Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng xưa nay chưa từng có

Các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng xưa nay chưa từng có

Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Hãy phân tích ý nghĩa của cảnh tượng kì lạ đó. Đây là nội dung câu hỏi số 5 trang 27 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Sau đây là một số gợi ý của Hoatieu giúp các em học sinh trả lời câu hỏi trên và hoàn thành phần soạn bài Chữ người tử tù lớp 10.

Câu 5 trang 27 SGK Văn 10 Kết nối tri thức tập 1

Câu hỏi: Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Hãy phân tích ý nghĩa của cảnh tượng kì lạ đó.

Gợi ý 1:

Các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở nên đặc biệt thể hiện ở mọi góc của cảnh: Nhân vật, thời gian, không gian.

* Nhân vật:

Bình thường, người cho chữ và người được cho chữ là những tri âm tri kỉ đến độ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. ở họ luôn toát ra sự an nhiên, điềm tĩnh, ung dung của bậc túc nho.

Ở đây, người cho chữ là 1 tử tù, người được cho chữ là quản ngục. Họ có vị trí đối nghịch trong xã hội. Hơn nữa, họ mới gặp nhau hơn nửa tháng. Đặc biệt, cảnh cho chữ đã diễn ra một sự thay bậc đổi ngôi, khi người tù thì dù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” vẫn đứng thẳng người và đĩnh đạc, còn quản ngục “khúm núm” và nghẹn ngào. Trong quan hệ xã hội họ là kẻ thù nhưng trong bình diện nghệ thuật, họ lại là tri âm tri kỉ.

* Không gian:

Thông thường, người ta viết chữ cho nhau ở nơi thư phòng sạch sẽ, không gian của học thuật.
Ở đây, người ta viết chữ cho nhau trong “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đây là không gian mà cái xấu, cái ác thống trị.

* Thời gian:

Bình thường, người ta cho chữ khi thư nhàn, thong thả, trong ánh sáng của buổi mai ấm áp.
Ở đây, người ta cho chữ vào ban đêm một cách vội vã, chạy đua với thời gian, gấp rút tránh những ánh mắt của bọn lính đến phiên canh buổi sáng và tránh cái công văn oan nghiệt giải người về kinh thụ án.

Điều đó cho thấy rằng trong nhà tù tăm tối, hiện thân cho cái ác, cái tàn bạo đó, không phải cái ác, cái xấu đang thống trị mà chính cái đẹp, cái dũng, cái thiện, cái cao cả đang làm chủ. Với cảnh cho chữ này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thơ lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách. Qua đó, ta thấy được quan điểm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân: “cái đẹp gắn liền với cái thiện”, sự thiên lương, trong sáng không thể tồn tại trong môi trường của cái xấu, cái ác.

Gợi ý 2:

Yếu tố:

- Diễn ra trong tù, buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián.

- Vào ban đêm.

- Huấn Cao – người cho chữ trong bộ dạng cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dặm to nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Còn viên quản ngục – người xin chữ khúm núm. Tên tử tù bỗng trở thành người cho cái đẹp, khuyên bảo tên quản ngục.

- Phong thái tên tử tù khí phách, ung dung.

- Ánh sáng của bó ruốc.

Ý nghĩa: sự chiến thắng của cái đẹp đối với cái xấu. Trong khung cảnh bẩn thỉu, bóng đêm lấn át, người cho chữ lại là tên tử tù, cho đi cái đẹp, muốn cái đẹp được lưu truyền, được về đúng nơi của nó.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 5.136
0 Bình luận
Sắp xếp theo