Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà lớp 10

Tải về

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm là dạng bài viết thường gặp trong chương trình Ngữ văn lớp 10 trong chương trình giáo dục phổ thông mới môn Văn. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà cùng với các bài văn mẫu viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà hay và chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Mời các bạn cùng tham gia group Bạn Đã Học Bài Chưa để cập nhật các kiến thức mới bổ ích về học tập cùng với Hoatieu nhé.

1. Dàn ý thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà

thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà 

1. Mở bài:

- Nêu thói quen mà người viết chuẩn bị thuyết phục người khác từ bỏ: thói quen không làm bài tập ở nhà.

2. Thân bài:

- Nguyên nhân:

Do bị ép buộc nên học với tinh thần chống đối.

Do lười học.

Dành thời gian cho những việc không cần thiết.

- Biểu hiện:

Lên mạng tìm lời giải.

Làm bài qua loa.

Mượn vở bạn để chép.

- Tác hại của thói quen không làm bài tập ở nhà:

Kết quả học tập giảm sút.

Tâm lí sợ sệt, chán nản với việc học.

- Lợi ích của việc từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà: Có thời gian ôn lại kiến thức và tự mở rộng, nâng cao các dạng bài tập.

- Giải pháp:

Cân bằng giữa thời gian học và chơi.

Lập thời gian biểu hợp lí và dành thời gian từ 1-2 tiếng mỗi ngày để tự học.

- Dự đoán sự đồng tình, ủng hộ của những người xung quanh khi người được thuyết phục từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà.

3. Kết bài:

Khẳng định ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà.

2. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu: "Luyện mãi thành tài, miệt mài ắt giỏi". Câu tục ngữ này đã cho sự cần thiết của việc học cũng như quá trình trau dồi, rèn luyện kiến thức. Để tạo ra được hiệu quả trong học tập, chúng ta cần hình thành cho bản thân thói quen làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện điều đó. Không làm bài tập ở nhà đã trở thành thói quen xấu khó bỏ của một bộ phận học sinh hiện nay.

Đã bao giờ các bạn tự đặt ra câu hỏi rằng: Điều gì đã khiến chúng ta ngày càng lười làm bài tập không? Nhiều bạn học sinh có suy nghĩ học tập là nhiệm vụ bắt buộc nên thường học với tinh thần chống đối. Một số bạn khác thì quan niệm thời gian học trên lớp là đủ và không muốn tiếp tục học khi trở về nhà. Chỉ cần bước chân ra khỏi cổng trường, ngay tức khắc chúng ta bị thu hút bởi thú vui khác và quên đi lời dặn dò của thầy cô. Rất nhiều bạn sa vào những trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại; dành hàng giờ đồng hồ để lướt mạng xã hội, xem phim, đọc truyện tranh,... Đó là một trong số rất nhiều những nguyên nhân khiến các bạn học sinh không làm bài tập ở nhà.

Mỗi lần như vậy, chúng ta thường rơi vào tình trạng học để đối phó. Nhiều bạn học sinh sẵn sàng lên mạng tìm lời giải. Thậm chí, có bạn sát giờ lên lớp mới cuống cuồng nhận ra bản thân chưa làm bài tập, liền vội vã mượn bạn để chép. Có lẽ, tất cả biểu hiện trên đều xuất hiện trong chính chúng ta ít nhất một lần trong đời.

Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu cần phải từ bỏ. Thói quen này để lại rất nhiều hệ lụy và hậu quả với mỗi người. Kiến thức bị "hổng" do không được bồi dưỡng, trau dồi thường xuyên sẽ gây ra tâm lí sợ sệt, chán nản với việc học. Từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả và quá trình học tập của mỗi cá nhân.

Nhận ra được tác hại của thói quen không làm bài tập ở nhà và lợi ích khi từ bỏ thói quen này sẽ giúp bạn có được phong thái tự tin khi lên lớp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy". Song hành với việc học và tiếp nhận lí thuyết, chúng ta cần luyện tập và ứng dụng một cách linh hoạt vào thực tiễn cuộc sống. Tự mình hoàn thiện bài tập ở nhà cũng là cách để cá nhân rèn luyện khả năng thực hành. Kết quả học tập vì thế trở nên tốt hơn và đạt được hiệu quả cao hơn. Khi ấy, chúng ta sẽ được bố mẹ tin tưởng, thầy cô, bạn bè yêu mến. Chúng ta học có giỏi mới giúp đất nước phát triển và theo kịp được bước đi của thời đại.

Việc từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà đem lại rất nhiều lợi ích nhưng làm được điều đó không hề dễ dàng. Để có thể thay đổi chính mình, ngay từ hôm nay, các bạn cần xây dựng cho bản thân kế hoạch phù hợp nhằm cân bằng giữa việc học và chơi; tránh sa đà, lãng phí thời gian vào những việc vô bổ, không cần thiết. Tự hình thành cho mình một thái độ học tập đúng đắn và chủ động trong mọi trường hợp, không dựa dẫm, ỉ lại vào người khác. Trong một ngày, các bạn có thể dành ra từ 1 - 2 tiếng để tự học. Khi gặp phải các dạng bài khó hoặc chưa biết cách giải, bạn nên trao đổi với bạn bè, thầy cô. Như vậy, bạn vừa trau dồi được kiến thức đã học vừa có thêm hiểu biết mới.

Có thể nói, việc từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà sẽ giúp học sinh đạt được kết quả cao. Học tập là công việc suốt đời không ngừng nghỉ, đúng như lời của Lê-nin: "Học, học nữa, học mãi".

3. Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà - mẫu 1

Là học sinh, các em luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực bài vở, việc phải học nhiều môn và yêu cầu cho tất cả các môn đều cao nên sau một ngày đi học về các em có hàng núi bài tập để làm. Vậy nhưng lại có không ít hiện tượng học sinh thiếu động lực học, học nhiều nhưng không tiến bộ, và một trong những gốc rễ dẫn đến các vấn đề đó là tình trạng học sinh lười làm bài tập về nhà.

Trong thời đại công nghệ 4.0, các bạn học sinh đang bị sao nhãng với việc học hành bởi những trò chơi điện tử. Đây là thứ cực kì hấp dẫn những em học sinh hiếu động khiến chúng dồn toàn bộ thời gian vào trò chơi, say mê quá mức làm ảnh hưởng lớn đến học tập. Thực ra chơi game vừa đủ để giải trí thì không xấu, nhưng dành ra quá nhiều thời gian và tự làm hại bản thân vì game thì không thể được. Bên cạnh đó, nhiều bài tập về nhà sẽ đố mẹo, học sinh phải suy nghĩ thật nhiều mới có thể giải được, hoặc phải giải đi giải lại nhiều lần thành công. Để cân bằng, các em phải sắp xếp thời gian vô cùng hợp lý cũng như kỉ luật cao với bản thân để không bị rơi vào thói quen lười suy nghĩ, cứ thấy bài tập là trốn tránh ảnh hưởng đến kết quả học tập lâu dài. Áp lực học tập từ bậc phụ huỳnh cũng là nguyên nhân khiến các em học sinh chán nản với việc học, thường thì cha mẹ ai cũng muốn con mình học tốt cho nên đặt quá nhiều kỳ vọng và khắt khe với con, cứ bắt ép học và học. Hết học trên trường lại bắt học ở nhà rồi học thêm… đã dẫn đến nhiều học sinh cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Vì thời gian dành cho việc đi học quá nhiều, quá sức, nên sau khi đi học về học sinh sẽ có tâm thế muốn nghỉ ngơi nhiều hơn và mặc kệ tất cả bài vở. Từ thực trạng đó mà vấn đề học sinh lười làm bài tập về nhà là điều không tránh khỏi.

Mục đích của việc làm bài tập về nhà vốn là để các em có cơ hội thực hành lại các kiến thức mới học. Làm nhiều bài tập về nhà giúp củng cố các kiến thức, giúp các kiến thức đó được hiểu một cách sâu sắc và mở rộng hơn. Việc hoàn thành bài tập về nhà tưởng chừng là điều chán ngắt và vô vị, nhưng thật ra đều đặn làm được việc đó nghĩa là các em đã rèn luyện được những thói quen rất tốt: biết quản lí thời gian, có thể chịu được áp lực, vượt qua sự lười biếng cuả bản thân,… Hơn cả kiến thức, đó chính là các kĩ năng sống sẽ giúp ích cho các bạn học sinh thường xuyên làm bài tập về nhà, mà trước mắt là gặt hái được kết quả cao, tiến bộ lên từng ngày, luôn làm cho bố mẹ tự hào, thầy cô yêu mến, bạn bè quý trọng,…

Các bạn học sinh nào hiện nay đang rơi vào tình trạng lười học, hay lười làm bài tập về nhà thì cố gắng khắc phục nhé vì nó sẽ không tốt cho kiến thức của em và sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình sau này, chưa kể đến gia đình và xã hội. Để khắc phục tình trạng đó, mỗi học sinh chúng ta cần lên thời gian biểu hợp lí cho việc học, cải thiện mức độ tập trung khi làm bài. Hãy trở thành một học sinh gương mẫu, một công dân có ích cho xã hội.

4. Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà - mẫu 2

Ông cha ta có câu: “Dao có mài mới sắc, người có học mới nên. Dốt đến đâu học lâu cũng biết”. Câu tục ngữ trên muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học trong công cuộc trồng người, có rèn luyện, trau dồi kiến thức thì mới có thể thành tài. Để có được một nền tảng kiến thức vững chắc, chúng ta phải không ngừng học tập, biện pháp tốt nhất để lưu giữ kho tàng kiến thức chính là phải có thói quen làm bài tập ở nhà. Tuy nhiên, thực trạng đang rất báo động hiện nay khi việc làm bài tập về nhà trở nên xa vời đối với người học.

Thử hỏi, có bao nhiêu người trên hàng tỉ người rèn luyện được cho mình thói quen ôn bài và làm bài tập ở nhà sau mỗi buổi học. Việc áp lực học tập quá lớn, hay việc gặp những bài tập quá khó kiến học sinh dễ nản chí khi làm bài tập ở nhà. Học sinh hiện nay thường coi nhẹ việc làm bài tập ở nhà, họ dành phần lớn thời gian cho những công việc khác như chơi game, xem phim, lướt mạng xã hội… Thay vì lên mạng tìm tòi những bài học bổ ích phục vụ cho môn học, những cô bé, cậu bé chọn đánh đổi thời gian quý báu của mình để tâm trí bị hút vào những bộ phim, những trang web truyện tranh và những trò chơi của thế giới ảo. Họ cho rằng việc học trên trường lớp là đủ và không muốn học tập, rèn luyện thêm ở nhà. Chính những suy nghĩ đó dẫn đến tình trạng học đối phó. Rất nhiều bạn học sinh không có ý thức làm bài tập, họ sẵn sàng lên mạng tìm kiếm câu trả lời mà không cho bộ não thông minh của mình được vận động. Thậm chí, nhiều bạn học sinh nước đến chân mới nhảy, sát giờ kiểm tra bài tập các bạn mới cuống cuồng đi mượn vở để chép bài, thật đáng buồn cho lớp học sinh đó.

Việc không làm bài tập về nhà là một thói quen đáng chê trách. Nó khiến cho chúng ta phụ thuộc vào những bài giải có sẵn, hình thành thói quen xấu cho bộ não, từ đó dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút, ảnh hưởng nghiệm trọng đến kết quả học tập. Khi đó, ta sẽ có tâm lí chán nản, bỏ bê việc học thậm chí còn có tâm lí sợ việc học. Điển hình ở một số em học sinh khi bị bố mẹ bắt học thì tìm mọi lí do để né tránh, các em chống đối và có những hành động tiêu cực để trốn tránh việc học và làm bài tập như nhốt mình trong phòng, đe dọa mọi người khi nhắc nhở mình học.

Ngược lại, khi chúng ta có ý thức trong việc học tập, rèn luyện và làm bài tập ở nhà, bộ não của chúng ta sẽ được tiếp nhận thêm nhiều kiến thức bổ ích từ kho tàng kiến thức nhân loại. Từ đó, giúp chúng ta có được sự tự tin, nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, đạt kết quả cao trong học tập. Khi ta học tập tốt, ta sẽ được thầy cô, cha mẹ và bạn bè yêu quý. Để làm được điều đó, song song với việc học ta phải kết hợp làm bài tập ở nhà cũng chính là việc “Học phải đi đôi với hành”, có học tập, có thực hành và củng cố thì mới có ngày thành tài.

Từ hôm nay và sau này, mỗi học sinh chúng ta cần phân bổ thời gian học tập hợp lí. Việc tự hình thành thói quen học tập hợp lí giúp chúng ta có ý thức và hành vi đúng đắn trong việc học, vừa hiểu được bài học, vừa hiểu biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích. Học tập và rèn luyện là trách nhiệm của mỗi thế hệ học sinh chúng ta, mỗi bạn học sinh cần phấn đấu học tập để cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho đất nước, như chủ tịch Hồ Chí minh đã nói: “Vì sự nghiệp 10 năm thì phải trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm thì phải trồng người.”

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
36 73.268
Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà lớp 10
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm