Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học lớp 7 trang 67 CTST

Tải về

Em hãy viết bài văn (khoảng 400 đến 500 chữ) phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc. Đây là nội dung đề bài thuộc phần Quy trình viết trang 62 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 1 bộ Chân trời sáng tạo bài Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học. Sau đây là một số bài văn mẫu phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc đã được Hoatieu tổng hợp xin chia sẻ đến các bạn đọc.

Mời các bạn cùng tham gia group Bạn Đã Học Bài Chưa để cập nhật các kiến thức mới bổ ích về học tập cùng với Hoatieu nhé.

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học là một trong những dạng bài viết trong chương trình Ngữ văn lớp 7 chương trình mới. Để phân tích thành công đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm nghệ thuật, các em cần đọc kĩ tác phẩm, xác định được các biện pháp nghệ thuật, kiểu câu, ngôn ngữ nhân vật. Những thông điệp mà nhân vật gửi đến độc giả và từ đó, phân tích, cảm nhận về tính cách, hành động. Dưới đây là một số mẫu dàn ý phân tích đặc điểm nhân vật lớp 7 có kèm theo bài viết mẫu, mời các em cùng tham khảo.

Viết bài văn phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc

1. Dàn ý phân tích đặc điểm một nhân vật văn học - mẫu 1

Mở bài

- Giới thiệu nhân vật cần phân tích.

- Nêu ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật.

Thân bài

1. Phân tích đặc điểm thứ nhất của nhân vật

- Ý kiến về đặc điểm thứ nhất của nhân vật -

Lí lē

- Bằng chứng

2. Phân tích đặc điểm thứ hai của nhân vật

- Ý kiến về đặc điểm thứ hai của nhân vật

- Lí lẽ

- Bằng chứng

Kết bài

- Khẳng định lại ý kiến của người viết.

- Nêu cảm nghĩ về nhân vật.

2. Dàn ý phân tích đặc điểm một nhân vật văn học - mẫu 2

Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

– Giới thiệu nhân vật cần phân tích: có thể giới thiệu đôi nét về tác giả hoặc hoàn cảnh sáng tác/ nội dung chính của tác phẩm có nhân vật cần phân tích rồi sau mới giới thiệu nhân vật. Nêu ngắn gọn những đặc điểm nổi bật của nhân vật.

Thân bài:

1. Giới thiệu đôi nét về hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật (nếu có).

– Nêu những đặc điểm về ngoại hình lãn tính cách của nhân vật rồi phân tích, chứng mình từng đặc điểm đó (lưu ý: mỗi đặc điểm ta sẽ triển khai thành một đoạn văn theo hướng diễn dịch với câu chủ đề nêu lên đặc điểm của nhân vật.) Cụ thể:

2. Đặc điểm thứ nhất của nhân vật:

– Viết câu chủ đề nêu đặc điểm thứ nhất của nhân vật.

– Trích dẫn các chi tiết, câu văn trong bài liên quan đến đặc điểm đó của nhân vật; rồi dùng lí lẽ phân tích làm sáng tỏ. (Cố gắng học thuộc lòng các chi tiết chính, quan trọng và trích dẫn trực tiếp thì bài viết sẽ có giá trị hơn)

Chuyển ý sang đặc điểm thứ hai.

3. Nêu đặc điểm thứ hai của nhân vật:

(cách làm 3 bước tương tự như đặc điểm thứ nhất)

Cứ làm như thế cho tới đặc điểm cuối cùng của nhân vật.

4. Đánh giá về nhân vật:

– Nhân vật đó tượng trưng cho lớp người nào trong xã hội? qua nhân vật đó tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta bức thông điệp gì?

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật có gì đặc sắc? (cách xây dựng nhân vật, ngon ngữ miêu tả, tự sự, đối thoại, độc thoại nội tâm, v.v.)

– Qua nhân vật đó ta thấy tác giả là người như thế nào?

Kết bài:

– Khẳng định lại những đặc điểm nổi bật của nhân vật

– Liên hệ bản thân (nếu có).

3. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật lớp 7

1. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm văn học và nhân vật; nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.

Văn học từ cổ chí kim luôn tồn tại một mạch nguồn xuyên suốt, đó là tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Đã có biết bao áng thơ văn ca ngợi tình cảm thiêng liêng đó. “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần cũng là một bài ca đẹp về tình phụ tử thiêng liêng, để lại bao niềm sâu lắng trong lòng bạn đọc. Đến với những trang văn của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần, người đọc đặc biệt ấn tượng với hình tượng người bố - một người rất mực yêu thương con với tâm hồn phong phú và trái tim nhân hậu.

2. Thân bài: Phân tích đặc điểm của nhân vật:

Lần lượt trình bày hệ thống luận điểm, luận cứ và dẫn chứng theo một trình tự nhất định để làm sáng tỏ vấn đề đã nêu ở mở bài:

(1) Chỉ ra các đặc điểm của nhân vật người bố dựa trên các bằng chứng trong tác phẩm:

- Nhân vật người bố hiện lên chủ yếu qua lời kể của người con – nhân vật “tôi”, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Tài liệu Ngữ Văn nhóm bông hoa nhỏ

Tác dụng:

+ Miêu tả tính cách của nhân vật người bố qua cảm nhận của nhân vật khác (người con).

+ Vừa thể hiện được tình cảm của nhân vật “tôi” với bố.

* Hành động, cử chỉ, thái độ, ngôn ngữ:

- Hàng ngày người bố thường dẫn con ra vườn hoa, làm đồ dùng cho con tưới cây cùng.

- Bố sáng ra các trò chơi thú vị để chơi cùng con:

+ Trò chơi nhắm mắt đoán tên các loài hoa trong vườn:

Người bố hướng dẫn con nhắm mắt lại và chạm từng bông hoa 🡪 Cảm nhận bằng xúc giác

+ Trò chơi nhắm mắt để tìm kiếm một vật giấu trong nhà; đố nhắm mắt đoán khoảng cách:

++ Người con nhắm mắt vẫn có thể đi mà không chạm vật gì, vẫn biết được bố đứng cách mình bao xa.

++ Nhờ trò chơi đoán khoảng cách mà người con có thể giúp bố cứu được bạn Tí suýt đuối nước.

+ Trải nghiệm đọc tên để nghe âm thanh tuyệt diệu tên gọi:

Bố bảo con mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu; người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó nghe càng tuyệt diệu bấy nhiêu.

+ Trò chơi ngửi rồi gọi tên các loài hoa:

Hướng dẫn người con cảm nhận được mùi của các loài hoa 🡪 cảm nhận bằng khứu giác.

=> Các trò chơi ngày càng khó hơn, tạo ra được sự hấp dẫn với đứa con.

- Thái độ của người bố khi cùng con chơi trò chơi: Cùng con chơi một cách vui vẻ

- Ngôn ngữ: Người bố luôn theo dõi, động viên, khích lệ để con tiến bộ hơn: “Bố cười khà khà khen tiến bộ lắm”; “Phen này con sẽ đoán được hết các loại hoa của bố mất thôi”; “bố nói tôi có cái mũi tuyệt nhất thế giới” => Lời nói âu yếm, trìu mến, đầy yêu thương.

- Ý nghĩa những trò chơi của bố:

+ Hướng con đến những niềm vui, giá trị của cuộc sống.

+ Người bố muốn con được trải nghiệm từ thực tế cuộc sống để hình thành thói quen, sự gắn bó và biết trân trọng, nâng niu những giá trị của cuộc sống, cho dù là điều nhỏ nhất.

-> Người bố đã thể hiện tình yêu thương lớn lao với người con thông qua việc dành thời gian cùng con làm những công việc, chơi những trò chơi lí thú để từ đó giúp con nhận ra những bài học sâu sắc từ cuộc sống, biết yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu từ thiên nhiên, biết trân trọng mọi thứ xung quanh mình.

* Lời người kể chuyện (người con) nhận xét trực tiếp nhân vật:

+ “Bố tôi bơi giỏi lắm”

+ “Bố nháy mắt và chúng tôi cười ồ… Một bí mật giữa bố và tôi”.

+ Với “tôi”, bố là món quà “bự” nhất.

=> Người con rất tự hào về bố và thích thú với những bí mật của hai bố con.

* Mối quan hệ với các nhân vật khác: Thái độ của người bố trước món quà của bạn Tí:

- Người bố vốn không thích ăn ổi nhưng vẫn đón nhận những trái ổi mà Tí tặng một cách trân trọng. => Cho thấy thái độ trân trọng, nâng niu, biết ơn của người bố khi nhận món quà của Tí.

- Ý nghĩa câu nói của người bố: “Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó”

+ Món quà thể hiện tình cảm, tấm lòng của người nên món quà dù lớn hay nhỏ đều đẹp và có ý nghĩa. Cách chúng ta nhận và trân trọng món quà của người tặng cũng thể hiện nét đẹp của chính mình. Dù thích hay không thích món quà, chúng ta cũng không nên từ chối hay khước từ người tặng bởi đó là tình cảm, tâm huyết mà họ đã dành cho chúng ta.

+ Từ đó, mỗi người đều rút ra được bài học cho mình trong cách ứng xử: cần trân trọng, biết ơn tình cảm, tấm lòng của người khác dành cho mình.

*Nhận xét, đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn:

- Nhân vật người bố hiện lên qua hành động, cử chỉ, lời nói (đối thoại); được thể hiện qua cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật khác (người con)

- Ngôn ngữ truyện giàu hình ảnh, đậm chất thơ.

* Nêu được ý nghĩa của hình tượng nhân vật:

- Tính cách của người bố qua văn bản:

+ Kiên nhẫn dạy con cách cảm nhận về vẻ đẹp và sự sống trong khu vườn;

+ Gần gũi, chia sẻ nhiều cảm xúc, suy nghĩ với con như một người bạn thân thiết; coi con là “món quà” quý giá nhất của cuộc đời;...

+ Yêu thương Tí, trân trọng đón nhận món quà đơn sơ của Tí,...

+ Thích trồng hoa, luôn chăm sóc và biết lắng nghe “tiếng nói” của khu vườn, nhịp sống thiên nhiên,...

-> Có thể thấy, nhân vật người bố là một người rất yêu thương con, luôn quan tâm, gần gũi với con và có tâm hồn phong phú, sâu sắc; có trái tim nhân hậu.

- Xây dựng hình ảnh người bố rất mực tâm lí, nhà văn gửi gắm đến người đọc thông điệp về tình cảm cha con thân thiết. Nhà văn cũng muốn nhắn nhủ tới những bậc làm cha làm mẹ: Hãy yêu quý trẻ em, hãy chia sẻ, gần gũi với con cái, hãy bước với thế giới của con bằng tình yêu thương và trái tim nhân hậu.

3. Kết bài: Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.

4. Viết bài văn (khoảng 400 đến 500 chữ) phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc

Em bé thông minh là một truyện dân gian ca ngợi sự kết tinh của vẻ đẹp trí tuệ tài năng và kinh nghiệm. Nhân vật trung tâm của truyện là một em bé thông minh. Thông qua những thử thách, em bé đã thể hiện được sự đề cao của trí tuệ dân gian.

Trí thông minh của em bé được trổ tài trong bốn lần. Lần thứ nhất, trước câu hỏi oái oăm của tên quan: “Trâu… cày một ngày được mấy đường?” thì em bé đã hỏi vặn lại: “Ngựa… đi một ngày được mấy bước?”. Lần thứ hai, vua ban cho làng em 3 thúng gặp nếp, 3 con trâu đực, hạn trong 3 năm, trâu ấy phải đẻ thành 9 con. Thật kì quặc vì trâu đực sao đẻ được? Có loại trâu nào đẻ được 3 con trong 3 năm? Em đã tìm cách gặp được vua. Cuộc đối đáp của em cũng rất thông minh. Em gặp vua và em khóc vì mẹ đã chết mà cha em không đẻ được em bé nào nữa… Lần thứ ba, vua vẫn chưa tin em bé này thông minh, nên đã sai sứ mang đến một con chim sẻ bắt cha con em phải dọn thành ba mâm thức ăn. Em đã gửi sứ giả một chiếc kim đem về tâu với đứa vua rèn cho ba con dao. Trong điều kiện thủ công lạc hậu, thô sơ thì một cái kim không thể nào rèn được ba con dao. Đã không có dao, hoặc chưa có dao thì chưa thể giết được sẻ để dọn cỗ cho vua. Rất dí dỏm, thú vị. Em bé thông minh lắm: Em đã lấy cái không thể nào làm được để giải thích sự việc thành không thể nào được? Không thể nào rèn một chiếc kim thành ba con dao cũng như không thể giết một con chim sẻ dọn thành ba cỗ thức ăn được! Lần thứ tư, em đọ trí với sứ giả một nước láng giềng. Làm sao xe sợi chỉ luồn qua đường ruột ốc xoắn? Trong lúc Trạng Nguyên, đại thần, văn võ bá quan vô kế khả thi thì em bé ung dung, hát lên một bài vè.

Câu đố tưởng là hóc hiểm nhưng đối với em bé thì rất dễ! Em đã làm cho vị sứ nước láng giềng phải thán phục khi nhìn thấy con kiến càng kéo sợi chỉ qua ruột con ốc xoắn.

Có thể nói, thông qua nhân vật Em bé thông minh ta càng thêm cảm phục về trí tuệ, sự dũng cảm và lòng bao dung của ông cha ta khi xưa.

5. Bài văn phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc - mẫu 1

Bài văn phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc

O Hen-ri, nhà văn Mỹ nổi tiếng với những truyện ngắn về những con người nghèo khổ, bất hạnh khốn khó, một trong những nhân vật để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bạn đọc đó là nhân vật Giôn-xi trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng". Giôn-xi khiến cho em có những cảm xúc thật khó diễn tả, vừa đáng thương lại vừa đáng trách, vừa đáng chê bai nhưng rồi lại đáng để học tập.

Sống giữa thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ) sầm uất nhất của nước giàu và phát triển bậc nhất thế giới nhưng có vô số những hoàn cảnh éo le, khốn khó và bất hạnh. Giôn-xi là một trong số đó, cô chỉ là một họa sĩ trẻ vẽ tranh tự do, thuê nhà trọ rồi đi vẽ tranh dạo kiếm tiền, cuộc sống nghèo khó nay lại thêm khó khăn khi Giôn-xi bị mắc bệnh sưng phổi. Với hoàn cảnh của Giôn-xi, cô chẳng có ý nghĩ gì đến chuyện có thể chữa bệnh ở thành phố này, bệnh tật nghèo túng khiến Giôn-xi vô cùng tuyệt vọng, không muốn tiếp tục cuộc sống như vậy nữa. Chúng ta cảm nhận được sức khỏe của Giôn-xi rất yếu "cặp mắt thẫn thờ", "thều thào ra lệnh", tuy nhiên ý chí tiếp tục sống của cô còn yếu hơn, Giôn-xi đã buông xuôi tất cả, cô đặt cả sinh mạng của mình vào chiếc lá nhỏ bé trên cây thường xuân, cô tự nhận định rằng khi nào chiếc lá rụng thì khi đó cô sẽ chết. Mặc cho người chị Xiu thân yêu luôn chăm sóc, vỗ về và động viên cô, Giôn-xi vẫn luôn quẩn quanh suy nghĩ chờ đợi cái chết trong héo mòn, tâm hồn của cô luôn ở trong tư thế sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình. Giôn-xi và chiếc lá thường xuân kia thật giống nhau, sự liên kết giữa chiếc lá và cành cây đang dần lơi lỏng, cũng giống như những sợi dây ràng buộc Giôn-xi với tình bạn, cuộc sống và thế giới này đang lơi lỏng từng sợi một. Tư tưởng và tinh thần của Giôn-xi thật khiến người ta vừa xót xa lại vừa đáng trách, nhưng nhờ có cụ Bơ-men và kiệt tác "chiếc lá cuối cùng" trên bức tường của cụ đã cứu sống tâm hồn ấy. Một kiệt tác đánh đổi bằng cả sinh mạng, cụ Bơ-men vẽ nó trong đêm mưa bão, gió bấc ào ào, thế rồi cụ bị sưng phổi chỉ hai ngày đã qua đời. Giôn-xi khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn hiên ngang trụ vững sau trận bão, dường như trong cô đã nảy lên những suy nghĩ tích cực, sự tồn tại của chiếc lá thường xuân khiến Giôn-xi nhận ra "Em thật là một con bé hư", và "muốn chết là một tội". Ngay khoảnh khắc Giôn-xi nhận ra điều đó thật nhanh nhẹn cô đã lấy lại tinh thần, cô muốn ăn, muốn ngồi dậy ngắm nhìn mọi thứ, muốn vẽ vịnh Na-plơ và quan trọng hơn là cô đã muốn sống. Trước đó thôi ta vẫn thấy một Giôn-xi chán sống, tuyệt vọng, nhưng ngay sau đó ta lại thấy một Giôn-xi ham sống, tràn đầy nghị lực vươn lên chống chọi bệnh tật, có thể Giôn-xi chưa khỏi bệnh nhưng tinh thần của cô đã hoàn toàn khỏe lại. Sức sống của Giôn-xi dẻo dai, bền bỉ như chính chiếc lá thường xuân cuối cùng mà cụ Bơ-men để lại, sự thay đổi của Giôn-xi khiến chúng ta phải cảm phục, nhìn vào đó mà học tập.

Nhà văn O Hen-ri đã rất thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Giôn-xi, thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc nhất những cung bậc cảm xúc, những ý nghĩ và sự thay đổi của Giôn-xi. Giôn-xi từ chỗ sâu thẳm của tuyệt vọng, chờ trực cái chết mang đi đã nhảy vọt đến nơi có niềm vui ham sống, hy vọng được sống và được sáng tác nghệ thuật, được thực hiện mơ ước của mình.

6. Bài văn phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc - mẫu 2

“Bài học đường đời đầu tiên” là một trong những truyện đồng thoại nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài. Thông qua nhân vật Dế Mèn cùng những thử thách, vấp ngã trong chặng đường đầu tiên của cuộc đời, Tô Hoài đã gửi gắm rất nhiều những bài học ý nghĩa về cuộc sống, đặc biệt là bài học dành cho giới trẻ. Trong truyện chúng ta hình dung rõ ràng về một chú Dế Mèn có nét đẹp cường tráng, khỏe mạnh hơn người nhưng tính cách thì xốc nổi hống hách, cuối cùng trước cái chết của người bạn, Dế Mèn đã rút ra cho mình những bài học đắt giá.

Nhân vật Dế Mèn được giới thiệu là chàng Dế Mèn thông minh, khỏe mạnh, cường tráng với sức khoẻ hơn người. “ Đôi càng của chàng ta mẫm bóng, những cái vuốt ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt, đôi cánh dài đến tận gót chân” Cũng chính bởi vậy Dế Mèn tỏ ra kiêu ngạo, hợm hĩnh, coi thường tất cả những người xung quanh, không xem ai ra gì.

Tạo ra cuộc gặp gỡ giữa Dế Mèn và Dế Choắt đã giúp người đọc hình dung được những đặc điểm về tính cách của nhân vật. Vì thói kiêu căng, hợm hĩnh nên Dế Mèn bỏ ngoài tai những lời cầu khẩn của Dế Choắt “thông ngách sang nhà ta hả, chú mày hôi như cú ấy…”Trước sự khốn khó và nỗi đau của đồng loại Dế Mèn không hề có sự cảm thông, chia sẻ mà ngược lại thằng thừng chà đạp lên nỗi đau nó. Những lời nói của Dế Mèn với Dế Choắt càng chứng tỏ chàng thanh niên mới lớn này có tính kiêu ngạo, hống hách, xốc nổi của tuổi trẻ và rồi đó sẽ là mầm mống tai họa sau này mà Dế Mèn sẽ phải trả giá.

Sự kiêu căng, hợm hĩnh của Dế Mèn được thể hiện rõ hơn cả qua hành động trêu ngươi chị Cốc. Dế Mèn cất tiếng hát véo von “vặt lông con Cốc cho tao, tao nấu tao nướng, tao xào, tao ăn”, rồi chui tọt vào hang, vắt chân tự hào về thành tích của mình. Thế rồi khi chị Cốc đi tìm kẻ trêu ngươi mình thì Dế Mèn sợ hãi chui tọt vào trong hang không nhúc nhích mặc kệ Dế Choắt đang phải chịu những trận mổ như trời giáng của Chị Cốc. Tình tiết này chứng tỏ Dế Mèn kiêu căng, hợm hĩnh nhưng lại đê hèn, không dám nhận những việc mình đã làm, bỏ mặc bạn bè trong cơn khốn khó. Trước cái chết của Dế Choắt mà nguyên nhân sâu xa là do mình, Dế Mèn đã rút ra được bài học đường đời đầu tiên, vô cùng thấm thía và đắt giá.

7. Phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc - mẫu 3

Puskin từng viết “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Vì vậy, nhà văn Andersen đã viết lên truyện Cô bé bán diêm khiến người đọc đầy oán trách và xót xa. Trong truyện, hình ảnh cô bé bán diêm gầy gò, bất hạnh hiện lên đã để lại ấn tượng trong em sâu sắc.

Cô bé bán diêm là một trong nhiều truyện ngụ ngôn của Andersen được tuyển tập lại. Truyện kể về một cô bé bán diêm trong một đêm lạnh giá của một ngày cuối năm và cô bé đã chết dưới cái tuyết lạnh lẽo trước thềm năm mới. Số phận đã không mỉm cười với cô bé nhưng cô đã cố gắng để thoát khỏi nó. Sống trong cảnh nghèo đói với ông bố nát rượi hành hạ, cô bé phải đi bán diêm trong đêm giá lạnh lẽo. Một đứa trẻ đáng lí phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc giờ đây phải vật lộn mưu sinh trong cái rét của mùa đông. Hình ảnh cô bé quẹt que diêm cùng với ba điều ước giản dị như thể hiện khát khao mãnh liệt muốn vượt lên số phận, thoát khỏi bể khổ của cô bé xấu số. Cô bé chính là đại diện cho một tầng lớp người thời bấy giờ, bất hạnh nhưng không ngừng đấu tranh cho chính bản thân.

Không dừng lại ở đó, qua hình ảnh cô bé đáng thương, tác giả cũng muốn phê phán sự thờ ơ của con người lúc bấy giờ. Hình ảnh một cô bé rách rưới, ăn mặc mỏng manh đi lại giữ phố giữ bầu trời tuyết rơi nhưng cũng không một ai hỏi han hay có ý định giúp đỡ. Dường như họ đều là những người vô cảm, ích kỉ. Họ không mảy may xúc động trước số phận bất hạnh của người khác và chỉ nghĩ cho bản thân. Chính sự thờ ơ của họ là một trong những nguyên nhân giết chết cô bé bán diêm và tác giả muốn phê phán sự ích kỉ đó.

Kết thúc câu chuyện là hình ảnh cô bé chết trong một góc phố với nụ cười trên môi. Có lẽ ở một thế giới xa xôi, em sẽ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc với bà của mình. Truyện kết thúc để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ, liên tưởng về con người và xã hội của một giai đoạn lịch sử.

8. Phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc - mẫu 4

Thạch Lam thường viết “những truyện không có chuyện”, chủ yếu là khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Một trong những tác phẩm của ông là truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa. Nổi bật trong tác phẩm là nhân vật Sơn.

Truyện được in trong tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” (NXB Đời nay, 1937). Sơn là nhân vật trung tâm trong tác phẩm, được nhà văn xây dựng để gửi gắm những tư tưởng nhân văn sâu sắc.

Mở đầu truyện, Thạch Lam đã có những câu văn miêu tả tinh tế về sự thay đổi của thời tiết. Từ đó, nhân vật Sơn xuất hiện với những suy nghĩ, hành động hồn nhiên của một đứa trẻ. Cậu tung chăn tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Nhân vật Sơn thức giấc và cảm nhận được cái lạnh, cậu vơ vội cái chăn trùm lên đầu rồi gọi chị Lan. Sau đó, Sơn được mẹ mặc cho một chiếc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm. Qua cách giới thiệu này, có thể thấy Sơn được sinh ra trong một gia đình khá giá, nhận được tình yêu thương của mọi người xung quanh.

Sống trong sự chăm sóc của mẹ và chị, nhưng Sơn không kiêu ngạo và xa cách. Cậu sống rất giàu tình cảm, biết yêu thương mọi người xung quanh. Điều đó được thể hiện qua tình cảm với người em gái đã mất. Khi mọi người nhắc đến Duyên - đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy cho thấy Sơn là một cậu bé nhạy cảm, giàu lòng thương người. Hay như cách cư xử của Sơn với bọn trẻ con trong xóm - Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc - những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Đặc biệt nhất là hành động của Sơn đối với bé Hiên. Khi thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Sơn cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cảm xúc ấy cho thấy ý nghĩa của sự chia sẻ đem đến sự hạnh phúc cho cả người nhận và người cho. Có thể thấy rằng, nhân vật Sơn tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đã giàu lòng yêu thương.

Qua nhân vật này, nhà văn đã gửi gắm bài học về tình yêu thương, cũng như tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ và đồng cảm của con người trong cuộc sống.

Như vậy, nhà văn Thạch Lam đã xây dựng truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” nhẹ nhàng mà thật sâu sắc. Cả tác phẩm thấm thía tình yêu thương giữa con người.

9. Phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học ngắn gọn

Người thầy đầu tiên là một truyện ngắn xuất sắc của Ai-tơ-ma-tốp kể về thầy giáo Đuy-sen qua hồi ức bà viện sĩ An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va, vốn là học trò trước đây của thầy Đuy-sen.

Hình ảnh một người thầy tuyệt đẹp và đáng kính là cảm nhận sâu sắc nhất của mỗi chúng ta khi đọc truyện ngắn này. Khi đến vùng núi quê hương của cô bé An-tư-nai. Thầy Đuy-sen còn trẻ lắm. Học vấn của thầy lúc đó chưa cao, nhưng trái tim thầy dạt dào tình nhân ái và sôi sục nhiệt tình cách mạng. Một mình thầy lao động hằng tháng trời, phạt cỏ, trát lại vách, sửa cánh cửa, quét dọn cái sân..., biến cái chuồng ngựa của phú nông hoang phế đã lâu ngày thành một cái trường khiêm tốn nằm bên hẻm núi, cạnh con đường vào cái làng nhỏ của người Kir-ghi-di, vùng Trung Á nghèo nàn lạc hậu

Khi An-tư-nai và các bạn nhỏ đến thăm trường với bao tò mò “xem thử thầy giáo đang làm gì, ở đấy cũng hay” thì thấy thầy “từ trong cửa bước ra, người bê bết đất”. Thầy Đuy-sen “mỉm cười, niềm nở” quệt mồ hôi trên mặt, rồi ôn tồn hỏi: “Đi đâu về thế, các em gái”. Trước các “vị khách” nhỏ tuổi, thầy hiền hậu nói: “Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi...?”

Đuy-sen đúng là một người thầy vĩ đại, cử chỉ của thầy rất hồn nhiên. Thầy hiền hậu nói lên những lời ấm áp lay động tâm hồn tuổi thơ. Mới gặp các em nhỏ xa lạ lần đầu mà thầy đã nhìn thấy, đã thấu rõ cái khao khát muốn được học hành của các em: “các em chả sẽ học tập ở đây là gì?” Thầy “khoe” với các em về chuyện đắp lò sưởi trong mùa đông..., thầy báo tin vui trường học đã làm xong “có thể bắt đầu học được rồi”. Thầy mời chào hay khích lệ? Thầy nói với các em nhỏ người dân tộc miền núi chưa từng biết mái trường là gì bằng tất cả tình thương mênh mông: “Thế nào, các em có thích học không? Các em sẽ đi học chứ?”

Thầy Đuy-sen quả là có tài, giàu kinh nghiệm sư phạm. Chỉ sau một vài phút gặp gỡ, vài câu nói nhẹ nhàng, thầy đã chiếm lĩnh tâm hồn tuổi thơ. Thầy đã khơi dậy trong lòng các em nhỏ người miền núi niềm khao khát được đi học.

Với An-tư-nai, thầy nhìn thấu tâm can em, cảm thông cảnh ngộ mồ côi của em, thầy an ủi và khen em một cách chân tình: “An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?”. Câu nói ấy cùng với nụ cười hiền hậu của Đuy-sen đã khiến cho cô gái dân tộc thiểu số bé nhỏ, bất hạnh “thấy lòng ấm hẳn lại”.

Đuy-sen là người thầy đầu tiên, người thầy khai tâm khai sáng cho An-tư- nai. Thầy hiền hậu, thầy yêu thương tuổi thơ. Thầy đã đốt cháy lên trong lòng các em ngọn lửa nhiệt tình khát vọng và khát vọng đi học. Đuy-sen là hình ảnh tuyệt đẹp của một ông thầy tuổi thơ. Con đường tuổi trẻ là con đường học hành. Trên con đường đầy nắng đẹp ấy, anh chị và mỗi chúng ta sẽ được dìu dắt qua nhiều thầy, cô giáo. Cũng như An-tư-nai, trong tâm hồn mỗi chúng ta luôn luôn chói ngời những người thầy, những Đuy-sen cao đẹp.

Ai-ma-tốp đã viết nên một truyện ngắn dưới dạng hồi ức chân thực, cảm động. Hình ảnh Đuy-sen – người thầy đầu tiên và hình ảnh An-tư-nai, cô bé mồ côi khát khao được đi học, được tác giả nói đến với tất cả sự ca ngợi, với niềm thương mến bao la. Người thầy trong truyện ngắn là người thầy của tình thương đến với tuổi thơ, đem ánh sáng cách mạng làm thay đổi mọi cuộc đời. Ngọn lửa tình thương như toả sáng trang văn Ai-ma-tốp, mãi mãi làm ấm áp lòng người. Thầy Đuy-sen càng trở nên gần gũi trong niềm thương mến của tuổi thơ chúng ta.

10. Phân tích đặc điểm nhân vật Bơ-mơn trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng

Trích đoạn Chiếc lá cuối cùng trong tác phẩm cùng tên của nhà văn O Hen-ry là trích đoạn hay và giàu ý nghĩa. Đoạn trích là bài ca ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương đối với mỗi con người. Và tình yêu thương, sự hi sinh cho người khác được thể hiện rõ nét qua nhân vật cụ Bơ-men.

Cụ Bơ-men được giới thiệu là một họa sĩ nghèo, đã ngoài sáu mươi tuổi. Cụ ở cùng tòa nhà với hai họa sĩ trẻ là Xiu và Giôn-xi. Đã theo nghiệp vẽ hơn bốn mươi năm nay cả đời cụ chỉ có một mơ ước sẽ vẽ được một bức tranh kiệt tác để lại cho hậu thế. Nhưng năm tháng trôi qua, nguyện ước của cụ vẫn chưa thể thực hiện được. Cụ hiện làm mẫu vẽ cho các họa sĩ trẻ nhằm kiếm sống qua ngày.

Đằng sau vẻ ngoài xù xì, gai góc ấy, ta thấy trong cụ là con người có tấm lòng nhân hậu và yêu thương người khác sâu sắc. Ngày biết tin Giôn-xi có những ý nghĩ điên rồ, rằng sẽ chết khi chiếc là cuối cùng rơi xuống, cụ đã vô cùng đau đơn, thương xót và cũng giận dữ khi Giôn-xi có những suy nghĩ yếu đuối đến như vậy.

Có lẽ trong lúc Xiu buồn rầu, chán nản kéo chiếc rèm lên sau một đêm mưa gió bão bùng để cho Giôn-xi xem, thì từ căn phòng bên dưới cũng là lúc cụ Bơ-men mở tung cánh cửa sổ và đi đến một quyết định cao thượng. Hi sinh bản thân mình cho người khác đâu phải là chuyện đơn giản, dễ dàng, người ta có thể chia nhau cái bánh, miếng cơm, manh áo, nhưng mấy ai dễ chia nhau sinh mạng. Ấy vậy mà cụ Bơ-men đã dũng cảm làm được điều ấy.

Trong đêm mưa gió điên cuồng, cái lạnh thấu vào da, cụ Bơ-men đã mang những dụng cụ cần thiết, một chiếc thang, chiếc đèn bão, màu mực để vẽ nên kiệt tác của mình. Kiệt tác đó được vẽ nên từ tình yêu thương, sự hi sinh cao cả bởi vậy đã đem lại sự sống cho Giôn-xi. Sáng hôm sau, khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn dũng cảm treo bám trên cây, Giôn-xi đã không khỏi ngỡ ngàng và nhận ra những suy nghĩ sai lầm của bản thân: “Muốn chết cũng là một cái tội” . Cô đã vực lại niềm tin và sự sống trong mình. Nếu không có chiếc lá đó, hẳn Giôn-xi đã bỏ phí cả cuộc đời đang rộng mở phía trước.

Còn đối với cụ Bơ-men sau đêm chiến đấu với cái lạnh lẽo, giá rét, cụ đã mắc căn bệnh sưng phổi và mất không lâu sau đó. Nhưng có lẽ cái chết của cụ cũng không làm cụ vướng bận điều gì, bởi cụ đã thực hiện được nguyện ước của đời mình đó là vẽ nên một bức tranh kiệt tác. Chiếc lá cuối cùng được coi là một kiệt tác bởi trước hết ở độ chân thực của nó. Chiếc lá giống thật đến nỗi, con mắt họa sĩ của hai cô gái cũng không hề nhận ra đó chỉ là sản phẩm của màu vẽ. Không chỉ vậy, chiếc lá được vẽ nên bằng tình yêu thương sự hi sinh cao cả của cụ Bơ-men. Và cuối cùng nó là một kiệt tác bởi đã đem lại hi vọng sống cho một con người. Giúp Giôn-xi thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bởi tất cả những lí do trên nên Chiếc lá cuối cùng đã trở thành kiệt tác nghệ thuật trong cuộc đời cụ Bơ-men. Đồng thời bức tranh ấy cũng gửi gắm đến bạn đọc thông điệp về giá trị của tác phẩm nghệ thuật: một tác phẩm nghệ thuật chân chính là sinh ra để phục vụ con người, để khiến con người trở nên tốt đẹp hơn.

Nhân vật cụ Bơ-men không được tác giả tập trung phác họa quá nhiều, mà chỉ là những nét phác thảo hết sức ngắn ngủi. Nhưng cũng chỉ cần có vậy thôi, ta cũng cảm nhận được giá trị nhân văn và những thông điệp ý nghĩ tác giả muốn gửi gắm qua nhân vật này. Sống là để yêu thương, sẵn sàng san sẻ và hi sinh, đó là lẽ sống cao đẹp mà bất cứ ai cũng cần hướng đến.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
299 207.352
Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học lớp 7 trang 67 CTST
Chọn file tải về :
7 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • 🖼️
    thienbao phamnguyen

    cảm ơn


    Thích Phản hồi 09/11/22
    • 🖼️
      lyly Nguyen thi

      Bạn có thể làm bài lập dàn ý phân tích đặc điểm nhân vật đc ko🙂

      Thích Phản hồi 14/11/22
      • 🖼️
        Ban Quản Trị HoaTieu.vn

        Có dàn ý rồi bạn tham khảo nhé.

        Thích Phản hồi 16/11/22
    • 🖼️
      lyly Nguyen thi

      Bạn ơi lập dàn ý đc ko?

      Thích Phản hồi 14/11/22
      • 🖼️
        Ban Quản Trị HoaTieu.vn

        Để ad xem rồi cập nhật nhé. Bạn theo dõi bài viết để cập nhật dàn ý trong bài sớm nhất nhé.

        Thích Phản hồi 15/11/22
    • 🖼️
      Mai Phương

      Phân tích hợp đặc biệt nhân vật Sọ Dừa đi ạ

      Thích Phản hồi 20/11/22
      • 🖼️
        Nhi Yến

        phân tích đặc điểm nhân vật bác Bơ-mơn trong văn bản "Chiếc lá cuối cùng" đi ạ

        Thích Phản hồi 25/10/23
        • 🖼️
          Thao Ha tho

          Phân tích ông một đi ạ

          Thích Phản hồi 16/11/23
          • 🖼️
            Đinh Bảo Nam

            bạn có thể chỉ cho mình biết đâu là mở bài thân bài kết bài đc ko

            Thích Phản hồi 14:35 12/11
            Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm