Phân tích lời nói và tâm trạng của Ra-ma

Ramayana là 1 trong 2 bộ sử thi vĩ đại nhất của người Ấn Độ, là tác phẩm bất hủ, có sức sống trường tồn và thành bài ca của thời đại. Đoạn trích Ra-ma buộc tội đã được giới thiệu đến các em học sinh trong chương trình Ngữ văn lớp 10 tập 1 bộ Kết nối tri thức. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ bài văn mẫu phân tích nhân vật Ra-ma giúp các em hiểu rõ hơn về lời nói và tâm trạng của Ra-ma trong trích đoạn Ra-ma buộc tội.

1. Dàn ý phân tích nhân vật Ra-ma

- Mở bài:

+ Giới thiệu về sử thi Ấn Độ : Được ra đời rất sớm, phản ánh hiện thực cuộc sống và ca ngợi chiến công của các anh hùng, các hình mẫu lí tưởng của Ấn Độ.

+ Giới thiệu về tác phẩm Ra - ma - ya - na: Là một thiên sử thi nổi tiếng của Ấn Độ.

+ Giới thiệu đoạn trích Ra - ma buộc tội: Là một đoạn trích hay trong tác phẩm, đoạn trích làm nổi bật lên hình ảnh nhân vật Ra-ma một người anh hùng được ngợi ca bởi lòng tài năng, đạo đức và danh dự cá nhân.

- Thân bài:

+ Hoàn cảnh đặc biệt tái hợp Ra-ma và Xi-ta:

Hoàn cảnh đặc biệt: Diễn ra trong một không gian đặc biệt - rộng trước sự chứng kiến của người thân, bạn bè, dân làng.

Vị trí của Ra-ma: Là một vị vua, anh hùng có danh dự nhưng cũng là một người chồng yêu thương vợ con hết mực.

Vị trí của Xi-ta: Là một người vợ đau khổ vì bị mất danh dự.

→ Nhân vật bị đặt vào một tình huống đầy kịch tính.

+ Diễn biến tâm trạng Ra – ma:

Thái độ và lời buộc tội của Ra-ma đối với Xi-ta: Xưng hô : "Ta" với " phu nhân cao quý" đó là lời lẽ trịnh trọng nhưng lạnh lùng; Chàng đã khẳng định rằng mục tiêu tiêu diệt quỷ vương không phải vì Xi-ta mà vì danh dự của dòng tộc, danh dự của một người anh hùng bị xúc phạm "ta làm điều đó là vì nhân phẩm... tiếng tăm của ta"; Chàng nghi ngờ phẩm tiết của Xi-ta và tuyên bố rằng sẽ từ bỏ nàng.

→ Chàng đã xúc xúc phạm nhân phẩm của Xi-ta và tuyên bố kết tội nàng một cách tàn nhẫn. Nhưng sâu bên trong Ra-ma chàng vẫn bối rối, xót thương và thêm vào đó là cả sự ghen tuông.

Thái độ của Ra-ma khi chứng kiến cảnh Xi-ta bước chân vào lửa: Chàng trông thật khủng khiếp, mắt thì dán xuống đất không nói một lời nào chàng đau khổ tột cùng nhưng vẫn một mực kiên quyết hi sinh tình yêu để bảo vệ danh dự của một người đứng đầu đất nước.

- Kết bài:

+ Khái quát về nghệ thuật: xây dựng nhân vật đặc sắc lí tưởng, sử dụng nhiều hình ảnh, đối thoại giàu kịch tính...

+ Khái quát nội dung: thể niệm quan niệm của nhân dân Ấn Độ về người anh hùng và phẩm chất của họ cùng với đó là quan niệm về người phụ nữ lí tưởng.

2. Phân tích nhân vật Ra-ma trong Ra-ma buộc tội

Tác phẩm Ra-ma-ya-na có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những bộ sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ nói riêng và của thế giới nói chung. Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở khúc ca thứ 6 chương 79 với tình huống truyện hết sức đặc sắc qua đó thể hiện được những phẩm chất, tính cách của hai nhân vật chính là Ra-ma và Xi-ta.

Ra-ma hiện lên là một người anh hùng, kiên cường, dũng cảm đã đánh bại quỷ vương để cứu người vợ thân yêu của mình trở về. Trong đoạn trích, Ra-ma còn hiện lên với những phẩm chất, tính cách khác mà trước hết là tình yêu với vợ. Tình yêu đó được thể hiện ở quyết tâm đi cứu vợ khỏi quỷ vương Ra-va-na. Vợ rơi vào tay kẻ thù chắc chắn một người chồng sẽ đi cứu vợ và Ra-ma cũng không phải một ngoại lệ. Chàng cứu được Xi-ta vừa vui, vừa lo âu, buồn bã. Tình yêu còn được thể hiện trong sự ghen tuông rất đỗi đời thường, vợ rơi vào tay một người đàn ông khác lâu như vậy, nếu yêu vợ chẳng có ai lại không ghen, lời nói, hành động ruồng bỏ của Ra-ma cũng là vì lẽ ghen tuông ấy mà ra. Ngoài ra, tình yêu của chàng với Xi-ta còn được thể hiện ở nỗi lòng của Ra-ma khi phải buộc tội vợ, lòng chàng đau như cắt, mỗi lời chàng nói ra như có trăm ngàn vết dao cứa vào tim. Nhưng chàng không thể làm điều gì khác ngoài lời buộc tội ấy, bởi ngoài tư cách là một người chồng, chàng còn là vị quân vương tương lai sau này.

Những bên cạnh đó, Ra-ma còn hiện lên với tư cách công dân, vị quân vương tương lai, trọng danh dự, nhân phẩm. Bởi vậy dẫn đến hành động quyết liệt từ bỏ vợ. Hành động của Ra-ma cho thấy chàng luôn luôn đứng trên quyền lợi của cộng đồng để ra quyết định, điều đó cho thấy Ra-ma là người biết nhìn xa trông rộng, bởi lẽ yêu thương luôn đi liền với danh dự, bỏ mất danh dự tình yêu thương chỉ còn là sự thương hại. Điều này khiến cho trong Ra-ma nảy sinh mẫu thuẫn một mặt muốn yêu thương, bảo vệ Xi-ta mặt khác lại muốn bảo vệ danh dự dòng dõi. Tuy có xung đột như vậy nhưng quyết định cuối cùng vẫn phải trên lập trường nhân vật, cộng đồng. Đây chính là vẻ đẹp nói chung của các vị anh hùng trong sử thi, đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi cộng đồng, kiên quyết bảo vệ danh dự đến cùng.

Thông qua đoạn trích Ra-ma buộc tội, tác giả đã khắc họa nên hình tượng người anh hùng sử thi xuất chúng, luôn đứng về phía chính nghĩa và danh dự của dòng tộc.

3. Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội

Sử thi Ấn Độ được ra đời từ rất sớm nó phản ánh một cách sâu sắc hiện thực cuộc sống đồng thời ca ngợi chiến công của các anh hùng lí tưởng. Tác phẩm Ramayana là một trong những thiên sử thi nổi tiếng của Ấn Độ, nó không chỉ ảnh hưởng đến văn hóa và văn học của Ấn Độ nói chung mà nó còn ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới. Đoạn trích "Ra-ma buộc tội" là một trong những đoạn trích hay nhất của Ramayana, đoạn trích đã làm nổi bật lên hình ảnh một người anh hùng được ca ngợi bởi tài năng, đạo đức và danh dự cá nhân.

Đoạn trích mở đầu bằng một tình huống vô cùng đặc biệt, diễn ra trong một không gian đặc biệt: Trước sự chứng kiến của người thân bạn bè và dân làng, Ra-ma buộc tội Xi-ta. Ra-ma là một người anh hùng có danh dự nhưng cũng hết mực yêu thương vợ con mà lại phải buộc tội chính người vợ mà mình yêu thương nhất chỉ vì danh dự. Còn Xi-ta một con người luôn chung thủy với chồng thì giờ đây vô cùng đau khổ vì bị chồng buộc tội. Qua đó, cho thấy nhân vật được đặt trong một hoàn cảnh tình huống vô cùng kịch tính.

Những ngày Xi-ta bị quỷ vương bắt đi đã chia cắt hai vợ chồng và giờ đây hai vợ chồng Ra- ma và Xi-ta đã được đoàn tụ, nhưng đó không phải phút giây hàn nguyên vợ chồng cảm động mà lại là thời điểm giải quyết những mâu thuẫn, xung đột. Gặp lại chồng, Xi-ta vô cùng vui mừng, thế nhưng đáp lại sự nhớ thương, chờ mong của nàng thì Ra-ma đối xử với nàng vô cùng lạnh lùng bởi trong Ra-ma luôn tồn tại mối nghi ngờ vì Xi-ta đã bị quỷ vương bắt đi một thời gian, liệu nàng có chung chạ chăn gối với hắn ta không là điều không ai biết. Nghi ngờ danh tiết của vợ nên Ra-ma có ý muốn chối bỏ dù rất yêu thương vợ.

Cuộc gặp gỡ, đoàn tụ của hai vợ chồng sau bao ngày xa cách không chỉ có hai người mà diễn ra trước đông đảo anh em, bạn hữu và dân chúng. Chính bởi thế Ra-ma không thể chỉ cư xử với tự cách của một người chồng mà còn với tư cách của một vị anh hùng vừa chiến thắng kẻ thù một cách vinh quang và cao hơn nữa là tư cách của một đấng quân vương. Do vậy mà ta không thể nào mà trách Ra-ma quá lạnh lùng, tàn nhẫn, vì con người của giai cấp, con người của xã hội trong chàng buộc Ra-ma phải cư xử một cách tàn nhẫn như vậy với người vợ mà chàng trân trọng gọi là phu nhân cao quý. Còn đối với nhân vật Ra-ma thì danh dự của bản thân, gia đình và dòng tộc là quan trọng nhất, cho nên dẫu yêu thương người vợ hiền thục, xinh đẹp đến mấy đi chăng nữa thì chàng vẫn phải chối từ vì không thể vượt lên trên dư luận.

Trước hành động buộc tội của Ra-ma đối với mình, Xi-ta đau khổ, tủi nhục và vô cùng kinh ngạc: "như một cây leo bị vòi voi quật nát". Lúc này nàng dùng những lời lẽ hết mực đúng đắn để thanh minh cho bản thân và đem tình yêu làm bằng chứng để thuyết phục Ra-ma. Sau đó, nàng còn lên án hành vi, thái độ bốc đồng của phu quân "cớ sao chàng...đâu có phải". Nàng còn mang tư cách, danh sự ra để đảm bảo và nói lên sự vô tình của Ra-ma. Sau đó nàng còn lấy nguồn gốc cao quý của bản thân ra để nhấn mạnh rằng vì tình yêu nên nàng mới đến với Ra-ma. Cuối cùng nàng đã quyết định bước chân lên giàn thiêu để chứng minh sự trong sạch cho mình: "nếu con... con", nàng còn cầu xin thần A-nhi chứng giám cho sự thủy chung và trinh tiết của nàng, Xi -ta đã không chết vì được thần lửa cứu giúp và chính điều đó đã chứng minh được sự trong sách cho nàng. Qua đó, cho thấy tác giả đã khắc họa lên một nhân vật Xi - ta trong sáng, toàn vẹn, chân thực nàng xứng đáng một mẫu người phụ nữ lí tưởng của thời đại.

Có thể khẳng định đức hạnh và phẩm chất tốt đẹp của Xi-ta đã làm chấn động cả thần thánh, con người và ma quỷ. Tất thảy đểu rơi lệ trước nỗi oan của nàng. Cuối cùng quả đúng như lời cầu xin của nàng Xi-ta, thì thần Lửa A-nhi đã giải oan và bảo vệ nàng nguyên vẹn. Qua sử thi nổi tiếng “Ra-ma-ya-na” chúng ta thấy dân tộc Ấn Độ đã dựng lên một vị anh hùng của chính dân tộc họ và qua đó cũng thấy được sự đức hạnh, thủy chung của người phụ nữ Ấn Độ lúc bấy giờ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 3.677
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm