Đọc hiểu Vua Lear

Đọc hiểu đoạn trích Nỗi đau của vua Lear

Vở kịch Vua Lear là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của đại văn hào William Shakespeare. Tác phẩm này thuộc thể loại bi kịch và đã trở thành một trong những tác phẩm trường ca lớn và đáng kính trong lịch sử văn học thế giới. Trong bài viết này Hoatieu xin chia  sẻ đến bạn đọc mẫu đề đọc hiểu Vua Lear có đáp án chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Tóm tắt Vua Lear

Vua Lear là bi kịch kinh điển của nhà văn William Shakespeare gồm 5 hồi. Khi thấy mình đã già, Vua Lear quyết định triệu tập các triều thần và ba cô con gái tới để thông báo ý định giao lại đất đai và quyền điều hành đất nước cho các con. Phép thử đặt ra là nhà vua sẽ chỉ ban ân huệ cho cô con gái nào bày tỏ tình yêu thương cha nhiều nhất. Trong khi hai cô con gái lớn Goneril và Regan thề thốt về tình yêu vô bờ bến dành cho cha thì cô công chúa thứ ba - Cordelia chỉ chân thật chia sẻ yêu cha đúng như tình cảm của một người con đối với cha mình và tình yêu ấy không thể là tất cả bởi sau này cô còn phải dành tình cảm cho chồng con khi lập gia đình. Cho rằng con út vô ơn bạc bẽo, Vua Lear nổi giận trục xuất cô út khỏi đất nước, chia giang sơn cho hai cô chị. Nhưng rồi sau đó, hai con gái lớn câu kết tước tùy tùng, đuổi ông ra khỏi nhà. Vua Lear hóa điên loạn, công chúa út đưa người về cứu cha cô thất bại và bị giết chết. Hai chị gái vì tranh giành tình nhân quyền lực cuối cùng cũng phải chết trong đau đớn. Cùng với bi kịch của Lear còn có bi kịch của một người cha khác là bá tước Gloucester. Ông đã bị chính đứa con hoang của mình lừa dối để giành quyền thừa kế.

Đọc hiểu đoạn trích Nỗi đau của Vua Lear

NỖI ĐAU CỦA VUA LEAR (*)

Vua Lear - William Shakespeare

Nhân vật chính của vở bi kịch Vua Lear LEAR - Vua nước Anh; GONERIL, REGAN, CORDELIA - Các con gái của vua Lear; Bá tước KENT, Vua nước Pháp, OSWALD: Quản gia của Goneril; công tước ALBANY; ĐIÊN (như nhân vật hề).

Đoạn trích sau đây nằm ở cuối Hồi 1 (lớp 3 và 4) của tác phẩm:

LỚP III: Lâu đài của công tước Albany - Một sảnh đường Goneril cùng với viên quản gia Oswald

GONERIL - Đến ngày ông cụ làm khổ ta; không lúc nào ông cụ không nổ ra điều này tiếng nọ làm loạn cả nhà. Ta không thể chịu đựng mãi đâu. Bọn quan hầu của ông cụ thì sinh ngang ngược, còn ông cụ thì hơi một tý lại kêu ca. Lát nữa ông cụ đi săn về, ta không muốn nói năng gì với ông cụ. Bảo là ta khó ở. Các ngươi có sao lãng việc phục dịch thì càng tốt thôi, tội lỗi đâu ta nhận hết.

Tiếng kèn săn

OSWALD - Thưa bà, cụ đang về, tôi nghe thấy hiệu kèn báo.

GONERIL - Ta định làm cho ra chuyện: ông ấy tức thì cứ mặc ông ấy sang ở với em gái ta. Ta biết cô ấy cũng chẳng khác gì ta, nhất định không chịu cho ai trùm lợp. Rõ khéo cái ông già hủ bại! Quyền tự mình đã không giữ nữa lại cứ đòi hống hách, đòi phán với truyền! Thế có quỷ thần cái ông già lẫn cẫn này đã trở thành con nít mất rồi. Chiều chuộng lắm chỉ đâm hỏng nhiều, phải khe khắt mới được! Nhớ điều ta dặn nghe!

OSWALD - Thưa bà, vâng.

GONERIL - Đối với bọn tùy tướng các ngươi càng phải tỏ ra rẻ rúng lạnh nhạt hơn nữa. Sinh chuyện gì cũng chẳng sao. Bảo cho bọn các ngươi biết trước điều đó. Ta sẽ nhân những dịp xích mích để nói dứt khoát. Bây giờ ta đi viết ngay thư cho em ta dặn dò cứ theo ta mà cư xử. Đi sửa soạn bữa ăn.

LỚP IV: Vẫn trong lâu đài của Albany: một căn khác

LEAR - Bà có phải là con ta không?

GONERIL - Rất mong rằng đức ông cư xử vẫn khôn ngoan như trước kia con kính phục thì hơn; xin dẹp cái tính bẳn gắt kia đi, ít lâu nay nó khiến đức ông khác với bản tính của Người nhiều quá.

ĐIÊN - Đến lừa kia cũng còn biết đến chuyện ngược đời: cỗ xe kéo ngựa! Dô tá dô tà, hỡi người mà tôi yêu.

LEAR - Liệu có kẻ nào ở đây nhận được ra ta không? Đây chẳng phải là Lear đâu; Lear mà đi đứng như thế này sao? Nói nàng vậy sao? Mắt của Lear ở đâu? Đến thế được sao? Có họa là trí của lão đã suy, tinh thần lão đã bại. Lão thức đấy ư? Không phải? Ai bảo cho lão biết lão là ai đi.

ĐIÊN - Cái bóng vua Lear đó.

LEAR - Điều này ta cần phải biết cho tỏ tường bởi vì theo nhận thức của trí khôn, của hiểu biết, của lẽ phải, không chừng ta đã tưởng lầm là ta có con gái ở đời!

ĐIÊN - Có đấy, nhưng họ muốn ông phải vâng lời họ.

LEAR - Xin cho biết quý danh của quý bà!

GONERIL - Vẻ mặt ngạc nhiên của ngài thực đúng điệu với những trò ngài vẫn thường giở chứng! Xin ngài hiểu cho đúng ý kiến của tôi đây. Người có tuổi đáng tôn kính thì ngài phải biết điều. Ngài lưu lại đây một trăm quan tùy sai và kỵ mã, họ bừa bãi, trác táng, lăng loàn quá lắm khiến triều đình này nhiễm thói hư hỏng ấy, bị coi như một quán trọ ồn ào. Sự phóng túng dâm bôn biến nó thành một quán rượu, một lầu xanh chứ không còn là nơi cung điện trang nghiêm nữa. Riêng phần liêm sỉ đã đòi phải có một phương cứu vãn tức thời. Điều tôi thỉnh cầu ngài chấp nhận cho thì hơn, không thì tôi cứ làm đúng phép: xin ngài rút bớt số người tùy thuộc, xuống số người được còn ở lại hầu hạ ngài thì phải là phù hợp với tuổi tác ngài, những kẻ hiểu rõ phận mình và hiểu rõ phận ngài.

LEAR - Âm ty quỷ ngục đây! Bảo thắng ngựa cho ta ngay! Gọi các tùy tùng của ta đến ngay! Quân nghịch nữ vô loài! Ta không thèm phiền bận đến mi nữa đâu; ta còn một đứa con gái nữa.

GONERIL - Ông thì đánh đập người nhà tôi; còn bọn quân hung bạo của ông thì coi những người còn hơn chúng như là tôi tớ.

(Albany ra)

LEAR - Hối lại muộn rồi! Khốn khổ! (Với Albany) - Kìa ngài! Ngài đã đến? Phải chăng đây là ý muốn của ngài? Ngài nói lên chứ... Sắp ngựa cho ta! Ôi! Vong ân bội nghĩa con quỷ lòng lim dạ đá! Ở nơi con cái ta mi còn gớm hơn loài thủy quái vạn phần!

ALBANY - Xin người hãy bình tĩnh lại.

LEAR (với Goneril) - Con diều hâu kinh tởm, mi dựng đứng chuyện cho người! Tùy tòng của ta toàn kén trong những người lỗi lạc, biết cặn kẽ mọi điều, cư xử nghiêm trang, tôn trọng kẻ trượng phu. Ôi! Cái lỗi cỏn con như kia cớ sao ở Cordelia ta lại coi là xấu xa nhường ấy? Mi khác nào một món cực hình vào phá phách thân thể ta, vắt kiệt mọi tình thương ở quả tim ta khiến nó chứa đầy những hờn cùng giận. Ôi! Lear, Lear, Lear! Cứ đập vỡ cái cửa này ra! (Vỗ mãi lên trán mình) Nó đã để cho cái rồ dại lọt vào và để cho cái khôn ngoan lọt ra mất!... Đi đi thôi tả hữu của ta!

ALBANY - Thưa đức ông, tôi không hề can dự và cũng không được biết một tí gì về những chuyện đã làm người giận dữ.

LEAR - Có thể thế, thưa ngài... Nghe ta đây hỡi thiên nhiên nữ chúa! Nghe ta, nghe ta nguyền đây! Xin hãy cho ngừng máy huyền vi nếu thiên tâm đã tính cho cái loài giống này có cơ sinh nở. Hãy gieo họa lụi tàn vào tử cung của nó, khiến cho bộ phận hoài thai của nó héo hắt và con người vô phúc của nó chớ hòng có con! Nếu nó đã lỡ hoài dựng mất rồi thì hãy khiến cho con nó nhuyễn nhào trong hờn oán, làm người để thành yêu nghiệt, làm tội nó suốt đời! Con nó sẽ làm cho trán nó sớm nhiều nếp răn, cho má nó chóng sói sâu vì nguồn nước mắt. Bao nhiêu công lao cúc dục, con nó sẽ đền đáp lại nó bằng những lời nhạo báng, bằng sự khinh nhờn. Cho nó thấm thía được rằng sự bội bạc của kẻ làm con cắn rứt nó đau độc còn gấp trăm nghìn răng loài rắn rết. - Thôi đi! Thôi xéo! (vào)

ALBANY - Hỡi thiên địa quỷ thần! Vì đâu mà ra nông nỗi thế?

GONERIL - Tướng công bận tâm nghĩ ngợi mà làm gì? Cứ để mặc tính khí ông già lẩm cẩm đấy mà.

(Lear lại trở ra)

LEAR - Thế nào? Năm mươi tùy tướng của ta mà ngay một trận trong khoảng mười lăm ngày...?

ALBANY - Việc gì vậy, thưa ngài?

LEAR - Rồi tôi sẽ nói anh nghe. (Với Goneril) - Sống đây và chết đầy! Thực là nhục nhã cho tao, chí khí đàn ông mà mi làm đảo điên thế được; những giọt nước mắt nóng bỏng này tao không nén nổi để thiên hạ nghĩ được là tao khóc vì mi. Gió dông cùng chướng khí hãy trút cả lên đầu mi! Lời rủa nguyền của kẻ làm cha đau thương bất trị hãy đục ruỗng mày qua đủ năm giác quan! Ôi đôi mắt già nua ngờ nghệch của ta! Mi mà còn khóc mãi sự này thì ta moi móc đôi tròng mà quẳng đi cùng với bao dòng nước mi đã phí hoài cho rơi vào bùn đất! Ta còn một gái nữa, người này thì hẳn là hiền thục và sẵn lòng. Nó mà biết chuyện mày khu xử thế này thì nó sẽ cào nát cái mặt mày ra, hỡi con lang cái! Rồi mày coi! Ta sẽ lấy lại nguyên tư thế của ta chứ mày đừng tưởng là mất hẳn. Báo đời cho mày biết.

(William Shakespeare - Tuyển tập tác phẩm. NXB Sân khấu 2006)

Tên do nhóm biên soạn đặt

· William Shakespeare (1564 - 1616), tên phiên âm: Uy-li-am Sếch-xpia, là một nhà văn và nhà viết kịch Anh, được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại. Ông còn được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh và là “Thi sĩ của dòng sông Avon” (Avon là dòng sông nơi sinh của Shakespeare, Stratford-upon-Avon)

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN:

1. Đoạn trích kịch bản trên kể về việc gì?

2. Ai là nhân vật chính của đoạn trích Nỗi đau của vua Lear?

3. Dẫn ra một chỉ dẫn sân khấu, một đoạn độc thoại và đối thoại trong văn bản Nỗi đau của vua Lear.

4. Nhân vật Goneril là người như thế nào?

5. Phân tích một số lời thoại, hành động của nhân vật Goneril để làm cơ sở nhận xét về con người này.

6. Đọc đoạn lời thoại của vua Lear (từ Gió dông cùng chướng... đến báo đời cho mày biết.) và cho biết Vua Lear nói về ai, vì sao phải nói như vậy?

7. “Ta còn một gái nữa người này... hỡi con lang cái!” Lời này chứng tỏ vua LEAR đã nhận ra điều gì?

8. Đoạn lời thoại của vua Lear (từ Gió dông cùng chướng... đến báo đời cho mày biết.) đã diễn tả những cảnh ngộ, cảm xúc nào của nhân vật? Nó có vai trò như thế nào đối với việc khắc họa nhân vật bi kịch với toàn đoạn trích?

9. Theo em, vua Lear nên đối xử với Goneril như thế nào? Vua Lear có xứng đáng phải chịu kết cục như vậy không?

Đáp án

1. Đoạn trích kịch bản trên kể về việc gì?

- Nội dung đoạn trích: kể về việc cô con gái Goneril được vua Lear chia cho một nửa đất nước đã trở mặt. Cô ta cáu bẳn với vua cha, hạ bớt người hầu, đối đãi tệ bạc với ông. Ông vô cùng đau đớn khi nhận ra bộ mặt cô con gái Goneril và nguyền rủa con không tiếc lời.

2. Nhân vật chính của đoạn trích: vua Lear và cô con gái Goneril.

3. Dẫn ra một chỉ dẫn sân khấu, một đoạn độc thoại và đối thoại trong văn bản Nỗi đau của vua Lear.

- Chỉ dẫn sân khấu: (Vỗ mãi lên trán mình).

- Đoạn đối thoại trong văn bản:

· LEAR - Âm ty quỷ ngục đây! Bảo thắng ngựa cho ta ngay! Gọi các tùy tùng của ta đến ngay! Quân nghịch nữ vô loài! Ta không thèm phiền bận đến mi nữa đâu; ta còn một đứa con gái nữa.

· GONERIL - Ông thì đánh đập người nhà tôi; còn bọn quân hung bạo của ông thì coi những người còn hơn chúng như là tôi tớ.

· Một đoạn độc thoại của vua Lear (cuối đoạn trích): Gió dông cùng chướng khí hãy trút cả lên đầu mi! Lời rủa nguyền của kẻ làm cha đau thương bất trị hãy đục ruỗng mày qua đủ năm giác quan! Ôi đôi mắt già nua ngờ nghệch của ta! Mi mà còn khóc mãi sự này thì ta moi móc đôi tròng mà quẳng đi cùng với bao dòng nước mi đã phí hoài cho rơi vào bùn đất! Ta còn một gái nữa, người này thì hẳn là hiền thục và sẵn lòng. Nó mà biết chuyện mày khu xử thế này thì nó sẽ cào nát cái mặt mày ra, hỡi con lang cái! Rồi mày coi! Ta sẽ lấy lại nguyên tư thế của ta chứ mày đừng tưởng là mất hẳn. Báo đời cho mày biết.

4. Nhân vật Goneril là người như thế nào? Phân tích một số lời thoại của nhân vật để làm cơ sở nhận xét về con người này.

· Nhân vật Goneril là đứa con bất hiếu, giả dối, sống vì tiền.

5. Lời thoại, hành động của nhân vật Goneril:

· Lời thoại với viên quản gia về vua Lear: Đến ngày ông cụ làm khổ ta; không lúc nào ông cụ không nổ ra điều này tiếng nọ làm loạn cả nhà. Ta không thể chịu đựng mãi đâu. Lát nữa ông cụ đi săn về, ta không muốn nói năng gì với ông cụ. Bảo ta khó ở.

· Lời thoại với cha - vua Lear: Điều tôi thỉnh cầu ngài chấp nhận cho thì hơn không thì tôi cứ làm đúng phép: Xin ngài rút bớt số người tùy thuộc xuống số người được còn ở lại hầu hạ ngài thì phải là phù hợp với tuổi tác ngài những kẻ hiểu rõ phận mình và hiểu rõ phận ngài.

-> Xưng hô với cha như người xa lạ (ngài - tôi).

· Tỏ rõ thái độ coi thường, khó chịu với cha trước mặt người hầu, từ chối gặp...

-> Lột tả bản chất bất hiếu của đứa con hư (Lear mới ở nhà Goneril chưa đầy một tháng).

