Phân tích, đánh giá nội dung và hình thức một trong các tác phẩm văn xuôi đã học trong Ngữ văn 10, tập hai

Phân tích, đánh giá nội dung và hình thức một trong các tác phẩm văn xuôi đã học trong Ngữ văn 10, tập hai. Đây là nội dung đề số 1 trang 121 Ngữ văn 10 tập 2 bộ Cánh Diều thuộc phần Tự đánh giá cuối học kì 2. Sau đây là mẫu dàn ý phân tích đánh giá nội dung và hình thức một tác phẩm văn xuôi lớp 10 cùng với các bài văn mẫu phân tích đánh giá nội dung và hình thức một tác phẩm văn xuôi trong Ngữ văn 10 Cánh Diều, tập 2. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Dàn ý phân tích đánh giá nội dung và hình thức tác phẩm Người ở bến sông Châu

Dàn ý phân tích đánh giá nội dung và hình thức tác phẩm Người ở bến sông Châu

2. Phân tích đánh giá nội dung và hình thức tác phẩm Người ở bến sông Châu

Sương Nguyệt Minh là một nhà văn chiến sĩ, dù đến với văn chương khá muộn song những tác phẩm của ông đều mang tới góc nhìn mới mẻ cho người đọc khi viết về số phận con người. Có ý kiến cho rằng: "Nếu như có thể nếm được, thì các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh đều có vị ngọt và cay. Đó là vị ngọt của phong cảnh làng quê của trăng nước, tình người, vị cay xót của số phận con người", và "Người ở bến sông Châu" là một câu chuyện như thế.

Ẩn đằng sau bức tranh bình dị về cuộc sống hòa bình của nhân dân ta thời hậu chiến, Sương Ngọc Minh gửi lại đó những trăn trở khắc khoải về số phận những con người. Chiến tranh đã qua đi từ lâu song hệ lụy để lại sẽ còn mãi. Bình yên đất nước cũng không thể khiến lòng người bình yên. Dẫu vậy, con người ta vẫn phải sống, vẫn phải bước tiếp để vượt qua nghịch cảnh.

"Người ở bến sông Châu" kể câu chuyện ngày trở về của Mây - một nữ quân y sĩ dũng cảm. Trước khi ra chiến trường, Mây vẫn còn là một cô thiếu nữ xinh đẹp với nước da hồng hào và mái tóc mềm mượt chảy dài như suối, mẹ Mai bảo: "Ngày xưa dì đẹp nhất làng." Ấy thế mà ngày trở về, mái tóc ấy rụng nhiều, xơ và thưa đi. Mây cũng mất đi một bên chân do mảnh găm của đạn khi che chở cho một thương binh. Có thể thấy, chiến tranh đã cướp đi của Mây những năm tháng tươi đẹp của tuổi trẻ, cướp đi tuổi xuân, cướp đi cả một phần trên cơ thể.Chiến tranh còn khiến cho bao gia đình rơi vào cảnh chia lìa, li tán, tước đoạt mạng sống của những người dân vô tội. Thím Ba vốn không trực tiếp tham gia chiến trường, ấy thế mà vẫn phải bỏ mạng bởi những tàn dư mà của chiến tranh. Thím đun te vướng bom bi rồi mất, để lại thằng Cún còn nhỏ đã mồ côi mẹ, nhờ dì Mây nuôi. Bởi vậy, bom đạn chiến tranh có thể qua đi nhưng nỗi đau ở lại đâu dễ gì bù đắp được.

Không chỉ vậy, chiến tranh còn gây ra bao nỗi đau cho tâm hồn dì Mây. Chiến tranh gây ra bi kịch, gây ra hiểu lầm không đáng có, khiến chú San và gia đình ở quê tưởng Mây đã tử trận. Thế rồi chú San lấy vợ - ngay trong ngày Mây trở về. Và thế là, niềm hạnh phúc trong ngày trở về của dì Mây chẳng tày gang. Tình huống thật trớ trêu khi dì Mây và vợ chồng chú San chỉ cách nhau một hàng dâm bụt. Dù còn rất yêu nhưng Mây kiên định "Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ" và quyết định chúc phúc cho chú San và cô Thanh. Mãi sau này, nhân vật chú Quang - người từng được Mây cứu giúp - xuất hiện và dành tình cảm cho Mây. Ngay cả thế, dì vẫn mang đầy những mặc cảm và tự ti về bản thân để rồi từ chối đón nhận hạnh phúc.

Đau khổ là vậy nhưng con người vẫn phải sống và chiến đấu đến tận cùng. Ở dì Mây sáng ngời tấm lòng vị tha, cao thượng. Cô kiên quyết từ chối lời đề nghị sẽ làm lại từ đầu của chú San, nhận lấy đau khổ thua thiệt về mình, nhường lại hạnh phúc cho người khác. Kể từ ngày đó, Mây dù buồn ngẩn ngơ song vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh và cố gắng làm điều tốt đẹp cho cuộc sống. Mây "khoác ba lô ra lều cỏ" phụ cha chèo đò, đưa lũ trẻ đi học chẳng lấy tiền. Vợ San khó sinh, "thai ngôi ngược lại tràng hoa quấn cổ". Tình hình nguy cấp, Mây vẫn bản lĩnh cứu người. Ở Mây lấp lánh vẻ đẹp nhân hậu của một người phụ nữ. Đồng thời, cô cũng sở hữu sự bản lĩnh và lòng dũng cảm của một người lính đi ra từ chiến trường. Và trái tim ấy, một lần nữa lại rỉ máu trong tiếng khóc "nghe xót ra, tủi hờn, xen lẫn niềm ao ước, chờ mong và vui buồn lẫn lộn". Thím Ba mất đi, Mây nhận nuôi thằng Cún và quyết định sống một cuộc đời lặng lẽ trong ngôi nhà tình thương dựng ngay trên căn lều cũ.

Cuối truyện, tác giả có nhắc đến một sự thay đổi nhỏ trong tiếng ru của Mây "lúc đầu trầm lắng, nghèn nghẹn, xót xa, sau êm ái, trong sáng, mênh mang, ngân nga sâu lắng thận sâu thẳm con tim". Phải chăng tiếng ru cũng là tiếng lòng. Ban đầu, tiếng ru vẫn chất chứa những nỗi buồn mênh mang về những đau khổ đã qua và về cả những khát khao bất thành trong hiện tại nhưng rồi lại trong sáng lên, mênh mang thêm như ngầm chấp nhận số phận. Dù thế nào, chúng ta vẫn phải sống tiếp.

Thành công nhất của truyện ngắn phải kể đến góc nhìn độc đáo của Sương Nguyệt Minh khi viết về số phận người phụ nữ thời hậu chiến. Nhà văn đã chú ý và khai thác vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu bên trong họ từ những trắc trở, thăng trầm. Tác giả xây dựng được tình huống độc đáo, tạo nút thắt cho câu chuyện, đồng thời để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách một cách tự nhiên nhất.

Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau thì còn mãi. Dù có đau khổ, người lính vẫn phải sống - sống cao thượng và bao dung. Truyện ngắn "Người ở bến sông Châu" gợi cho ta về tội ác của chiến tranh để ta biết trân trọng sự hi sinh của lớp người đi trước. Đồng thời, nhắc ta biết yêu thương những người xung quanh.

3. Phân tích đánh giá nội dung và hình thức tác phẩm Hồi trống cổ thành

"Tứ đại danh tác" của Trung Hoa bao gồm "Tam quốc diễn nghĩa", "Thủy Hử", "Tây du kí" và "Hồng lâu mộng". Đây đều là những tác phẩm văn học cổ điển lừng danh của đất nước tỉ dân, mang đến bao giá trị tốt đẹp cho xã hội. Trong số đó, tôi thấy đặc biệt ấn tượng với đoạn trích "Hồi trống Cổ Thành" trong tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa". Đoạn trích tuy ngắn gọn nhưng đã bao hàm được phần nào tư tưởng cũng như tài năng của tác giả khi xưa.

"Tam quốc diễn nghĩa" là bộ tiểu thuyết lịch sử dài 120 hồi. Tác phẩm chủ yếu kể lại quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của ba tập đoàn phong kiến Tào Ngụy, Lưu Thục và Tôn Ngô trong gần 100 năm (184 - 280) của nước Trung Hoa cổ. "Hồi trống Cổ Thành" thuộc hồi thứ 28. Đoạn trích đã diễn tả lại cuộc hội ngộ giữa hai huynh đệ Quan Công và Trương Phi. Nội dung của nó có thể được tóm gọn lại bằng hai câu: "Chém Sái Dương anh em hòa giải/Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên".

Trước hết, có thể thấy hoàn cảnh gặp gỡ của Quan Công và Trương Phi khá đặc biệt. Sau một thời gian phải chia li, mỗi người một ngả, nay nghe được tin về Lưu Bị, Vân Trường lập tức đưa hai chị dâu chạy trốn khỏi doanh trại của Tào. Tình cờ, họ đi qua Cổ Thành - nơi Trương Phi vừa chiếm đóng. Trái ngược với sự mừng rỡ khi đoàn tụ của Quan Công, Trương Phi lại tức giận, một mực mang quân ra đòi chém người anh em "kết nghĩa vườn đào" của mình. Hoàn cảnh bất ngờ và éo le ấy chính là cơ hội để các nhân vật bộc lộ tính cách cũng như những phẩm chất đáng quý của bản thân.

Lí do cho việc Trương Phi dẫn quân đánh Quan Công chính là vì sự hiểu lầm. Phi cho rằng anh mình đã hàng Tào. Mặc kệ lời giải thích của hai chị dâu và Tôn Càn, Phi vẫn một mực buộc tội phản bội, bất nghĩa cho Quan Vũ, cho rằng: "Trung thần thà chịu chết chứ không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ". Đến cả cách xưng hô giữa hai người cũng thay đổi. Trong khi Quan Công vẫn dùng "anh" - "em" thân thiết, hết mực nhẫn nhịn, thanh minh cho bản thân thì Trương Phi lại xưng "mày" - "tao" và không ngừng tấn công về phía anh mình.

Mâu thuẫn được đẩy lên tới đỉnh điểm khi Sái Dương - tên tướng bên Tào xuất hiện. Nó khiến cảm xúc tức giận của Trương Phi bùng nổ, làm hiểu lầm giữa hai anh em thêm sâu sắc. Tuy vậy, bằng sự anh dũng và lí trí của mình, Quan Công đã tận dụng cơ hội này để chứng tỏ sự liêm khiết của bản thân. Hai người giao kèo rằng Vân Trường phải chém tên tướng giặc trong ba hồi trống, nhưng chỉ chưa hết một hồi thì đầu Sái Dương đã nằm trên đất. Với sự giải thích của tên lính bắt được cùng những lời của hai chị dâu, hiểu lầm đã được hóa giải. Lúc đó Trương Phi mới nhận ra mình đã trách sai Quan Vũ, liền quỳ sụp xuống lạy anh.

Qua những hành động và lời nói, độc giả đã thấy được rất rõ tính cách, phẩm chất của các nhân vật. Trương Phi tuy nóng nảy, bộc trực nhưng rất trọng tình nghĩa, sẵn sàng nhận lỗi của mình. Quan Công lại mềm mỏng, điềm tĩnh hơn nhưng cũng vô cùng kiên quyết, dứt khoát. Sự đối lập này không những không khiến người này bị mờ nhạt hơn so với người kia mà còn hỗ trợ, làm nổi bật lẫn nhau. Từ đó, tác giả đã mang đến bao giá trị đạo đức vô cùng tốt đẹp. Đó là tấm lòng kiên trung, tình huynh đệ gắn kết, keo sơn cùng sự mưu trí, dũng cảm của những người anh hùng trong thời loạn lạc.

Không chỉ thành công về mặt nội dung, tác phẩm còn rất xuất sắc ở phương diện nghệ thuật. Các nhân vật được thể hiện chủ yếu qua hành động và lời nói, trở thành kiểu nhân vật điển hình với những tính cách điển hình. Tình huống truyện được xây dựng gay cấn, kịch tính, tạo sức hấp dẫn và thu hút trí tò mò của độc giả. Bằng ngôn ngữ giản dị cùng lối văn biền ngẫu, tác phẩm đã trở nên rất dễ để tiếp nhận.

Để làm nên thành công của tác phẩm, ta không thể không thừa nhận tài năng của tác giả. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà văn đã tái hiện lại xã hội Trung Hoa thời Tam quốc. Bộ tiểu thuyết nói chung và đoạn trích "Hồi trống Cổ Thành" nói riêng đã phản ánh rất chân thực những biến động của lịch sử và chính trị giai đoạn đó. Vì là một tác phẩm viết về lịch sử, ta đã thấy sự kết hợp hết sức tài tình giữa yếu tố chính sử và dã sử. Phương pháp kể "bảy phần thực, ba phần hư" đã giúp bộ tiểu thuyết bớt đi những phần khô khan. Qua đó, độc giả cũng cảm nhận được nhiều hơn về ý nghĩa, thông điệp mà tác phẩm mang lại. Không chỉ dùng để phản ánh thực trạng xã hội, ta còn thấy được khát vọng của nhân dân về một quốc gia thống nhất, hòa bình thịnh trị. Ngoài ra, đó còn là quan điểm, cái nhìn, đánh giá về những giá trị đạo đức tốt đẹp như: lòng dũng cảm, sự mưu trí, lòng trung nghĩa,... được thể hiện rất rõ qua hình tượng các nhân vật Quan Công và Trương Phi. Tất cả các yếu tố đó gộp lại đã tạo nên một tác phẩm thành công, vang danh suốt hàng thế kỉ.

Với tầm ảnh hưởng của mình, "Hồi trống Cổ Thành" nói riêng và "Tam quốc diễn nghĩa" nói chung đã và đang tạo sức hút đối với độc giả mọi thế hệ. Giá trị tốt đẹp mà tác phẩm mang lại cho cộng đồng vẫn luôn được lưu giữ, trân trọng đến tận ngày hôm nay. Dễ hiểu khi nó được coi là một trong những "danh tác" nổi tiếng của nhân loại.

4. Phân tích đánh giá tác phẩm Ngày cuối cùng của chiến tranh

Ngày cuối cùng của chiến tranh được viết năm 1995, khi chiến tranh đã lùi xa được 20 năm. Tác phẩm mang đậm hơi thở của hiện thực nhưng không phải là bản tổng kết về chiến tranh, không phải là sản phẩm của quá khứ cũng không phải là sản phẩm của một thời, nó có tính thời đại. Truyện ngắn ấy như được viết hôm qua và nó cứ thế như được viết dành cho tương lai. Câu chuyện đã thể hiện những bài học ý nghĩa về tình người còn sót lại trong chiến tranh, để đến bây giờ vẫn đọng lại dư vị trong lòng người đọc.

Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh một đoàn quân giải phóng thủ đô vào thăm một cô nhi viện để tìm căn cứ địa chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô mùa xuân năm 1975. Sự lấm lét của các cô nhi viện ở đây khiến trung đoàn giải phóng thủ đô nghi ngờ rằng nơi đây có cất giữ tàn quân của địch. Kết thúc câu chuyện vô cùng bất ngờ khiến người đọc cảm động về tình người còn sót lại trong chiến tranh. Hóa ra đằng sau thái độ lấm lét, giấu diếm của các ma sơ là câu chuyện đầy cảm động về tình người: các ma sơ đang dấu những đứa trẻ là con lai bị bỏ rơi trong chiến tranh để dạy dỗ, nuôi nấng chúng. Người đọc bất ngờ bởi những người lính cách mạng không giết hay làm hại những đứa trẻ mà lấy sữa cho chúng uống. Người trung đội trưởng còn rớt nước mắt khi chứng kiến những đứa trẻ đáng thương ở đây. Và đối xử với chúng đầy tình người, ấm áp và chân thành.

Với cốt truyện đó câu lần lượt triển khai nghi ngờ của bộ đội với các ma sơ. Những sơ hở liên tục xảy ra: ma sơ không hành lễ trong suốt ngày dài, có một phòng luôn khóa trái cửa, ma sơ luôn lo lắng lấm lét giấu diếm, lo sợ khi bị bộ đội hỏi han. Chính thái độ giấu diếm này khiến các lính bộ đội nghi ngờ rằng các ma sơ đang dấu địch trong nhà thờ. Các trinh sát của chúng ta cũng khá nhạy bén khi phát hiện những điểm bất thường của các ma sơ. Và nhanh chóng triển khai phương án tác chiến để giải tỏa những mối nghi ngờ, lo sợ khi có địch trong nhà thờ.

Đêm khuya, bộ đội bí mật theo dõi các ma sơ “một bóng đen đang đến” và hầu như án binh bất động ở gốc cây, bóng đen nhảy lên bậc thềm và bước hụt rồi ngã sõng soài, rồi biến mất. Rồi hình ảnh một chiếc cạp lồng cơm đổ đầy ở gốc cây khiến nghi ngờ càng được đẩy lên cao trào, các ma sơ thì lóng ngóng chả ngồi yên, ma sơ giám đốc gần như giấu mặt, tất cả giống như một sự đồng lõa để tố cáo có kẻ địch đang ở đây. Kịch tính càng đẩy đến cao trào và cuối cùng nút thắt được mở đằng sau sự giấu giếm ấy chính là sự bất chấp tính mạng để bảo vệ sự an toàn cho những đứa trẻ lai.

Mọi mối nghi ngờ được giải tỏa hoàn toàn, người đọc cũng thở phào nhẹ nhõm vì không phải các ma sơ bán nước, giấu giếm kẻ địch mà chỉ vì lòng thương hại muốn bảo vệ tâm hồn non nớt của những đứa trẻ đáng thương, vô tội. Câu chuyện thấm đẫm giá trị và ý nghĩa nhân văn chính là vì thế. Ngay trong hoàn cảnh chiến tranh, những ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng con người vẫn vượt lên trên nỗi sợ hãi đó để bảo vệ những đứa trẻ không quen biết. Người lính bộ đội chỉ nhìn thấy những đứa trẻ ấy cũng cảm động, thương xót mà rơi nước mắt, đó chẳng phải là tình người ấm áp bàng bạc trong tác phẩm hay sao? Cảm hứng nhân đạo của tác phẩm chính là ở chỗ đó.

Đặc sắc của tác phẩm không chỉ đến từ nội dung tư tưởng mà còn ở thi pháp , người kể chuyện và ngôn ngữ của tác phẩm. Một cốt truyện ngắn được xây dựng đậm tính kịch và các sự việc được kể nối tiếp rất kịch tính, cao trào được đẩy lên đỉnh điểm và gỡ nút bất ngờ, độc đáo. Kết cấu truyện cũng nhanh gọn, nhà văn không để ngâm lâu các chi tiết mà đẩy tốc độ kể nhanh gọn, giải quyết hợp lý. Người kể chuyện ngôi thứ nhất khiến câu chuyện đậm chất hiện thực, người kể vừa đảm nhiệm việc kể lại câu chuyện, vừa đánh giá, cảm nhận về các nhân vật trong tác phẩm. Ngôn ngữ kể chuyện mang đậm dấu ấn của thời kỳ lịch sử đó cũng góp phần làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Với “Ngày cuối cùng của chiến tranh” chúng ta khâm phục tài năng, sự nhạy bén trong tư duy cùng lối kể chuyện cuốn hút của tác giả. Đằng sau những trang văn là tấm lòng nhân hậu, bác ái, sự đồng cảm và rung động với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Soi vào những trang văn của Vũ Cao Phan người đọc như được khai sáng lòng mình, cảm thấy yêu đời và yêu người hơn, vươn tới lối sống cao đẹp, nhân văn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 240
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm