(Cực hay) Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc lớp 8

Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc (bài viết có sử dụng yêu tố miêu tả hoặc biểu cảm hoặc kết hợp cả hai yếu tố ấy). Đây là nội dung đề bài phần hướng dẫn quy trình viết trang 95 SGK Văn 8 tập 2 CTST bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi. Sau đây là mẫu dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi cùng với các bài mẫu viết bài văn kể lại một chuyến đi lớp 8 hay và ngắn gọn sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo làm bài.

Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc

Nội dung bài viết do Hoatieu biên tập, vui lòng không sao chép.

1. Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi

- Mở bài:

+ Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

+ Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi.

- Thân bài:

+ Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…).

+ Thuyết minh, miêu tả và nêu ấn tượng của em về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hóa (thiên nhiên, con người, công trình kiến thúc,…).

- Kết bài:

Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

2. Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi thăm quan Đền Hùng

MỞ BÀI:

- Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa:

+ Việt Nam được biết đến là một quốc gia với nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, lâu đời.

+ Trải nghiệm về văn hóa luôn được coi là những trải nghiệm thú vị. Em cũng đã có lần được tìm hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam thông qua chuyến đi đến đền Hùng

- Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi: Chuyến đi ấy đã để lại trong em cảm xúc tự hào cùng những ấn tượng khó phai.

THÂN BÀI:

1. Chuyến đi thăm quan do ai tổ chức - Mục đích của chuyến tham quan

- Mỗi dịp đâu xuân, nhà em lại cùng nhau đi du xuân. Năm nay, địa điểm được gia đình em chọn đó là đền Hùng

- Chuyến đi diễn ra nhằm mục đích để cầu may cho gia đình, hiểu biết thêm về các văn hóa dân tộc, tham quan các di tích lịch sử và cũng như để học thêm và các phong tục tập quán.

2. Chuyến đi bắt đầu như thế nào - Trên đường đi

- Chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng, khi những giọt sương sớm vẫn còn định trên lá cành.

- Tiết trời se lạnh của mùa xuân đã tạo cho em cảm giác thích thú.

- Hai bên đường, những hàng cây cao vút đứng yên, dang cánh tay ra nắng những hạt sương rơi, những cây hoa đào đua nhau nở rộ.

- Dưới ánh đèn phố lung linh đặc trưng của ngày xuân, những làn xe cộ tấp nập chạy qua. Trên đường, không khí nhộn nhịp biết được nào.

- Một lúc sau, mặt trời đã ló rạng. Qua khung cửa sổ, từng tia nắng chiếu vào như những tia hi vọng của một năm mới tốt lành

- Lúc này em vô cùng háo hức được đến Đền Hùng.

3. Diễn biến chuyến tham quan

a. Quang cảnh chung và cảm xúc khi mới đặt chân đến đền Hùng

- Quần thể đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đây là nơi các vua Hùng xưa đã chọn làm kinh đô của nước Văn Lang.

- Ấn tượng đầu tiên của em là nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ, cổ kính với nhiều đền thờ

- Có khá nhiều khách du lịch thập phương quy tụ về đây để thăm thú, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng.

- Dưới sự hướng dẫn của cô HDV, gia đình em được lần lượt đi thăm những địa điểm thăm quan nổi tiếng ở đền Hùng.

b. Đi thăm đền Hạ

- Địa điểm đầu tiên mà gia đình em ghé thăm đó chính là đền Hạ.

- Tương truyền đây là nơi xưa kia mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm trứng, ý nghĩa “đồng bào” cũng bắt đầu từ đó, em được biết ngôi đề được xây dựng vào khoảng thế kỉ 17-18 với kiến trúc thuần Việt gồm hậu cung và tiền bái, trang trí bằng các bức phù điêu, một bên ngựa, một bên voi.

- Quang cảnh xung quanh đền yên tĩnh với nhiều loại cây cổ kính.

- Thăm đền Hạ, lòng em tràn ngập cảm giác tự hào về nguồn gốc con người dân tộc mình.

c. Đi thăm chùa Thiên Quang

- Rời đền Hạ, gia đình em tiếp tục được đi thăm chùa Thiên Quang, đây là một ngôi chùa có tên cổ là Sơn cảnh thừa long tự.

- Chùa được xây với nhiều gian, bên ngoài sơm màu đỏ, các tòa theo kiểu cột trị, mái con, bên trên có hai chú rồng chầu ngọc trắng, trước đền có lư hương, sân chùa rộng rãi phục vụ du khách đến dâng hương.

- Thăm chùa, em thầm ngưỡng mộ về những nét kiến trúc độc đáo của dân tộc.

d. Đi thăm đền Trung , đền Thượng

- Gia đình em đến thăm quan đền Trung, tương truyền đây là nơi xưa kia Vua Hùng bàn việc nước và ngắm cảnh thiên nhiên, sông núi cùng các lạc tướng, lạc hầu. Khung cảnh hoang sơ, cổ kính

- Sau khi thăm đền Trung, gia đình em di chuyển đến đền Thượng

- Đền Thượng nằm cao nhất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền thời xưa, vua Hùng thường lên trên đỉnh núi để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, vì thế đền được dựng ở đây.

- Tương truyền, đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 tiến hành lập đàn cầu trời ban cho người tài giỏi đánh giặc Ân giúp nước, cứu dân.

- Em thấy mình đứng giữa ranh giới quá khứ hào hùng của lịch sử cha ông và hiện tại.

e. Đi thăm bảo tàng Hùng Vương

- Tiếp theo, cô HDV dẫn đoàn gia đình em đến thăm quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quý.

- Mọi thứ đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện, một bài học riêng. Đó là các chiến tích hào hùng của vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược.

- Xa xa kia là hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đang trò chuyện với chiến sĩ thuộc Đại đoàn quân tiên phong.

4. Trải nghiệm những hoạt động văn hóa tại địa điểm văn hóa

- Gia đình em được giới thiệu và thưởng thức bánh tẻ, bánh tai, bánh sắn

- Em được khám phá và trải nghiệm nhiều lễ hội vui của đền Hùng như lễ rước kiệu vua, lễ dâng hương, các trò chơi như thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi….

5. Kết thúc chuyến đi và suy nghĩ, tình cảm của em

- Trên đường về, em nhớ mãi về những địa danh tại đền Hùng gia đình em được đi thăm. Có lẽ đây là chuyến đi em không bao giờ quên.

- Những trải nghiệm tại đây đã giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc được lưu giữ suốt bao đời nay.

KẾT BÀI:

- Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan: Chuyến đi kết thúc để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý

- Liên hệ bản thân (Mong muốn, lời hứa): Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, nối tiếp đường cha ông, bảo vệ đất nước, …

3. Kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc dàn ý

Kể lại chuyến thăm quan Hồ Gươm dàn ý

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa:

+ Đất nước Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng người yêu thích khám phá, trải nghiệm.

+ Thủ đô Hà Nội có Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) với cả nét đẹp về thiên nhiên và văn hóa, lịch sử.

- Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi: Em rất háo hức và mong chờ chuyến đi.

Thân bài:

1. Chuyến đi thăm quan do ai tổ chức - Mục đích của chuyến tham quan

- Nhân dịp nghỉ hè, nhóm bạn thân của chúng em đã được các bố mẹ tổ chức cho đi thăm Hồ Gươm.

- Chuyến đi diễn ra nhằm mục đích trải nghiệm, du lịch, khám phá những nét đẹp về phong cảnh thiên nhiên cũng như nét đẹp lịch sử, văn hóa của Hồ Gươm.

2. Chuyến đi bắt đầu như thế nào - Trên đường đi

- Chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng, vào một ngày tháng 6 hứa hẹn sẽ có nắng đẹp.

- Sáng sớm chúng em đã thức dậy chuẩn bị, thời tiết thật đẹp, những chú chim đang hót líu lo đón chào tia nắng đầu tiên của ngày mới.

- Hai bên đường, những hàng cây cao vút đang rì rào như đón chào chúng em. Nhiều người dân đang tập thể dục trên đường, những hàng quán đã nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa.

- Chúng em gồm 3 gia đình, xuất phát trên một xe ô tô 16 chỗ. Trên đường, chúng em hát hò vui vẻ, chơi trò chơi…

- Chẳng mấy chốc, chúng em đã đặt chân đến Hồ Gươm.

3. Diễn biến chuyến tham quan

a. Quang cảnh chung và cảm xúc khi mới đặt chân đến Hồ Gươm

- Em rất háo hức khi đặt chân đến hồ Gươm, mọi mệt mỏi dường như tan biến hết.

- Hồ Gươm rất rộng, em cảm giác như một chiếc gương khổng lồ. Chung quanh Hồ Gươm được soi bóng bởi các hàng cây to, xanh mát.

- Quanh hồ Gươm là rất đông người, hàng quán. Đặc biệt, chúng em được gặp khá nhiều du khách nước ngoài.

b. Đi thăm Tháp Rùa

- Địa điểm đầu tiên mà gia đình em ghé thăm đó chính là Tháp Rùa.

- Tháp Rùa cổ kính, uy nghi đứng trên gò đất xanh rì cỏ nổi giữa mặt hồ. Tháp Rùa cho chúng em cảm giác cổ kính, rêu phong, mang đậm dấu ấn lịch sử.

- Tháp Rùa cũng chính là một nhân chứng lịch sử nước ta. Nó đã chứng kiến nước ta bị xâm lược, đã chứng kiến nước ta giải phóng và bây giờ đang trên đà phát triển. Nó cũng là nơi đầu tiên cắm chiếc cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

c. Đi thăm đền Ngọc Sơn

- Rời Tháp Rùa, chúng em đến thăm đền Ngọc Sơn.

- Nối hồ Gươm với đền Ngọc Sơn là chiếc cầu Thê Húc cong cong như con tôm và cũng là chiếc cầu duy nhất sơn màu đỏ chon chót, bóng bẩy nhìn rất đặc biệt.

- Ngay trước cửa đền Ngọc Sơn là hàng chữ đẹp của Nguyễn Siêu - thần đồng nổi tiếng Việt Nam. Sát bên trái cửa đền là ngọn Tháp bút cao sừng sững mà theo nhiều người quan niệm là hàng ngày vẫn đưa những việc làm tốt của mọi người báo lên trời cao.

- Đi sát vào đền ta còn có thể chiêm ngưỡng cụ Rùa to hơn cả bàn của cô giáo ở lớp em.

d. Đi thăm tháp Hòa Phong

- Tháp Hòa Phong nằm trên bờ hồ phía Đông của Hồ Gươm.

- Tháp Hòa Phong là di tích còn sót lại duy nhất của chùa Báo Ân sau khi bị thực dân Pháp phá dỡ năm 1898.

- Tháp được xây dựng kiên cố gồm 3 tầng với tầng 1 được mở cửa theo 4 hướng.

- Chúng em vui vẻ chụp ảnh ở tháp Hòa Phong cùng các du khách khác.

4. Trải nghiệm những hoạt động văn hóa tại địa điểm văn hóa

- Nhóm chúng em được giới thiệu và thưởng thức món bún chả nổi tiếng của Hà Nội.

- Chúng em tận hưởng sự mát mẻ ở phố Tràng Tiền, trong hàng kem nổi tiếng để xua đi cái nóng nực mùa hè.

- Chúng em đi bộ ngang qua phố Đinh Lễ ngay cạnh bờ Hồ. Đây là con phố chuyên bán sách.

- Chúng em tìm thấy rất nhiều sách hay và thú vị.

5. Kết thúc chuyến đi và suy nghĩ, tình cảm của em

- Trên đường về, em nhớ mãi những ấn tượng vui vẻ về chuyến đi vừa qua.

- Những trải nghiệm tại đây đã giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử; thêm cảm phục công lao của ông cha đã gìn giữ bảo vệ đất nước.

Kết bài:

- Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan: Chuyến đi kết thúc để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý

- Liên hệ bản thân (Mong muốn, lời hứa): Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, tiếp tục có những chuyến trải nghiệm thú vị để khám phá nhiều cảnh đẹp của Việt Nam chúng ta.

4. Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc chi tiết

Để có được một buổi dã ngoại về lịch sử, cô chủ nhiệm lớp em đã xin phép nhà trường cùng ban phụ huynh tổ chức cho chúng em một buổi tham quan. Ngày chủ nhật mong chờ đã đến, địa điểm nơi lớp em đến là khu di tích lịch sử đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng. Chuyến đi này không những giúp em có điều kiện được chiêm ngưỡng một quần thể công trình kiến trúc cổ được xây dựng và gìn giữ qua biết bao thăng trầm mà còn có cơ hội học hỏi, tìm hiểu về cuộc đời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bảy giờ chuyến xe lăn bánh từ cổng trường, cả lớp em vô cùng háo hức. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, xe chúng em đi qua những ruộng thuốc lá xanh rờn xen lẫn cánh đồng lúa chín vàng, chúng em đến thăm Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên quê hương ông ở làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Trên con đường trải đầy rơm rạ sau vụ gặt và nồng đượm mùi thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo nổi tiếng khắp nước, cũng có rất nhiều người như chúng em tìm về Khu di tích, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hoá, một nhà hiền triết mà sự nghiệp và tên tuổi của ông đã lưu danh mãi cùng đất nước.

Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên chữ là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sinh năm 1491 tại thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc, thân phụ ông là Thái Bảo Nghiêm quận công Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo. Tuy nhiên, lớn lên trong giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, nhiễu loạn nên suốt thời trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535, khi đã 45 tuổi, ông mới đi thi và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Năm 1543, trước cảnh bầy tôi lộng quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm mạnh dạn vạch trần sự tha hóa, thối nát rồi dâng trảm sớ lên vua đối với 18 đình thần biến chất, mưu phản, song không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn cáo quan về ở ẩn nơi quê nhà, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, làm thơ, nghiên cứu kinh sử, chắt lọc những tinh hoa của các đạo pháp ngoại lai, bổ sung vào đó tính chất giản dị mà sâu sắc của người Việt để giáo hóa người đời và dạy dỗ học trò thành người có đức có tài, hữu ích cho đất nước. Học trò của ông nhiều người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền... Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời năm 1585, ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như Tập thơ Bạch Vân gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán và hai tập Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi với hàng trăm bài thơ chữ Nôm. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ của ông là cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".

Để tưởng nhớ và khắc ghi những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở làng Trung Am, quê hương của ông, con cháu và dân làng đã xây dựng một khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình, là nơi thờ cúng và trưng bày hiện vật về thân thế và sự nghiệp của ông. Năm 1991, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Hải Phòng.

Đến với Khu di tích Trạng Trình, từ lúc đặt chân bước qua được cổng tam quan, chúng em đã được nhìn thấy ngay khu đền thờ cụ Trạng. Ngôi đền được thiết kế dựa trên nền nhà cũ của Trạng Trình và đặt ngay chính giữa là tượng và bài vị của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tượng ông được làm bằng gỗ, trong thế ngồi trên ngai, mình mặc áo rồng vua ban, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm cuốn tập giơ lên như đang giảng đạo thơ cho các học trò. Phía trước đền là hồ Thái Nhâm, trên khoảng đất giữa hồ có cầu bắc qua còn tấm bia đá làm năm Vĩnh Hựu nhà Lê (1736) ghi lại việc làm đền thờ Trạng và tên những người đã đóng góp xây dựng đền. Phía trước đền chính là hồ Thái Nhâm rộng lên đến 1.000m2. Phía sau được thiết kế mô phỏng Am Bạch Vân với ba gian nhà lớp mái ngói.

Cách đó không xa chính là tượng Trạng Trình ngồi uy nghiêm, trang phục giản dị, nho nhã. Hay thú vị hơn chính là hai bức phù điêu cao hơn 5m, dài hơn 20m được thiết kế tỉ mỉ, công phu nhằm thể hiện rõ nét về cuộc đời bao thăng trầm, sự nghiệp trồng người vẻ vang của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như tái hiện chân thực từng giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến tận ngày nay.

Dạo quanh các khu vườn tại Khu di tích Trạng Trình, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được những bức tượng được tạc bằng đá với kích cỡ hệt như người thật. Các bức tượng này được sắp xếp một cách có chủ ý nhằm mô tả lại các khung cảnh đời thường trong cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm như cảnh dân làng mừng rỡ chào đón Trạng Trình từ quan trở về làng hay khi cụ ngồi giảng văn thơ cho các học trò.

Hàng năm cứ đến ngày 23/12, người dân trong vùng và các nơi lại kéo về đền thờ tế lễ, dâng hương tưởng niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ người… đã mang đến một không khí lễ hội dân gian độc đáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước.

Sau khi chúng em được cô giáo chủ nhiệm và bác hướng dẫn viên dẫn đi tham quan, tìm hiểu xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng em tranh thủ ăn thật nhanh, rồi cùng nhau đi dạo quanh làng, ghé vào các quán lưu niệm để mua đồ mang về. Buổi chiều, học sinh cả lớp sẽ tập trung lại để tham gia một số trò chơi tập thể vô cùng hấp dẫn. Cuộc chơi kết thúc cũng là lúc chúng em phải trở về thành phố trong sự tiếc nuối.

Có thể nói, chuyến tham quan đến khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng mình sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.

5. Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc ngắn gọn

Để có được một buổi dã ngoại về lịch sử, cô chủ nhiệm lớp em đã xin phép nhà trường cùng ban phụ huynh tổ chức cho chúng em một buổi tham quan. Ngày chủ nhật mong chờ đã đến, địa điểm nơi lớp em đến là khu di tích lịch sử Tràng Kênh tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Chuyến đi này không những giúp em có điều kiện được chiêm ngưỡng một quần thể công trình kiến trúc đẹp mà còn có cơ hội học hỏi, tìm hiểu rất nhiều kiến thức lịch sử.

Đúng bảy giờ sáng, xe lăn bánh từ cổng trường, cả lớp em vô cùng háo hức. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, xe chúng em đi qua hai cây cầu chúng em thì sang đến huyện Thủy Nguyên. Sau thời gian khoảng 20 phút, xe dừng lại tại quần thể khu di tích lịch sử Tràng Kênh.

Khu di tích Tràng Kênh Hải Phòng có địa chỉ nằm tại thôn Tràng Kênh, thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm Thành phố Hải Phòng chỉ 20km về phía Đông Bắc.

Theo bước chân và sự hướng dẫn của bác hướng dẫn viên, chúng em đi vào thăm quan khu di tích. Từ cổng vào chúng em đã nhìn thấy một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Đi sâu vào trong là các dãy bon sai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến đền Bạch Đằng Giang thời Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối cùng trong tứ linh từ của di tích. Ngoài ra, khu di tích Bạch Đằng Giang còn có: đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được xây trên núi Tràng Kênh, du khách sẽ bao quát được toàn cảnh vẻ đẹp của cả vùng Tràng Kênh. Mới đây, khu di tích xây thêm 3 pho tượng đồng tạc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là một bãi cọc mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng xưa kia.

Quảng trường Chiến thắng là điểm cuối trong chuyến tham quan, công trình được hoàn thành vào cuối năm 2016. Quảng trường lát đá granit vươn ra sông, gồm 3 pho tượng của Đức Ngô Quyền vương, vua Lê Đại Hành và Đức Thánh Trần cao 11m bằng đồng. Mô hình bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được phục dựng lại dưới lòng sông.

Sau khi chúng em được cô giáo chủ nhiệm và bác hướng dẫn viên dẫn đi tham quan, tìm hiểu xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng em bảo nhau tranh thủ ăn thật nhanh, rồi cùng đi dạo quanh khu di tích, tham gia một số trò chơi tập thể vô cùng hấp dẫn. Cuộc chơi kết thúc cũng là lúc chúng em phải trở về thành phố trong sự tiếc nuối.

Có thể nói, chuyến tham quan đến khu di tích Tràng Kênh thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng mình sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.

6. Viết bài văn kể lại một chuyến đi tới cụm di tích cầu Hiền Lương- sông Bến Hải

Mở bài:

+ Giới thiệu chung về chuyến tham quan: do nhà trường tổ chức cho học sinh toàn trường.

+ Mục đích: giáo dục truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình thống nhất non sông và sự hy sinh của các thế hệ cha ông.

+ Thời gian: chiến đi diễn ra đúng dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4.

+ Cảm xúc khi được tham gia chuyến đi: háo hức, mong chờ

Thân bài:

- Kể về diễn biến của chuyến đi kết hợp với việc giới thiệu, miêu tả về những đặc điểm ấn tượng của khu di tích.

+ Trên đường đi: đoàn được anh hướng dẫn viên giới thiệu những thông tin khái quát về cầu Hiền Lương, tổ chức thi hát các bài hát cách mạng tạo không khí vô cùng sôi nổi.

+ Ấn tượng ban đầu khi đến khu di tích: rộng rãi, thoáng đãng với nhiều khu vực tham quan.

+ Đoàn tiến hành nghi lễ chào cờ thiêng liêng ngay dưới chân cột cờ bên bờ bắc sông bến Hải.

+ Sau đó đoàn được nghe cô hướng dẫn viên khu di tích giới thiệu về cột cờ cùng những câu chuyện liên quan đến quá trình “chọi cờ” đầy căng thẳng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Nhìn lá cờ tung bay trên bầu trời xanh bao la, em không khỏi cảm thấy tự hào và trân quý vô cùng cuộc sống hòa bình hôm nay.

+ Đoàn đến thăm cột loa phóng thanh và nghe thuyết trình về cuộ “ đấu loa” giữa hai bờ giới tuyến.

+ Thăm tượng đài chiến sĩ công an bảo vệ giới tuyến và nghe kể về những chiến công anh dũng của các chiến sĩ công an để vừa đảm bảo an ninh vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

+ Đoàn được dẫn đi tham quan cầu Hiền Lương. Cây cầu được sơn hai màu xanh trắng dài 178m, là nhân chứng cho nỗi đau chia cắt đất nước và khát vọng thống nhất giang sơn của cha ông ta suốt 20 năm. Bước từng bước chân trên cây cầu lịch sử nghe những câu chuyện về việc sơn cầu, bảo vệ cầu của nhân dân, chiến sĩ ta mà không khỏi xúc động cảm phục các thế hệ cha ông.

+ Ở bờ nam cây cầu là tượng đài khát vọng thống nhất non sông, tạc hình người phụ nữ cùng đứa con đứng hướng về phía Bắc mong ngóng được đoàn tụ với người thân, đất nước được thống nhất.

- Kết bài: Chuyến đi cho em hiểu thêm về cây cầu Hiền Lương cùng những trang sử đau thương hào hùng của dân tộc, càng khâm phục sự dũng cảm, thông minh cùng ý chí, khát vọng thống nhất non sông của các thế hệ cha ông.

7. Bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc có sử dụng yêu tố miêu tả hoặc biểu cảm

Mỗi chuyến đi đều mang lại cho chúng ta rất nhiều trải nghiệm mới mẻ, có những chuyến đi khiến con người được trở về với thiên nhiên, có những chuyến đi khiến ta tìm lại bản thân mình sau những ngày tháng học tập, lao động mệt mỏi, nhưng với tôi, ấn tượng nhất chính là những chuyến đi tìm về cội nguồn dân tộc, đó là những lần tôi được đến thăm những di tích lịch sử, văn hóa của đất nước. Một trong số những chuyến đi khiến lòng tôi trào dâng niềm cảm xúc tự hào về quê hương, nguồn cội chính là lần tôi được đi thăm đền Gióng vào mùa xuân năm ngoái.

Tết đến xuân về là lúc gia đình sum họp, đoàn viên, bên cạnh đó, đây cũng là dịp mỗi gia đình cùng nhau có những chuyến tham quan du lịch gắn kết tình cảm. Gia đình tôi cũng vậy, năm nay, nhà tôi có đông đủ mọi người nên tổ chức đi đền Gióng để cầu mong sức khỏe, an lành, hanh thông cho một năm mới nhiều hi vọng. Thông tin chuyến đi đến mọi người trong nhà làm ai cũng háo hức. Cách chuyến đi một ngày, mọi thành viên trong gia đình đã chuẩn bị đầy đủ đồ lễ thiết yếu, bà tôi cùng mẹ tôi và một số cô, dì chuẩn bị thêm đồ ăn. Tôi cũng đã đi tham quan nhiều nơi, nhưng không hiểu sao chuyến đi này với tôi lại thích thú đến lạ, có lẽ bởi tôi đã từng được học truyền thuyết Thánh Gióng khi còn là một cô bé học sinh lớp 6, nên chuyến đi này tự nhiên thấy gần gũi và thân quen.

Như dự kiến, chuyến đi bắt đầu từ lúc 5h30 sáng. Khu di tích lịch sử Đền Gióng nằm ở núi Vệ Linh (hay còn gọi là núi Sóc) thuộc thôn Phù Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chỉ cách nhà tôi khoảng 30 km. Đường đi tương đối dễ, chỉ có điều địa hình nhiều dốc. Tiết trời se lạnh của mùa xuân đã tạo cho tôi cảm giác thích thú, có phần hồi hộp mong chờ. Những nụ tầm xuân nở ra nhỏ bé nhưng biếc xanh, mạnh mẽ vươn lên. Không khí Tết, cờ hòa vẫn ngập tràn khắp những con đường đến khu di tích. Một lúc sau, mặt trời đã ló rạng. Qua khung cửa sổ, từng tia nắng chiếu vào như những tia hi vọng của một năm mới tốt lành. Chỉ sau khoảng hơn 30 phút đi xe, gia đình tôi đã nhìn thấy biển chỉ dẫn đến khu di tích, Cả gia đình xuống xe và bắt đầu chuyến tham quan.

Điểm khám phá đầu tiên của gia đình chính là đền Hạ, đây là đền ngay từ cổng đi vào, là nơi đặt tượng thờ Sơn thần, đây là khu đền nhỏ với mái ngói và những tấm của son màu đỏ, sân gạch, giữa sân đặt một lư hương. Bên cạnh đền là hồ nước xanh biếc với gốc đa cổ thụ, dưới gốc đa thờ linh vật bằng đá. Bước vào trong đền, có thể thấy bức tượng được đúc hoàn toàn từ đồng, nặng 7 tấn với phong thái vô cùng uy nghi. Dấu vết rêu phong đã phủ lên khung cảnh làm sự linh thiêng lan tỏa. Ai trong đoàn cũng dễ dàng cảm nhận được.

Rời đền Hạ, gia đình tôi tiếp tục cuộc hành trình thăm quan, men the con đường lát gạch men đỏ, điểm dừng chân tiếp theo chính là chùa Đại Bi. Mấy đưa nhỏ cháu tôi khuôn mặt trong veo, ngơ ngác trước cảnh vật trong khu di tích, có lẽ đó là lần đầu tiên chúng nhìn thấy những khung cảnh khác xa so với cuộc sống ồn ào nơi thành phố của chúng hằng ngày. Chẳng mấy chốc đã đến chùa Đại Bi, đó là một ngôi chùa nhỏ với kiến trúc vô cùng độc đáo, cửa phủ sơn đỏ, mái vòm uốn cong rồi vút lên trời xanh đẹp mắt. Bước vào chùa, đoàn tiến hành làm lễ, bên trong chùa, những bức hoành phi, câu đối được sơn son, thiếp vàng lộng lẫy đã tạo cho ngôi chùa vẻ trang trọng và uy nghiêm.

Từ chùa Đại Bi, gia đình tôi di chuyển tiếp sang đền Mẫu, đây là nơi thờ Mẹ Thánh Gióng, đây là ngôi đền nhỏ giản dị nhưng được đầu tư chạm khắc tinh sảo, bên trong đền là tượng Mẫu với vẻ mặt hiền từ, khoan dung nhân hậu khiến mỗi người trong đoàn đều không thể rời mắt nổi, bên ngoài đền mẫu là giếng Mẫu với màu nước xanh ngắt. Đi thêm một đoạn ngắn, tôi đến đền Thượng. Con đường dẫn vào Đền Thượng có nhiều tượng đá nhỏ tạc những hình hươu, nai, ngựa…, những rặng thông già có “tuổi đời” hàng trăm năm tuổi, những lùm cây cổ thụ đứng nghiêm trang làm cho khung cảnh Đền Thượng trở nên thêm phần tôn kính.Trước cửa Đền Thượng có đôi ngựa gỗ, đây là đôi ngựa tượng trưng cho ngựa sắt khi Thánh Gióng đánh đuổi quân thù. Trong đền có nhà Đại Bái và Hậu cung, nhà Đại Bái được trang trí bằng nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía, đôi hạc …Đến đây rồi, mọi thành viên trong đoàn mới thực sự cảm nhận được không khí uy nghiêm, trang trọng của khu di tích, ai cũng thành kính lễ bái mong năm mới thuận hòa, bình an.

Địa điểm tham quan đáng mong chờ nhất trong toàn bộ khu di tích với gia đình tôi chính là Tượng đài Thánh gióng. Đến tận nơi mới biết đây là một tượng đài khổng lồ, theo như tôi được biết đây chính là một trong số những công trình tiêu biểu chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hình tượng thánh gióng đang cưỡi ngựa bay về trời được đúc bằng đồng với dáng vẻ mạnh mẽ, hùng dũng, uy nghi ngút trời làm ai trong đoàn cũng choáng ngợp. Ngắm nhìn tượng đài, lòng tôi trào dâng cảm xúc tự hào mãnh liệt

Rời đền Gióng, gia đình tôi nhanh chóng hòa mình vào lễ hội Đền Gióng, nghe nói lễ hội chỉ diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Người người đổ về rất đông. Đoàn tôi được xem trọn nghi lễ dâng hoa tre và chém tướng giặc. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Thú vị nhất là nghi lễ chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh). Nhiều du khách trầm trồ trước nghi lễ này, cả gia đình tôi ai cũng háo hức và thấy thực sự may mắn vì đã đến đây đúng dịp có lễ hội để được chứng kiến. Câu chuyện về nghi lễ này còn được ông nội, bố và các chú tôi bàn mãi cho tới tận khi đã ngồi trên xe trở về nhà.

Một ngày trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc đã đến giờ gia đình tôi khởi hành về lại nhà sau chuyến tham quan thú vị và bổ ích. Chuyến đi đã để lại trong lòng mỗi người nhiều cảm xúc, đó không chỉ là chuyến đi để gắn kết tình cảm gia đình dịp Tết đến xuân sang hay là một chuyến đi cầu may mắn, bình an mà ở chuyến đi này, tôi và những thành viên trong đã hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc được lưu giữ suốt bao đời nay.

Chia tay với khu di tích Đền Gióng, lòng tôi bồi hồi nhớ về một thời quá khứ, tự hào về những gì mà cha ông đã tạo dựng lên. Khu di tích thực sự trở thành một điểm đến thú vị cho khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với những người mong muốn tìm về với những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Xe đã chạy xa mà tôi còn ngoái đầu nhìn lại những tượng, đền khuất dần, khuất dần sau những rặng cây. Tôi mong sẽ có dịp quay lại khu di tích này vào một ngày gần nhất.

8. Kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc Đền Hùng

Kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc Đền Hùng

Việt Nam được biết đến là một quốc gia với nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, lâu đời. Trải nghiệm về văn hóa luôn được coi là những trải nghiệm thú vị. Em cũng đã có lần được tìm hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam thông qua chuyến đi đến đền Hùng. Chuyến đi ấy đã để lại trong em cảm xúc tự hào cùng những ấn tượng khó phai.

Như mọi gia đình, vào mỗi dịp đâu xuân, nhà em lại cùng nhau đi du xuân. Năm nay, địa điểm được gia đình em chọn đó là đền Hùng. Ngay sau khi biết tin, em cảm thấy rất vui và háo hức. Chuyến đi lần này được diễn ra nhằm mục đích để cầu may cho gia đình, hiểu biết thêm về các văn hóa dân tộc, tham quan các di tích lịch sử và cũng như để học thêm và các phong tục tập quán. Càng nghĩ về nó, em càng hứng khởi mong chờ.

Như dự kiến, chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng. Lúc này, những giọt sương sớm vẫn còn định trên lá cành. Tiết trời se lạnh của mùa xuân đã tạo cho em cảm giác thích thú. Hai bên đường, những hàng cây cao vút đứng yên, dang cánh tay ra nắng những hạt sương rơi. Theo ánh đèn pha ô tô, những cây hoa đào đua nhau nở rộ. Chúng đưa những cành cây thanh mảnh lên rung rinh như những người thiếu nữ đang đứng chào đón gia đình em. Dưới ánh đèn phố lung linh đặc trưng của ngày xuân, những làn xe cộ tấp nập chạy qua. Trên đường, không khí nhộn nhịp biết được nào. Theo những ánh đèn lung linh đó, từng tòa nhà cao tầng đứng nghiêm trang như những người lính gác trông thật oai vệ, có cảm giác như đang chào đón gia đình em. Một lúc sau, mặt trời đã ló rạng. Qua khung cửa sổ, từng tia nắng chiếu vào như những tia hi vọng của một năm mới tốt lành. Lúc này em vô cùng háo hức được đến Đền Hùng.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ ngồi trên xe, cuối cùng gia đình em cũng tới nơi. Quần thể đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đây là nơi các vua Hùng xưa đã chọn làm kinh đô của nước Văn Lang. Đặt chân đến, ấn tượng đầu tiên của em là nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ, cổ kính với nhiều đền thờ. Có khá nhiều khách du lịch thập phương quy tụ về đây để thăm thú, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Gia đình em được đi cùng một cô hướng dẫn viên du lịch để có thêm những hiểu biết khi đến thăm đền. Dưới sự hướng dẫn của cô, gia đình em được lần lượt đi thăm những địa điểm thăm quan nổi tiếng ở đền Hùng.

Địa điểm đầu tiên mà gia đình em ghé thăm đó chính là đền Hạ. Tương truyền đây là nơi xưa kia mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm trứng, ý nghĩa “đồng bào” cũng bắt đầu từ đó, em được biết ngôi đề được xây dựng vào khoảng thế kỉ 17-18 với kiến trúc thuần Việt gồm hậu cung và tiền bái, trang trí bằng các bức phù điêu, một bên ngựa, một bên voi. Sau đền vẫn còn dấu tích “Mắt Rồng” chính là khu vực mẹ Âu Cơ ấp trứng. Quang cảnh xung quanh đền yên tĩnh với nhiều loại cây cổ kính. Thăm đền Hạ, được nghe lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, lòng em tràn ngập cảm giác tự hào về nguồn gốc con người dân tộc mình.

Rời đền Hạ, gia đình em tiếp tục được đi thăm chùa Thiên Quang, đây là một ngôi chùa có tên cổ là Sơn cảnh thừa long tự. Chùa được xây với nhiều gian, bên ngoài sơm màu đỏ, các tòa theo kiểu cột trị, mái con, bên trên có hai chú rồng chầu ngọc trắng, trước đền có lư hương, sân chùa rộng rãi phục vụ du khách đến dâng hương. Thăm chùa, em thầm ngưỡng mộ về những nét kiến trúc độc đáo của dân tộc.

Tiếp đến, theo chân cô hướng dẫn viên, gia đình em đến thăm quan đền Trung, tương truyền đây là nơi xưa kia Vua Hùng bàn việc nước và ngắm cảnh thiên nhiên, sông núi cùng các lạc tướng, lạc hầu. Khung cảnh hoang sơ, cổ kính. Trước khi đến lư hương cần bước qua bậc tam cấp. Sau khi thăm đền Trung, đi tiếp lên cao, gia đình em đến Đền Thượng nằm cao nhất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Theo em được biết, thì Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” còn có tên là “Cửu trùng tiên điện”. Tương truyền thời xưa, vua Hùng thường lên trên đỉnh núi để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, vì thế đền được dựng ở đây. Tương truyền, đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 tiến hành lập đàn cầu trời ban cho người tài giỏi đánh giặc Ân giúp nước, cứu dân. Dâng nén hương thành kính mà lòng em trào dâng niềm xúc động, em thấy mình đứng giữa ranh giới, gạch nối giữa quá khứ hào hùng của lịch sử cha ông và hiện tại.

Tiếp theo, cô HDV dẫn đoàn gia đình em đến thăm quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quý. Mọi thứ đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện, một bài học riêng. Đó là các chiến tích hào hùng của vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược. Đó là tấm gương sáng của người chiến sĩ hy sinh quên mình để bảo vệ vua chúa. Một thời khói lửa có nhiều mất mát, đơn đau nhưng cũng để lại bài học quý giá. Đó là người con gái Mị Châu vì trao nhầm tin yêu cho Trọng Thủy để rồi mất nước và tay giặc ngoại xâm. Còn nhiều lắm những câu chuyện gia đình em được nghe kể về các vua Hùng. Xa xa kia là hình ảnh Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đang trò chuyện với chiến sĩ thuộc Đại đoàn quân tiên phong. Câu nói của Bác vẫn mãi vang vọng bên tai: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đến thăm đền Hùng, không thể bỏ qua được những món ăn đặc sắc. Gia đình em được giới thiệu và thưởng thức bánh tẻ, bánh tai, bánh sắn. Các loại bánh này tuy dân dã nhưng dưới bàn tay tài tình của người dân địa phương đã trở nên thơm ngon, dẻo bùi ngon miệng. Không chỉ thế, rong chuyến tham quan này, em được khám phá và trải nghiệm nhiều lễ hội vui của đền Hùng như lễ rước kiệu vua với những lá cờ nhiều màu, hoa và được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống cực đẹp. Lễ dâng hương, em và mọi người trong gia đình thành kính kính cẩn nghiêng mình, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ để thành kính cảm ơn sự hi sinh, vất vả của vua Hùng để giờ đây người con đất Việt có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.Ngoài ra, em cũng được trải nghiệm cảm xúc khi xem các trò chơi như thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi….

Thời gian thăm quan trôi qua rất nhanh, cũng đến lúc gia đình em phải quay trở về dù rất nuối tiếc. Trên đường về, em nhớ mãi về những địa danh tại đền Hùng gia đình em được đi thăm. Có lẽ đây là chuyến đi em không bao giờ quên. Những trải nghiệm tại đây đã giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc được lưu giữ suốt bao đời nay. Bởi vậy mà nó làm cho em thêm tự hào về dân tộc mình hơn...

Chuyến đi kết thúc đã để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý. Em hiểu mình cần phải biết tự hào, hãnh diện khi được làm con cháu vua Hùng, biết trân trọng những nét đẹp của văn hóa dân tộc, giữ gìn và bảo vệ những bản sắc tươi đẹp ấy,... Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, nối tiếp đường cha ông, bảo vệ đất nước, góp phần quảng bá đất nước với các cường quốc năm châu,...

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
9 4.593
0 Bình luận
Sắp xếp theo