Nói và nghe kể lại một truyện ngụ ngôn lớp 7 Cánh Diều tập 2

Nói và nghe Kể lại một truyện ngụ ngôn lớp 7 Cánh Diều tập 2 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết này là nội dung bài học trang 15, 16 sách giáo khoa Văn 7 Cánh Diều tập 2. Trong bài học này các em sẽ làm bài thực hành: Kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng. Sau đây là một số mẫu Kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng hay và ngắn gọn sẽ giúp các em hoàn thành bài tập trên.

Nói và nghe kể lại một câu chuyện ngụ ngôn - Để làm dạng bài này các em học sinh cần rèn luyện khả năng nắm bắt được thông tin bài nói của các bạn, có thể đưa ra nhận xét, góp ý cho bạn cũng như rèn luyện và phát triển kĩ năng nói và nghe về một truyện ngụ ngôn. Kể lại một truyện ngụ ngôn là hình thức dùng lời của em để kể cho người khác nghe về một câu chuyện đã học hay đã đọc. Sau đây là một số bài mẫu kể lại một câu chuyện ngụ ngôn lớp 7, mời các em cùng tham khảo.

Kể lại truyện Ếch ngồi đáy giếng bằng lời văn của em

1. Tìm ý cho bài Kể lại truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”

Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Truyện ngụ ngôn kể về sự kiện gì? (Truyện kể về sự kiện: ếch ở dưới giếng lâu ngày nên chỉ thấy bầu trời thông qua miện giếng và thấy bầu trời bé bằng chiếc vung.)

+ Truyện có nhân vật chính nào? (Nhân vật chính: chú ếch)

+ Diễn biến câu chuyện (mở đầu, phát triển, kết thúc) ra sao? ( Diễn biến câu chuyện: Mở đầu: giới thiệu chú ếch và hoàn cảnh sống-> phát triển: chú ếch kêu to, ra oai với mọi người và nghĩ mình là nhất. Một hôm ra khỏi giếng vẫn giữ thói hung hang ngang tàng -> kết thúc: bị trâu giẫm bẹp.)

+ Bài học rút ra từ câu chuyện là gì? (Môi trường sống nhỏ hẹp, tù túng, không giao lưu làm hạn chế hiểu biết về thế giới xung quanh. Sống lâu trong môi trường nhỏ hẹp sẽ dần hạn chế sự hiểu biết. Từ những hiểu biết hạn hẹp, dễ trở nên nông cạn, chủ quan, kiêu ngạo sẽ phải trả giá rất đắt).

2. Dàn ý kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

Dàn ý kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

3. Kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng lớp 7 Cánh Diều

Ếch ngồi đáy giếng là câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam.

Chuyện kể về một con ếch huênh hoang, thiếu hiểu biết. Ếch ta sống trong một cái giếng cạn, không gian sống hạn hẹp cùng với những người hàng xóm nhỏ bé là cua, ốc nên ếch ảo tưởng rằng mình là con vật lớn nhất, là chúa tể nơi đây. Hàng ngày ếch cất lên những tiếng kêu ộp ộp khiến các con vật khác phải khiếp sợ, bởi vậy mà ếch càng tỏ ra huênh hoang, coi thường mọi người xung quanh mình. Từ đáy giếng nhìn lên, bầu trời trong nhận thức của ếch cũng chỉ nhỏ như cái vung, điều đó càng làm cho suy nghĩ mình là chúa tể muôn loài của ếch thêm phần chắc chắn.

Vào một năm trời mưa lớn, nước mưa dâng cao, ếch lần đầu tiên được ra khỏi miệng giếng chật hẹp để ngắm nhìn cuộc sống rộng lớn bên ngoài. Bên ngoài đáy giếng là một thế giới rộng lớn, cảnh vật đều mới lạ, bầu trời cũng to lớn hơn rất nhiều so với nhận thức trước đó của ếch. Thế nhưng, bản tính vốn kiêu ngạo, vốn hiểu biết lại nông cạn nhưng ếch ta vẫn chứng nào tật ấy luôn cho mình là nhất. Khi ra khỏi miệng giếng, ếch đi lại nghênh ngang mà không chút đề phòng, kết quả là bị một con trâu đi ngang qua giẫm bẹp. Có thể nói, kết cục của ếch thật bi thảm, chỉ vừa bước ra khỏi thế giới nhỏ bé nơi đáy giếng thì đã bị giẫm bẹp, thế nhưng đây cũng là kết quả thích đáng cho những kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại luôn tỏ ra hơn người, coi thường mọi người, mọi thứ xung quanh.

Các bạn ơi, thế giới vô cùng rộng lớn nên mỗi người cần không ngừng học hỏi, trau dồi vốn hiểu biết. Nếu chỉ biết kiêu ngạo, không chịu tiếp thu, học hỏi sẽ phải trả cái giá đắt như cái chết của con ếch.

4. Kể lại truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" lớp 7 Cánh diều - mẫu 1

Ta là một chú ếch đã từng sống trong một cái giếng nhỏ. Sau đây, ta sẽ kể lại cho các ban câu chuyện về cuộc đời của ta.

Tới giờ, ta vẫn nhớ rất kỹ từng chi tiết. Lúc ấy, ta sống trong một cái giếng nhỏ. Nơi đó có những người bạn nhỏ bé như nhái, cua, ốc. Trong số họ, ta là to lớn và khỏe mạnh nhất. Dần dần ta trở nên kiêu ngạo không coi ai ra gì. Ngày ngày ta cất tiếng kêu ồm ộp, khiến cho họ sợ hãi. Ta vẫn nhớ có một sự việc đáng tiếc xảy ra… cũng như mọi ngày ta kêu ồm ộp, cô ốc chịu không nổi liền cất tiếng nhỏ nhẹ nói với ta:

– Anh ếch ơi! Anh có thể kêu nhỏ lại để mọi người còn ngủ không?

Nghe vậy, ta cảm thấy tức giận và quát lớn:

– Cô dám nói như vậy với chúa tể của nơi này sao? Cô có tin ta sẽ khiến cho cả gia đình của cô không còn sống được ở đây nữa không?

Sau khi nghe ta đe dọa, cô ta sợ hãi bỏ đi. Từ đó, không ai dám nói gì ta nữa.

Một năm trời mưa lớn làm cho giếng ngập nước rồi đưa ta ra ngoài. Ta vô cùng ngạc nhiên vì khi ở dưới giếng thì bầu trời nhỏ bé nhưng không ngờ nó lại to lớn đến thế. Quen cái thói cũ, ta lại kêu ồm ộp và nghênh ngang đi khắp nơi. Ta đưa cặp mắt nhâng nháo lên trời, không thèm để ý đến xung quanh. Bỗng có tiếng nói vang lên:

– Anh ếch ơi, tránh đường cho tôi đi!

Ta mặc kệ và thế là ta đã bị con trâu đó giẫm bẹp.

Sau câu chuyện này, mỗi người hãy nhớ loại bỏ cái tính kiêu ngạo ấy. Và hãy nhớ đừng bao giờ xem thường người khác.

5. Kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng ngắn

Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng là một trong những truyện dân gian hay. Tác giả dân gian mượn chuyện loài vật để nêu lên bài học sâu sắc đối với con người.

Truyện kể về con ếch sống lâu ngày dưới giếng, chung quanh nó chỉ có những con vật bé nhỏ và sợ chú ếch, chú lấy làm oai vệ và uy phong coi trời bằng vung. Một ngày nọ chú ra khỏi cái giếng, vẫn giữ thói hung hang, ngang tàng như môi trường chật hẹp đó và đã bị trâu giẫm bẹp.

Qua nhân vật ếch, truyện ngụ ngôn đem lại một bài học đắt giá là môi trường sống nhỏ hẹp, tù túng, không giao lưu làm hạn chế hiểu biết về thế giới xung quanh. Sống lâu trong môi trường nhỏ hẹp sẽ dần hạn chế sự hiểu biết. Từ những hiểu biết hạn hẹp, dễ trở nên nông cạn, chủ quan, kiêu ngạo sẽ phải trả giá rất đắt.

6. Đóng vai con ếch kể lại truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

Tôi là một chú ếch nhỏ sống ở ven đầm. Họ hàng ếch nhà chúng tôi cũng phải đi học như con người. Bài học đầu tiên của chúng tôi là câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác liên quan đến một kẻ trong họ ếch.

Ngày xưa, loài ếch thường sống trong những cái giếng cùng các loài động vật bé nhỏ khác chứ chưa ở ao hồ như ngày nay. Có một lão ếch vì sống ở đó lâu ngày trong giếng nên nó không biết thế giới ở ngoài kia ra sao. Xung quanh lão chỉ có vài con cua, ốc, nhái bé nhỏ nên lão tưởng rằng mình là to nhất, là mạnh nhất. Ếch ta tự hào lắm về tiếng kêu ồm ộp của mình. Mỗi khi lão kêu làm vang động cả cái giếng nhỏ, khiến những con vật kia rất hoảng sợ. Ếch cứ ngỡ mình rất oai. Ngẩng mặt lên nhìn trời, lão thấy bầu trời chỉ bằng chiếc vung chứ không cao và rộng lớn như người ta thường đồn đại. Ếch ta kiêu hãnh lắm và cho rằng trời quá bé nhỏ còn nó mới xứng là một vị chúa tể. Suy nghĩ ấy đã làm cho ếch ta coi thường mọi vật. Trong cái nhìn của ếch thì chẳng có ai bằng lão cả.

Một năm trời mưa to, nước trong giếng dâng cao, đưa ếch ta ra ngoài. Quen cái nhìn cũ, quen cách nghĩ cũ, ếch huênh hoang đi lại trên đường, đi khắp nơi như chốn không người. Theo thói quen, lão cất tiếng kêu ồm ộp và tưởng rằng ai cũng sợ như dưới đáy giếng kia. Lão đưa cặp mắt lên nhìn và vẫn cho rằng bầu trời bé tẹo như cái vung nên chẳng để ý gì đến xung quanh. Bỗng ếch thấy tối sầm lại, không nhìn rõ gì nữa. Một vật gì rất lớn che mất tầm nhìn của lão. Ếch đâu biết rằng đó là chân của một con trâu nên đà bị giẫm bẹp.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
40 17.234
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm