Ca dao, tục ngữ nói về sự tôn trọng người khác GDCD 8 trang 10

Ca dao, tục ngữ nói về sự tôn trọng người khác. Sự tôn trọng người khác là điều quan trọng để giữ các mối quan hệ. Ngay từ ngày nhỏ, chúng ta đã được dạy về cách tôn trọng người khác. Vậy tôn trọng người khác là gì? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu nhé.

Tôn trọng người khác là đức tính, phẩm chất mà mọi người nên có. Một người có sự tôn trọng với người khác sẽ được họ tôn trọng lại và mối quan hệ đó sẽ được phát triển bền chặt hơn. Trong cuộc sống thì sự tôn trọng đối với người khác là rất quan trọng để xây dựng các mối quan hệ xung quanh, để phát triển bản thân, kinh tế của bản thân. Ví dụ bạn muốn được học giỏi hơn và mong muốn có một bạn giỏi giúp đỡ mình thì bản thân bạn phải xây dựng mối quan hệ tốt với người bạn học giỏi và có sự tôn trọng với họ khi học tập cũng như vui chơi.

1. Tôn trọng người khác là gì?

Tôn trọng người khác là sự đánh giá đúng mức, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người khác; thể hiện lối sống có văn hóa của mỗi người.

Tôn trọng người khác được hiểu đơn giản là hành động cư xử đúng mực của mỗi người trong mỗi tình huống cụ thể trong cuộc sống thể hiện sự nhường nhịn, tôn trọng, yêu thương của mình đối với người khác.

2. Ca dao tục ngữ nói về sự tôn trọng người khác

Ca dao tục ngữ nói về sự tôn trọng người khác

Từ bao đời nay thì tôn trọng người khác được ông cha tạo thành những câu ca dao tục ngữ truyền dạy cho con cháu. Những câu ca dao tục ngữ này giúp cho người đời sau hiểu được sự tôn trọng người khác qua những hành động như thế nào? Những câu ca dao tục ngữ còn được minh chứng bằng những sự việc, hiện tượng thực tế để ai ai cũng hiểu. Dưới đây là những câu ca dao tục ngữ về tôn trọng người khác:

1. Khó mà biết lẽ biết lời

Biết ăn biết ở hơn người giàu sang

2. Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Răn dạy con cháu phải biết lựa chọn câu nói, cách nói để sao cho câu chuyện không bị hiểu sai và không khiến người khác khó chịu.

3. Cười người chớ vội cười lâu

Cười người hôm trước, hôm sau người cười

Câu này ý chỉ không nên mỉa mai người khác vì sẽ có ngày họ sẽ mỉa mai lại bạn.

4. Áo rách cốt cách người thương: Dù là bề ngoài có rách rưới nhưng tâm hồn luôn là người biết trên dưới, biết yêu thương, biết trái phải thì cũng được mọi người quý mến.

5. Ăn có mời, làm có khiến: Răn dạy con cháu khi ăn uống phải mời những người bề trên.

6. Kính lão đắc thọ: ​Ý muốn nói chúng ta phải kính trọng người lớn tuổi.

7. Kính trên, nhường dưới​: Phải biết tôn trọng lễ phép với người lớn tuổi và nhường nhịn đối với người nhỏ tuổi.

8. Trọng thầy mới được làm thầy: ​Muốn nhắc nhở chúng ta muốn sau này làm thầy cô giáo thì trước tiên phải tôn trọng thầy cô.

9. Tôn sư trọng đạo​: Tôn trọng những người đã dạy dỗ mình (thầy, cô giáo)

10. Không thầy đố mày làm nên: ​Muốn nhắc nhở chúng ta phải tôn trọng những người đã có công dưỡng dục dạy dỗ, nếu không có thầy cô dạy dỗ thì chắc rằng bạn sẽ không làm được gì

11. Nhập gia tùy tục: ​Khi đến nhà ai đó thì phải tôn trọng những gì mà nhà người đó thực hiện.

12. Tự trọng người lại trọng thân: Khinh đi khinh lại, như lần trôn quang ​

13. Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy: Dù dạy có nhiều hay ít vẫn là thầy chúng ta, cho nên phải luôn luôn tôn trọng thầy cô giáo.

14. Kính già yêu trẻ

15. Nói người phải nghĩ đến ta

Thử sờ lên gáy xem xa hay gần

Nói người phải nghĩ đến thân

Thử sờ lên gáy xem gần hay xa.

16.  Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

3. Hãy dự kiến những tình huống mà em thường gặp trong cuộc sống để có cách ứng xử thể hiện sự tôn trọng mọi người, theo các gợi ý sau:

a) Ở trường ( trong quan hệ với bạn bè, thầy cố giáo…)

b) Ở nhà ( trong mối quan hệ với ông bà, bố mẹ, anh chị em…)

c) Ở ngoài đường, nơi công cộng….

  • Tình huống trong trường: Trong lớp em có một bạn An gia đình rất khó khăn, gia đình bạn thuộc diện gia đình nghèo nên mọi dụng cụ học tập của bạn cũng rất ít so với bạn khác. Các bạn trong lớp có bạn kỳ thị bạn An, nhưng Như không nghĩ như vậy mà càng đồng cảm và khích lệ bạn đến trường. Như đã cũng các bạn giúp đỡ bạn trong học tập khi có khó khăn về vật chất để bạn luôn vui vẻ đến trường.

Bạn Như trong tình huống đã biết cảm thông giúp đỡ bạn bè khi có khó khăn, đây là một cách ứng xử tốt. Các bạn không nên kỳ thị bạn An vì bạn có gia đình nghèo mà cần phải giúp đỡ bạn ấy nhiều hơn.

  • Tình huống ở nhà: Hôm qua gia đình Hải có một cụ bà vào để hỏi thăm và xin chút lương thực. Hải thấy bà cụ giá yếu nên đã đỡ cụ ngồi vào ghế và lấy cho cụ cốc nước, chút lương thực cho cụ ăn. Cụ vui vẻ cười và khen Hải rất ngoan ngoãn. Sau khi rời đi Hải còn cho cụ thêm chút lương thực đi đường.

Bạn Hải trong câu chuyện vừa biết cảm thông, chia sẻ vừa biết tôn trọng người khác.

  • Tình huống ở nơi công cộng: Khi Nga vào rạp chiếu phim thì mọi người đã ổn định vị trí và xem phim. Nga vẫn đang loay hoay tìm chỗ ngồi cho mình. Khi thấy được chỗ ngồi của mình, Nga đã lặng lẽ, xin phép người ngồi phía ngoài và đi cúi người về vị trí của mình mà không ảnh hưởng đến người khác.

Hành động của Nga đã tôn trọng mọi người xung quanh khi xem phim.

Những hành động của các bạn trong trình huống trên là biểu hiện cho hành động tôn trọng người khác. Ngoài những tình huống trên thì việc tôn trọng người khác của bạn còn được thể hiện qua những hành động như lễ phép với thầy, cô, cha, mẹ; hoà đồng vui vẻ với bạn bè; yêu thương nhường nhịn anh chị em trong gia đình; vâng lời cha mẹ, ông bà;....

Hoatieu vừa gửi đến bạn đọc những câu ca dao, tục ngữ về tôn trọng người khác. Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
23 24.415
0 Bình luận
Sắp xếp theo