Bộ đề đọc hiểu thơ song thất lục bát
Đề đọc hiểu thơ song thất lục bát lớp 9
Thể thơ song thất lục bát là thể thơ mà các em học sinh sẽ được tìm hiểu kĩ hơn trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ tổng hợp mẫu đề đọc hiểu thơ song thất lục bát có đáp án chi tiết của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trong và ngoài chương trình sẽ giúp các em củng cố thêm kiến thức môn Ngữ văn của mình.
- Nghị luận về lạm dụng Chat GPT và các App giải sẵn trong học tập Ngữ văn
- Phân tích bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng (có dàn ý)
- Phân tích tác phẩm Nỗi sầu oán của người cung nữ
1. Đề đọc hiểu Chinh phụ ngâm
Đọc đoạn trích sau:
Một năm một nhạt mùi son phấn,
Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi.
Xưa sao hình ảnh chẳng rời?
Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương? [78]
Chàng ruổi ngựa, dặm trường mây phủ,
Thiếp dạo hài, lối cũ rêu in.
Gió Xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì [79]
Sợi nhớ khi cành đào đóa mận,
Trước gió xuân vàng tía sánh nhau;
Nọ thì ả Chức, chàng Ngưu
Đến trăng thu lại bắc cầu sang sông.
Thiếp một thân phòng không luống giữ,
Thời tiết lành nhầm nhỡ đòi nau;
Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,
Người đời thấm thoắt qua màu xuân xanh.
(Trích Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn, "Chinh phụ ngâm khúc" và hai bản dịch Nôm, NXB Văn học, 2011, tr. 68)
Chú thích: [78] Sâm, Thương: Tên hai chòm sao trong Nhị thập bát tú. Chòm Sâm thuộc phương Tây, chòm Thương thuộc phương Đông. Hai chòm này ở vào hai vị trí đối nhau trên vòm trời, thường được nhắc tới trong văn thơ cổ, chỉ sự vĩnh viễn cách xa. [79] Lương thì: thời tươi đẹp
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích.
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau:
Xưa sao hình ảnh chẳng rời?
Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương?
Câu 4. Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên.
Câu 5. Qua tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn trích, em hiểu gì thêm về giá trị của cuộc sống.
Đáp án
1 | Thể thơ: Song thất lục bát Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: Biểu cảm |
2 | Người chinh phụ |
3 | - Biện pháp nghệ thuật: phép đối: Xưa - giờ; chẳng rời - cách vời |
4 | Nỗi cô đơn, sầu muộn, nhớ thương chồng da diết, mong ước tái hợp. Tâm trạng ấy xuất phát từ khát khao hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của người chinh phụ khi có chồng đi chinh chiến không biết ngày trở về. Từ tâm trạng ấy, người đọc còn cảm nhận được tư tưởng nhân đạo của tác phẩm: Tấm lòng đồng cảm của nhà thơ với cảnh ngộ, khát khao của nhân vật.. |
5 | Học sinh có thể trình bày những bức thông điệp theo ý kiến cá nhân nhưng phải phù hợp. Ví dụ học sinh có thể chọn: - T rân quý những tình cảm của con người, trong đó có tình cảm vợ chồng gắn bó tha thiết, bởi đó là điểm tựa để chúng ta vượt qua những khó khăn và có được cuộc sống hạnh phúc. |
2. Đọc hiểu Đạo hiếu chưa tròn
Phần I: Đọc - hiểu (4 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Ân dưỡng dục suốt đời ghi tạc
Nghĩa sinh thành nguyện khắc trong tâm
Nắng mưa cha mẹ dãi dầm
Nuôi con khôn lớn âm thầm chở che
Quê mình đó bờ tre khóm trúc
Vẫn bên con những lúc dặm trường
Trong con mãi một tình thương
Ơn cha nghĩa mẹ quê hương xóm nghèo
Mùa thu đến mưa heo gió bấc
Cha có tròn được giấc ngủ say
Mẹ ăn uống có đủ đầy
Mặc có đủ ấm những ngày lạnh căm
Con vẫn mãi âm thầm nguyện ước
Cha mẹ già luôn được bình an
Mùa về tháng bảy vu lan
Chưa tròn đạo hiếu trách thân tủi hờn.
(Đạo hiếu chưa tròn – Hoàng Mai)
Câu 1 (1 điểm): Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Phương thức biểu đạt chính là gì?
Câu 2 (1 điểm): Cảm xúc bao trùm toàn bài thơ “Đạo hiếu chưa tròn” là gì?
Câu 3 (1 điểm): Trong bài “ Đạo hiếu chưa tròn” của tác giả Hoàng Mai em thích nhất câu thơ nào? Vì sao?.
Câu 4 (1 điểm): Từ bài thơ trên, em rút ra được bài học gì?
Đáp án
1 | Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ? |
| - Thể thơ: song thất lục bát - Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm. |
2 | Cảm xúc bao trùm toàn bài thơ “Đạo hiếu chưa tròn” là gì? |
| - Là lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và sự ngậm ngùi, nuối tiếc khi chưa làm tròn chữ hiếu của người con. ( đủ cả 2 ý 1 điểm) |
3 | Trong bài “ Đạo hiếu chưa tròn” của tác giả Hoàng Mai em thích nhất câu thơ nào? Vì sao? |
| - Chọn dúng câu thơ trong văn bản. - Giải thích hợp lý và thuyết phục. VD: Trong bài thơ, em thích nhất là câu “Con vẫn mãi âm thầm nguyện ước/Cha mẹ già luôn được bình an”. Vì: Câu thơ đã thể hiện được lòng biết ơn và nỗi niềm mong ước của tất cả những người con dành cho cha mẹ của mình. Cha em được “ bình an” mạnh khoẻ là hạnh phúc của con…. |
4 | Từ bài thơ trên, em rút ra được bài học gì? |
| - Chúng ta cần ghi nhớ, biết ơn công lao trời biển của bậc sinh thành. - Luôn lễ phép, tôn trọng, chăm sóc ông bà, cha mẹ khi còn có thể. - Lên án, phê phán mạnh mẽ lối sống bất kính, bất hiếu. - ….. ( Nếu được 2 ý cho 1 điểm) |
3. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đọc hiểu
4. Trưa vắng đọc hiểu
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:
TRƯA VẮNG
1. Hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non Lâu rồi, còn thoảng mùi thơm Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ 5. Sâu rộng quá những giờ vui trước Nhịp cười say trên nước chưa trôi Trưa hè thường thấy hai tôi* Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn 9. Ðời đẹp quá, tôi buồn sao kịp? Trang sách đầu chép hết giây mơ Ngả mình trên bóng nhung tơ Tôi nguyền: Sau lớn làm thơ suốt đời! | 13. Cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ Gió lùa thu trong lá bao lần… Bạn trường những bóng phù vân Xót thương mái tóc nay dần hết xanh. 17. Hồn xưa dậy: chim cành động nắng Lá reo trên hồ lặng lờ trong Trưa im im đến não nùng Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang... Hồ Dzếnh, Quê ngoại, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1996, tr. 62-63) |
Câu 1 (0,5 điểm). Bài thơ “Trưa vắng” được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,5 điểm).Ở khổ thơ thứ nhất, “hồn tôi đấy” được gợi ra qua những hình ảnh nào?
Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu như thế nào về hai câu thơ sau:
“Bạn trường những bóng phù vân
Xót thương mái tóc nay dần hết xanh.”
Câu 4 (1,0 điểm).Phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê trong hai câu thơ sau:
Trưa hè thường thấy hai tôi*
Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn
Câu 5 (1,0 điểm). Tuổi thơ, đặc biệt là tuổi học trò luôn là miền kí ức tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Qua bài thơ, em được bồi đắp thêm những tình cảm, thái độ, hành động gì đối với tuổi học trò của chính mình?
Đáp án
1 | Bài thơ “Trưa vắng” được viết theo thể thơ: Song thất lục bát. |
2 | Ở khổ thơ thứ nhất, “hồn tôi đấy” được gợi ra qua những hình ảnh: căn trường; nước vôi xanh; bờ cỏ. |
3 | - Bạn trường những bóng phù vân: bạn bè cùng trường năm xưa giờ như bóng mây trôi, mỗi người mỗi ngả; - Xót thương mái tóc nay dần hết xanh: bản thân nhà thơ cũng đã bạc mái đầu. => Hai câu thơ là nỗi niềm tâm sự của một con người khi đã đi qua tuổi học trò, nhớ về kỉ niệm với bạn bè, kỉ niệm khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Qua đó bộc lộ sự hoài niệm, tiếc nuối, xót xa của tác giả khi nghĩ về tuổi học trò. => Qua đó, gợi nhắc chúng ta biết trân trọng tuổi học trò, trân quý tình bạn hữu… |
4 | - Phép liệt kê: Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn - Tác dụng: + Làm tăng tính biểu cảm và nhịp điệu cho câu văn. + Tái hiện những trò chơi tinh nghịch của tuổi thơ, giờ đã trở thành kỉ niệm vô giá của hai annh em. + Thái độ trân quý về miền kí ức đẹp đẽ nhất bên mái trường, bạn bè |
5 | Tuổi thơ, đặc biệt là tuổi học trò luôn là miền kí ức tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Qua bài thơ, em được bồi đắp thêm những tình cảm, thái độ, hành động đối với tuổi học trò của chính mình là: - Biết quý trọng những năm tháng tuổi học trò; - Quý trọng tình bạn bè cùng học chung mái trường; - Yêu quý, gắn bó với mái trường; - Cố gắng học tập tốt; - Cố gắng lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ tuổi học trò dưới mái trường thân yêu; |
5. Đọc hiểu bài Đôi mắt của Lưu trọng Lư
Bài thơ Đôi Mắt
Có hoa nào qua mùa không héo?
Có tiếng nào giàu đẹp hơn không?
Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em.
Đàn “nguyệt dạ” hương đêm bay lạc
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?
Phép gì khỏi nhớ đừng trông
Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi.
(Tác giả: Lưu Trọng Lư)
Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản?
Câu 2: Trong bài thơ hình ảnh “ hoa” tượng trưng cho điều gì?
Câu 3: Ý nghĩa của câu "Có hoa nào qua mùa không héo" là gì?
Câu 4: Giải thích câu cuối của bài thơ ‘ Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi”’
Đáp án
Câu 1.Thể thơ song thất lục bát
Câu 2.Tượng trưng cho vẻ đẹp tình yêu và những kỉ niệm đã qua
Câu 3. Câu thơ này biểu thị sự vô thường, cho rằng không có điều gì tồn tại mãi mãi mà không thay đổi, giống như hoa sẽ héo tàn theo thời gian.
Câu 4; "Đôi mắt em bỏ túi vắng lòng đem soi". Câu thơ này sử dụng phép ẩn dụ, so sánh đôi mắt của người yêu với một vật được bỏ vào túi, nhưng lại cảm thấy trống vắng và cô đơn. Câu thơ gợi lên cảm xúc buồn bã, thiếu vắng tình yêu của người thơ.
6. Đọc hiểu bài Ái quốc của Phan Bội Châu
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện yêu cầu bên dưới
Nay ta hát một thiên ái quốc,
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta.
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà,
Ông cha để lại cho ta lọ vàng.
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở,
Bốn ngàn năm giãi gió dầm mưa,
Biết bao công của người xưa,
Gang sông, tấc núi, dạ thưa, ruột tằm.
Hào Đại Hải âm thầm trước mặt,
Dải Cửu Long quanh quất miền tây,
Một toà san sát sinh thay,
Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn.
Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp.
Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu.
Giống khôn há phải đàn trâu,
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng?
Hai mươi triệu dân cùng của hết,
Bốn mươi năm nước mất quyền không.
Thương ôi! Công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao.
Non nước ấy biết bao máu mủ.
Nỡ nào đem nuôi lũ Sài Lang?
Cờ ba sắc, xứ Đông Dương,
Trông càng thêm nhục, nói càng thêm đau!
Nhục vì nước, mà đau người trước,
Nông nỗi này, non nước cũng oan.
Hồn ơi về với giang san,
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này:
“Hợp muôn sức ra tay quang phục.
Quyết có phen rửa nhục báo thù...”
Mấy câu ái quốc reo hò,
Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng.
(Ái quốc – Phan Bội Châu, 1910; nguồn thivien.net)
* Phan Bội Châu (26/12/1867 - 29/12/1940) sinh tại làng Đan Nhiễm, tỉnh Nghệ An. Là một nhà cách mạng Việt Nam trong phong trào chống Pháp, ông đã thành lập phong trào Duy Tân và khởi xướng phong trào Đông Du. Bài thơ “Ái quốc” được viết vào khoảng năm 1910, đây là thời điểm Phan Bội Châu phải chạy sang Trung Quốc sau khi bị Nhật trục xuất (do thỏa thuân giữa Nhật và thực dân Pháp).
* Vân, Quảng: Vân Nam và Quảng Đông, Quảng Tây. Câu này ý nói sông núi nước ta sánh ngang với nước Tàu (Trung Quốc).
Câu 1 (0,5 điểm): Bài thơ “ Ái quốc ” của Phan Bội Châu được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (0,5 điểm): Em hãy giải thích nghĩa của cụm từ “gấm vóc” trong câu thơ “Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp”.
Câu 3 (1,5 điểm): Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau: “Ông cha để lại cho ta lọ vàng”.
Câu 4 (1,5 điểm): Em hiểu như thế nào về ý thơ “Yêu gì hơn yêu nước nhà ta”? Qua ý thơ và toàn bộ bài thơ “Ái quốc”, Phan Bội Châu gửi gắm tình cảm hoặc thông điệp gì?
Đáp án
1 | Bài thơ được viết theo thể thơ song thất lục bát |
2
| Cụm từ “gấm vóc”: trong đó gấm và vóc chỉ hai thứ hàng dệt bằng tơ tằm rất quý giá, đẹp đẽ và được dùng để chỉ vẻ đẹp cùng sự giàu có của giang sơn, đất nước. |
3
| - Biện pháp tu từ ẩn dụ: “lọ vàng” - Hiệu quả nghệ thuật: + Góp phần làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt trong câu thơ + Nhà thơ dùng hình ảnh “lọ vàng” để gợi liên tưởng tới những tài nguyên quý giá, phong phú của quê hương đất nước được ông cha để lại cho thế hệ mai sau. + Qua đó, nhà thơ không chỉ thể hiện lòng tự hào với sự trù phú của quê hương, đất nước mà còn thể hiện sự tri ân, biết ơn với những hi sinh của thế hệ cha ông, của các bậc tiền nhân. |
4 | HS lí giải được hợp lí về ý thơ “Yêu gì hơn yêu nước nhà ta”. Gợi ý: Tình yêu quê hương đất nước ở Phan Bội Châu được thể hiện bằng lời khẳng định giản dị chân thành và bằng những tình cảm bình thường, gần gũi nhưng rất sâu sắc. Ý thơ chính là sự khẳng định: tình yêu nước là tình cảm cao đẹp, thiêng liêng hơn tất cả. Thật khó có thứ tình cảm nào vượt lên được tình yêu nước, đặc biệt là khi đất nước còn lầm than, chịu sự giày xéo của ngoại bang. HS nhận diện và chỉ ra được tình cảm hoặc thông điệp được nhà thơ gửi gắm trong bài “Ái quốc”. Một số ý tham khảo: + Nhà thơ thể hiện tình yêu sâu đậm đối với quê hương đất nước, đặc biệt khi nước nhà đang trong cảnh lầm than nô lệ: tình yêu nước xen lẫn nỗi xót xa, căm hận. Từ đó khơi gợi ý chí, quyết tâm cùng đoàn kết vùng lên đấu tranh. + Lời thơ còn là lời kêu gọi cho công cuộc “quang phục” tổ quốc, giành lại tự do độc lập cho nước nhà; mà trước hết vẫn là việc cần phải đồng tâm, đoàn kết. Nước mạnh, nước giàu mà đoàn kết thì càng giàu mạnh hơn và nước nghèo yếu thì chỉ có đoàn kết mới giữ vững được nền độc lập tự chủ và bảo toàn mạng sống cho mình, cho gia đình mình. |
7. Ai tư vãn đọc hiểu
Đọc văn bản sau:
Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo, Trước thềm lan hoa héo ron ron! Cầu Tiên khói toả đỉnh non, Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu! Nỗi lai lịch dễ hầu than thở, Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao? Sầu sầu, thảm thảm xiết bao, Sầu đầy giạt bể, thảm cao ngất trời! Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc, Nghĩa tôn phò vằng vặc bóng dương, Rút dây vâng mệnh phụ hoàng, Thuyền lan, chèo quế thuận đường vu qui. Trăm ngàn dặm quản chi non nước, Chữ nghi gia mừng được phải duyên, Sang yêu muôn đội ơn trên, Rỡ ràng vẻ thuý, nối chen tiếng cầm. Lượng che chở, vụng lầm nào kể, Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời, Dầu rằng non nước biến dời, Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là. Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội, Khắp tôn thân cũng đội ơn sang, Miếu đường còn dấu chưng thường, Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh.
| Nhờ hồng phúc, đôi cành hoè quế, Đượm hơi dương, dây rễ cùng tươi. Non Nam lần chúc tuổi trời, Dâng câu thiên bảo, bày lời Hoa phong. Những ao ước trập trùng tuổi hạc, Nguyền trăm năm ngỡ được vầy vui, Nào hay sông cạn, bể vùi, Lòng trời tráo trở, vận người biệt ly! Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết, Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên! Xiết bao kinh sợ lo phiền, Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu. Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước. Phương pháp nào đổi được cùng chăng? Ngán thay, máy Tạo bất bằng! Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan! Cuộc tụ, tán, bi, hoàn kíp bấy! Kể sum vầy đã mấy năm nay? Lênh đênh chút phận bèo mây, Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu! Trằn trọc luống đêm thâu, ngày tối, Biết cậy ai dập nỗi bi thương? Trông mong luống những mơ màng, Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say. Khi trận gió, hoa bay thấp thoáng, Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu: Vội vàng sửa áo lên chầu, Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện chăng! |
(Trích Ai Tư vãn, Lê Ngọc Hân, theo https://isach.info/)
Chú thích:
* Ai Tư vãn là một tác phẩm viết bằng chữ Nôm. Tương truyền bài thơ này là do Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân viết khóc phu quân là Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ khi hoàng đế băng hà.
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Đoạn trích "Ai Tư Vãn" được viết theo thể thơ nào? Đặc điểm của thể thơ đó là gì?
Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là ai? Qua em cảm nhận được điều gì ở nhân vật trữ tình?
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan!”
Câu 4. Trong cuộc đời, gặp gỡ rồi chia ly là lẽ tự nhiên. Nếu phải chứng kiến hoặc trải qua những cuộc chia ly, em nên có thái độ như thế nào?
Đáp án
1 | - Đoạn trích "Ai Tư Vãn" được viết theo thể thơ song thất lục bát - Đặc điểm của thể thơ song thất lục bát: + Kết hợp đan xen từng cặp song thất với cặp câu lục bát + Về vần, thơ song thất lục bát sử dụng cả vần lưng và vần chân. + Về thanh điệu, thanh bằng (B) – thanh trắc (T) của các tiếng ở một số vị trí trong câu thơ là cố định. + Cách ngắt nhịp của thơ song thất tương đối linh hoạt. |
2 | - Nhân vật trữ tình: người vợ - Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Qua đoạn trích, nhân vật trữ tình hiện lên là một người vợ nặng tình, biết trân quý những tình cảm, kỉ niệm vợ chồng; thủy chung, đau lòng, xót thương chồng vô hạn. |
3 | - Biện pháp nói giảm nói tránh: Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan - Tác dụng của biện pháp tu từ nói giảm nói tránh: + Giúp cho cách diễn đạt trở nên giàu hình ảnh, giàu giá trị biểu cảm. + Vừa nhằm giảm bớt nỗi đau đớn trước cảnh sinh ly tử biệt; vừa gợi thân thế cao quý của người chồng qua hình ảnh xe loan. + Qua đó, thể hiện tâm trạng đau đớn, xót xa của người vợ trước sự ra đi của người chồng. |
4 | - Trong cuộc đời, gặp gỡ rồi chia ly là lẽ tự nhiên, nếu em phải chứng kiến hoặc trải qua những cuộc chia ly, em nên có thái độ: + Biết chấp nhận việc chia ly cũng như gặp gỡ như một lẽ thường tình, một lẽ tự nhiên không thể tránh khỏi trong cuộc sống; + Biết hướng tới những điều tích cực, lạc quan, tốt đẹp; + Yêu quý, trân trọng những người đang ở bên ta để khi họ có rời đi ta cũng không phải hối tiếc điều gì; + Động viên, khích lệ những người đang phải trải qua những cuộc chia ly có suy nghĩ, thái độ lạc quan, tích cực... |
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công