(Cực hay) Nói và nghe - Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách lớp 8 CTST

Sau khi học bài Viết bài giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích, các em sẽ tiếp tục đến với bài Nói và nghe - Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách. Với đề bài Thuyết trình về cuốn sách mà bản thân yêu thích với các bạn để lan toả tình yêu sách, các em sẽ giói thiệu cuốn sách mà mình yêu thích đến được với nhiều người hơn. Sau đây là một số mẫu bài thuyết trình về cuốn sách mà bản thân yêu thích hay và ngắn gọn, mời các em cùng tham khảo.

Hướng dẫn trình bày, giới thiệu về một cuốn sách

Bước 1: Xác định đề tài, đối tượng người nghe, không gian và thời gian nói

- Xác định được đề tài cần trình bày.

- Xác định mục đích nói và người nghe

- Khi nói phải bám sát mục đích (nội dung) nói và đối tượng nghe để bài nói không đi chệch hướng.

- Khi nói cần lựa chọn không gian và xác định thời gian nói.

- Tìm hình ảnh, video, sơ đồ cho bài nói thuyết phục (có thể)

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:

a. Tìm ý:

- Tên cuốn sách, thể loại, tên tác giả, tên nhà xuất bản, năm xuất bản, các giải thưởng đạt được (nếu có),.

- Một số đặc điểm về nội dung, hình thức nghệ thuật, chủ đề và thông điệp của cuốn sách.

- Một vài chi tiết, hình ảnh, việc quan trọng, thú vị trong cuốn sách để làm bằng chứng minh hoạ cho bài nói.

- Nhận xét hoặc ấn tượng / cảm xúc về cuốn sách.

- Cách thức thể hiện bài giới thiệu sách ?

- Ý tưởng về việc sử dụng phương tiện trực quan hỗ trợ cho bài nói ?

b. Lập dàn ý:

* Phần 1

- Tên sách, tên tác giả.

- Cảm nhận hoặc ấn tượng nổi bật về cuốn sách,

=> Có thể hoán đổi vị trí hai ý trên.

* Phần 2

- Tóm tắt nội dung sách.

- Nhận xét về giá trị (nội dung, nghệ thuật) của cuốn sách.

* Phần 3

- Khẳng định giá trị của cuốn sách.

- Khuyến khích mọi người nên đọc sách.

Nói và nghe - Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách lớp 8 ngắn gọn

Nói và nghe - Trình bày, giới thiệu về một cuốn sách lớp 8 ngắn gọn

Xin kính chào quý thầy cô và các bạn thân mến!

Hạ đã về trên từng hàng cây, góc phố, về trên những con đường của mọi nơi trên khắp mọi miền của tổ quốc. Trong không khí xuân náo nức, ta lại hướng về Hà Nội - thủ đô của cả nước với những nét đẹp truyền thống bình dị. Cuốn sách “Hà Nội ba sáu phố phường” chính là tác phẩm có thể giúp ta hiểu hơn về một Hà Nội đẹp ấy, hiểu thêm về những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.

“Hà Nội ba sáu phố phường” là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam. Tập bút kí “Hà Nội ba sáu phố phường” được tập hợp lại từ những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, như để nói hộ cho mọi trái tim tin yêu luôn hướng về thủ đô, rằng “Hãy yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội”.

“Hà Nội ba sáu phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Đến với những trang viết xinh xinh kia, Hà Nội xưa hiện ra ở nhiều góc cạnh cùng các đặc trưng riêng, tạo nên sức quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là những mái nhà cổ kính khoác lên mình lối kiến trúc độc đáo, dáng vẻ quanh co nhưng rất đỗi mềm mại của những con phố quen thuộc, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế... giữa không gian êm ả, thanh bình, rộn rã mà trầm mặc. Nói cách khác cuốn sách đã giúp người đọc nhìn thấy cả vóc dáng và tâm hồn Hà Nội.

Hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa. Ta sẽ bắt gặp nhiều cảnh đời qua những mẩu chuyện ngắn hết sức xúc động. Nhưng ấn tượng hơn cả trong tác phẩm của Thạch Lam có lẽ là những trang về văn hoá ẩm thực của người dân Hà thành. Qua cách những hàng chữ nhẹ nhàng thủ thỉ, các thức quà Hà Nội xưa hiện lên khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa, phải gật gù, phải thèm thuồng, phải say đắm. Đó là “Bún sườn và canh bún”, là “Bánh đậu”, là“Bánh khảo, kẹo lạc”… mỗi thức quà đều được tác giả đặc tả khéo léo nhằm mang tới một hình dung rõ nét nhất về phong vị của người Tràng An. Hơn thế, ông còn đẩy những món ăn ấy lên một tầm cao hơn khi khẳng định qua bài kí: "Quà ... tức là người". Đối với Thạch Lam, ăn quà không đơn thuần là nếm những sản vật trong trời đất mà là sự cảm nhận những tinh hoa, là thần thái, cũng như bộc lộ nét văn hóa trong cách thưởng thức khi "Ăn quà cũng là một nghệ thuật.”

Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, ngàn năm văn hiến, tinh tế và thanh lịch đến nhã nhặn, thanh tao. Đó là hình ảnh Hà Nội trong ký ức xưa cũ, hướng mắt về hiện tại, thủ đô còn được như thế hay không? Những nét đẹp văn hoá, cả một bề dày trầm tích đất thủ đô dường như dần bị mai một, tàn phai theo tháng năm.

“Hà Nội ba sáu phố phường” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Hà Nội.

Mời các bạn đón đọc cuốn sách “Hà Nội ba sáu phố phường” để tự mình cảm nhận hương thơm một góc nhỏ xưa cũ, thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp đó trong mỗi trái tim.

Thuyết trình về cuốn sách mà bản thân yêu thích hay

Thuyết trình về cuốn sách mà bản thân yêu thích hay

Kính thưa các Thầy cô và các bạn học sinh thân mến!

Như chúng ta đã biết, sách là một kho tàng tri thức vô giá dành cho nhân loại. Mỗi trang sách mở ra lại đưa chúng ta đến với những điều mới lạ. Và cuốn sách ngày hôm nay tôi muốn giới thiệu đến với các thầy cô và các bạn chính là quyển sách “Tôi đi học”.

Cuốn sách được in với khổ 14,5 x 20,5 cm gồm 172 trang do nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM xuất bản, bìa cuốn sách được thiết kế với màu chủ đạo là màu trắng tinh khôi. Nổi bật ở chính giữa cuốn sách là hình ảnh một cậu bé đang dùng đôi bàn chân của mình nắn nót tập viết chữ. Đó chính là bức chân dung lúc còn nhỏ của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cũng chính là tác giả của tự truyện.

Cuốn sách kể lại về cuộc đời đầy khổ luyện và ý chí phấn đấu, vượt qua nghịch cảnh để đến với thành công của người thầy 'tàn nhưng không phế' – Thầy Nguyễn Ngọc Ký.

Mở đầu cuốn sách là những lời giới thiệu và lời tự bạch chân thành từ chính nhà giáo. Để vượt qua bao khó khăn vất vả và trở thành một Nhà giáo ưu tú thầy Nguyễn Ngọc Ký đã đấu tranh từng phút với bản thân, với nghịch cảnh. Tất cả những ký ức đẹp này được ông kể lại thông qua 39 câu chuyện của chính mình từ khi bắt đầu biết mình mắc phải căn bệnh quái ác cho tới khi nhận được giấy báo đỗ đại học. Lật giở từng trang sách, bạn đọc sẽ cũng trải lòng mình và đồng hành với tuổi thơ của nhà giáo. Năm lên bốn tuổi, Nguyễn Ngọc Ký bị bệnh bại liệt, hai tay không cử động được nữa. Lúc bấy giờ, quê của cậu bé Ký ở huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh bị giặc Pháp chiếm đóng. Khi hòa bình lập lại, Ngọc Ký quyết tâm đi học. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô cùng bạn bè, Nguyễn Ngọc Ký dùng đôi chân của mình thay thế đôi tay và đến lớp học đều đặn.

Vâng! Đối với một cậu bé bình thường việc cầm bút tập viết hay dùng kéo cắt thủ công đã khó, thế mà với bé Ký dùng đôi chân của mình tập viết và cầm kéo để cắt giấy thủ công thực sự là điều mà mọi người không nghĩ rằng có thể làm được thế mà cậu bé Ký đã làm được. Điều ngạc nhiên hơn nữa là cậu bé Ký còn dùng đôi chân để vẽ hình trong toán học. Với đôi chân, chỉ cần cặp chiếc thước, kẻ một đường thẳng cũng khó, huống hồ phải kẻ những đường ngang dọc lắt léo đòi hỏi thật chính xác hay dùng com pa vẽ hình tròn. Bằng ý chí và nghị lực phi thường Nguyễn Ngọc Ký đã vẽ được những hình khá chuẩn xác. Để rồi vượt lên trên tất cả những sự khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua từ lớp vỡ lòng đến khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Ngọc Ký luôn là một học sinh giỏi, được thầy yêu bạn mến. Trong kỳ thi học sinh giỏi toán lớp 7 ở miền Bắc, Ký đứng thứ 5.

Cuốn sách khép lại khi cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký nhận được giấy báo của trường Đại học Tổng hợp. Cậu tiếc vì sắp phải xa quê hương, xa mái trường, thầy cô, bạn bè...những người đã chăm sóc, giúp đỡ, động viên cậu viết nên những dòng chữ đầu tiên của cuộc đời.

Nguyễn Ngọc Ký đã thành công trong học tập và dành nhiều những phần thưởng rất đáng khâm phục, được Bộ trưởng Giáo dục gửi giấy khen và Nguyễn Ngọc Ký vào đại học và trở thành thầy giáo – người Thầy giáo đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam. Thầy đã vinh dự hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu và 4 lần được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Cuốn sách thực sự là một tài liệu tham khảo bổ ích, có tác dụng giáo dục hiệu quả mà nhẹ nhàng về nghị lực sống cho tất cả các bạn hoc sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Kính thưa các thầy cô giáo, các bạn học sinh thân mến!

Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã ra đi vào ngày 28.9.2022 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh suy thận. Đây là sự mất mát lớn đối với gia đình và thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam.

Các bạn ạ, người Thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng thầy sẽ mãi là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Thầy đã chứng minh cho chúng ta thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách

Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách

Kính chào quý thầy cô cùng toàn thể các bạn!

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi... để gió cuốn đi....” đây chính là thông điệp sống đầy yêu thương mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gởi cho chúng ta qua nhạc phẩm Để gió cuốn đi. Và, ở phía bên kia bờ đại dương, cũng với tinh thần nhân văn đó, nhà văn, nhà báo tên tuổi Jason F.Wright đã gửi đến cho mọi độc giả qua tác phẩm “Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ”.

Câu chuyện mang chút sắc màu cổ tích trong cuốn sách “Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” (tựa tiếng Anh: Christmas Jars) sẽ làm bạn thấy Giáng sinh thêm lung linh, diệu kỳ.

“Hope Jensen là một nữ nhà báo trẻ tài năng. Năm cô 23 tuổi, mẹ nuôi của cô qua đời. Giáng sinh năm ấy, trong lúc Hope đang vô cùng tuyệt vọng thì có người đã bí mật đặt trước bậc thềm nhà cô một món quà Giáng sinh đặc biệt - một chiếc lọ Giáng sinh chứa đầy tiền. Cô gái trẻ quyết tâm đi tìm nguồn gốc chiếc lọ ấy. Quá trình tìm hiểu đã đưa cô đến với gia đình Maxwell - những người đã khởi nguồn cho truyền thống trao tặng những chiếc lọ của niềm hy vọng. Hope thực lòng muốn đăng bài viết của cô về những con người hào hiệp, nhân ái mà cô rất mực yêu quý trên trang nhất của tờ báo nơi cô làm việc, nhưng làm như vậy cũng có nghĩa là Hope sẽ đánh mất niềm tin gia đình Maxwell đã dành cho cô bấy lâu nay. Quyết định của Hope đã thay đổi cuộc đời cô, và cuộc đời của nhiều người khác”.

Chuyện được kể bằng giọng văn giản dị, xúc tích, mang ít nhiều hơi thở báo chí. Với mật độ khá đều đặn, những chi tiết "nặng ký" sẽ nhẹ nhàng đánh động những cung bậc rung cảm trong lòng bạn. Đó là hình ảnh người mẹ Louise ra đi mãi mãi trong vòng tay của cô con gái nuôi Hope trong một chiều nhạt nắng - khi Hope vẫn đang kể cho bà nghe những kỷ niệm đẹp của hai mẹ con; là những vòng tay yêu thương của "người dưng" luôn rộng mở với Hope...
Nhưng dẫu trước đó có nỗi buồn, có chia lìa, mất mát thì những câu chuyện cổ tích vốn thường có kết thúc viên mãn. Đó cũng là điều bạn sẽ tìm thấy ở “Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” khi những thông điệp yêu thương được đồng vọng, cộng hưởng và lan tỏa.

Bạn có tin vào điều kỳ diệu đêm Giáng Sinh? Bạn có tin những điều ước, những món quà mà bạn hằng mong mỏi sẽ được gửi tới bạn theo một cách bí mật nào đó? Câu chuyện thật dễ thương và xúc động của Jason F. Wright cho chúng ta thấy tình yêu và sự diệu kỳ vẫn lan tỏa trong những đêm đông lạnh giá. Sự kỳ diệu không ở đâu xa xôi mà sự kỳ diệu chính ở sự quan tâm chân thành, lòng tốt của con người dành cho nhau trong cuộc đời này.

“Chiếc lọ Giáng Sinh diệu kỳ” gửi đến người đọc một thông điệp giản dị: Sự cảm thông, chia sẻ của mỗi người có thể mang lại phúc lành, niềm tin, hy vọng cho biết bao người xung quanh. Qua câu chuyện của Jason F. Wright, bạn sẽ biết thêm rằng Giáng Sinh không chỉ gắn liền với ông già Noel, những cây thông được trang hoàng lộng lẫy, những bản thánh ca, những điều nguyện ước, tâm trạng háo hức mong chờ được nhận quà của bầy trẻ nhỏ…, mà còn có một truyền thống rất ý nghĩa gắn liền với những chiếc lọ chứa đầy những đồng xu lẻ. Mỗi chiếc lọ như một lời chúc phúc cho người đón nhận nó. Để rồi chúng ta thêm hiểu ý nghĩa sâu sắc, cao đẹp của bài học Cho và Nhận.

“Chiếc lọ Giáng sinh diệu kỳ” mang dáng dấp của một câu chuyện cổ tích hiện đại. Tác phẩm sẽ đánh thức trong bạn những rung động ngọt ngào về cái đẹp của lòng trắc ẩn và tình yêu thương mà con người vẫn dành cho nhau trong cuộc đời này. Và rồi biết đâu chính bạn sẽ bắt đầu tìm một chiếc lọ thủy tinh cho riêng mình để tích góp những đồng xu lẻ, để truyền thống đẹp đẽ này không ngừng được nhân rộng và để con người không bao giờ mất đi niềm tin vào sự hiện hữu của phép nhiệm mầu trong thế giới thực này. Các bạn hãy cùng tìm đọc cuốn sách đầy ý nghĩa này nhé!

Thuyết trình về cuốn sách mà bản thân yêu thích để lan tỏa tình yêu sách

Kính thưa các thầy cô giáo và toàn thể các bạn học sinh thân mến!

Mỗi cuốn sách đi qua lại để lại những câu chuyên vô cùng ý nghĩa và giá trị trong đó. Hôm nay em xin chia sẻ đến thầy cô và các một tác phẩm em rất yêu thích chính là cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán do nhà xuất bản Văn học phát hành.

“Tuổi thơ dữ dội” kể lại câu chuyện của đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân, nhân vật chính là những chú bé tham gia vệ quốc đoàn từ năm mười ba, mười bốn tuổi.

Đó là Lượm “sứt” cậu bé dũng cảm, mưu trí, 3 lần vượt ngục tù khiến quân địch nể sợ. Là Mừng cậu bé nhỏ nhất đội, gia nhập vệ quốc đoàn với hy vọng ngày giải phóng sẽ kiếm được thuốc chữa cho mẹ bệnh hen suyễn… Là Tư dát tinh ranh có đủ thứ tài vặt, là Quỳnh sơn ca với tài năng sáng tác hơn người, bỏ nhà theo vệ quốc đoàn vì không thể sống trong nhung lụa cùng bố mẹ việt gian, là Bồng da rắn, là Vịnh sưa, là Vệ to đầu, và rất nhiều những em bé quả cảm khác… Tất cả các em đều ở độ tuổi mười ba, mười bốn nhưng lòng yêu nước “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” lại ăn sâu vào trong máu của các em như bất cứ người chiến sĩ nào.

Qua những trang sách, chúng ta sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc, đầy máu và nước mắt nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của các em thiếu niên.

Đọc “Tuổi thơ dữ dội” một lần, để biết thế nào là tình yêu đất nước xuất phát từ yêu người thân, yêu gia đình, yêu làng xóm…; biết được yêu nước đôi khi chỉ đơn giản là giữa cái thiếu thốn của chiến khu vẫn thấy tốt hơn khi phải chung chạ với lũ bán nước và bọn cướp nước, là khi cùng với những người chung chí hướng quây quần bên nhau hát vang bài ca ca ngợi chiến khu; biết được tình yêu nước được lan tỏa thế nào; biết cái gọi là “tài không đợi tuổi”, một đứa trẻ mười mấy tuổi mà đã năm lần bảy lượt vượt ngục; biết được thế nào cảm giác bị phản bội bởi người anh em đã từng chung một chiến tuyến…

Ở cái tuổi cắp sách đến trường, các em đã quên thân vì Tổ quốc, hy sinh thân mình làm lính trinh sát, làm giao liên cho bộ đội chiến khu. Có người may mắn sóng sót, có người vĩnh viễn ra đi, nhưng máu và ý chí của các em đã góp phần đem lại độc lập tự do cho dân tộc. Hình ảnh các em thiếu niên trong trung đoàn Trần Cao Vân vẫn còn sống mãi tới ngày nay và cả mai sau.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 600
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm