Soạn bài Xúy Vân giả dại Kết nối tri thức ngắn nhất

Soạn bài Xuý Vân giả dại Kết nối tri thức

Soạn bài Xúy Vân giả dại - Xúy Vân giả dại là một đoạn trích từ vở chèo Kim Nham đã được đữa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 10 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống trang 127 thuộc bài 5 Tích trò sân khâu dân gian. Sau đây là một số gợi ý giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về văn bản Xúy Vân giả dại cũng như trả lời các câu hỏi cuối trang 131 SGK văn 10 tập 1 KNTT để chuẩn bị soạn Soạn Xuý Vân giả dại đầy đủ nhất.

1. Soạn văn 10 KNTT bài Xuý Vân giả dại Kết nối tri thức

Soạn văn 10 KNTT bài Xuý Vân giả dại Kết nối tri thức

1. Tóm tắt Xúy Vân giả dại

Đoạn trích Xúy Vân giả dại được trích trong vở chèo Kim Nham, là đoạn kể về sự việc giả điên của Xúy Vân để mong được thoát khỏi Kim Nham. Xúy Vân trong đoạn trích này không ngừng than thở, kể lể và thể hiện sự điên loạn, dở hơi của mình bằng những giọng điệu của chèo như nói lệch, vỉa, hát quá giang, đế, điệu con gà rừng, hát sắp, hát ngược,… để mọi người tin là mình đã điên thật nhằm mong muốn được Kim Nham giải thoát để đi theo người tình là Trần Phương.

2. Bố cục bài Xúy Vân giả dại

Có thể chia đoạn trích thành

3 phần:

+ Phần 1: Xuý Vân xuất hiện (từ đầu đến “ai biết là ai?”).

+ Phần 2: Xuý Vân xưng danh (từ “bước chân vào” đến “Ờ”).

+ Phần 3: Xuý Vân giãi bày (đoạn còn lại).

3. Giữa sự nở rộ của muôn vàn phương tiện nghe nhìn và các hoạt động giải trí hấp dẫn, bạn nghĩ như thế nào nếu ai đó đề nghị bạn bỏ chút thời gian xem một vở chèo cổ?

Học sinh dựa vào sở thích và ý kiến cá nhân để giải thích. Gợi ý: Em sẽ đồng ý vì rất có hứng thú với thể loại dân tộc này.

4. Bạn có thấy tò mò khi nghe đến tên lớp chèo Xúy Vân giả dại hay không? Hãy tận dụng các điều kiện hiện có của mình để xem lớp chèo này hoặc toàn bộ vở chèo Kim Nham.

Nhan đề Xúy Vân giả dại gợi cho em tự tò mò, cụ thể là không biết nội dung vở kịch như thế nào, sẽ miêu tả một cô gái đang điên loạn hay đằng sau còn có bài học, ý nghĩa gì.

2. Đọc hiểu văn bản Xúy Vân giả dại

1. Hình dung khi thể hiện lời thoại này, diễn viên sẽ có động tác diễn xuất tương ứng như thế nào?

Theo em, khi diễn xuất lời thoại này, diễn viên nên thể hiện biểu cảm đau khổ, hối hận trên gương mặt, kèm với những hành động tự trách, vật vã bản thân như tự đấm ngực mình, ôm đầu bứt tóc,…

2. Lời thoại này thể hiện trạng thái tâm lí gì của nhân vật?

Lời thoại này vừa cho thấy sự hối hận, lại vừa cho thấy sự đau khổ, tủi phận, xấu hổ của Xuý Vân khi trót làm kẻ bạc tình, phụ lại Kim Nham để chạy theo một tên sở khanh là Trần Phương.

3. Chú ý cách nhân vật chèo xưng danh, tự giới thiệu trước khán giả

Các nhân vật tự xưng “tôi”, xưng tên họ một cách khiêm nhường, từ tốn. Ngoài ra còn giới thiệu các đặc điểm của bản thân như “dại dột”, “tài cao vô giá”, “hát hay đã lạ”,…

4. Hình ảnh vợ chồng quấn quýt xuất hiện ở đây có ý nghĩa gì?

Hình ảnh vợ chồng quấn quýt cho thấy mong muốn về một gia đình hạnh phúc, êm ấm của Xúy Vân nhưng đồng thời lại càng khắc họa rõ nét hơn sự hối hận và đau khổ của nàng.

5. Chú ý sự ý thức của nhân vật về chính mình

Lời thoại này cho thấy nhân vật đã nhận ra được hoàn cảnh và sai lầm của bản thân hiện tại: vừa cô đơn, vừa hối hận, lại vừa là kẻ bị phụ tình, bị lừa dối.

6. Lưu ý ngôn ngữ và cách liên hệ bất thường của người điên hoặc giả điên

Ở đoạn này, lời thoại thể hiện rõ sự “điên” của Xúy Vân khi liên tục nói tới những điều vô lý, sai sự thật, chứng tỏ nhân vật đã không còn giữ được sự tỉnh táo, dần mất đi ý thức và không phân biệt được sự việc.

3. Trả lời câu hỏi trang 131 SGK văn 10 tập 1 KNTT

1. Nêu nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân.

+ Nguyên nhân trực tiếp: Lời xúi dục và hứa hẹn ngon ngọt của Trần Phương – gã người tình trăng hoa và đểu cáng (nguyên nhân này có thể được nhận biết một phần qua những chi tiết ngoài văn bản, ở đoạn tóm tắt tác phẩm và một phần qua chính đoạn xưng danh của Xuý Vân trong văn bản).

+ Nguyên nhân sâu xa: nỗi buồn chán, cô đơn khi phải sống xa chồng và niềm khát khao cảnh sống êm đềm, hạnh phúc của Xuý Vân.

2. Trong lớp chèo Xúy Vân giả dại, đoạn lời thoại nào thể hiện rõ nhất “ngôn ngữ điên” của nhân vật? Vì sao bạn xác định như vậy?

- Đoạn lời thoại gắn liền với điệu “hát ngược” ở cuối văn bản (đoạn trích).

+ Điều dễ thấy trước hết ở đây là rất nhiều đối tượng, sự vật được nhắc đến nhưng giữa chúng không có mối liên hệ gì với nhau. Có cảm tưởng Xuý Vân đã tiện đâu nói đó, nhớ gì nói nấy, mỗi câu nói như một mảnh rời, được gá ghép với nhau một cách lộn xộn.

+ Điều thứ hai là mọi sự đã được nhân vật nhìn theo một logic ngược, phải đảo lại hoàn toàn thì mới đúng với ghi nhận của tri giác thông thường: “Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cánh dơi,/ Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,/ Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây”,..

3. Hãy chọn phân tích một đoạn lời thoại để làm rõ những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân

Trong văn bản, theo em đoạn lời thoại thể hiện mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân nhất là từ “Bước chân vào tôi thưa rằng vậy” đến “Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại”. Trong văn bản, Xúy Vân nói với mọi người mà nàng gọi là “chị em”, cũng như đang tự vấn chính mình. Nàng tự xưng tên họ, nói bản thân có “tài cao vô giá”, “hát hay đã lạ”, được gọi là “cô ả Xúy Vân”, cho thấy ở nàng một cô gái xinh đẹp, hát hay, đáng trân trọng. Thế nhưng lại rơi vào nỗi đau khổ khi trót bỏ chồng để đi theo một người đàn ông phụ bạc, “phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương”. Một bên là người con gái đang tuổi xuân thi, với một bên là nỗi đau đớn tủi nhục vì bị ruồng bỏ, sự đối lập này đã cho thấy rõ tâm trạng ân hận của Xúy Vân, chính bi kịch ấy đã đẩy nàng “đến nỗi điên cuồng, rồ dại”. Nỗi ân hận của Xúy Vân tuy muộn màng nhưng cũng cho thấy sự thức tỉnh của nhân vật, điều đó thể hiện nàng đã nhận ra lỗi lầm của mình, đang đấu tranh đau khổ với nỗi ân hận và đau đớn khi đã phụ bạc Kim Nham.

4. Đoạn lời thoại được thể hiện theo điệu “con gà rừng” cho biết những điều gì về cảnh ngộ đời sống cũng như niềm mong ước của Xúy Vân?

Đoạn lời thoại được thể hiện theo điệu “con gà rừng” cho thấy nỗi đắng cay, tấm tức của Xuý Vân khi bị đặt vào một hoàn cảnh không được như ý, có cái gì như là sự cọc cạch, bất tương xứng, chẳng khác tình trạng “Con gà rừng ăn lẫn với công”. Nỗi niềm này không thể được tỏ bày “láng giềng ai hay?”, bởi làm sao có thể nói về một điều do “xuân huyên” (cha mẹ) sắp đặt. Sâu trong lòng, nàng chỉ ao ước được sống trong cảnh vợ chồng sum họp, hoà thuận: “Chờ cho bông lúa chín vàng,/ Để anh đi gặt, để nàng mang cơm”. Nếu việc lặp lại hai dòng “Bông bông dắt, bông bông díu,/ Xa xa lắc, xa xa líu” nhằm diễn tả cảm giác vui vầy, ríu rít của đôi vợ chồng được cùng làm lụng bên nhau, giúp đỡ nhau (theo tưởng tượng, ước mong hơn là theo thực tế), thì việc lặp lại dòng “Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên” (cách quãng, dòng đặt giữa đoạn, dòng đặt cuối đoạn) lại nhằm biểu đạt nỗi ấm ức, bất bình trước thực tại, cố nén xuống bao nhiêu lại dội lên bấy nhiêu. Từ “ức” là tiếng đệm trong câu hát, vừa mô phỏng tiếng kêu của con gà nghẹn thóc, vừa mang nghĩa bất bình, uất ức. Nói chung, sự xen kẽ giữa niềm vui và nỗi buồn trong tâm trạng Xuý Vân đã thể hiện rất rõ khát khao hạnh phúc của nhân vật. Đó là điều cần được cảm thông.

5. Qua đoạn xưng danh của Xúy Vân, có thể nhận ra được những đặc điểm gì của sân khấu chèo (cách xưng danh, sự tương tác giữa người xem và người diễn…)?

Đoạn xưng danh của Xúy Vân đã thể hiện những đặc trưng của sân khấu chèo:

- Xưng danh: Xúy Vân bước ra sân khấu tự xưng danh, tên tuổi, xưng với mọi người là “tôi”, gọi người khác là “thiên hạ”

- Nhân vật: Xúy Vân là kiểu nhân vật tiêu biểu của chèo, một người bình thường không xa lạ với đời sống lao động của nhân dân

- Sự tương tác giữa người xem và người diễn: Xúy Vân chào xung quanh, tự xưng danh giới thiệu với mọi người trước khi nói về bản thân mình → tương tác với khán giả

6. Nêu một số đặc điểm của ngôn ngữ chèo mà bạn nhận biết được qua đoạn trích (thể thơ quen dùng; chất liệu ca dao, dân ca;…).

- Có sự đan xen, phối hợp nhuần nhuyễn giữa nói và hát: xuyên suốt đoạn trích, lời thoại của Xúy Vân được thể hiện qua nhiều điệu như nói lệch, vỉa, hát quá giang, đế, điệu con gà rừng, hát sắp, nói, hát ngược.

- Ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa: “Bông bông dắt, bông bông díu/ Xa xa lắc, xa xa líu”

- Cách nói ví von giàu tính tự sự trữ tình: “Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng”, “chờ cho bông lúa chín vàng”, “con cá rô nằm vũng chân trâu/ để cho năm bảy cần câu châu vào”,…

7. Qua lớp chèo này, bạn hiểu thêm được những điều gì về đời sống văn hóa làng xã Việt Nam thuở xưa?

Lớp chèo có thể hiện nhiều yếu tố về đời sống văn hóa làng xã Việt Nam xưa như:

- Tin tưởng vào tín ngưỡng: “than cùng bà Nguyệt”, “ông Bụt”

- Hàng xóm láng giềng sống với nhau gần gũi, đoàn kết: Xúy Vân gọi mọi người là “chị em ơi!”, lời nói thủ thỉ tâm tình “Chị em ơi tôi than vài câu nhé, chuyện của Xúy Vân láng giềng cũng đều hay biết

8. Xúy Vân giả dại để che giấu điều gì? Bạn đánh giá như thế nào về hành động này của nhân vật?

Xúy Vân giả dại để che giấu sự thật rằng mình đã trót say đắm Trần Phương mà phụ bạc Kim Nham, đồng thời hành động giả dại của nàng còn có mục đích muốn được tự do, thoát khỏi Kim Nham để đi theo Trần Phương.

Hành động này của Xúy Vân tuy là sai trái vì đã phụ chồng, không phải là hành vi đoan chính nhưng đặt trong hoàn cảnh của người phụ nữ xưa thì đây là một điều phần nào có thể thông cảm được vì nàng đang phải sống những ngày vò võ cô đơn đợi chồng về, trong xã hội xưa người phụ nữ lại không được tự do tìm kiếm hạnh phúc nên đây có thể là một phút yếu lòng của Xúy Vân.

9. Với văn bản lớp chèo Xúy Vân giả dại, ta chỉ cần khoảng 3 phút để đọc xong, nhưng để diễn trên sân khấu, cần tới gần 15 phút. Từ thực tế này, có thể rút ra được nhận xét gì về nghệ thuật chèo?

(Gợi ý: chức năng của tích trò; tầm quan trọng của diễn xuất gồm hát, múa và các hình thức biểu cảm khác;…)

Từ thực tế diễn viên mất rất nhiều thời gian để diễn trên sân khấu so với việc đọc chèo có thể thấy nghệ thuật chèo khi diễn trên sân khấu không chỉ dựa vào văn bản gốc mà còn nhiều yếu tố khác như tích trò, diễn xuất, múa hát của diễn viên.

Khi đứng trên sân khấu, tích trò là yếu tố có khả năng thêm thắt, bổ sung cho diễn viên; đồng thời các yếu tố như hát, múa cũng bổ sung nội dung cho văn bản gốc và kéo dài thời gian của vở chèo trên sân khấu.

4. Kết nối đọc - viết Xúy Vân giả dại KNTT

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về nỗi niềm của nhân vật Xúy Vân được thể hiện qua lớp chèo Xúy Vân giả dại.

Trong lớp chèo Xúy Vân giả dại, Xúy Vân xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ vừa điên loạn lại vừa đáng thương. Nàng đang bị giằng xé giữa tâm trạng hối hận và nỗi tủi nhục vì sự cười chê của người đời. Nàng hối hận, cảm thấy tội lỗi vì đã phụ bạc Kim Nham, lại càng đau đớn vì bị Trần Phương bỏ rơi, Người phụ nữ không còn điểm tựa này còn phải đối mặt với nỗi cười chê của láng giềng. Trong xã hội phong kiến xưa, đây là một bi kịch lớn với người phụ nữ. Những câu nói điên loạn, kể lể càng cho thấy sự tuyệt vọng và tủi hổ của nhân vật đã lên đến đỉnh điểm, nàng đang bị mắc kẹt trong nỗi ám ảnh ấy mà không biết chia sẻ cùng ai nên càng rơi vào bế tắc. Hình ảnh Xúy Vân trong lớp chèo này là đại diện cho cảnh ngộ của những người phụ nữ xưa trong xã hội cũ, không được tự quyết định thân phận mình, đến khi muốn tìm hạnh phúc lại bị rơi vào bi kịch.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
8 10.000
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm