Soạn Văn 10 Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện trang 29

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (Chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật). Đây là nội dung bài Viết trang 29 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1 Kết nối tri thức. Sau đây là mẫu gợi ý soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện trang 29 Kết nối tri thức cùng với một số bài văn mẫu nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 hay và chi tiết sẽ giúp các em chuẩn bị bài học tốt hơn.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 KNTT

1. Vấn đề chính được bàn luận là gì?

Vấn đề chính: Sự vô giá của quà tặng trong truyện ngắn Quà giáng sinh của O.Hen-ry.

2. Bài nghị luận trên giúp người đọc có được hiểu biết gì về truyện ngắn Quà Giáng sinh?

Bài văn nghị luận cung cấp nhiều thông tin giá trị về truyện ngắn Quà Giáng sinh của O.Hen-ry: Nội dung chính của truyện, cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, lời thoại, ngôi kể,..

3. Tác giả bài viết đã triển khai các luận điểm theo trình tự nào?

- Tác giả đã triển khai các luận điểm theo trình tự từ các yếu tố nghệ thuật đến giá trị nội dung của tác phẩm.

+ Giới thiệu khái quát về tác phẩm

+ Tóm tắt nội dung chính của truyện ngắn

+ Phân tích cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện, lời thoại

+ Phân tích đoạn kết của truyện dựa vào các dẫn chứng lấy từ văn bản truyện

+ Nêu tác dụng của việc kể chuyện từ ngôi thứ ba

+ Xác định chủ đề của truyện

+ Nhấn mạnh và mở rộng chủ đề truyện

+ Kết luận tóm lược các ý kiến đánh giá đã trình bày trong bài viết

+ Khẳng định giá trị của truyện

4. Dàn ý viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Dàn ý viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

5. Viết văn bản nghị luận đánh giá một tác phẩm truyện thần trụ trời

Thần thoại chính là một thể loại truyện được sử dụng nhiều để kể về nguồn gốc của vạn vật. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 10, chúng ta được biết đến một truyện có nghệ thuật đặc sắc trong mảnh thần thoại. Đó chính là "Thần Trụ Trời" của tác giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm. Câu chuyện dẫn dắt người đọc đến một thế giới rộng lớn, một trái đất ban sơ bằng phẳng vắng bóng người.

Nội dung "Thần Trụ Trời" vẽ ra một bức tranh hùng vĩ. Trong bức tranh đó có sức mạnh của vị Thần, dời non lấp biển. Người tạo ra lằn ranh phân chia bầu trời và mặt đất. Người dùng đất đá lởm chởm xây núi, đồi. Sức mạnh ấy làm sao con người có thể làm được? Vậy là, câu chuyện đã giải thích được nguồn gốc tạo nên một trái đất từ thuở hoang sơ được như ngày nay chính là "Thần Mặt Trời".

Mở đầu câu chuyện, tác giả phác họa một bức tranh chỉ có 2 màu xám đen. Sự mịt mù, hỗn loạn ấy làm người đọc không xác định được thời gian. Lúc bấy giờ, trái đất chưa có sự sống, chỉ là một không gian mênh mông tăm tối. Chính trong thời điểm ấy, Thần Trụ trời xuất hiện, đem đến hơi thở con người. Người được miêu tả là một người có thân hình khổng lồ, chân dài không tả xiết. Chi tiết thần lặng im, cô độc khiến cho người đọc cảm thấy lặng lòng. Nhưng sau đó, như bộc phát sức mạnh, "thần đứng dậy ngẩng đầu đội trời lên". Với sự phi thường đó, người đập đá, đắp đất một mình mà tạo nên một cây cột khổng lồ. Cây cột ấy như có sức mạnh nâng bầu trời, tách bầu trời khỏi mặt đất. Từ ấy, bầu trời ở xa thăm thẳm, mặt đất bằng phẳng, điểm giáp nhau là chân trời. Sau đó, thần lại phá cột đá, tạo nên những vùng trũng, những dải đồi cao. Đến đây, những hình ảnh này đã trở nên quen thuộc hơn với người đọc, giúp người đọc dễ hình dung hơn.

Hình ảnh Thần Trụ Trời trong câu chuyện cũng vô cùng vĩ đại. Là con người duy nhất trong không gian rộng lớn trống trải, vị thần ấy cũng có cảm xúc của con người. Dường như người cũng cảm giác được thứ gọi là cô đơn. Hình ảnh "thần đứng dậy ngẩng đầu đội trời lên" và "Lủi thủi một mình" cho thấy sự trống rỗng cùng cực. Nhưng chính những hình ảnh đó tôn lên sức mạnh vô cùng bất tận, làm chủ được cả tự nhiên. Trời đất với con người vốn là một thứ xa vời, vậy mà thần xây trụ trời, xé đôi ranh giới trời đất.

Truyện "Thần Trụ Trời" sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Nội dung và nghệ thuật truyện được kết hợp với nhau rất nhuần nhuyễn. Nội dung truyện nói về sự hình thành trời đất, nghệ thuật được sử dụng như tương phản đã làm rõ nét thêm về nội dung. Bức tranh câu chuyện này vẽ lên không hề cao xa, sặc sỡ. Nó vô cùng đơn giản, sử dụng những gam màu tối và hình ảnh quen thuộc. Nhờ trí tưởng tượng vô cùng phong phú, những yếu tố kì ảo được xây dựng vô cùng chân thực. Chúng ta có thể dễ dàng thấy được ham muốn khám phá, tìm hiểu của người xưa. Một số biện pháp nghệ thuật còn có thể kể đến nữa là tương phản. Hình ảnh con người nhỏ bé giữa không gian rộng lớn, làm con người trở nên nhỏ bé trước tự nhiên. Sự cô độc cũng được phóng địa triệt để, hình ảnh thần tuy quyền năng nhưng lại luôn đơn độc một mình. Ở đây, tác giả còn dùng cả thủ pháp phóng đại, biến con người trở nên to lớn, rạch trời vá đất. Tuy nhỏ bé, nhưng chúng ta có thể thấy được dã tâm làm chủ thiên nhiên của con người đã có từ thuở sơ khai.

Truyện Thần Trụ Trời sử dụng nhiều nét đặc sắc để làm nổi bật lên thể loại truyền thuyết. Qua đó, người đọc cảm nhận được nét kì vĩ và bí ẩn của những ngày sơ khai. Những hình ảnh quen thuộc như núi đồi cũng được làm rõ nguồn gốc tạo thành. Đây chính là một đặc điểm của thể loại truyền thuyết khiến người đọc vô cùng yêu thích.

6. Viết văn bản nghị luận đánh giá một tác phẩm chữ người tử tù

Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là người "suốt đời đi tìm cái đẹp", ông có phong cách sáng tác độc đáo tài hoa và uyên bác. "Chữ người tử tù" được biết đến là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. "Chữ người tử tù" in trong tập truyện "Vang bóng một thời" được đánh giá là "một văn phẩm đạt tới sự toàn diện, toàn mĩ".

Truyện kể về cuộc gặp gỡ đầy éo le của Huấn Cao và viên quản ngục. Huấn Cao là một người có tài viết chữ rất đẹp nhưng do chống lại triều đình nên đã bị kết án tử hình. Tại nhà giam, Huấn Cao đã gặp viên quản ngục - một người thích "chơi chữ" và muốn xin chữ của ông để treo trong nhà. Huấn Cao được viên quản ngục biệt đãi nhưng vẫn dửng dưng. Tuy nhiên, sau khi hiểu ra tấm lòng của viên quản ngục, ông đã quyết định cho chữ và khuyên viên quản ngục nên về quê sống để giữ "thiên lương cho lành vững".

Chủ đề của tác phẩm "Chữ người tử tù" là quan niệm về cái đẹp và cái thiện. Với Nguyễn Tuân, "cái tài", "cái tâm" vốn không thể tách rời, cái đẹp không thể chung sống lẫn lộn với cái xấu, cái ác. Chủ đề được thể hiện qua cuộc gặp gỡ trong cảnh ngộ đặc biệt giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Thời gian và không gian gặp gỡ của Huấn Cao và viên quản ngục rất đặc biệt, đó là vào những ngày cuối cùng trong cuộc đời Huấn Cao ở chốn ngục tù. Về quan hệ xã hội, họ là những kẻ đối nghịch với nhau, một người là tử tù - chống lại triều đình, một người là viên quản ngục - đại diện cho trật tự xã hội đương thời. Thế nhưng trên phương diện trên phương diện nghệ thuật, họ đều là những người say mê cái đẹp. Huấn Cao là nghệ sĩ tài hoa còn viên quản ngục là người coi trọng cái đẹp. Qua tình huống truyện, tác giả tác giả đã làm nổi bật bản chất của hai nhân vật là Huấn Cao và viên quan cai ngục. Huấn Cao là một người tài giỏi, tâm lương trong sáng nhưng lại bị cầm tù về nhân thân còn viên quan coi ngục là người say mê, yêu thích cái đẹp và coi trọng nhân tài nhưng lại chưa tìm cho mình một môi trường sống và làm việc thích hợp. Huấn Cao được miêu tả nổi bật ở vẻ đẹp tài năng với tài viết chữ và có lí tưởng sống cao đẹp. Tài năng của Huấn Cao được nhiều người biết tới "Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao! Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn La vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?". Mỗi nét bút không chỉ là sự kết tinh tinh hoa, tâm huyết mà còn là sự ký thác của những khát vọng mãnh liệt trong tâm hồn nên . Tài viết chữ đẹp của Huấn Cao ấy đã khiến cho những người đại diện cho trật tự xã hội phải ngưỡng mộ và phải xót xa khi Huấn Cao lĩnh án tử. Không chỉ có tài viết chữ đẹp, Huấn Cao là một người có lí tưởng sống cao cả, dám đứng lên chống lại xã hội đen tối, thối nát đương thời "Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa vượt ngục nữa đúng không?", "Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thành gong cuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt. Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen". Viên quản ngục có ý nương nhẹ cho Huấn Cao thì ông "chằng chút nao lòng", nói những lời ngạo nghễ, bướng bỉnh mà không hề sợ bị đánh đập. Qua những chi tiết trên, chúng ta có thể thấy Huấn Cao là một người có khí phách kiên cường và bất khuất. Sở hữu một tài năng viết chữ vượt bậc nhưng Huấn Cao không vì quyền lực, vàng bạc mà ép mình viết chữ bao giờ. Sau khi ông nhận ra tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục "Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ", Huấn Cao đã tự nguyện cho chữ.

Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Tuân không chỉ hướng về Huấn Cao, viên quản ngục cũng được nhà văn khắc họa một cách rõ nét. Viên quản ngục là người coi trọng cái đẹp, cái tài. Tuy ông ở trong "đề lao", nơi mà con người sống bằng sự tàn nhẫn, lừa lọc nhưng viên quản ngục này vẫn là "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ". Nghe danh Huấn Cao là người có tài viết chữ đẹp nên khi "nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường", ông đã biệt đãi Huấn Cao. Sau khi được Huấn Cao cho chữ và khuyên răn, viên quản ngục đã cảm động "vái người tử tù một cái". Điều này cho thấy mong ước được thoát khỏi chốn ngục tù của viên quản ngục.

Bên cạnh cách xây dựng tình huống truyện và nhân vật độc đáo, tác phẩm "Chữ người tử tù còn sử dụng thủ pháp đối lập, tương phản ở cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Nơi cho chữ là "Buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián", thời gian cho chữ là canh ba nửa đêm gợi cảm giác bí mật, thiêng liêng. Nhà văn đã đặt nhân vật vào trong một tình huống đối lập, tương phản gay gắt giữa ánh sáng và bóng tối. Đó là sự đối lập giữa bóng tối của ngục tù với ánh sáng của bó đuốc, tấm lụa và những con chữ. Người tử tù thì uy nghi, viên cai ngục lại khúm núm "Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng".

Tác phẩm "Chữ người tử tù" đã xây dựng thành công nhận vật Huấn Cao sự hội tụ của của cái tài và cái tâm. Với ngòi bút sắc sảo, nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, tình huống truyện đặc sắc, tác phẩm đã đem đến cho người đọc những ấn tượng khó quên.

7. Viết văn bản nghị luận đánh giá một tác phẩm Trở về  - Thạch Lam

Thạch Lam là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu trong văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930-1945. Truyện ngắn của Thạch Lam không khai thác các xung đột gay gắt, không có nhiều sự việc biến cố mà đi sâu khắc họa những rung động của thế giới nội tâm con người. Trở về là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật viết truyện ngắn của Thạch Lam. Tác phẩm có cốt truyện đơn giản, gần gũi, đời thường và mang khá đầy đủ những đặc trưng cơ bản của thể loại truyện ngắn nhưng chứa đựng những thông điệp có ý nghĩa sâu sắc.

Truyện mở ra bằng một tình huống rất đơn giản, nhẹ nhàng: “Tâm và vợ chàng về nghỉ mát ở nhà một người bạn ở vùng thôn quê. Khi người bạn mời thì Tâm nhận lời ngay, vì chàng tính được chỗ nghỉ mát suốt một tháng hè không phải mất tiền, vả lại tiện hơn nữa, chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó”. Điều khiến người đọc bất ngờ là suy nghĩ và thái độ của Tâm trong lần trở về này hoàn toàn trái ngược với những dự đoán của người đọc về tâm trạng của những người con xa quê trong tình huống trở về sau nhiều năm xa cách.

Tâm về thăm nhà “sau năm, sáu năm xa cách”, đó cũng là khoảng thời gian Tâm đã nỗ lực “để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết”. Việc “không cho mẹ biết” về cuộc sống hiện tại của Tâm làm cho người đọc tò mò: tại sao Tâm phải dấu một chuyện hệ trọng như thế với mẹ. Lần theo câu chuyện người đọc dần hiểu rõ về hành động của Tâm. Cuộc sống giàu sang nơi thành thị khiến Tâm “chắc chắn không bao giờ muốn nghĩ đến quê nhà nữa”. Trong suy nghĩ của Tâm những liên lạc với chốn thôn quê chỉ đem đến cho Tâm những rắc rối: “Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi”. Với mẹ, Tâm chỉ nghĩ hàng tháng dấu vợ gửi tiền về giúp mẹ là đã làm “đủ bổn phận” và thậm trí Tâm còn “giận bà mẹ, vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế”. Tâm “giận mẹ” bởi bà là người có xuất thân quê mùa. Nỗi giận và sự bao biện về hành vi giấu diếm của Tâm “vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế” khiến cho bất cứ người con nào cũng nổi giận và thấy Tâm thật đáng khinh. Cảm xúc của Tâm khi về đến đầu làng những tưởng chính là cảm xúc của người xa quê lâu có dịp về thăm trước cảnh cũ, người xưa “khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng”, “Một cái cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngửng đầu lên nhìn, chàng vừa đi vừa bước vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ”, “ Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường…”. Cảnh tượng ấy làm Tâm nhớ về quá khứ cũng như bao người khác khi trở về thăm nhà sau nhiều năm xa cách nhưng cảnh tượng ấy với Tâm chỉ gợi cảm giác đau đớn, tủi hổ mà bản thân chàng phải chịu khi sinh ra trên mảnh đất ấy “Trên đường giải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.”, “Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này”. Và bất giác Tâm thấy tự phụ vì đã “vượt hẳn được cái bực nghèo hèn ấy”. Thật không khó để nhận ra thái độ khinh bỉ, coi thường người nhà quê qua sự tự phụ của nhân vật Tâm.

Với việc xây dựng điểm nhìn của người kể chuyện toàn tri tác giả đã khắc họa rõ nét tính cách nhân vật Tâm. Sự khéo léo di chuyển điểm nhìn giữa hiện tại là cuộc sống giàu sang, đủ đầy của Tâm với quá khứ nghèo hèn, đau đớn, tủi hổ mà Tâm phải chịu đựng; giữa bên ngoài là dáng vẻ, hành động trở về thăm nhà với bên trong là tâm trạng miễn cưỡng của nhân vật đã cho thấy thái độ vô ơn của Tâm với nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng Tâm thành tài. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật nhẹ nhàng, tinh tế phù hợp với tâm lí thường thấy của một bộ phận người trong xã hội đã làm góp phần làm nổi bật ý nghĩa của câu chuyện: những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ, sống vô tình, không biết trân trọng những gì trong quá khứ đã giúp mình trưởng thành, cho mình cuộc sống tốt đẹp ở hiện tại. Cốt truyện đơn giản không có nhiều sự việc, biến cố, không có các tình tiết gay cấn giàu kịch tính nhưng ám ảnh người đọc bởi sự vô ơn và lạnh lùng của nhân vật Tâm.

Những yếu tố nghệ thuật kể trên đã góp phần làm nên giá trị của câu chuyện: qua câu chuyện nhà văn gửi gắm vào đó lời nhắn nhủ tới bạn đọc: cần biết lên án những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ; phải biết trân trọng những người, những việc đã giúp mình trưởng thành và cho mình cuộc sống ở hiện tại. Những yếu tố ấy cũng thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo mang phong cách rất riêng của nhà văn Thạch Lam.

Các yếu tố đặc sắc của truyện góp phần làm nên sức sống cho tác phẩm, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc và tạo dựng cá tính sáng tạo riêng của nhà văn Thạch Lam. Nội dung truyện nhẹ nhàng mà có ý nghĩa sâu sắc, gieo vào lòng người đọc những bài học làm người sâu sắc.

8. Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nét đặc sắc về chủ đề và nhân vật trong truyện ngắn Áo tết của Nguyễn Ngọc Tư

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn mang nét mộc mạc và bình dị của con người miền đất Nam Bộ. Văn phong của cô có nét đặc trưng riêng và sức sống sáng tác mạnh mẽ - điều mà ít nhà văn làm được tại thời điểm đó. Một trong những truyện ngắn thể hiện rõ nét văn phong cùng khuynh hướng nghệ thuật riêng của nữ sĩ là truyện ngắn Áo tết.

2. Thân bài

* Khái quát chủ đề của truyện

Áo tết kể về tình bạn đẹp giữa bé Em và bé Bích. Bé Em được sinh ra trong một gia đình khá giả, có điều kiện, sống trong cuộc sống an nhàn, hạnh phúc. Còn bé Bình không được may mắn như vậy, gia đình bé khó khăn, không được giàu có và con bé khá vất vả. Bé Em và bé Bích chơi thân với nhau từ nhỏ, ngồi cùng bàn học từ lớp một đến hết lớp năm, lúc nào cũng tíu tít như đôi chim sẻ, đi đâu cũng có nhau. Đến ngày tết, bé Em được mẹ mua cho một chiếc váy hồng nơ hoa rất xinh trong số bốn bộ váy mới cô được mẹ mua để mặc tết. Do gia đình không có điều kiện, lại có nhiều em nên bé Bích nhường quần áo mới cho các em vì vậy bé chỉ có duy nhất một bộ quần áo mới để mặc tết. Từ nhỏ bé Bích đã luôn phải chịu thiệt thòi, mặc lại quần áo cũ của anh trai, ít khi được mặc một bộ quần áo mới dành cho riêng mình. Bé Em nhìn thấy được điều đó nhưng cũng không thể giúp gì được bé Bình. Đến ngày tết đi thăm cô, bé Em mặc bộ đồ gần giống bé Bích chứ không phải bộ váy lộng lẫy được mẹ mua tặng mặc tết. Hai đứa cùng nhau chơi đùa vui vẻ. Trong lòng bé Em không muốn để cho bé Em phải tủi thân, còn bé Bích thì có thể nhận ra được tình cảm mà bé em dành cho mình, dù bé Em có ăn mặc gì nào đi chăng nữa thì tình bạn này vẫn mãi đẹp. Như vậy tác phẩm ca ngợi tình bạn đẹp giữa những đứa trẻ và tâm hôn trong sáng, thánh thiện nhân ái hiểu chuyện của bé Em và Bích.

* Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật

- Nhân vật bé Em: Mở đầu tác phẩm là hình ảnh bé Em được ba mẹ mua cho 4 bộ quần áo để đi chơi Tết, dự định sẽ mỗi ngày diện một bộ. Bé rất vui, muốn đi khoe với người bạn thân nhất của mình. Bé Em hiện ra trước mắt khán giả là con của một gia đình khá giả, được bố mẹ chiều chuộng. Tuy được chiều chuộng, nhưng bé Em là một cô bé có mắt nhìn và vô cùng tinh tế. Cô bé hiểu được rằng, nếu mình khoe ra những chiếc váy sẽ khiến bạn thân của mình bị tổn thương. Vậy nên, em nén lại niềm yêu thích không mặc những bộ váy xinh xắn của mình, mặc một chiếc áo giống bạn. Bé hiểu được phải làm thế nào để bạn mình bớt tủi thân và tình bạn được bền lâu hơn. Bé cũng có suy nghĩ: “mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân.” Đối với sự hiểu chuyện đó, bạn thân cũng hiểu và luôn yêu quý cô bé. Tuy còn nhỏ, nhưng tính cách của cả hai đứa bé đều khiến người lớn khâm phục. Nhất là bé Em, sống trong gia đình và được chiều chuộng nhưng lại chẳng có chút tính cách tiểu thư hay kiêu căng gì cả. Cô bé tinh tế, yêu mến bạn bè, là một người bạn tốt.

- Nhân vật Bích: Nếu như bé Em xuất thân trong một gia đình khá giả thì Bích lại có hoàn cảnh gia dình khó khăn, nhà đông anh em. Vì khó khăn nên Bích là đứa bé sớm hiểu chuyện. Sau khi tan học Bích phụ giúp gia đình nướng bắp cho má kiếm thêm thu nhập. Nhà đông anh em dù phải mặc lại quần áo của anh hai, hay ngay cả khi các em được may hai bộ áo tết còn mình chỉ có một bộ nhưng Bích không bao giờ phân bì tị nạnh. Bé Em khoe với bạn dược mua bốn bộ quàn áo, Bích vui cho bạn nhưng trong lòng có chút buồn và xót xa cho hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên không vì điều đó mà Bích đố kị với bạn. Ngày tết bé Em và Bích cùng đi đến nhà cô chơi khi thấy bạn không mặc bộ đầm đẹp, cô bé đã hiểu được tấm lòng cùng sự tế nhị của bé Em. Với Bích dù bé Em có mặc áo gì đi chăng nữa cô bé vẫn luôn quý bé Em.

- Tình bạn đẹp giữa bé Bích và bé Em: Trong lòng bé Em không muốn để cho Bích phải tủi thân, còn bé Bích thì nhận ra và trân quý tình cảm mà bé em dành cho mình, dù bé Em có ăn mặc gì nào đi chăng nữa thì tình bạn này vẫn mãi đẹp.

* Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề và rút ra ý nghĩa với cuộc sống:

Đặc sắc về nghệ thuật:

+ Sử dụng ngôi kể thứ ba

+ Ngôn ngữ dân dã mộc mạc đậm chất Nam Bộ.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế khi nhà văn hóa thân và đi sâu vào tâm trạng của hai cô bé để khám phá nét đẹp trong trẻo của tâm hồn thánh thiện.

- Nội dung:

+ Qua câu chuyện của bé Em và Bích, nhà văn ca ngợi tâm hồn trẻ thơ thánh thiện, nhân ái, biết quan tâm chia sẻ thấu hiểu hoàn cảnh của nhau. Đó là những đứa trẻ ngoan, hiểu chuyện. Vì thấu hiểu nhau mà Bích và bé Em đã có một tình bạn đẹp.

+ Rút ra ý nghĩa cuộc sống: Trong cuộc sống không phải ai cũng may mắn có điều kiện thuận lợi được chăm chút về vật chất và tinh thần. Vì vậy chúng ta không được coi thường, chê bai bạn của mình mà phải biết quan tâm chia sẻ và động viên bạn. Để có tình bạn đẹp điều quan trọng phải hiểu, thương nhau, biết quan tâm chia sẻ đến cảm xúc của nhau không vì rào cản về vật chất mà đánh mất tình cảm cao quý đó.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 4.145
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm