Dưới bóng hoàng lan đọc hiểu (3 đề)

Dưới bóng hoàng lan là một truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam xoay quanh 1 lần về thăm quê của nhân vật Thanh. Dưới bóng hoàng lan là một trong số các truyện ngắn thường xuyên xuất hiện trong các văn bản đọc hiểu. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ bộ đề đọc hiểu Dưới bóng hoàng lan giúp các bạn nắm được phương thức biểu đạt của tác phẩm cũng như tâm trạng của nhân vật trong văn bản Dưới bóng hoàng lan.

Đề đọc hiểu Dưới bóng hoàng lan

Đọc hiểu Dưới bóng hoàng lan trắc nghiệm

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

" Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: "cây hoàng lan!", mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Ðã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quít nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Bây giờ cây đã lớn. Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi. Nghe thấy bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Bà lại gần săn sóc, buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng. Thanh vẫn nằm yên nhắm mắt nhưng biết bà ở bên mình. Chàng không dám động đậy, yên lặng chờ cho bà lại đi ra. Bà xuống bếp làm cơm hẳn. Tiếng dép nhỏ dần.

Chàng cảm động gần ứa nước mắt. Bà yêu thương cháu quá, giờ chỉ có mình cháu, với mình bà. Mà bà làm bếp có một mình thôi ư?. Không, hình như có tiếng người khác nữa, tiếng trong và mau hơn. Thanh lắng nghe: một tiếng cười sẽ đưa lên. Tiếng ai? Nghe quen quá mà Thanh không nhớ được.
Chàng lẳng lặng ngồi dậy tỳ trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao. Bóng cây hoàng lan lay động cả một vùng. Chàng chợt nhớ, chạy vùng xuống nhà ngang, gọi vui vẻ:

- Cô Nga...

Người thiếu nữ đương nhặt rau nghe tiếng gọi vội ngửng đầu: một nụ cười, đôi mắt trong sáng lên, rồi tiếng nhẹ nhàng:

- Anh Thanh! Anh đã về đấy à?

Thanh đứng tựa bên cột, chưa trả lời. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng. Cô Nga, cô bé hàng xóm vẫn sang chơi với chàng trong vườn, và mỗi lần về, chàng lại gặp ở nhà như một người thân mật.

Một lát cô Nga nói:

- Anh Thanh độ này khác hẳn trước. Anh chóng nhớn quá.

- Tôi vẫn thế đấy chứ.

Bà cụ cúi trên rổ rau, không nhìn cháu, đáp:

- Cô trông em có phải gầy đi không? Không bằng độ còn ở nhà. Nga ngửng nhìn Thanh, cười:

- Đấy em nói có sai đâu. Anh trông lại đen đi nữa.

Lá rau tươi xanh ngắt bên bàn tay trắng hồng nhỏ nhắn. Thanh cũng ngồi ghé xuống. Thế là lại như lúc còn ở nhà, ngày ngày chàng cũng vẫn với Nga xuống bếp xem bà làm cơm. Câu chuyện vẫn vui và vẫn đậm, có lúc chàng lầm tưởng Nga chính là em ruột của mình.

" (Trích Dưới bóng hoàng lan -Thạch Lam, NXB Văn hóa Thông tin, 2007, tr. 165-166)​

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Cả A, B, C

Câu 2. Trong đoạn trích, cây hoàng lan được miêu tả qua những chi tiết nào?

A.Lá cây rung động; thân cây vút cao; mùi hương thơm thoang thoảng; cây đã lớn.

B.Lá cây rung động; thân cây vút cao; mùi hương thơm ngào ngạt; cây đã lớn.

C. Thân cây vút cao; lá cây rung động; mùi hương thơm ngào ngạt; cây đã già

D.Mùi hương thơm thoang thoảng; cây đã già; thân cây vút cao; lá cây rung động

Câu 3. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Cả 3 đáp án đều đúng.

Câu 4. Các từ “xanh ngắt, vút cao, quấn quýt, rung động” thuộc từ loại nào?

A. Từ tượng hình

B. Từ tượng thanh

C. Từ đồng nghĩa

D. Từ trái nghĩa

Câu 5: Tâm trạng của nhân vật Thanh khi trở về dưới bóng hoàng lan trong đoạn trích?

A.Cảm thấy thích thú khi tắm mình trong không khí tươi mát của hương hoàng lan và đón nhận sự săn sóc của bà.

B. Cảm bồi hồi khi tắm mình trong không khí tươi mát của hương hoàng lan và đón nhận sự săn sóc của bà.

C. Cảm thấy lưu luyến khi tắm mình trong không khí tươi mát của hương hoàng lan và đón nhận sự săn sóc của bà.

D.Cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, bình yên khi tắm mình trong không khí tươi mát của hương hoàng lan và đón nhận sự săn sóc của bà.

Câu 6. Hình ảnh thiên nhiên, con người, cảnh sinh hoạt hiện lên qua đôi mắt của nhân vật nào?

A. Nhân vật Thanh.

B. Nhân vật Nga.

C. Nhân vật người kể chuyện.

D. Nhân vật người bà của Thanh.

Câu 7. Qua đoạn trích nhan đề “Dưới bóng hoàng lan” có ý nghĩa gì?

A. Khẳng định vai trò của cây hoàng lan trong toàn bộ diễn biến câu chuyện

B. Gợi sự tò mò của người đọc về nội dung câu chuyện liên quan đến cây hoàng lan

C. Làm chủ đề cho truyện.

D. Cả A và B.

Trả lời câu hỏi:

Câu 8. (0.5 điểm) Hãy nêu những hành động, cử chỉ thể hiện tình cảm của bà dành cho cháu.

+ Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng.

+ Bà xuống bếp làm cơm hẳn. Tiếng dép nhỏ dần.

Câu 9 (1.0 điểm): Nhận xét về cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Thanh khi trở về quê với bà, với ngôi nhà, mảnh vườn quen thuộc?

Nhân vật Thanh trong tác phẩm Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam  là một người có sự gắn bó sâu sắc với quê hương. Khi vừa về đến nhà, anh đã rất tận hưởng cái không khí yên bình, mát mẻ, tĩnh lặng nơi đây. Gạt bỏ những ồn ào, nắng nóng ngoài kia, anh trở về với căn nhà cũ thân thuộc. Thanh cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái, bình yên, hạnh phúc khi trở về quê với bà, với ngôi nhà, mảnh vườn quen thuộc. Cậu cảm thấy xúc động nghẹn ngào trước tình cảm của bà dành cho mình.

Câu 10 (1.0 điểm): Anh/Chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Thạch Lam trong đoạn trích (viết khoảng 5 – 7 dòng).

Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Thạch Lam trong đoạn trích: miêu tả tinh tế các sắc thái tâm trạng; ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm; giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất trữ tình.

Đề đọc hiểu Dưới bóng hoàng lan số 1

Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: "cây hoàng lan!", mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Ðã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quít nhau.

(Trích Dưới bóng hoàng lan”- Thạch Lam)

a. Xác định PTBĐ chính?

b. Tìm các từ tượng hình có trong đoạn trích.

c. Nêu tác dụng của các từ tượng hình đó.

d. Nêu nội dung đoạn trích.

Gợi ý trả lời

a. PTBĐ chính: miêu tả

b. từ tượng hình: xanh ngắt, vút cao, quấn quýt, rung động

c. Từ tượng hình làm hình ảnh của sự vật có hồn ,sinh động và hiện hữu cụ thể trước mắt người đọc, người nghe. Khung cảnh thanh bình đi vào lòng người như một miền kí ức chứa chan bao tình cảm.

d. Đoạn trích là nỗi nhớ nhung được gợi ra từ cảnh vật bình dị, thân quen trong nhân vật Thanh. Khung cảnh ấy là tình yêu quê hương, là tình cảm gia đình thiết tha luôn đau đáu trong lòng nhân vật.

Đề đọc hiểu Dưới bóng hoàng lan số 2

Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm:" Cây hoàng lan ", mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Bây giờ cây đã lớn.

Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi.

Nghe thấy bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Bà lại gần săn sóc, buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng. Thanh vẫn nằm yên nhắm mắt nhưng biết bà ở bên mình. Chàng không dám động đậy, yên lặng chờ cho bà lại đi ra. Bà xuống bếp làm cơm hẳn. Tiếng dép nhỏ dần."

(Trích Dưới bóng hoàng lan -Thạch Lam, NXB Văn hóa Thông tin, 2007, tr. 165-166)​

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, cây hoàng lan được miêu tả qua những chi tiết nào?

Câu 3. Nêu tâm trạng của nhân vật Thanh khi trở về dưới bóng hoàng lan trong đoạn trích.

Câu 4. Anh/Chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Thạch Lam trong đoạn trích.

Gợi ý

Câu 1. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2. Những những chi tiết miêu tả cây hoàng lan trong đoạn trích: lá cây rung động; thân cây vút cao; mùi hương thơm thoang thoảng; cây đã lớn.

Câu 3. Tâm trạng của nhân vật Thanh trong đoạn trích: Cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, bình yên khi tắm mình trong không khí tươi mát của hương hoàng lan và đón nhận sự săn sóc của bà.

Câu 4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Thạch Lam trong đoạn trích: Miêu tả tinh tế các sắc thái tâm trạng; ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm; giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất trữ tình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 10 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
13 28.861
0 Bình luận
Sắp xếp theo