Giới thiệu, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học hoặc đã đọc

Giới thiệu, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học hoặc đã đọc. Đây là nội dung câu hỏi phần thực hành bài Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá vẻ đẹp của tác phẩm văn học trang 110 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 tập 2 bộ Cánh Diều. Sau đây là dàn ý giới thiệu, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học kèm theo một số bài văn mẫu giúp các em nắm được cách làm bài.

Giới thiệu, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học

1. Dàn ý giới thiệu đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Chữ người tử tù

1. Phần Mở đầu

- Lời chào, lời giới thiệu bản thân.

- Giới thiệu vấn đề chính trong bài nói: đánh giá nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

2. Phần Nội dung

a. Tóm tắt truyện

b. Nội dung

- Nguyễn Tuân đã thể hiện quan điểm thẩm mĩ của mình: cái tài và cái tâm; cái đẹp và cái thiện không thể tách rời.

- Ánh sáng chiến thắng bóng tối, cái đẹp chiến thắng cái xấu xa, nhơ bẩn, “thiên lương” chiến thắng tội ác. Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao thượng của con người.

c. Nghệ thuật

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo.

- Xây dựng thành công cảnh cho chữ, thủ pháp đối lập.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đạt đến trình độ cao.

3. Phần Kết

- Kết luận lại vấn đề.

- Gửi lời chào và lời cảm ơn.

2. Giới thiệu đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Chữ người tử tù

Chào thầy/ cô và các bạn. Mình là ...., hôm nay mình sẽ thuyết trình về vấn đề giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Cả lớp mình cùng lắng nghe nhé!

Tử tù Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Trước khi chịu án chém, ông bị đưa đến giam tại một nhà tù. Biết trong danh sách có ông Huấn Cao, người nổi tiếng viết chữ đẹp, viên quản ngục đã cho người quét dọn phòng giam nơi Huấn Cao và những người tử tù sẽ ở. Trong những ngày Huấn Cao ở tù, viên quản ngục đã biệt đãi ông và những người đồng chí của ông. Sở nguyện của viên quản ngục là xin được chữ viết của Huấn Cao. Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ý khinh miệt, nhưng khi hiểu được tấm lòng viên quản ngục, ông quyết định cho chữ vào cái đêm trước khi bị xử chém. Trong đêm đó, ông Huấn Cao tay viết như rồng bay phượng múa trên tấm lụa bạch còn viên quản ngục và thầy thơ lại thì khúm núm đứng bên cạnh. Sau khi cho chữ, Huấn Cao khuyên viên quản ngục về quê để giữ cho "thiên lương" trong sáng. Viên quản ngục nghe lời khuyên của ông một cách kính cẩn "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".

Chữ người tử tù là truyện ngắn đặc sắc kết tinh được tài năng và tầm vóc tư tưởng của nhà văn của Nguyễn Tuân. Thành công của tác phẩm không chỉ ở việc nhà văn đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo mà còn bởi những nét đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật.

Đầu tiên là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo. Huấn Cao - một tử tù và viên quản ngục tình cờ gặp nhau và trở thành tri âm tri kỉ trong một hoàn cảnh đặc biệt: nhà lao nơi quản ngục làm việc. Tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục đồng thời thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm: ca ngợi cái đẹp, cái thiện có thể chiến thắng cái xấu cái ác ngay ở nơi bóng tối bao trùm, nơi cái ác ngự trị.

Có thể nói, trong truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Tuân đã rất sáng tạo, không kém phần kì công khi xây dựng thành công khung cảnh cho chữ. Đó là cảnh xưa nay chưa từng thấy, cảnh cho chữ diễn ra trong chính ngục thất, nơi Huấn Cao bị giam giữ nhưng được miêu tả hết sức thiêng liêng, cổ kính làm cho cảnh cho chữ tạo ấn tượng sâu sắc hơn cả. Đoạn văn miêu tả cảnh cho chữ đã thể hiện được tài năng bậc thầy của Nguyễn Tuân không chỉ trong việc xây dựng tình huống mà còn ở việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, bút pháp đối lập trong tạo dựng cảnh. Thủ pháp đối lập cùng ngôn ngữ tinh tế đã làm cho cảnh cho chữ hiện lên đầy đủ với vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, rực rỡ.

Cuối cùng là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Chữ người tử tù xoay quanh hai nhân vật chính là Huấn Cao và viên quản ngục, tuy không miêu tả quá nhiều nhưng nhà văn lại chọn lọc được những khoảnh khắc đắt giá, khi nhân vật bộc lộ được những phẩm chất, vẻ đẹp đặc biệt. Huấn Cao được miêu tả với những nét tính cách ấn tượng, đó là người anh hùng ngang tàng, kiêu bạc có tài năng hơn người nhưng cũng là người nghệ sĩ có tâm trong sáng. Viên quản ngục là đại diện của triều đình phong kiến nhưng ở ông lại có biệt nhỡn liên tài, có thiên lương trong sáng, đáng quý có thể lay động lòng người.

Qua Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân không chỉ tái hiện một câu chuyện đặc sắc mà còn thể hiện được thái độ trân trọng đối với người tài, cái tài, đồng thời thể hiện quan niệm và tư duy nghệ thuật đầy sâu sắc: cái tài phải gắn liền với cái tâm, cái đẹp phải đi đôi với cái thiện và thiên lương cao quý.

Bài nói của mình đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy/ cô và các bạn đã chú ý lắng nghe và mình rất mong sẽ nhận được lời góp ý, nhận xét của cả lớp để bài nói được hoàn thiện hơn.

3. Giới thiệu đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

Chào thầy/ cô và các bạn. Mình là...., hôm nay mình sẽ thuyết trình về vấn đề giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong truyện ngắn Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long. Cả lớp mình cùng lắng nghe nhé!

Sapa dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thanh Long hiện lên rất mộng mơ, trữ tình; rất khác với khung cảnh mưa phùn rả rích, sự lạnh lẽo với cái lạnh thấm vào cả con người và cảnh vật. Sapa của Nguyễn Thanh Long là những rặng đào, với những chú bò cổ đeo chuông đang thủng thẳng gặm cỏ ở thung lũng hai bên đường. Và cả một thiên đường đã vẽ ra trước mặt tác giả, bằng con mắt tinh tế và vô cùng tài hoa, người nghệ sĩ già đã vẽ ra trước mắt người đọc thật tuyệt mĩ: “Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc, dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luôn cả vào gầm xe”. Bằng điểm nhìn từ trên cao hạ thấp dần xuống dưới người họa sĩ đã nắm bắt trọn vẹn cái thần, cái hồn của cảnh vật. Bức tranh thiên thiên Sa Pa tươi sáng, rực rỡ với ánh nắng ngập đầy đã khiến cả không gian trở nên ấm áp, và dường như ánh nắng vàng óng ả kia như những chai mật ong, rót xuống triền thung lũng, cỏ cây khiến chúng ngọt ngào hơn bao giờ hết. Hòa trong khung cảnh ấy là cái bồng bềnh, lãng đãng trôi của những đám mây. Chính trong khung cảnh đó đã tạo nên cuộc gặp đầy chất trữ tình ở phía sau.

Chất trữ tình của tác phẩm không chỉ ở khung cảnh nên thơ, lãng mạn mà còn toát lên từ chính cuộc sống của người thanh niên “cô độc” trên đỉnh Yên Sơn. Anh thanh niên quê ở Lào Cai, anh hai mươi bảy tuổi – cái tuổi đầy hoài bão, mơ ước được bay nhảy, nhưng anh lại lựa chọn cho mình một cuộc sống rất khác đó là làm việc khí tượng một mình tại đỉnh Yên Sơn hoang vu. Bác lái xe vẫn gọi anh là kẻ cô độc nhất thế gian, lần anh thèm người quá phải lấy khúc gỗ chắn ngang đường, lần ấy cũng tạo nên cơ duyên để anh được gặp bác lái xe, sau là ông họa sĩ và cô kĩ sư. Anh thèm được trò chuyện, được quan tâm và yêu thương, chứ không phải sự thèm người và chốn phồn hoa đô hội đơn thuần. Anh thanh niên đã từng quan niệm, bản thân và công việc là một đôi, vậy sao có thể gọi là một mình được, khi trò chuyện cùng bác họa sĩ.

Dưới con mắt của nhà họa sĩ, đầy mộng mơ mà cũng hết sức thực tế, cuộc sống anh thanh niên hiện lên thật giản dị, mộc mạc mà cũng hết sức thơ mộng. Anh thanh niên sống trong một ngôi nhà ba gian nhỏ, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ cùng những phương tiện, công cụ làm việc của anh: biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Và nơi nhỏ góc phòng chính là chiếc giường đơn và cái giá sách. Sống một mình nhưng cuộc sống của anh hết sức gọn gàng ngăn nắp. Anh làm việc đúng giờ, dù giờ ốp có vào một giờ đêm giá rét anh vẫn dạy thực hiện nhiệm vụ của mình. Để làm cho đời sống thêm phong phú, sau những giờ làm việc mệt nhọc anh thanh niên còn nuôi gà và có một giá sách hết sức đồ sộ nhờ sự giúp đỡ của bác lái xe. Anh thanh niên biết làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú, ý nghĩa, biết liên tục trau dồi tri thức cho bản thân.

Cuộc sống của anh đâu chỉ có ngăn nắp, gọn gàng mà ta còn thấy một nét vẽ rất khác trong cung cách sinh hoạt ấy, đó là cuộc sống đầy mộng mơ, lãng mạn với vườn hoa vô vàn màu sắc trước cửa nhà. Những bông hoa dơn, hoa thược dược rực rỡ,… không khỏi làm cho cô kĩ sư xúc động, tự nhiên nhận lấy bó hoa người con trai trao tặng cho cô. Quả là dưới con mắt của người nghệ sĩ, mọi sự vật đều trở nên nên thơ hơn, trữ tình hơn. Và chính trong khung cảnh đầy lãng mạn ấy đã bồi đắp, khiến cho cô kĩ sư vững tâm hơn với lựa chọn của mình, bỏ lại sau lưng mối tình nhạt nhẽo, đem thanh xuân của mình cống hiến cho đất nước.

Không chỉ lãng mạn, thơ mộng, chất trữ tình còn toát lên từ chính tính cách của anh thanh niên. Anh là người chu đáo, hết sức quan tâm đến mọi người, nào củ tam thất dành cho vợ bác lái xe tẩm bổ, nào là giỏ trứng cho bố con cô họa sĩ ăn dọc đường và bó hoa to anh dành tặng cho cô kĩ sư, đã đem đến cho cô biết bao niềm tin và động lực về quyết định của mình. Không chỉ vậy anh còn là người có trách nhiệm với công việc. Mưa gió, cái lạnh thấu da cũng không thể cản bước chân anh, anh vẫn hoàn thành các giờ ốp, báo đều đặn về cho “nhà” hoàn thành nhiệm vụ được giao. Niềm hạnh phúc của anh thật giản dị và chân thành, đó là khi báo được đám mây khô, giúp ta tiêu diệt lực lượng địch. Và anh còn là một con người hết sức khiêm tốn. Khi nhận thấy bác họa sĩ vẽ mình anh đã vội vàng xua tay và giới thiệu những người đáng để vẽ hơn. Những nét tính cách đẹp đẽ đó đã góp phần làm nên chất trữ tình đậm nét cho tác phẩm.

Cả tác phẩm bàng bạc chất thơ, thẫm đẫm tình người từ khung cảnh cho đến con người lao động. Bằng những cảm nhận tinh tế và hết sức tài hoa, Nguyễn Thành Long đã đem đến một cái nhìn mới về thiên nhiên Sa Pa, một cái nhìn đúng về thế hệ trẻ trong thời kì xây dựng đất nước. Anh thanh niên chính là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam, cống hiến tuổi xuân, sức lực vì quê hương, tổ quốc. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe bài nói của tôi!

4. Giới thiệu đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

Chào cô và các bạn, em xin tự giới thiệu em là ..... Hôm nay, em xin được giới thiệu đến cô và các bạn truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" của nhà văn Thạch Lam. Đây là tác phẩm độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Kính mong cô và các bạn cùng lắng nghe.

Khi đọc về tác phẩm, nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét rằng: "Cái bóng cây đã có hoa thơm ở đây, dưới ngòi bút Thạch Lam cũng đóng một vai nhân vật. Nhân vật cây - cỏ - hoa ấy đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành". Quả đúng là như vậy, thưởng thức truyện ngắn của ông, độc giả được trở về với quê hương thanh bình, với tình cảm gia đình thân thương, gắn bó. Những điều ấy được khúc xạ, soi chiếu qua cảm nhận của nhân vật Thanh.

Khi vừa trở về nhà, bước chân vào khu vườn của bà, Thanh xúc động không thể nói thành lời. Anh cảm thấy "mát hẳn người", cảm thấy "Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa". Có lẽ, không gian khu vườn chính là hiện thân của bà, của tình yêu thương. Ở nơi ấy, anh được che chở, yêu thương. Đó là điều mà thế giới ngoài kia không có được.

Chắc chắn khi chúng ta gặp lại người thân yêu sau thời gian dài xa cách, chúng ta sẽ rất vui sướng phải không nào? Anh Thanh trong câu chuyện cũng như vậy. Thanh cảm động, mừng rỡ khi gặp lại bà. Chi tiết Thanh đi bên bà, "người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng" thật đặc biệt. Dường như có sự đối lập ở đây. Tuy nhiên, khoảng cách ấy không khiến anh trở nên xa cách mà thấy thật nhỏ bé khi bên cạnh bà. Cảm nhận được tình yêu thương của bà, Thanh vô cùng xúc động, "gần ứa nước mắt". Nhìn về cây hoàng lan trong vườn, những kí ức thuở thơ ấu hiện về trong tâm trí anh. Thanh cảm thấy lòng mình tươi mát, hạnh phúc biết bao.

Về lần này, tâm hồn anh cũng được tưới tắm bởi tình yêu chớm nở với Nga. Nghe thấy điệu cười quen thuộc, anh chưa thể nhớ ra. Chỉ đến khi nhìn thấy bóng hoàng lan, anh mới nhận ra cô bé Nga ngày trước. Đi bên cạnh Nga trong vườn, Thanh cũng ngại ngùng, e ấp, anh cảm nhận được mùi hoàng lan thoang thoảng trong làn tóc Nga. Đứng trước câu hỏi của Nga, anh bối rối không nói, chỉ vít cành lan cho Nga hái hoa. Vào buổi tối cuối cùng ở lại quê, cảm xúc thương yêu dâng trào trong tâm trí anh. Thanh cầm tay Nga, để yên trong tay mình và cảm thấy "có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây".

Trong buổi sáng lên tỉnh, Thanh cảm thấy bâng khuâng, lưu luyến. Anh nghĩ đến căn nhà nơi có hình bóng bà thân quen. Anh biết Nga vẫn sẽ chờ, sẽ mong anh như trước.

Nghệ thuật viết truyện của Thanh Lam đằm thắm mà tinh tế, tất cả như lắng sâu vào bên trong. Thạch Lam luôn đi sâu vào nội tâm, tìm vào cảm giác của nhân vật. Chính bởi vậy, trang văn của ông nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc. Tác giả đã khiến người đọc gác lại những bộn bề, lo toan để tìm về gia đình thân thuộc. Từ đó, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng, yêu quý gia đình hơn.

Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong chuyên mục Ngữ văn 10 Cánh Diều - Lớp 10 thuộc mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 4.091
0 Bình luận
Sắp xếp theo