Soạn bài Bảo kính cảnh giới lớp 10 KNTT siêu hay

Soạn bài Bảo kính cảnh giới lớp 10 Kết nối tri thức - Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) là bài thơ số 43 nằm trong tập Quốc âm thi tập của tác gia Nguyễn Trãi. Trong chương trình Ngữ văn lớp 10 tập 2 bộ Kết nối tri thức các em học sinh sẽ được học tác phẩm Bảo kính cảnh giới. Sau đây là mẫu soạn văn 10 tập 2 Kết nối tri thức trang 22, 23 sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Bảo kính cảnh giới là một bài thơ Nôm Đường luật của Nguyễn Trãi. Nằm trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới gồm 61 bài trong tập Quốc âm thi tập (254 bài). Bảo kính cảnh giới là những giáo huấn, những trăn trở, suy tư về thế sự, những khoảng khắc thư nhàn, hòa mình với thiên nhiên, cuộc sống nơi thôn dã. Chùm thơ thể hiện tư tưởng, nhân cách của bậc hiền lương và vẻ đẹp phong phú của tâm hồn nghệ sĩ.

Soạn bài Bảo kính cảnh giới ngắn nhất

1. Hãy kể tên một vài bài thơ viết theo thể Đường luật mà bạn đã học hoặc đã đọc

Một số bài thơ viết theo thể Đường luật là:

Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến); Qua đèo Ngang (Bà huyện Thanh Quan); Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương) …

2. Chỉ ra một số đặc điểm hình thức giúp bạn nhận diện được thể loại của các bài thơ đó

- Bài thơ thường có bảy chữ trong một dòng, thường có thể thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú.

- Gieo vần ở cuối câu 1,2,4,6,8 (với thể thất ngôn bát cú) và cuối câu 1,2,4 (với thể thất ngôn tứ tuyệt).

- Với thể thất ngôn bát cú, câu 3 và câu 4 thường đối nhau, câu 5 và câu 6 thường đối nhau.

3. Chú ý các động từ, tính từ, các từ láy và câu thơ sáu tiếng

Học sinh cần chú ý:

- Các động từ: hóng mát, đùn đùn, phun, tịn, đàn.

- Các tính từ: ngày trường, rợp trương, thức đỏ.

- Các từ láy: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi.

- Câu thơ sáu tiếng: “Rồi hóng mát thuở ngày trường”; “Dân giàu đủ khắp đòi phương”

4. Hình dung về bức tranh cuộc sống

Bức tranh cuộc sống được tác giả miêu tả là bức tranh với các gam màu: màu xanh của cây hoè, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hoà quyện lại với nhau, tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè.

Trả lời câu hỏi trang 23 SGK văn 10 tập 2 KNTT

Câu 1 trang 23 SGK Ngữ văn 10 tập 2 KNTT

Xác định thể loại và nêu bố cục của bài thơ.

Trả lời

- Thể loại bài thơ: Thất ngôn xen lục ngôn.

- Bố cục: Chia làm 2 phần:

Chia làm 2 phần:

+ sáu dòng đầu miêu tả bức tranh cuộc sống

+ hai dòng cuối thể hiện tâm tư, ước nguyện của nhà thơ.

Câu 2 trang 23 SGK Ngữ văn 10 tập 2 KNTT

Câu thơ mở đầu cho biết điều gì về cuộc sống và tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Trả lời

- Thời gian: “rồi” – rỗi rãi, thư nhàn

- Không gian: “ngày trường” – ngày dài

- Hành động: “hóng mát”

- Câu thơ lục ngôn, ngắt nhịp 1/2/3

=> Cuộc sống thanh nhàn, rỗi rãi thong dong tự tại, tâm trạng thư thái của nhân vật trữ tình.

(khoảng thời gian hiếm hoi ít ỏi trong cuộc đời con người “thân” ko nhàn mà “tâm” cũng ko nhàn)

Câu 3 trang 23 SGK Ngữ văn 10 tập 2 KNTT

Phân tích một số từ ngữ, hình ảnh được tác giả sử dụng để miêu tả cảnh sắc mùa hè. Từ đó, chỉ ra những nét đặc sắc trong cách cảm nhận thiên nhiên và bút pháp tả cảnh của tác giả.

Trả lời

- Từ ngữ chỉ màu sắc: “lục”, “đỏ”, “hồng” -> gam màu tươi tắn, rực rỡ

- Các chi tiết miêu tả hình ảnh: tán hoè (“đùn đùn”, “tán rợp trương”), hoa lựu (“phun thức đỏ”), ao sen (“hồng liên trì”, “tịn mùi hương”)

- Hình ảnh cây hoè: được miêu tả với màu “lục”, tán cây “đùn đùn” – gợi vẻ đẹp của vòm lá xanh tươi, bừng bừng sức sống; “rợp trương” như chiếc ô màu xanh, cành nhánh lớn lên từng giây phút, đổi thay “trông thấy”.

- Hình ảnh hoa lựu: tín hiệu đặc trưng của mùa hè, căng tràn nhựa sống, bật lên thành “thức đỏ” rực rỡ nơi đầu cành.

- Hình ảnh ao sen: dẫu cuối mùa vẫn gợi liên tưởng về một không gian thanh khiết.

=> bức tranh thiên nhiên tươi sáng, tràn đầy sức sống

* Nét đặc sắc trong cách cảm nhận thiên nhiên và bút pháp tả cảnh của Nguyễn Trãi:

- Sử dụng những hình ảnh, màu sắc đặc trưng của màu hè.

- Sử dụng những động từ mạnh “đùn đùn”, “giương”, “phun”, tính từ “tiễn” để diễn tả sức sống của cảnh vật.

=> Cách nhìn, cách cảm nhận thiên nhiên độc đáo: Thiên nhiên đã trở thành khách thể thẩm mĩ, được quan sát, khám phá bằng nhiều giác quan, luôn nhấn mạnh sự vận động,…

=> Cách tái hiện hình tượng thiên nhiên: nghiêng về bút pháp tả thực; màu sắc và đường nét táo bạo, sống động (khác với bút pháp chấm phá, màu sắc thanh đạm, đường nét hài hoà,… thường gặp trong thơ cổ).

Câu 4 trang 23 SGK Ngữ văn 10 tập 2 KNTT

Cuộc sống của con người được nhà thơ tái hiện qua những âm thanh, hình ảnh nào? Phân tích mối liên hệ giữa khung cảnh ấy với ước nguyện của nhân vật trữ tình trong hai câu thơ cuối.

Trả lời

Cuộc sống con người được nhà thơ tái hiện qua những hình ảnh, âm thanh:

- Đó là hình ảnh một làng chợ cá với những âm thanh “lao xao” của những con người lao động.

- Bức tranh cuộc sống con người còn được tái hiện bằng hình ảnh “lầu tịch dương” với âm thanh tiếng ve kêu rắn rỏi.

* Mối liên hệ giữa khung cảnh và ước nguyện của nhân vật trữ tình:

- Khung cảnh cuộc sống con người được miêu tả là một cuộc sống ấm no, vui vẻ và hạnh phúc.

- Ước nguyện của nhân vật trữ tình đó là ước mình có được cây đàn của vua Nghiêu Thuấn ngày trước để ca ngợi cuộc sống hôm nay.

Khát vọng ấy không chỉ giới hạn ở một miền quê, một vùng đất mà nó hướng tới mọi con người, mọi miền quê trên thế gian này. Đó là khát vọng lớn nhất trong cuộc đời Nguyễn Trãi: mong ước sao cho muôn dân khắp bốn phương trời luôn được sống trong no đủ, thanh bình.

Câu 5 trang 23 SGK Ngữ văn 10 tập 2 KNTT

Nhận xét về vị trí và giá trị của các câu lục ngôn trong bài thơ?

Trả lời

- Vị trí của các câu lục ngôn: Câu đầu tiên và câu cuối bài thơ.

- Giá trị của các câu thơ lục ngôn: Gây ấn tượng mạnh với người đọc về hình thức và nội dung, từ đó thể hiện tư tưởng của tác giả. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự phá cách độc đáo và mới lạ của nhà thơ.

Câu 6 trang 23 SGK Ngữ văn 10 tập 2 KNTT

Đọc bài thơ, bạn cảm nhận được điều gì về vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng của tác giả?

Trả lời

Vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng của nhà thơ:

- Nguyễn Trãi là một người có tâm hồn gần gũi với thiên nhiên, yêu thiên nhiên sâu sắc. Nhà thơ luôn muốn được hòa mình cùng thiên nhiên, nhưng lại không hề quên đi cuộc sống thực tại.

- Ông là người văn võ toàn tài, có cái tâm trong sáng, luôn sống ngay thẳng với phẩm cách trung thực, cao thượng. Nguyễn Trãi đã dành trọn cuộc đời mình với tư tưởng cao cả đó là nghĩ đến hạnh phúc của nhân dân, vì nhân dân, khát khao nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Kết nối đọc - viết trang 23 SGK văn 10 tập 2 KNTT

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích yếu tố “phá cách” trong Bảo kính cảnh giới (bài 43)

Khác với những nhà thơ trung đại gắn bó với những thể thơ truyền thống, dân tộc quen thuộc thì trong tác phẩm Bảo kính cảnh giới của mình tác giả Nguyễn Trãi đã thể hiện sự phá cách đầy sáng tạo khi ông đã Việt hóa thơ Đường Luật vốn mỗi câu có đủ bảy từ thành bài thơ đầu cuối tương ứng với sáu âm sắc. Lại thêm sự mới lạ với cách ngắt nhịp một, hai, ba kết hợp với thanh bằng ở cuối câu làm cho câu thơ nghe như tiếng thở dài nhưng lại không giống thở dài. Với thể thơ đặc biệt này giúp cho bài thơ thêm phần sáng tạo, dễ nhớ, dễ thuộc và cũng phần nào thể hiện phong cách nghệ thuật của tác giả Nguyễn Trãi. Chính vì sự phá cách này cùng sự thành công của tác phẩm đã góp phần đưa Nguyễn Trãi trở thành một trong những người đặt nền móng và mở đường cho sự phát triển của thơ Tiếng Việt.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 815
0 Bình luận
Sắp xếp theo