Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác lớp 8

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác lớp 8 tập 2

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác lớp 8 là nội dung bài Nói và nghe trang 42 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo tập 2. Thông qua bài học này các em sẽ nắm được cách nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình của người khác cũng như trân trọng và có trách nhiệm lưu truyền giá trị của tác phẩm văn học trong đời sống con người. Sau đây là gợi ý soạn bài Nói và nghe trang 42 lớp 8 Chân trời sáng tạo tập 2, mời các bạn cùng tham khảo.

Nghe và tóm tắt bài thuyết trình về một tác phẩm văn học do người khác trình bày trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ đọc sách

Hướng dẫn

1. Chuẩn bị trước khi nghe

- Mục đích: Nghe để hiểu thêm về tác phẩm văn học đã đọc hoặc thu nhận thông tin về những tác phẩm chưa đọc. Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm sẽ được thuyết trình

- Người nghe: thầy cô, bạn bè, người thân...

2. Nghe và ghi chép

a, Mở bài

Giới thiệu:

- Tên tác giả, tác phẩm.

- Chủ đề.

- Các yếu tố nghệ thuật.

b, Thân bài

- Nêu và phân tích chủ đề.

- Nêu và phân tích các yếu tố nghệ thuật:

+ Yếu tố 1 là:

+ Yếu tố 2 là:

+....

- Những bằng chứng tiêu biểu trong tác phẩm.

c, Kết bài

- Khẳng định lại chủ đề.

- Cảm nhận/ bài học của người nói.

3. Đọc lại, chỉnh sửa và chia sẻ

Suy ngẫm, chia sẻ kinh nghiệm sau quá trình lắng nghe và tóm tắt nội dung bài thuyết trình về một tác phẩm văn học.

Bài mẫu

Xin chào thầy cô và các bạn, trong buổi học nói và nghe hôm nay, em sẽ thuyết trình về một tác phẩm văn học mà em yêu thích, đó là truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Trước hết chúng ta sẽ đi tìm hiểu về tác giả. Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã để lại cho văn học nước nhà một sự nghiệp thơ văn khá đồ sộ như : Bức tranh, Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng…Đây là thời kỳ nhà văn đang “đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn của con người” thời kỳ mà con người Việt Nam dường như chỉ sống trong lý tưởng và sống bằng lý tưởng. Nhưng khi đất nước hòa bình, nhà văn đã rất nhạy cảm và nhìn ra được những thay đổi của con người, những cuộc đời trĩu nặng đau thương nhưng nồng nàn khắc khoải với cuộc sống. Đọc “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu đậm.

Tác phẩm được tạo nên bởi cốt truyện thật đơn giản nhưng cũng rất đặc biệt. Tác giả đặt nhân vật của mình vào một căn bệnh hiểm nghèo – đó là bị liệt toàn thân, không thể di chuyển được dù chỉ là nhích người trên giường bệnh. Và anh đã từng làm một công việc có điều kiện đi khắp nơi trên trái đất không sót một xó xỉnh nào. Một tình huống mâu thuẫn được xây dựng một cách rất tinh tế, ngay mở đầu câu chuyện đã thu hút bạn đọc phải tò mò đọc tiếp những tình huống, chi tiết của truyện.

Nhưng đâu chỉ dừng lại là tình huống trớ trêu ấy mà nhà văn xây dựng lên tình huống khác cũng đầy nghịch lý. Khi Nhĩ phát hiện thấy vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông, ngay phía trước cửa sổ nhà anh, nhưng anh biết rằng mình sẽ không bao giờ được đặt chân lên mảnh đất ấy cho dù nó ở rất gần anh, Nhĩ đã nhờ cậu con trai thực hiện giúp mình cái điều khao khát ấy, nhưng rồi cậu ta lại xa vào một đám chơi cờ trên hè phố và làm lỡ chuyến đò sang sông duy nhất trong ngày. Tạo ra một chuỗi những nghịch lý như trên, tác giả muốn lưu ý người đọc đi đến nhận thức về cuộc đời: đời người chứa nhiều những bất thường, những nghịch lý rất ngẫu nhiên, không ai nói trước và khó tránh được sự vòng vèo đó.

Truyện mở đầu với hình ảnh, Nhĩ từ khung cửa sổ của căn phòng đã nhìn thấy những cảnh vật vô cùng tươi đẹp và tràn trề sức sống. Từ gần tới xa Nhĩ nhận thấy: bông hoa bằng lăng tím, con sông Hồng như rộng ra, vòm trời như cao hơn, bãi bồi bên kia sông sao mà gần gũi thế… Một sự cảm nhận bình dị nhưng qua con mắt của một người đã từng đi khắp nơi nay bị bệnh thì lại khác. Phải chăng, có như vậy tác phẩm mới diễn tả hết được những triết lý của cuộc đời và làm hiện lên một không gian có chiều sâu và chiều rộng. Không gian vẫn như xưa mà Nhĩ cảm thấy mới mẻ và giàu đẹp vô cùng. Qua đó tác phẩm muốn rút ra một triết lý cho cuộc đời: quê hương là máu thịt, là tâm hồn của chúng ta, hãy đừng vô tình mà phải biết gắn bó và trân trọng.

Trong mỗi chúng ta ai cũng biết rằng: gia đình, người thân là chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất của cuộc đời ta. Đặc biệt đối với nhân vật Nhĩ thì Liên vợ anh là người chăm sóc, quan tâm đến anh nhiều nhất. Nhìn vợ bước xuống cầu thang anh đã xót xa “suốt cả một đời người đàn bà trên những bậc gỗ mòn lõm” , nhớ đến vợ anh thời con gái còn mặc áo nâu chít khăn mỏ quạ nay đã là một phụ nữ thị thành mà cuộc đời nào có khấm khá gì. Cái nghèo đã không che giấu được của cả gia đình, khi Nhĩ nhìn thấy “Liên đang mặc áo vá”, cảm nhận “những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai”. Và Nhĩ nhận ra tất cả tình yêu, sự tần tảo, đức hy sinh thầm lặng của người vợ. Chính trong những ngày cuối đời, nhân vật mới thực sự thấu hiểu lòng biết ơn sâu sắc người vợ của mình “ cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi phới bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời nay và cũng chính nhờ có điều đó mà sau nhiều ngày tháng bôn tẩu, tìm kiếm… Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này.

Sang được bờ bên kia sông với Nhĩ vừa là ước mơ vừa là suy ngẫm về cuộc đời. Hình ảnh con sông Hồng phải chăng là ranh giới giữa cái thực và cái mộng mà chiếc cầu nối là con đò qua lại mỗi ngày chỉ có một chuyến. Nhĩ đã nhờ đứa con trai – niềm hy vọng của vợ chồng anh thực hiện ước mơ ấy. Nhưng đứa con trai đã không hiểu được khát khao của người cha, nên làm một cách miễn cưỡng và rồi lại bị thu hút vào trò chơi hấp dẫn ngay bên hè đường “ sà vào đám người chơi phá cờ thế bên hè”, để rồi làm lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Hình ảnh đứa con, hình ảnh của ước vọng từ “ cái mũ cói rộng vành và chiếc sơ mi màu trứng sáo” cứ chập chờn, khi là đứa con, khi là chính nhân vật. Từ hoàn cảnh của mình, từ đứa con trai Nhĩ đã chiêm nghiệm được cái quy luật phổ biến của đời người “con người ta trên con đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình”. Nên anh cũng không trách đứa con trai của mình.

Miền đất bãi bồi bên kia sông cũng gợi trong Nhĩ bao suy ngẫm về cuộc đời thực. Cuộc đời thực ấy đối lập với sự cầu kỳ mà cần đến sự giản dị. Nhưng để hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, người ta phải có “con mắt xanh”, phải “in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia”. Cái nghịch lý ấy không triết luận dài dòng mà nằm ngay trong tâm trạng giày vò “mà lời lẽ không bao giờ giải thích hết giữa say mê và ân hận đau đớn”. Nhưng chặng đường đến với cuộc đời mỗi người lại chọn cho mình một cách riêng, và chặng đường ấy như cuộc chạy tiếp sức từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có thể nói truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, những trải nghiệm sâu sắc của tác giả về con người và cuộc đời. Con người cần phải tự ý thức để nhận ra và trân trọng những vẻ đẹp bình dị nhưng thiêng liêng bền vững của cuộc sống, của quê hương gia đình. Bên cạnh đó tác giả rất thành công ở cách xây dựng tình huống, nhân vật đặc sắc hấp dẫn. Với di sản văn học của ông để lại cho đời, Nguyễn Minh Châu quả là một ngôi sao sáng đáng tự hào của nền văn học Việt Nam.

Trên đây là toàn bộ phần thuyết trình của em về truyện ngắn “Bến quê”. Rât cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp để bài thuyết trình được hoàn thiện hơn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 159
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm