Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch lớp 10 tập 2 Chân trời sáng tạo được Hoatieu chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về nội dung bài học trang 81 SGK văn 10 tập 2 CTST cũng như cách viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự, tác phẩm kịch. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Soạn văn 10 tập 2 Chân trời sáng tạo trang 81

Câu 1 trang 83 SGK Ngữ văn 10 tập 2 CTST

Ngữ liệu trên đã là một bài viết hoàn chỉnh hay chưa? Những dấu hiệu nào giúp bạn xác định như vậy?

Ngữ liệu trên chưa phải là một bài viết hoàn chỉnh. Có thể căn cứ vào kí hiệu [...] ở đầu bài viết để xác định như vậy.

Câu 2 trang 83 SGK Ngữ văn 10 tập 2 CTST

Luận điểm được tập trung phân tích, đánh giá trong ngữ liệu là gì?

Luận điểm được tập trung phân tích, đánh giá trong ngữ liệu là lối kể đan xen giữa thực tế và mộng tưởng trong Cô bé bán diêm.

Câu 3 trang 83 SGK Ngữ văn 10 tập 2 CTST

Chỉ ra sự kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng trong ngữ liệu.

- Lí lẽ: Thực tế càng tăng thêm phần nghiệt ngã với em bé thì nó càng thôi thúc em bé tìm đến với chốn bình yên là cõi mộng ảo.

+ Bằng chứng: Các lần quẹt diêm và hiệu quả mà nó mang lại.

- Lí lẽ: Truyện có nhiều hơn năm lần quẹt diêm

+ Bằng chứng: Bởi bốn lần, mỗi lần em chỉ quẹt một que, riêng lần thứ năm em quẹt liên tục hết cả bao diêm.

Câu 4 trang 83 SGK Ngữ văn 10 tập 2 CTST

Người viết đã có những nhận xét gì về tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm?

Người viết đã có những nhận xét về tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm như sau:

- Lối kể xen kẽ có tác dụng rất lớn để đưa người đọc xâm nhập vào thế giới mộng tưởng của nhân vật.

- Ánh sáng từ ngọn lửa que diêm đảm nhận hai chức năng: vừa sưởi ẩm (chức năng này không quan trọng vì ngọn lửa diêm thì quá nhỏ nhoi trước trời tuyết mênh mông), vừa thắp sáng lên thế giới mộng ảo, cái thế giới mang lại hạnh phúc cho em.

Thực hành viết theo quy trình trang 84 Văn 10 tập 2 CTST

Bước 1: Chuẩn bị viết

- Xác định đề tài

Có thể chọn một tác phẩm truyện hoặc một màn kịch nào đó để phân tích, đánh giá:

+ Truyện: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)

+ Kịch: Xã trưởng - Mẹ Đốp (trích Quan Âm Thị Kính, chèo cổ)

- Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc

+ Mục đích viết: Phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự, tác phẩm kịch

+ Người đọc bài viết của bạn có thể là thầy cô giáo bộ môn, bạn bè cùng lớp, phụ huynh,...

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Trả lời các câu hỏi:

- Chủ đề của tác phẩm này là gì? Chủ đề của tác phẩm cần phân tích, đánh giá đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào và được khơi sâu nhờ bút pháp thế nào?...

- Tác phẩm được sáng tác theo thể loại nào (truyện, kịch)? Thể loại ấy có những điểm gì đáng lưu ý (trong cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, điểm nhìn, lời kể, lời thoại,...)? Các yếu tố hình thức nghệ thuật của tác phẩm có gì đặc sắc và đã góp phần thể hiện chủ đề thế nào?

Lập dàn ý

Sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý 3 phần:

- Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự/ tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

- Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định (chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).

- Kết bài: khẳng định lại một cách khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

Bước 3: Viết bài

Đề 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện

Bài viết tham khảo đề 1: Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi)

Vùng đất phương Nam là nơi tốn không ít bút mực của các nhà văn nhà thơ. Có người viết về thiên nhiên, có người viết về sông nước, có người lại viết về cái gắt gỏng của khí hậu nơi này… Góp nhặt vào đề tài ấy, Đoàn Giỏi đã cho người đọc có cái nhìn bao quát về thiên nhiên cũng như con người phương Nam. Đặc sắc hơn nữa là tác giả cho người đọc thấy cách ăn ong khác thường trong khu rừng U Minh qua đoạn trích trong sách giáo khoa Văn 10.

Mở đầu đoạn trích, tác giả phác họa bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, trong trẻo của khu rừng U Minh qua góc nhìn của cậu bé An: đất rừng yên tĩnh, trời không có gió, không khí mát lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, đất ẩm… ánh sáng trong vắt. Vẻ đẹp phong phú, sống động của rừng còn được thể hiện ở sự đa dạng của các loài chim, âm thanh sống động của chim, ong, cảnh vật cây cối cũng đa dạng: đàn ong mật như một xâu chuỗi hạt cườm, một đàn li ti như nắm trấu bay, tiếng kêu eo…eo…râm ran khu rừng mà phải thính tai mới thấy; mặt trời tuôn ánh sáng vàng rực rỡ, chim hót líu lo, hương tràm thơm ngây ngất khắp khu rừng, những con kì nhông với đủ sắc màu; vùng cỏ tranh khô vàng có hàng nghìn con chim cất cánh bay. Quả thật là nhà văn đã quan sát tinh tế mà miêu tả lại càng tài tình trong cách dùng tính từ chỉ màu sắc, âm thanh.

Thiên nhiên trong trẻo, đầy sức sống là vậy, con người cũng rất chất phác, thuần hậu và giàu hiểu biết. Cậu bé An- nhân vật xưng tôi trong đoạn trích Nhân vật An đã được nhà văn miêu tả qua lời nói: ôn hòa với thằng Cò, lễ độ với ba má; hành động hết sức nhanh nhẹn: chen vào giữa, quảy cái gùi bé; đảo mắt nhìn; và nhân vật khắc họa qua suy nghĩ, cảm xúc: qua lời má kể vẫn chưa hình dung về cách “ăn ong”, khi được đi thực tế thì đã so sánh được sự khác biệt ở vùng U Minh với các vùng khác trên thế giới; cảm thấy lạ lẫm vì không gian im lìm ở trong rừng; ngạc nhiên về vẻ đẹp rừng U Minh với đa dạng loài chim và âm thanh; tự ái khi hỏi thằng Cò nhiều thứ. Trong mối quan hệ với các nhân vật khác, An xưng mày- tao với Cò thể hiện quan hệ bình đẳng; với ba má nuôi thì xưng hô lễ phép. Qua đó chúng ta thấy được nhân vật An là cậu bé hồn nhiên, ngoan ngoãn nhưng hết sức hiểu chuyện và cũng ham học hỏi và hiểu biết rộng.

Bên cạnh An ngây thơ, vô tư ham học hỏi là nhân vật Cò –một người sành sỏi, hiểu biết rộng về vùng đất U Minh. Cò qua cái nhìn của An là một người khỏe mạnh dẻo dai (cặp chân như bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng) được sinh ra và lớn lên ở vùng núi rừng U Minh. Cuộc nói chuyện của Cò với An về cách nhận biết chỗ ong đậu, ong qua lại, đặc điểm thiên nhiên, hướng gió… Cò giảng giải cho An về sự xuất hiện của ong mật, nơi mà ong mật sẽ làm tổ cho thấy Cò là người rất sành sỏi, quen thuộc và hiểu biết kĩ càng về rừng U Minh. Cũng giống như Cò, cha Cò-tía nuôi của An là một người rất tình cảm, chu đáo, cẩn thận và giàu lòng yêu thiên nhiên động vật. Vào rừng ăn ong, tía bên hông lủng lẳng túi, lưng mang gùi, tay cầm chà gạc, người mang theo những vật dụng cần thiết để chăm con và lấy mật. Khi vào sâu trong rừng, nhìn con đẫm đìa mồ hôi thấm mệt, tía nói các con nghỉ ngơi ăn uống no rồi đi tiếp. Đoạn rừng rậm rạp, tía vung tay lên, đưa con dao phạt ngang cành trước mặt để thông thoáng lối đi. Khi An bị ong đốt, Cò toan giết ong thì tía vội cản, tía dùng mồi lửa đuổi ong đi. Điều đó cho thấy tấm lòng nhân hậu, yêu thiên nhiên tha thiết của ông.

Xây dựng bức tranh thiên nhiên phóng khoáng, tác giả sử dụng biện pháp liệt kê (các loài chim, các loài ong, quy trình ăn ong…) cùng với từ ngữ giản dị, đậm chất Nam bộ. Còn xây dựng nhân vật tác giả kết hợp miêu tả ngoại hình với hành động, cảm xúc suy nghĩ của nhân vật. Không chỉ để cho nhân vật tự nghĩ, tự đánh giá về mình, nhân vật còn đánh giá nhân vật khác để tạo sự khách quan.

Với một đoạn trích ngắn gọn trong Đất rung phương Nam, nhưng bản thân có ấn tượng sâu sắc về con người và đất rừng phương Nam. Đó là vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên với rừng rậm bạt ngàn, thú rừng hoang dã muôn loài. Con người chất phác, thuần hậu, trọng nghĩa, can đảm. Mảnh đất tận cùng phía nam của Tổ quốc hiện lên thật sống động thông qua nghệ thuật miêu tả đầy sáng tạo của nhà văn. Tác giả đã huy động các giác quan và nhiều điểm nhìn để quan sát, miêu tả cùng với sự hiểu biết phong phú về thiên nhiên, con người và cuộc sống ở vùng đất ấy, giúp cho người đọc vừa hình dung được cụ thể, vừa có thêm những hiểu biết để yêu mảnh đất phương Nam.

Đề 2: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một màn kịch mà bạn đã học hoặc đã đọc.

Bài viết tham khảo đề 2: Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm kịch Xã trưởng - Mẹ Đốp (trích Quan Âm Thị Kính, chèo cổ)

Xã trưởng - Mẹ Đốp là đoạn trích được trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính, bằng ngôn ngữ đực trưng của chèo và các vai nhân vật, người đọc thấy được cuộc trao đổi giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, thông báo cho cả làng biết tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng. Qua đó thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức.

Mở đầu đoạn trích là thông tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng, bị rêu rao khắp làng xóm và bị phạt. Thông tin hết sức ngắn gọn được xã trưởng nêu lên để triệu tập bố Đốp ra làm việc. Thông tin ấy phần nào thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe.

Tiếp theo là màn đối đáp giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, các màn kịch lần lượt được hiện lên. Đầu tiên là màn kịch phơi bày bộ mặt gian trá, dốt nát, kém hiểu biết của xã trưởng, sự tinh lanh, nhanh nhẹn hoạt ngôn của mẹ Đốp: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái tôi nay trước bảo”. Rồi khi mẹ Đốp đọc thơ, xã trưởng cũng lấy làm hay thì mẹ Đốp bảo thầy chép về mà treo…

Tiếp đó là màn kịch của một tên háo sắc, nhũng nhiễu dân lành. Đường đường là người đứng đầu một làng một xã, lẽ ra phải là người ăn nói chỉn chu, lịch sự nhã nhặn với dân. Nhưng không, xã trưởng ở đây ngang nhiên gạ gẫm dân lành “nhà Đốp lớp này coi ra bảnh gái dễ coi lắm nhỉ… hôm nào mát trời tao sang gửi một đứa nhỉ”. Những ngôn ngữ “bảnh gái, gửi đứa” chỉ phù hợp với lứa trẻ đang tán tỉnh, trêu đùa nhau, không hề phù hợp với người cán bộ, người đứng đầu.

Và màn kịch cuối là màn kịch sử dụng ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc hoạ nổi bật tính cách của các nhân vật, cùng với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính. Yếu tố hài hước được tạo nên từ những thủ pháp như sử dụng từ đồng âm ''bằng'' (“Bố cháu trẩy tỉnh lĩnh bằng rồi ạ/ Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì/ Bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi”); sử dụng âm vận “ôi” (Thánh đế lên ngôi/Chẳng giấu gì mẹ đốp là tôi; giấy quan về là phải báo với tôi/ tôi chưa ra là làng chửa được ngồi)… cùng những từ ngữ dân dã, xưng hô xuồng xã: con mẹ Đốp, con này, bảnh gái, mộc đạc… Qua đó nhân vật hiện lên rõ nét: mẹ Đốp là nhân vật nhân vật hài hước, gây cười, là người nhanh nhẹn, hoạt bát, mồm năm miệng mười. Còn xã trưởng là người tự hào khi mình được chọn làm lí trưởng, ra oai với dân làng, khinh bỉ, coi thường những người có địa vị thấp kém hơn mình. Sự xuất hiện hai nhân vật đối lập trong kịch bản chèo: giúp thể hiện rõ tư tưởng, triết lí dân gian bởi lời nói cử chỉ của nhân vật vừa gây cười nhưng rất thâm thúy, sâu sa, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống. Xây dựng xung đột kịch lôi cuốn, hấp dẫn. Xây dựng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho giai cấp tầng lớp trong xã hội (xã trưởng- quan lại kém hiểu biết, lố lăng háo sắc; mẹ Đốp- nông dân khéo ăn khéo nói). Những làn điệu chèo phù hợp, giúp diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Nhân vật mang tính quy ước, thiện – ác phân chia làm hai tuyến rõ ràng. Qua việc xây dựng nhân vật và xung đột kịch hấp dẫn góp phần thể hiện văn hóa dân gian, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
10 16.316
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm