Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học lớp 10 Cánh Diều

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học lớp 10 Cánh Diều. Đây là nội dung bài học trang 107 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 tập 2 bộ Cánh Diều. Trong bài học này các em sẽ thực hành viết bài văn phân tích, đánh giả nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học hoặc đã đọc. Sau đây là gợi ý soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học lớp 10 Cánh Diều tập 2. Mời các em cùng tham khảo.

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học ngắn gọn

Soạn Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học ngắn gọn

Định hướng

- Yếu tố hình thức nghệ thuật nào đã được xác định để phân tích, đánh giá trong từng đoạn trích trên?

- Mỗi tác giả đã chỉ ra tác dụng của yếu tố hình thức ấy trong việc thể hiện nội dung, ý nghĩa như thế nào?

- Đoạn nào chủ yếu sử dụng thao tác phân tích và đoạn nào tập trung nêu cảm nhận, đánh giá của người viết? Hãy chỉ ra sự khác nhau giữa phân tích và đánh giá trong hai đoạn trích trên.

Trả lời

* Đoạn 1:

- Yếu tố hình thức nghệ thuật đã được xác định để phân tích, đánh giá trong đoạn trích số 1 là: Bút pháp hiện thực

- Tác giả đã chỉ ra tác dụng của yếu tố hình thức ấy trong việc thể hiện nội dung, ý nghĩa là:

+ Điều đó được thể hiện trong việc xây dựng các nhân vật, chia thành hai phe: chính thống và phản nghịch, đều rất thực

- Đoạn từ đầu đến “đều thực” là đoạn tập trung nêu cảm nhận, đánh giá của người viết và phần còn lại chủ yếu sử dụng thao tác phân tích.

* Đoạn 2:

- Yếu tố hình thức nghệ thuật đã được xác định để phân tích, đánh giá trong đoạn trích số 2 là: dùng cái động để gợi cái tĩnh

- Tác giả đã chỉ ra tác dụng của yếu tố hình thức ấy trong việc thể hiện nội dung, ý nghĩa là:

+ Giúp cảm xúc của Nguyễn Khuyến được tiết chế, giấu kín

+ Lối thể hiện ấy giữ cho tình nồng mà lời vẫn đạm.

- Từ đầu đến “bao nhiêu xa vắng của thiên không” chủ yếu sử dụng thao tác phân tích và đoạn còn lại tập trung nêu cảm nhận, đánh giá của người viết.

- Sự khác nhau giữa phân tích và đánh giá trong hai đoạn trích trên là:

+ Ở đoạn 1 thì người viết tập trung nêu cảm nhận, đánh giá trước rồi mới đi vào phân tích

+ Còn ở đoạn 2 thì người viết phân tích xong mới nêu cảm nhận, đánh giá của mình.

Hướng dẫn Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học trang 107

Đối tượng phân tích, đánh giá có thể là toàn bộ tác phẩm hoặc chỉ tập trung vào một số yếu tố nổi bật về nội dung đề tài, cảm hứng... hình thức nghệ thuật (ngôn từ, kết cấu...). Để viết bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học, ngoài các yêu cầu cơ bản đã nêu ở Bài 5 (trang 29), các em cần chú ý thêm một số điểm sau:

- Xác định đối tượng phân tích, đánh giá: toàn bộ tác phẩm hay một số yếu tố, thể loại của tác phẩm, tác giả và bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời...

- Xem xét cách triển khai bài phân tích, đánh giá toàn bộ tác phẩm khác phân tích, đánh giá một số yếu tố như thế nào. Tham khảo gợi ý sau:

Các phần

Phân tích, đánh giá toàn bộ tác phẩm

Phân tích, đánh giá một số yếu tố

Mở bài

Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả, bối cảnh lịch sử và khái quát giá trị lịch sử của tác phẩm

- Giới thiệu tên tác giả, tác phẩm, thể loại

- Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá

Thân bài

- Nêu tóm tắt nội dung chính của tác phẩm

- Phân tích giá trị của tác phẩm (nội dung và nghệ thuật)

- Đánh giá (nhận xét, bình luận) về thành công của tác giả trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật

- Giới thiệu cụ thể một số yếu tố nổi bật mà bài viết phân tích, đánh giá

- Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố đã nêu

- Đánh giá (nhận xét, bình luận) về vai trò, tác dụng của các yếu tố ấy trong tác phẩm

Kết bài

- Khái quát về vị trí, ý nghĩa của tác phẩm đối với sự nghiệp văn học của tác giả.

- Chỉ ra tác động của tác phẩm với người đọc và với cá nhân người viết

- Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm

- Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích.

Thực hành viết

Viết bài văn phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung hoặc hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học hoặc đã đọc

1. Dàn ý phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung hoặc nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học

I. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh).

II. Thân bài

1. Nội dung

Bài thơ thể hiện những cảm xúc, những rung động tâm hồn trước cảnh vật thiên nhiên trong những ngày hạ mạt thô sơ giữa thời khói lửa.

2. Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

a. Khổ 1: Tín hiệu của sự chuyển mùa

- Dấu hiệu “hương ổi” => mang đậm hương vị miền quê.

- Động từ mạnh “phả” => gợi liên tưởng cho người đọc về màu vàng ươm, hương thơm nồng nàn của “hương ổi” tỏa ra những cuối hạ, đầu thu đang phả vào trong “gió se”.

- Dấu hiệu “sương thu” kết hợp từ láy tượng hình “chùng chình” => gợi những bước đi chầm chậm sang của mùa thu.

b. Khổ 2: Quang cảnh trời đất khi vào thu

- Từ láy “dềnh dàng” => dòng chảy không còn vội vã, như muốn đi chậm lại để tận hưởng những vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của mùa thu.

- Nhân hóa “chim vội vã” => đối lập với sự “dềnh dàng” của dòng sông, những đàn chim đang hối hả đi tìm thức ăn và bay về phương Nam xa xôi để tránh rét.

- Động từ “vắt” được dùng để miêu tả hình ảnh đám mây mùa hạ: đám mây được đặt ngang trên bầu trời, buông thõng xuống, gợi sự tinh nghịch, dí dỏm, chủ động.

c. Khổ 3: Cảm nhận và suy nghĩ của nhà thơ về cuộc đời

- Các từ ngữ vẫn còn, đã vơi dần, cũng bớt bất ngờ được dùng rất hay để miêu tả về thời lượng và sự xuất hiện của sự vật nắng, mưa, sấm.

- Nắng, sấm, mưa: hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những biến đổi, những khó khăn, thử thách trong cuộc đời con người.

- Hàng cây đứng tuổi: ẩn dụ cho những con người từng trải, được tôi luyện qua những gian lao, thử thách của cuộc đời.

III. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của bài thơ.

2. Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung hoặc nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học

Một mùa thu đầy lãng mạn và trữ tình đã trở thành đề tài quen thuộc trong những trang thi ca. Hữu Thỉnh – một cây bút trưởng thành từ quân đội, với những lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng đã mang đến cho độc giả bao cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời. Bằng sự sáng tạo, tâm hồn nhạy cảm trước sự vật, sự tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh Sang thu thật quen thuộc và cũng thật mới lạ.

Sang thu với chủ đề về thiên nhiên mùa thu kết hợp cùng cảm hứng chủ đạo là những cảm xúc, những rung động tâm hồn trước cảnh vật thiên nhiên trong những ngày hạ mạt thô sơ giữa thời khói lửa. Bên cạnh đó, là những nét độc đáo trong nghệ thuật, cách sử dụng từ ngữ sáng tạo, hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa để làm nổi bật lên chủ thể trữ tình được nói đến trong bài – mùa thu.

Nếu Xuân Diệu lấy sắc “mơ phai” của lá để báo hiệu thu tới thì Hữu Thỉnh cảm nhận qua “hương ổi”, một mùi hương quen thuộc với miền quê Việt Nam: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se. Động từ mạnh “phả” mang nghĩa bốc mạnh, tỏa ra thành luồng. Người nghệ sĩ ấy không tả mà chỉ gợi liên tưởng cho người đọc về màu vàng ươm, hương thơm nồng nàn của “hương ổi” tỏa ra những cuối hạ, đầu thu đang phả vào trong “gió se”.

Dấu hiệu tiếp theo là hình ảnh sương thu khi Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về. Sương thu đã được nhân hóa qua từ láy tượng hình “chùng chình” diễn tả những bước đi rất thơ, rất chầm chậm để mang mùa thu đến với nước nhà. Chữ “se” hiệp vần với “về” tạo nên những nhịp thơ nhẹ nhàng, thơ mộng, gợi cảm như chính cảm giác mà mùa thu mang đến vậy. Khổ thơ đầu được Hữu Thỉnh cảm nhận ở đa giác quan, thể hiện một cách sáng tạo những đặc trưng, dấu hiệu thu đến nơi quê nhà thanh bình.

Không gian nghệ thuật của bức tranh “Sang thu'" được mở rộng, ở chiều cao, độ rộng của bầu trời với cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều dài của dòng sông qua khổ thơ thứ hai:

Sóng được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây màu hạ

Vắt nửa mình sang thu

Nước sông màu thu trên miền đất Bắc trong xanh, êm đềm, tràn đầy nên mới “dềnh dàng”, nhẹ trôi mãi như đang cố tình chảy chậm lại để được cảm nhận rõ nhất những nét đẹp của thiên nhiên tiết trời khi vào thu. Đối lập với sự “dềnh dàng” ấy là sự “vội vã” của những đàn chim đang bay về phương Nam tránh rét. Những đàn chim ấy khiến ta liên tưởng đến đàn ngỗng trời mà thi sĩ Nguyễn Khuyến đã nhắc đến trong Thu vịnh: Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Dòng sông, cánh chim, đám mây mùa thu đều được nhân hóa. Tác giả sử dụng động từ “vắt” để miêu tả cho mây. Đám mây như được đặt ngang trên bầu trời, buông thõng xuống, gợi sự tinh nghịch, dí dỏm, chủ động. Bốn câu thơ đã khắc họa những biến chuyển tinh tế của cảnh vật từ mùa hè sang mùa thu. Mỗi cảnh vật lại có một đặc trưng riêng nhưng tất cả đã làm cho bức tranh mùa thu thêm thi vị hơn.

Những dư âm của mùa hạ vẫn còn: đó là ánh nắng, là những cơn mưa, là tiếng sấm giòn. Tuy nhiên, tất cả đã trở nên dịu dàng hơn, hiền hòa hơn, không còn bất ngờ và gắt gỏng nữa. Đồng thời, những suy ngẫm của tác giả về cuộc đời cũng được gửi gắm qua những câu từ nhẹ nhàng ấy.

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Nắng, mưa, sấm, những hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa: mùa hạ - mùa thu được Hữu Thỉnh cảm nhận một cách tinh tế. Các từ ngữ “vẫn còn, đã vơi dần, bớt bất ngờ” gợi tả rất hay thời lượng và sự hiện hữu của sự vật, của thiên nhiên như nắng thu, mưa thu, tiếng sấm buổi đầu thu. Mùa hạ như còn níu giữ. Nắng, mưa, sấm mùa hạ như còn vương vấn hàng cây và đất trời. Nhìn cảnh vật sang thu buổi giao mùa, từ ngoại cảnh ấy mà nhà thơ suy ngẫm về cuộc đời. “Sấm" và “hàng cây đứng tuổi" là những ẩn dụ tạo nên tính hàm nghĩa của bài " Sang thu”. Nắng, mưa, sấm là những biến động của thiên nhiên, còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những thay đổi, biến đổi, những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Hình ảnh ‘‘hàng cây đứng tuổi'' là một ẩn dụ nói về lớp người đã từng trải, được tôi luyện trong nhiều gian khổ, khó khăn.

Sang thu Là một bài thơ hay của Hữu Thỉnh. Bao cảm xúc dâng đầy trong những vần thơ đẹp, hữu tình, nên thơ. Nhà thơ không sử dụng bút màu vẽ nên những cảnh thu, sắc thu rực rỡ. Chỉ là một số nét chấm phá, tả ít mà gợi nhiều nhưng tác giả đã làm hiện lên cái hồn thu thanh nhẹ, trong sáng, êm đềm, mênh mang... đầy thi vị.

3. Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung hoặc nghệ thuật của đoạn trích “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

(Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến, dẫn nguồn thivien.net)

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Việt Chiến: Ông là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng và luôn nuôi dưỡng trong mình một tâm hồn và lý tưởng viết cho dân và vì nhân dân.

- Giới thiệu về tác phẩm: Đây là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của tác giả Nguyễn Việt Chiến viết về đất nước.

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bài thơ mang nội dung mới lạ khi có cái nhìn Tổ quốc từ biển. Qua bài thơ độc giả thấy được tầm quan trọng của biển đảo quê hương. Đó là một phần máu thịt linh thiêng của Tổ quốc. Đọc bài thơ, càng khơi dậy trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt tình yêu nước nồng nàn và tha thiết.

2. Thân bài

a. Về nội dung:

* Tổ quốc với những đau thương nhưng kiên cường, bất khuất :

- Đất nước với nhiều mất mát đau thương, đã mang trong mình bao vết tích của sự hy sinh, máu đổ. Nhưng mỗi vết tích là một chiến thắng huy hoàng của toàn dân tộc trước quân thù. Sự hy sinh của mỗi người dân Việt Nam đã in hình lên núi, lên sông. Đó là những người chồng người con đã nằm lại nơi chiến trường, còn những người mẹ, người vợ lại trở thành hậu phương vững chắc để rồi hóa thành hòn vọng phu trên đỉnh núi.

- Có thể nói, Tổ quốc nhìn tử biển vẫn luôn thấy còn bao hiểm họa đe dọa. Tuy không công khai, không chính thức nhưng ngày đêm, các chiến sĩ hải quân vẫn phải gồng mình bảo vệ từng mét nước. Đau thương lắm, xót xa vô cùng nhưng cũng tự hào khôn xiết. Có Tổ quốc nào nhỏ bé mà đã đánh đuổi được thực dân và đế quốc mạnh nhất thế giới. Càng ngẫm càng hãnh diễn. Càng nghĩ càng tự nhủ phải góp phần cống hiến để gìn giữ và bảo vệ sự nghiệp của cha ông từ bao đời.

*Quyết tâm giữ gìn biển đảo quê hương

- Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước nồng nàn và cháy bỏng của tác giả cũng như tâm tư, tình cảm của chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ vùng biển của Tổ quốc. – Là một chiến sĩ, đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trận, nhà thơ thấu hiểu rằng: đã là người con nước Việt thì sẽ “không bao giờ chịu khuất”.

- Nhà thơ khẳng định việc bão giông sẽ không bao giờ hết nhưng “Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”. Có nghĩa là nếu còn giặc, còn hiểm họa thì sẽ còn chiên đấu. Hồn dân tộc trong mỗi người con đất Việt sẽ luôn giữ vững. Giống như con tàu kia, vẫn rẽ sóng biển, vẫn vượt giông tô để ra khơi bình an.

b. Nghệ thuật:

- Cả bài thơ là một giả thiết với cụm từ “nếu như” được lặp lại nhiều lần. Tất cả là giả thiết nhưng lại nói nên những câu chuyện có thật, khiến cho bài thơ vừa mang tính tương lai, vừa đan xen quá khứ.

- Với những lần “nếu như” đó, tác giả càng khẳng định thêm tinh thần quật cường kiên trung sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Không chỉ tự hào những gì lịch sử đã làm được, mà tác giả còn khẳng định Việt Nam sẽ tiếp nối truyền thống đó. Nếu tương lai có giông ba bão táp dữ dội hơn, cuồng phong hơn thì người dân Việt Nam vẫn đinh ninh giữ lời son sắt của cha ông, quyết giữ vẹn tròn lãnh thổ.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của đoạn trích.

+ Đây là một bài ca về tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, và đặc biệt là tình cảm dành cho vùng biển đảo quê hương.

+ Những lời thơ trong tác phẩm đã làm lay động trái tim mỗi con dân đất Việt. Trở thành bài ca quen thuộc của các chiến sĩ hải quân nơi hải đảo xa xôi.

4. Viết bài văn phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung hoặc hình thức nghệ thuật “Mùa hoa mận” của Chu Thuỳ Liên

1. Mở bài

- Giới thiệu các thông tin liên quan đến tác phẩm như tên, tác giả, hoàn cảnh sáng tác, đề tài, chủ đề…. nêu ấn tượng cảm xúc chung khi đọc bài thơ.

2. Thân bài

+ Giới thiệu về đoạn thơ (tác giả, hoàn cảnh ra đời của đoạn thơ...).

+ Phân tích, đánh giá đoạn thơ để làm rõ vấn đề của bài viết. Người viết có thể sắp xếp các ý theo trật tự khác nhau (theo bố cục, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, theo các khía cạnh của vấn đề...). Ví dụ, có thể sắp xếp nội dung phân tích, đánh giá theo bố cục, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình như sau:

- Khổ 1 “Cành mận bung cánh muốt……Bóng bay nâng ước mơ con trẻ”: Mùa hoa mận bung nở là tín hiệu báo mùa xuân về.

+ Hoa mận trắng muốt mang không khí, sắc đẹp rộn ràng của mùa xuân.

+ Hoa mận nở báo hiệu mùa xuân với lũ trẻ rộn ràng khăn áo, háo hức chơi cù.

+Màu hoa mận gợi lên bao ước mơ, kỷ niệm gắn liền với tuổi ấu thơ.

- Khổ thứ 2: “Cành mận bung cánh muốt……Giục người già bản hối hả làm đu.”: Dưới cành mận trắng xóa là bức tranh sinh hoạt tấp nập, nhộn nhịp của dân làng để chờ để mùa xuân về

+ Người mẹ xốn xang với lá, gạo để nấu xôi, làm bánh chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tổ tiên

+ Người cha căng cánh nỏ, người già trong bản làm đu, phục vụ cho những trò chơi dân gian của buôn làng khi xuân về

+ Màu hoa mận trắng muốt là tín hiệu báo mùa xuân về trên quê hương

- Khổ thứ ba: “Cành mận bung cánh muốt… Cho người đi xa nhớ lối trở về”: Mùa hoa mận nở trong tâm tư của người xa quê hương, là hình bóng, tín hiệu của quê hương.

+ Màu trắng của cánh mận được lặp lại liên tục trong ba câu đầu của ba khổ thơ, dấu hiệu báo mùa xuân về, tạo tính nhạc và sự liên kết cho khổ thơ.

+ Dưới tán mận không khí chuẩn bị cho mùa xuân mới càng rộn ràng với các phong tục truyền thống

+ Đặc biệt màu trắng của hoa mận, mùi thơm nhẹ nhàng của cánh mận như là dẫn lối để con người trở về quê hương.

3. Kết bài:

+ Khái quát, tổng hợp lại vẻ đẹp nội dung và hình thức của đoạn thơ.

+ Nêu suy nghĩ, đánh giá khái quát và cảm xúc của bản thân về bài thơ

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong chuyên mục Ngữ văn 10 Cánh Diều - Lớp 10 thuộc mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 2.945
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm