Ví dụ về sự hợp tác quốc tế (Bài tập GDCD 9)

Ví dụ về sự hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế phát triển toàn cầu thì việc hợp tác quốc tế giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng. Các quốc gia trên thế giới sẽ có sự hỗ trợ, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển nền kinh tế đất nước. Sự hợp tác qua lại lẫn nhau tạo nên mối quan hệ phát triển bền vững giữa các nước trên thế giới. Vậy những sự hợp tác quốc tế của nước ta về những vấn đề chung là gì? Hãy cùng hoatieu.vn tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây nhé.

Lưu ý: Nội dung dưới đây được thực hiện hoàn toàn bởi HoaTieu.vn, không vì mục đích thương mại. Mọi website lấy nội dung bài viết Ví dụ về sự hợp tác quốc tế xin vui lòng dẫn nguồn.

1. Hợp tác quốc tế là gì?

Trong thế giới phẳng ngày nay, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế luôn nắm vai trò chủ đạo, giữ vị trí quan trọng trong mối quan hệ giữa các quốc gia. Dù quốc gia đó lớn hay nhỏ, dù thuộc hệ thống kinh tế xã hội nào cũng chịu tác động của các quan hệ quốc tế.

Trước khi đưa ra được Ví dụ về sự hợp tác quốc tế, chúng ta cần hiểu được khái niệm Hợp tác quốc tế là gì?

Hợp tác quốc tế là việc các quốc gia trên toàn thế giới cùng nhau chung sức, góp sức để cùng phát triển một lĩnh vực nào đó với cùng chung một mục đích, không chống phá hoặc phá hoại lợi ích của nhau.

Luật quốc tế không quy định các hình thức và mức độ hợp tác cụ thể dành cho các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Hình thức và mức độ hợp tác này hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyết định của các quốc gia xuất phát từ tình hình thực tế và năng lực của mỗi quốc gia.

2. Lợi ích của hợp tác quốc tế

Xu thế toàn cầu hóa lôi cuốn tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng tham gia, nếu quốc gia nào đặt mình ngoài xu thế đó thì sẽ bị cô lập, khó có thể phát triển đồng đều. Có thể nhận định, hợp tác quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, thách thức như hiện nay, bên cạnh thách thức, còn đem lại cơ hội rất lớn cho các quốc gia. Có thể kể đến như:

– Hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường nhằm phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung mỗi nước, mỗi dân tộc.

– Hợp tác quốc tế để cùng nhau giải quyết những vấn đề bức xúc có tính toàn cầu;

– Giúp đỡ tạo điều kiện cho các nước nghèo phát triển;

– Để đạt được mục tiêu hoà bình cho toàn nhân loại.

– Các nước đang phát triển có điều kiện đi tắt đón đầu khoa học kĩ thuật tiên tiến, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế và đuổi kịp các nước phát triển.

– Tạo điều kiện để các nước hợp tác hữu nghị, bình đẳng và thân thiện cùng có lợi.

– Là cơ hội để nền giáo dục các nước nhỏ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; học sinh, sinh viên các nước đang phát triển có thêm nhiều cơ hội được tiếp thu những kiến thức mới tân tiến...

3. Em hãy nêu ví dụ về sự hợp tác quốc tế trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống đói nghèo, phòng chống HIV/AIDS, đấu tranh chống khủng bố?

Để khắc phục những vấn đề tồn tại trong các nước thì các quốc gia đã thực hiện hỗ trợ, hợp tác với nhau để cùng đưa ra biện pháp, giải pháp để giải quyết vấn đề. Việt Nam đã có những hợp tác phát triển nào?

Hợp tác quốc tế về vấn đề bảo vệ môi trường:

  • Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Việt Nam tham gia UNEP từ năm 1977, khi Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc. UNEP đã có sự hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, chuyên gia, chính sách và học bổng về môi trường để đào tạo nguồn nhân lực môi trường cho Việt Nam. Ngược lại Việt Nam đã có đóng góp tài chính và tham gia các điều ước của tổ chức.
  • Ngày 3/4/2018 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với bà Doris Leuthard - Ủy viên Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Môi trường, Năng lượng, Giao thông và Truyền thông Thụy Sĩ về các vấn đề tăng cường hợp tác phát triển bền vững trong lĩnh vực TN&MT giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.

Hợp tác quốc tế về vấn đề phòng chống HIV/AIDS:

  • Ngày 29/3/2022, tại Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp đón ông Marc E. Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam để thảo luận về hợp tác y tế và phòng, chống HIV/AIDS.
  • Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự hợp tác về Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC).

Hợp tác quốc tế về vấn đề đấu tranh chống khủng bố:

  • Vào tháng 1/2007 các nước ASEAN đã ký Công ước của ASEAN về Chống khủng bố, Việt Nam cũng tham gia ký kết công ước này.
  • Ngoài ra Việt Nam đã tích hợp hợp tác với cộng đồng quốc tế thực thi các nghị quyết của Hội đồng bảo an về chống khủng bố như Nghị quyết 1267 (năm 1999), Nghị quyết 1373 (năm 2001), …

Hợp tác quốc tế về vấn đề chống đói nghèo:

  • Từ ngày 16/4 đến 18/4/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam tham gia chương trình khảo sát kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo tại Bra-xin.
  • Việt Nam - Lào hợp tác nỗ lực xoá đói giảm nghèo: Ngày 25/3/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Phát triển nông thôn và Xoá đói giảm nghèo Lào, ngài Onneưa Phommachan đã có buổi hội đàm nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác trong công tác xoá đói giảm nghèo của hai nước.

Hợp tác quốc tế về vấn đề tiết kiệm năng lượng:

  • Ngày 20/09/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khởi động dự án nhằm thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả để giải quyết những thách thức về năng lượng đô thị của TP. Hồ Chí Minh.

Như vậy Việt Nam cũng đã có những cuộc thảo luận, hợp tác dự án, tuyên bố, điều ước với các quốc gia khác về các vấn đề nổi cộm cần giải quyết trên thế giới để cùng nhau xây dựng một thế giới hoà bình cùng phát triển.

4. Em hiểu thế nào là hợp tác cùng phát triển? Nêu ví dụ.

Hợp tác cùng phát triển là sự chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực nào đó vì mục đích chung. Hợp tác phải dựa trên cơ sở bình đẳng đôi bên cùng có lợi và không phương hại đến lợi ích của người khác; giải quyết bất hoà và mâu thuẫn bằng thương lượng hoà bình.

Ví dụ 1: Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được thiết lập từ năm 1973. Trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, quan hệ thương mại Việt Nam và Anh tăng nhanh từ những năm 1990 đến nay. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Anh đạt khoảng 6,836 tỷ USD. Đối với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu. Hai bên đã chính thức ký FTA vào ngày 29/12/2020 trên nguyên tắc kế thừa EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.

Ví dụ 2: Mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc đang đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, thứ hai vào hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; thứ 3 về hợp tác thương mại. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc ở ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước đã đem lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho người dân và doanh nghiệp 2 nước.

5. Em hãy cho biết vì sao cần phải hợp tác quốc tế?

Hiện nay, tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, cấp thiết, đe dọa không chỉ một quốc gia, dân tộc, mà đã lan tới tất cả các quốc gia như: dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, bùng bổ dân số, đói nghèo, chiến tranh, xung đột... Để giải quyết những vấn đề này cần phải có sự hợp tác quốc tế, các nước cùng chung tay đẩy lùi hiểm họa, một quốc gia đơn lẻ rất khó có thể tự mình giải quyết những vấn đề bức thiết đó.

Ví dụ 1:

Vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là đề tài được thảo luận sôi nổi tại các hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc. Người đứng đầu về quyền của LHQ Michelle Bachelet đã gọi các mối đe dọa về môi trường là thách thức lớn nhất về nhân quyền trên toàn cầu.

Với Việt Nam, một nước chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Tháng 10/2022, tại Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á, Việt Nam đã khẳng định sẽ hợp tác cùng các nước khu vực Biển Đông Á bảo vệ môi trường biển thông qua việc tiếp cận xây dựng một số dự án liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: quản trị biển và đại dương; điều tra, đánh giá, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Ví dụ 2:

Đại dịch Covid19 vừa qua, khi mà con người trên toàn thế giới phải đối mặt với dịch bệnh thì các nước đã có sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua đại dịch khủng khiếp đó. Như nước ta đã có sự hỗ trợ về lương thực với các nước khác để vượt qua đại dịch. Còn nước ngoài có sự hỗ trợ chúng ta về thiết bị y tế cũng như vacxin để điều trị.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về Ví dụ về sự hợp tác quốc tế. Mời các bạn tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Học Tập.

Đánh giá bài viết
10 15.913
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nguyễn Thị Nữ
    Nguyễn Thị Nữ

    Hay.

    Thích Phản hồi 15:17 31/10