Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ lớp 7 Cánh Diều

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ lớp 7 Cánh Diều là nội dung bài học trang 28 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 bộ Cánh Diều tập 2. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ các em cần nêu lên những cảm nghĩ của bản thân về bài thơ đó. Sau đây là gợi ý soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ trang 28 SGK văn 7 tập 2 Cánh Diều, mời các em cùng tham khảo.

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ trang 28 Cánh Diều

Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ

Phân tích bài viết tham khảo trang 28 Văn 7 Cánh Diều tập 2

- Mở đoạn:

Câu đầu đoạn: giới thiệu nhan đề bài thơ, tên tác giả, và nêu cảm xúc chung của người viết.

- Thân đoạn:

+ Từ ngữ thể hiện được cảm xúc của người viết: cũng ngỡ như mình đang chìm vào những khát khao của tuổi thơ trong sáng....

+ Người viết đã nêu và đánh giá ý nghĩa của nội dung và nghệ thuật bài thơ.

- Kết đoạn: Khái quát cảm xúc chung của người viết về bài thơ.

Định hướng

Trả lời câu hỏi trang 28 SGK Ngữ văn 7 tập 2

a) Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ là nêu lên những cảm nghĩ của bản thân về bài thơ đó. Đoạn văn có thể nêu những cảm xúc về nội dung một khổ thơ, đoạn thơ hoặc yếu tố nghệ thuật đặc sắc mà em yêu thích.

b) Để viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ, cần chú ý:

- Đọc kĩ để hiểu nội dung và nắm được những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ. Từ đó, dẫn ra một khổ thơ, đoạn thơ hoặc yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng, gợi cảm xúc cho em

- Khi viết đoạn văn, cần nêu rõ: Yếu tố nào (nội dung, nghệ thuật) của bài thơ đã tạo cho em cảm xúc? Đó là cảm xúc như thế nào? Vì sao em có cảm xúc đó?...

Thực hành

Trả lời câu hỏi (trang 29, SGK Ngữ văn 7 tập 2)

Hãy viết đoạn văn nêu lên cảm xúc của em sau khi đọc một trong các tác phẩm: “Những cánh buồm” (Hoàng Trung Thông), “Mây và sóng” (Ta-go), “Mẹ và quả” (Nguyễn Khoa Điềm).

Phương pháp giải:

Nhớ lại các tác phẩm đã học và viết đoạn văn nêu cảm xúc của bản thân.

+ Mở đoạn: Giới thiệu tên bài thơ, tác giả, nêu cảm nghĩ chung về bài thơ. Dẫn ra khổ thơ, đoạn thơ có nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc mang lại cho em nhiều cảm xúc.

+ Thân đoạn:

Nêu cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ (số tiếng trong mỗi dòng thơ, vần, nhịp, hình ảnh, biện pháp tu từ, tình cảm, cảm xúc, thông điệp của tác giả)....

Ví dụ: nêu cảm xúc về hai dòng thơ cuối của bài thơ: “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”. Hai dòng thơ cuối gợi cho người đọc sự xúc động, sâu lắng bởi tình cảm và tấm lòng hiếu thảo của nhà thơ. Sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, lấy hình ảnh “bàn tay mẹ mỏi” để chỉ người mẹ già suốt đời vì con đã không còn sức lực nữa. Tiếp đến là biện pháp tu từ ẩn dụ, dùng hình ảnh “quả non xanh” chỉ sự chưa trưởng thành, còn nôn dại, vụng về của chính mình (người con). Hai dòng thơ đã diễn tả được tâm trạng lo lắng, trăn trở, pha chút ân hận của nhà thơ: mẹ già rồi mà mình vẫn còn non nớt, vụng dại…

- Kết bài: Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy.

Ví dụ: Hai dòng thơ thể hiện cái nhìn tinh tế, nỗi xúc động của nhà thơ và nói giúp được nhiều người tình cảm quý trọng, thương yêu mẹ vô cùng.

Bài mẫu

Hãy viết đoạn văn nêu lên cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mây và sóng

“Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Hãy viết đoạn văn nêu lên cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ và quả

Mẹ là đề tài muôn thủa trong thi ca, Nguyễn Khoa Điềm góp nhặt vào đề tài ấy bài thơ Mẹ và quả. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh mẹ và quả, qua đó thể hiện sự tảo tần của người mẹ và tình yêu thương mẹ của người con. Trong đó ấn tượng hơn cả là câu thơ: còn những bí và bầu thì lớn xuống/ chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn. Hai dòng thơ gợi cho người đọc sự xúc động bởi sự vất vả tảo tần của mẹ. Hai câu thơ có sự liên tưởng so sánh độc đáo giữa giọt mồ hôi vất vả của mẹ nuôi ta khôn lớn, nó cứ dài ra, nặng thêm như những quả bầu, quả bí. Qua đó em thấy được sự hy sinh thầm lặng của mẹ, và lòng biết ơn vô bờ của người con về công dưỡng dục sinh thành của mẹ hiền. Thông qua đó em biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, sự tảo tần hi sinh thầm lặng vì con cái của cha mẹ. Em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng thật nhiều để cha mẹ không phải phiền lòng!

Hãy viết đoạn văn nêu lên cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Những cánh buồm

Bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là một bài thơ viết về hình ảnh cha con để nói lên những ước mơ, khát vọng. Nhiều người khi đọc bài thơ này hẳn sẽ ấn tượng với hình ảnh cánh buồm, nhưng em lại ấn tượng với hình ảnh ánh nắng in lên vai hai cha con: "Ánh nắng chảy đầy vai". "Chảy" vốn là một từ được dùng cho chất lỏng, không phải cho ánh sáng. Vậy mà nhà thơ lại sử dụng nó để miêu tả sự chiếu sáng của ánh nắng. Vậy là từ một thứ không cầm nắm được, giờ đây ánh sáng đã được cụ thể hóa. Chính việc sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ này đã làm cho câu thơ gợi cảm hơn, khiến cho người đọc có nhiều liên tưởng hơn. Bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông không chỉ có ý nghĩa về mặt nội dung, mà ở hình thức nghệ thuật của nó cũng thật ý nghĩa vì đã tạo nên những liên tưởng gợi cảm.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Lời ru của mẹ

Mẹ luôn là một đề tài muôn thưở trong thi ca. Trong thơ của Trương Nam Hương, ta thấy hình như 'mẹ' là một đức tin, một tín ngưỡng tối cao thì Lời ru của mẹ (Xuân Quỳnh) lại mang đến cho em những cảm nhận sâu đậm về tình thương yêu cao cả của mẹ.

Mượn hình ảnh lời ru cuả mẹ, nhà thơ khắc họa hình bóng mẹ tần tảo, dịu dàng, săn sóc người con. Đứng trước mưa giông bão tố của cuộc đời, mẹ mạnh mẽ, vững vàng che chắn để bảo vệ con. Khi con cần giấc ngủ bình yên, ấm áp, mẹ lại nhẹ nhàng cất lời ru ngọt ngào, quen thuộc "Lời ru về mẹ hát/Trong giấc ngủ êm đềm". Ngắm nhìn sinh linh bé bỏng do mình mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, mẹ lại cảm thấy hạnh phúc, âu yếm biết bao. Trong đôi mắt ngập tràn tình thương của mình. Với mẹ, con là nguồn sống, là tất cả mọi thứ. Chính bởi vậy, mẹ sẵn sàng hi sinh, làm tất thảy mọi thứ để con được sống cuộc đời bình an và hạnh phúc. Nhờ thể thơ năm chữ truyền thống, ngôn ngữ cô đọng cùng các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa đã khiến cho bài thơ trở nên tha thiết giống như những lời hát ru thân thương, quen thuộc. Qua đây, nhà thơ khéo léo thể hiện tình yêu thương trìu mến, bao la như "nước trong nguồn chảy ra" của mẹ đối với con.

Với những lời thơ tự nhiên, giàu cảm xúc. Xuân Quỳnh đã cho người đọc cảm nhận được những tình cảm chân thành đặc biệt để lại dấu ấn sâu sắc trong trái tim người đọc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
207 65.483
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm