Top 8 đoạn văn về bạo lực học đường siêu hay

Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của em về bạo lực học đường - Viết đoạn văn 200 chữ về bạo lực học đường, đoạn văn trình bày ý kiến của em về bạo lực học đường là dạng bài viết quen thuộc đối với các em học sinh trong chương trình Ngữ văn. Bạo lực học đường hiện nay đang là một vấn nạn khiến nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng. Sau đây là một số đoạn văn ngắn về bạo lực học đường, mời các bạn cùng tham khảo.

Bạo lực học đường giờ đây không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà có xu hướng lan rộng ra bên ngoài và trên mạng. Để xây dựng một môi trường học tập an toàn lành mạnh chúng ta cần lên án và có những hành động thiết thực để lọai bỏ tệ nạn bạo lực học đường.

đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường

1. Dàn ý đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường

1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: Bạo lực học đường

2. Thân đoạn:

Bàn luận vấn đề.

Giải thích:

“Bạo lực học đường” là gì?

Nêu biểu hiện và thực trạng.

Bàn luận:

Tác hại của bạo lực học đường

Nguyên nhân của bạo lực học đường

Đề xuất biện pháp khắc phục

3. Kết đoạn: Suy nghĩ chung về bạo lực học đường, rút ra bài học cho bản thân.

2. Tác hại của bạo lực học đường

Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Bạo lực học đường được hiểu là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Bạo lực học đường sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng về cả thể chất đối với tinh thần của người học.

Về thể chất: bạo lực học đường có thể gây ra các tổn thương trên cơ thể người bị bạn hành tùy theo mức độ thương tích trên người nạn nhân từ nhẹ cho đến nặng, thậ chí có những trường hợp tử vong.

Về tinh thần: khi bị bạo lực học đường, nạn nhân sẽ cảm thấy mất tự tin, luôn trong trạng thái lo lắng, hồi hộp, hoảng sợ, ngại tiếp xúc với mọi người, về lâu dài có thể dẫn đến các tình trạn bất ổn về tâm lí phát sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Ảnh hưởng đến học tập:  Các em học sinh là nạn nhân của bạo lực thường có xu hướng không thể tập trung học, lo sợ khi đến lớp, dẫn đến việc kết quả học tập sa sút. Học sinh gây bạo lực cũng phải đối mặt với việc chịu kỷ luật của nhà trường (đình chỉ học tập tạm thời hoặc bị đuổi học), nghiêm trọng hơn là phải chịu sự truy tố của pháp luật.

3. Viết một đoạn văn ngắn trình bày ý kiến của em về nạn bạo hành học đường lớp 8

Nội dung do ban biên tập Hoatieu.vn soạn thảo, các bên lấy nội dung yêu cầu dẫn nguồn.

Cùng với sự phát triển của xã hội thì các tệ nạn trong đời sống cũng ngày một gia tăng. Hiện nay trên các trang mạng xã hội tràn lan các clip học sinh đánh nhau, giải quyết các mâu thuẫn cá nhân bằng bạo lực. Đáng lưu ý hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh. Những sự việc trên đang là những tiếng chuông báo động về sự suy thoái về đạo đức cũng như văn hóa của một bộ phận giới trẻ cũng như cảnh tỉnh các phụ huynh chưa thực sự sát sao đến con cái. Lứa tuổi học sinh là độ tuổi chưa ổn định về tâm lý, dễ bị lôi kéo kích động hoặc ảnh hưởng từ những văn hóa phẩm độc hại. Chính vì vậy chúng ta cần nhận thức đúng về mối nguy hại của bạo lực học đường để từ đó đưa ra những giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm giáo dục cộng đồng để tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện và phát triển tốt nhất cho những thế hệ tương lai của đất nước.

4. Viết đoạn văn về bạo lực học đường - mẫu 1

Bạo lực học đường đang là một vấn đề gây bức xúc dư luận và làm xấu hình ảnh trường học. Nó là những hành vi thô bạo, dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề giữa các bạn học sinh , xâm phạm đến thân thể, xúc phạm danh dự và làm tổn thương tinh thần của bạn. Bạo lực học đường ngày nay càng gia tăng, hình thức biểu hiện ngày càng phức tạp (đánh bằng nắm đấm, thước, gậy, ghế, dao…; bêu rếu, dọa nạt, chửi bới, tung clip hành hung bạn lên các trang mạng xã hội); tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng , thậm chí dẫn đến chết người. Có nhiều nguyên dân dẫn đến bạo lực học đường, có thể kể đến nguyên nhân trực tiếp là do mâu thuẫn, xích mích, thích thể hiện cái tôi, bị bạn bè kích động, rủ rê lôi kéo. Nguyên nhân gián tiếp là do thiếu kĩ năng sống, không có kĩ năng giải quyết mâu thuẫn, gia đình và nhà trường chưa giáo dục nghiêm minh, triệt để, các biện pháp kỉ luật chưa đủ sức răn đe. Hậu quả, nó gây tổn thương cả về thể xác và tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và người gây ra. Mọi hành vi của bạo lực học đường đều được gia đình, nhà trường, xã hội lên án mạnh mẽ cùng các biện pháp xử lý nghiêm ngặt. Việc ngăn chặn bạo lực học đường cần phải có sự phối hợp của tất cả mọi người, cần phải giáo dục tốt kĩ năng sống, hiểu biết cho học sinh, tạo sân chơi lành mạnh để tránh xa những trò chơi bạọ lực. Mọi người cùng cố gắng vì một môi trường KHÔNG có bạo lực học đường.

5. Đoạn văn ngắn về bạo lực học đường - mẫu 2

Trong một thời gian ngắn xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc bạo lực học đường, mới đây nhất là nữ sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng bị bạn lột đồ, đánh hội đồng. Là một người học sinh, em cảm thấy đây là hành động vượt quá mức cho phép. Đây có lẽ là một vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay của xã hội. Trước hết ta cần hiểu bạo lực học đường là gì? Đó là hiện tượng học sinh dùng hành vi mang tính bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Biểu hiện là đánh nhau giữa cá nhân với cá nhân học sinh hoặc giữa các nhóm học sinh với nhau. Tác hại mà nó đem lại vô cùng nghiêm trọng, khó lường. Đối với học sinh bị đánh, sẽ bị tổn thương về mặt thể xác, bị thương tích, tàn phế, thậm chí mất mạng; để lại di chứng về mặt tinh thần. Gia đình học sinh bị hại sẽ luôn lo lắng, tiêu tốn thời gian, tiền bạc, có khi là điều xấu nhất mà chẳng ai mong muốn: họ mất đi người con của mình. Về phía người gây ra bạo lực, hậu quả cũng không kém phần đau lòng. Bị nhà trường đuổi học, thậm chí là bị vào vòng tù tội bị bạn bè xa lánh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, nhưng nguyên nhân lớn nhất chính là do sự thiếu giáo dục từ gia đình, do tính nổi loạn của tuổi mới lớn và từ chính phim ảnh, game bạo lực .... mà ra. Tóm lại, bạo lực học đường là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Việc này không chỉ là phụ thuộc vào mỗi cá nhân nào mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta phải cùng chung tay lên án, đấu tranh và loại bỏ thói xấu ấy ra khỏi môi trường sống của chúng ta. Vì một môi trường học đường lành mạnh, tất cả hãy nói KHÔNG với bạo lực học đường.

6. Viết đoạn văn về bạo lực học đường - mẫu 3

Trường học là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, nơi bồi dưỡng cho tâm hồn giúp ta nên người. Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến toàn xã hội lo lắng trước sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường. Nó được hiểu là những hành vi sai trái, đùng bạo lực để giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, có thể là của cả giáo viên dành cho học sinh. Nó được biểu hiện với nhiều trạng thái khác nhau trong trường học như: bạn bè ghen ghét, đố kị nhau cũng lôi nhau ra đánh, mâu thuẫn, xích mích nhỏ cũng đánh nhau, chửi nhau thậm tệ. Hay việc học sinh ngang bướng, cãi lời thì thầy cô dùng hình thức đòn roi, lời nói khó nghe để trừng trị. Nguyên nhân dễ nhận thấy chính là do tự bản thân các em có suy nghĩ về cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình. Thêm vào đó mới là sự thiếu giáo dục từ gia đình, bố mẹ bỏ bê, vô trách nhiệm, hoặc chiều chuộng quá đáng. Tiếp theo là từ phía nhà trường, kỉ luật quá lỏng lẻo, không có hình thức xử phạt nghiêm khiến học sinh coi thường. Vậy làm thế nào để loại bỏ bạo lực học đường? Việc làm này không phải của một riêng ai, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần phải quan tâm tới sự giáo dục của con em mình. Đầu tiên cần thiết lập kỷ cương trong nhà trường, sau đó cần sự quan tâm phối hợp tới các em từ phía gia đình, những người xung quanh. Thiết nghĩ nếu nạn bạo lực học đường không được ngăn chặn thì thế hệ ngày mai sẽ ra sao?

7. Đoạn văn nghị luận xã hội về bạo lực học đường - mẫu 1

Bạo lực học đường đã và đang là vấn đề nóng bỏng được cả xã hội quan tâm. Về khái niệm, bạo lực học đường là hành vi thô bạo, ngang ngược, sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần, diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường là một hiện tượng xã hội xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học, nhiều mức độ. Có những trường hợp chỉ đơn giản là đánh nhau, gây gổ, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, tụ tập để “trả thù”, “dằn mặt” nhau bằng các loại vũ khí nguy hiểm như dao, mã tấu, gậy,… khiến dư luận hoang mang. Không chỉ vậy, bạo lực học đường còn diễn ra trong mối quan hệ thầy – trò, thầy cô bạo hành học sinh, thậm chí còn có trường hợp học sinh đánh đập, sỉ nhục thầy cô. Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ tâm lý học sinh háo thắng, dễ kích động, thầy cô quá stress với việc dạy học và không kiểm soát được bản thân. Bên cạnh đó, còn do học sinh bị ảnh hưởng bởi tệ nạn, thói xấu trong xã hội, cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, nhà trường chưa sát sao trong việc giáo dục nhân cách học sinh, giáo viên. Tất cả những điều đó đều gây ra hậu quả khôn lường về cả thể chất, tiền bạc, lẫn tinh thần. Đã có rất nhiều học sinh phải nghỉ học, chuyển trường, chuyển lớp, trầm cảm vì bị bắt nạt và bạo lực bởi các bạn học sinh khác. Có thể thấy, tình trạng bạo lực học đường đang trở thành hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội, mỗi chúng ta cần ý thức được nguyên nhân, hậu quả của nó và ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực này.

8. Đoạn văn 200 chữ về nạn bạo lực học đường

Trong cuộc sống,mỗi đứa trẻ sinh ra cần phải được đến trường học - là nơi có thầy cô dạy dỗ chúng ta nên người, là nơi ta luôn được bình yên ở đó . Tuy vậy vẫn có những sự cố không may xảy ra. Bạo lực học đường là vấn nạn gây nhức nhối cho dư luận, giữa cô giáo với học sinh, giữa học sinh với học sinh, giữa phụ huynh với học sinh,.... Những người như vậy chắc hẳn là những con người không tử tế bị xã hội coi thường khinh bỉ, ra vẻ huyên hoang. Làm xấu đi bộ mặt của nhà trường . Ở trường chúng ta được dạy làm người, một con người đạo đức, một công dân tốt cho đất nước mà trong khi đó họ vẫn làm vậy. Tiêu biểu nhất là ở Hưng Yên, 5 học sinh nữ đánh hội đồng một bạn và làm các hành động liên quan đến thân thể. Hành động của 5 học sinh ấy như những con hổ sắp chết đói vồ lấy mồi. Thử hỏi, nếu đó là họ thì sẽ như thế nào? Thật đáng chê trách cho những con người đó. Các cấp chính quyền cần phải đồng bộ, quyết liệt hơn trong việc đẩy lùi những tệ nạn xã hội. Là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phát huy hết khả năng của mình để trở thành một công dân tốt có ích cho đất nước và tránh xa những tệ nạn xã hội.

9. Trình bày suy nghĩ của em về bạo lực học đường

Vấn đề bạo lực học đường đang được dư luận xã hội quan tâm cao độ. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lên tiếng kêu gọi “ngăn chặn bạo lực học đường”. Nhà trường và phụ huynh lo lắng. Học sinh, sinh viên lo lắng... Cả xã hội đang lo lắng. Những câu hỏi, băn khoăn, thậm chí bức xúc cứ tăng dần. Liên tục những cụm từ, tựa đề đập vào mắt độc giả: “Chờ nhà trường và gia đình”, “Mong các bạn đừng vô cảm”, “Học thầy không tày học bạn”, “Sợ làm nạn nhân tiếp theo”, “Cần những bài học thực tế”, “Dạy con trước hết phải hiểu con”… Nghe ra, dù suy nghĩ tích cực hay tiêu cực, thấy ai cũng có lý cả… Thực tế cho thấy, nhà trường hiện nay đang tách rời việc dạy chữ với dạy nhân cách, chỉ lo truyền đạt kiến thức sách vở. Trong khi đó, thực tế xã hội đòi hỏi việc dạy nhân cách phải thấm vào trong từng môn học để giáo dục phẩm chất, nhân cách của học sinh chứ không riêng gì môn đạo đức hay môn giáo dục công dân. Ngay từ bé, các em phải được hưởng sự đối xử dễ chịu trong các cách ứng xử, dạy giải quyết xung đột bằng phương pháp không bạo lực… Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi hết cho ngành giáo dục dù họ phải gánh vai chính trong chuyện bạo lực học đường gia tăng. Ở đây xã hội cũng phải nhìn lại từ cách sống, ứng xử của mọi người mà gần nhất với trẻ đó là những bậc phụ huynh. Đơn giản như cha mẹ dạy con bằng bạo lực (đánh đập con cái), bố mẹ giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực thì mầm mống bạo lực này sẽ ăn sâu vào tâm trí trẻ. Vậy vấn đề ở đây chúng ta phải cùng hợp tác, chia sẻ giữa xã hội và nhà trường cùng hướng tới dùng công cụ “hòa bình” để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
93 101.577
0 Bình luận
Sắp xếp theo