Viết đoạn văn về điều làm bạn thấy thú vị hấp dẫn khi đọc thơ

Qua các tác phẩm được giới thiệu trong bài Vẻ đẹp của thơ ca, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chia sẻ về điều làm bạn thấy thú vị, hấp dẫn khi đọc thơ. Đây là nội dung câu hỏi phần kết nối đọc viết trang 58 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Sau đây là gợi ý một số đoạn văn mẫu viết đoạn văn về điều làm bạn thấy thú vị hấp dẫn khi đọc thơ hay và chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Đoạn văn về điều làm bạn thấy thú vị hấp dẫn khi đọc thơ - số 1

Với em, thơ là tiếng lòng. Mỗi một bài thơ ra đời, đều ẩn chứa nội dung, ý nghĩa mà người làm thơ gửi gắm. Thơ hiện diện trong cuộc sống chúng ta hằng ngày, thường xuyên. Có loại thơ gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu song cũng có những bài thơ khiến mình phải “vắt óc’ ra để hiểu và cảm. Để thơ lưu truyền và tồn tại lâu dài, thơ phải hấp dẫn về hình thức lẫn nội dung. Thơ như nàng tiên xinh. Thơ cô đọng, súc tích, vậy nên, thi sĩ cũng chẳng dễ dàng gì để cho ra đời một bài thơ nhanh. Họ phải đắn đo, suy nghĩ, lựa chọn câu từ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật, vần – nhịp… làm sao để kết hợp ra đứa con tinh thần hoàn chỉnh. Nhờ hình thức, thơ đến với độc giả dễ dàng hơn. Khi đọc thơ, ta thấy được điều gì thú vị? Là một bài thơ hay về nội dung, thông điệp, tư tưởng được gợi mở? Hay là một bài thơ ngắn gọn, dễ học? Có chăng là một bài thơ có nhan đề gây sức hút? Cũng có thể là hình thức thơ biểu đạt hấp dẫn?... Mỗi người, sẽ có những cảm nhận khác nhau về sự thu hút của thơ. Còn với em, hấp dẫn nhất, đấy chính là cảm xúc mà nhà thơ gửi gắm. Không có một bài thơ nào gọi là nhảm, hay gọi là viết cho hay cả. Làm một bài thơ, quả thực không dễ dàng. Khi cảm xúc trào nén, không thể thổ lộ hết bằng lời, người ta tìm đến thơ để bày tỏ. Bởi thơ là ý!

Đoạn văn về điều làm bạn thấy thú vị hấp dẫn khi đọc thơ - số 2

Thơ là sản phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật được coi là xuất hiện gần như sớm nhất trong đời sống của loài người. Đã có hàng ngàn định nghĩa nhưng chưa có một định nghĩa nào có thể diễn đạt được một cách toàn diện và sâu sắc về thơ. Do đó người ta hiểu rằng định nghĩa về thơ là rất khó. Chỉ có thể thừa nhận rằng thơ là thể loại tiêu biểu cho sự tinh tuý của nghệ thuật ngôn từ. Khi đọc một bài thơ bất kì, ta thường bị hấp dẫn bởi hình thức, nghệ thuật, rồi mới đến nội dung của bài thơ. Thơ là một sản phẩm của sáng tạo in đậm dấu ấn chủ quan của người làm thơ, do đó, khi đọc thơ cần chú ý những đóng góp riêng của tác giả bài thơ về tứ thơ, cảm hứng, tư tưởng. Nhưng các yếu tố quan trọng này lại được thể hiện qua những rung động, xúc cảm được diễn đạt bằng hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ. Cho nên, chỉ có thể bằng cách liên tưởng, đối chiếu, so sánh giữa bài thơ đang đọc với các bài thơ khác của chính tác giả; giữa thơ của tác giả với nhiều nhà thơ cùng thời hoặc trước đó cùng chung đề tài. Thí dụ: Đọc bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu trong sự liên tưởng so sánh với Thu ẩm của Nguyễn Khuyến, Cảm thu, Tiễn thu của Tản Đà hoặc so sánh giữa Đây mùa thu tới với Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Tỳ Bà của Bích Khê… Một bài thơ là một thế giới khép kín, muốn hiểu và làm chủ được thế giới ấy cần biết cách đi vào nó vào những thời điểm thích hợp. Đó là khi tâm hồn người đọc có nhu cầu chia sẻ, thưởng thức cái đẹp, hay đơn giản chỉ muốn thấu hiểu con người và cuộc đời.

Đoạn văn về điều làm bạn thấy thú vị hấp dẫn khi đọc thơ - số 3

Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng nhận định: “Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. Quả đúng là như vậy, sức gợi trong mỗi vần thơ làm nên vẻ đẹp của thơ ca, giá trị thẩm mĩ của ngôn từ nghệ thuật. Thơ ca đem đến cho bạn đọc sự say mê, lôi cuốn trong vần và nhịp, tạo nên những đợt sóng ngôn từ giàu tính nhạc. Thơ ca với sức gợi mạnh mẽ đã khơi lên trong lòng bạn đọc những đợt sóng dạt dào của cảm xúc. Mặc dù được đặt trong một khuôn khổ nhất định nhưng thơ ca lại mở ra một thế giới tưởng tượng rộng lớn, không giới hạn. Ngôn ngữ thơ chính là phương tiện giúp người thi sĩ kết nối với bạn đọc, cùng khám phá cánh cửa nghệ thuật và những tư tưởng cảm xúc được nhà thơ gửi gắm. Chính vì vậy, khi khám phá một bài thơ, hãy cảm nhận lớp bề mặt ngôn từ và dần dần khai thác những khoảng trống ẩn sau được nhà thơ cất giấu sau lớp ngôn từ đó. Đó chính là “ vẻ đẹp của thơ ca”.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 4.735
0 Bình luận
Sắp xếp theo