Trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy 2024

Trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy 2024. Ma túy đem lại nhiều cái chết trắng cho xã hội, là thứ nguy hiểm mà mỗi người chúng ta cần tránh xa, lên án. Phòng chống ma túy là điều cần thiết, là khái niệm, hành vi cần phổ biến sâu rộng đến tất cả mọi người.

Ma tuý là một hợp chất được nhiều người sử dụng, một khi đã dùng thì người đó sẽ bị nghiện những chất này. Ma tuý sẽ gây cho người sử dụng bị ảo giác, cảm giác không có thực và những kẻ nghiện thì luôn thích những cảm giác đó. Tuy nhiên những chất này bị cấm nên giá của chúng rất đắt nên những kẻ nghiện sẽ dễ dàng bị thiếu túng tiền vì không đi làm mà chỉ muốn dùng chúng.

Vậy phòng chống ma túy như thế nào? Trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy ra sao? Để trả lời cho các câu hỏi này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây cùng HoaTieu.vn.

Trách nhiệm của học sinh trong phòng, chống ma túy
Trách nhiệm của học sinh trong phòng, chống ma túy

1. Ma túy là gì?

Luật Phòng, chống ma tuý 2021 của nước ta định nghĩa về chất ma tuý như sau:

Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

Các em học sinh nhất là tuổi dậy thì, với tâm lý tò mò, khẳng định bản thân cùng nhận thức chưa chính chắn dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lợi dụng mua bán chất ma túy, sa ngã vào con đường này.

2. Phòng chống ma túy là gì?

Phòng chống ma túy được hiểu như thế nào?

Phòng, chống ma túy là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Các hoạt động liên quan đến phòng chống ma tuý là những biện pháp có mục đích nhằm hạn chế tình trạng sử dụng, mua bán ma tuý và những biện pháp răng đe giải quyết những trường hợp đã có hành vi mua bán, sử dụng ma tuý để bảo vệ xã hội.

3. Trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy là gì?

Để phòng chống ma túy, học sinh cần làm gì?

Trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy gồm:

  • Không sử dụng ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào;
  • Không tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc làm những việc khác liên quan đến ma tuý;
  • Khuyên nhủ bạn học, người thân của mình không sử dụng ma tuý hoặc tham gia các hoạt đông vận chuyển, mua bán ma tuý;
  • Khi phát hiện những học sinh, có biểu hiện sử dụng ma tuý hoặc nghi vấn buôn bán ma tuý phải báo cáo kịp thời cho thầy, cô giáo để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao cảnh giác tránh bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào các việc làm phạm pháp, kể cả việc sử dụng và buôn bán ma tuý;
  • Có ý thức phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý hoặc lôi kéo học sinh, sinh viên vào hoạt động vận chuyển, mua bán ma tuý; báo cáo kịp thời cho thầy, cô giáo.

Ngoài ra để học sinh nhận thức được tác hại của ma tuý thì vai trò của gia đình và nhà trường là rất quan trọng. Lứa tuổi còn tò mò chưa nhận thức được mối nguy hại đến bản thân nên dễ dàng bị rủ rê lôi kéo.

4. Tác hại của ma túy

- Tác hại về sức khỏe:

  • Người sử dụng ma túy sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe như hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn máu, da liễu, thần kinh,...
  • Người nghiện ma túy sẽ có biểu hiện là suy nhược tinh thần, ốm yếu, không có khả năng lao động, thần trí không minh mẫn nhất là những người nghiện lên cơn,...
  • Người nghiện ma túy dễ mắc các bệnh về HIV-AIDS, căn bệnh thế kỷ gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và người bệnh không thể chữa khỏi.
  • Người dùng ma túy quá liều có thể sốc thuốc và gây tử vong.

- Tác hại về tinh thần:

  • Như đã nói ở trên thì người nghiện ma túy, tinh thần sẽ không được minh mẫn, tỉnh táo để suy nghĩ các vấn đề xung quanh. Từ đó khiến cho hành vi, lối sống của họ bị sai lệch dễ bị tha hóa suy nghĩ và hành vi.
  • Những người thân cũng bị trở nên lo lắng, mất ăn, mất ngủ khi có người trong gia đình, con cái nghiện ma túy.

- Tác hại về kinh tế:

  • Khi nghiện mất khả năng lao động sẽ dẫn đến không có việc làm, không có kinh tế cho bản thân.
  • Trong kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng khi mà người nghiện có dấu hiệu lấy đồ đạc bán để lấy tiền mua ma túy.
  • Nghiêm trọng hơn là người nghiện đi cướp của, giết người bịt đầu mối để lấy tiền mua ma túy cho bản thân mình. Đây là trường hợp nguy hại nhất đến kinh tế xã hội.

- Tác hại đến xã hội:

Từ những tác hại trên có thể thấy khi kinh tế gia đình và an toàn của những người xung quanh bị ảnh hưởng thì đã có tác động đến xã hội về kinh tế và cả an ninh trật tự. Nhiều người nghiện ma túy sẽ dẫn đến việc đất nước nghèo nàn hơn khi không có lao động mà còn phải nuôi những người nghiện.

Kết luận: Do những tác hại to lớn và hệ lụy khôn lường của ma túy, phong trào phòng, chống ma túy không chỉ cần được đẩy mạnh trong thực tiễn đời sống mà còn cần được tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc giáo dục tuyên truyền này sẽ củng cố nhận thức về tác hại ma túy, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy. Từ đó tạo nên một thế hệ thanh thiếu niên - chủ nhân tương lai của đất nước có tầm nhìn, kiến thức tốt, tránh sa ngã vào tệ nạn ma túy.

5. Phòng chống ma túy là trách nhiệm của ai?

Trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy là gì? 

Phòng chống ma túy là trách nhiệm của cả cộng đồng, của tất cả mọi người dân chứ không riêng gì một cá nhân, cơ quan hay tập thể nào.

Hiện nay, ma túy len lỏi vào từng thành phần trong xã hội, sẽ là vô ích nếu chúng ta không làm gì và trông chờ vào các cơ quan chức năng trong việc phòng chống ma túy. Với tình hình buôn bán, sử dụng ma túy phức tạp như hiện nay, cuộc chiến “nói không với ma túy” vẫn còn rất nhiều cam go. Ma túy đã vào trường học, đã và đang rình rập từng nhà, từng ngõ ngách để gây ra những cái chết cho không chỉ với các đối tượng nghiện mà cho cả chính gia đình của họ. Tệ nạn ma túy đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi và có quy mô lớn, không chỉ ở trong nước mà còn có sự móc nối với nước ngoài.

Do đó, để phòng chống và đẩy lùi ma túy, cần có sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người. Đừng để ma tuý lấy đi những người thân yêu của chúng ta.

6. Để phòng chống tệ nạn ma túy pháp luật nghiêm cấm những hành vi nào?

Việc tuyên truyền pháp luật về những hành vi vi phạm liên quan đến ma tuý cũng rất quan trọng. Điều này giúp mọi người dân biết và hiểu được hành vi liên quan đến ma tuý sẽ bí pháp luật trừng trị như thế nào. Từ đó nhằm răng đe những kẻ nhăm nhe có hành vi liên quan đến ma tuý phải dè chừng. Để phòng chống tệ nạn ma túy, pháp luật nghiêm cấm những hành vi sau:

Điều 5 Luật phòng, chống ma tuý năm 2000 nghiêm cấm những hành vi sau:

1. Trồng cây có chứa chất ma tuý;

2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý;

4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý;

5. Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội về ma tuý mà có;

6. Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma tuý;

7. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma tuý;

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý;

9. Các hành vi trái phép khác về ma tuý.

Ngày 1/1/2022, Luật phòng, chống ma tuý năm 2021 có hiệu lực, luật này nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.

2. Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

3. Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

4. Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tới quy định của pháp luật.

5. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

6. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

7. Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

8. Trả thù hoặc cản trở người thực thi nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

10. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.

11. Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác do luật định liên quan đến ma túy.

Trên đây, Hoatieu.vn đã cung cấp cho độc giả các Trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan tại mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
29 41.990
0 Bình luận
Sắp xếp theo