Tự chủ là gì?

Tự chủ là gì? Trong hầu hết các vấn đề của cuộc sống thì con người biết tự chủ là một điều quan trọng bởi mỗi người sẽ phải có định hướng, suy nghĩ, tâm tư riêng của mình để lựa chọn điều mình thật sự muốn. Vậy một người tự chủ là như thế nào? Ví dụ cụ thể về tự chủ? Mời bạn tham khảo nội dung cụ thể trong bài viết dưới đây.

1. Tự chủ là gì?

Tự chủ là làm chủ bản thân. Người biết tự chủ là người làm chủ được suy nghĩ, tình cảm hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, tình huống, luôn có thái độ bình tĩnh, tự tin và biết điều chỉnh hành vi của mình.

Tự chủ là một đức tính quý giá, nhờ có tự chủ mà con người biết sống một cách đúng đắn và biết cách cư xử có đạo đức, có văn hoá. Tính tự chủ giúp ta đứng vững trước những tình huống khó khăn thử thách, cám dỗ.

Vậy nên mỗi người cần biết tự chủ để biết cách sống, đúng đắn và biết cách cư xử có đạo đức, văn hoá.

2. Biểu hiện của tự chủ là

Tự chủ là gì?
Tự chủ là gì?

Tính tự chủ sẽ được biểu hiện qua những mặt khác nhau của một con người trong đời sống xã hội như:

  • Hành động: một người tự chủ sẽ luôn chủ động trong những việc mình cần làm và luôn bình tĩnh, tự tin trước mọi tình huống có thể xảy ra với bản thân. Người tự chủ còn biết sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống một cách ngăn nắp.
  • Suy nghĩ và cảm xúc: người tự chủ sẽ luôn chủ động trong các vấn đề của họ đang, sẽ, phải làm và định hướng được vấn đề trong cuộc sống. Họ luôn biết kiểm soát cảm xúc của bản thân trong các tình huống khác nhau.
  • Nghiêm khắc với bản thân: họ luôn biết cách kiểm điểm, nhìn nhận, suy nghĩ về bản thân, để sửa sai và không né tránh những cái sai của mình.

Vì thế một người có được tính tự chủ cần rèn luyện từ suy nghĩ, cảm xúc đến hành động của bản thân. Luôn biết được hướng đi đúng đắn trong cuộc sống hằng ngày cũng như công việc. Một người có tính tự chủ thì luôn có hướng đi phù hợp cho mình, biết mình nên làm gì để tốt nhất cho bản thân và không làm những điều không hợp với mình.

3. Ví dụ về tính tự chủ

Trong cuộc sống chúng ta luôn có những con người biết tự chủ và người không biết tự chủ. Những ví dụ dưới đây là những hành động của con người biết tự chủ:

  • Biết cân nhắc trước khi làm một việc gì đó;
  • Có kế hoạch riêng cho từng công việc khác nhau;
  • Biết nhìn nhận đúng/ sai trong một vấn đề;
  • Suy xét sự việc dưới nhiều khía cạnh trước khi ra quyết định;
  • Biết cách cư xử với mọi người một cách từ tốn, nhẹ nhàng;
  • Ý thức được việc học tập là đặt lên hàng đầu;
  • Biết làm công việc phụ giúp gia đình;

4. Người có đức tính tự chủ là người như thế nào?

Chúng ta ai cũng hiểu tự chủ chính là tự giác làm những công việc của bản thân mà không cần người khác nhắc nhở. Đây chính là một đức tính quan trọng dẫn đến thành công của mỗi người.

Khi chúng ta còn là một học sinh thì tự chủ là công việc liên quan đến công việc cá nhân và học tập, nhưng khi lớn lên thì tự chủ chính là làm công việc của bản thân. Lúc ấy bạn đã trưởng thành và không có bố mẹ lúc nào cũng chăm sóc nên việc tự chủ là điều tất yếu. Bởi vậy để rèn luyện được việc tự chủ thì cần học hỏi từ bé và rèn luyện thường xuyên từ những hành động nhỏ nhất. Cũng giống như việc học hành, nếu bạn học chăm chỉ thì tương lai sẽ tốt đẹp và có cơ hội phát triển bản thân, còn lười học thì sẽ khó khăn hơn để thành công trên con đường của mình.

Những hành động của một người biết tự chủ thể hiện một người biết suy nghĩ trước sau trong những vấn đề trong cuộc sống khiến cho mọi người xung quanh yêu mến và quý trọng. Ngoài ra trong công việc cũng cần người tự chủ và biết suy nghĩ, vì khi chúng ta làm việc sẽ không có ai thúc giục bạn làm cả mà bản thân bạn phải cố gắng làm việc để lo cho cuộc sống của bản thân và khẳng định mình.

Và các bạn học sinh cũng cần ghi nhớ con đường phía trước là do mình tự lựa chọn và quyết định mà không ai có thể quyết định thay mình.

5. Tự chủ đem lại lợi ích gì?

Tự chủ là đức tính tốt đẹp rất cần thiết đối với mỗi con người. Đức tính này sẽ ngày càng hoàn thiện khi trải qua quá trình rèn luyện của cá nhân mỗi người, đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và cộng đồng.

  • Đối với cá nhân:

Tính tự chủ đem lại cho mỗi người những lợi ích lớn lao. Khi tự chủ, chúng ta sẽ hình thành ý thức tự giác cao trong học tập và công việc, biết bản thân cần làm gì, lên được kế hoạch rèn luyện, phấn đấu, lịch sinh hoạt của mình. Thông qua quá tình tự lập, tự chủ, bản thân mỗi chúng ta sẽ khám phá ra năng lực của mình và biết trui rèn để phát huy khả năng đó.

Tự chủ giúp mỗi chúng ta biết xử lý công việc một cách độc lập, có khả năng tự quyết trong nhiều tình huống phát sinh và được mọi người đánh giá cao về năng lực làm việc.

Việc rèn luyện tính tự chủ sẽ giúp mỗi cá nhân hình thành được lối sống đúng đắn, cư xử có đạo đức, văn hóa hơn trong mọi tình huống. Từ đó giúp mỗi người cảm thấy tự tin hơn, mạnh mẽ hơn trong việc vượt qua khó khăn, cám dỗ. Ngoài ra trong quá trình tự chủ bạn sẽ tự đánh giá được năng lực của chính bản thân mình, từ đó không ngừng cố gắng để hoàn thiện bản thân, tự tin vào khả năng của chính bản thân mình.

Tính tự chủ còn giúp cho mỗi cá nhân có nhiều cơ hội hơn, dám ước mơ, dám thực hiện khả năng của bản thân mình trong mọi lĩnh vực, tâm lý sẽ không chịu sự tác động của những yếu tố không tốt từ môi trường bên ngoài, đồng nghĩa với việc bản thân có lợi thế trong việc phát triển cuộc sống sau này, học tập phát triển đi lên không ngừng.

  • Lợi ích đối với gia đình, xã hội

Với học sinh, sinh viên có tính tự chủ, tự giác trong học tập, biết tự lên kế hoạch học hành và sinh hoạt cho bản thân đã giúp cha mẹ đỡ phần nào những nỗi lo trong cuộc sống, tạo niềm tin với mọi người về khả năng tự lập của mình.

Với những người đi làm, tính tự chủ càng đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Người tự chủ trong công việc là người có trách nhiệm với mọi hành động của mình, biết chủ động nắm bắt tri thức nên năng lực tự học của họ rất tốt. Từ đó, không chỉ tạo ra giá trị cho công ty, đơn vị nơi họ làm việc, mà còn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Một xã hội có những người tự chủ thì xã hội đó sẽ không ngừng lớn mạnh, đất nước phát triển phồn vinh.

6. Để trở thành người tự chủ cần làm gì?

Với những lợi ích mà đức tính tự chủ đem lại, để rèn luyện đức tính tự chủ, trở thành người tự chủ, chúng ta cần làm gì?

Để trở thành người tự chủ, chúng ta cần:

–  Tự tin về bản thân. Dù bản thân có khuyết điểm thì chúng ta nên biết biến khuyết điểm thành điểm mạnh. Việc chấp nhận bản thân không chỉ thể hiện việc biết yêu bản thân, mà còn tăng tính tự trọng, giúp bạn tự chủ hơn. Ngoài ra, tập trung vào mặt tích cực còn thể hiện bản thân là người sáng dạ, biết chủ động học hỏi và luôn tự tin trong mọi tình huống.

– Biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, tập trung phát huy điểm mạnh, điêm tích cực để có thể tự chủ trong mọi tình huống. Khi bạn biết phát huy điểm mạnh và khắc phục khuyết điểm trong công việc, khả năng được mọi người công nhận sẽ cao hơn.

– Trong cuộc sống có rất nhiều điều cám dỗ khiến con người đi chệch hướng dự định ban đầu. Tuy nhiên, chúng ta phải biết khước từ cám dỗ, người tự chủ là người có kế hoạch hoạch định rõ ràng cho bản thân, biết bỏ qua cám dỗ để hoàn thành mục tiêu mình đã đề ra. Điều đó có nghĩa là, bạn phải tự nghiêm khắc với bản thân, nhìn ra đúng sai để tự kiểm điểm; tự giác nhìn nhận lại vấn đề, không né tránh khuyết điểm; kiên định bảo vệ cái đúng, cái tốt.

– Chủ động trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể tương tác thoải mái với người khác với nhiều chủ đề. Đồng thời, bạn cần tập suy nghĩ trước khi nói hoặc hành động. Điều này không chỉ thể hiện sự tự chủ trong các tình huống, tự chủ trong học tập, công việc, mà còn giúp bạn tạo ấn tượng với mọi người.

7. Bài tập về tính tự chủ GDCD lớp 9

Bài 1: Tan học, Đạt rủ Tùng đi chơi điện tử. Thấy Tùng có vẻ lưỡng lự, Đạt thuyết phục bạn rằng chơi điện tử rất thú vị và Đạt sẽ trả tiền cho Tùng. Tùng đồng ý và đi chơi điện tử với Đạt hai tiếng sau mới về nhà.

1 / Em có tán thành việc đi chơi điện tử với bạn của Tùng không ? Vì sao ?

2/ Em sẽ làm gì khi gặp phải những tình huống tương tự ?

=> Trả lời: Tùng đã có biểu hiện thiếu tính tự chủ khi được bạn Đạt rủ rê chơi điện tử do không chống lại được cám dỗ chơi điện tử rất thú vị và được Đạt trả tiền cho.

Nếu gặp tình huống tương tự, em nhất quyết sẽ không đi chơi điện tử cùng Đạt dù Đạt nói sẽ trả tiền. Ngoài ra, em cũng sẽ khuyên Đạt không nên chơi điện tử. Sau giờ học, chúng ta có thể cùng các bạn tham gia các môn thể thao như đá bóng, cầu lông, bóng bàn, học võ..., không chỉ rèn luyện sức khỏe, giúp tinh thần thoải mái, minh mẫn, mà còn có thể dành nhiều thời gian hơn cho học tập. Đúng là chơi điện tử rất lôi cuốn, nhưng chúng ta dễ bị cuốn vào trò chơi, bị nghiện game khó dứt ra được.

Bài 2 trang 12 Sách bài tập (SBT) GDCD 9

Nam và Hải tuy học khác lớp nhưng chơi rất thân với nhau. Vì có mâu thuẫn với một bạn trong khối, Nam rủ Hải sau giờ học ở lại đánh bạn đó. Hải đồng ý ngay.

1 / Em có đồng ý với cách giải quyết mâu thuẫn của Nam không ? Vì sao ?

2/ Nếu là Hải, em sẽ xử sự thế nào ? Vì sao em làm như vậy ?

Trả lời

1/ Em không đồng ý cách giải quyết của Nam. Chí vì mâu thuẫn nhỏ mà tìm cách đánh bạn là không nên. Cần phải bình tĩnh, không nên nóng nảy.

2/ Nếu là Hải, em sẽ khuyên Nam nên giải quyết mâu thuẩn bằng cách níu chuyện với nhau, không nên đánh nhau.

Bài 2: Toàn là học sinh lớp 9. Bố mẹ Toàn là công nhân của một nhà máy dệt, đời sống có phần eo hẹp. Thấy nhiều bạn đi học bằng xe đạp thời trang trông rất bắt mắt, Toàn đòi bố mẹ nhất định phải mua xe đạp mới cho mình.

1 / Em có tán thành việc làm của Toàn không ? Vì sao ?

2/ Nếu là bạn của Toàn, em sẽ khuyên bạn điều gì ?

=> Toàn không nên vì thấy các bạn đi xe đạp thời trang mà đòi hỏi bố mẹ đáp ứng mong muốn của mình. Cần phải tự chủ, tránh đòi hỏi theo thị hiếu mỗi khi mình thích.

Nếu em là bạn của Toàn, em sẽ khuyên bạn nên chăm chỉ học tập để có thể giúp đỡ bố mẹ, không nên có tư tưởng đua đòi, nên tự chủ, không chạy theo mốt khi điều kiện không cho phép.

Bài 3: Bà Hà là hàng xóm của nhà Loan trong khu tập thể. Vì kinh tế khó khăn nên nhà bà Hà vẫn phải dùng than tổ ong. Chiều đến, khi bà Hà nhóm bếp, Loan rất khó chịu vì khói bay vào nhà. Có lần Loan nói với mẹ là phải mắng cho bà Hà một trận vì đã gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến người khác.  Mẹ Loan không đồng ý vì không muốn mâu thuẫn với hàng xóm.

1 / Em có đồng ý với ý kiến của Loan không ? Vì sao ?

2/ Theo em, cách xử sự của mẹ Loan là đúng hay sai ? Vì sao ?

3/ Nếu gặp phải tình huống như vậy, em sẽ xử sự như thế nào để vừa không khó chịu vừa không mâu thuẫn với hàng xóm ?

=> Loan không nên có thái độ như vậy gây mất đoàn kết, mất tình làng nghĩa xóm. Mẹ Loan cũng có thể nói chuyện nhẹ nhàng với bà Hà không nên làm ảnh hưởng đến những hộ gia đình sống xung quanh vì khói bụi khi đốt bếp.

Nếu là em, em sẽ có cách làm khác. Vì nhà bà Hà kinh tế khó khăn nên em sẽ tập hợp các bạn cùng nhau kêu gọi quyên góp từ các hộ dân xung quanh, dựng cho nhà bà Hà đường ống thoát khói. Bên cạnh đó, nói chuyện với bà Hà chú ý hơn khi đốt bếp để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. Cách nói chuyện thể hiện sự lễ độ, tôn trọng với người lớn tuổi, dựa trên kiến thức được học để phân tích cho bà Hà tác hại của việc hít phải khói bụi từ đốt than tổ ong.

Bài 4: Có ý kiến cho rằng, người tự chủ là người luôn tự mình giải quyết tất cả các vấn đề gặp phải trong cuộc sống mà không cần tham khảo ý kiến của bất kì ai. Em hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến đó.

=> Em cho rằng ý kiến "người tự chủ là người luôn tự mình giải quyết tất cả các vấn đề gặp phải trong cuộc sống mà không cần tham khảo ý kiến của bất kì ai" là chưa thực sự đúng đắn. Trong cuộc sống nên tự chủ giải quyết các vân đề, nhưng cũng nên tham khảo các ý kiến của người khác, nhất là những người đi trước. Bởi vì, những người ấy sẽ cho ta những kinh nghiệm mà họ tiếp thu được chỉ cho ta, ta có những quyết định đúng đắn hơn.

Bài 5: Em hãy nêu những biểu hiện của sự thiếu tự chủ của bạn bè xung quanh. Vì sao em cho đó là sự thiếu tự chủ ?

=> Những biểu hiện của sự thiếu tự chủ:

- Thái độ tự ti, không tự tin vào bản thân,

- Không biết tự điều chỉnh hành vi của mình.

- Không biết tự kiểm tra, đánh giá bản thân mình.

Bài 6: Vì sao mà hiện nay có nhiều học sinh nghiện game ? Người nghiện game có phải là người thiếu tính tự chủ không ? Vì sao ?

=> Nghiện game hiện nay là một căn bệnh trong xã hội. Đó là tình trạng sử dụng quá nhiều thời gian vào các trò chơi trên máy tính gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Nguyên nhân mà hiện nay có nhiều học sinh nghiện game thì có thể kể đến như do bố mẹ không quan tâm , do buồn , do bạn bè rủ rê , do không tự chủ được bản thân. Nhưng nguyên nhân chính cũng là do thiếu tính tự chủ, không làm chủ được bản thân khi bạn bè rủ rê.

Người nghiện game là người thiếu tính tự chủ, không làm chủ được bản thân khi bạn bè rủ rê, không có ý thức trong học tập, luôn trốn học để đi chơi và nhiều tác hại khác.

Việc nghiện game gây ra rất nhiều tác hại. Người bệnh chơi game một cách say mê và tách rời bản thân khỏi gia đình, bạn bè cùng những mối quan hệ xã hội khác. Tệ hại hơn cả, việc nghiện game làm cho học sinh lơ là học tập, tập trung hầu hết thời gian vào việc làm sao để có thể đạt được thành tích cao nhất trong các trò chơi game.

Hậu quả về gia đình, tài chính : học sinh không làm công việc trong gia đinh, căng thẳng mâu thuẫn phát sinh, tiêu tốn tiền của bố mẹ ; học sinh có thể lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường...

Khi nghiện game, trẻ không còn hứng thú học tập để có được kết quả tốt ở trường, cảm thấy tức giận, thất vọng, căng thẳng và buồn chán khi không được chơi game, nhất là trường hợp đã bị bệnh lâu ngày. Trẻ thường nghĩ đến buổi chơi game sắp tới và thường mơ ngủ về các trò chơi game. Trẻ cảm thấy bình tĩnh, thư giãn hoặc hưng phấn khi chơi game. Trẻ không còn thích thú với những hoạt động trước kia trẻ vẫn thích.

Cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng, trẻ dành thời gian cả ngày và đêm để chơi game. Việc chơi game làm cho trẻ lơ là việc học hành ở trường và bài vở ở nhà, bỏ học để đi chơi. Có trẻ chơi hai ba ngày mới về nhà, ăn luôn tại quán chơi game.

Thiếu sự kiểm soát về thời gian. Trẻ ban đầu có ý định chỉ chơi khoảng 15-20 phút, nhưng không thể kiểm soát được thời điểm ngừng chơi và thời gian trôi qua, mà không hề nghĩ là lại nhanh đến thế và cần .phải tăng thời gian chơi nhiều hơn trước để thoả mãn sự ham muốn.

Ham mê một cách mãnh liệt, tìm mọi cách để có thể được chơi game khi bị cấm : ví dụ trốn nhà đi, ăn trộm cắp để có tiền chơi...

Trên đây là những phân tích của Hoa Tiêu về vấn đề Tự chủ là gì? Biểu hiện tự chủ? Ví dụ tự chủ? Mời các bạn tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Học tập dưới đây:

Đánh giá bài viết
14 32.021
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm