qua bài thơ ta cũng thấy được tâm huyết mà Nguyễn Phan Hách gửi gắm và lời nhắc nhở hãy gìn giữ vẻ đẹp trong sáng, giàu đẹp của tiếng việt.

=>Cùng với “Yêu tiếng Việt”, “Nằm trong tiếng nói yêu thương” của Huy Cận, “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, bài thơ “Tiếng Việt mến yêu” của Nguyễn Phan Hách cũng là một bài thơ vô cùng đặc sắc viết về sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt và tình yêu, niềm tự hào lớn lao của tác giả nói riêng, của nhân dân Việt Nam đối với ngôn ngữ dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã gửi gắm tình yêu lớn lao với tiếng Việt trong từng lời thơ của bài “Tiếng Việt mến yêu”. Tình yêu ấy được thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm, trở thành cảm xúc chủ đạo xuyên suốt bài thơ. Tình yêu tiếng Việt cuộn chảy, xuyên suốt qua không gia, thời gian, vạn vật. Bài thơ đã ca ngợi sự giàu đẹp của tiếng việt: vừa giản dị, mộc mạc, vừa phong phú, sâu sắc. Tiếng việt có sức sống mãnh liệt, thấm đẫm giá trị dân tộc, bồi đắp tâm hồn, tình yêu dân tộc. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng với Tiếng việt

b. Những đặc sắc nghệ thuật

- Bằng giọng điệu ngọt ngào, thiết tha nhà thơ đã thể hiện sự trân trọng, yêu quý và niềm tự hào của mình với tiếng Việt thân thương.

-  Điều đặc biệt về hình thức thể hiện của bài thơ trên là tác giả đã đưa vào trong mỗi dòng thơ những chất liệu của văn học dân gian khiến bài thơ trở nên tự nhiên, gần gũi; phép điệp ngữ làm tăng tính nhạc cùng giọng điệu ngọt ngào, tha thiết – rất phù hợp cho việc thể hiện cảm xúc: Sự trân trọng, yêu quý của tác giả dành cho tiếng Việt. Bài thơ còn được tác giả sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian như: “trống đồng”, “Giao Chỉ” truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”,... để khẳng định giá trị trường tồn của bản sắc văn hóa lịch sử của tiếng Việt.

Phân tích nội dung và một số nét đặc sắc về nghệ thuật bài thơ Tiếng Việt mến yêu

Nguồn gốc của tiếng Việt trong đoạn trích xuất phát từ Tiếng những thanh âm tha thiết của cuộc sống dung dị, bình thường mà trong trong sáng.

- Lời thơ giàu nhịp điệu, gợi sự sinh động, tăng giá trị biểu cảm cho toàn bài thơ.

- Thể hiện sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt.

Nhận xét về giọng điệu của bài thơ:

Giọng điệu: ngọt ngào, tha thiết, rất phù hợp cho việc thể hiện cảm xúc: sự trân trọng, yêu quý của tác giả dành cho tiếng Việt.

- Nghệ thuật: Tác giả sử dụng một số biện pháp nghệ thuật gợi sự sinh động, tăng giá trị biểu cảm cho bài thơ.

* 1. Mở bài :giới thiệu được bài thơ của tác giả nào,nhan đề bài thơ và vấn đề cần nghị luận.

* 2.Thân bài: phân tích nội dung và một số nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ “ Tiếng Việt mến yêu” của Nguyễn Phan Hách:

- Nguồn gốc của tiếng Việt trong đoạn trích xuất phát từ Tiếng những thanh âm tha thiết của cuộc sống dung dị, bình thường mà trong trong sáng.

(Học sinh dựa vào lời thơ phân tích, đánh giá)

- Tác giả sử dụng một biện pháp nghệ thuật : điệp từ, từ láy làm câu thơ giàu tính nhịp điệu, gợi sự sinh động, tăng giá trị biểu cảm cho bài thơ.

(Học sinh dựa vào lời thơ phân tích một số nét nghệ thuật tiêu biểu được tác giả sử dụng trong bài thơ)

* 3.Kết bài: rút ra được chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.

- Khẳng định giá trị của tác giả, tác phẩm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 2.641
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng