(29 mẫu) Mở bài Vợ nhặt hay nhất

Tải về

Vợ nhặt là một trong số các tác phẩm trọng tâm thi tốt nghiệp hàng năm. Để làm bài văn phân tích tác phẩm Vợ nhặt sao cho hay và đạt điểm cao thì việc nắm được cách viết mở bài Vợ nhặt là rất quan trọng. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ tổng hợp mẫu mở bài Vợ nhặt hay nhất phù hợp với nhiều dạng đề như phân tích tác phẩm Vợ nhặt, phân tích Vợ nhặt bà cụ tứ, phân tích Vợ nhặt nhân vật Tràng... Mời các em cùng tham khảo.

Nội dung mẫu mở bài tác phẩm Vợ nhặt trên Hoatieu

STTNội dungSố mẫu
1Mở bài Vợ nhặt gián tiếp 3
2Mở bài Vợ nhặt trực tiếp3
3Mở bài vợ nhặt bằng lí luận văn học1
4Mở bài Vợ nhặt bằng nhận định1
5Mở bài Vợ nhặt nâng cao3
6Mở bài giá trị nhân đạo Vợ nhặt1
7Mở bài sáng tạo Vợ nhặt1
8Mở bài tác phẩm Vợ nhặt10
9Mở bài phân tích hình ảnh nồi cháo cám5
10Mở bài Vợ nhặt bữa cơm ngày đói1

1. Mở bài Vợ nhặt gián tiếp

Mở bài Vợ nhặt gián tiếp học sinh giỏi

Mẫu 1

Nguyên Hồng đã từng nói Kim Lân là nhà văn của đồng ruộng “một lòng đi về với đất, với người thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn ngày trước”. Quả thật đúng như vậy, ở các tác phẩm của Kim Lân người đọc luôn cảm nhận được sự gần gũi, chân thực nhất về đời sống cũng như những người dân nghèo xưa kia. Bằng sự tài năng và nhân đạo của mình, tác giả đã khắc họa rõ nét bức tranh về nạn đói 1945 và khát khao sống mãnh liệt của con người trong cái tận cùng của cái đói và cái chết.

Mẫu 2

Lịch sử dân tộc Việt Nam ta đã phải trải qua biết bao khổ cực, gian truân, phải đấu tranh với những lũ giặc thâm thù ác độc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngoài việc đánh dấu mốc son chói lọi, vẻ vang song vận mệnh của đất nước lại rơi vào lâm nguy. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành khiến cho hàng triệu người dân chết đói, là một nỗi ám ảnh kinh hoàng trong ký ức của biết bao con người. Và cho đến tận ngày nay, không ai có thể phủ nhận được sự khủng khiếp của nó. Nhà văn Kim Lân, bằng sự nhân đạo và tài năng nghệ thuật của mình đã khắc họa lại rõ nét khung cảnh nghèo đói của con người lúc bấy giờ qua truyện ngắn “Vợ nhặt’. Ngoài việc tái hiện lại khung cảnh thê lương ấy, “Vợ nhặt” còn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người, niềm khao khát được sống, được hạnh phúc, khao khát về một tương lai tươi sáng dù họ có ở mấp mé bờ vực của cái chết.

Mẫu 3

Cái đói, cái nghèo là nỗi lo lắng, sợ hãi của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi thời đại. Có lẽ chính vì vậy mà các nhà văn thường viết về nó ở những khía cạnh tối tăm và bất lực trong những tác phẩm của mình. Nhưng với Kim Lân lại khác, qua truyện ngắn “Vợ Nhặt”, ngoài việc tái hiện lại khung cảnh tối tăm, đau khổ ấy thì nhà văn còn cho người đọc thấy những tia sáng mới về vẻ đẹp phẩm chất con người và niềm khát khao sống, khát khao hạnh phúc và niềm tin vào ánh sáng cách mạng đem đến một tương lai tốt đẹp hơn.

 Mở bài Vợ nhặt gián tiếp 

2. Mở bài Vợ nhặt trực tiếp

Mẫu 1

“Vợ nhặt” là truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của nhà văn Kim Lân. Nội dung truyện kể về anh cu Tràng ở xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê. Giữa trận đói kinh hoàng năm 1945 nuôi thân còn khó, thế mà bất ngờ, anh cu Tràng – nhân vật chính của tác phẩm còn dám đèo bòng thêm cô vợ nhặt. Kim Lân đã xây dựng, sáng tạo ra tình huống nhặt vợ hết sức độc đáo, đồng thời vận dụng ngôn ngữ bình dị, mộc mạc tự nhiên để khắc họa lên tính cách của từng nhân vật. Từ anh cu Tràng , người vợ nhặt đến bà cụ Tứ nhân vật nào cũng sinh động và chân thực.

Mẫu 2

“Vợ nhặt” là một tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp văn chương của Kim Lân viết về cuộc sống ngột ngạt của người dân trong nạn đói năm 1945. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết có tên “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau cách mạng tháng tám bùng nổ nhưng còn dang dở. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), Kim Lân đã dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết lên thiên truyện ngắn này. Với “Vợ nhặt”, Kim Lân đã vô cùng thành công trong việc đi sâu vào việc phân tách diễn biến tâm lí nhân vật, tiêu biểu là ………..(tùy vào đề bài để dẫn dắt).

Mẫu 3

“Vợ nhặt” là một truyện ngắn có cốt truyện hết sức độc đáo của Kim Lân. Truyện kể về chuyện anh cu Tràng – một thanh niên nghèo trong xóm ngụ cư với vẻ ngoài xấu xí đã nhặt được vợ trong hoàn cảnh cái nghèo đói đang diễn ra kinh khủng, người chết như ngả rạ. Qua tác phẩm, nhà văn đã phản ảnh nỗi đau khổ và niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc lớn lao của người nghèo, qua đó nói lên số phận bất hạnh, hẩm hiu của con người trong xã hội cũ.

3. Mở bài vợ nhặt bằng lí luận văn học

Điều gì thôi thúc nghệ sĩ cầm bút? Điều gì buộc nhà văn lao vào quá trình sáng tạo để tạo nên đứa con tinh thần của mình? Với Nekratxtop đó là: “Nỗi đau khổ từ lâu bị kiềm chế chế nay sôi sục dâng lên trong lòng”. Với Lemonxtop lại là: “ Những đêm không ngủ mắt rực cháy lòng ngập tràn nhớ nhung”. Còn với Kim Lân - nhà văn được mệnh danh là “con đẻ của đồng ruộng” thì đó lại là nỗi băn khoăn trăn trở về cuộc đời về số phận của những con người nghèo khổ dưới bức phông nền u tối, xám xịt của nạn đói năm 1945. Tất thảy điều đó đều được gửi gắm trong truyện ngắn “Vợ nhặt” - một câu chuyện cổ tích giữa đời thường được vun đắp từ tình yêu thương giữa con người với con người. Và ở đó nhà văn tập trung khắc họa những biến đổi lớn của họ khi có tình yêu tác động… + vấn đề nghị luận.

4. Mở bài Vợ nhặt bằng nhận định

Sê – Khốp từng nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Quả đúng vậy, đến với truyện ngắn “Vợ nhặt” ta như cảm nhận được tấm lòng nhân đạo, tâm huyết của nhà văn Kim Lân – “Người con đẻ của đồng ruộng”. Bằng chính tấm lòng yêu thương của mình, Kim Lân đã khiến cho trang văn của mình lấp lánh tình người, tràn ngập niềm tin vào một tươi lai tươi sáng, hạnh phúc. Điều đó được gói trọn trong … + Vấn đề nghị luận.

5. Mở bài Vợ nhặt nâng cao

Mẫu 1

Nhà văn Nam Cao từng nói: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” . Thật vậy, đã là nghệ thuật thì phải phán ánh, tái hiện những hiện thực ngoài kia một cách chân thực nhất dù nó có trần trụi. Và một tác phẩm nghệ thuật văn học giàu giá trị như thế chắc hẳn ta không thể bỏ qua truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Đây là tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp của nhà văn viết về nạn đói 1945. Với những cảm quan về tình yêu thương giữa con người với con người và bằng tài năng xuất chúng của mình, Kim Lân đã vẽ nên một bức tranh hiện thực với đầy đủ gam màu sáng tối cùng niềm khao khát mãnh liệt về cuộc sống tươi sáng mai sau. Như chính tác giả cũng đã chia sẻ “Những người đói họ không nghĩ đến về cái chết mà nghĩ đến cái sống”.

Mẫu 2

Văn học, nghệ thuật chính là lăng kính chủ quan, phản ánh hiện thực một cách khách quan và chính xác nhất. Bởi vậy mà nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút tài năng của mình để phác họa lên bức tranh chân thực về cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân nghèo trong nạn đói năm Ất Dậu qua truyện ngắn “Vợ nhặt”. Kim Lân đã đem vào thiên truyện của mình một điểm sáng mới, đó chính là niềm tin, là niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp dù hiện thực có khó khăn đến nhường nào.

“Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc nhất của ông được in trong tập “Con chó xấu xí ”, truyện viết về người nông dân trong tình cảnh thê thảm, khốn cùng của nạn đói nhưng vẫn ánh lên những bản chất tốt đẹp, lương thiện.

Mẫu 3

Mỗi một tác phẩm văn học hay và để lại ấn tượng trong lòng độc giả thì đều ẩn chứa những điểm sáng tuyệt vời. Người nghệ sỹ tài năng là người phải biết nắm bắt và đưa vào tác phẩm của mình những điểm sáng tuyệt vời đó. Viết về đề tài người nông dân nghèo, ta từng biết đến một lão Hạc nghèo khổ, bất hạnh nhưng lại có tâm hồn đẹp của Nam Cao, một ông Hai tràn đầy tình yêu với làng quê, đất nước của Kim Lân, hay “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi cũng viết về người nông dân với những mất mát đau thương. Song phải đến “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, người ta mới cảm nhận được tận cùng của sự xót thương về một thảm cảnh khốc liệt – nạn đói kinh hoàng năm 1945. Truyện ngắn viết về cuộc sống nghèo đói của con người lúc bấy gờ, tuy họ đang đứng bên bờ vực của cái chết nhưng vẫn luôn khát khao được sống, được hạnh phúc, ở họ luôn hiện ra những vẻ đẹp phẩm chất cao quý của những người nông dân chân chất.

6. Mở bài giá trị nhân đạo Vợ nhặt

“Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của KL và của VHVN hiện đại. Ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ, đến nay nó vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt. Để làm nên sức sống lâu bền cho TP, ngoài NT kể chuyện, NT xây dựng tình huống truyện độc đáo của TG, còn có một lí do vô cùng quan trọng – đó chính là giá trị nhân đạo vừa sâu sắc vừa độc đáo của TP.

7. Mở bài sáng tạo Vợ nhặt

Nạn đói năm 1945 đã khiến “cả dân tộc chìm trong rơm rạ”. Nó đã trở thành đề tài được nhiều nghệ sĩ khai thác. Nếu cái đói trong truyện ngắn của Nam Cao luôn đặt con người vào những tình huống lựa chọn éo le đầy thử thách giữa miếng ăn và nhân cách thì cái đói trong “Vợ nhặt” lại được nhà văn Kim Lân khai thác ở một góc độ mới. Thông qua tác phẩm, văn nhân không chỉ gợi ra hiện thực cuộc sống những năm 1945 mà còn ánh lên thứ ánh sáng bất diệt của tình người ấm áp, cao cả… + Vấn đề nghị luận.

8. Mở bài tác phẩm Vợ nhặt

Mẫu 1

Nói về nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân từng nói: "Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự". "Vợ nhặt" của ông chính là truyện ngắn đi sâu khai thác tia sáng đẹp đẽ trong bi kịch tăm tối ấy của nạn đói. Thông qua câu chuyện nhặt vợ của anh Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói mà quan trọng hơn cả là đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy vẻ đẹp của con người vẫn tỏa rạng, trong cái khốn cùng, thiếu thốn con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật đáng trân trọng.

Mẫu 2

Văn học chính là lăng kính chủ quan, phản ánh hiện thực một cách khách quan, chính xác nhất. Bởi vậy mà nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình để phác họa thành công bức tranh cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân trong nạn đói năm Ất Dậu qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Nhà văn đã đem vào thiên truyện của mình một điểm sáng mới, đó là niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp dù hiện tại có khó khăn đến nhường nào.

Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, ngòi bút của ông thật sắc sảo khi tập trung miêu tả những phong tục tập quán và đời sống làng quê với những “thú vui đồng quê hay phong lưu đồng ruộng”. “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc được in trong tập “Con chó xấu xí” của nhà văn, viết về người nông dân trong tình cảnh thê thảm của nạn đói với bản chất tốt đẹp, lương thiện. Bằng khả năng sáng tạo của mình, nhà văn đã thành công ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và hàng loạt các biện pháp nghệ thuật đặc sắc khác khi xây dựng nhân vật của mình.

Mẫu 3

Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, ông viết nhiều, viết hay về nông thôn, về cuộc sống của người nông dân. Hiện lên trong những trang văn của ông là hình ảnh những người nông dân nghèo khổ, khốn đốn trong những hoàn cảnh riêng nhưng ở họ vẫn sáng ngời những vẻ đẹp đáng trân trọng, đó là ông Hai - một người dân yêu làng, yêu nước nhưng phải đối mặt với bi kịch làng chợ Dầu theo giặc trong "Làng", đó còn là anh Tràng - người đàn ông xấu xí, nghèo khổ sống ở xóm Ngụ cư vẫn chấp nhận cưu mang một người đàn bà xa lạ ngay giữa nạn đói trong truyện ngắn Vợ nhặt. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình để lột tả những vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn con người, đó là tình thương, là sức sống mãnh liệt.

Mẫu 4

Nạn đói năm 1945 đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người Việt Nam, nó gợi nhắc về một thời kỳ đen tối của lịch sử. Viết về nạn đói, Tô Hoài từng viết: "Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy", nhà văn Kim Lân cũng từng có những chia sẻ về cái dữ đội của nạn đói đồng thời cũng phát hiện "hào quang" được tỏa ra từ chính những con người trong nạn đói "Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự". "Vợ nhặt" là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói, đồng thời qua đó nhà văn ca ngợi vẻ đẹp của tình thương, sức sống tiềm tàng của con người.

Mẫu 5

Cái đói là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi thời đại. Có lẽ vì vậy mà các nhà văn thường viết về nó ở những khía cạnh tối tăm và bất lực. Nhưng với tác phẩm Vợ Nhặt, nhà văn Kim Lân đã thật sự tìm được một tiếng nói riêng khi ông đã mang đến cho những nạn nhân của năm đói một khát khao cháy bỏng về tương lai tươi sáng và nhất là làm nổi bật vẻ đẹp của truyền thống nhân văn: Lòng yêu thương và quý trọng hai chữ Con Người.

Mẫu 6

Kim Lân, nhà văn chuyên viết truyện ngắn, với biệt tài viết về người nông dân. Người nông dân trong trang viết của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng luôn sáng ngời những phẩm chất: yêu đời, thật thà, chất phác, hóm hỉnh, tài hoa. Vợ nhặt là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông khi viết về người nông dân.

Mẫu 7

Kim Lân một trong những nhà văn viết truyện ngắn từ năm 1941. Sáng tác của ông tập trung phản ánh bức tranh của nông thôn Việt Nam và hình tượng người nông dân. Dưới ngòi bút tài hoa của Kim Lân, bức tranh hiện thực của nông thôn Việt Nam cũng như nỗi niềm, cuộc sống, cảnh ngộ và khát vọng của người nông dân được thể hiện chân thực và sinh động. “Vợ Nhặt” là một trong những tác phẩm thành công của Kim Lân với cốt truyện độc đáo cùng lối dẫn chuyện hóm hỉnh hấp dẫn người đọc.

Mẫu 8

Nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã khiến cho nhân dân ta rơi vào tình cảnh vô cùng thê thảm. Tình cảnh ấy được các nhà văn tái hiện chân thực trong những sáng tác của mình. Nhà văn Kim Lân cũng là một trong số đó. Ông đã khắc họa số phận của những người nông dân qua tác phẩm “Vợ nhặt” bằng một lòng thương cảm sâu sắc.

Mẫu 9

Kim Lân được mệnh danh là nhà văn của người nông dân, của làng quê Việt Nam bởi trong các tác phẩm của ông luôn hướng tới hình ảnh người nông dân. Với văn phong giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc thấm đẫm tinh thần nhân văn, tác giả Kim Lân đã gửi tới người đọc một tác phẩm kinh điển thể hiện tình cảm đậm đà của ông dành cho những số phận người nông dân nghèo khổ trong xã hội cũ.

Mẫu 10

Kim Lân là một trong số những nhà văn xuất sắc viết về nông thôn và nông dân Việt Nam trong nền văn học hiện đại với những tác phẩm độc đáo tỏng cách xây dựng tình huống truyện, cách xây dựng và miêu tả nhân vật. Và có thể nói, truyện ngắn Vợ nhặt – rút từ tập Con chó xấu xí là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông.

Mở bài Vợ nhặt

9. Mở bài phân tích hình ảnh nồi cháo cám

Mẫu 1

Thành công của một tác phẩm được làm nên từ rất nhiều yếu tố. Một trong số đó là những chi tiết đắt giá làm nên ấn tượng sâu sắc với người đọc và đồng thời qua đó phải thể hiện được dụng ý nghệ thuật cũng như tư tưởng của tác giả trong tác phẩm đó. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh nồi cháo cám vào trong tác phẩm, qua đó làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn đối với cuộc đời và con người.

Mẫu 2

Một tác phẩm văn học chạm được đến trái tim người đọc không phải là những trang viết có ngôn từ trau chuốt, mượt mà, dùng từ đắc địa. Kỳ thực một tác phẩm có thể khiến người đọc thấy ngấm phải là tác phẩm có những "chi tiết đắt", là điểm sáng thổi bùng lên chủ đề tác phẩm. Nam Cao đã đưa chi tiết "bát cháo hành" đầy tính nhân văn trong truyện ngắn "Chí Phèo", và Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh "Nồi cháo cám" vào trong tác phẩm, giữa nạn đói năm 1945 đang hoành hành. Chi tiết "Nồi cháo cám" trong truyện ngắn "Vợ nhặt" có thể xem là đầy dụng ý nghệ thuật và giàu tính nhân văn.

Mẫu 3

Có những chi tiết nghệ thuật đọc rồi là nhớ mãi bởi nó có sức rung động sâu xa, sức ám ảnh lâu bền trong người đọc như “bát cháo hành” của Thị Nở trong Chí Phèo (Nam Cao), như “nồi cháo cám” của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (Kim Lân). Nếu bát cháo hành là liều thuốc giải độc đối với những “con quỷ dữ” như Chí Phèo biết quay về cuộc sống lương thiện, thì nồi cháo cám chính là tấm lòng thương yêu chân thực, cảm động của người mẹ nghèo khổ đối với những đứa con trong bữa cơm ngày đói đón dâu mới.

Mẫu 4

Vợ nhặt được xem là truyện ngắn thành công, mang danh tiếng đến cho nhà văn Kim Lân. Truyện tái hiện cuộc sống cùng cực dần đi vào ngõ cụt nhưng không bao giờ bế tắc của người dân sống trong nạn đói 1945. Nhà văn đã khắc họa nên hình ảnh “nồi cháo cám” chống đói của bà cụ Tứ, Tràng và cô vợ nhặt. Chính hình ảnh đắt giá này đã thổi bùng lên nội dung tác phẩm, khiến người đọc hình dung được nạn đói hoành hành. Đồng thời, lột tả hết được tình thương, vị tha của người mẹ đối với những đứa con của mình.

Mẫu 5

Kim Lân (1920- 2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng huyện Từ Sơn. Ông là một nhà văn độc đáo và xuất sắc viết về nông dân của làng quê Việt Nam. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó tiêu biểu phải kể đến “Vợ nhặt”. Tác phẩm ra đời ngay sau cách mạng tháng tám, viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. Và trong tác phẩm, Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh “nồi cháo cám” vào tác phẩm, một hình ảnh đầy dụng ý nghệ thuật và giá trị nhân đạo.

10. Mở bài Vợ nhặt bữa cơm ngày đói

Kim Lân là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, am hiểu sâu sắc về nông thôn Việt Nam với những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê. Ông viết chân thật và xúc động về cuộc sống của người dân quê với tình cảm đứa con của ruộng đồng. Và tác phẩm "Vợ nhặt" được trích từ tập "Con chó xấu xí" của ông là một trong số những tác phẩm tiêu biểu tái hiện được chân thật cuộc sống khổ cực của người nông dân trước nạn đói khủng khiếp 1945. Qua tác phẩm, ta thấy nổi bật lên chi tiết bữa cơm ngày đói của gia đình Tràng gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
68 155.266
(29 mẫu) Mở bài Vợ nhặt hay nhất
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm