Viết bài văn nghị luận khoảng 400 chữ về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm lớp 7 CTST

Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm. Đây là nội dung đề bài Hướng dẫn quy trình viết trang 20 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 2 Chân trời sáng tạo bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm cùng một số bài văn mẫu hay và chi tiết giúp các em có thêm tài liệu tham khảo khi làm bài.

Kiểu bài nghị luận về 1 vấn đề trong đời sống là sự phát triển tiếp nối của kiểu bài nghị luận về 1 hiện tượng đời sống các em đã được học ở lớp 6, kiểu bài này có sự mở rộng hơn bao gồm cả hiện tượng đời sống, cả tư tưởng đạo lí. Trong đó, người viết đưa ra ‎ kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ các hiện tượng, sự việc trong đời sống, hoặc một vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người. Sau đây là một số bài văn mẫu nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm lớp 7 hay và chi tiết, mời các em cùng tham khảo.

1. Dàn ý Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm

Dàn ý Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm

2. Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) về tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến học sinh

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về Internet

– Dẫn dắt vào vấn đề tác động của internet

2. Thân bài

a. Tác động tích cực của internet

– Đối với cuộc sống

+ Internet là kênh thông tin khổng lồ, từ điển bách khoa đồ sộ, là thế giới tri thức phong phú, đa dạng, cập nhật.

+ Internet là phương tiện trao đổi, giao lưu, giải trí giữa mọi người trên toàn thế giới

+ Internet có mặt trong mọi mặt đời sống như kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của các ngành kinh tế.

– Đối với con người đặc biệt là với học sinh

+ Tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ

+ Học tập qua mạng, chủ động tìm kiếm những phương pháp học tập hay, mới lạ

+ Là sân chơi bổ ích, giải trí đa màu sắc

+ Cập nhật tình hình trong nước và trên thế giới mọi lúc mọi nơi

b. Tác động tiêu cực của internet

– Đối với cuộc sống

+ Nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, xác thực một cách chặt chẽ

+ Chứa nhiều tin xấu, bạo động, lừa đảo

+ Lạm dụng internet dẫn đến hao tốn thời gian, sức khỏe và tiền bạc

– Đối với con người, thanh niên, học sinh

+ Tình trạng nghiện internet, nghiện các trò chơi điện tử bỏ bê học hành

+ Lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích các nền tảng mạng xã hội

+ Dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, chia sẻ thông tin sai lệch trên mạng xã hội

c. Giải pháp

– Sử dụng internet đúng cách, đúng mục đích

– Sử dụng internet một cách văn hóa, có chọn lọc và kiểm duyệt

– Hạn chế để lộ thông tin cá nhân trên mạng internet

3. Kết bài:

- Khẳng định lại ý kiến của bản thân.

- Bài học nhận thức và hành động

3. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm ngắn gọn

Cuộc sống ngày càng phát triển, những thiết bị điện tử được sử dụng ngày càng nhiều, một trong số đó là những trò chơi điện tử cũng đang dần phát triển. Vì lẽ đó có người cho rằng trò chơi điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người chơi, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều rằng nó rất có hại khiến con người say mê vào thế giới ảo. Vậy ham mê trò chơi điện tử là nên hay không nên?

Trước khi có thể đưa ra câu trả lời nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử, ta cần hiểu thế nào là trò chơi điện tử. Trò chơi điện tử là những trò chơi phải sử dụng thiết bị điện tử để chơi, gây cảm giác thích thú say mê với người chơi, giúp mọi người giải toả áp lực sau giờ học tập, làm việc mệt mỏi. Những trò chơi điện tử hấp dẫn không chỉ đối với trẻ nhỏ, các bạn thanh thiếu niên mà còn với cả những người trưởng thành bởi nhiều lí do: Đồ họa đẹp, nội dung hấp dẫn, âm thanh sống động, chơi được theo nhóm… Chính vì vậy mà những trò chơi điện tử ngày càng phổ biến và trở thành những ứng dụng không thể thiếu trong các thiết bị điện tử của mỗi người.

Để có thể khẳng định chắc chắn nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử, ta cần phải hiểu được mặt tốt và mặt xấu của loại hình trò chơi này. Đầu tiên, trò chơi điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Nếu trước kia khi chưa có những toà nhà chọc trời, những trung tâm siêu thị đắt đỏ thì ta thường có những trò chơi giản dị như thả diều, bắn bi...Còn bây giờ, mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn thì những lựa chọn có kinh phí rẻ thường là lựa chọn tối ưu giúp con người giải toả căng thẳng mệt mỏi sau những giờ làm việc học tập kéo dài. Và trò chơi điện tử là lựa chọn hàng đầu không chỉ đơn giản mà thiết kế đa dạng nhiều sự mới mẻ giúp thu hút người chơi. Những trò chơi điện tử có tác dụng rất lớn trong việc giải toả stress, căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ làm việc vất vả hay những giờ học căng thẳng. Người chơi chỉ cần có một chiếc điện thoại, máy tính có kết nối internet là có thể chơi nhiều trò chơi điện tử một cách dễ dàng, không cần phải di chuyển, không cần mua vé… Tăng khả năng tập trung và khả năng ứng phó với những tình huống bất ngờ. Thêm nữa trò chơi điện tử còn tạo nhiều niềm vui, sự gắn kết giữa người chơi với nhau, mở rộng mối quan hệ thông qua việc kết bạn giao lưu qua game, chơi theo nhóm, đội… Đôi khi người chơi có thể sống thật với chính mình trong trò chơi khi qua các trò chơi có thể bày tỏ khả năng, sự sáng tạo… Không chỉ có vậy nhiều trò chơi điện tử còn mang tính giáo dục, rèn luyện: tăng khả năng ghi nhớ bài, ôn lại kiến thức đã học, học được nhiều kiến thức mới qua trò chơi. Đôi khi trò chơi điện tử còn giúp chúng ta có thể tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích giúp ích cho cuộc sống.

Trái với những lợi ích mà trò chơi điện tử mang lại thì nó cũng đem đến nhiều mặt hại. Khi chơi quá nhiều con người dễ bị các trò chơi điện tử ảnh hưởng, chi phối gây nên những ảo giác không phân biệt được thế giới thực và thế giới ảo. Có rất nhiều trường hợp ảo game gây ra các vụ án thương tâm làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Khi dành nhiều thời gian vào các trò chơi điện tử sẽ không chuyên tập vào học hành khiến tình hình học tập sa sút. Thêm nữa khi chơi quá nhiều sẽ gây hại cho mắt, trí tuệ trở nên kém minh mẫn, sức khỏe bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy còn gây lãng phí nhiều thời gian, không quan tâm tới gia đình và những người thân yêu khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cho những trò chơi điện tử. Khi con người đắm chìm trong thế giới ảo sẽ không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài dần trở nên trầm tính, mất đi sự hoạt bát, nhanh nhạy…

Vậy theo chúng ta ham mê trò chơi điện tử có nên hay không? Ham mê chính là một trạng thái say sưa, mê mải với một thứ gì đó, khiến con người đắm chìm vào nó. Như vậy, ham mê trò chơi điện tử là cụm từ để chỉ người rất ưa thích, say mê trò chơi điện tử- một loại hình trò chơi rất phổ biến hiện nay. Tuy rằng trò chơi điện tử có nhiều lợi ích nhưng tác hại mà nó mang lại còn ghê gớm hơn. Vì vậy chúng ta không nên ham mê trò chơi điện tử. Bởi lẽ mọi thứ đều có mức độ của nó, khi ta quá đam mêm đắm chìm vào nó thì rất dễ dàng ta có thể trở thành “nô lệ” của chúng mà không thể tách rời. Chúng ta vẫn có thể chơi những không nên quá ham mê để ảnh hưởng không chỉ đến học tập, công việc mà nghiêm trọng hơn liên quan đến sức khoẻ của mỗi người. Chắc hẳn, ta đã từng thấy những bạn học sinh bỏ học, bỏ ăn đắm mình vào trò chơi điện tử để rồi tự tay dập tắt tương lai tương sáng của chính mình. Vì vậy hãy sử dụng các thiết bị điện tử, chơi các trò chơi lành mạnh để khai thác hết những lợi ích thực sự mà nó mang lại.

Trò chơi điện tử đã trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại ngày nay nên việc xoá bỏ nó khỏi cuộc sống con người là không thể. Vậy, cần làm gì để trò chơi điện tử phát huy tác dụng tích cực của các trò chơi điện tử? Trước hết, cần nâng cao các trò chơi mang tính lành mạnh, giáo dục cao. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần quản lí kiểm tra nghiêm ngặt hơn trước khi đưa trò chơi điện tử ra thị trường, khuyến khích thiết kế các trò chơi mang tính tri thức, kết hợp giữa việc học và chơi tạo hứng thú hơn nữa trong việc học trong cho học sinh. Không chỉ dừng lại ở đó, gia đình cần bên cạnh theo sát con em mình trong thời gian sử dụng thiết bị điện tử hướng các em tới những trò chơi bổ ích. Quản lí thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của các em để tránh sự ham mê quá mức.

Ham mê trò chơi điện tử tồn tại nhiều hệ lụy, chính bởi vậy, mỗi chúng ta đặc biệt là những bạn học sinh không nên dành quá nhiều thời gian cho loại hình này, cần cân bằng giữa việc học tập và chơi sao cho hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, bản thân mỗi chúng ta cũng có thể tìm kiếm những trò chơi khác bên cạnh những trò chơi điện tử ta có thể đọc sách, nấu ăn, tích cực tham gia các họt động ngoài trời rèn luyện các kĩ năng xã hội…Tìm kiếm những niềm vui mới tránh xa những thiết bị điện tử.

Bài văn nghị luận khoảng 400 chữ về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm lớp 7

4. Bài văn nghị luận khoảng 400 chữ về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm lớp 7

Ngày nay, trên thế giới, môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ở các quốc gia tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm thường xuyên nên việc xả rác và nước thải bừa bãi hầu như không còn nữa. Người dân được giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Đáng buồn thay nước ta có một hiện tượng phổ biến là vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng, không giữ gìn vệ sinh đường phố. Việc làm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà cụ thể ở đây là gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có rất nhiều biểu hiện nhưng phổ biến nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Tuy vậy, họ vẫn thản nhiên, vô tư không có gì áy náy. Thậm chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Không chỉ với những nơi công cộng, ở một số khu phố, con đường có đặt bảng khu phố văn hóa nhưng cỏ mọc um tùm tràn lan, rác rưởi ngập đầy khắp lối đi, mùi hôi khó chịu bốc lên suốt ngày.

Một biểu hiện phổ biến khác là một số tài xế chở gạch, đá phế thải ở các công trình xây dựng đem đổ khắp nơi và cả trên dưới phố. Con người ta còn vô ý thức đến mức mang xác súc vật chết như chó, mèo, chuột, gia cầm như gà, vịt ném xuống hồ, ao, sông rạch và ra đường. Ở một số hàng, quán bán trên vỉa hè người ta đổ tất cả đồ ăn dư thừa, nước rửa chén, bát xuống cống khiến cho nước thải bị ứ đọng, cống bị tắt nghẽn. Đáng sợ hơn, ở một số dòng sông những người sống trong những con đò đậu ngay trên sông có những việc làm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Họ vô tư xả rác trên đò xuống sông, đi tiêu đi tiểu xuống sông rồi ngay lập tức lại lấy nước dưới sông lên tắm gội, giặt giũ thậm chí là nấu nướng. Thế nhưng hiện tượng xả rác đó còn lan sâu vào một tầng lớp trí thức trẻ ngày nay. Biểu hiện cụ thể ở một số sinh viên làm gia sư. Họ thường đứng ở các ngã ba, ngã tư đường để phát tờ rơi quảng cáo nhóm gia sư của mình một cách bừa bãi khiến khắp đường phố rải rác đầy những tờ rơi. Những việc làm trên tuy nhỏ nhưng lại gây tác hại vô cùng to lớn. Phải chăng dọn dẹp sạch sẽ nhà mình từ phòng khách đến nhà ăn, từ trong nhà ra ngoài vườn là tốt? Còn việc vứt rác bừa bãi, bạ đâu quăng đó cả những nơi công cộng là không cần thiết, không quan tâm không ảnh hưởng gì đến mình, đến gia đình mình. Điều này, mỗi chúng ta cần suy nghĩ lại.Bạn nghĩ sao khi một thành phố văn minh,giàu đẹp lại ngập tràn trong biển rác? Nó thể hiện hành vi của người vô văn hóa, vô ý thức, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ngày nay, đi đến đâu cũng có nhiều người tự hào khoe khu phố mình đang sống là một khu phố văn hóa. Thế nhưng, được đặt bảng khu phố văn hóa mà rác rưởi vương vãi khắp nơi gây phản cảm cho người đi đường. Như vậy họ chẳng khác gì tự mình mỉa mai mình, tự đánh mất thể diện mình và cả khu phố. Việc vứt rác bừa bãi không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và động vật. Chúng ta cần chủ động trong việc giải quyết vấn đề rác thải bằng cách sử dụng các phương tiện xử lý rác thải đúng cách, phân loại rác để tái chế, giảm thiểu lượng rác sinh ra, cũng như tăng cường thông tin, giáo dục để nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

5. Em hãy viết bài văn nghị luận khoảng 400 chữ về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm

Nhà văn M.Gorki từng nói: “Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Câu nói này khiến ta suy nghĩ về tình yêu thương giữa người với người và quan điểm trách nhiệm của con người với việc yêu thương mọi người. Bàn về vấn đề này Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa ra một quan điểm sống qua bài hát, “Để gió cuốn đi”.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi”.

(Bài hát Để gió cuốn đi)

Nếu ví mỗi con người là một loại quả thì, “tấm lòng” chính là cái nhân ngọt bùi, đậm đà của thứ quả đó. Tấm lòng là tình cảm sự quan tâm chia sẻ yêu thương với mọi người xung quanh biết cảm thông và động lòng trước những cảnh ngộ éo le, bất hạnh. Qua câu hát Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gửi đến chúng ta một thông điệp, một lời khuyên về quan niệm sống đúng đắn. Sống trên đời phải biết yêu thương, quan tâm, động viên và cảm thông với mọi người xung quanh như vậy cuộc sống mới trở nên hạnh phúc, tươi đẹp và giàu ý nghĩa.

Vậy tại sao chúng ta “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”, ông cha ta thường nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cùng sống trên cuộc đời này có người may mắn sống đủ đầy, hạnh phúc, an nhàn, yên vui nhưng cũng có những mảnh đời bất hạnh kém may mắn, gặp nhiều khó khăn, thử thách thậm chí là bất hạnh bi kịch. Ta được sinh ra trong một gia đình đầy đủ cha mẹ tận tình chăm sóc, bản thân lại khỏe mạnh phát triển tốt đó là những điều tốt đẹp và may mắn mà ai cũng muốn. Nhưng không phải ai cũng có thể tận hưởng được tất cả những điều may mắn đó, đối với chúng ta ngày ăn ba bữa đầy đủ, thức ăn nhiều dinh dưỡng, cơm gạo không bao giờ thiếu có thể là những điều tất yếu điều bình thường mà ta được hưởng hàng ngày. Nhưng có những người họ chẳng có cơm gạo để mà ăn chứ không nói gì đến đồ ăn có chất dinh dưỡng tốt, một ngày lượng cơm thừa ta ăn không hết bỏ đi lại là số cơm gạo mà người nghèo đói mong muốn có trong bữa ăn của mình.

Mùa đông giá lạnh có những người chỉ có mỗi chiếc áo mong manh chống chọi với cái rét buốt của thời tiết, rồi đến những trẻ em mồ côi cha mẹ, lang thang đầu đường xó chợ đang còn nhỏ nhưng vẫn phải chật vật kiếm sống qua ngày, bất hạnh hơn là những người bị tàn tật có thể khiếm khuyết bẩm sinh không có được sức khỏe như những người bình thường khác. Họ là những con người thiệt thòi trong cuộc sống phải chịu tổn thương về thể xác và tinh thần, là những mảnh đời cần được quan tâm che chở. Nadimetlec từng nói, “con hãy lắng nghe nỗi buồn của cành cây héo khô, của chim muông què quặt, của hành tinh lạnh nhất nhưng trước hết con hãy lắng nghe nỗi buồn của con người”. Xung quanh ta còn biết bao người kém may mắn, bất hạnh, khó khăn, vì vậy chúng ta “cần có một tấm lòng”, một tấm lòng chân thành luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ yêu thương với mọi người. Những điều ta được hưởng hàng ngày đối với ta có thể là điều tất yếu, đương nhiên, nhưng có thể với một số người đó là mong muốn, là khát khao để đến với một cuộc sống trọn vẹn.

Chúng ta “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”, ta biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc mọi người thì cuộc sống của ta sẽ trở nên ý nghĩa, tươi đẹp hơn rất nhiều. Bởi lòng yêu thương của con người là vô đáy, nên ta hãy cứ dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất, chân thành nhất, như bông hoa Bồ Công Anh bung ra tỏa hết khi gặp gió, nhờ gió mang tinh nhụy của mình đi khắp muôn nơi gieo rắc sự sống. Khi chúng ta làm việc tốt, biết yêu thương người khác là khi tâm hồn ta cảm thấy rất thoải mái, rất dễ chịu. Đừng bao giờ nghĩ mình cho đi chẳng được nhận lại gì từ họ, nhưng thực chất khi ta làm việc tốt, khi ta quan tâm giúp đỡ người khác điều ta nhận lại được đó là niềm vui, niềm hạnh phúc tuy đơn giản, nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá.

Tình yêu thương con người là thứ tình cảm giản dị nhưng chân thành nhất, ấm áp nhất. Vậy mà đâu đó trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn bắt gặp những hành động, những con người không biết yêu thương con người, kể cả với người thân của mình, con cái hắt hủi cha mẹ, cảm thấy mình chịu gánh nặng khi phải chăm sóc người thân của mình. Đó là người thân, còn với những người xung quanh, một số cá nhân có thái độ thờ ơ, ích kỷ, vô cảm trước khó khăn bất hạnh của người khác.

Tóm lại, chúng ta hãy sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, luôn yêu thương chăm sóc người khác, biết xót xa trước những mảnh đời cơ cực và biết đưa tay để cho những người khó khăn bấu víu, nâng đỡ họ vượt qua khó khăn cuộc đời. Là một người trẻ tuổi trước tiên ta hãy sống trách nhiệm với gia đình và người thân, chúng ta hãy yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em mình, quan tâm chăm sóc ân cần từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Sau đó chúng ta cần phải giàu lòng bác ái với mọi người xung quanh, sẵn sàng tham gia các phong trào quyên góp, ủng hộ và chương trình tình nguyện “để gió cuốn đi”, mang yêu thương lan tỏa khắp nơi ta sẽ sống một cuộc sống ý nghĩa và sẽ trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội.

6. Nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm lớp 7 CTST - mẫu 1

Trình bày suy nghĩ về hiện tượng “ sống ảo” trên mạng Internet hiện nay.

Thời đại xã hội phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu tại các nước được ưa chuộng và ưu tiên phát triển. Bên cạnh những phát triển vượt bậc trong ngành công nghệ thì đời sống con người cũng được quan tâm và chăm chút hơn. Chính vì vậy mà chúng ta đã xuất hiện cụm từ “sống ảo” trên các trang mạng internet thậm chí còn trở thành thói quen của xã hội, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Nhưng hiện nay hiện tượng này càng ngày càng có xu hướng phát triển thái quá và có những hệ lụy tiêu cực.

“Sống ảo” là hiện tượng có cách sống hoang tưởng, không đúng với thực tại bản thân hay có ý tự tô vẽ cho mình một cuộc sống hoàn hảo, tốt đẹp trong mắt người khác và được người khác ngưỡng mộ mà cuộc sống đó hoàn toàn khác với cuộc sống thực tại của họ. Giá trị thực tại không chỉ dừng lại ở sự thật về mỗi người trong cuộc sống hàng ngày mà còn là những giá trị tinh thần tốt đẹp và chuẩn mực đạo đức của xã hội. Việc xác định giữa giá trị thực và “sống ảo” là một vấn đề khiến chúng ta đáng suy ngẫm.

Hiện tượng sống ảo có thể xảy ra hàng ngày, trên tất cả các trạng mạng xã hội. Sống ảo không chỉ là chạy theo nút “ like” hay “yêu thích” trên mạng nó còn là cuộc sống chạy theo hào nhoáng, khoe mẽ, thể hiện bản thân của các bản trẻ. Chính vì sống ảo đang lan tràn như một hiện tượng thái quá nên nó đã kéo theo những hệ lụy như lừa đảo hay “anh hùng bàn phím”,…. Mọi người mắc bệnh sống ảo luôn chạy theo những thứ hào nhoáng ở trên các trang mạng mà quên đi bản thân của thực tại, quên đi cuộc sống của bản thân. Đối với các bạn trẻ họ có thể dựa vào định giá về độ “hot” của đối phương trên mạng Internet để tìm bạn, tìm người yêu và điều này càng tồi tệ hơn khi thời gian dịch vừa rồi không chỉ thanh niên mà còn cả các em học sinh cũng tiếp xúc nhiều với điện thoại và cuộc sống “sống ảo” trên mạng. Do các bạn trẻ còn quá ngây thơ nên đã bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo dẫn đến những hành vi suy đồi, sai trái và bỏ bê cuộc sống thực tại, chuyện học tập cũng ảnh hưởng đáng kể.

Mỗi chúng ta cần phải hết sức chú ý đến bản thân khi sử dụng mạng xã hội, để cho bản thân tự ý thức về việc sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó phụ huynh học sinh cũng cần phải chú ý tới con em của mình nhiều hơn, khi mà trẻ được tiếp xúc với mạng internet quá sớm thì chúng ta cần phải định hướng cho trẻ biết phải trái, đúng sai, tránh để con em nhà mình phát triển một cách lệch lạc. Mỗi chúng ta đều phải tự ý thức cho bản thân mình và uống nắn sự phát triển của con em mình một cách đúng đắn về sự cân bằng, hài hòa giữa cuộc sống thực tại và những gì đang diễn ra trên mạng xã hội. Nếu sử dụng đúng cách, đúng mục đích thì công nghệ là một công cụ vô cùng hiệu quả và hữu ích cho sự phát triển của mỗi cá nhân.

7. Nghị luận về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm lớp 7 CTST - mẫu 2

Xã hội hiện nay đang trên đà phát triển, tồn tại song song với những thời cơ là những khó khăn, thách thức và một trong những khó khăn nhất định trong phát triển đất nước đó là bệnh tật. Ngoài những căn bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người như bệnh tim, bệnh lao phổi, bệnh ung thư..., phải kể đến những bệnh về tinh thần và lối sống của con người như bệnh ích kỷ, bệnh vô cảm... Trong đó, bệnh vô cảm thực sự là một căn bệnh rất nguy hiểm và đáng quan ngại, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân con người và cả xã hội, cần phải ngăn chặn và chữa trị kịp thời.

Để tìm hiểu về căn bệnh vô cảm, trước hết chúng ta phải hiểu vô cảm là gì. "Vô" là không, "cảm" là tình cảm, cảm xúc, cảm nhận, rung cảm của con người, "vô cảm" chính là không có cảm xúc, cảm nhận, không bị rung động trước tình cảm con người. Bệnh vô cảm là thái độ sống thờ ơ, vô tâm, lạnh nhạt với những người xung quanh, không chia sẻ và quan tâm đến người khác, luôn mang trong mình suy nghĩ ích kỷ, nhỏ nhen. Nguyên nhân của căn bệnh này đến từ nhiều hướng, thứ nhất là do bản tính sẵn có của con người, vốn có tính ích kỷ, thờ ơ và xa lánh với mọi người xung quanh; thứ hai là do tác động của môi trường sống, khi sống ở môi trường con người ít giao tiếp với nhau, chỉ mải miết quay cuồng trong học tập, công việc, tranh đua sẽ không có cơ hội để con người để ý đến những người khác, việc khác, ít có thời gian tiếp xúc và bày tỏ cảm xúc với nhau, dần dần sẽ trở nên vô cảm; thứ ba là do sự phát triển của xã hội, của khoa học công nghệ và quá trình đô thị hóa, xã hội phát triển con người ta chỉ mải lo làm ăn, quan trọng vật chất hơn tình cảm, thời buổi công nghệ khiến con người ta ham mê đắm chìm trong công nghệ, ít dành thời gian trò chuyện và quan tâm lẫn nhau; cuối cùng vô cảm cũng chính do cách giáo dục của gia đình, bố mẹ mải làm không quan tâm con cái hay ép buộc, áp đặt con cái theo suy nghĩ của mình sẽ khiến các con trở nên vô cảm, bất mãn.

Biểu hiện của căn bệnh vô cảm rất dễ nhận ra, đó là sự thờ ơ trước nỗi đau thương, mất mát của người khác, gặp người tai nạn giao thông cũng chỉ đứng nhìn dửng dưng không hề có ý định giúp đỡ. Thờ ơ trước những vấn đề của cộng đồng và xã hội, trong khi cộng đồng đang phát động chiến dịch dọn rác thì vẫn có những con người xả rác bừa bãi ra môi trường. Trước những chương trình từ thiện xã hội, tình nghĩa và ủng hộ như hiến máu cứu người, ủng hộ đồng bào lũ lụt, vẫn có những người không tham gia, coi đó không phải chuyện của mình. Tuy nhiên những biểu hiện vô cảm trên chưa đáng lo ngại bằng việc vô cảm trước những cái xấu, cái ác trong xã hội. Ở nơi công cộng nhìn thấy kẻ gian lấy trộm đồ nhưng không lên tiếng mà lẳng lặng bỏ đi, nhìn thấy người khác đánh rơi đồ nhưng không nhắc mà mặc kệ, khi lên xe thấy người trẻ không nhường chỗ cho người già nhưng không ý kiến. Hay trong môi trường học tập, nhìn thấy bạn gian lận trong thi cử, quay cóp và sử dụng tài liệu nhưng lại không tố cáo với giáo viên, chứng kiến bạn bè bị bạo hành ngay trong lớp học nhưng không gọi bảo vệ hay giáo viên tới mà còn cổ vũ, dùng điện thoại quay rồi tung lên mạng xã hội... Có thể thấy, bệnh vô cảm đã xâm nhập sâu trong cuộc sống của chúng ta, ngày càng hoành hành quái ác, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến cá nhân và cộng đồng. Bệnh vô cảm khiến cho con người mất đi tính nhân đạo, không có lương tâm, càng nhiều người vô cảm sẽ hình thành nên một xã hội vô cảm. Vì vô cảm mà con người ngày càng xa lánh nhau, thờ ơ và lạnh lùng với nhau, mất đi tính cộng đồng và sự kết nối giữa người với người. Một dân tộc không có sự gắn kết, đoàn kết giữa người dân với nhau sẽ là mục tiêu của kẻ thù xâm lược, không có sức mạnh nào lớn hơn đoàn kết, để có đoàn kết phải bài diệt trừ căn bệnh vô cảm.

Mỗi chúng ta phải nhận thức được mối nguy hại mà căn bệnh vô cảm gây ra để từ đó tránh xa căn bệnh này. Bằng cách thực hành lối sống tích cực giúp đỡ mọi người, luôn củng cố tình yêu thương và sự quan tâm đối với mọi người, mọi vấn đề xung quanh. Tham gia nhiều hơn nữa các chương trình xã hội mang tính nhân văn cao như ủng hộ, từ thiện, bảo vệ môi trường, đền ơn đáp nghĩa... Hãy chung tay đẩy lùi căn bệnh vô cảm trong xã hội của chúng ta.

Trên đây là một số gợi ý về cách làm bài văn nghị luận khoảng 400 chữ về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm. Hy vọng thông qua bài viết này các em đã nắm được cách viết bài văn nghị luận về 1 vấn đề trong đời sống, nêu được vấn đề và ý kiến cần bàn luận cũng như đưa ra được những lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
301 118.316
0 Bình luận
Sắp xếp theo