Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Tải về

Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh để thấy được tinh thần lạc quan, phong thái ung dung, hòa hợp với thiên nhiên của Bác. Sau đây là dàn ý phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó, phân tích Tức cảnh Pác Bó hay chọn lọc sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các bạn học sinh.

Sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2-1941 Bác Hồ trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Khi đó, Người sống và làm việc trong điều kiện hết sức gian khổ nhưng vẫn vui vẻ lạc quan. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là một trong những tác phẩm Người sáng tác trong thời gian này. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được viết theo thể thơ tứ tuyệt Đường luật với phương thức biểu đạt chính là biểu cảm. Sau đây là mẫu phân tích bài Tức cảnh Pác Bó, mòi các bạn cùng tham khảo.

phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

1. Dàn ý phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

a) Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh

+ Hồ Chí Minh (1890 - 1969) là vị lãnh tụ tài ba vĩ đại, một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

- Giới thiệu bài thơ Tức cảnh Pác Bó:

+ Bài thơ ra đời vào tháng 2/1941 phản ánh cuộc sống sinh hoạt phong phú, sôi nổi, phong thái ung dung tự tại và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ vĩ đại trong hoàn cảnh bí mật khó khăn gian khổ ở Pác Bó.

b) Thân bài

* Khái quát về bài thơ:

- Hoàn cảnh sáng tác:

+ Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật về Pác Bó, Cao Bằng sau nhiều năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước.

+ Người sống và hoạt động bí mật trong hang Pác Bó với điều kiện sinh hoạt rất gian khổ.

- Giá trị nội dung: Bài thơ cho thấy tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Pó. Với người, làm cách mạng và sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn.

* Luận điểm 1: Cảnh sinh hoạt và làm việc của Bác ở núi rừng Pác Bó (3 câu thơ đầu)

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"

- Hành động: Ra - vào.

- Thời gian: Sáng - tối.

-> Phép đối chỉnh thể hiện cuộc sống đều đặn, nhịp nhàng, liên tục quay vòng của Bác khi ở Pác Pó.

- Không gian: Suối - hang -> 2 địa điểm làm việc, sinh hoạt chính của Bác

=> Cuộc sống bí mật nhưng Bác vẫn giữ được nề nếp, quy củ, phong thái ung dung, chủ động.

- Ăn uống đạm bạc: "Cháo bẹ, rau măng" (cháo ngô với rau măng) -> Những thức ăn luôn có sẵn trong rừng.

- “vẫn sẵn sàng” -> thức ăn luôn có sẵn trong tự nhiên.

-> Tâm thế luôn sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn của người chiến sĩ cách mạng.

- "bàn đá chông chênh" -> Điều kiện làm việc thiếu thốn, không có bàn mà phải dùng những tảng đá lớn không bằng phẳng

- "dịch sử Đảng" -> Bác dịch cuốn "Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô" để làm tài liệu học tập cho các cán bộ cách mạng

=> Dù cuộc sống sinh hoạt nơi núi rừng hoang dã vô cùng khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy rình rập, song Bác luôn yêu thiên nhiên, yêu công việc cách mạng và luôn làm chủ cuộc sống.

* Luận điểm 2: Tinh thần lạc quan, phong thái ung dung, hòa hợp với thiên nhiên của Bác (câu thơ cuối)

"Cuộc đời cách mạng thật là sang"

- Cuộc sống dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Bác vẫn luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan, giữ vững một tinh thần "thép".

- "sang" : sự sang trọng về vật chất

-> Ở đây, cái sang của Bác là cái sang của cuộc đời cách mạng, được sống giữa thiên nhiên, dưới bầu trời tổ quốc để cống hiến sức mình cho độc lập dân tộc, mang lại cuộc sống hòa bình, no ấm cho nhân dân.

=> Tinh thần yêu nước sâu sắc, phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời, hòa hợp với thiên nhiên.

* Đặc sắc nghệ thuật:

- Thể thơ tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc

- Ngôn ngữ giản dị, chân thật, mộc mạc

- Giọng thơ hóm hỉnh, vui đùa thể hiện tinh thần lạc quan của Bác

- Phép đối chỉnh mang lại hiệu quả nghệ thuật cao.

- Vừa mang đặc điểm cổ điển, truyền thống vừa mới mẻ, hiện đại.

- Tạo được tứ thơ độc đáo, bất ngờ, thú vị và sâu sắc.

c) Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

- Cảm nhận của em về giá trị tinh thần của bài thơ.

2. Văn nghị luận Tức cảnh Pác Bó lớp 8

Sau ba mươi năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về, Bác đi dọc theo biên giới Việt – Trung để đặt chân tới Cao Bằng, Người đứng sững hồi lâu, rồi ngay sau đó rưng rưng nghẹn ngào, bật khóc mà hôn lên hòn đất dưới chân mình vì hạnh phúc khi nhìn thấy đất Việt Nam thân thương. Giây phút thiêng liêng đầy xúc động ấy đã được Tố Hữu ghi lại trong những câu thơ thật tha thiết:

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

Phải chăng chính hạnh phúc bất tận của cảnh vật và con người đó, cùng với quá trình hoạt động cách mạng còn đang khó khăn, nhọc nhằn là chất keo kết dính Bác với mảnh đất Cao Bằng để nung nấu con đường cứu nước đầy gian khổ. Năm tháng ấy, Người cũng không quên góp nhặt riêng mình, tặng cho đời những vần thơ yêu thiên nhiên, con người, đất nước thiết tha, một trong số đó phải kể đến “Tức cảnh Pác Bó” – vần thơ vang vọng của núi rừng về tinh thần cách mạng sâu sắc.

Nhắc tới Bác Hồ là nhắc vị lãnh tụ vĩ đại, kính yêu suốt ngàn đời của dân tộc Việt Nam, Người biến ngọn lửa đau thương, nước mắt nghẹn ngào, máu chảy lầm than trở thành thứ vũ khí sắc bén để đánh bại những kẻ thù tàn bạo trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà đất nước ta đã đi qua. Thế nhưng, để đánh đổi lấy sự bình yên quý giá ấy Bác đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, gia đình, hạnh phúc riêng tư chỉ dành toàn tâm toàn ý cho non sông, bờ cõi nước nhà, sự hi sinh này được khắc họa rất rõ trong bức tranh sinh hoạt của Bác tại Pác Bó năm nào:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Lạ kì thay một dân tộc với hàng triệu dân, một đất nước yêu kính lãnh tụ như người cha thân thương của mình, chẳng lẽ họ không thể lo cho bác một căn nhà đơn sơ, cuộc sống bình dị hay sao mà Người phải ở “hang” sinh hoạt bên “suối”. Thế nhưng, nếu hiểu rõ hơn về Bác ta sẽ thấy hoàn cảnh bấy giờ của dân tộc đang trong giai đoạn nước sôi, lửa bỏng, máu lửa, hi sinh khiến Bác phải ẩn mình nơi núi rừng, hoang vu và cũng bởi trái tim Người luôn hướng về những điều thật bình dị, đơn sơ chẳng chọn cao sang, quyền quý nên Bác sống bên không gian suối mát, ở trong hang rộng để lắng nghe thế sự mà nung nấu ý chí diệt giặc, trừ bạo tàn. Văn học luôn suốt phát từ sự đồng điệu của con người với thực tại, chọn cái quen để khai phá, do đó Bác cũng mang bên mình những hình ảnh gần gũi thân thiết gắn bó, chẳng vậy mà, mở đầu bức tranh về thiên nhiên núi rừng Pác Bó ta bắt gặp một con người ung dung, hòa nhã, tự tại trong phép đối thật đặc biệt khi thời gian tuần hoàn của ánh “sáng” và đến “tối”, lúc hoạt động nhịp nhàng hết “ra” lại “vào”, rồi Bác chọn nơi ở bên “bờ suối” cùng “hang” sâu. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng ta thấy dù đối lập trong từng từ ngữ, hình ảnh mà sao các tiếng thơ vang lên nhịp nhàng, hài hòa để tô đậm sự quy củ, nề nếp của Bác khi sống và làm việc vui vầy bên dòng suối mát trong nơi sáng ban mai tinh khôi, dịu dàng, đêm tối Bác lại vào hang ấm áp ẩn mình, tránh gió. Thế nên, khi đọc những âm điệu mở đầu bài thơ ta bỗng nhận ra thời gian, không gian như ôm trọn lấy Bác, bao bọc, yêu thương bởi chính người cũng dành những gì đẹp nhất cho nơi đây. Chẳng vậy mà Bác đặt cho dòng suối mang cái tên Lê -Nin kính yêu, lấy dãy núi trước mặt là Các- Mác vĩ đại như nhắc nhở tự trái tim mình ghi dấu những con người giúp Bác tìm thấy ánh sáng của cuộc đời vậy. Nói đến nơi ở, Bác cũng chẳng ngại ngần kể chuyện đồ ăn, thức uống, song cách Người đem đến hơi thở về cuộc sống qua những tiếng thơ lại có phần đặc biệt, Bác chọn ăn “cháo bẹ”, lấy “rau măng” trong mỗi bữa cơm, không phải do Bác bị người đời lãng quên, bởi đơn giản Người muốn sống cuộc sống giống như đồng bào dân tộc nơi đây, tận hưởng món quà nhỏ bé mà thiên nhien đã nuôi sống con người biết bao đời nay. Bác cũng muốn nhường miếng cơm nóng, bát rau xanh cho chiến sĩ ngoài kia vì họ lao vào vòng địch, cửa sinh tử chống chọi cùng đạn bom với biết bao thương đau. Chỉ vậy thôi, mà ta nghẹn ngào, xúc động vỡ ào trong niềm cảm mến, trân trọng dành cho người lãnh tụ vĩ đại ấy. Chọn cho mình cuộc sống ăn uống đạm bạc với bát cháo ngô, vài cây măng đắng như mà Phạm Tiến Duật đã từng viết: “Hết rau rồi em có lấy măng không”, rau đã là thiếu thốn, nhưng măng lại đem đến sự tận cùng của khó khăn khi không còn sự lựa chọn thì người ta phải chấp nhận. Thế nhưng, ta nghe trong hơi thở âm vang của lời ca Bác viết lại bình yên là vui tươi hóm hỉnh đến lạ, đó là tâm thế ung dung, tự tại đón nhận cuộc sống vui với cảnh nghèo mà Bác hướng tới được vang lên mạnh mẽ dù đồ ăn đơn sơ nhưng “vẫn sẵng sàng”. “Sẵn sàng” vì đó là những thứ quen thuộc nơi núi rừng nên chẳng bao giờ thiếu thốn, chẳng sợ no đói trong cảnh nghèo, hay “sẵn sàng” dù kham khổ thì Bác luôn cố gắng chiến đấu bảo vệ trọn vẹn độc lập tự do của non sông. Thế nhưng nếu hiểu Bác mọi lúc, mọi nơi chỉ đều cứng nhắc lên gân lên cốt thì quả sẽ không hợp với suy nghĩ và tâm hồn Bác trong thời điểm hiện tại, bởi xét đến cùng người lãnh tụ ấy vẫn hướng cho mình cuộc sống thanh đạm, bình dị như mà bậc hiền triết xưa vẫn chọn:

Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

(Nhàn –Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Thơ là đời, thơ như hơi thở của cuộc sống, còn người nghệ sĩ mãi mãi giống một thư kí trung thành ghi chép lại mọi khoảnh khắc, nhặt từng niềm vui nhỏ bé ở thế gian. Song nếu, thi sĩ xưa chọn lối sống ở ẩn là một trong những chủ đề quen thuộc của thơ ca, như Nguyễn Khuyến lui về không màng thế sự, mà lòng vẫn luôn đau đáu, buồn bã không thôi trong dáng vẻ :

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Thì Hồ Chí Minh lại khác, thú lâm tuyền của Bác là tràn ngập tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan, hóm hỉnh, yêu đời và hết mực hiện đại. Ở ẩn đấy mà Người vẫn một lòng hướng về dân tộc, đất nước, ánh sáng của cách mạng phía trước con đường với:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Rõ ràng ai trong mỗi chúng ta cũng có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình, nhàn hạ hay vất vả, thảnh thơi hoặc dám dấn thân, thế nhưng chắc chắn mỗi người đều hiểu được giá trị của hai chữ đánh đổi trong cuộc đời của mình quan trọng ra sao? Bạn chọn nhàn hạ, thảnh thơi bạn sẽ mãi chỉ là những cây con nhỏ bé chẳng dám vươn mình lên dòng ánh nắng chói chang của mặt trời, còn nếu lựa lối đi vất vả, dấn thân bạn sẽ chúng tỏ bản lĩnh cá nhân, hơn thế hành động ấy có thể thay đổi được cuộc đời của rất nhiều người. Và Bác Hồ cũng vậy Người sãn sàng lao vào chốn hiểm nguy, hi sinh và không ngừng trăn trở về vận mệnh non sông, tổ quốc chỉ mong đổi lại tự do cho đất nước Việt Nam thân yêu mà Bác vẫn luôn đem theo trong trái tim mình. Chẳng vậy mà, hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài trở, Bác vẫn ngày ngày trên con đường tìm kiếm ánh sáng cho dân tộc. Trong cái giá lạnh của rừng núi, sự thiếu thốn ánh sáng, trên một chiếc “bàn đá chông chênh” không mấy vững chắc, Người đang cặm cụi “dịch lịch sử Đảng” Cộng Sản Liên Xô thành sách để phục vụ cho quá trình đấu tranh của giang sơn, đất nước. Câu thơ cất lên giữa núi rừng Pác Bó tựa mọt tiếng đàn nhẹ nhàng vang vọng vào tim ta hình ảnh thật đẹp đẽ về người cha già kính yêu của dân tộc cả một đời không ngủ vì non sông. Không chỉ vậy, cái hay ấy lại được bát nhịp từ sự đối ngẫu rất đặc biệt qua từng âm điệu các chữ nếu “bàn đá chông chênh” gợi ra tình thế bấp bênh của cách mạng Việt Nam đang trong thời kì trứng nước với ba thanh bằng chơi vơi, thì Bác đã khéo léo sử dụng ba thanh trắc “Dịch sử Đảng” như kìm lại, tạo thế cân bên công việc quan trọng Bác đang thực hiện: mở cánh cửa đưa luồng ánh sáng kiến thức về với mỗi người chiến sĩ. Điều này vừa làm nổi rõ những khó khăn về hoàn cảnh cuộc sống và công tác của Bác đồng thời thể hiện được trách nhiệm lớn lao mà Người đang gánh trên vai.

Mỗi câu thơ mở ra ta như sống trong khung cảnh yên bình giữa núi rừng Pác Bó với tiếng nước chảy hiền hòa, chim hót véo von, hoa phô hương sắc nhưng vạn vật đều phải nhường lại ánh hào quang rực rỡ cho con người, bởi ở đó có một vị lãnh tụ ngồi nghiên cứu con đường cứu nước bên bàn đá chông chênh, với tiếng hát đầy say mê, hào sảng vang lên:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Cả nguồn sống suốt bao năm tháng Bác gắn liền với cách mạng, bên con đường cứu nước, dù cho điều kiện ngoại cảnh, hay kháng chiến có vất vả, gian khổ, khó khăn thế nào thì lí tưởng, suy nghĩ cao đẹp của Người cũng khiến cho cuộc đời Bác trở nên ý nghĩa và “sang” hơn bất cứ khi nào hết. “Sang” phải chăng vì được sống cùng thiên nhiên tươi thắm, mát trong, “sang” hay do đạm bạc nhưng lúc nào cũng dư thừa chẳng lo thiếu thốn và quan trong hơn khi tiếng “sang” ấy cất lên ta hiểu được con đường Bác đi là con đường cách mạng thật cao quý, vẻ vang trong niềm hạnh phúc được sống cho đời. Thế nên, khúc nhạc tâm tình bên Pác Bó kết lại dù giản nhị, nhẹ nhàng chỉ bằng một tiếng “sang” nhãn tự của câu thơ mà như bùng sáng cảnh rừng hoang vu, thắp lên cả ngọn lửa hi vọng cho tương lai tươi đẹp ở phía trước của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, trong sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi hình, nhân vật trữ tình có phong thái ung dung hoà mình vào thiên nhiên, nhưng đề tài của Bác gắn liền với tính thời sự và cách mạng, niềm tin, niềm tự hào của Người cũng vì thế mà tỏa sáng cả bài thơ. Để rồi đến đây khúc nhạc ấy đã cho ta cách nhìn rõ nét hơn về cuộc đời, con người cũng như những khó khăn mà Bác phải trải qua mà thêm yêu thương, ngưỡng mộ Bác và trân trọng nền độc lập, tự do ta đang được đón nhận hôm nay, mai sau.

Có nhà thơ từng viết:

“Người lãnh tụ, nhà nghệ sĩ
Của mỗi người của cả trăm quê
Trái tim lớn đập hoài không nghỉ
Những buồn vui, căm giận, say mê ...”

Quả thật đúng như thế, “Buồn vui, căm giận, say mê ...” của Bác xuất phát từ lòng yêu Tổ quốc, yêu dân tộc nồng nàn, thế nên Bác chọn con đường hoạt động chính trị và thắp sáng tâm hồn qua những vần thơ cũng để thể hiện một cách mãnh liệt lòng yêu thương cao cả mà người lãnh tụ giản dị ấy luôn dành cho dân, cho nước. Do đó, “Tức cảnh Pác Bó” chính là một trong những lời tâm sự hết sức nhẹ nhàng được Bác gửi gắm chất trữ tình nồng nàn và tinh thần thép lớn lao, vĩ đại của lòng mình cho dân tộc chắc chắn sẽ còn mãi lưu danh thiên cổ cùng non sông muôn đời.

3. Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó ngắn nhất

Thú lâm tuyền đã từng xuất hiện trong thơ ca của các nhà nhơ xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Và niềm vui thú khi được sống cùng thiên nhiên đó cũng xuất hiện trong thơ ca Hồ Chí Minh, tiêu biểu là bài thơ "Tức cảnh Pác Bó":

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang".

Bài thơ này được Bác viết vào tháng 2 năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác trở về để lãnh đạo cách mạng Việt Nam một cách trực tiếp với mục đích nhanh chóng giành được thắng lợi, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức. Bác sống và làm việc trong một hang núi nhỏ sát biên giới Việt - Trung, đó là hang Pác Bó.

Con suối cạnh hang Pác Bó được Bác đặt tên là suối Lê-nin. Ngày ngày, nhịp sinh hoạt của Bác cứ diễn ra đều đặn, sáng sớm Bác ra bờ suối làm việc, tối đến Bác vào trong hang để nghỉ ngơi. Và khi nhắc đến chỗ ở, khung cảnh sinh hoạt thường ngày của mình, Bác đã dùng một giọng điệu thơ hết sức vui tươi xen lẫn sự hóm hỉnh:

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang"

Nhịp thơ 4/3 cùng với phép đối "sáng" - "tối", "ra - vào" đã cho chúng ta thấy được nếp sinh hoạt nhịp nhàng, đều đặn của Bác. Không gian sinh hoạt của Người được diễn ra ở hai địa điểm: hang và suối. Song song với đó là hai hành động "ra bờ suối", "vào hang" cứ tuần hoàn, nối tiếp nhau như sự tuần hoàn của tự nhiên, tạo vật. Câu thơ chỉ có 7 tiếng ngắn gọn nhưng đã miêu tả được chi tiết hoàn cảnh sống của Bác qua thời gian "sáng" - "tối", hoạt động "ra" - "vào" và địa điểm "bờ suối" - "hang". Qua giọng điệu thơ dí dỏm, chúng ta phần nào hình dung được tâm thế chủ động, sống hòa hợp với thiên nhiên của Bác. Chính tâm hồn ung dung, thoải mái đã giúp Bác chiến thắng mọi hoàn cảnh khắc nghiệt.

Sống và làm việc trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nên bữa ăn của Bác cũng hết sức đạm bạc, dân dã:

"Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng"

Nhắc đến núi rừng Tây Bắc chúng ta không thể không nhắc đến hai sản vật "cháo bẹ" và "rau măng". Đây là những món ăn quen thuộc có mặt hàng ngày trong bữa ăn của Bác. Cháo ngô, măng rừng đã thay thế cho cơm. "Cháo bẹ", "rau măng" luôn được chuẩn bị đầy đủ để phục vụ cho các bữa ăn của Người. Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy rằng Hồ Chí Minh đón nhận những điều đó bằng một tâm thế "sẵn sàng" của người chiến sĩ cách mạng không đầu hàng trước mọi hoàn cảnh. Bác không những không yêu cầu được chăm sóc, phục vụ tốt hơn hay than vãn, phàn nàn về cuộc sống ấy mà ngược lại, Người tỏ ra hoàn toàn vui vẻ và thích ứng với hoàn cảnh gian khổ. Trong khi đất nước bị xâm lược, cuộc sống nhân dân điêu đứng, lầm than, Bác không thể chỉ nghĩ cho riêng bản thân mình mà Bác nghĩ cho toàn thể nhân dân, dân tộc. Sự hi sinh ấy thật đáng trân quý biết nhường nào.

Không chỉ nơi ở hiểm trở, bữa ăn đạm bạc, dân dã mà ngay cả đến nơi làm việc của người đứng đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng "chông chênh":

"Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"

Nếu phiến đá bên bờ suối Lê-nin gợi ra sự không cân bằng, nhấp nhô, khập khiễng bao nhiêu thì quyết tâm làm việc của Bác lại cứng rắn, quyết liệt bấy nhiêu. Công việc của Bác cần có sự tập trung cao độ. Ta có thể hình dung Bác dịch cuốn "Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô" để làm tài liệu học tập cho các cán bộ cách mạng lúc bấy giờ trên bàn làm việc không được cân bằng do từ láy tượng hình "chông chênh" gợi ra.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi, Người đã thấy rằng:

"Cuộc đời cách mạng thật là sang".

Được mang sức lực của mình phục vụ cho nhân dân, đất nước là một niềm hạnh phúc đối với Hồ Chí Minh. Bác không quản ngại khó khăn, gian truân để cống hiến, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Lý tưởng cách mạng đã soi sáng cho con đường của người chiến sĩ cộng sản. Từ "sang" đã phần nào bộc lộ phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời của Bác. Bác không cần một chỗ ở sang trọng, những bữa ăn đầy đủ cá thịt hay cần một chiếc bàn làm việc bằng phẳng. Điều Bác cần là được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, chiến đấu để mang lại cuộc sống hòa bình, no ấm cho nhân dân. Chắc có lẽ trên thế giới hiếm có ai "sang" theo kiểu của Bác. Bằng tinh thần yêu nước sâu sắc, Bác Hồ đã luôn khắc phục, vượt lên trên hoàn cảnh để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ba câu đầu của bài thơ thiên về tả cảnh, chỉ đến câu thơ cuối Bác Hồ mới bộc lộ tâm trạng nhưng dường như nụ cười vui tươi vẫn thấp thoáng sau mỗi câu thơ của Người. Nó đã đẩy lùi đi tất cả những khó khăn, nguy hiểm và tiếp thêm tinh thần cho Bác, một tinh thần "thép" giữa hoàn cảnh sống và làm việc thiếu thốn, gian khổ.

Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt cùng với cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo nên nhịp điệu thơ nhẹ nhàng, khoan thai. Giọng thơ hài hước, hóm hỉnh đã cho thấy tinh thần lạc quan, sự ung dung trong hoàn cảnh đầy khó khăn của người chiến sĩ cộng sản. Đối với Bác, không có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui làm cách mạng, mang lại độc lập cho dân tộc và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Phân tích tức cảnh Pác Bó

4. Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Mẫu 1

Bác Hồ về nước tháng 2/1941, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Khi đó, tình hình thế giới và trong nước có những biến động vô cùng to lớn (đại thế chiến thứ hai, Pháp lại khủng bố cách mạng dã man, Nhật vào Đông Dương; ở châu Âu, Pháp đầu hàng phát xít Đức...), Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, vạch đường lối cách mạng trong tình hình mới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh) đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật, tranh thủ thời cơ giành độc lập cho Tổ quốc.

Bác sống ở hang Pác Bó (đúng tên là Cấn Bó, nghĩa là đầu nguồn), trong điều kiện sinh hoạt hết sức gian khổ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: “Nơi ở đầu tiên của Bác tại Pác Bó tuy ẩm lạnh nhưng vẫn là nơi ở tốt nhất. Địa điểm thứ hai là một hốc núi nhỏ ở rất cao và rất sâu trong rừng, bên ngoài chỉ rất ít cành lau. Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người (...) Sức khỏe của Bác có phần giảm sút. Bác sốt rét luôn. Thuốc men gần như không có gì ngoài ít lá rừng lấy về sắc uống theo cách chữa bệnh của đồng bào địa phương. Thức ăn cũng rất thiếu (...).

Có thời gian, cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán trắng, gạo cũng không có, Bác cũng như các anh em khác phải ăn toàn cháo bẹ hàng tháng ròng. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy Bác thích nghi một cách rất tự nhiên. Chẳng hiểu Bác được rèn luyện từ bao giờ, như thế nào mà mọi biến cố đều không mảy may lay chuyển được...”

Mặc dù sống trong điều kiện gian khổ, hiểm nghèo như vậy nhưng Bác Hồ rất vui. Bác rất vui vì sau bao năm xa nước nay được sống và trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước. Đặc biệt, vì với nhân quan chính trị sắc bén. Người biết rằng thời cơ giành độc lập hoàn toàn đang tới, dù cục diện trước mắt còn tất đen tối. “Đối với Nguyễn Ái Quốc và các bạn chiến đấu của Người những ngày tháng ở Pác Bó tựa như những ngày vui bất tận, rực rỡ sắc màu của cảnh chờ đợi những chuyển biến vĩ đại (...) chưa bao giờ Nguyễn Ái Quốc làm việc nhiệt tình như vậy, Người như trẻ ra đến hai, ba chục tuổi.

Bài thơ với bốn câu, có giọng đùa vui hóm hỉnh, đã toát lên một cảm giác vui thích, thoải mái. Phân tích bài thơ chính là phân tích tìm hiểu niềm vui thoải mái đó, vì đằng sau niềm vui đó là vẻ đẹp của một tâm hồn bình dị mà thanh cao, hồn nhiên mà đầy bản lĩnh của Bác Hồ.

Câu mở đầu bài thơ có giọng điệu phơi phới, thoải mái, đọc lên, ta có cảm tưởng Bác Hồ sống thật ung dung hòa hợp nhịp nhàng với núi rừng:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang.

Câu thơ ngắt nhịp ở giữa, tạo thành hai vế sóng đôi toát lên cảm giác nhịp nhàng, nề nếp: sáng ra, tối vào... Câu thứ hai là một nét cười đùa, cho biết thức ăn của con người sống ở suối, hang ấy thật đầy đủ, đầy đủ tới dư thừa:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Câu thơ này, có thể hiểu là: dù chỉ có cháo bẹ, rau măng nhưng tinh thần cách mạng vẫn sẵn sàng. Cách hiểu ấy không sai về mặt ngữ pháp, nhưng e không thích hợp lắm với giọng đùa vui thoải mái của cả bài thơ. Có lẽ nên hiểu là: thức ăn (cháo bẹ, rau măng) thì lúc nào cũng có sẵn đó.

Câu thứ nhất nói về ở, câu thứ hai nói về ăn, câu thứ ba nói về làm việc, cả ba câu đều là thuật tả sinh hoạt vật chất, chỉ đến câu kết mới phát biểu cảm xúc, ý nghĩ.

Hiểu như vậy, sẽ phù hợp với mạch thơ, với kết câu chặt chẽ của bài thơ hơn. Ở đây ta chú ý cách gieo vần bằng (âm ang), gợi cảm giác mở ra và vang xa, đồng thời tạo nên cái thế vững vàng và cảm giác khoáng đạt của bài thơ. Câu thứ ba vần trắc làm nổi bật lên hình tượng ở trung tâm bài thơ, được đặc tả bằng những nét bút đậm, khoẻ, sinh động:

Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng.

Hai chữ “chông chênh” là lừ láy duy nhất của bài thơ, rất tạo hình; ba chữ “dịch sử Đảng” toàn vần trắc, thật khoẻ, gân guốc như cân lại ba câu vần bằng vang xa. Đó là hình tượng nhân vật trữ tình được đặt ở trung tâm bài thơ; như vậy con người là chủ thể của thiên nhiên chứ không bị lấn át, hòa lẫn trong thiên nhiên. Và thật là thú vị, vị “khách lâm tuyền” sống hoà hợp nhịp nhàng với suối, với hang kia, chính là người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, đang tựa vào thiên nhiên để hoạt động cải tạo xã hội. Đằng sau cái dáng tạo hình cụ thể của Bác đang ngồi dịch sử Đảng toát lên tư thế lồng lộng của vị lãnh tụ dân tộc, nhà cách mạng vĩ đại - một hình tượng thật đẹp. Bác Hồ đang sáng tạo ra lịch sử nơi “đầu nguồn” - trên cái bối cảnh thiên nhiên, có suối, có rừng... Cảnh tượng ấy, cuộc sống ấy quả thật là đẹp “thật là sang”! Bài thơ kết thúc bằng chữ “sang”, có thể gọi là chữ nhãn tự (chữ mắt) đã kết tinh, bật sáng tinh thần của toàn bài.

Thơ Bác Hồ vừa rất mực giản dị, song lại rất hàm súc, gợi lên bao ý nghĩa sâu xa; vừa đậm đà màu sắc cổ điển, vừa thể hiện đầy đủ tinh thần thời đại. Bài Tức cảnh Pác Bó là điển hình của hồn thơ, phong cách thơ đó.

Mẫu 2

Ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch, hay bên Pa-ri; đối mặt trực tiếp với gián điệp và thực dân Pháp hay những ngày trở về nước hoạt động cách mạng ta đều nhận ra con người hóm hỉnh, bông đùa, lạc quan vượt lên trên tất cả những khó khăn của đời sống ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những nét tính cách được tôi luyện trong trường đấu tranh gian khổ. Và tất cả đã đi vào thơ Bác với những nét chân thực nhất. Tức cảnh Pác Bó là một trong số những bài thơ như thế !

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Tháng 2 năm 1941, sau hơn ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài tìm đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Pác Bó chính là nơi Người sống và hoạt động trong những ngày đầu tiên về nước. Đó là một địa danh nằm ở vùng núi Cao Bằng, ở đây đời sống vật chất còn rất khó khăn. Đã ngoài năm mươi tuổi rồi vậy mà Người phải sống trong một cái hang rất nhỏ, muốn ra vào phải trèo lên, chui xuống, tăm tối và ẩm ướt gọi là hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nhưng những thiếu thốn về vật chất không làm tinh thần Người nao núng. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Câu thơ đầu tiên đã mở ra một không gian – thời gian: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”. Không gian ở đây là những mảng không gian của vùng sơn cước: suối và hang. Thời gian có sự luân chuyển: sáng đến tối. Không gian và thời gian đều có sự thay đổi, chuyển hoá. Nhưng thực ra không phải là sự chuyển hoá sang một không gian khác, mới hơn mà là sự lặp lại của những miền không gian đã quá quen thuộc: suối và hang. Hành động của con người chỉ gói trọn trong hai động từ: ra và vào. Câu thơ không dư thừa thông tin. Nó chỉ vừa đủ để thông báo một ngày rất bình thường như biết bao ngày khác. Sáng thì ra bờ suối làm việc, tối lại quay về hang. Lời thơ cân đối, đều đặn: sáng - tối ; suối - hang, ra - vào. Sự đều đặn đó thể hiện một nếp sống, một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Câu thơ thứ hai, Người nói đến sinh hoạt cụ thể nơi Pác Bó: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. “Cháo bẹ” là cháo ngô, “rau măng” là loại măng rừng được lấy làm thức ăn. Đó đều là những món ăn rất dân dã, đạm bạc của người dân vùng sơn cước. Ở thì ở trong hang, làm việc bên bờ suối, ăn cháo bẹ rau măng,… một cuộc sống đầy những thiếu thốn nhưng ta vẫn bắt gặp một tinh thần lạc quan, một nụ cười hóm hỉnh qua cụm từ “vẫn sẵn sàng”. “Vẫn sẵn sàng” có thể hiểu theo hai nghĩa: “cháo bẹ rau măng” - những thức ăn quen thuộc của người miền núi lúc nào cũng sẵn có. Nghĩa thứ hai bộc lộ rõ tinh thần của nhà thơ: dù cuộc sống thiếu thốn nhưng tinh thần cách mạng luôn sẵn sàng. Với nghĩa này, câu thơ toát lên một niềm lạc quan vượt lên trên hoàn cảnh sống. Câu thơ gợi nhớ đến vần thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về cuộc sống vật chất đơn sơ, giản dị của mình:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Hay ta bắt gặp ở đây nghệ thuật trào lộng khi viết về những thiếu thốn vật chất trong đời sống đã có từ thơ ca truyền thống:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

(Nguyễn Khuyến, Bạn đến chơi nhà)

Đó là nét nhân cách rất đáng trọng của những con người “an bần lạc đạo”. Nghèo khổ không hề làm họ mất đi nụ cười. Họ cười hóm hỉnh chính cái nghèo của mình. Cuộc sống bi mà không làm họ lụy. Hồ Chí Minh vẫn giữ được những nét truyền thống trong cuộc sống của mình. Bác vẫn vui với cái nghèo của cuộc đời cách mạng, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn về vật chất. Phải là một con người có tinh thần và nghị lực cách mạng phi thường mới có thể tạo cho mình một phong thái ung dung trong một hoàn cảnh như thế. Dù sống trong cảnh thiếu thốn con người đó vẫn sống và hoạt động say mê:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Đến đây ta nhận ra điều khác biệt giữa Bác Hồ và các vị hiền triết xưa kia. Nếu như biết bao người: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến về với chốn thôn dã, vui thú điền viên để lánh đời, quên đi thế sự đang xoay vần điên đảo thì Bác Hồ về với vùng sơn cước “thâm sơn cùng cốc” để hoạt động do yêu cầu cần giữ bí mật của cách mạng. Dù có ở vùng núi nhưng vẫn là dấn thân vào xã hội, vào trường hoạt động cách mạng gian khổ. Bác Hồ đâu phải là một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Câu thơ như muốn vượt qua những gì không ổn định để đi đến một thế vững vàng. Bàn đá chông chênh tạo nên một tư thế không vững chãi. Đó là nơi Bác ngồi làm việc. Bàn đá của thiên nhiên. Nhưng cụm từ “dịch sử Đảng” như một lời khẳng định chắc nịch cho sự vững lòng với công việc của mình. Để đến câu thơ cuối là một lời kết thúc vui tươi, hóm hỉnh:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Bác vẫn tìm ra một nét đặc biệt đằng sau tất cả những thiếu thốn vật chất của cuộc sống đời thường – cũng chính là một phần của cuộc đời cách mạng. Người tìm ra nét “sang” trong những gì giản dị, đơn sơ nhất. Từ “sang” vừa có nghĩa là sang trọng, giàu có vừa có nghĩa diễn tả một phong thái vượt lên trên tất cả những gì tầm thường của vật chất để có một tinh thần lạc quan, tự tại. Câu thơ như một nụ cười ngạo nghễ của một con người đã chiến thắng hoàn cảnh bằng chính tinh thần lạc quan của mình.

Bài thơ như một nhật kí bằng thơ ghi lại cuộc sống của Người nơi núi rừng Pác Bó. Người đọc nhận ra và kính trọng một nhân cách cao đẹp trong một cuộc sống rất đỗi đời thường. Đó chính là phong thái đặc biệt khó quên của Hồ Chủ tịch.

5. Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó học sinh giỏi

Đây là một bài thơ hay, nhưng có nhiều cách hiểu, từ đó có những cách phân tích không giống nhau. Bản thân mỗi cách hiểu và phân tích khó tránh được sự không nhất quán trong quá trình lĩnh hội hình tượng thơ. Cách phân tích sau đây cũng là một trong những con đường tiếp cận, với hi vọng không mắc lại những thiếu sót không nên có vừa nêu.

Chủ đề, tư tưởng của bài thơ rất dễ nắm bắt. Ấy là tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó. Nhưng chủ đề ấy, tư tưởng lớn ấy được thể hiện trong bài thơ như thế nào lại là điều không dễ chỉ ra cho thấu đáo, cho hợp lí hợp tình. Nên chăng là khi phân tích bài thơ này phải đi theo hai bước:

Ở bước thứ nhất, khai thác khía cạnh gian khổ mà Người đã trải qua trong bước đầu "nhóm lửa" ngọn lửa cách mạng từ cái nơi tăm tối, hoang vu. Tập hợp các chi tiết một cách hệ thống theo khía cạnh này ta thấy: ở thì ở suối, ở hang ("Sáng ra bờ suối, tối vào hang"). Không gian và cả thời gian chật chội, quẩn quanh, đơn điệu. Còn gì gò bó cho bằng những ngày, những tối, những tháng, những năm mà con người vốn phóng khoáng, tự do phải chịu cảnh nhàm chán không chịu đổi thay với hang, với suối quen thuộc đến trơ mòn. Sự tù túng hiện lên ở bài thơ và nhịp thơ. Riêng vể nhịp thơ có sự cứng nhắc, uể oải như cần một cái vươn vai mà không thể vươn vai. Tiếp đến là điều kiện ăn uống hằng ngày:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Về câu thơ này có hai cách hiểu khác nhau. Theo cách hiểu thứ nhất: dù có phải ăn cháo bẹ, rau măng rất khổ nhưng tinh thần vẫn sẵn sàng. Còn cách hiểu thứ hai: trong hệ thống cả ba câu đầu, câu thứ hai toát lên cảm giác thích thú bằng lòng. Do hai cách hiểu này chúng ta buộc phải có cách hiểu thứ ba, vì với hai cách hiểu trên tuy khác nhau về nội dung mà giống nhau: nó không dựa trên sự nhất quán về phương pháp khi lĩnh hội một hình tượng thơ, rất dễ gây ra hiểu lầm và nhất là hiểu không toàn vẹn. Bởi nếu lúc nào dù gian khổ đến đâu Bác cũng sẵn sàng, hơn thế còn "thích thú, bằng lòng" thì thử thách mà Người phải vượt qua, phải trải nghiệm là ở đâu ? Bởi nói đến ăn, đến ở, so với cái tiêu chí vừa nêu (cũng là mơ ước của nhiều người) nó là những đối cực. Vậy hiểu câu thơ thứ hai như thế nào ? Với cách hiểu thứ ba - mà khi phân tích câu đầu chúng ta đã nhập cuộc, câu thứ hai, trên ý nghĩa là hình tượng nên hiểu là những thiếu thốn điển hình. Thôi thì, trong điều kiện nào đó không có đủ thực phẩm cao sang cũng phải có cháo, có rau, nghĩa là chất tinh bột của gạo và rau xanh hái ở vườn nhà như câu thơ của Nguyễn Khuyến:

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

(Bạn đến chơi nhà)

Nhưng cháo ở đây là cháo bẹ. Bẹ nghĩa là ngô, vốn không phải thức ăn quen thuộc đối với người miền xuôi, còn riêng Bác lại vừa về đến nước, có lẽ càng khó ăn hơn. Cháo bẹ đã không ngon, không đủ chất, còn không đủ no. Cháo ấy trộn với rau hay ăn nó với rau (chỉ một thứ rau măng) thì dù đói đến đâu cũng còn gì hào hứng nữa. Vậy thì hai chữ sẵn sàng ở đây, không nên hiểu là quá dư thừa, cần đến có ngay chưa một lần thiếu thốn, mà nên hiểu: nói thì nói đùa vui thế thôi, hóm hỉnh thế thôi, nhưng thật thì không một cái dạ dày nào có khả năng chấp nhận.

Thiếu thốn như thế tưởng đã đến mức điển hình, hoá ra không phải. Không những hai điều kiện sống là ở và ăn vừa nói, phương tiện làm việc của Bác lại chẳng ra sao:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Bàn đá, đá ở đây là đá núi, đá tự nhiên đâu phải đá xẻ, đá đã được mài, nó còn thô ráp, gồ ghề, lồi lõm. Lấy đá ấy - dù hòn đá nhặt được tốt nhất để làm bàn, không hiểu Bác viết ra sao ?

Đặt ba điều ấy vào trong cùng một hệ thống, mới thấy sự nghiệp cách mạng mà Người chèo lái gian nan biết chừng nào. Hiểu như vậy mới thấy những hi sinh, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất trong thời gian dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi Bác cũng là người, trên một phương diện, cũng bình thường như tất cả chúng ta nghĩa là biết đói, biết rét, biết thiếu thốn, ấy là chưa kể những chông gai mà Người đã vượt qua trên con đường cách mạng. Nhưng kì lạ thay, câu kết bài thơ không đi về hướng ấy:

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Sang ở đây là sang trọng, cao sang, nghĩa là rất đủ đầy, rất cao quý. Con người ở vào hoàn cảnh cao sang, nhất là "thật là sang" thì hạnh phúc có thể coi là đã đến mức tột độ. Vậy mối liên hộ giữa mạch thơ gian khổ tột cùng kia với câu kết, với chữ "sang" như thế nào ? Có lẽ nên hiểu chữ "sang" và ý câu kết nghiêng về phía trí tuệ, phía tinh thần được lọc chất ra từ chính chặng đường gian khổ ấy. Sở dĩ Người cảm thấy nó "thật là sang" là bởi vì nó là "cuộc đời cách mạng", được cống hiến cho cách mạng. Với những người cách mạng, nhất là những người dẫn đường như Bác ("Người đi trước nghìn sương muôn tuyết - Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta" - Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng) thì gian khổ, khó khăn là sự trả giá, nói như Nguyễn Trãi: "Khó khăn thì mặc có màng bao". Gian khổ thiếu thốn tột cùng mà bảo là "sang" chính vì lẽ đó. Thử so sánh hai hoàn cảnh sống: ở Pác Bó, Việt Nam và hơn một năm sau đó, gần 30 nhà ngục ở Quảng Tây, Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch, điều kiện tinh thần tuy hoàn toàn khác nhau, nhưng về vật chất, hoàn cảnh sống của Người không hơn là mấy. Nói như thế mà thương Bác vô cùng, hiểu Bác vô cùng. Trong gian truân, Người đâu nghĩ đến bản thân mình. Nghĩ đến sự nghiệp của cách mạng, của đất nước mà Người vui, nhất là tin, tin về thời cơ giành độc lập đang tới gần.

Vậy nhãn tự của bài thơ nên đặt ở chữ sang hay đặt ở cụm từ "cuộc đời cách mạng" ? Bởi "cuộc đời cách mạng" mới là bản lề khép mở bài thơ. Nó vừa đúc kết, chiêm nghiêm vừa là sự sang trang. Cách nói này không phải là cách nói cho vui theo hệ thống ý nghĩa được phân tích ở trên mà là những cảm nhận có thực ở Người. Khẩu khí này khác hẳn với những câu thơ Người viết hơn một nãm sau đó như "Ăn cơm nhà nước ở nhà công" hoặc "Rồng uốn vòng quanh chân với tay", trong Nhật kí trong tù. Bởi lẽ cái thiếu thốn đọa đày nơi tù ngục với Người là một thứ cực hình tra tấn, còn ở bài thơ đang phân tích, nó lại là một niềm vui, nguồn cảm hứng thi nhân.

Từ câu thơ thứ tư với ý nghĩa như một chiếc bản lề như đã nói, cần phải nhìn lại bài thơ. Đây là bước thứ hai. Cái sang ở đây bước sang một phạm trù khác: cái hùng, cái đẹp chuyển sang dạng đùa vui, hài hước, một hình thái thư giãn của cơ thể, của tâm hồn. Có những bài thơ sau này Bác làm với một giọng đùa vui như:

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.

(Cánh rừng Việt Bắc)

Cái ý vị đùa vui xuất hiện trong suốt cả bài thơ tạo ra một ý nghĩa kép cho từng câu thơ, có lẽ chính vì vậy đã có không ít người nhầm lẫn. Quả thật thế, hãy trở lại từ đầu:

Sáng ra hờ suối, tối vào hang,

Câu thơ tự vịnh về mình thật ung dung, tự tại: muốn ờ đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi, kiểu "Non nước dạo chơi tuỳ sở thích" (Nhật kí trong tù) hoặc "Non xanh nước biếc tha hổ dạo" (Cảnh rừng Việt Bắc). Câu thơ như động tác co duỗi tự nhiên, thay đổi không khí hằng ngày chẳng có gì gò bó cả. Con người trong hoàn cảnh ấy là con người tự do. Sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng sống, sẵn sàng vui, cũng như "cảm giác thích thú, bằng lòng" là trên ý nghĩa tinh thần ở hệ thống thứ hai của cùng một hình tượng, của chủ thể trữ tình. "Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng" thật thoải mái, thậm chí thật hồ hởi vì nó rất vô tư: cần ăn là có, như "Khách đến thì mời ngô nếp nướng - Săn về thường chén thịt rừng quay" (Cảnh rừng Việt Bắc). Cái khác thường thành cái ngày thường, cái bình thường là giọng thơ nói trạng, đùa vui để quên đi cái thiếu thốn, cái gian nan mà hằng ngày đối mặt. Con người Hồ Chí Minh là thế: trang trọng và vui đùa tùy nơi tùy lúc đã đành, có khi một câu nói của Người mang cả hai ý nghĩa ấy. Hiểu như thế khi nói về ăn, ở, sinh hoạt được người nghe dễ dàng chấp nhận, đồng tình. Nhưng còn khi làm việc, nhất là khi làm việc lớn như chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt cuốn sách cẩm nang Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô cho các đồng chí của mình thì sao ?

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Một công việc với ý nghĩa cực kì lớn lao, quan trọng, cần phải bao nhiêu ý chí, nghị lực, tài năng, hoàn toàn đối lập với cái "bàn đá chông chênh" tạm bợ. Không thể làm như thế, không ai làm như thế, nhưng Bác vẫn làm như thế, mà có sao đâu ? Công việc vẫn hoàn thành, âu cũng là một điều thú vị, thật vui đấy chứ, vui như cái cách ăn ở hằng ngày của "cuộc đời cách mạng". Có người cho rằng ở bài thơ này và một số bài thơ khác, Hồ Chí Minh có cái thú "lâm tuyền" (thích nơi rừng suối như những ẩn sĩ thời xưa). Cách hiểu đó ở đây không hoàn toàn đúng ít nhất trong bài thơ này, Bác chỉ là một con người, nhất là một con người cách mạng. Làm gì có chỗ cho sự nghỉ ngơi, lánh đời, thưởng ngoạn. Nếu có bằng lòng hay thích thú đi chăng nữa là với con người cùng với hai tư cách vừa nêu, và cũng vì hai tư cách vừa nêu mà hình tượng thơ mới trở nên lấp lánh, sinh động, tạo nên cảm hứng nghệ thuật dồi dào cho người đón nhận nó.

Nếu cần nói thêm về nghệ thuật thơ Đường thì Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ rất đúng niêm luật có lẽ bởi ý nghĩa thứ hai là nói chơi, còn ý nghĩa đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai cấm cái quyền nói chêu của người đã biết tự rèn luyện mình và vượt lên tất cả ?

6. Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh

Hồ Chủ tịch của chúng ta không chỉ được biết đến là nhà chính trị gia, người anh hùng vĩ đại trên mặt trận, luôn anh minh, tài ba, mà còn là một nhà thơ. Trong kho tàng văn học Việt Nam thật đồ sộ, trong đó sự đóng góp của Bác cũng không nhỏ, các tác phẩm ấy được ghi nhận, là những áng văn hay để đời. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là bài ca về tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống, đầy lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn thể hiện được phong cách sống của người chiến sĩ, thể hiện được vẻ đẹp phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh.

Được sáng tác trong thời kì Bác trở về sau bao nhiêu tháng năm ròng rã bôn ba tìm đường cứu nước, quay về ở tại căn cứ của quan trọng của đất nước (Pác Bó - Cao Bằng) vị trí ấy bí mật để Bác trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Bài thơ chỉ gói gọn trong 4 câu, thể thơ Bác chọn để gửi gắm tâm tình là thơ thất ngôn tứ tuyệt. Nhan đề bài thơ có thể thấy được tâm trạng mà người viết muốn gửi gắm suy nghĩ nhất thời qua những câu thơ tả cảnh thiên nhiên.

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang!”

Đọc 4 câu thơ ta đã tái hiện trong chúng ta là một khung cảnh khác xa với thứ nơi thủ đô, thành thị, không có tiếng xe cộ ồn ào. Mà Bác đang ở nơi rừng núi, yên tĩnh, tâm hồn con người cũng thoải mái cùng hòa với thiên nhiên, nhưng cùng với sự khó khăn, sự thiếu thốn vây quanh, giọng thơ của Bác vẫn cất lên đầy lạc quan yêu đời, dường như ở đây chỉ gồm sự đơn giản trong hoạt động sinh hoạt thường nhật, niềm vui được sống ở nơi đây. Câu thơ mở đầu dẫn ta đến gần với nơi Bác đang sống, không gian “bờ suối”, “vào hang”, thời gian được mở rộng “Sáng”, “Tối”, Bác của chúng ta thì hoạt động như mọi việc làm quen thuộc như thời khóa biểu “ra”, “vào”. Quy luật ấy tuy nhàm chán nhưng cũng vẫn thể hiện được phần nào sự chủ động trong chốn đầy tự nhiên ấy là tác phong người chiến sĩ cách mạng, chủ động trong cách chọn địa điểm hoạt động thông minh trong khoảng thời gian khi cách mạng nước nhà mới bắt đầu được khởi phát, Bác phải chọn nơi bí mật làm chính sự gây dựng phong trào, phải bí mật và đầy thử thách.

Ở các câu tiếp theo, sự thiếu thốn còn thể hiện trong ở cả đồ ăn để nạp năng lượng cho người chiến sĩ làm việc, nơi đây chỉ có “cháo bẹ”, “rau măng”. Cụm từ “vẫn sẵn sàng “ở đây khá hóm hỉnh một chút, còn được dùng với hai ý nghĩa rõ ràng đó là dù ở đây chỉ có ít lương thực, nhưng sản vật của núi rừng đặc trưng riêng của Pác Bó vẫn luôn đầy đủ, phục vụ Bác. Trên tất cả vẫn thấy được sự lạc quan, vượt mọi khó khăn gian khổ sống đúng với tác phong của người vẫn giản dị, không cầu kì, đầy sự yêu đời. Tình thần cách mạng dù vậy vẫn không dừng lại vẫn hăng say, nhiệt thành. Hồ Chí Minh với tâm thế “luôn sẵn sàng”, luôn biết tự suy nghĩ, và sống vì mục tiêu của Đảng, của đất nước chứ khác hẳn với các vị danh nhân thời xưa phải mai danh ẩn tích kìm hãm, quên đi việc chính trị khó khăn. Vì vậy mà câu thơ tiếp đây mới đầy ý nghĩa thoát ra:

“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”

Bác ta vẫn hăng hái như vậy, dù vất vả nhưng ý chí vẫn kiên cường, sự hy sinh quên mình để nghiên cứu con đường giúp cho cách mạng thắng lợi. Một câu mà ta tâm đắc nhất trong toàn bài đó là:

“Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Từ “sang” không hề có ý nghĩa mỉa mai, châm biếm mà lại là sự vinh hạnh cho Bác một nét rất đặc trưng của cách mạng Việt Nam tuy hiện tại khó khăn nhưng ta vẫn tìm được “thức ăn”, “phong cảnh” phù hợp với mình. Đâu đó vẫn là sự tự chủ của con người vượt lên tất cả trở ngại trước mắt, sống theo kiểu khác đi cuộc đời nó vẫn là “sang”. “Sang” trong lòng vì ở đâu đó niềm vui vẫn xuất hiện vì đơn giản người hiểu mình đang được sống và lãnh đạo cách mạng trên quê hương mình, Người vẫn luôn tin tưởng một thắng lợi sẽ thật gần.

Với tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống, sự dung dị thể hiện trong toàn bài mà bài thơ trở nên gần gũi mà đẹp đẽ. Thơ Bác giúp chúng ta học hỏi được từ nó tinh thần lạc quan, yêu đời, biết sống và theo đuổi lý tưởng cao đẹp. Một bài thơ cũng là một bằng chứng cho sự khó khăn của cách mạng thời mới thành lập. Càng thêm yêu quý khâm phục vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta và “Việt Nam luôn đẹp nhất vì có tên Người” !

7. Cảm nhận về bài thơ Tức cảnh Pác Bó

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể hoạt động cứu nước, tháng 2 - 1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người sống trong hang Pác Bó, điều kiện sinh hoạt vật chật rất gian khổ, nhưng tất cả thiếu thốn đó đối với Bác không phải là gian khổ mà đều trở thành sang trọng, mà còn thật là sang. Bởi niềm vui vô hạn của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại Hồ Chí Minh là được sống cuộc đời cách mạng cứu dân, cứu nước. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Bài thơ bốn câu, theo thể thất ngôn tứ tuyệt thật tự nhiên, bình dị, giọng điệu thoải mái pha chút vui đùa hóm hỉnh. Tất cả cho ta thấy một cảm giác vui thích sảng khoái. Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ cũng toát lên từ đó. Đi tìm hiểu bài thơ chính là đi tìm hiểu niềm vui của nhân vật trữ tình.

Mở đầu bài thơ là câu thơ có giọng điệu rất tự nhiên, rất ung dung và thoải mái, hòa điệu với cuộc sống của núi rừng:

Sáng ra bờ suối tối vào hang

Câu thơ là sự khái quát của một nhịp sống đã trở thành nếp rất chủ động. Cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo thành thế đôi sóng đôi rất nhịp nhàng: sáng ra - tối vào. Nếp sống ở đây chủ động mà đàng hoàng. Đàng hoàng vì ban ngày Bác làm việc đời thường. Tối mới trở về hang để ngủ. Với Bác, còn gì thú vị hơn khi ngày ngày được làm việc bên bờ suối, làm bạn với thiên nhiên, tối trở về nhà (nhà vẫn là hang núi) để nghỉ ngơi và lắng nghe tiếng suối chảy. Thật thú vị, thoải mái khi con người được sống giao hòa với thiên nhiên. Phải chăng quy luật vận động ấy là Bác đã vượt lên được hoàn cảnh. Đó chẳng phải là tinh thần lạc quan hay sao?

Chính sự cân đối ở câu thơ thứ nhất đã làm nền cho các câu thơ sau xuất hiện.

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Nhịp 4/3 là nhịp thông thường ở thơ tứ tuyệt, nhưng ở câu này, nhịp 4 được chuyển thành nhịp 2/2 tạo thành một sự đều đặn cùng với hai thanh trắc liền nhau ở nhịp 3 (vẫn, sẵn) càng khẳng định thêm điều đó. Câu thơ toát nên một sự yên tâm về cuộc sống vật chật của Bác. Thơ xưa thường biểu lộ thú vui vì cảnh nghèo như Nguyễn Trãi đã từng viết: Nước là cơm rau hay tri tức. Điều khác biệt của Bác, với các nhà thơ xưa như Nguyễn Trãi là ở chỗ: Nguyễn Trãi sống ở chốn núi rừng vui với thiên nhiên (ở Côn Sơn) để quên đi nỗi đau không được giúp nước, giúp đời. Còn Bác Hồ sống ở chốn núi rừng, bằng lòng với cuộc sống đạm bạc nơi đầu nguồn để đem ánh sáng cứu dân cứu nước. Vì thế câu thơ thứ ba của bài thơ là một sự chuyển biến đột ngột:

Bàn đá chông chềnh dịch sử Đảng

Hai câu nói về chuyện ăn, chuyện ở thong dong bao nhiêu, thoải mái bao nhiêu thì câu nói về chuyện làm việc vất vả bấy nhiêu. Không có bàn, người chiến sĩ cách mạng phải dùng dạ làm bàn, lại là bàn đá chông chếnh. Rõ ràng là với từ chông chếnh, Bác đã lột tả được điều kiện làm việc rất khó khăn. Công việc lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi người chiến sĩ cách mạng phải cố gắng hết sức, không ngừng không nghỉ. Ba tiếng cuối cùng sử dụng toàn thanh trắc để thể hiện sự vất vả, nhưng khỏe khoắn, kiên quyết. Như vậy đối với Bác lúc này, việc cách mạng là cần thiết nhất, phải vượt lên tất cả mọi khó khăn. Kết thúc bài thơ là một nhận xét, một kết thúc rất tự nhiên, bất ngờ và vô cùng thú vị:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Ba câu đầu của bài thơ nói về việc ở, việc ăn và việc làm. Câu thứ tư là một lời đánh giá làm người đọc bất ngờ. Và bằng phép loại suy, ta có thể khẳng định việc ăn, việc ở khộng phải là sang, chỉ có việc làm dịch sử Đảng là sáng nhất vì nó đem ánh sáng của chu nghĩa Mác – Lê Nin để phát động đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho toàn dân. Ở đây ta bắt gặp câu thơ có khẩu khí, nói cho vui, phần nào khoa trương (thường gặp trong hàng loạt những bài thơ xưa nói cho vui cảnh nghèo đã trở thành truyền thống) trong văn học phương Đông:

Ao sâu nước cả khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…

(Bác đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến)

Đúng là nói cho vui! Thật đấy mà lại đùa đấy! Nghèo nhưng mà lại chẳng nghèo! Giọng điệu thơ rất tự nhiên, dí dỏm thể hiện niềm vui của Nguyễn Khuyến khi có bạn đến nhà chơi.

Ta thấy ở đây niềm vui thích của Bác Hồ là rất thật, không chút gượng gạo, lên gân vì thế nên giọng thơ sảng khoái, ngân vang: Thật là sang. Rõ ràng trong cái sang của Bác, của người cách mạng không phải là điều kiện ăn ở, sinh hoạt mà chính là tri thức cách mạng để giải phóng đất nước, đem lại sự giàu sang, hạnh phúc cho cả dân tộc. Ý nghĩa của bài thơ thật lớn lao.

Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ Đường rất đúng niêm luật có lẽ bởi ý thứ hai của nó là nói chơi, còn ý đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai có thể cấm được cái quyền nói trêu của người đã biết tự rèn luyện mình mà vượt lên tất cả. Bài thơ đã vượt qua hành trình hơn 60 năm nhưng đến nay vẫn giữ nguyên được giá trị.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
33 42.571
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm