Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa

Hãy viết một đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc một trong các bài thơ: “Mẹ” (Đỗ Trung Lai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “Tiếng gà trưa” (Xuân Quỳnh). Đây là nội dung câu hỏi thực hành trang 55 sách giáo khoa Ngữ văn  lớp 7 bộ Cánh Diều tập 1. Sau đây là một số đoạn văn mẫu ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa hay và chi tiết sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các em học sinh.

Viết đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ, Ông đồ, Tiếng gà trưa

1. Đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ ông Đồ

Hình ảnh ông đồ già trong bài thơ "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu đậm. Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp không khí ngập tràn sắc xuân của Tết Nguyên đán "hoa đào nở". Nổi bật trong khung cảnh tấp nập của phố đông người, ông đồ già xuất hiện cùng những vật dụng quen thuộc như "mực tàu, giấy đỏ". Với đôi tay tài hoa của mình, ông đã viết nên những nét chữ "Như phượng múa, rồng bay" làm người đời ngưỡng mộ mà tấm tắc khen ngợi. Nhưng khi Nho học lụi tàn, con người dần quên đi những truyền thống tốt đẹp thì ông đồ vẫn kiên trì ngồi nơi góc phố cùng "giấy đỏ", "mực", "nghiên". Tiếc rằng, trong không khí nhộn nhịp của phố phường ngày Tết, người ta đã lãng quên đi ông đồ già viết câu đối đỏ. Hình ảnh "Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay" không chỉ khắc họa khung cảnh lạnh lẽo, buồn bã mà còn là gợi nên tâm trạng cô đơn, tủi buồn khi thời thế thay đổi. Câu hỏi tu từ "Hồn ở đâu bây giờ" như một lời tiếc thương cho số phận của ông đồ, cho những tàn lụi của những giá trị Nho học. Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, giọng điệu trầm lắng cùng biện pháp tu từ nhân hóa "Giấy đỏ buồn không thắm",... đã bộc lộ niềm tiếc thương chân thành trước một lớp người tài năng nhưng do thời cuộc mà đi vào dĩ vãng. Bài thơ như lời nhắc nhở mỗi người về việc trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.

2. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Tiếng gà trưa

Tiếng gà trưa là một bài thơ hay của nhà thơ Xuân Quỳnh khi viết về tình cảm bà cháu thiêng liêng. Tiếng gà là một âm thanh bình dị đời thường gắn bó với biết bao làng quê Việt Nam. Nhưng trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, tiếng gà trưa lại là âm thanh gợi biết bao kỉ niệm đẹp thuở ấu thơ được sống bên bà của tác giả. Với người lính đi trên đường trường, tiếng gà trưa bất giác nghe được đã mang họ trở về với quê hương làng xóm, với gia đình thân thương. Tiếng gà trưa như gợi lại những ngày cháu còn được bà săn sóc, biết bao tình yêu thương bà dành cho cháu. Nay ở nơi xa nghe tiếng gà trưa lại gợi những kỉ niệm bên bà biết bao quý giá. Tiếng gà trưa ấy như tiếp thêm động lực để người chiến sĩ thêm vững bước trên con đường chiến đấu bảo vệ quê hương.

3. Đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa

Tình cảm bà cháu là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng và vô cùng sâu nặng. Tình cảm đó đã hằn sâu trong kí ức tuổi thơ của người chiến sĩ. Do vậy, trên đường hành quân xa, chỉ một tiếng gà cục tác đã gợi dậy những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, đáng nhớ về bà. Đó là sự chắt chiu, tần tảo với bao nỗi lo, bao niềm mong ước của bà với tình thương bao la dành cho cháu. Những kỉ niệm đó thật bình dị mà thiêng liêng! Nó nhắc nhở, lay động bao tình cảm đẹp dâng lên trong lòng người chiến sĩ trên đường hành quân ra mặt trận chiến đấu. Tình cảm tốt đẹp đó sẽ mãi là hành trang theo bước chân của người chiến sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho anh trong cuộc chiến đấu hôm nay.

4. Đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ ông Mẹ - Đỗ Trung Lai

Đọc bài thơ "Mẹ" của Đỗ Trung Lai, em thấy rung động sâu sắc về tình cảm của người con dành cho người mẹ kính yêu. Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình ảnh người mẹ với tấm lưng gầy "Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng". Hai hình ảnh thơ trái ngược đã nhấn mạnh tâm trạng thảng thốt và nỗi đau thầm lặng trong lòng người con khi nhận ra mẹ đã già. Quy luật khắc nghiệt của thời gian một đi không trở lại làm lòng con càng thêm quặn thắt "Cau gần với trời/ Mẹ thì gần đất". Hình ảnh "cau bổ tám" càng ngày càng nhỏ gợi nên tuổi già móm mém của mẹ. Khi con dần trưởng thành cũng là lúc mẹ trở nên gầy yếu theo năm tháng: "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ". Và con càng thêm kính trọng nâng niu tình mẹ "con nâng trên tay" nhưng lại không cầm được những giọt nước mắt yêu thương xót xa. Câu hỏi ở cuối bài thơ "Sao mẹ ta già?" như là lời tự vấn chính mình, đồng thời cũng gợi nỗi cô đơn trống trải trong lòng người con. Bằng hình ảnh thơ đối lập, ngôn ngữ mộc mạc và thể thơ 4 chữ ngắn gọn đã khắc họa cho chúng ta hình ảnh người mẹ già luôn tần tảo, đảm đang. Bài thơ như lời nhắc nhở mỗi người hãy biết yêu thương, quan tâm tới mẹ cùng những người thân trong gia đình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
19 9.987
2 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • Lợi Đỗ Khoa
    Lợi Đỗ Khoa

    Hay lắm ạ

    Thích Phản hồi 13/10/22
    • Ban Quản Trị HoaTieu.vn
      Ban Quản Trị HoaTieu.vn

      Cảm ơn bạn đã ủng hộ, bạn cần giải đáp hay thắc mắc điều gì cứ bình luận bài viết, Hoa Tiêu sẽ hỗ trợ bạn sớm nhất có thể nhé ạ 😍

      Thích Phản hồi 13/10/22
  • Trọng Vũ
    Trọng Vũ

    Hay 😍

    Thích Phản hồi 22/10/23
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm