Cảm nhận cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Có thể nói cảnh đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một phân đoạn khiến người đọc có nhiều suy nghĩ và cảm nhận. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các bạn mẫu bài cảm nhận về cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ để người đọc cảm nhận được rõ nét hơn về phân đoạn này trong tác phẩm.

1. Dàn ý cảm nhận cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

1. Mở bài:

Khẳng định: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng có những cảnh đặc sắc đóng vai trò quan trọng trong biểu hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

Khái quát chung về cảnh đợi tàu: Nếu Chữ người tử tù có cảnh cho chữ thì có lẽ Hai đứa trẻ (tác phẩm tiêu biểu của nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc - Thạch Lam) có cảnh đợi tàu của hai chị em.

2. Thân bài:

1. Hình ảnh đoàn tàu qua phố huyện

Ánh sáng của đèn chiếu rực khắp nơi.

Còi kêu lớn và to.

Âm thanh tàu vang to.

Khi tàu đi qua thì màn đêm bao vây.

2. Cảnh đợi tàu

a. Người dân phố huyện:

Dù mệt mỏi nhưng vẫn chờ tàu đến.

Chờ để bán hàng, mưu sinh.

Đoàn tàu đến để con người nơi đây kiếm sống.

Niềm hi vọng và chờ đợi.

b. Đối với chị em Liên:

Rất mệt mỏi nhưng vẫn đợi.

An rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức để đợi đoàn tàu.

Liên có những tâm trạng của một đứa trẻ có khát khao lớn.

Cảnh chờ đợi rất chân thành.

c. Ý nghĩa của cảnh đợi tàu:

Người dân đợi tàu để bán hàng.

Chị em Liên đợi tàu để nhớ về kỉ niệm Hà Nội, nghe lời mẹ dặn và có những hi vọng, khát khao về cuộc sống tươi đẹp hơn.

3. Kết bài:

Nhận định khái quát nhất về cảnh đợi tàu của hai chị em Liên và bút pháp nghệ thuật Thạch Lam sử dụng để tạo nên thành công của cảnh: bút pháp lãng mạn xen hiện thực, nghệ thuật miêu tả nội tâm…
Liên hệ trình bày cảm nhận bản thân về cảnh đặc sắc đó

2. Cảm nhận cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

hạch Lam tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh sau đổi thành Nguyễn Tường Lân, sinh tại Hà Nội, trong một gia đình công chức gốc quan lại nhưng tuổi thơ gắn liền với quê ngoại ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thạch Lam là một thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn cho dòng văn học lãng mạn. Thạch Lam là người đôn hậu và tinh tế, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các sang tác của ông.

Thành công nhất của Thạch Lam là ở thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện mà chủ yếu khai thác thế giới nội tâm con người với những cảm xúc mong manh, mơ hồ, những rung động nhẹ nhàng. Truyện ngắn của ông có giọng điệu như bài thơ trữ tình đượm buồn với văn phong sáng sủa và giản dị thể hiện niềm yêu mến của nhà văn với con người và cảnh vật. Các tác phẩm tiêu biểu: Tập truyện ngắn “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn” và “Sợi tóc”; tiểu thuyết “Ngày mới”; tiểu luận và phê bình “Theo dòng”; tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường”.

Tác phẩm “Hai đứa trẻ” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập “Nắng trong vườn” (1938). Cũng như nhiều truyện ngắn khác của ông, “Hai đứa trẻ” có sự hòa quyện hai yếu tố hiện thực và trữ tình lãng mạn. Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực cao vừa thấm đượm một giá trị nhân đạo sâu sắc. Qua truyện ngắn này, nhà văn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc, thông cảm và xót thương vô hạn với những người nghèo khổ, khao khát một sự đổi thay đến với cuộc đời của họ. Đồng thời, tác phẩm cũng thể hiện một tài năng viết truyện ngắn bậc thầy của Thạch Lam. Đây là một truyện ngắn có cốt truyện đơn giản, một kiểu truyện ngắn trữ tình có nhiều chi tiết ngỡ như là vụn vặt, vô nghĩa nhưng thực ra đó chính là sự chọn lọc và sự sắp xếp một cách chặt chẽ để diễn tả tâm trạng nhân vật. Qua đó tác giả gửi gắm những tâm tình một cách kín đáo, nhẹ nhàng nhưng không kém phần thấm thía tư tưởng nhân đạo đáng quý.

Con người tự muôn đời nay luôn luôn sống trong khao khát và hi vọng những gì tươi sáng hơn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sống giữa phố huyện nghèo đầy bóng tối nhưng chị em Liên cũng như chừng ấy người nơi phố huyện vẫn luôn “mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Đó chính là lí do khiến chị em Liên đêm đêm vẫn cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua bởi chuyến tàu chỉ vụt qua nhưng đã mang đến cho họ một thế giới khác hẳn vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa trong gian hàng bác Siêu chứ không đơn thuần là vâng lời mẹ dặn để có thể bán thêm một ít hàng bởi “họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc là cùng”. Bởi lẽ đó mà Liên “dù buồn ngủ díu cả mắt vẫn cố thức", còn An “đã nằm xuống, mi mắt sắp sửa rơi xuống vẫn không quên dặn chị “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”.

Có lẽ bởi vậy mà chuyến tàu được nhà văn tập trung bút lực miêu tả một cách tỉ mỉ theo trình tự thời gian, qua tâm trạng của hai chị em Liên và An. Khi đêm đã về khuya, Liên vẫn thao thức không ngủ cho tới lúc “tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Liên đã reo lên “Dậy đi, An. Tàu đến rồi”. Chuyến tàu chỉ dừng lại trong giây lát rồi đi vào đêm tối mênh mông giống như một ánh sao băng lấp lánh bất chợt bay qua nền trời rồi vụt tắt, mang theo bao ước mơ và hoài bão đi tới nơi nào chẳng rõ vậy nên hai chị em Liên “vẫn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất hẳn sau rặng tre”.

Chuyến tàu đêm nay không đông và kém sáng hơn mọi ngày nhưng Liên vẫn “lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng của ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Đó là hình ảnh của Hà Nội trong kí ức tuổi thơ, Hà Nội của những kỉ niệm đẹp mà bấy lâu nay chị em Liên vẫn tha thiết hướng về dù chỉ trong giây lát “theo dòng mơ tưởng”. Phải chăng những kỉ niệm tươi sáng thường in đậm và khắc sâu trong tâm hồn tuổi thơ giống như một chiếc gối êm đềm ru ta vào giấc ngủ dịu êm dù thực tại có phũ phàng hay ảm đạm.

Xa Hà Nội đã lâu rồi nhưng chị em Liên vẫn “nhớ như in” những lần “đi chơi bờ hồ được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ, ăn những thức ăn ngon lạ”. Họ nhớ như in “một vùng sáng rực và lấp lánh” dù hiện tại với hai em mùi phở của bác Siêu thật hấp dẫn nhưng “quá xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được”. Tuy vậy, nó cứ gợi nhớ mùi thơm của hồi nào… Hình ảnh chuyến tàu đêm là kí ức đẹp của tuổi thơ một thời nhớ lại trong tiếc nuối. Chuyến tàu càng sáng rực, vui vẻ thì Liên càng ý thức rõ hơn cảnh sống tăm tối, buồn tẻ và chìm lặng của phố huyện nghèo. Đoàn tàu đi rồi, đêm tối vẫn “bao bọc chung quanh”. Liên gối đầu lên tay và nhắm mắt lại để “hình ảnh thế giới xung quanh mình mờ mờ đi trong mắt chị”. Đó là lúc thấm thía sâu sắc nỗi buồn về một cuộc sống mòn mỏi, quẩn quanh không thể đổi thay, Liên “thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Đó là hình ảnh gây ấn tượng day dứt buồn cuối cùng đi vào giấc ngủ của cô bé Liên.

Nhưng đâu chỉ buồn và tiếc nuối, hai chị em Liên còn hồi hộp vui sướng khi tàu về như “mong đợi một cái gì tươi sáng hơn đến với cuộc sống nghèo khổ thường ngày của họ”. Cuộc sống hiện tại xung quanh Liên thật buồn tẻ, chuyến tàu từ Hà Nội về như đã đem lại một chút thế giới khác đi qua phố huyện nghèo. Bởi vậy, khi tàu về rồi “khuất dần sau rặng tre” mà Liên vẫn cứ “lặng theo mơ tưởng”. Dường như Liên đang ấp ủ trong lòng một khát khao thay đổi cuộc sống của hiện tại vẫn le lói một niềm hi vọng rồi một ngày nào đó được trở lại cuộc sống tươi sáng của ngày xưa như khi còn ở Hà Nội. Trong ý nghĩ hồn nhiên, non nớt và tội nghiệp của Liên, Hà Nội là một thiên đường ở trong mơ. Nhìn theo đoàn tàu đang xa dần, xa dần trong lòng Liên cứ rộn lên những bồi hồi, xao xuyến, ánh mắt của Liên cứ đắm chìm vào cõi mơ tưởng. Liên nghĩ về quá khứ, nghĩ về tương lai và hiện tại. Quá khứ tuổi thơ tươi sáng qua lâu rồi, tương lai thì mờ mịt mong manh còn hiện tại thì đầy bóng tối.

Những trạng thái tâm trạng ấy thật mơ hồ, mong manh mà chỉ có một tâm hồn nhạy cảm cùng với một tấm lòng nhân hậu của Thạch Lam mới có thể phát hiện và thể hiện được. Với chị em Liên, chuyến tàu từ Hà Nội về không chỉ là kí ức mà còn là hình ảnh của một tương lai tuy mơ hồ nhưng đẹp như một giấc mơ trong truyện cổ tích thần kì. Nó như một ảo ảnh vụt sáng lên rồi tắt dần, xa dần trong tâm trạng tiếc nuối của cô bé Liên. Nhưng dẫu sao nó vẫn là niềm vui, một niềm an ủi làm vơi đi mọi tẻ nhạt, buồn chán của hiện tại để hai chị em Liên đi vào giấc ngủ sau một ngày dài đầy buồn tẻ.

Không một chi tiết éo le, truyện Hai đứa trẻ chỉ xoay quanh tâm trạng hồi hộp, khắc khoải đợi tàu trong đêm của chị em Liên. Bắt đầu từ tiếng trống thu không, thời gian cứ trôi qua theo sự xuất hiện từng mảnh đời tàn tạ của phố huyện nghèo, người đọc bỗng nhận ra trong tiếng reo “Dậy đi, An. Tàu đến rồi” là tình cảm bùi ngùi thương cảm của nhà văn dành cho những con người nhỏ bé, tội nghiệp như bị chôn vùi trong cuộc sống leo lét vô nghĩa trong xã hội cũ trước cách mạng. Còn gì thương cảm hơn khi niềm vui, niềm an ủi và ước mơ, hi vọng của họ chỉ là một chuyến tàu đêm từ Hà Nội về vụt qua trong giây lát. Trang sách cuối cùng khép lại mà tâm trạng thức đợi tàu của chị em Liên cứ ám ảnh, cứ vấn vương ta hoài cứ như thầm thì nói hộ Thạch Lam: có những cuộc đời mới đáng thương và tội nghiệp làm sao nhưng cũng thật cảm động và đáng trân trọng biết bao khi họ vẫn vượt lên mọi tối tăm, lầm than trong hiện thực để ước mơ và hi vọng, để không mất đi niềm tin vào cuộc sống có chút ánh sáng trong tương lai. Ngày lại ngày, đêm lại đêm, Liên vẫn cố thức đợi tàu là những nỗ lực vừa cụ thể vừa mơ hồ muốn thoát ra khỏi hiện tại. Niềm tin và ước vọng ấy tuy mong manh nhưng tha thiết vô cùng trong tâm hồn hai đứa trẻ. Qua đó, ta nhận ra một tiếng kêu thổn thức trong trái tim của Thạch Lam. Cần phải thay đổi thế giới tăm tối này, cần phải đem đến cho con người nhất là trẻ thơ một cuộc sống hạnh phúc. Phải chăng hình ảnh hai chị em Liên cũng là hình ảnh của hai chị em cậu bé Vinh (tên hồi nhỏ của nhà văn Thạch Lam) ngày nào trên một phố huyện nghèo nay đã lùi sâu vào dĩ vãng của ông.

Là một truyện ngắn không có cốt truyện, đặc biệt nhà văn chỉ đi sâu vào thế giới nội tâm của hai đứa trẻ, đó là những biến thái mơ hồ, mong manh trong tâm trạng hai đứa trẻ nhưng đã được cảm nhận và thể hiện thật tinh tế trong lối viết văn mềm mại, trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Chỉ một âm thanh “tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại trong đêm kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi” cũng đủ để ta hình dung ra cô bé Liên đang sống trong mơ tưởng. Đó là âm thanh của chờ đợi và hi vọng nhưng cũng là dư âm của tiếc nuối. Đặc biệt là hình ảnh chuyến tàu đêm đi qua phố huyện vừa như là niềm tiếc nuối một quá khứ tươi sáng đã mất vừa là niềm an ủi vỗ về đối với hiện tại nhưng nó lại vừa gióng lên một cái gì tươi sáng ở tương lai. Vì thế chuyến tàu đêm được coi là một “nhãn tự” của bài thơ trữ tình đượm buồn này.

Đọc truyện ngắn “Hai đứa trẻ” ta có cảm giác như được đọc một “bài thơ trữ tình đượm buồn” bởi qua tâm trạng đợi tàu của hai chị em Liên ta rất dễ nhận ra một tiếng nói trữ tình thầm kín, nhẹ nhàng nhưng thấm thía vô cùng trong lòng người đọc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
11 26.473
0 Bình luận
Sắp xếp theo