· Khi đã có được tài sản, đứa con gái bất lương đã thay lòng, trở mặt rất nhanh ngay với cha ruột của mình, người đã từng làm vua.

-> Vì mục đích ích kỷ: có thể làm và nói mọi điều để được cha chia cho nhiều của cải, khi biết cha không còn gì, Goneril đã trở mặt.

6. Đọc đoạn lời thoại của vua Lear (từ Gió dông cùng chướng... đến báo đời cho mày biết.) và cho biết Vua Lear nói về ai, vì sao phải nói như vậy?

- Vua Lear nói về Goneril, đứa con gái bất hiếu đang gây đau khổ cho cha.

· Vì tột cùng đau khổ, thất vọng về cô con gái bất hiếu, vì không thể chịu đựng được sự thật tàn nhẫn.

7. “Ta còn một gái nữa người này... hỡi con lang cái!” Lời này chứng tỏ vua LEAR đã nhận ra điều gì?

- Người hiền thục là con gái út của vua Lear. Nhân vật đã nhận ra sai lầm của mình, nhận ra bản chất của cô con gái cả Goneril và cô gái út - Cordelia.

8. Đoạn lời thoại của vua Lear (từ Gió dông cùng chướng... đến báo đời cho mày biết.) đã diễn tả những cảnh ngộ, cảm xúc nào của nhân vật? Nó có vai trò như thế nào đối với việc khắc họa nhân vật bi kịch với toàn đoạn trích?

- Cảnh ngộ bi thảm của vua Lear, tâm trạng đau đớn tột cùng của nhân vật Lear.

- Vai trò: khắc họa bi kịch một quãng đời đau đớn để phản ánh số phận của nhân vật chính và chuẩn bị kết thúc lớp 4 của Hồi 1.

9. Theo em, vua Lear nên đối xử với Goneril như thế nào? Vua Lear có xứng đáng phải chịu kết cục như vậy không?

Cách đối xử của vua Lear với Goneril:

  • Vua Lear nên tỉnh táo và công bằng hơn trong việc phân chia tài sản và quyền lực cho các con gái của mình. Ông không nên dựa vào những lời nịnh bợ và bề ngoài của các con để quyết định ai xứng đáng nhận phần lớn tài sản và quyền hành. Thay vào đó, ông cần đánh giá dựa trên lòng trung thành và sự chân thật.
  • Vua Lear cũng nên thể hiện sự công bằng và khách quan trong việc đối xử với các con. Ông cần lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của tất cả các con gái, không thiên vị ai. Điều này sẽ giúp ông hiểu rõ hơn về tình cảm và tính cách thực sự của các con, từ đó có quyết định đúng đắn hơn.
  • Khi nhận ra sự bất hiếu của Goneril, vua Lear nên có biện pháp kỷ luật phù hợp để răn đe và giáo dục cô, thay vì chỉ trích và trục xuất. Việc trục xuất và phẫn nộ không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng và mâu thuẫn trong gia đình.

·Vua Lear có xứng đáng phải chịu kết cục như vậy không?

  • Việc vua Lear phải chịu đựng những đau khổ và bi kịch là hậu quả của những quyết định sai lầm và cách đối xử không công bằng của ông đối với các con gái. Ông đã quá tin tưởng vào những lời nịnh bợ của Goneril và Regan, trong khi lại không nhận ra sự chân thành của Cordelia. Sự mù quáng và thiếu suy xét này đã dẫn đến bi kịch gia đình và sự sụp đổ của bản thân ông.
  • Tuy nhiên, kết cục bi thảm mà vua Lear phải chịu đựng có phần quá nghiệt ngã. Ông đã mất hết tất cả, từ quyền lực, gia đình đến sự tỉnh táo. Đây là một hình phạt nặng nề, không chỉ do những sai lầm của ông mà còn do sự tàn nhẫn và âm mưu của các con gái lớn.
  • Qua đó, ta thấy rằng vua Lear vừa là nạn nhân của những quyết định sai lầm của chính mình, vừa là nạn nhân của sự phản bội và bất hiếu từ các con. Kết cục bi thảm của ông là một lời cảnh tỉnh về việc phải tỉnh táo, công bằng và cân nhắc kỹ lưỡng trong các quyết định quan trọng, đặc biệt là trong việc đối xử và tin tưởng những người thân yêu.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 386
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm