Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu?

Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung. Đây là nội dung 2 phần Nói và nghe trang 127 SGK văn 10 tập 2 Kết nối tri thức bài Ôn tập học kì II. Sau đây là một số gợi ý giúp các em trả lời câu hỏi trên và chuẩn thật tốt phần Ôn tập cuối kì để củng cố kiến thức môn Ngữ văn 10 trước khi thi.

1. Dàn ý thảo luận cái hay của tác phẩm nằm ở đâu

Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu

1. Nêu vấn đề

Khái quát về tác phẩm Bảo kính cảnh giới (Bài 43) và cái hay của bài thơ.

2. Giải quyết vấn đề

- Câu thơ đầu là câu lục ngôn nói lên một cách sống của thi nhân. Câu thơ bình dị như một lời nói vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”

+ “Ngày trường” là ngày dài. “Rồi” là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, nhàn hạ, cả trong công việc lẫn tâm hồn.

+ Câu thơ phản ánh một nếp sống sinh hoạt nhàn nhã: trong buổi ngày rỗi rãi, lấy việc hóng mát làm niềm vui di dưỡng tinh thần.

- Các câu 2,3,4 nói về cảnh sắc, hai câu 5,6 tả âm thanh chiều hè.

+ Cảnh sắc hè trước hết là bóng hoè, màn hoè. Lá hoè xanh thẫm, xanh lục. “Hoè lục đùn đùn tán rợp trương” -> Ngôn ngữ thơ bình dị, hàm súc và ấn tượng.

+ “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”. “Thức” là tiếng cổ chỉ màu vẻ, dáng vẻ. Trong cành lá xanh biếc, những đoá hoa lựu như chiếc đèn lồng bé tí phóng ra, chiếu ra, “phun” ra những tia lửa đỏ chói, đỏ rực.

+ “Hồng liên trì đã tịn mùi hương”. “Tịn” là hết (tiếng cổ), sen hồng vẫn nở thắm ao làng, nhưng hương đã nhạt, đã dần phai. Sen là biểu tượng cho cái sắc mùa hè làng quê ta. Khi sen trong ao làng đã “tịn mùi hương” tức là đã cuối hè.

- Hai câu kết diễn tả ước mong của nhà thơ: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương” -> Con người Ức Trai lúc nào cũng hướng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyện hi sinh phấn đấu cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc.

- Nghệ thuật: giọng thơ thâm trầm, hồn hậu đáng yêu. Nhiều tiếng cổ, cấu trúc câu thơ thất ngôn xen lục ngôn. Phép đối chặt chẽ về ngôn từ, thanh điệu, hình ảnh và ý tưởng.

3. Kết luận

Tổng kết lại cái hay của bài thơ Bảo kính cảnh giới (Bài 43).

2. Thảo luận cái hay của tác phẩm nằm ở đâu - mẫu 1

Đề tài mùa hè, cảnh hè được nói nhiều trong thơ văn cổ dân tộc, các tác giả Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... đều có một số bài thơ viết về mùa hè rất hay. Bảo kính cảnh giới nằm trong tập Quốc Âm thi tập là một thi phẩm khá tiêu biểu cho ngôn ngữ thi ca ức Trai, đậm đà dấu ấn thời đại, thời Lê, thế kỉ XV, hàm chứa nội dung giáo huấn trực tiếp, nhưng bài thơ số 43 rất đậm đà chất trữ tình, cho ta nhiều thú vị, nói lên cảnh sắc mùa hè làng quê và nỗi ước mong của nhà thơ. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở đề tài, cảm hứng hay nội dung mà nó còn ở nghệ thuật thơ của Nguyễn Trãi, từ cảnh sắc thiên nhiên nói lên nỗi lòng của nhà thơ.

Bài thơ Bảo kính cảnh giới (bài số 43) là bài thơ Nôm Đường luật, đặc biệt là sự kết hợp giữa những câu thơ thất ngôn và lục ngôn. Nếu câu thơ đầu nói lên cách sống của thi nhân thì năm câu thơ tiếp theo lại tả cảnh làng quê Việt Nam xa xưa. Câu thơ đầu tiên là câu lục ngôn với sáu chữ ngắn gọn, bình dị như một lời nói vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”. Hình ảnh Ức Trai hiện lên trong câu thơ là một người tự do, tự tại, không bị ràng buộc bởi “áng mận đào”, vòng “danh lợi” của triều chính nữa, mà trở thành người có thú vui nơi vườn ruộng, làm bạn với cây cỏ, hoa lá nơi quê nhà. Nguyễn Trãi sử dụng những từ ngữ bình dị “ngày trường” là ngày dài, “rồi” là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, nhàn hạ, cả trong công việc lẫn tâm hồn càng thêm sự gần gũi với người đọc hơn. Câu thơ phản ánh một nếp sống sinh hoạt nhàn nhã: trong buổi ngày rỗi rãi, lấy việc hóng mát làm niềm vui di dưỡng tinh thần. Đọc câu thơ, ta có thể phán đoán Ức Trai viết về bài thơ này khi ông đã lui về Côn Sơn ở ẩn.

Các câu 2,3,4 nói về cảnh sắc, hai câu 5,6 tả âm thanh chiều hè. Cảnh sắc hè trước hết là bóng hoè, màn hoè. Lá hoè xanh thẫm, xanh lục. Cành hoè sum suê, um tùm, lá “đùn đùn” lên thành chùm, thánh đám xanh tươi, tràn đầy sức sống: “Hoè lục đùn đùn tán rợp trương”. Cây hoè vốn được trồng nhiều ở làng quê; vừa làm cảnh, vừa cho bóng mát. Hoè nở hoa vào mùa hè, màu vàng, làm dược liệu, làm chè giải nhiệt. Tán hoè toả bóng mát, che rợp sân, ngõ, vườn nhà, lên như chiếc ô, chiếc lọng căng tròn. Mỗi từ ngữ là một nét vẽ màu sắc tạo hình, gợi tả sức sống của cảnh vật đồng quê trong những ngày hè: lục, đùn đùn, tán, rợp trương. Một lần nữa Nguyễn Trãi sử dụng ngôn ngữ thơ bình dị, hàm súc và ấn tượng để miêu tả cảnh thiên nhiên làng quê Việt Nam.

Xuyên suốt cả bài thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng câu chữ bình dị, những hình ảnh gần gũi, quen thuộc với người dân Việt Nam từ cây hòe đến hình ảnh khóm thạch lựu ở hiên nhà trổ hoa rực rỡ: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”. Trong câu thơ có sử dụng từ “thức” là tiếng cổ chỉ màu vẻ, dáng vẻ nhằm gợi tả không gian cành lá xanh biếc, những đoá hoa lựu như chiếc đèn lồng bé tí phóng ra, chiếu ra, “phun” ra những tia lửa đỏ chói, đỏ rực. Chữ “phun” được dùng rất hình tượng và thần tình, gợi lên hình ảnh khóm thạch lựu với những bông hoa nở đỏ rực trước sân nhà, một dấu hiệu cho thấy mùa hè đã đến rồi.

Đến câu thơ thứ tư, người đọc bắt gặp hình ảnh hoa sen – một biểu tượng cho cái sắc mùa hè làng quê ta: “Hồng liên trì đã tịn mùi hương”. Không chỉ sử dụng những hình ảnh quen thuộc, Nguyễn Trãi cũng đưa vào thơ những tiếng cổ để tạo ra hình ảnh thơ sinh động hơn. “Tịn” là hết (tiếng cổ), sen hồng vẫn nở thắm ao làng, nhưng hương đã nhạt, đã dần phai. Khi sen trong ao làng đã “tịn mùi hương” tức là đã cuối hè. Nguyễn Trãi đã chọn hoè, thạch lựu, sen hồng (hồng liên) để tả và đưa vào thơ. Cảnh sắc ấy vô cùng xinh đẹp và bình dị. Nhà thơ đã gắn tâm hồn mình với cảnh vật mùa hè bằng một tình quê đẹp. Thiên nhiên trong thơ ông rất hữu tình và thân thuộc đến vậy. Đây cũng chính là cái hay của bài thơ, cái đặc biệt của thơ Ức Trai.

Hè rất đẹp, rộn ràng trong khúc nhạc làng quê. Ngoài tiếng cuốc, tiếng chim hú, tiếng sáo diều còn có tiếng ve, tiếng cười nói “lao xao” của đời thường:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

Tiếng “lao xao” từ một chài cá làng chài xa vọng đến, đó là tín hiệu cuộc đời dân dã đầy muối mặn và mồ hôi. Nhà thơ lắng nghe nhịp sống đời thường ấy với bao niềm vui. “Lao xao” là từ láy tượng thanh gợi tả sự ồn ào, nhộn nhịp. Hòa nhịp với tiếng lao xao chợ cá là tiếng vang lên rộn rã, nhịp nhàng. “Cầm ve”, hình ảnh ẩn dụ, tả âm thanh tiếng ve kêu như tiếng đàn cầm. “Dắng dỏi” nghĩa là inh ỏi, âm sắc tiếng ve trầm bổng, ngân dài vang xa. Nhà thơ lấy tiếng ve để đặc tả khung cảnh một chiều hè làng quê lúc hoàng hôn buông dần xuống mái lầu (lầu tịch dương) là một nét vẽ tinh tế đầy chất thơ làm nổi bật cái không khí êm ả một chiều hè nơi thôn dã. Tiếng ve lúc hoàng hôn thường gợi nhiều bâng khuâng, vì ngày tàn, màn đêm đang dần dần buông xuống. Nhưng với Ức Trai, nó đã trở thành nhặt khoan trầm bổng, dắng dỏi vang xa, làm cho khung cảnh làng quê một buổi chiều tà bỗng rộn lên bao niềm vui cuộc đời.

Hai câu kết diễn tả ước mong của nhà thơ, toát lên một tình yêu lớn.

“Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Trong thơ ức Trai, hai câu kết luôn luôn là sự hội tụ bừng sáng của những tư tưởng tình cảm cao cả, đẹp đẽ. Hai câu kết với cảm xúc trữ tình được diễn tả bằng một điển tích phản ánh khát vọng cao đẹp của nhà thơ. Ức Trai chân thành bày tỏ: Hãy để cho ta gảy đàn thần của vua Thuấn, ta sẽ gảy lên khúc Nam phong cầu mong cho mọi nhà, mọi chốn, khắp các phương Trời (đòi phương) được ấm no, giàu có. Con người ức Trai lúc nào cũng hướng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyện hi sinh phấn đấu cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc.

Bài thơ Nôm Bảo kính cảnh giới (bài số 43) đã gợi cho chúng ta thấy một khung cảnh trữ tình mùa hè nơi đồng quê, đã đem đến cho chúng ta nhiều thú vị văn chương. Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở nội dung mà nó còn hay bởi một giọng thơ thâm trầm, hồn hậu đáng yêu với sự kết hợp của nhiều tiếng cổ, cấu trúc câu thơ thất ngôn xen lục ngôn. Phép đối ở phần thực và phần luận khá chặt chẽ về ngôn từ, thanh điệu, hình ảnh và ý tưởng cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên cái hay ấy. Cảnh sắc và âm thanh mùa hè quê ta xa xưa như sống dậy qua những vần thơ nhuần nhị đầy cá tính sáng tạo. Ức Trai đã gửi gắm một tình yêu thiên nhiên nồng hậu, một tấm lòng thiết tha với cuộc sống, một niềm ước mong tốt đẹp cho hạnh phúc của nhân dân.

3. Thảo luận cái hay của tác phẩm nằm ở đâu - mẫu 2

Giữa bộn bề ngột ngạt của cuộc sống xô bồ, tìm về với những áng văn Thạch Lam viết về thiên nhiên thơ mộng trữ tình, ta thấy lòng nhẹ nhõm và bình yên đến lạ! Bức tranh quê trong đa số tác phẩm truyện ngắn Thạch Lam, luôn chứa đựng những gì tinh khôi và đẹp đẽ nhất, Thạch Lam là một cây bút được coi là hàng đầu của văn xuôi Việt Nam. Thạch Lam đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có tác phẩm Dưới bóng hoàng lan. tác phẩm là truyện ngắn không có cốt truyện. Nó không kể một câu chuyện mà nó gợi sâu suy nghĩ. Thời gian đọng lại không gian tĩnh lặng hé lộ kín đáo bi kịch đời người màn người đọc phải cảm nhận kĩ mới cảm nhận được. Đó chính là cái thú vị cái đặc sắc của tác phẩm.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Thanh mồ côi cha mẹ, sống cùng bà, hai bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, tuổi thơ của Thanh tuy đầy sự vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che của người bà. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ nhưng lần trở về này đã cách kỳ trước hai năm. Có phải đời sống thị thành đã nhiều lúc khiến Thanh quên rằng người bà tóc bạc phơ đang sống những ngày cuối cùng trong đời mỏi mắt trông chờ anh, đáp lại tiếng gọi bà ơi một cái bóng nhẹ từ bên trong vụt ra rơi xuống mặt bàn anh chàng định thần nhìn con mèo của nhà anh chàng. Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”. Tuy đã xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê, với Thanh ngôi nhà ấy vẫn như ngày nào vậy, tựa như tình yêu thương nơi người bà “ …cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Ngôi nhà thân thuộc ấy phần nào lại khiến cho anh chàng cảm thấy hồi hộp bồi hồi đến kì lạ khiến chàng thấy cảm động quá.

Đọc tác phẩm, người đọc có thể thấy ở Thanh toát lên một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà hơn cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng. Mỗi lần về thăm quê, Thanh đều có cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên. Thanh cảm thấy thời gian như quay ngược lại, không gian đứng lặng, phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ. Các trang văn của Thạch Lam luôn vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại có sức lay động đến bình dị đến vậy. Theo bước chân của Thanh, người đọc như được hòa nhập làm một với nhân vật, được ngắm nhìn khung cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa. Câu văn ngắn gọn mà chan chứa tình cảm của bà “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đã khiến cho người đọc thấy xúc động khôn nguôi, sự quan tâm dù rất nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tình cảm, tấm lòng bao la của người bà đối với Thanh, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Trở về thăm nhà sau hai năm xa quê, gặp lại bà, được nhận những yêu thương, quan tâm của bà, Thanh có cảm giác như được trở về với tuổi thơ khi còn nhỏ “…tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng”.

Hình ảnh người bà tuy xuất hiện không hẳn nhiều nhưng chỉ với vài chi tiết, những hành động, những lời nói quan tâm của bà dành cho Thanh, ta cũng có thể cảm nhận được trọn vẹn tình cảm bao la của người bà. Từ lời quan tâm “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đến lời thúc giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi “Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?…”. Bà sợ cháu đi đường xa về mệt, bà sửa gối chiếu, dùng phất trần để phủi bụi trên giường, bà giục cháu nghỉ ngơi còn mình thì xuống bếp nấu ăn vì sợ cháu đói. Đối với Thanh khi ở bên bà lúc nào cũng có cảm giác được che chở, được quan tâm thì đối với bà, người cháu dù có lớn khôn đến đâu thì với bà lúc nào cũng là một đứa nhỏ cần được yêu thương, chăm sóc: “ …Ở đấy, bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Hình ảnh người bà đã thể hiện trọn vẹn chất thơ trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam, khiến người đọc thấy cảm động trước tình cảm gia đình – tình bà cháu thiêng liêng.

Không gian trong truyện ngắn cũng được Thạch Lam thành công miêu tả một cách sống động, hình ảnh khu vườn xưa hiện lên trước mắt Thanh với con đường Bát Tràng rêu phủ với những vòm ánh sáng lọt qua vòm cây với bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà với cả một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Một khu vườn với cây hoàng lan vốn quen thuộc nhưng lại rất mát mẻ và dịu dàng đối với Thanh đến lạ thường. Và trong không gian bóng hoàng lan ấy, hình ảnh những cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng cũng khiến Thanh hơi dao động phần nào. Chàng cảm thấy không gian náo nhiệt ồn ào ngoài kia như đang dừng lại trên bậc cửa.

Hình ảnh cây hoàng lan xuyên suốt câu truyện gắn với những kỉ niệm khi xưa của Thanh và cũng là nhân chứng cho tình yêu trong sáng của đôi trẻ Thanh – Nga. Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Thạch Lam đã đưa chất thơ vào thể hiện sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, đó cũng chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa. Dù cho tình yêu của Thanh và Nga có chưa đầy sự gian khổ, khó khăn khi Thanh một lần nữa phải lên đường thì nó vẫn bền vững như ngày nào dưới sự chứng kiến của cây hoàng lan, Nga vẫn sẽ đợi Thanh, vẫn sẽ hái hoa hoàng lan cài lên tóc mỗi mùa hoa nở như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa đi được đến hồi kết nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời. Đọc truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, người đọc không chỉ cảm thán bởi tình cảm gia đình, tình bà cháu hay tình yêu đôi lứa của Thanh và Nga mà còn thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng mà đầy chất trữ tình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 49
0 Bình luận
Sắp xếp theo