Đọc hiểu Mây trắng còn bay

Mây trắng còn bay là một tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh. Mây trắng còn bay là câu chuyện được kể lại bởi nhân vật “tôi” (là một hành khách trên chuyến bay) về một bà cụ lần đầu tiên đi máy bay. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc bộ đề đọc hiểu Mây trắng còn bay có đáp án chi tiết. Đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các em học sinh trong môn ngữ văn 10 cũng như hiểu rõ hơn về tác phẩm Mây trắng còn bay.

Đọc hiểu Mây trắng còn bay

1. Đọc hiểu văn bản Mây trắng còn bay

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là:

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

Câu 2. Theo em, ai là nhân vật chính trong câu chuyện trên?

A. Nhân vật tôi

B. Cô tiếp viên hàng không

C. Bà cụ

D. Tay vận complet

Câu 3. Không gian diễn ra câu chuyện trên ở đâu?

A. Tại sân bay

B. Tại cảng biển

C. Trong khoang máy bay

D. Trên một chuyến tàu

Câu 4. Người con cả đã mất của bà cụ đã hi sinh bao lâu?

A. Gần ba mươi năm

B. Hơn ba mươi năm

C. Ba mươi năm chẵn

D. Khoảng bốn mươi năm

Câu 5. Tác dụng của dấu gạch ngang trong câu:

“Mây ngay ngoài, các bác kìa! - bà cụ ngồi ở ghế trong cùng, kề cửa sổ, thốt kêu lên” là:

A. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

B. Đánh dấu phần chú thích, giải thích trong câu.

C. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

D. Nối các từ nằm trong một liên danh.

Câu 6. Từ nào sau đây đồng nghĩa với từ “tàu bay”?

A. máy bay

B. xe lửa

C. sân bay

D. phi thuyền

Câu 7. Theo em, ý nghĩa, thông điệp chính của câu chuyện trên là gì?

A. Sự đồng cảm giữa con người với nhau

B. Sự mất mát, khổ đau mà chiến tranh mang lại

C. Sự biết ơn, ghi nhớ công ơn với người có công hi sinh vì đất nước

D. Tình yêu thương của con người

Câu 8. Theo em, vì sao cô tiếp viên lại có hành động “đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn.” ?

Hành động không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn của cô tiếp viên hàng không thể hiện thái độ kính trọng đối với bà mẹ liệt sĩ cũng như người chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc cũng như sự xót xa cho nỗi đau của người mẹ ở lại.

Câu 9. Theo em chi tiết “Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.” có phải là một chi tiết quan trọng trong văn bản hay không? Vì sao?

Theo em, đây là chi tiết quan trọng bởi nó thể hiện rõ tình cảm, sự trân trọng, nâng niu kỉ vật của con; cũng như là lòng thương nhớ luôn hướng về đứa con trai cả của bà. Đồng thời cũng tố cáo tội ác chiến tranh khiến người chiến sĩ ra đi khi tuổi độ đôi mươi.

Câu 10. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày suy nghĩ của em về nhân vật bà cụ trong văn bản trên.

Học sinh đưa ra suy nghĩ của mình về nhân vật bà cụ trong văn bản trên.

Học sinh trình bày trong một đoạn văn, có thể triển khai theo các kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.

Đọc hiểu Mây trắng còn bay Bảo Ninh

2. Đọc hiểu Mây trắng còn bay Bảo Ninh

MÂY TRẮNG CÒN BAY

- Bảo Ninh -

Máy bay cất cánh trong mưa. Tiếng càng bánh xe gấp lại có vẻ mạnh hơn bình thường dội độ rung vào thân máy bay. Tôi tiếc là đã không nghe lời vợ. Đáng lý nên trả vé, đừng theo chuyến này. Ngày xấu, giờ xấu, thời tiết xấu.

Máy bay hẫng một cái như hụt bước. Tay vận complet ngồi bên cạnh tôi mặt nhợt đi, mắt nhắm nghiền, cặp môi run run. Tôi bấu chặt các ngón tay vào thành ghế. Con người tôi bé tí hin treo trên vực sâu đang càng lúc càng sâu thẳm.

- Mây ngay ngoài, các bác kìa! - bà cụ ngồi ở ghế trong cùng, kề cửa sổ, thốt kêu lên.

Chiếc TU đã lấy được độ cao cần thiết, bắt đầu bay bằng. Hàng chữ điện “Cài thắt lưng an toàn” đã được tắt đi. Nhưng ngoài cửa sổ vẫn cuồn cuộn mây.

- Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Bà cụ nói - Y thể cây lá ngoài vườn.

Tay vận complet nhấc mi mắt lên. Môi y mím chặt, vẻ căng thẳng đổi thành quàu quạu.

- Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ?

Tay nọ làm thinh.

- Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?

Không được trả lời, bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm. Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế. Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến, bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cũng thực tình là già chẳng có lắm tiền. Cô gái ân cần giải thích để bà cụ yên tâm rằng giá của suất ăn này đã được tính gộp trong tiền vé.

- Thảo nào hai lượt tàu bay những triệu bạc - bà cụ nói - Vậy mà lúc biếu già tấm vé các chú không quân cùng đơn vị với con trai già ngày nọ bảo là tốn có trăm ngàn. Các chú ấy cho già thì có, chứ còn tính ở quê đừng nói triệu với trăm ngàn, ngàn với trăm cũng khó.

Bà cụ hạ chiếc bàn gấp xuống song không bày bữa ăn lên đấy. Tất cả các thứ hộp thứ gói trên khay bà dồn hết vào chiếc làn mây. Bà chẳng ăn chút gì. Lúc người ta mang đồ uống đến, bà cũng chỉ xin một cốc nước lọc. Bà hỏi cô tiếp viên:

- Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?

- Dạ thưa - Cô gái nhìn đồng hồ đeo tay - Còn chừng dăm phút nữa ạ. Nhưng thưa cụ vì chúng ta bay trên biển nên không ngang qua sông mà sẽ chỉ ngang qua vùng trời vĩ tuyến 17.

- Lát qua đấy con bật dùm già cái cửa tròn này con nhé, cho thoáng.

- Ấy chết, mở thế nào được ạ. Cô gái bật cười.

Ngoài cửa sổ nắng loé lên, cánh máy bay lấp lánh, nhưng chỉ trong chốc lát. Trên rất cao này, trời vẫn còn mây. Người tôi nôn nao như ngồi trên đu quay. Chưa chuyến nào thấy mệt như chuyến này. Có lẽ vì cơn bão đang hoành hành ở miền trung nên không trung đầy rẫy ổ gà. Máy bay chòng chành, dồi lắc, bên thân và dưới sàn khe khẽ phát ra những tiếng răng rắc như sắp rạn.

Tay vận complet xoè diêm châm thuốc. Là dân nghiện nhưng lúc này tôi thấy gai với khói. Lẽ ra y nên xuống phía dưới mà thả khí chứ chẳng nên phớt lờ hàng chữ “không hút thuốc” sáng nay trước mũi y như vậy, tôi sẽ uể oải thầm nghĩ, đậy tờ báo lên mặt và nhắm mắt lại.

Giấc ngủ thiu thiu chầm chậm trườn tới.

- Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!

Tôi giật bắn mình. Tôi bị giằng khỏi giấc ngủ không phải vì tiếng quát, tay ngồi cạnh tôi không quát to tiếng, chỉ nạt, nạt khẽ thôi, đủ nghe. Nhưng âm hưởng của nỗi hoảng hốt và sự cục cằn trong giọng y như tát vào mặt người ta. Thận trọng, tôi liếc nhìn. Khói thuốc và cặp vai to đùng của y che khuất cả bà cụ già, cả ô cửa sổ.

- Này, cô kia, cô nhân viên! - Y sang trọng đứng dậy mắng - Tới mà nhìn! Đây là hàng không hay là cái xô bếp? Là phi cơ hay là cái miếu thờ thế này, hả?

- Van bác... - Bà cụ sợ sệt - Bác ơi, van bác... Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.

Tay nọ gần như bước xéo lên đùi tôi, xấn ra lối đi. Bộ mặt hồng hào bừng bừng giận dữ và khinh miệt.

Bà cụ ngồi, lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc. Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thuỷ tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc.

Cô tiếp viên vội đi tới. Cô đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn.

Máy bay vươn mình nâng độ cao vượt qua trần mây. Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.

Khói nhang nhả nhè nhẹ, bốc lên dìu dịu, mờ mỏng trong bầu không khí lành lạnh của khoang máy bay. Những cây nhang trên trời thẳm toả hương thơm ngát. Ngoài cửa sổ đại dương khí quyển ngời sáng.

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Người kể chuyện trong văn bản là ai?

A. Người kể hạn tri, ngôi kể thứ 1

B. Người kể toàn tri, ngôi kể thứ 1

C. Người kể hạn tri, ngôi kể thứ 3

D. Người kể toàn tri, ngôi kể thứ 3

Câu 2: Truyện đề cập đến đề tài nào dưới đây?

A. Câu chuyện gia đình

B. Thiên nhiên đất nước

C. Cuộc sống thời hậu chiến

D. Sự vô cảm

Câu 3: Đâu không phải là ý nghĩa mà nhan đề văn bản gợi ra?

A. Hình ảnh thực tạo không gian bồng bềnh, hư ảo.

B. Mang ý niệm sự chảy trôi của thời gian và cuộc đời.

C. Nhắc nhở về quá khứ chưa ngủ yên, nỗi đau còn mãi.

D. Sự bất tử của đất trời và sự hữu hạn của đời người.

Câu 4: Truyện khắc hoạ hai nhân vật có tính chất đối sánh đó là?

A. Tôi và bà cụ

B. Nữ tiếp viên và bà cụ

C. Tay vận Comple và bà cụ

D. Hành khách và bà cụ

Câu 5: Thái độ của tay vận Comple trước những thắc mắc của bà cụ khi nhìn thấy những đám mây?

A. Im lặng, không quan tâm

B. Cáu bẳn, lớn tiếng

C. Vô cảm, lạnh nhạt

D. Khinh miệt, bất lực

Câu 6: Câu nói nào của bà cụ hé lộ mục đích tham gia chuyến bay?

A. Thảo nào hai lượt tàu bay những triệu bạc

B. Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được

C. Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?

D. Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?

Câu 7: Tình huống truyện được đẩy lên cao trào nhờ sự kiện nào?

A. Bà cụ thắc mắc khi nhìn ngắm mây bay bên ngoài cửa sổ.

B. Bà cụ xin một cốc nước lúc cô tiếp viên mang đồ đến phục vụ.

C. Tay comple quát nạt bà cụ vì bà bày biện đồ cúng trên máy bay.

D. Sàn khoang dốc lên, cái bàn thờ bé bỏng của bà cụ hơi nghiêng đi.

Câu 8: Chi tiết người nữ tiếp viên “Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn” và nhân vật tôi “xoài người ra giữ lấy cái khung ảnh” thể hiện điều gì?

Chi tiết người nữ tiếp viên “Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn” và nhân vật tôi “xoài người ra giữ lấy cái khung ảnh” thể hiện:

+ Sự cảm thông, thấu hiểu trước hành động của bà cụ

+ Trân trọng, biết ơn sự hy sinh của người lính

+ Sự xót xa trước nỗi đau chiến tranh còn dai dẳng

+ Góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm

Câu 9: Đánh giá của anh/chị về nhân vật tay vận Comple.

Nhân vật tay vận Comple không được tác giả đưa ra một cái tên cụ thể. Con người ấy có lẽ đại diện cho 1 bộ phận người hiện đại nhưng lại có lối sống ích kỉ, coi thường người nghèo và thiếu lịch sự. hắn được sống trong một thế giới hòa bình nhưng lại không biết trân trọng quá khứ, trân trọng những con người đã hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc.

Câu 10: Nhận xét về phần kết thúc của truyện.

+ Kết thúc giàu chất thơ đem lại cảm xúc ấm áp, thành kính, thiêng liêng…

+ Kết thúc ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trước hy sinh vĩ đại của người lính

+ Mang âm hưởng bi tráng thiện hiện niềm tin vào sự bất tử của người lính phi công.

3. Đọc hiểu Mây trắng còn bay - đề 1

Máy bay cất cánh trong mưa. Tiếng càng bánh xe gấp lại có vẻ mạnh hơn bình thường dội độ rung vào thân máy bay. Tôi tiếc là đã không nghe lời vợ. Đáng lý nên trả vé, đừng theo chuyến này. Ngày xấu, giờ xấu, thời tiết xấu.

Máy bay hẫng một cái như hụt bước. Tay vận complet ngồi bên cạnh tôi mặt nhợt đi, mắt nhắm nghiền, cặp môi run run. Tôi bấu chặt các ngón tay vào thành ghế. Con người tôi bé tí hin treo trên vực sâu đang càng lúc càng sâu thẳm.

- Mây ngay ngoài, các bác kìa! - bà cụ ngồi ở ghế trong cùng, kề cửa sổ, thốt kêu lên.

Chiếc TU đã lấy được độ cao cần thiết, bắt đầu bay bằng. Hàng chữ điện "Cài thắt lưng an toàn" đã được tắt đi. Nhưng ngoài cửa sổ vẫn cuồn cuộn mây.

- Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Bà cụ nói - Y thể cây lá ngoài vườn.

Tay vận complet nhấc mi mắt lên. Môi y mím chặt, vẻ căng thẳng đổi thành quàu quạu.

- Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ?

Tay nọ làm thinh.

- Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?

Không được trả lời, bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm. Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế. Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến, bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cũng thực tình là già chẳng có lắm tiền. Cô gái ân cần giải thích để bà cụ yên tâm rằng giá của suất ăn này đã được tính gộp trong tiền vé.

- Thảo nào hai lượt tàu bay những triệu bạc - bà cụ nói - Vậy mà lúc biếu già tấm vé các chú không quân cùng đơn vị với con trai già ngày nọ bảo là tốn có trăm ngàn. Các chú ấy cho già thì có, chứ còn tính ở quê đừng nói triệu với trăm ngàn, ngàn với trăm cũng khó.

Bà cụ hạ chiếc bàn gấp xuống song không bày bữa ăn lên đấy. Tất cả các thứ hộp thứ gói trên khay bà dồn hết vào chiếc làn mây. Bà chẳng ăn chút gì. Lúc người ta mang đồ uống đến, bà cũng chỉ xin một cốc nước lọc. Bà hỏi cô tiếp viên:

- Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?

- Dạ thưa - Cô gái nhìn đồng hồ đeo tay - Còn chừng dăm phút nữa ạ. Nhưng thưa cụ vì chúng ta bay trên biển nên không ngang qua sông mà sẽ chỉ ngang qua vùng trời vĩ tuyến 17.

- Lát qua đấy con bật dùm già cái cửa tròn này con nhé, cho thoáng.

- Ấy chết, mở thế nào được ạ. Cô gái bật cười.

Ngoài cửa sổ nắng loé lên, cánh máy bay lấp lánh, nhưng chỉ trong chốc lát. Trên rất cao này, trời vẫn còn mây. Người tôi nôn nao như ngồi trên đu quay. Chưa chuyến nào thấy mệt như chuyến này. Có lẽ vì cơn bão đang hoành hành ở miền trung nên không trung đầy rẫy ổ gà. Máy bay chòng chành, dồi lắc, bên thân và dưới sàn khe khẽ phát ra những tiếng răng rắc như sắp rạn.

Tay vận complet xoè diêm châm thuốc. Là dân nghiện nhưng lúc này tôi thấy gai với khói. Lẽ ra y nên xuống phía dưới mà thả khí chứ chẳng nên phớt lờ hàng chữ "không hút thuốc" sáng nay trước mũi y như vậy, tôi sẽ uể oải thầm nghĩ, đậy tờ báo lên mặt và nhắm mắt lại.

Giấc ngủ thiu thiu chầm chậm trườn tới.

- Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!

Tôi giật bắn mình. Tôi bị giằng khỏi giấc ngủ không phải vì tiếng quát, tay ngồi cạnh tôi không quát to tiếng, chỉ nạt, nạt khẽ thôi, đủ nghe. Nhưng âm hưởng của nỗi hoảng hốt và sự cục cằn trong giọng y như tát vào mặt người ta. Thận trọng, tôi liếc nhìn. Khói thuốc và cặp vai to đùng của y che khuất cả bà cụ già, cả ô cửa sổ.

- Này, cô kia, cô nhân viên! - Y sang trọng đứng dậy mắng - Tới mà nhìn! Đây là hàng không hay là cái xô bếp? Là phi cơ hay là cái miếu thờ thế này, hả?

- Van bác.. - Bà cụ sợ sệt - Bác ơi, van bác.. Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.

Tay nọ gần như bước xéo lên đùi tôi, xấn ra lối đi. Bộ mặt hồng hào bừng bừng giận dữ và khinh miệt.

Bà cụ ngồi, lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc. Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thuỷ tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc.

Cô tiếp viên vội đi tới. Cô đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn.

Máy bay vươn mình nâng độ cao vượt qua trần mây. Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.

Khói nhang nhả nhè nhẹ, bốc lên dìu dịu, mờ mỏng trong bầu không khí lành lạnh của khoang máy bay. Những cây nhang trên trời thẳm tỏa hương thơm ngát. Ngoài cửa sổ đại dương khí quyển ngời sáng.

(Mây trắng còn bay, Bảo Ninh, NXB Trẻ TP. HCM, 2008)

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản trên:

A. Truyện ngắn

B. Tiểu thuyết

C. Hồi kí

D. Tự truyện

Câu 2. Xác định ngôi kể, điểm nhìn trần thuật trong văn bản:

A. Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn hạn tri

B. Ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn toàn tri

C. Ngôi kể thứ ba, điểm nhìn hạn tri

B. Ngôi kể thứ ba, điểm nhìn toàn tri

Câu 3. Xác định đề tài của truyện

A. Đề tài chiến tranh

B. Đề tài người lính

C. Đề tài người mẹ anh hùng

D. Đề tài đất nước

Câu 4. Nhân vật chính trong truyện là nhân vật nào?

A. Tôi

B. Bà cụ

C. Tay vận (mặc) complet

D. Người con đã hi sinh của bà cụ

Câu 5. Những câu thoại của bà cụ: - Mây ngay ngoài, các bác kìa! / - Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Y thể cây lá ngoài vườn. / - Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ? / - Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác? có tác dụng như thế nào?

A. Tạo ấn tượng về sự già cả, có phần lẩm cẩm của bà cụ; đồng thời "đánh lạc hướng" độc giả để chuẩn bị cho sự xuất hiện của bà cụ - bà mẹ đau thương mà kiên cường ở phần cuối truyện.

B. Tạo sự đối lập trong cách xây dựng nhân vật: Bà cụ già cả, lẩm cẩm phần đầu truyện lại là người mẹ anh hùng phần cuối truyện.

C. Tạo sự đối lập trong cách xây dựng nhân vật: Nhân vật bà cụ chân chất, mộc mạc và nhân vật mặc com-lê sang trọng mà khiếm nhã ngồi cạnh.

D. Cả A, B, C

Câu 6. Câu nói nào sau đây góp phần chuyển câu chuyện sang một bước ngoặt khác:

A. Mây ngay ngoài, các bác kìa!

B. Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?

C. Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con?

D. Làm cái gì vậy? Hả! Cái bà già này!

Câu 7. Chủ đề của truyện là:

A. Nỗi đau của những người lính hi sinh vì chiến tranh

B. Nỗi đau của những người mẹ có con hi sinh trong chiến tranh

C. Phê phán sự thờ ơ vô tâm của những con người vô ơn, quên nguồn cội

D. Ca ngợi tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người

Câu 8. Nhan đề "Mây trắng còn bay" gợi cho em suy nghĩ gì?

Nhan đề "Mây trắng còn bay" gợi cho em suy nghĩ về sự hy sinh cao cả của những người chiến sĩ anh dũng khi ra chiến trường, sự mất mát, đau khổ của người ở lại khi mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời.

Câu 9. Nhận xét về thái độ của các nhân vật đối với bà cụ khi bà cụ mang lễ ra thắp hương.

Thái độ của các nhân vật đối với bà cụ khi bà cụ mang lễ ra thắp hương

- Người mặc comple: Khó chịu, gắt gỏng, không thấu hiểu cho bà cụ

- Cô nhân viên: Thấu hiểu được nỗi đau mất con của người mẹ, đồng cảm và giúp bà hoàn thành tâm nguyện một cách trân trọng nhất.

Câu 10. Em hãy nêu các phương diện thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân văn của truyện.

Các phương diện thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân văn của truyện

- Thể hiện được sự thấu hiểu, lòng cảm thông của mọi người đối với nỗi đau mà những người mẹ mất con sau những trận chiến đầy máu lửa.

- Ca ngợi tấm lòng cao cả của những người mẹ chiến sĩ, vẫn một lòng hướng về nơi chiến trường, nơi con mình đã phải bỏ mạng lại đó.

4. Đọc hiểu Mây trắng còn bay - đề 2

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản:

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Nghị luận

Câu 2: Không gian xảy ra câu chuyện là:

A. Trên máy bay

B. Trên ô tô

C. Tại nghĩa trang liệt sĩ

D. Trên dòng sông Bến Hải

Câu 3: Các nhân vật tham gia vào câu chuyện là:

A. Bà cụ, người mặc áo com-lê

B. Bà cụ, con trai của bà cụ

C. Bà cụ, người mặc áo com-lê, nhân vật tôi

D. Bà cụ, người mặc áo com-lê, nhân vật tôi, cô tiếp viên

Câu 4: Tác giả khắc họa nhân vật bà cụ ở phần đầu câu chuyện là người như thế nào?

A. Người già cả

B. Người già cả, không có hiểu biết, cái gì cũng lạ lẫm

C. Là bà lão "quê mùa" chân chất, mộc mạc, có phần lạc hậu và lạc lõng trong thế giới hiện đại

D. Là bà lão tính tình vui vẻ, hoạt bát, thích đùa, thân thiện với mọi người, dễ làm quen, dễ bắt chuyện

Câu 5: Địa danh Sông Bến Hải và vĩ tuyến 17 được nhắc đến trong truyện có ý nghĩa như thế nào?

A. Giúp câu chuyện tiếp diễn bình thường

B. Tạo không gian chân thực cho câu chuyện

C. Tạo bước ngoặt để câu chuyện chuyển sang hướng khác

D. Gợi nhắc nỗi đau chia cắt đất nước, và sự hi sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam để xóa đi ranh giới, nối liền hai miền Nam Bắc

Câu 6: Việc bà cụ hỏi cô tiếp viên Đã sắp đến sông Bến Hải chưa con? hé lộ điều gì?

A. Hé lộ mục đích đi máy bay của cụ: Đến thăm con

B. Hé lộ tính cách ôn hòa, hay bắt chuyện của bà cụ

C. Hé lộ địa danh mà bà cụ sẽ đáp xuống

D. Hé lộ tâm lí tò mò của bà cụ.

Câu 7: Dòng nào không thể hiện tâm trạng, nỗi lòng của bà cụ trong câu nói: Van bác.. - Bác ơi, van bác.. Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.

A. Nỗi đau đớn của bà mẹ mất con

B. Nỗi dằn vặt của bà cụ vì đã ba mươi năm mới đến được nơi con hi sinh

C. Tình yêu thương, nỗi nhớ con chưa bao giờ nguôi trong lòng bà cụ

D. Bà cụ đau khổ vì vô tình của những người ngồi trên máy bay

Câu 8: Khái quát đề tài, chủ đề của truyện "Mây trắng còn bay".

Đề tài: Nói về nỗi lòng người mẹ khi mất con trong chiến tranh

Chủ đề: Nói lên nỗi đau thấu trời của người mẹ khi mất người con trai duy nhất của mình vì tương lai của đất nước.

Câu 9: Hình ảnh trong câu văn: "Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, những người phi công trong ảnh còn rất trẻ." gợi cho em suy nghĩ gì?

Hình ảnh trong câu văn: "Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, những người phi công trong ảnh còn rất trẻ." gợi lên trong em sự biết ơn, sự trân trọng đặc biệt dành cho những người lính xưa. Họ đánh đổi cả tuổi xuân, tính mạng để mang lại sự tự do, độc lập, bình yên cho thế giới ngày nay. Nhưng liệu còn mấy ai nhớ đến sự hi sinh cao cả của các anh?

Câu 10: Truyện được kể theo điểm nhìn của nhân vật nào? Cách chọn điểm nhìn đó có tác dụng như thế nào?

Truyện được kể theo điểm nhìn của nhân vật "tôi" với tác dụng giúp bộc lộ cảm xúc của bản thân một cách gần gũi, chân thực nhất, bên cạnh đó tạo nên được tính khách quan cho toàn câu chuyện.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
37 154.682
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm