Phân tích đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện Tấm Cám

Phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám là một trong những dạng đề các em có thể gặp trong chương trình Ngữ văn lớp 10. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý phân tích đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện Tấm Cám kèm theo một số bài văn mẫu phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện Tấm Cám ngắn gọn, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Dàn ý phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện Tấm Cám

Mở bài

Khái quát về truyện Tấm Cám

Tấm cám là truyện cổ tích đặc sắc của kho tàng truyện dân gian Việt Nam, câu chuyện đã phản ánh những nét đặc trưng trong nghệ thuật kể chuyện và xây dựng nhân vật của truyện cổ tích

Thân Bài

1. Tóm tắt

Tấm là cô gái hiền lành, tốt bụng, chăm chỉ nhưng phải ở với dì ghẻ và con của bà ta là Cám. Tấm luôn bị đối xử tàn nhẫn, bất công. Khi đi bắt tép, Tấm bị Cám lừa lấy hết tôm tép giành mất yếm đỏ, hội đến Tấm cũng không được đi. Nhờ sự giúp đỡ của Bụt Tấm mới có được quần áo đi chơi hội. Vì đi vừa chiếc giày mà nhà vua nhặt được hôm hội làng Tấm trở thành hoàng hậu. Thế nhưng nàng vẫn bị mẹ con Cám tính kế hại chết. Hết chặt cây cau khiến nàng ngã chết lại đến giết chim vàng anh, chặt xoan đào, đốt khung cửi (những thứ Tấm hóa thành). Cuối cùng sau bao khó khăn Tấm bước ra từ quả thị đoàn tụ với vua trở về trừng trị mẹ con Cám.

2. Chủ đề và ý nghĩa

Miêu tả cuộc đời bất hạnh và con đường dẫn đến hạnh phúc của Tấm. Thể hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng để giành hạnh phúc và bảo vệ hạnh phúc của người lương thiện.

Truyện Tấm Cám ngợi ca sức sống bất diệt, sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người và cái thiện trước sự vùi dập của kẻ xấu, cái ác, đồng thời thể hiện niềm tin cá nhân của nhân dân vào công lí và chính nghĩa.

3. Nét đặc sắc nghệ thuật

- Sử dụng các yếu tố kì ảo, hoang đường với sự xuất hiện của ông Bụt và những lần biến thân của Tấm

Sự chuyển biến trong những lần biến thân của Tấm là một dụng ý nghệ thuật: từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình. Đó cũng là chân lí trong cuộc sống và tâm lí của mỗi con người, có áp bức thì sẽ có đấu tranh

Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và sự đặc sắc của các nét nghệ thuật.

- Tác động của truyện đối với bản thân và người đọc.

2. Phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện Tấm Cám - mẫu 1

Người Việt Nam ta từ xưa tới nay đều mong muốn về một cuộc sống công bằng, một xã hội mà nơi người hiền sẽ gặp được điều thiện, cái xấu sẽ bị trừng trị. Bởi vậy, câu truyện Tấm Cám chính là một trong những tác phẩm mà dân gian chúng ta sáng tạo ra để thể hiện mong muốn đó.

Tấm Cám là câu truyện kể về cuộc đời của Tấm. Mẹ mất, cha đi bước nữa rồi chẳng bao lâu sau cũng bỏ Tấm mà ra đi, Tấm như mất đi tất cả điểm tựa của cuộc đời, từ đó sống như người ở với mẹ con Cám. Tấm chăm chỉ, hiền lành là vậy nhưng cũng không thể đáp ứng được những yêu cầu mà dì ghẻ giao cho. Thế rồi, được Bụt giúp đỡ Tấm đã trở thành hoàng hậu hạnh phúc. Nhưng những ngày vui chưa kéo dài được bao lâu thì chuyện đau khổ lại ập xuống. Sau biết bao lần hóa kiếp, trải qua biết bao nhiêu khổ đau cuối cùng Tấm cũng trở về cạnh bên nhà vua còn mẹ con dì ghẻ độc ác thì bị đuổi về quê sống, không bao giờ được trở lại kinh thành nữa.

Trước tiên, câu truyện chính là lời răn dạy của ông cha ta: “ Ở hiền gặp lành”. Dù bị sai khiến làm việc bất kể ngày đem, bị đối xử không công bằng, thế nhưng Tấm vẫn không bao giờ kêu than. Cô vẫn chăm chỉ ngày ngày làm những công việc nặng nhọc mà dì ghẻ giao cho. Cũng chính bởi vậy, mà vào lúc cô buồn rầu bật khóc Bụt sẽ lại suất hiện giúp đỡ cô. Có lẽ trong cuộc sống đời thường của chúng ta sẽ không thể có những ông bụt, bà tiên hiện ra an ủi: “Vì sao con khóc?”. Nhưng vẫn sẽ có những người, vào lúc ta khó khăn nhất của cuộc đời, dang rộng đôi tay giúp đỡ chúng ta. Những ông bụt, bà tiên hiện ra đều là hình ảnh khi con người được cứu rỗi khỏi khó khăn trong cuộc sống, cho họ nhìn thấy ánh sáng trong con đường tối tăm giăng đầy không gian.

Thế rồi, khi có được hạnh phúc ta còn phải học cách để giữ lấy hạnh phúc ấy. Tấm tuy đã trở thành hoàng hậu, đã là người hạnh phúc nhất thế gian nhưng vẫn không thể thoát khỏi những ganh ghét, đố kị đời thường. Khoảnh khắc cây cau ngã xuống, ta tưởng chừng như câu truyện đã kết thúc, những điều mà Tấm cố gắng trở thành hư vô. Nhưng rồi, sự việc tiếp theo khiến chúng ta càng tin tưởng hơn vào cuộc sống. Tấm không chết mà cô hóa thân thành những sự vật để sống cạnh nhà vua, sống cạnh người cô yêu. Có lẽ rằng hạnh phúc tuy không hiện hữu bằng mắt thường, nhưng bằng một cách nào đấy, chúng ta vẫn sẽ luôn cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc đời này.

Những lần bị mẹ con Cám bày mưu hãm hại cũng chính là những kiếp nạn mà Tấm phải vượt qua. Con người chúng ta cũng vậy, trên đường đời sẽ không bao giờ có lối đi nào bằng phẳng hay trải đầy hoa hồng mà nó sẽ luôn gập ghềnh, trắc trở. Chỉ có khi chúng ta vượt qua được những thử thách đó thì con người ta mới trưởng thành, mới lột bỏ lớp vỏ cũ kĩ của mình đi. Khi chúng ta vượt qua được những khó khăn ấy, chúng ta mới có thể hoàn toàn trở thành quả thị, tỏa hương thơm ngát cho cuộc đời.

Yếu tố kì ảo là một phần không thể không nhắc tới trong những câu truyện cổ tích mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam. Ngôn ngữ bình dị, gần gũi, dễ tiếp cận cũng là một trong những yếu tố giúp cho câu truyện này thành công tới vậy. Bằng ngòi bút sáng tạo độc đáo của mình, các tác giả dân gian đã mang đến cho chúng ta bài học về cội nguồn yêu thương, về lối sống căm chỉ, cần cù, cũng như bài học cuộc sống : “ Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.

Mặc dù có nhiều dị bản khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng Tấm Cám vẫn là một trong những câu truyện nhân văn, mang nhiều bài học và ý nghĩa nhất đến với mọi người.

3. Phân tích đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của truyện Tấm Cám - mẫu 2

Tấm Cám - một câu chuyện cổ tích gắn liền với biết bao thế hệ. Một câu chuyện mà dù người lớn hay trẻ con đều biết. Hồi bé, ai mà chả ước mình được làm cô Tấm, được cưới hoàng tử làm hoàng hậu, mỗi lần khó khăn đều có bụt giúp đỡ hay được bất tử, chết đi sống lại nhiều lần. Thế mới thấy được cách xây dựng chủ đề cùng những đặc sắc nghệ thuật trong Tấm Cám rất đặc biệt và sâu sắc.

Tấm Cám là câu truyện kể về hai nhân vật chính là Tấm và Cám. Tấm là người chị hiền lành, chăm chỉ nhưng do hoàn cảnh bố mất sớm nên cô phải ở với dì ghẻ và người em cùng cha khác mẹ là Cám. Tấm luôn bị mẹ con Cám đối xử tàn nhẫn, bất công, mọi công việc trong nhà đều do Tấm làm hết còn hai mẹ con ả chỉ việc ngồi chơi hưởng thụ. Một lần dì ghẻ sai Tấm và Cám đi bắt tép, ai bắt được nhiều sẽ được thưởng một chiếc yếm đào. Tấm chăm chỉ bắt nên được giỏ được đầy còn Cám mải chơi nên giỏ trống không. Khi sắp đến giờ về nhà, thấy giỏ của Tấm đầy ắp tôm cá, Cám liền nghĩ cách lừa chị và trút hết giỏ tép của Tấm và giỏ của mình. Tấm ngây thơ không biết nên vẫn mải gội đầu mà không hay biết rằng mình đã bị lừa. Đến khi lên bờ mới vỡ lẽ ra và ôm mặt ngồi khóc. Đúng lúc đó bụt hiện lên giúp đỡ. Nhờ Bụt mà Tấm có người bạn để tâm sự là cá bống, có quần áo mặc đi chơi hội, và được bầy chim sẻ giúp đỡ. Ít lâu sau, nhà vua mở hội, thông báo rằng nếu ai đi vừa đôi hài xinh xắn này sẽ được làm vợ vua. Và thật vui sao khi Tấm chính là người mang vừa đôi hài đó và trở thành hoàng hậu. Mẹ con Cám rất ghen tị, nên nhân một lần Tấm về giỗ cha đã tìm cách hại chết Tấm. Sau lần ấy, Cám vào cung thay chị. Tuy nhiên Tấm lần lượt hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi để phá hoại Cám và cuối cùng là biến thành quả thị để trở thành con gái bà cụ. Sau bao nhiêu khó khăn, Tấm cũng trở lại làm người và quay trở về cung sống bên vua. Còn mẹ con Cám phải lấy cái chết làm hình phạt thích đáng.

Qua bản tóm tắt trên, ta có thấy chủ đề của câu chuyện là miêu tả cuộc đời bất hạnh của Tấm và con đường dẫn đến hạnh phúc của cô. Thể hiện cuộc đấu tranh để giành hạnh phúc và bảo vệ hạnh phúc của những người lương thiện. Một chủ đề không còn mấy xa lạ trong thể loại truyện cổ tích, tương tự như các truyện cổ tích khác như Lọ Lem. Là một chủ đề dễ thấy nhưng được thể hiện một cách mới mẻ và đặc sắc. Là một chủ đề phê phán những người ở phe xấu và khẳng định rằng cái thiện luôn chiến thắng cái ác và cái thiện sẽ luôn được bảo vệ

Câu chuyện không chỉ thể hiện chủ đề độc đáo mà nó còn thể hiện những đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu như nghệ thuật hư cấu, tưởng tưởng kì ảo, cách xây dựng cốt truyện độc đáo và ngôn ngữ truyện giản dị, gần gũi. Truyện sử dụng nhiều nghệ thuật hư cấu như hình tượng ông bụt chỉ xuất hiện trong những thể loại cổ tích hay truyền thần thoại mang tính kì ảo. Hay thông qua những chi tiết như Tấm trò chuyện cùng cá bống hay đàn chim sẻ giúp đỡ Cám nhặt hạt đỗ. Thậm chí là chi tiết Tấm hóa thân thành chim vàng anh hay khung cửi, trái thị. Tất cả đều cho thấy nghệ thuật hư cấu, tưởng tưởng kì ảo. Đặc sắc nghệ thuật còn thể hiện ở cách xây dựng cốt truyện độc đáo và ngôn ngữ truyện giản dị, gần gũi. Cốt truyện với nhiều tình tiết thú vị và bộc lộ rõ bản chất của mỗi người. Ngôn từ giản dị và gần gũi, bất cứ ai dù người lớn hay trẻ con đều có thể hiểu.

Dù đã có nhiều dị bản nhưng Tấm Cám vẫn khẳng định được mục đích của truyện rằng cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Không dừng lại như kết thúc của sách giáo khoa hay lười mẹ kể, lời kể dân gian còn tiếp diễn với việc Cám và bà mẹ của ả bị trừng phạt thích đáng. Đây đúng là một câu chuyện muôn thuở và đáng để truyền lại cho con cháu.

4. Phân tích đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của truyện Tấm Cám

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích Việt Nam thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì đã được đưa vào sách giáo khoa cũng như những ấn bản văn học để đến với người đọc. Chủ đề của Tấm Cám nằm trong chủ đề chung của nhiều truyện cổ tích ở nước ta: Chính thắng gian tà.Lúc nào con người ta sống thành thật, hiền lành sẽ luôn gặp được điều tốt đẹp và ngược lại.

Nội dung chính của truyện Tấm Cám kể về hai chị em cùng cha khác mẹ tên là Tấm và Cám. Cha mất sớm nên Tấm phải ở cùng với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ tên là Cám.

Hằng ngày, Tấm phải chăm chỉ làm lụng, hiền lành được bụt giúp đỡ và trong ngày hội đã trở thành hoàng hậu. Đến ngày giỗ cha, nàng về nhà thì bị mẹ con Cám bức hại, và từ đó nàng phải trải qua hết kiếp hóa thân này đến kiếp hóa thân khác mới được trở về sống cùng nhà vua, hưởng hạnh phúc trọn đời. Còn mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng.

Ta có thể thấy mâu thuẫn chính, chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn mẹ ghẻ, con chồng. Ông cha ta vẫn thường có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, đây là mâu thuẫn cơ bản dẫn đến hàng loạt các xung đột biến cố phía sau. Từ đó nâng lên thành xung đột giữa thiện - ác, tốt - xấu mang ý nghĩa xã hội to lớn.

Trước hết mâu thuẫn nảy sinh là do sự đối xử bất công của dì ghẻ với Tấm. Hàng ngày Tấm phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, ngày nàng chăn trâu, cắt cỏ, đêm thì giã gạo, xay thóc… cô phải luôn chân luôn tay làm việc, không có lúc nào nghỉ ngơi. Còn Cám lại suốt ngày rong chơi, hái hoa bắt bướm. Và đỉnh điểm của sự việc là khi Tấm bị Cám lừa lấy hết giỏ tép vào giỏ mình về nhà trước nhận phần thưởng là chiếc yếm đỏ. Chiếc yếm đỏ không đơn thuần chỉ là một phần thưởng mà nó còn tượng trưng cho sự trưởng thành, là khát khao của cô gái mới lớn. Mẹ Cám hoàn toàn biết sự thật nhưng vẫn mặc kệ trao thưởng cho Cám, Tấm bất lực chỉ biết ngồi khóc. Như vậy, Tấm trước hết bị Cám tước đoạt quyền lợi về mặt vật chất. Ông Bụt xuất hiện, ban thưởng cũng là bù đắp cho số phận của những người con gái bị lừa gạt. Cá bống xuất hiện làm bạn, xua tan những cô đơn, tủi cực của Tấm. Nhưng đồng thời, chính lúc này Tấm phải đối diện với lần lừa gạt thứ hai. Cá bống là người bạn duy nhất tâm tình cùng Tấm, Tấm “nhường cơm sẻ áo” cho người bạn ấy. Mẹ con Cám khi biết chuyện đã lừa Tấm “đi chăn trâu đồng xa, chớ chăn gần nhà người ta bắt mất trâu” để giết cá bống. Không chỉ tước đoạt phần thưởng vật chất, mẹ con Cám còn tước đoạt niềm vui tinh thần của Tấm. Mâu thuẫn tiếp tục đẩy lên cao hơn, trong ngày hội mẹ Cám trộn một đấu thóc với một đấu gạo, bắt Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo nhằm ngăn Tấm không được hưởng niềm vui tinh thần - dự hội cùng mọi người. Mẹ con Cám hết lần này đến lần khác đối xử bất công với Tấm, ngăn cản niềm vui, hạnh phúc của Tấm. Đó là biểu hiện của sự độc ác, tàn nhẫn và bất công.

Trước sự đối xử bất công, Tấm chỉ có duy nhất một phản ứng chính là ôm mặt khóc. Cô chỉ mới dừng lại ở việc ý thức được sự đau khổ, chứ chưa có hành động quyết liệt để thoát nỗi đau khổ đó. Tâm luôn cam chịu, nhẫn nhục một cách thụ động. Và để giải quyết những nỗi ấm ức, bất hạnh của Tấm, Bụt xuất hiện sau mỗi tiếng khóc của cô, Bụt ban cho Tấm: cá bống - làm bạn, quần áo - dự hội, đây đồng thời cũng là cơ hội để Tấm có được hạnh phúc. Và kết quả cô đã trở thành hoàng hậu. Đây là mô típ quen thuộc trong văn học dân gian thể hiện quan điểm “Ở hiền gặp lành” của nhân dân ta.

Nhưng nếu câu chuyện mới chỉ dừng lại ở đó thì “Tấm Cám” sẽ nhòe mờ trong vô vàn truyện cổ tích có mô típ tương tự. Câu chuyện tiếp tục phát triển với những mâu thuẫn mới xuất hiện. Khi trở thành hoàng hậu, nàng vẫn giữ trọn vẹn đạo hiếu, ngày giỗ cha trở về nhà làm giỗ. Và cũng chính từ đây hàng loạt biến cố trong đời nàng tiếp tục xảy ra. Dì ghẻ bảo Tấm trèo lên cây hái cau. Còn mụ ta thì ở dưới chặt cây. Tấm thấy động, hỏi thì dì ghẻ bảo đuổi kiến, nhưng kỳ thực mẹ con Cám đang chặt cây cau, cây đổ. Tấm chết và Cám vào cung thay chị làm hoàng hậu. Như vậy Tấm bị cướp đoạt mạng sống và ngôi vị, đây là sự tước đoạt cả về quyền lợi vật chất lẫn tinh thần. Nhưng ở giai đoạn này không còn là cô Tấm cam chịu, Tấm không cam lòng và trở về hoàng cung với nhiều hình dạng khác nhau: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và đều bị mẹ con Cám sát hại dã man. Qua hai chặng từ Tấm bị đối xử bất công đến bị mẹ con Cám hại chết cho thấy mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật càng ngày càng quyết liệt hơn, gay cấn hơn.

Không còn là một nàng Tấm cam chịu trước những bất công, ở chặng thứ hai này, Tấm đã vùng lên phản kháng, đấu tranh một cách quyết liệt. Bởi Tấm không chỉ bị tước quyền lợi vật chất, tinh thần mà còn bị cướp đi cả mạng sống hết lần này đến lần khác, nó đã quá giới hạn chịu đựng của con người. Bởi vậy nàng phải vùng lên đấu tranh, quay trở về tuyên chiến với Cám bằng lời đe dọa:

Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị

Chị khoét mắt ra

Không chỉ tuyên chiến mà Tấm còn trừng trị Cám một cách thích đáng và quay lại ngôi vị hoàng hậu hưởng hạnh phúc bên nhà vua. Câu chuyện đến đây còn thêm nhiều ý nghĩa, đó là bài học về: “Ác giả ác báo”, khẳng định cái thiện sẽ luôn giành chiến thắng. Đồng thời qua quá trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy hạnh phúc chỉ thực sự bền lâu khi mỗi chúng ta biết đấu tranh và giữ lấy nó.

Thành công của tác phẩm không chỉ ở nội dung đặc sắc mà còn ở hình thức nghệ thuật. Tấm Cám xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, giàu kịch tính theo chiều tăng tiến. Sử dụng linh hoạt các yếu tố thần kì: Ông Bụt là nhân vật trợ giúp; sự thân liên tiếp của Tấm thể hiện ý thức đấu tranh giành hạnh phúc. Nhân vật không đơn nhất một chiều mà có sự phát triển tính cách.

“Tấm Cám” là câu chuyện hấp dẫn, đặc sắc ở cốt truyện lôi cuốn, có sự phát triển. Qua tác phẩm các tác giả dân gian gửi gắm những quan niệm sâu sắc: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Đồng thời truyện cũng phản ánh những mâu thuẫn xung đột trong gia đình thời cổ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
8 18.673
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm