Soạn Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích trang 58

Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách là kiểu văn bản thông tin nhằm giới thiệu thông tin chính về cuốn sách, tóm tắt nội dung cuốn sách cũng như nêu nhận xét của người viết về cuốn sách, khuyến khích mọi người đọc sách. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ gợi ý soạn bài Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích trang 58 giúp các em nắm được cách làm bài cũng như trả lời các câu hỏi trong bài.

Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích trang 58

1. Phân tích bài viết tham khảo Câu chuyện về lòng yêu thương

Bố cục

Phần1

Nêu được ấn tượng của người viết về cuốn sách “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” ; Giới thiệu được tên cuốn sách và tên tác giả.

Phần2

Nêu nội dung chính của cuốn sách, nhấn mạnh được các giá trị của cuốn sách. Nêu được cảm nhận của người viết về cuốn sách.

Phần3

Khẳng định được giá trị cuốn sách và khuyến khích mọi người nên đọc sách.

Trả lời câu hỏi trang 58, 59 SGK Văn 8 tập 2 CTST

Câu 1: Tác giả nêu ấn tượng/ cảm nhận chung về cuốn sách bằng cách nào? Nêu tác dụng của cách trình bày đó?

Tác giả nêu ấn tượng/ cảm nhận chung về cuốn sách bằng cách nêu lên một nhận định và đưa ra quan điểm của bản thân

Cách trình bày đó giúp cho ta tiếp cận gần hơn tới nội dung cuốn sách và gợi mở tới nội dung và vấn đề muốn đề cập tới

Câu 2: Người viết đã có những nhện xét như thế nào về giá trị của tác phẩm?

Người viết đã có những nhận xét về giá trị của tác phẩm là:

- Mối quan hệ dường như không tưởng giữa hai loài vật hoàn toàn khác biệt ấy đã dạy cho ta một bài học sâu sắc về tình yêu thương....với bản chất của chính con người ấy.

- Tất cả nhân vật, sự việc trong truyện đều trở nên chân thực bởi được thể hiện bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc. Cả câu chuyện như một bản giao hưởng êm dịu với đầu đủ các cung bậc cảm xúc...và suy nghĩ khác nhau.

Câu 3: Theo tác giả, giá trị lớn nhất của cuốn sách là gì?

Theo tác giả, giá trị lớn nhất của cuốn sách là hiểu về yêu thương và được yêu thương là một niềm hạnh phúc lớn lao và đó cũng là cách tốt nhất để chữa lành những vết thương trong tâm hồn. Cho dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa cung chưa bao giờ quá muộn để học cách yêu thương và chấp nhận người khác.

Câu 4: Em học được điều gì về cách giới thiệu sách từ văn bản này?

Em học được cách mở bài mới về cách giới thiệu sách từ văn bản này, dẫn dắt vấn đề nội dung dễ dàng và gần hơn tới vấn đề cần triển khai đồng thời giúp cho ta có thể chia sẻ luôn nhận định cá nhân hoặc nhận định của người khác tăng sự đáng tin và hiểu biết nội dung từ người viết về vấn đề.

Hướng dẫn quy trình viết 

Đề bài: Trường em tổ chức cuộc thi giới thiệu sách với chủ đề “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Hãy viết bài giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích để tham gia cuộc thi này.

2. Dàn ý viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích

Phần 1

Tên sách, tên tác giả.

Cảm nhận hoặc ân tượng nổi bật vé cuốn sách,

=> Có thể hoán đổi vị trí hai ý

Phần 2

Tóm tắt nội dung sách.

Nhận xét về giá trị (nội dung, nghệ thuật) của cuốn sách.

Phần 3

Khẳng định giá trị của cuốn sách.

Khuyến khích mọi người nên đọc sách.

3. Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích lớp 8 ngắn gọn

"Không gia đình" kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc, rồi dẫn đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, "Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương". Em đã tự lao động để sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của ông già tốt bụng, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình mà còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong.

Đã có khi em và cả đoàn lang thang suốt mấy ngày không có chút gì trong bụng. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan, bị giải ra trước toà án và bị ở tù. Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người.
Không gia đình là bức tranh xã hội rộng lớn được phản ánh rất thật thà qua con mắt trẻ, là hành trình phiêu lưu mà ta phải thót tim theo từng bước đi của số phận nhân vật. Rồi ta nhìn qua xã hội của ta, hành trình cuộc đời của ta. Ta chợt thấy miên man trong những lối đi về của chính mình. Và sau cùng ta thấy… ấm áp phía sau, một mái ấm gia đình!

Cuốn tiểu thuyết đã phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân và công nhân trong chế độ tư sản. Đồng thời ca ngợi sự lao động bền bỉ, tinh thần tự lập, chịu đựng gian khó, khích lệ tình bạn chân chính và lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống, ý chí vươn lên không ngừng. Nó mang đến một bài học quý giá cho mỗi chúng ta về tình yêu thương giữa con người với con người, về tính tự lập, tự bước đi trên đường đời. Quan trọng nhất, để những ai có gia đình phải suy ngẫm, trân trọng may mắn, hạnh phúc mà mình đang có. cuốn sách chứa đựng giá trị của tình thân mà không bao giờ lỗi thời. Một câu chuyện cảm động về tình yêu thương con người trong những hoàn cảnh gian nan nhất.

“Không gia đình” có lẽ vì thế đã vượt qua biên giới nước Pháp và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả toàn thế giới trong suốt hơn một thế kỉ qua với ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc.

4. Viết một bài văn giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích lớp 8

Các bạn thân mến! Ngày hôm nay, trong tiết Tháng tư về, gợi cho chúng ta nhớ lại một dấu ấn lịch sử của dân tộc. Tháng tư của những năm về trước cả dân tộc ta đang tưng bừng với những chiến thắng, kết thúc hai mươi năm trường kỳ kháng chiến, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, đã có rất nhiều nhà văn, cho ra đời các tác phẩm văn học trong đó có thể kể đến tác phẩm Đất rừng phương Nam.

Tiểu thuyết “Đất rừng Phương Nam” được ra đời năm 1957 là một trong những cuốn sách đầu tiên của NXB Kim Đồng trong những ngày đầu thành lập. Tác phẩm đã làm nên tên tuổi lừng lẫy của nhà văn Đoàn Giỏi và là một trong những tác phẩm vàng ròng của nền văn học thiếu nhi Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Mặc dù đã ra đời 62 năm nhưng cho đến nay “Đất rừng Phương Nam” vẫn còn nguyên giá trị trở thành kí ức tuổi thơ khó quên của nhiều thế hệ độc giả.

Mượn câu chuyện một cậu bé bị lưu lạc trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Đoàn Giỏi đã tái tạo lại cảnh sông nước, con người của một thời còn nhiều sơ khai. Tiểu thuyết này như một xã hội thu nhỏ của sông nước Miền Tây Nam Bộ, khó ai có thể ngờ hiện thực ngồn ngộn của đời sống cảnh vật Phương Nam lại được nhà văn Đoàn Giỏi tái hiện trên những trang sách khi ông đang sống trong một căn phòng chật hẹp ở Hà Nội những năm 1957. Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên của mảng văn học cách mạng viết cho thiếu nhi. Với tất cả sự nhớ nhung của một người con xa quê, với tất cả tình yêu dành cho đất và người Nam Bộ, nhà văn Đoàn Giỏi đã viết lên những trang sách đầy khí chất mà chính ông là một người con của vùng đất này.

Có thể nói “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi là những khám phá tinh tế, đặc sắc, được sàng lọc một cách cẩn thận về cái đẹp của thiên nhiên, con người, đất nước. “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi không chỉ miêu tả cụ thể, đặc sắc vẻ đẹp hoang sơ của những vùng đất mới, khắc họa rõ nét sự chất phác, hiền lành, đôn hậu nhưng cũng không kém phần anh dũng của những người con chân lấm tay bùn của Miền Nam mà nó còn đưa ta đi tới mọi phương trời, góc bể của đất nước mình, từ Bắc chí Nam rồi tới vùng cực nam Tổ Quốc, ra tiếp liền tới biển Đông lúc nào không biết qua những ngày lưu lạc của cậu bé An.

“Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi không chỉ vẽ nên quang cảnh của đất rừng hùng tráng và kể chuyện những con người xốc vác sinh sống với những con Luốc, con vượn bạc má tinh khôn cho thỏa tò mò của bạn đọc. Những con người bình thường như vợ chồng ông Hai, chú Võ Tòng, không phải tự nhiên muốn ngang tàng đi dựng lều ở khuất nẻo trong rừng rồi thả thuyền đi câu rắn, tìm mật ong. Không, người ta vốn quen làm ăn và quây quần làng xóm đông vui. Nhưng bọn chúa đất và Tây chủ chúng chẳng để cho mọi người được ở đâu yên. Không biết làm thế nào nhưng không bao giờ biết sợ, những ông Hai, những chú Võ Tòng vốn có trí óc quật cường và bàn tay làm nên tất cả. Thế là họ trở thành những người rừng xanh. Nhưng thời bấy giờ lánh mình vào chốn rừng trời cuối đất ấy cũng không được. Cuộc sống ở đâu cũng quyết liệt gấp bao nhiêu lần phải lao mình vào kiếm cái sống giữa trời đất hoang vu. Bởi vậy, cả đến các em bé cũng biết mình cần phải đứng lên đánh giặc! Ý nghĩa to lớn ấy đã được tỏ rõ trong “Đất rừng Phương Nam”

Kết thúc truyện, là lúc mà tất cả người dân đứng lên đấu tranh, sẵn sàng cho cái tư tưởng chiến đấu của họ, lý trí bất khuất cùng lòng dũng cảm, đứng hẳn lên, trên tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, bắt đầu cuộc chiến với quân địch, quân Pháp xâm lăng. Chỉ biết một điều, cái kết thúc dang dở thế này, kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Bởi con người Việt Nam không bao giờ khiếp sợ trước quân thù, họ luôn đấu tranh để giành lại độc lập tự do vì trong họ luôn luôn tồn tại một tinh thần kiên cường, bất khuất.

Cái đặc sắc riêng của “Đất rừng Phương Nam” ấy là nhà văn Đoàn Giỏi đưa bạn đọc đến vùng đất rừng phương nam thật xa, thế mà mỗi trang truyện lại làm chúng mình thấy thiết tha và sôi nổi yêu đất nước khắp mọi nơi, yêu con người khắp đất nước, bất cứ ở đâu. Thật kỳ lạ phải không các bạn? Vậy, các bạn hãy tìm đọc cuốn sách nhé.

5. Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích lớp 8 Bác Hồ của chúng em

Trong cuộc sống của chúng ta, sách là kho tàng tri thức vô giá đối với nhân loại, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người, đọc sách giúp chúng ta tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm, mở mang thêm nhiều kiến thức. Đọc sách còn là cảm nhận sâu sắc về mối quan hệ, về tình cảm, suy nghĩ của con người đối với xã hội văn minh như hiện nay. Vì biết ý nghĩa của sách quan trọng như thế nào, nên cuối tuần nào tôi cũng dành một khoảng thời gian để tự thưởng cho mình đọc một cuốn sách nhỏ.

Khi tôi sinh ra đã không còn Bác, nhưng hình ảnh Bác Hồ vẫn ở trong tâm trí tôi bởi nhiều câu chuyện thú vị, gần gũi có tính giáo dục cao. Cả cuộc đời Bác dành tình cảm cho nhân dân, cho đất nước, đặc biệt là các cháu thiếu nhi.

Những cuốn sách viết về Bác, viết về tấm gương đạo đức của Bác, về tình cảm của Bác dành cho thiếu nhi có rất nhiều: tấm gương tự học của Bác Hồ, Lăng Bác Hồ, Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ với thiếu nhi miền núi.Nhưng cuốn sách “Bác Hồ của chúng em” là đặc sắc nhất. Chúng ta thấy rõ phẩm chất cao quý của Bác, tình cảm của Bác dành cho thiếu nhi. Vì vậy hôm nay em xin giới thiệu cho thầy cô và các bạn cuốn sách “Bác Hồ của chúng em”. Cuốn sách này của tác giả Chu Trọng Huyền và do nhà xuất bản Kim Đồng in và phát hành vào tháng 5 năm 2010. Cuốn sách dày 131 trang và in với kích thước là 12x19 cm. Trang bìa của cuốn sách được thiết kế rất đơn giản nhưng rất trang trọng trên nền phông màu cam, phía trên là dòng chữ “Bác Hồ của chúng em”, nổi bật lên trên một bông sen. Phía dưới là hình ảnh Bác Hồ thăm các cháu tại trại trẻ miền Nam ngày 15/6/1957.

Cuốn sách ghi lại 60 câu chuyện tình cảm ấm áp của Bác với thiếu niên nhi đồng trong và ngoài nước. Mỗi câu chuyện là một kỉ niệm xúc động về tình cảm chan chứa yêu thương của Bác dành cho thiếu nhi. Từ em bé vùng chiến khu Việt Bắc đến em nhỏ ở Tây Nguyên; từ em bé ở miền Nam yêu dấu đến các em bé ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình...Bao giờ, lúc nào, ở đâu Bác cũng luôn dành tình cảm yêu thương bao la vô bờ bến cho các cháu thiếu nhi. Mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn không quên dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Bác viết thư cho các cháu nhân ngày khai trường đầu tiên để động viên các cháu học tập. Bác đến thăm các cháu thiếu nhi ở trại trẻ mồ côi, Bác tặng hoa, tặng quà, quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ, chỗ vui chơi cho các cháu. Bác cùng ăn cơm, cùng trò chuyện, hỏi han tình hình học tập của các cháu và động viên các cháu phải cố gắng học tập thật tốt.

Đến với cuốn sách, thầy cô và các em học sinh sẽ thấy: không chỉ có nhân dân Việt Nam gọi Người là Bác, mà cả nhân dân Thế giới cũng có những tình cảm tha thiết đó. Bác không chỉ yêu quý mà còn quan tâm giáo dục đạo đức cho thiếu niên nhi đồng.

Cuốn sách là những mẩu chuyện, hình ảnh khá chân thực, giản dị, xúc động về Bác. Tình cảm của Bác dành cho thiếu niên nhi đồng là kho tư liệu quý giá về Bác Hồ kính yêu. Đọc từng trang sách, ta đều hình dung ra bóng hình của Bác. Có thể khẳng định, cuốn sách là một trong những món quà có giá trị để dành tặng cho thế hệ của chúng ta. Đọc tác phẩm của Bác hồ, nghe kể chuyện về Bác Hồ, chúng ta càng thêm tự hào về người Bác yêu quý và nguyện làm theo tấm gương của Người.

Các bạn hãy cùng đọc cuốn sách "Bác Hồ của chúng em" để có thể hiểu sâu sắc hơn về tình yêu thương bao la của Bác dành cho thiếu niên nhi đồng và tình cảm của thiếu niên nhi đồng dành cho Bác. Từ đó chúng ta càng thêm kính yêu Bác, nguyện học tập và làm theo năm điều Bác dạy, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

6. Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích lớp 8 Một lít nước mắt

"Một lít nước mắt" kể về cuộc đời của cô bé Aya Kitou. Aya Kitou chỉ sống trên cõi đời vỏn vẹn hơn 20 năm do bản thân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo quái ác mang tên “Thoái hóa tiểu não”. Căn bệnh đã khiến tương lai của cô là một con đường hẹp và ngày càng trở nên hẹp hơn. Thậm chí, việc tự mình bước đi, tự tay làm một điều gì đó cũng trở nên quá xa vời đối với cô gái nhỏ. Căn bệnh ngày càng phát triển khiến cô mất đi khả năng kiểm soát cơ thể mình, mới đầu chỉ là khó khăn trong việc đi lại, dần dần Aya phải ngồi xe lăn, không thể cầm đũa hay không phát âm theo ý muốn được nữa. Cuối cùng, cô bé phải nằm liệt giường.

Việc viết nhật ký mới đầu chỉ là phương pháp điều trị để Aya có thể phần nào điều khiển cơ thể mình và cũng để bác sĩ theo dõi tốc độ phát triển bệnh. Nhưng dần dần cuốn nhật ký lại trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Trong suốt 6 năm kiên trì viết nhật ký, cô kể về những cảm nhận và suy tư của bản thân trong suốt thời gian chứng kiến cơ thể mình từng bước từng bước gánh lấy một số phận đau đớn.

Đọc "Một lít nước mắt", ta thấy hình ảnh một cô bé tật nguyền về cơ thể nhưng lại có sự mạnh mẽ phi thường. Không phải cô cố gắng thể hiện mình như một anh hùng mà nghị lực của Aya chỉ đơn giản là sự cố gắng nhỏ bé nhằm chống chọi lại căn bệnh quái ác đang ngày ngày tàn phá cơ thể mình. Sự yêu đời, nâng niu cuộc sống trong Aya được thể hiện qua những sở thích bình dị nhất như ngắm nhìn bầu trời xanh, đọc sách hay ước mơ nhỏ nhoi được về nhà thăm gia đình… Dù cơ thể tật nguyền nhưng Aya chưa bao giờ từ bỏ con đường tìm kiếm giá trị bản thân.

"Một lít nước mắt" – hãy đọc để thấu hiểu, thông cảm cho những người không may mắn và để nhìn lại bản thân mình, để sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.262
0 Bình luận
Sắp xếp theo