Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích lớp 8 CTST

Câu lạc bộ văn học trường em tổ chức cuộc thi viết với chủ đề: “Tác phẩm tôi yêu”. Em hãy viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích để tham gia cuộc thi này. Đây là nội dung câu hỏi thuộc phần hướng dẫn quy trình viết trang 109 sách giáo khoa ngữ văn 8 tập 2 CTST. Sau đây là một số bài văn mẫu viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo viết bài.

Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích lớp 8

1. Dàn ý chung viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học

- Mở bài: giới thiệu tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tác giả,...), nêu ý kiến khái quát vể chủ để và nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật chủ để và một số nét đặc sắc vể hình thức nghệ thuât trong tác phẩm.

- Kết bài: khẳng định lại ý kiến vế chủ đề và một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm; nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

2. Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích lớp 8

Có nhận định cho rằng “Không chỉ yêu thương đồng cảm, bằng sức sống mãnh liệt và thiết tha với cuộc sống, Hồ Xuân Hương đã truyền sức sống, lòng yêu cuộc sống cho những người cùng giới với mình. Do đó thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một bản lĩnh mạnh mẽ”, phải chăng cái mạnh mẽ của nữ sĩ họ Hồ chính là thời khắc bà sẵn sàng phá tan lề lối, xiềng xích bửa vây người phụ nữ để đòi hỏi tự do, hay vùng lên đấu tranh với những chất chứa quá nhiều phẫn uất trong kiếp “lấy chồng chung” đeo bám cuộc đời bà và những người phụ nữ như bà suốt bao năm tháng qua. Có lẽ dù sao đi nữa thì tiếng thơ của “bà chúa thơ Nôm” năm nào vẫn là một nốt nhạc đẹp, đầy thổn thức gieo vào trái tim bạn đọc hàng thế kỉ cho tới tận bây giờ, thế nên khi nhắc tới thơ ca mà thi sĩ ấy đã gửi gắm vào đời, ta không thể không nói đến tiếng lòng cất lên từ một người phụ nữ bênh vực cho những người phụ nữ, một trong những vần điệu hay nhất về âm vang ấy phải kể là thi phẩm “Bánh trôi nước” – niềm kiêu hãnh, tự hào về cái đẹp ở đời.

Thơ là đời, thơ mang nhựa sống tâm hồn, đem cái đẹp trong tim và nâng niu khát vọng mạnh mẽ đáng trân trọng. Nếu nói như vậy thì thơ Hồ Xuân Hương quả là giọt nước trong veo giữa cả một dòng suốt vẩn đục, tựa vì sao nhỏ bé, kiên cường trước màn đêm thăm thẳm, bao la. Chẳng thế hay sao mà khi viết về người phụ nữ nét bút nữ sĩ luôn hướng đến khai thác vẻ đẹp toàn bích ở mọi góc độ khiến ta phải thán phục:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Có lẽ khi đọc những vần thơ đầu nếu một người chưa từng biết đến Hồ Xuân Hương, không nghe đôi phím nhạc gai góc, ngang ngạnh trong các sáng tác của bà sẽ dễ dàng nói đây là bài ca dao quen thuộc với chủ đề “thân em” hay được dùng trong văn học dân gian. Thế nhưng, người tinh tế và say mê cái đẹp trong các thi phẩm của “Bà chúa thơ Nôm” sẽ dễ dàng phát hiện ra, dù lấy cùng đề tài với ca dao xưa mà thơ của bà vẫn khác quá, lạ lắm, độc đáo vô cùng. Chẳng độc đáo sao dân gian ví von về người phụ nữ thường so sánh có khi nâng niu như:

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giũa chợ biết vào tay ai?”

Hay lúc xót xa với:

“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào giếng nước hạt ra ruộng cày”

Rồi tủi cực cùng:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”

Song cái hay của thi sĩ họ Hồ là ở chỗ, có rất nhiều hình tượng được người xưa đem ra mổ xẻ, ẩn ý nói tới người phụ nữ giống “hạt mưa”, “tấm lụa”, “giếng nước”... thế mà hình ảnh của bà lại thường gần gũi, thân thuộc đến mức ta như thấy nó mỗi ngày tựa chiếc “bánh trôi”, hay “quả mít”, nhưng lại đan xen chút lạ lẫm quá vì chả ai đem ra mà nói như bà cả. Vậy mới thấy, dù đi cùng một con đường song nhà thơ vẫn dành cho mình một khoảng trời thật khác biệt, dù chọn thi liệu đã quá cũ lại đem đến hơi thở đời sống lại rất mới. Cái mới ấy xuất phát từ tư tưởng dám phản kháng khẳng định, gai góc, khinh đời của một người phụ nữ mà dân gian vẫn thường nói nhìn với đôi mắt chê bai “Liễu yếu đào tơ”, “mặt hoa da phấn” không làm được gì. Do đó, khi đọc những tiếng nhạc đầu tiên trong bài thơ “Bánh trôi nước” ta bỗng như du mình về quá khứ với “thân em”, cùng thân phận bèo bọt, rẻ rúm, chẳng đáng giá của người phụ nữa trong xã hội xưa được hiện lên đẹp đẽ thanh sơ qua hình ảnh “Vừa trắng lại vừa tròn” thật đặc biệt. Câu thơ có vẻn vẹn bảy chữ ngắn ngủi, ấy vậy mà thi sĩ dành riêng hai tiếng để nói tới sự “vừa” vặn, hài hòa đáng yêu của người phụ nữ, đó là cái “vừa” xinh với bóng dáng “trắng” hồng nơi má đào, hay mang nét đẹp trong “trắng” tinh khôi tựa nắng sớm mai về cốt cách thanh tao khiến bao người mê đắm. Dù là cách hiểu nào thì cặp từ hô ứng “vừa- vừa” ấy cũng thật khéo phô vẽ một cách đầy ẩn ý về hình ảnh người phụ nữ hiện nên giữa dòng đời đầy tối tăm, đau đớn này. Mặt khác, mỗi người đọc hôm nay khi nghe âm điệu của tiếng “tròn” cất lên trong lời thơ, cũng đầy băn khoăn và bối rối. Chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi sao cô gái hiện trên trang thơ ấy đầy đặn, tròn trịa, kì lạ quá, thât khác với dáng vẻ “mình hạc sương mai” mà ta vẫn luôn hướng đến ở thực tại. Song nếu đắm mình trong âm hưởng và văn hóa của thơ ca xưa ta sẽ hiểu rằng hình mẫu lí tưởng mà con người trong văn học Trung đại hướng tới phải là vẻ phúc hậu, đầy sức sống tựa Thúy Vân mà đại thi hào Nguyễn Du từng khơi lên:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”

Do vậy, việc khai phá và khắc họa bóng dáng về hình ảnh người phụ nữ mà Hồ Xuân Hương hướng tới đó là cái đẹp chuẩn mực đong đếm đủ đầy cả về hình thức lẫn tâm hồn khiến ta nâng niu, trân trọng. Song, không chỉ dừng lại bằng nét chấm phá về “thân em” trong câu thơ, mà thi sĩ còn mượn quá trình miêu tả việc làm ra một chiếc bánh trôi thông thường qua thành ngữ “bảy nổi ba chìm” để nói lên số phận đầy sóng gió, bi kịch, ngổn ngang của biết bao cô gái khi xưa. Chẳng bi kịch ngổn ngang sao, chiếc bánh trôi kia phải trải qua hết nóng bức, sục sôi đến ngâm mình trong lạnh giá, lúc “nổi” lúc “chìm” qua bao thời gian mới được trắng trong, khác nào người phụ nữ đứng trước bão táp mưa sa của cuộc đời, giông tố bủa vây mà hiên ngang nhận lấy, sẵn sàng vật lộn cùng với “nước non” đấu tranh trên nền số phận? Vậy nên, đọc tiếng thơ mà ta như đọc cả một bầu trời ngổn ngang những tủi hờn, đau đớn của nữ sĩ cũng như những người chung phận giống bà, để rồi thấm, đau, hiểu, và trân trọng cho họ.

Vạn vật trong vũ trụ sinh ra thật đặc biệt, chẳng đặc biệt sao mà dáng vẻ của hình ảnh này lại được liên tưởng mà gửi gắm cái đẹp ẩn ý, sâu xa nơi khác. Thế nên, chiếc bánh trôi hiện hữu trong bài thơ cũng khiến ta có nhiều suy ngẫm, khám phá để mở hết lớp ngôn từ mà tận hưởng trọn vẹn ý thơ đẹp đẽ nơi thi sĩ dâng tặng cho đời. Như ta biết trong văn hóa ẩm thực Việt Nam chiếc bánh trôi nhỏ bé, giản dị được làm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hay còn gọi là tết Hàn Thực, với ý nghĩa dâng lên tổ tiên tựa một biểu hiện của lòng biết ơn, sự thành kính và tri ân. Mặc dù ngày tết Hàn Thực bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng khi sang nước ta, nó đã được Việt hóa theo lối sống của dân tộc. Hơn nữa, bánh trôi nước hay bánh chay đều có nguồn gốc từ Việt Nam chứ không phải bắt nguồn từ Trung Quốc như nhiều người vẫn nghĩ, với hình ảnh bánh trôi, bánh chay giống như bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết năm nào. Thế mà, giờ đây chiếc bánh tròn xinh ta vẫn hay bắt gặp lại mang một thông điệp thật đặc biệt gắn liền với người phụ nữa ở xã hội xưa, đẹp đẽ, trắng trong, song đau xót thay họ lại chẳng thể tự quyết định số phận của cuộc đời mình bởi:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Tiếng thơ vang lên ta như bắt gặp hình ảnh bàn tay khéo léo của người làm bánh hiện ra khẽ lăn đều, xoay thật tròn với sự pha bột vừa vặn để tạo nên một thành phẩm đẹp mắt và thơm ngon. Song ẩn ý sau xa hơn hình ảnh này còn gửi gắm nỗi niềm thật khó giãi bày, vô định về số phận trái ngang của người phụ nữ nếu họ may mắn gặp được người cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ thì trân trọng, yêu thương như nâng niu chiếc bánh tròn trịa, trắng ngần. Kẻ vô tâm, hời hợt, thì chỉ mang đau thương, thổn thức, uất hận cho họ tựa sự vụng về để “rắn” hay “nát” của người “nặn” ra chiếc bánh xấu xí, méo mó. Chiếc bánh kia muốn đẹp hay không còn phải nhờ vào cái tâm của người làm ra nó. Người phụ nữ cũng vậy họ hạnh phúc hay không lại chẳng thể tự quyết định cho chính mình, đó là nỗi đau, niềm thương, tiếng khóc gửi đời và xót mình của Hồ Xuân Hương năm nào trong cái xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ. Sinh ra làm phận nữ nhi đã là một thiệt thòi, lại càng bất hạnh khi niềm vui của bản thân cũng không thể lựa chọn, nếu có phúc phần may mắn, lấy được người chồng biết sẻ chia, yêu thương thì cuộc đời họ mới đón an nhiên. Ngược lại, gặp phải người chồng độc đoán,ích kỉ thì cuộc đời họ sẽ là những đắng cay, bất hạnh. Đọc đến đây, ta bất chợt thấy lòng lặng lại, nhói đau khi nhớ đến lời thơ thi sĩ cũng từng viết về sự nổi trôi, vô định mà cuộc đời đem đến cho bà:

“Quân tử có thương thì đóng cọc

Xin đừng mân mó nhựa ra tay”

(“Quả mít” – Hồ Xuân Hương)

Cái hay và đẹp của cả hai bài thơ vang lên giữa bầu trời thi ca Trung đại chính là lời khẳng định về thân phận, giá trị và phẩm hạnh của người phụ nữ. Song nếu ở bài thơ “Quả mít” gắn với sự gai góc, sắc lẹm của một tâm hồn đã chịu nhiều tổn thương sâu sắc cất lên đanh thép, đầy dọa nạt “quân tử” là người hiểu biết, có học nếu yêu “thương” thật lòng mà thưởng thức cái ngon của múi mít kia thì nên trân trọng giữ gìn, như nâng niu người phụ nữ của cuộc đời mình, còn không chỉ là đo, đếm “mâm mó” cho vui sẽ chỉ nhận lấy “nhựa ra tay” thật khó chịu, kết quả đau đớn phải trả giá cho những chơi đùa, bông cợt mà họ dành cho những người phụ nữ xuất hiện trong cuộc đời mình. Thì “bánh trôi nước” lại là lời khẳng định nhẹ nhàng, duyen dáng ý nhị hơn bao giờ hết, không chấp nhận sự khinh rẻ, coi thường của người đời và xã hội, song người phụ nữ hiện lên trang thơ lại khẳng định, dù rơi vào hoàn cảnh nào, dù bị nhào nặn “rắn” hay “nát” thì họ sẽ không bao giờ để mất đi nét đẹp trong tâm hồn mình, họ vẫn là họ kiêu sa, lộng lãy và tràn đầy sức sống giống như cái “son” sắt, ngọt ngào của chiếc bánh trôi trắng tròn trong “non nước” này. Có thể thấy, khép lại trang thơ là khép lại bao trăn trở, băn khoăn về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa nhưng lại mở cho ta những cánh cửa thật đặc biệt bước vào tâm hồn họ để thấy rằng dẫu có thế nào, số phận chông chênh ra sao những người phụ nữ vẫn luôn giữ một tâm hồn, cốt cách cao đẹp, trong sạch ” tấm lòng son” đầy bản lĩnh.

Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt trang trọng, hình ảnh sinh động mang nhiều liên tưởng độc đáo, Hồ Xuân Hương đã bộc lộ tâm nguyện muốn lên tiếng bênh vực cho chính mình và những người phụ nữ như mình trong tác phẩm “Bánh trôi nước” một cách rất độc. Trang thơ ấy không chỉ là tiếng lòng thiết tha, sự giãi bày và gửi gắm tâm tư của nữ sĩ mà còn là sợi dây kết nối những tâm hồn đồng điệu, là khúc ca sẽ mãi ngân lên trong dòng chảy thời gian vô tận này. Đúng như quy luật tồn tại và giá trị bất hủ của thơ ca bao đời nay: “Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ cho đến Kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh).

3. Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích Cảnh khuya

Tố Hữu đã trau chuốt từng con chữ để rồi gói gọn những tâm tình thật tha thiết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc qua những câu thơ sau:

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già!”

Phải chăng tiếng thơ đó, âm điệu da diết này, lời thổ lộ tâm tình đặc biệt kia cũng chính là tấm lòng của toàn thể dân tộc dành cho Hồ Chí Minh, trái tim đứng trên triệu người nhưng sẵn sàng nâng niu vạn người. Cái nâng niu ấy được Bác gửi gắm không chỉ cho con người mà còn cho thiên nhiên, cảnh vật, cuộc sống với sự trân trọng, yêu thương vô ngần qua rất nhiều các bài thơ Bác viết, ở đó không thể không kể đến thi phẩm mang tên “Cảnh khuya” – tiếng thơ yêu thiên nhiên, thương đất nước, đau quê nhà:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Chắc có lẽ với mỗi người dân Việt Nam dù sống ở bất kì nơi nào trên đất nước, dù có đi xa tận đâu khắp phương trời thì khi đến hai tiếng Bác Hồ cất lên đều thổn thức, ngậm ngùi, xúc động, tràn đầy yêu thương. Thương Bác vì cả cuộc đời lo dân yên, nước thái bình, yêu Bác bởi sứ mệnh nặng nề trên vai suốt bao năm tháng nhọc nhằn của dân tộc vẫn luôn được Người đau đáu trong tim, nghẹn ngào cho Bác mỗi đêm khi vạn vật chìm sâu vào giấc ngủ con người ấy, trái tim này vẫn nhức nhối vì chữ “non sông”. Chẳng thế mà, vào những năm tháng máu lửa, nơi chiến trường gian nan, trong đêm khuya không ngủ Người làm bạn với thơ, với trăng như gửi gắm nỗi niềm sâu thẳm tâm hồn mình, âm điệu của “cảnh khuya” cũng chính là một bản tình ca ngọt ngào say đắm như thế. Mở đầu nốt nhạc nơi trái tim dạt dào yêu thương của Bác là không gian vắng lặng, hoang vu, rộng lớn nơi rừng núi khiến mỗi chúng ta đều như ngây ngất trước vẻ đẹp tuyệt bích mà thiên nhiên ban tặng:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Có lẽ phải là một người nghệ sĩ tài hoa, cảm nhận vô cũng tinh tế và vi diệu trước từng khoảnh khắc của cuộc sống, cùng tấm lòng luôn mở rộng đón vận vật tràn ngập, ăm áp trong tim thì bức tranh thiên nhiên ở thơ Bác hiện lên mới đẹp đến vậy! Không tài hoa, tinh tế sao khoảnh khắc đêm huyền ảo, sương phủ kín, gió khẽ lay từng cành lá mà hiện lên bên trang thơ bỗng lung linh, rực rỡ và tràn đầy hào sảng như vậy. Bác so sánh “tiếng suối” vốn được cảm nhận bằng thính giác vậy mà giờ đây trở lên “trong” ngần như nhìn thấy tận đáy nước hiện ra rất ngọt ngào, thi vị tựa “tiếng hát xa” từ đâu đó vọng lại phá tan sự tĩnh mịch, cô đơn của lòng người trước màn đêm, đẩy lùi vắng lặng trả về quá khứ để đón nhận âm vang thật say sưa của cuộc đời ban tặng một cách đặc biệt nhất. Không những vậy, xưa nay ta vẫn biết thiên nhiên vốn được đem ra để làm chuẩn mực cho mọi cái đẹp, nét hay, vẻ thơ mộng ở cuộc sống này như Nguyễn Du đã từng so sánh:

Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Ấy thế mà, mọi chuẩn mực cũ đã được Bác thay đổi hoàn toàn, hiện đại, tinh tế hơn khi lấy con người và phải là nguồn sống từ con người trong vũ trụ này mới là đẹp nhất, đúng nhất cho mọi thước đo ở cuộc đời. Để rồi nghe tiếng thơ ta như tưởng tượng ra bóng dáng con người nhẹ nhàng, đằm thắm, đẹp đẽ hòa tấu cùng dòng suối mát trong hiện lên “xa” đấy mà như gần ngay đây, xua tan cái lạnh lẽo đêm trường, phá đi không khí rộng lớn nơi núi rừng khiến tâm hồn Bác khoan thai, từ tốn, tận hưởng những dư âm của đất trời ban tặng. Do đó, trên nền không gian bao la, thời gian canh khuya sắp sáng chỉ còn lại Bác cùng với sự quấn quýt thật đặc biệt của thiên nhiên tươi đẹp đan vào nhau, giao hòa, “lồng” ghép giữa “cổ thụ” với “trăng” và “hoa” khiến ta ngẩn ngơ mê đắm. Chẳng biết cảnh vật vô tình hay hữu ý mà hiện ra như một bức tranh duyên dáng, yêu kiều trong ánh vàng mênh mông toả ra bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây ấy lại dịu dàng phủ những nhành hoa. Khiến trăng trên cao giờ đây tròn vành vạnh, trăng như đang thách thức sự tối tăm, phô mình rực rỡ để rồi chiếu ánh sáng xuống khu rừng rộng lớn, đan vào nhau, từng vệt sáng xen qua kẽ lá tạo thành hoa rơi xuống đất, hay “trăng” đó, cây này cùng ôm ấp bao bọc lấy vẻ đẹp mỏng manh của loài hoa nhỏ bé trước sự lạnh lẽo, cô đơn mà màn đêm đem lại? Dù hiểu theo cách nào thì thiên nhiên cũng rất đỗi thơ mộng, hài hòa, đẹp đẽ làm lòng ta mê say, chất ngất trong hương vị lộng lẫy nơi rừng núi, thế nhưng nếu yêu, cảm, thấu thơ Bác nhiều hơn ta có thể thấy đây không phải là lần đầu tiên Bác viết về ánh trăng rực rỡ đến vậy, chẳng phải duy nhất Người nhắc tới nhiên nhiên quấn quýt thế kia, mà một bài thơ khác âm thanh của đất trời, sự sống cũng đã một lần được cất tiếng trong veo:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
(Rằm tháng giêng – Hồ Chí Minh)

Vạn vật trong vũ trụ đâu tự nhiên mà có, chẳng vô cớ mất đi và cũng không bao giờ rời rạc, vô nghĩa, tất cả chúng đều là một bản hòa tấu đẹp đẽ nhất mà trời đất đã ban tặng cho mỗi con người, do đó ta thấy trong thơ Bác dù hoàn cảnh, thời khắc nào Người cũng hướng lòng về thiên nhiên, cùng trăng, với cái đẹp bất diệt nơi thế gian này. Song, nếu bài thơ “Rằm tháng riêng” mở ra không gian bát ngát sông nước hữu tình, sự hòa quện của sắc xanh ở hương vị mùa xuân khiến dòng nước, nền trời cũng theo đó phơi phới tươi rạng rỡ, mát trong. Thì, quan sát kĩ hơn về nét thơ ở bài “Cảnh khuya” ta thấy việc sử dụng điệp từ “lồng” trong câu không chỉ đem đến cái mới lạ về ngôn từ mà còn tạo ra sự ấm áp, hòa lẫn cũng nhau của cảnh vật thật khó tách rời, phù hợp với không khí có chút lành lạnh của đêm khuya thanh vắng. Để rồi nhờ hình ảnh ấy khiến ta như nghe rõ tiếng, thấy thật hình, tưởng tượng thơ vẽ ra cả nhạc, cả hoa, cả trăng trong trái tim mỗi bạn đọc hôm nay cho đến mãi mai sau vậy.
Thiên nhiên đẹp nhất là “trăng”, cùng “hoa” trong sáng, thơ mộng, nhè nhẹ gieo vào lòng người những giây phút say mê, chất ngất, thì giờ đây trên nền thiên nhiên ấy con người mới là cái đẹp được tỏa sáng bới lòng yêu nước, bởi trái tim bao la, rộng lớn khiến đất trời, vạn vật phải cúi đầu hổ thẹn. Chẳng hộ thẹn sao trăng phô ánh sáng rực rỡ, hoa phơn phớt hương thơm ngọt ngào còn người trong cảnh ấy chỉ ung dung, bình thản vì:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Có cái đẹp nào cao lớn, thiêng liêng hơn tấm lòng của người lãnh tụ vĩ đại trong đêm khuya? Có khoảnh khắc nào khiến ta nghẹn ngào hơn phút giây trái tim Bác mở ra cũng chính là thời điểm ta hiểu thấu nỗi đau của Người? Hóa ra, Bác chọn xuất hiện trong cảnh suối chảy, trăng soi là vì “lo nỗi nước nhà”, vì “chưa ngủ” được trước lầm than dân tộc còn ngổn ngang trong lòng, chứ chẳng hề thảnh thơi mà ngắm trăng làm thơ như biết bao thi sĩ mộng mơ khác trên đời. Thế nên, tiếng nhạc lòng Bác cất lời cũng là lúc bầu trời đủ khắc tạo vào vũ trụ chân dung một con người đứng đó sừng sững cao hơn cả màn đêm thăm thẳm, xa vời, chẳng phải in “người chưa ngủ” cứng nhắc, khô khan, đứng im mà Bác khiến ta thổn thức với những nét “vẽ” về Người mềm mại, đang suy tư, chuyển động như chính sự rạo rực của Bác về đất nước, non sông thời khắc này vậy. Đây cũng không phải lần duy nhất bác thổ lộ lòng mình trong đêm khuya, bởi người lãnh tụ ấy đã có nhiều đêm không ngủ, nhiều đêm trở trăn vì cuộc kháng chiến của dân tộc, cũng rất nhiều suy tư, khó cất lên lời mà chia sẻ cùng ai:

Một canh, hai canh, lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng lành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

Thế mới thấy dù trong khoảnh khắc nào tỉnh hay mơ, ngủ hoặc thức, ngắm cảnh và làm thơ thì trái tim chất chưa đủ đầy những yêu thương của Bác vẫn luôn hương về dân tộc, quê hương, tổ quốc, non sông một cách đẹp đẽ, cao cả vô ngần khiến ta cảm phục mãi không thôi.

Có thể nói, bài thơ khép lại với bao dư âm mênh mang lan toả, để rồi dù đã hơn một lần chúng ta xúc động trước tấm lòng cao cả, bao la của Bác nhưng khi đọc lại “Cảnh khuya” ta lại bồi hồi với những tâm tình mà Người luôn dành cho dân tộc. Thế nên, dù không có hình tượng mỹ lệ, song đọc từng vần, điệu, âm của tác phẩm “tình thơ, hương thơ, hồn thơ” cứ quyện lấy lòng ta mãi mãi đúng như Chế Lan Viên đã khẳng định về Người:

“Đoá hoa sen mặt đất tỏa hương trời

Hương nhân ái thấm vào hồn ta mãi”.

4. Viết một bài văn nghị luận phân tích một bài thơ mà em yêu thích Bức tranh quê

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng tâm sự về khúc nhạc quê hương qua những câu thơ của mình, ông viết:

Quê hương là gì hả mẹ

Mà sao cô giáo bảo phải yêu

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Có lẽ với mỗi chúng ta hai tiếng “quê hương” thân thương gần gũi quá, quen thuộc đến nỗi ta chẳng thể định nghĩa nổi nó là gì, không thể đo đếm cho đủ nhiều ít bao nhiêu trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Chỉ biết rằng, nó như dòng suối mát trong tắm mát hồn ta từ tuổi ấu thơ, tựa rặng tre đầu ngõ rì rào trong gió làm dịu những con nắng hè oi ả, thế nên chẳng biết từ bao giờ quê hương bỗng trở thành suối nguồn thơ ca của biết bao thi sĩ để lại cho đời muôn vàn nhưng ngân vang tha thiết, một trong số đó không thể không kể đến “Bức tranh thu” của Hà Thu.

Nếu ai đó hỏi tôi quê hương trong tim bạn là gì? Hình dáng ra sao mà mỗi người dân Việt Nam đều yêu đến vậy? Chắc chắn tôi sẽ mỉm cười tự hào trả lời, quê hương đối với tôi là nơi có cha mẹ, gia đình, tuổi thơ êm đềm gắn liền với cánh diều bay rập rờn trên khoảng trời lộng gió, là bờ đê xanh mát thủng thẳng vài chú trâu gặm cỏ, thong dong ngắm vệt nắng ngang trời. Thế nên, chẳng cần biết hình dáng nó ra sao, to lớn nhường nào nhưng hai chữ quê hương vẫn cứ âm thầm len lỏi vào tâm hồn mỗi người Việt Nam tự bao đời. Để rồi, hòa trong nhịp chảy ấy, khẽ rót vào những vần thơ, câu hát như tiếng lòng mà Hà Thu đã từng nhẹ nhàng cất tiếng là âm vang:

Quê hương đẹp mãi trong tôi

Dòng sông bên lở bên bồi uốn quanh

Cánh cò bay lượn chòng chành

Đàn bò gặm cỏ đồng xanh mượt mà

Sáo diều trong gió ngân nga

Bình yên thanh đạm chan hòa yêu thương

Tiếng thơ mở ra mà biết bao thương nhớ ào ạt trong lòng ta về hình ảnh quê hương thân thương, tha thiết. Chẳng thế mà, thi sĩ phải thốt lên lời yêu thương, say đắm mảnh đất về nơi mình sinh ra, khoảng trời đã in dấu bao kỉ niệm tuổi thơ ngọt ngào qua lời khẳng định “đẹp mãi trong tôi”, sống trọn vẹn, nguyên sơ trong trái tim này cho tới khi không còn được nhìn ngắm bầu trời xanh thẳm kia nữa. Thế mới biết, mặc dù chẳng nói ra, nhưng chắc chắn nhà thơ cũng như tất cả chúng ta khi được bộc bạch lòng mình thì sẽ đều thể hiện tấm lòng thiết tha, đau đáu về nơi yên bình ấy của lòng mình. Bởi vậy, sau lời khẳng định như một tiếng vọng lại của sông núi về tình yêu quê hương, nên qua biện pháp liệt kê nhà thơ đã bắt đầu hành trình đưa ta về với bức tranh quê tuyệt bích mà khó có một ngôn từ nào đủ sức mạnh để diễn tả hết vẻ đẹp của nó. Chỉ biết rằng, đó là khúc nhạc trong veo với “dòng sông” hiền hòa, chảy quanh đồi bãi, ôm trọn làng nhỏ suốt bao đời trong phép đối cân xứng “bên lở”, “bên bồi” để gom góp thành bờ bãi, đắp phù sa nuôi dưỡng làng quê nhỏ bé biết tự bao đời. Để rồi, đọc câu thơ mà ta như ru mình trong những lời hát tâm tình ngọt ngfao của khúc nhạc ca dao năm nào đã được thổi hồn theo làn gió:

Sông kia bên lở bên bồi
Bên lở thì đục bên bồi thì trong
Sông kia nước chảy đôi dòng
Biết rằng bên đục bên trong bên nào

Chỉ có điều nếu ca dao rạch ròi phân tách làn nước đục trong giữa hai bờ bao quanh khúc sông nhỏ, thì Hà Thu lại đặc biệt hơn, thi sĩ không khắc họa làn nước mát lành, được “uốn quanh” bởi bãi đất xanh tốt, như quê hương biết bao đời tựa người mẹ dịu dàng, hiền hòa vẫn âm thầm ôm ấp từng con người nơi đây vậy. Chẳng những thế, đến với bức tranh chan chưa nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn của chính mình, nhà thơ còn nhẹ nhàng điểm xuyết khung cảnh yên bình của những buổi trưa vàng yên ả vài ba “cánh cò” cõng nắng qua sông, vội vã “chòng chành” chẳng vững chắc ấy mà sao đáng yêu quá! Từ lấy “chòng chành” vì thế hiện lên trên trang thơ bỗng thật đặc biệt, thi vị và nhiều ý nghĩa, phải chăng nó không chỉ khắc họa nét đẹp chao nghiêng cánh của con cò, hay ẩn sau hình ảnh ấy còn gợi nét tần tảo của những người thôn quê phồn hậu, là bóng dáng của cả miền nhớ trong trái tim mỗi người xa quê giống như có thi sĩ đã viết:

Cánh cò chở gió quê hương
Chở lời ru mẹ từ miền ấu thơ
Chở hơi sương sớm mịt mờ
Chở chiều hoang phế bơ vơ một mình.

Có lẽ dù cánh cò nhỏ ấy bước vào trang thơ của Hà Thu với thông điệp ra sao thì cũng thật đặc biệt và đẹp đẽ, khiến ta say mê mà đắm mình trong cảnh bình yên nơi làng quê bình dị ấy. Đàn cò giờ đây như phím đàn lúc trầm lúc bổng, tựa làn khói trắng vẽ hình lên tấm thảm xanh khổng lồ, rồi góp cùng khung trời mộng mơ, yên ả, nhà thơ đã khẽ đưa bút vẽ lên trời biếc vài cánh diều tuổi thơ năm nảo năm nao đang ngân nga trong gió điệu khúc du dương về cuộc sống ngọt ngào, gọi ai đó quay về mà vui, nhớ da diết biết bao kí ức đã từng trôi qua chẳng thể trở lại. Để sau đó, hướng theo dòng chảy của ý thơ, ánh mắt thi nhân chậm lại neo đậu nơi cánh đồng xanh mượt mà, mơn mởn cỏ soi mình trong nắng với “đàn bò” thủng thẳng, ung dung “gặm cỏ” như gợi nét no đủ, trù phú, giàu có mà thật ấm áp nơi làng quê nép mình ven sông. Thế mới thấy, cái tài tả cảnh của thi sĩ không chỉ bằng ngôn từ tinh tế mà có lẽ được cất lên từ chsinh tấm lòng và trái tim tha thiết, luôn thủy chung một lòng hướng về quê hương “thanh đạm”, giản dị, trong veo như nước mùa thu mà lại luôn ấm áp “chan hòa” tình nghĩa, đủ đầy những “yêu thương” của tình người ăm áp ngập tràn, đủ phủ lấp mọi nhọc nhằn, vất vả, gian lao. Có lẽ, thi ca không ít những vẫn thơ viết về quê hương, nhưng êm ả tựa cơn gió mát, ngọt ngào như lời ru trong tâm tình của Hà Thu thì quả là hiếm hoi và đặc biệt, chẳng thế mà cái lạ ấy vượt qua biết bao kiệt tác để len lỏi vào tim ta khiến ta nhớ mãi không thôi.

Gió cứ mang cánh diều lên cao, mưa chảy hết cát bụi, nhộn nhịp của đời sống, nắng hanh khô bờ mi ướt lạnh nơi lá non còn đọng vài giọt sương đêm, thế nhưng chắc chắn dù vạn vật có thể đổi thay, trăm sự sống có thể biến mất chỉ có tình yêu gia đình, quê hương nơi trái tim con người là sẽ mãi vẹn nguyên như ban đầu. Chẳng vậy mà, trở về kí ức của làng quê yêu dấu Hà Thu mới có dịp bày tỏ lòng mình để ngợi ca, bộc bạch hết tâm tình tha thiết, say đắm về nguồn sống của nơi mình sinh ra trong lời hát:

Bức tranh đẹp tựa thiên đường

Hồn thơ trỗi dậy nặng vương nghĩa tình.

Có lẽ, tác giả không được nhắc đến với cách sử dụng ngôn từ độc đáo, hay nhất về quê hương, nhưng chắc chắn tình cảm yêu thương mà thi sĩ dành cho mảnh đất in dấu tuổi thơ của mình sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim ta với bức tranh trù phú, lộng lẫy, nhưng cũng dung dị qua phép so sánh “đẹp tựa” chốn “thiên đường”, bồng lai tiến cảnh chí có trong miến cổ tích của những giấc mơ mà nhà thơ mang lại. Lời khẳng định ấy, cũng chính là tiếng gọi từ trái tim nhà thơ đang mời chào bạn đọc về với thiên nhiên thanh bình nơi mình sống, hay ẩn sau đó còn chất chứa âm vang khơi gợi cảm xúc của chính tâm hồn thi sĩ, để rồi từ đó cất cánh bay cao trên ngòi bút để lại cho đời những áng thi ca “vương” vấn mãi, một “nghĩa tình” đẹp đẽ, dạt dào sức sống về quê hương.

Người xưa nói “hãy xúc động hồn thơ để ngọn bút có thần”, và có lẽ với nỗi niềm xúc động dâng trào một cách mãnh liệt xuất phát từ lòng yêu quê hương thiết tha, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh quê hương mang dáng điệu, tâm hồn, hình ảnh bằng một ngọn bút có thần vô cùng độc đáo. Thế nên, tác phẩm “Bức họa quê hương” của Hà Thu khép lại mà dư âm vẫn còn vương vấn trong tâm hồn mỗi bạn đọc, khiến ta thầm cất lời cảm ơn, trân trọng tiếng thơ của tác giả đã giúp mỗi chúng ta nhận ra vẻ đẹp dung dị, gần gũi mà gắn bó của miền quê yêu dấu luôn trong trái tim mình!

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 595
0 Bình luận
Sắp xếp theo