Ngữ văn 9 Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ bài thơ

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là nội dung các em học sinh sẽ được học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 tập 2. Sau đây là một số gợi ý soạn bài Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ bài thơ kèm theo hướng dẫn làm một số đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ trang 79 đã được Hoatieu tổng hợp, xin chia sẻ đến các bạn đọc.

Soạn bài Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi:

Đề 1. Phân tích các tầng nghĩa trong đoạn thơ sau:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Đề 2. Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn kết trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Cảm nhận của em về tâm trạng Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội

Đề 3. Cảm nhận của em về tâm trạng Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội.

Đề 4. Hình tượng người chiến sĩ lái xe trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Đề 5. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy gọi cho em những suy nghĩ gì?

Đề 6. Phân tích khổ thơ đầu trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh.

Đề 7. Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Đề 8. Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài Nói với con của Y Phương.

a) Các đề bài trên được cấu tạo như thế nào?

b) Các từ trong đề bài như phân tích, cảm nhận và suy nghĩ (hoặc có khi đề bài không có lệnh) biểu thị những yêu cầu gì đối với bài làm? (Gợi ý: Từ phân tích chỉ định về phương pháp, từ cảm nhận lưu ý đến ấn tượng, cảm thụ của người viết, từ suy nghĩ nhấn mạnh tới nhận định, phân tích của người làms bài. Trường hợp không có lệnh, người viết bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề được nêu ra trong đề bài. Sự khác biệt trên chỉ ở sắc thái, không phải là các "kiểu bài" khác nhau.)

Trả lời:

a) Các đề bài trên có cấu tạo chia làm hai loại. Một loại đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức tiến hành bài làm: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ, cảm nhận, gợi cho em những suy nghĩ gì, ... Một loại đề không đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh cụ thể (Đề 4, 7).

b) Khi đề bài yêu cầu phân tích, cảm nhận và suy nghĩ biểu thị những yêu cầu định hướng cách làm bài.

+ Phân tích là muốn định hướng cụ thể về thao tác, khi đó phải phân tách, xem xét đối tượng dưới nhiều góc độ, đối chiếu, so sánh… để từ đó đi đến nhận định về đối tượng.

+ Cảm nhận và suy nghĩ là muốn nhấn mạnh đến việc đưa ra cảm thụ, ấn tượng riêng (cảm nhận) và nhận định, đánh giá (suy nghĩ) về đối tượng; đối với loại yêu cầu này, để thuyết phục, chứng minh được ý kiến của mình, người làm cũng phải tiến hành giảng giải bằng các thao tác như phân tích, giải thích…

+ Với đề bài không có lệnh cụ thể, người làm tự lựa chọn những thao tác cần thiết để làm rõ, chứng minh cho ý kiến của mình về đối tượng được nêu ra trong đề bài.

Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, một bài thơ

1. Các bước làm bài:

a) Tìm hiểu đề và tìm ý:

b) Lập dàn bài

c) Viết bài

d) Đọc lại bài và sửa chữa.

2. Cách tổ chức triển khai luận điểm

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

a) Trong văn bản trên, đâu là phần Thân bài? Ở phần này, người viết đã trình bày những nhận xét gì về tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương? Những suy nghĩ, ý kiến ấy được dẫn dắt, khẳng định bằng cách nào, được liên kết với phần Mở bài và Kết bài ra sao?

b) Văn bản có tính thuyết phục, sức hấp dẫn không? Vì sao? Từ đó có thể rút ra bài học gì qua cách làm bài nghị luận văn học này?

Trả lời:

a)

- Trong văn bản trên, phần thân bài là phần bắt đầu từ “Nhà thơ đã viết quê hương” đến “tâm hồn thiết tha thành thực của Tế Hanh", ở phần này, người viết đã trình bày cảm nhận về cảm xúc của thi sĩ lúc nồng nàn, mạnh mẽ, lúc sâu lắng, tinh tế khi ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống lao động của quê hương, về hình ảnh nhịp điệu đặc sắc của bài thơ.

- Những suy nghĩ, ý kiến ấy được dẫn dắt, gắn cùng sự phân tích, bình giảng cụ thể hình ảnh ngôn từ, giọng điệu của bài thơ.

- Phần này được kết nối tự nhiên chặt chẽ với lời bài và cũng là phần phân tích chứng minh làm sáng tỏ những nhận xét baọ quát đã nêu ở phần mở bài.

b) Văn bản có tính thuyết phục và sức hấp dẫn. Người viết đã trình bày cảm nghĩ ý kiến của mình bằng xúc cảm rung động chân thực, tha thiết đôi với tác phẩm. Từ đây có thể rút ra được các yêu cầu để làm tốt bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

LUYỆN TẬP

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

Trả lời:

Mùa thu đến với anh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. Bắt đầu là hương ổi thơm nức. Một chữ “phả” kia đủ gợi hương thơm như sánh lại. Nó sánh bởi vì hương đậm một phần, sánh còn bởi tại hương gió se. Hương thơm lùa vào trong gió được tinh lọc, được cô đặc thêm. Gió mùa thu hào phóng đem chia hương mùa thu - bấy giờ là hương ổi chín tới khắp nơi trong vũ trụ. Tại một vùng quê nhỏ, trong một phút giây nào đó, người viết chợt bắt gặp hương thu và bỗng sững sờ.

Đã cảm được hương ổi, đã nhận ra gió se, hơn thế nữa, mắt lại còn nhìn thấy sương đang chùng chình qua ngõ. Những dấu hiệu đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Thế mà sao tác giả lại viết "hình như thu đã về". Còn điều chi nữa mà ngờ? Thu đã vể thật đấy rồi, sao lại còn nghi hoặc? Như đã nói ở trên. Cái chính là sự bất ngờ, đột ngột. Do bất ngờ nên cả khứu giác (mùi hương ổi) cả xúc giác (hơi gió se) cả thị giác (sương chùng chình) đều mách bảo thu về mà vẫn chưa thể tin, vẫn chưa dám chắc. Cái bảng lảng mơ hồ chính trong cảm giác "hình như” ấy đã tôn thêm vẻ khói sương lãng đăng lúc thu sang. Đó là một nguyên nhân. Nhưng sâu xa hơn, ở đây còn bộc lộ nét “sang thu” trong hồn người mà sau chúng ta sẽ nói tới.

Hình như thu đã về.

Đó là một ấn tượng tổng hợp từ những cảm giác riêng về hương, về gió, về sương. Từ hương nhận ra gió. Từ gió nhận ra sương. Nhưng khi phát hiện "sương chùng chình qua ngõ” thì trong sương cũng có hương, trong sương cũng có gió, và trong sương như còn có cả tình. “Chùng chình” hay chính là sự lưu luyến, bâng khuâng, ngập ngừng, bịn rịn? Cái ngõ mà sương đẫm hương, sương nương theo gió đang ngập ngừng đi qua vừa là cái ngõ thực, vừa là cải ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Phút giây giao mùa của thiên nhiên ấy, nhìn thấy rồi, cảm thấy rồi mà sững sờ tưởng khó tin. Do đó "hình như thu đã vể“ còn như là một câu thầm hỏi lại mình để có một sự khẳng định.

Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn kết trong bài Đồng chí

Đồng chí! Ôi tiếng gọi nghe sao mà thân thiết nghĩa tình đến vậy! Là một nhà thơ - chiến sĩ, với ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn, Chính Hữu đã viết bài thơ Đồng chí với tất cả cảm xúc chân thành nhất của mình. Bài thơ hay khép lại bằng những hình ảnh thật đẹp và đầy ấn tượng:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Cả bài thơ thể hiện tình đồng chí keo sơn gắn bó của những người chiến sĩ trong những tháng ngày gian khổ của cuộc kháng chiến trường kì. Nhạc điệu bài thơ trầm lắng như lời tâm tình của hai người lính trong đêm trăng chờ phục kích công đồn. Tình cảm ấy đã được hình thành từ những thiếu thốn vật chất đến những thử thách ngoài chiến trường. Để rồi từ đó trở thành tình cảm thiêng liêng - tình đồng chí. Hai người lính đến với nhau từ hai phương trời xa lạ nhưng lại có nhiều nét tương đồng, những nét tưởng lạ mà quen. Đó là tình yêu quê hương, xứ sở. Và bây giờ sự gắn bó vẫn đang nảy nở và thắm thiết hơn trong đêm chờ giặc tới!

Đêm nay rừng hoang sương muối

Khung cảnh thiên nhiên thật khắc nghiệt: rừng hoang sương muối. Chỉ có ai đã từng sống trong khói lửa chiến tranh, thiếu thốn như các anh với áo rách vai, chân không giày mới có thể hiểu được cái rét buốt lạnh cắt da thịt của đêm sương muối ở rừng. Trong cảnh rừng hoang vắng rậm rạp và lạnh lẽo ấy hiện lên hình tượng một con người kì vĩ đẹp lạ thường:

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Câu thơ xua tan đi màn sương mờ ảo, sưởi ấm cả cánh rừng hoang vu. Dưới ánh trăng, người chiến sĩ thật đẹp, thật trong sáng. Từ đứng cạnh bên nhau đã tạo nên bức chân dung hoàn chỉnh về tư thế của các anh. Các anh tuy hai mà một, tuy ít mà nhiều. Các anh đã cùng chia sẻ bao khó khăn, vất vả cùng với những cảm xúc của một người lính trẻ để đi lúc này trong giây phút căng thẳng hồi hộp chờ giặc tới, các anh vẫn luôn ở bên nhau. Đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, giữa hoà bình độc lập và nô lệ, giữa thiên đường và địa ngục, các anh vẫn nhớ đến đồng đội trao cho nhau hơi ấm của tình người, tình đồng chí.

Đọc thơ Chính Hữu ta như cảm thấy hơi ấm đang toả ra khắp cơ thể, khắp không gian. Hơi ấm ấy phải chăng được bắt nguồn từ cảm xúc chân thành, mộc mạc, giản dị trong lời thơ Chính Hữu. Câu thơ cuối tuy đã khép lại tác phẩm nhưng với em nó mãi là dư âm không bao giờ cạn:

Đầu súng trăng treo

Câu thơ vừa thực vừa ảo cho ta nhiều cảm xúc mới mẻ. Khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất, giữa con người và thiên nhiên đã được xích lại gần gũi hơn bởi một từ treo. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp tả thực và lãng mạn vừa xa vừa gần. Phải chăng câu thơ là ước muốn, là hi vọng của Chính Hữu - người lính Cụ Hồ về một cuộc sống hoà bình, tươi đẹp? Sau đêm nay, sau giờ phút căng thẳng, lạnh buốt này sẽ là một sớm mai ấm áp với ánh bình minh sáng ngời Người chiến sĩ, với nhiệm vụ đã thành người thi sĩ với bao cảm hứng dạt dào. Hình ảnh cây súng trong bài thơ Đồng chí khiến ta chợt nhớ đến sông Mã, Tây Tiến trong câu thơ của Quang Dũng:

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Đáng trọng và đáng quí làm sao khi trong thời máu lửa oai hùng đó vẫn có những vần thơ thật hay, thật đẹp và thú vị đến thế!

Như lời kết nhẹ nhàng của bản nhạc du dương, Đồng chí của Chính Hữu đã cho thế hệ trẻ hôm nay phần nào hiểu được giá trị thiêng liêng, cao cả của tình đồng chí, đồng đội thời chiến. Những lời thơ trong Đồng chí đã gieo vào lòng bạn đọc bao cảm xúc và ấn tượng mới mẻ khép lại trang thơ mà hình ảnh Đầu súng trăng treo vẫn hiện ra trong ý nghĩ người đọc như một thứ hào quang soi rọi về một thời quá khứ oai hùng, hướng chúng ta đến những gì tốt đẹp ở tương lai.

Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng cuội

Người ta nhắc tới Tản Đà với nhiều ấn tượng sâu đậm: là thi sĩ khởi đầu cho nền thơ lãng mạn, là người chắp viên gạch nối thơ cổ đại với thơ hiện đại. Trong chất lãng mạn đó ẩn chứa tư tưởng, tình cảm và tấm lòng yêu nước sâu sắc của ông. Bài thơ: "Muốn làm thằng Cuội" là một ví dụ tiêu biểu. Như ta đã biết - xã hội ông đang sống quá coi trọng đồng tiền và địa vị. Tài năng - sức lao động - tình cảm sâu đậm không đem lại hạnh phúc cho con người. Bao trùm bên trong là nỗi buồn về thực tại. Tản Đà đã bật lên một lời gọi, lời nhắn gửi chị Hằng - người bạn muôn đời của những kẻ cô đơn:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.

Mở đầu bài thơ là một lời than thở, một nỗi sầu da diết. Giọng điệu thân thiết pha chút mỉa mai bởi cuộc đời ngột ngạt, bon chen vì công đanh dang dở: "Tài cao, phận thấp, chí khí uất". Là thi sĩ nên nỗi buồn đã kết thành nỗi sầu. Đây là thái độ không chấp nhận thực tại, bất hoà thực tại, bất hoà với trần thế.

Ông khát khao một cuộc sống đẹp hơn, vượt lên trên cái thấp hèn:

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Những bài Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội hay

Đó là thế giới mà ông mơ ước, là cõi đời trong sáng, tinh khiết, không vướng bẩn, không lo lắng, bon chen.

Hai câu thơ là câu hỏi, là lời đề nghị, là lời cầu xin được lên cung trăng, nơi thanh cao, không phải chịu cảnh đời trần thế nhố nhăng tù hãm. Nỗi sầu của Tàn Đà là nỗi sầu của người nô lệ. Bất lực trước thực tại, Tản Đà muốn lẩn trốn vào thiên nhiên bằng mộng tưởng:

Có bầu có bạn, can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui

Thi sĩ lên cung quế có bạn, có bè quên đi nỗi ngán ngẩm, chán nản, và giải toả được nỗi buồn - ông đã "vui" đã "cười" - ông cười tất cả những giành giật, nhố nhăng nơi trần thế, "cười" sung sướng khi thấy cõi trần không ai được như ông, được hưởng cuộc sống thần tiên thoát tục.

Hai câu thơ:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông thấy thế gian cười

thật độc đáo và lãng mạn. Rằm tháng tám là khi trăng trong nhất, đẹp nhất và cũng là sáng nhất. Vào lúc tuyệt vời nhất của trăng ấy, nhân vật trữ tình ước muốn cùng chị Hằng; ngồi bên chị Hằng tựa vào nhau mà nhìn xuống trần thế để cười.

Câu thơ là đỉnh cao của cái ngông rất phù hợp với tính chất Tản Đà. Ngồi bên cạnh người đẹp, đó đã là một niềm hạnh phúc. Hơn thế nữa thi sĩ còn tự đặt mình lên một địa vị cao để mà cười cợt. Cái ngông này thật hiếm có, đáng yêu, đáng trân trọng ở trong giai đoạn này. Bởi các thi sĩ lãng mạn yêu nước nhưng không đủ dũng khí để chiến đấu - thường tìm đến thiên nhiên hoặc trốn vào mộng tưởng để trốn đời.

Cả bài thơ là giấc mộng kỳ thú, là niềm khao khát về cuộc đời đẹp, về một cõi mơ trong sáng, không vướng bận sự đời.

Tóm lại, tâm trạng bao trùm cả bài thơ là tâm trạng buồn chán thất vọng với cuộc đời. Đó là thái độ không dung hoà với thực tại, là sự phản kháng gián tiếp với cuộc đời. Thi sĩ khát khao một xã hội tự do, tươi đẹp và trong sạch. Hình ảnh chị Hằng với cung quế, cây đa là những hình ảnh của cõi tiên đầy lãng mạn. Cõi tiên ấy là cả một thế giới mà Tản Đà mong muốn có. Thực ra, sự chán chường và niềm khát khao ấy xuất phát từ lòng yêu nước thầm kín của Tản Đà - nỗi buồn xuất phát từ nỗi nhục của người nô lệ và ước muốn xuất phát từ khát vọng được tự do.

Bài thơ Ánh trăng cua Nguyễn duy gợi cho em những suy nghĩ gì?

Sống trong sự đầy đủ con người ta thường vô tình quên đi sự thiếu thốn và những lúc cơ hàn. Cũng như việc có đôi lúc vô tình vì nhịp sống bon chen bạn quên đi những thứ tình cảm đã theo mình suốt những ngày tháng nghèo đói. Bài thơ ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy chính là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng thái độ của con người với quá khứ. Nỗi ám ảnh đủ khiến cho người ta giật mình và thảng thốt không thôi.

Bao trùm bài thơ Ánh trăng đó chính là những nỗi niềm cảm xúc bàng hoàng bất chợt khi bắt gặp người bạn tri kỉ sau bao năm “bỏ quên”. Đó cũng như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng thái độ của con người về thái độ sống ân tình chung thủy.

Trong cuộc đời này chỉ cần bạn còn tồn tại trên trái đất thì dù ở bất cứ đâu bạn cũng có bắt gặp ánh trăng. Nó thậm chí đã trở thành người bạn tri kỉ của rất nhiều người. Và với tác giả cũng không hề ngoại lệ:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Vầng trăng gắn bó với nhà thơ từ những năm tháng tuổi thơ nghèo khó đến cho những năm tháng chiến tranh phải ở rừng. Một quãng thời gian đủ dài để con người xây dựng nên một thứ tình cảm bền chặt và thâm tình. Để có thể trở thành tri kỉ của nhau thì phải đòi hiểu sự hiểu biết, ăn ý, đồng điệu đến tuyệt đối. Và chẳng phải khó hiểu khi chính nhà thơ coi vầng trăng trở thành tri kỉ của mình. Tuy năm tháng thì trải dài thế nhưng nhà thơ chỉ gói gọn nó trong bốn câu thơ. Dường như ẩn sâu trong những câu chữ ấy là những nỗi lòng khắc khoải của tác giả nó chỉ trực trào lên. Một bầu trời kí ức hiện lên khiến ông không khỏi xúc động không thôi.

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Đến đây nhà thơ bỗng cho ta thêm nhiều cảm nhận mới mẻ. Đó là mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, gắn bó chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Từ ngỡ chia ý thơ theo một hướng khác. Nó mang ta đến những điều mà không thể đoán trước được.

Thế nhưng sau những năm tháng gắn bó tưởng chừng không thể tách rời ấy hoàn cảnh thay đổi đã khiến cho con người thay đổi:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Sau chiến tranh nhà thơ không trở về với đồng với ruộng nữa mà thay vào đó là cuộc sống nơi phồn hoa đô thị với ánh điện cửa gương. Ánh trăng vô tình cũng trở nên lu mờ bởi ánh đèn điện. Và vô tình nó đã trở thành “người dưng qua đường”. Có lẽ ánh trăng cũng cảm nhận được sự đổi thay trong đó nên nó cũng trở nên buồn. Vì con người sao dễ dàng quên đi những năm tháng cơ hàn cực khổ, quên đi tình nghĩa bên nhau? Có thể không bộc lộ trực tiếp ý trách móc xong nó lại khiến con người ám ảnh không thôi.

Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa vầng trăng và người xưa khiến cho tác giả như trầm tư:

Thình lình đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Ánh trăng bao nhiêu năm vẫn vậy vẫn tỏa sáng dịu dàng và hiền hòa. Thế nhưng chỉ đến khi đèn điện tắt thì người ta mới cảm nhận được sự hiện diện của nó. Từ láy “thình lình” mang ý nghĩa đột ngột thể hiện sự bất ngờ không lường trước. Hoàn cảnh đó khiến cho nhà thơ cũng giật mình bàng hoàng không thôi.

Thấy người bạn tri kỉ kí ức của nhà thơ như dội về những tình cảm mãnh liệt những kỉ niệm về một thời cơ hàn nghèo khó.

Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng

Ánh trăng hiện giờ không phải chỉ là vật vô tri vô giác nữa mà nó hiện hữu như là con người. Có lẽ có quá nhiều thứ vào lúc này khiến cho nhà thơ không thể nói hết được chỉ cảm thấy nó rưng rưng. Một cảm giác khó diễn tả vừa mừng vừa tủi, vừa xấu hổ lại vừa hối hận. Nó thức dậy cả tâm hồn của con người.

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

Không hề có sự trách móc hay tủi hờn ở đây nhưng ta cảm thấy có gì đó gờn gợn. Ánh trăng vẫn vậy chung thủy dõi theo từng bước của con người., Hiền hòa và bao dung đến lạ. Chính điều đó càng khiến cho nhà thơ cảm thấy mặc cảm và nhận mình là kẻ vô tình. Không hẳn là vô tình với quá khứ quên đi những năm tháng cơ hàn mà có lẽ cuộc sống sự xô bồ và gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền để khiến chúng ta đôi lúc xao nhãng đi những thứ xung quanh. Cái giật mình cuối bài đâu phải chỉ là riêng của nhà thơ mà đôi khi nó còn chính là cái giật mình thức tỉnh đầy mãnh liệt đối với mỗi chúng ta.

Bài thơ Ánh trăng là một trong những bài thơ vô cùng thấm thía mà nhà thơ muốn gửi gắm đến độc giả. Một triết lí sâu sắc về làm người. Con người không ngừng lao theo những thứ vật chất phù phiếm nên thường bỏ qua những thứ giản dị mộc mạc gắn bó với mình. Vì thế hãy sống thủy chung với quá khứ bởi nó chính là sợi dây kết nối mãnh liệt với hiện thực và đời sống con người trong hiện thực và tương lai.

Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng bác của Viễn Phương

Bác Hồ là nguồn cảm hứng vĩ đại cho các nhà thơ nhà văn. Cuộc đời của Người chính là bản thiên hùng ca vô cùng tha thiết về nhân cách cũng như tinh thần yêu nước bất diệt. Đã có biết bao nhiêu nhà thơ khắc họa thành công hình tượng của Bác trong đó không thể bỏ qua bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.

Viếng lăng Bác không chỉ đơn giản là nén hương thơm mà đứa con từ miền Nam xa xôi dâng lên Bác Hồ kính yêu mà nó còn là khúc tình ca sâu đậm mà đồng bào miền Nam nói chung gửi đến Người – vị cha già vĩ đại của dân tộc. Mở đâu bài thơ nhà thơ gây ấn tượng mạnh bởi cách xưng hô vô cùng ngọt ngào gần gũi:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Tiếng xưng hô thân thương trìu mến gọi Bác xưng con đã xóa tan cái khoảng cách xa xôi giữa vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với người dân lao động cần lao. Nó đã trở thành mối quan hệ vô cùng thân thiết và khăng khít như máu thịt giữa con người với con người. Bài thơ được sáng tác vào những năm đầu của độc lập, nên đây có thể được coi là một cuộc hành hương tìm về cội nguồn của người con miền Nam ra thăm người cha yêu dấu sau bao nhiêu năm đằng đẵng xa cách. Hàng tre chính là hình ảnh thân quen hiện lên trong trí óc nhà thơ:

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Hàng tre chính là biểu tượng của cây cỏ mang màu sắc của một vùng quê hương bản xứ. Nói đến loài tre là nhắc đến một trong những loài cây thân mọc thẳng, hiên ngang dù có phải hứng chịu bao nhiêu sự va đập của thiên nhiên. Vì thế nói đến hàng tre còn ẩn dụ một hình ảnh đó chính là đức tính quý báu của người dân Việt Nam: cần cù, chịu khó và hiên ngang. Hàng tre đứng bên lăng Bác là vẻ đẹp đại diện cho khí phách cả một dân tộc. Giọng thơ ở đây nghe rất hào sảng và đầy kiêu hãnh tự hào.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Cái hay ở đây đó chính là việc nhà thơ đã sử dụng rất nhuần nhuyễn và hiệu quả các biện pháp ẩn dụ hoán dụ độc đáo. Nó tạo nên một hình ảnh có sức gợi cảm gợi tả mãnh liệt.

Mặt trời ở trong lăng ở đây chính là Bác Hồ - vị cha già kính yêu của người dân Việt Nam nhiều thế hệ. So sánh mặt trời thiên nhiên với Bác quả là không sai. Nếu như mặt trời thiên nhiên mang đến cho con người vạn vật sự sống đâm chồi kết trái thì Bác chính là hi vọng chính là người đưa đường dẫn lối cho các con vượt qua hết phong ba bão tố của con đường cách mạng. Để muôn dân tìm lại được tự do sau những ngày gông cùm xiềng xích.

Đến đây ta chợt nhớ đến hai câu thơ nhà thơ Tố Hữu viết về Bác như sau:

Người rực rỡ một mặt trời cách mạng

Còn đế quốc là loài dơi hốt hoảng.

Người con tiếp tục tỏ lòng thành kính đối với Người :

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ được xem là một phát hiện vô cùng vĩ đại của nhà thơ. Đó không chỉ là không gian nơi Bác nằm mà nó còn là không gian của lòng xót thương, sự thành kính và biết ơn sâu sắc. Tràng hoa dâng bác ở đây chính là hình ảnh tương thân tương ai là tấm lòng các con ở xa gửi ra viếng người.

Mạch cảm xúc như vỡ òa theo từng bước chân của con khi đến gần người cha mình hằng yêu quý. Để rồi nghẹn ngào trở thành một thứ cảm xúc trực trào tận sâu trong tâm khảm:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Người nằm trong lăng với một giấc ngủ vô cùng bình yên. Đến lúc này đứa con vẫn không thể tin là Người đã rời xa chúng con. Với con Người chỉ đang ngủ một giấc ngủ dài mà thôi. Người còn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của quần chúng, sống mãi trong tâm trí của những con dân Việt Nam. Ánh trăng và Người ở đây có một sự giao hòa đồng điệu. Ánh trăng tượng trưng cho sự thanh cao, hiền hòa và bao dung cũng giống với Bác. Một nhân cách cao cả, thanh tao cả đời chỉ biết hi sinh thân mình cho độc lập dân tộc cho chủ nghĩa xã hội muôn năm.

Dẫu biết là thế nhưng tại sao con vẫn không thể kìm nén được cảm xúc của chính mình? Vẫn thấy nhói ở trong tim? Sự rung động đến nhói tim là một thứ tình cảm vô cùng thiết tha chân thành của tác giả dành cho Bác.

Cảm xúc ấy chợt như vỡ òa khi nghĩ đến giây phút phải chia xa Người:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Ở đây ta bỗng thấy có sự chuyển biến rất lớn trong nhịp thơ của tác giả. Nó mang nét gì đó vừa vội vàng lại vừa gấp gáp cuống quýt đúng với tâm trạng của những người con chuẩn bị đi xa quê hương. Lúc này mong ước của tác giả bỗng trở nên bình dị hơn bao giờ hết chỉ đơn giản muốn trở thành con chim để cất tiếng hót quanh năm, ngày ngày được ở bên Người dâng lên những thứ âm thanh trong trẻo nhất. Là mong muốn được làm đóa hoa để tỏa hương tô điểm cho giấc ngủ của Người. Thế nhưng vẫn chưa đủ nhà thơ còn mong muốn khát khao được làm cây tre để đời đời canh giâc ngủ cho Bác. Ở đây ta bắt gặp lại hình ảnh cây tre đã được nhắc đến ở đầu bài. Sự kết nối vòng tròn đã tạo nên một ấn tượng đặc biệt đối với người đọc người nghe. Điệp ngữ “muốn làm” được lặp đi lặp lại và nhấn mạnh trong từng câu chữ càng khiến con người thêm rung động. Đó là mong muốn khát khao tột bậc, sự tự nguyện thiết tha từ trong tâm hồn nhà thơ.

Bài thơ khép lại thế nhưng những cảm xúc của nó vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Chính Viễn Phương đã truyền cho chúng ta biết bao nhiêu tình cảm chân thành và thân thương nhất. Để cho con cháu mai sau biết được, để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay đó là nhờ công lao vô cùng to lớn của Bác của những thế hệ cha anh đã ngã xuống. Vì thế hãy sống sao để thật xứng đáng với niềm tin và sự kì vọng của Người.

Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài Nói với con

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 387
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm