Biểu hiện của dân chủ và kỉ luật

Biểu hiện của dân chủ và kỉ luật. Dân chủ và kỉ luật là những phẩm chất tốt của con người. Đây cũng là bài học thứ 3 trong chương trình Giáo dục công dân lớp 9. Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu biểu hiện của dân chủ và kỉ luật, các câu ca dao, tục ngữ về dân chủ và kỉ luật,... nhé

1. Định nghĩa dân chủ, kỷ luật

- Dân chủ là mọi người được làm chủ công việc của tập thể và xã hội.

+ Mọi người phải được biết, được cùng tham gia bàn bạc;

+ Mọi người góp phần thực hiện và giám sát những công việc chung của tập thể hoặc của xã hội có liên quan đến mọi người, đến cộng đồng và đất nước.

- Kỉ luật là tuân theo những quy định chung của cộng đồng hoặc của một tố chức xã hội, nhằm tạo ra sự thông nhất hành động để đạt chất lượng, hiệu quả trong công việc vì mục tiêu chung.

2. Biểu hiện của dân chủ và kỉ luật

Tham khảo bài viết: Kể lại việc làm của em về thực hiện tốt dân chủ và kỷ luật

Biểu hiện của dân chủ:

  • Học sinh được tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch năm học của lớp.
  • Công nhân được tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch, góp ý cho ban giám đốc của công ti, của nhà máy;
  • Cán bộ, nhân viên được tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch của cơ quan, góp ý cho lãnh đạo cơ quan...
  • Cử tri tham gia chất vấn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Biểu hiện của kỉ luật:

  • Tất cả học sinh đi học phải đúng giờ, nghỉ học phải có đơn xin phép của cha mẹ hoặc người đỡ đầu;
  • Học sinh không được ăn quà vặt trong lớp;
  • Thầy cô giáo lên lớp phải đúng giờ...
  • Cán bộ, công nhân viên... nghỉ việc phải có lí do, phải là đơn xin phép, phải có sự đề nghị của cán bộ y tế (nếu bị bệnh);
  • Công nhân phải đảm bảo kĩ thuật an toàn trong lao động sản xuất..

3. Ca dao, tục ngữ về dân chủ và kỉ luật

1. Đất có lề, quê có thói.​

Ý nghĩa: Ở đâu cũng cần tuân theo quy định, luật lệ của nơi đó không thể làm trái được.

2. Nước có vua, chùa có bụt.​

Ý nghĩa: Ở nơi đâu thì cũng có người cai quản cần phải có phép tắc khi vào bất cứ đâu.

3. Người trên đứng đắn, kẻ dưới dám nhờn.​

Ý nghĩa: Người có vị trí vai trò lớn như người lớn trong gia đình, người nắm giữ chức quyền lớn mà có phép tắc, kỷ cương thì dù trong gia đình con cái cũng không dám trái lại còn cấp dưới thì không dám qua mắt, lách luật để hưởng lợi. Người lớn trong gia đình hoặc người nắm giữ chức quyền lớn có kỷ cương còn giúp cho con cái trong gia đình hoặc cấp dưới noi theo.

Ca dao, tục ngữ về dân chủ và kỉ luật

4. Thượng bất chính, hạ tắc loạn.​

Nghĩa là bề trên như (vua, quan, nhà cầm quyền) không quang minh, chính trực, không lo cho nước, cho dân! Thì hạ tức là kẻ dưới như dân chúng, sẽ nổi loạn là lẽ tất nhiên! Câu này ý nhắc nhở những người cầm quyền phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, trên lợi ích của cá nhân mình, thì đất nước mới ổn định không loạn lạc.

5. Bề trên ở chẳng kỉ cương

Cho nên kẻ dưới lập đường mây mưa.​

Ý nghĩa: Câu ca dao này có ý nghĩa là người bề trên là người lớn trong gia đình, người đứng đầu đất nước mà không có kỷ cương, kỷ luật thì kẻ bề dưới là con cái hoặc cấp cai quản dưới sẽ qua mặt, lách luật để được hưởng lợi.

6. Dột từ nóc dột xuống.​

Ý nghĩa: Nội dung câu này nhằm phê phán gia đình hoặc xã hội mà người đứng đầu không ra gì, không có kỷ luật, không công minh, không phép tắc thì con cái hoặc người cấp dưới cũng sẽ như vậy. Vì vậy người lớn tuổi cần có phẩm chất, kỷ luật, đạo đức thì con cái mới noi theo.

7. Công ai nấy nhớ tội ai nấy chịu​

Câu này ý nghĩa là kỷ luật, pháp luật phải đúng đắn phân minh, người có công phải được hưởng lộc, người có tội phải bị xử lý.

8. Phép Vua thua lệ làng​

Nói về vai trò, tầm quan trọng của các luật lệ địa phương, giống như những thói quen lâu đời, người dân cứ thế tuân theo còn phép vua lại ở trên cao, đôi khi không xuống được tận những đơn vị hành chính nhỏ.

9. Quân pháp bất vị thân​

Có nghĩa là dù là người quyền cao chức trọng hay có địa vị cũng phải tuân thủ luật pháp.

10. Thương em anh để trong lòng

Việc quan anh cứ phép công anh làm​

Phép công anh cứ làm ,em vi phạm luật phải chấp nhận mặc dù thương em anh vẫn cứ thương việc công thì vẫn mãi là việc công, vẫn phải thực hiện theo quy định

11. Đói tự do hơn no luồn cúi

Câu này ngụ ý khuyên răn mọi người phải tuân theo những kỷ luật và pháp luật để được tự do, tự tại chứ không phải ở trong tù. Thà đói mà được tự do hơn là ăn no mà phải ở tù.

4. Ví dụ về dân chủ và kỉ luật

Ví dụ về tính dân chủ:

Tính dân chủ chính là việc mỗi người tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng cho các công việc của tập thể. Ví dụ cụ thể như:

- Bầu cử, bỏ phiếu bầu những nhà lãnh đạo của đất nước. Hoặc ở mô hình nhỏ hơn là lớp học: Tham gia cho ý kiến những hoạt động của lớp (Chương trình văn nghệ, thể thao, học tập).

- Lớp muốn tổ chức một buổi chụp kỷ yếu và liên hoan chia tay nên đã họp bàn lấy ý kiến về địa điểm, trang phục, ý tưởng để có buổi kỷ yếu thật ý nghĩa.

- Người dân trong thôn, tổ dân phố được mời dự họp để bàn về một số chính sách mới, dự án mới sẽ được thực hiện tại địa phương, đơn cử như: phương án quyên góp để làm đường, nhà văn hóa thôn, tổ phố; thành lập ban thanh tra nhân dân để kiểm tra chất lượng các công trình sẽ được thi công trên địa bàn;

- Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức họp toàn thể cán bộ, công nhân viên để bàn về chính sách lương thưởng, bảo hiểm, nhân viên được thể hiện ý kiến, quan điểm của bản thân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình...

Ví dụ về tính kỉ luật:

Ở mỗi một tổ chức đều cần những quy định, quy tắc riêng để đảm bảo tính kỷ luật, yêu cầu mọi cá nhân trong tổ chức phải thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, tổ chức sẽ có chế tài xử phạt, kỷ luật nếu cá nhân vi phạm. Ví dụ như:

- Với quân nhân được rèn giũa trong đơn vị quân đội, nơi có kỷ luật thép, quân nhân phải tuân thủ các quy định nghiêm khắc như: tuân thủ chế độ ăn ngủ nghỉ theo giờ quy định; Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; phải thực hiện nghĩa vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chấp hành điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân, các nghĩa vụ khác của quân nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật...

- Trong các đơn vị hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa mang tính chuẩn mực khi tiếp nhân dân; phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thể hiện văn hóa công vụ.

- Trong nhà trường, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh đều phải tuân thủ quy định của trường:

+ Giáo viên chuẩn bị giáo án, vào lớp đúng giờ; giáo viên phải có phẩm chất chuẩn mực của nhà giáo, làm gương cho học sinh...

+ Học sinh không được vi phạm nội quy nhà trường, mắc vào tệ nạn xã hội; chuẩn bị bài vở trước khi đến lốp; đi học đúng giờ; tham gia các hoạt động đoàn, đội; mặc đồng phục đúng như quy định...

+ Phụ huynh học sinh đảm bảo điều kiện tốt nhất cho con em mình đến trường; hiểu và cam kết thực hiện các quy định của nhà trường về nộp học phí và phối hợp với nhà trường trong giáo dục học sinh...

5. Mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật

Dân chủ và kỉ luật có mối quan hệ: Kỉ luật là điều kiện đảm bảo cho dân chủ được thực hiện.

Dân chủ là quyền tự do của mỗi người nên khi kỷ luật bảo vệ quyền dân chủ đó thì quyền này sẽ được thực hiện. Còn nếu kỷ luật không bảo vệ những quyền dân chủ thì quyền dân chủ của mỗi người dễ bị xâm hại. Ví dụ: Bị ép buộc không cho đóng góp ý kiến hoặc có những người ngại tính "dân chủ" không dám cho nhận xét nhưng vì các kỉ luật phải thực hiện tính dân chủ của mình.

6. Biểu hiện của dân chủ ở Việt Nam

Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo. Biểu hiện dân chủ ở Việt Nam là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với mọi mặt của đời sống xã hội, dân chủ xã hội chủ nghĩa được pháp luật đảm bảo, là bản chất của chế độ, đồng thời là mục tiêu, động lực cho sự phát triển đất nước. Biểu hiện của dân chủ ở Việt Nam thể hiện ở một số điểm sau:

- Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa “dân là chủ” và “người dân làm chủ”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là động lực của cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực.

+ Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, hay cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới năm 1979, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa Khơ me đỏ, người dân luôn là lực lượng cách mạng chính, đông đảo nhất. Do đó, trong lãnh đạo đấu tranh cách mạng, trải qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó là cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Trong công cuộc đổi mới đến hiện tại, Đảng ta luôn nhấn mạnh nhân dân làm chủ là bản chất của chủ nghĩa xã hội, kiên định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không ngừng thúc đẩy đổi mới chính trị, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.

- Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

- Biểu hiện của dân chủ tại địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức:

+ Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tham gia đóng góp ý kiến về các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cũng như về quyền lợi chính đáng của bản thân.

+ Cán bộ quản lý, lãnh đạo tổ chức biết lắng nghe ý kiến của người lao động, mọi việc làm, hành động, quyết sách liên quan đến người lao động đều cần có sự họp bàn, thống nhất.

+ Người dân có quyền "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" tại địa phương sinh sống. Việc thực hiện nghiêm túc phương châm này sẽ phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo to lớn của nhân dân tham gia thảo luận, bàn những công việc của địa phương, đất nước; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, yêu nước và bảo vệ Tổ quốc.

+ Cử tri được tham gia bầu cử và gửi câu hỏi chất vấn bộ trưởng thông qua Đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân về những vấn đề nóng được dư luận quan tâm, những vụ việc phát sinh ở địa phương trong thời gian dài mà chưa được giải quyết thỏa đáng...

6. Theo em, chúng ta cần rèn luyện tính dân chủ, kỷ luật như thế nào?

- Mọi người cần tự giác chấp hành kỉ luật tại cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi mình học tập, làm việc.

- Cán bộ lãnh đạo và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để mọi người được phát huy dân chủ.

- Học sinh phải vầng lời cha mẹ, thầy cô giáo. Thực hiện đúng quy định của lớp, của trường, phát huy quyền dân chủ và có ý thức kỉ luật của một công dân.

7. Tìm dẫn chứng để minh hoạ điều tốt và chưa tốt trong thực hiện “Quy chế dân chủ” ở địa phương em đang sống

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, việc triển khai và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại địa phương em đang sống đã có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể:

- Địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc công khai các nội dung cần công khai cho nhân dân như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án; các chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; kết quả bình xét hộ nghèo, trợ cấp xã hội; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ; kết quả bầu và lấy phiếu tín nhiệm cán bộ...

- Phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong bàn, quyết định về các phương án, kế hoạch tại địa phương, gồm: lập và thu các loại quỹ, phí; bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội; bàn, tham gia ý kiến việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng...

- Vai trò giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Các tổ chức này định kỳ tổ chức giao ban nắm tình hình, thu thập thông tin, tổng hợp ý kiến, phối hợp, đề xuất, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến thực hiện và thực thi chính sách, pháp luật tại địa phương; trực tiếp giám sát các công trình được đầu tư của địa phương, các công trình do nhân dân huy động nguồn đóng góp.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quy chế dân chủ theo em vẫn còn một số mặt hạn chế, như:

- Việc thực hiện dân chủ đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu tính đồng bộ, chiều sâu.

- Một số nội dung công khai chưa đầy đủ, bản thân một số người dân chưa nhận thức đầy đủ vai trò, quyền lợi của mình trong tham gia bàn, làm, kiểm tra, giám sát, đóng góp ý kiến về các vấn đề phát sinh ở địa phương.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chưa tận tâm, tận lực, phong cách làm việc quan liêu, thiếu dân chủ còn xảy ra.

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời, chủ động theo đúng thẩm quyền dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp. Một số vụ việc xảy ra ở cơ sở chậm được giải quyết làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân, còn có những vụ việc phức tạp, kéo dài.

- Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng chưa thực sự hiệu quả, còn thiếu cơ chế, kinh nghiệm, phương pháp hoạt động còn lúng túng.

Hoatieu vừa gửi đến bạn đọc những biểu hiện của dân chủ và kỉ luật cũng như những câu ca dao, tục ngữ về dân chủ, kỉ luật,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
19 40.927
0 Bình luận
Sắp xếp theo