Những việc cần chuẩn bị trước Tết 2023

Lên danh sách các việc cần làm trước Tết và các công việc cần làm trong dịp Tết nguyên đán sẽ giúp các bạn chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền được đầy đủ, trọn vẹn hơn cho gia đình. Sau đây là gợi ý các việc cần làm để chuẩn bị đón Tết chi tiết, các bạn có thể tham khảo để chuẩn bị cho Tết âm lịch 2023 sắp tới nhé.

1. Các công việc cần làm trước Tết

Chỉ còn chưa đến 3 tuần nữa là đến Tết nguyên đán Quý Mão 2023, các bạn đã lên danh sách các công việc cần chuẩn bị để đón Tết chưa?

Tết cổ truyền là một ngày lễ lớn của dân tộc, cũng là dịp để gia đình đoàn viên và con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Chính vì vậy có rất nhiều công việc các gia đình cần làm trước tết để chuẩn bị cho ngày Tết được chu đáo hơn. Dưới đây là chi tiết danh sách các công việc cần làm trước Tết và sau Tết đã được Hoatieu tổng hợp. Các bạn có thể tham khảo và điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu ngày Tết 2023 của gia đình mình.

Dọn dẹp nhà cửa và trang trí lại bàn thờ

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và không bị mai một dần đó chính là tục dọn dẹp lại nhà cửa vào dịp cuối năm. Theo quan niệm của người dân thì việc dọn dẹp nhà cửa sẽ giúp đem lại nhiều may mắn và tài lộc trong dịp năm mới. Vì thế để chuẩn bị đón Tết thì trước hết bạn và gia đình cần phải dọn dẹp lại nhà cửa của mình.

Cúng ông công ông táo

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, tới ngày này các gia đình người Việt sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ và làm lễ cúng để tiễn ông Táo về trời. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ).

Tảo mộ

Tuy là chúng ta có ngày thanh minh là ngày đi tảo mộ ông bà, nhưng những ngày giáp tết con cháu vẫn đến làm cỏ xung quanh mộ phần sạch sẽ. Theo tục xưa từ ngày 23 cho đến chiều 30 tháng Chạp, con cháu trong dòng họ tề tựu đông đủ và cùng đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo nhang đèn, bông, trái cây, bánh, trà hay nước ngọt để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Nhà có đất thì làm nhà mộ tổ để con cháu về cúng bái. Có người không có đất thì chôn nhờ trên đất người khác cũng xin phép gia chủ đến để cúng mộ ông bà mình và cũng đem trái cây, quà bánh mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của năm cũ, ước mong những điều tốt lành cho năm mới sắp đến.

Cuộc sống nhiều khi buộc con cháu phải tha hương lập nghiệp không về được thì con cháu trong cũng không quên những tập tục này.

Chọn cây trưng Tết, hoa cúng, trái cây

Ngày Tết, trong nhà bạn không thể thiếu một chậu cây quất, cây mai hay cây đào điểm tô cho sắc xuân thêm rực rỡ. Bên cạnh đó, bàn thờ gia tiên cũng nên chưng loại hoa cúng đem lại may mắn cho gia chủ trong dịp Tết hằng năm như vạn thọ, cúc, cát tường, hoa hồng, loa kèn…

Còn với trái cây bạn không nên bỏ qua các loại ngũ quả may mắn như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hay các loại trái cây có nhiều màu sắc để đem lại may mắn như quýt, chuối, bưởi, đào, hồng, táo ...

Mua bánh kẹo, mứt Tết

Mứt Tết làm món ăn làm nên hương vị Tết, gia chủ thường mời mứt Tết thiết đãi khách tới chúc Tết. Nên mua đủ dùng trong ngày Tết không mua quá nhiều vì đa số các loại mứt hay bánh kẹo Tết có hạn sử dụng rất ngắn.

Chuẩn bị nguyên liệu để chế biến món ăn Tết

Thông thường các ngày Tết chợ thường nghỉ bán và bạn không có thời gian để đi mua sắm, vì vậy phải chuẩn bị các nguyên liệu để nấu ăn trong ngày Tết. Bạn nên mua chuẩn bị trước những loại thực phẩm khô để nấu các món ăn như trứng vịt, trứng gà, măng khô, hành, tỏi … đặc biệt là các loại rau xanh tươi sạch vì thông thường ngày Tết chúng thường có giá khá cao.

Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn các loại củ kiệu, dưa muối hay bánh chưng bánh tét để ăn trong ngày Tết. Ngoài ra bạn cũng nên mua sẵn các loại thịt để trữ ngăn đông, hay các loại chả, giò, khô gà hay khô bò để khách đầu năm có thể làm mồi để nâng vài ly rượu hay lon bia.

Mua một số vật dụng cần thiết

Những vật dụng khá nhỏ nhưng vẫn khá cần thiết như: Phong bao lì xì, khay đựng mứt kẹo, chén, dĩa, chảo là những vật dụng bạn cũng nên chuẩn bị trước những ngày Tết.

Mua các loại đồ uống

Những loại đồ uống nên mua chuẩn bị trước Tết là nước ngọt, bia, rượu, trà,… Nên chọn mua những thương hiệu uy tín trên thị trường để đảm bảo sức khỏe an toàn trong những ngày xuân đầu năm. Dịp cuối năm là dịp tốt nhất để mua sắm vì có nhiều chương trình khuyến mãi cũng như bao bì bắt mắt dùng biếu quà Tết cũng rất phù hợp.

Mua sắm quần áo ngày Tết

Ít nhất trong tủ đồ ngày Tết của bạn phải có những bộ áo dài truyền thống để mặc trong ngày mùng 1 Tết hay đi lễ chùa cầu may mắn hái lộc. Bạn nên chọn mua những bộ quần áo mặc Tết mới có màu sắc vui tươi để đem lại may mắn trong những ngày đầu năm.

Theo kinh nghiệm của nhiều người thì bạn nên mua sắm đồ Tết trước 1 tháng vì lúc này có nhiều kiểu đồ đẹp và có mức giá ổn định.

Làm đẹp cho bản thân

Rất nhiều người không chú ý và bỏ qua việc làm đẹp cho bản thân. Với một năm làm việc bận rộn và vất vả thì Tết là dịp để bạn có thể làm đẹp lại bản thân với dịch vụ chăm sóc da và thư giãn, một kiểu tóc mới, một bộ móng tay mới hay đơn giản là những bộ quần áo mới và phụ kiện mới sẽ giúp bạn thêm một năm tươi trẻ với nhiều may mắn nhất.

Thanh toán nợ nần của năm trước

Nếu bạn có nhiều khoản nợ trong năm thì bạn nên cố gắng trả hết nợ đừng để dây dưa sang năm mới. Nếu bạn để nợ kéo qua năm mới thì theo quan niệm người Việt sẽ mang lại điều xui xẻo và hao tài hơn trong năm mới. Vì thế dù gì bạn cũng nên cố gắng trả hết những món nợ trong năm cũ để sang năm mới đón thêm nhiều tài lộc hơn.

Bữa ăn đoàn tụ (tất niên)

Dù bôn ba làm việc xa gia đình thì bạn cũng nên tranh thủ cố gắng sắp xếp mọi việc và về tham gia bữa cơm đoàn tụ đêm 30 để tình cảm gia đình thêm gắn bó và bày tỏ sự thành kính với những người đã khuất, cùng nhau đi qua năm cũ và chào đón một năm mới với nhiều điều mới mẻ.

2. Những việc cần làm trong dịp Tết

1. Cúng tất niên

Các gia đình tại Việt Nam thường làm mâm cơm thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn tết cùng gia đình vào chiều 30 Tết đồng thời để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới.

2. Đón giao thừa

Cúng giao thừa

Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời gian quan trọng khi đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời.

3. Hái lộc

Hái lộc đầu năm

Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

4. Xông đất

Sau thời điểm giao thừa, bước sang năm mới, ai là người đầu tiên bước vào nhà cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất.

Theo quan niệm của người Việt, người xông đất đầu năm rất quan trọng vì vậy, các gia đình thường chọn những người hợp tuổi, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ để xông đất nhà mình.

5. Chúc tết và mừng tuổi

 Chúc tết và mừng tuổi

Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Thường trong sáng mồng một Tết, con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại những đồng tiền mới đựng trong phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.

6. Xuất hành

Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, người Việt thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp phù hợp với tuổi để xuất hành với y vọng gặp may mắn mỗi khi ra khỏi nhà.

7. Đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ đầu năm

Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tết cổ truyền của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
19 21.003
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm