12 mẫu thuyết minh về một loài hoa ngày Tết hay chọn lọc

Tải về

Thuyết minh về một loài hoa ngày Tết trong bài viết sau đây của Hoatieu sẽ giúp các bạn đọc có thêm ý tưởng cho bài thuyết minh về 1 loài hoa ngày Tết của mình. Sau đây là một số mẫu thuyết minh về 1 loài hoa ngày Tết ngắn, thuyết minh về hoa mai ngắn gọn, thuyết minh về một loài hoa ngày tết hoa đào, thuyết minh về một loài hoa ngày tết ở Việt Nam... Mời các bạn cùng tham khảo.

Trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam có rát nhiều loài hoa đẹp biểu trưng cho ngày Tết như hoa đào ở miền Bắc, hoa mai ở miền Nam, hoa lay ơn, hoa thược dược, hoa violet... Mỗi loài hoa đều mang thêm hương vị tết đến với mọi nhà. Sau đây là dàn ý thuyết minh về một loài hoa ngày Tết các bạn có thể tham khảo để hoàn thành bài thuyết minh về 1 loài hoa ngày Tết của mình.

1. Dàn ý Thuyết minh về một loài hoa ngày Tết

Thuyết minh về một loài hoa ngày tết

1. Mở bài

Năm hết tết đến, mỗi miền một thú thưởng hoa nhưng có lẽ đối với một người con miền Nam như tôi, thì nhắc đến Tết chính là nhắc đến cành mai vàng đang hé nở trước sân nhà.

2. Thân bài

* Nguồn gốc, tên gọi, phân bố:

- Mai vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

- Tên khoa học của mai vàng là Ochna integerrima thuộc học Mai (Ochnaceae). Tên phổ biến là mai vàng ngoài ra còn có các tên gọi khác như hoàng mai, huỳnh mai hay lão mai.

- Ở Việt Nam, mai vàng chủ yếu mọc hoang nhiều ở dọc dãy Trường Sơn, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, xuất hiện ít hơn ở vùng Tây Nguyên, cùng một số các tỉnh miền núi phía Bắc.

*Ý nghĩa:

- Được mệnh danh là Tứ Quân tử, mang trong mình nét thanh cao, tấm lòng trong sạch của người quân tử, không bao giờ khuất phục trước cường quyền, trở thành một trong những đề tài tạo cảm hứng bất tận cho nhiều văn nhân thi sĩ.

- Ở Việt Nam ngoài việc đón nhận những ảnh hưởng về ý nghĩa Tứ Quân tử của Trung Quốc, thì mai vàng còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, thịnh vượng.

* Đặc điểm:

- Có khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt, sinh trưởng và phát triển khá mạnh mẽ, là loại cây thân gỗ, có tuổi thọ cao tới hàng trăm tuổi.

- Loài mai vàng, mỗi năm chỉ nở hoa một lần vào cuối tháng chạp đầu tháng giêng.

- Thân cây xù xì, ít khi mọc thẳng mà thường phân thành nhiều nhánh tỏa sang hai bên thành các tán, thân cây mọc chậm.

- Mai vàng không quá xum xuê nhiều lá, lá mai khá cứng, có màu xanh thẫm.

- Cuối năm khi không khí dần trở lạnh, lá mai rụng xuống một lượt, để trơ lại những cành khẳng khiu vươn ra trong gió, tầm 15 - 20 ngày sau thấy ở những cành ấy nhú ra những bụp nâu bằng đầu tăm, rồi chúng lớn dần cởi bỏ lớp áo nâu mỏng, để lộ ra những lá non mơn mởn, cùng với những nụ hoa mỡ màng xanh óng ả, mai lại tràn trề sức sống.

- Mai vàng có năm cánh mỏng manh, cánh mai khum tròn, màu vàng tươi, bên trong là nhị hoa vàng sẫm quây quanh nhụy hoa nằm chính giữa. Mai khá nhanh tàn và mai cũng không có một hương thơm rõ ràng.

* Công dụng:

- Làm cảnh

- Làm thuốc

3. Kết bài

Mai là một loài hoa đẹp và quý lại mang nhiều ý nghĩ tượng trưng tốt đẹp, đặc biệt là phẩm chất thanh cao, giản dị, chịu được những khắc nghiệt của thời tiết, điều ấy khiến tôi càng thêm trân quý loài hoa này.

THuyết minh về hoa mai

2. Thuyết minh về một loài hoa ngày Tết siêu hay

Khi mùa xuân gõ của cũng là lúc những cánh mai vàng bắt đầu nở rộ để đón chào một năm mới đến. Thú chơi hoa từ lâu đã trở thành một phong tục cũng như nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Búp mai vàng hớn hở tuôn trào những sắc vàng ấm áp, ngát hương thơm như xua đi mùa đông giá lạnh, để đón chào năm mới với những điều may mắn và tốt lành. Vì vậy, mai vàng là một loài hoa chưng Tết chủ đạo.

Hoa mai là một trong bốn loài cây được xếp vào hàng tứ quý, gồm: “ Tùng, Cúc, Trúc, Mai”. Người xưa cho rằng chúng có những tính chất đặc biệt nổi bật, tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của con người. Hoa mai tươi đẹp rực rỡ, hương hoa tinh khiết. Mai tượng trưng cho phẩm chất cao quý, khí phách của người quân tử, là niềm cảm hứng trong thơ ca…Nếu hoa Đào là sắc xuân của đất Bắc thì hoa Mai lại tượng trưng cho mùa xuân phương Nam. Với ý nghĩa may mắn, cây Mai được ưu ái chăm sóc suốt năm để dành sức ra hoa vào ngày đầu năm. Cây mai có rất nhiều lại như Mai tứ quý, Ban khấu mai, Đàn hương mai, hồng mai, bạch mai…nhưng tại Việt Nam loài mai vàng là phổ biến nhất. Mai vàng thuộc họ hoàng mai, là một cây rừng. Hoa mai vàng mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Mai vàng thường có 5 cánh màu vàng, mùi thơm e ấp, kín đáo rất khó nhận ra. Thân cây nhỏ nhắn, vỏ sần sùi , cành khẳng khiu và có thể có những hình thể như: chân quỳ, hạc bay, phụng hoàng. Mai vàng còn có đài màu xanh và hạt vàng. Mai vàng còn có giống sau khi cho hoa còn kết quả màu đỏ nhạt bóng như ngọc, là mai tứ quý và nhị độ mai.
Mai trồng để lấy hoa vào dịp Tết Nguyên Đán được trồng từ hạt hay triết cành. Có thể trồng mai vàng ngoài vườn, vào bồn hay vào chậu đều được. Mai ưa ánh sáng và đất ẩm. Người miền Nam thường chơi hoa vào ngày Tết. Đối với cây mai đẹp thì cần chú trong đến sự phân chia các nhánh trên một gốc, sự sắp xếp các nhánh, hoa to, rực rỡ, nở lâu tàn… Những cây mai như vậy được coi như mai ngũ phúc với hi vọng năm mới sẽ phát tài, gia đình đại cát, đại lộc. Mai nhiều cánh còn tượng trưng cho cát tường, cho vạn hạnh.Để mai nở đúng mùng một Tết thì thời điểm tốt nhất để chọn mua mai là từ 26 – 27 tết. Vì lúc này mai đã phân bông, nụ hoa tròn căng nhưng vẫn chưa tách đài hé mở màu vàng của cánh hoa. Đến ngày 30 tết nên tưới nước đẫm vào gốc mai cho thấm ướt gốc. Cách chăm sóc này sẽ khiến mai nở rộ bông vào sáng mùng một tết…

Ngày Xuân là dịp người thi sĩ nâng bút, người họa sĩ vung cọ để thi họa. Mai là một đề tài rất thông dụng. Thi nhân dùng nó để tượng trưng cho niềm tiết tháo, tình cảm thắm thiết, chân thành.

“ Sương phủ cành mai năm giục hết
Ngày xuân con én lại đưa thoi…”
“…Còn ai đợi tết, mong xuân
Lấy ai chúc tụng, ân cần chúc ai
Tìm đâu gió thủy, cành mai
Đi đâu hái lộc, cầu tài đầu năm…”

Các đoạn thơ trên đều nói đến nét đẹp của mùa xuân vì hoa mai đã hòa nhập vào nếp sống của dân gian. Hoa mai mặc nhiên góp phần cho nền văn hóa xã hội thăng hoa giá trị tâm hồn con người.

Vào dịp tết, hoa mai cùng với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành là những thứ không thể thiếu trong gia đình người việt. Mai vàng khoe sắc trong khí tiết trời ấm áp như một thông điệp của niềm vui, hạnh phúc cho mọi nhà nhân dịp năm mới

Tóm lại, mai vàng không những đẹp mà còn tượng trưng cho nếp sống văn hóa lâu đời của nhân dân ta. Mai là loài hoa gắn liền với văn hóa dân tộc. Nó thân thiết, gần gũi, gắn bó với con người đất Việt. Mai vàng là biểu tượng đẹp đẽ, hài hòa trong văn hóa việt. Nó là nguồn vui cho mọi người chúng ta khi mùa xuân về.

3. Thuyết minh về 1 loài hoa ngày Tết ngắn

Xuân đến Tết về trên khắp đất nước ta, nếu miền Bắc có hoa đào là đặc trưng cho mùa xuân thì miền Nam lại có hoa mai. Cánh mai vàng và cánh đào hồng thắm tươi, báo hiệu cho một năm mới khởi đầu thuận lợi, gia chủ an khang thịnh vượng, làm ăn tấn tới, gia đình hạnh phúc.

Ở Hà Nội mỗi dịp Tết đến lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đây có thể nói là cái mùa náo nức lòng người. Tiết trời xuân se lạnh, những hạt mưa phùn lấm tấm tạo sự nhẹ nhàng nở rộ cho hoa. Ở những vườn hoa như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm,... những mầm chồi non cũng dần chớm nở để đón chào một mùa Tết nguyên đán mới về, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân nơi đây.

Với người Hà Nội, một cành hoa đào cũng mang lại được rất nhiều cảm xúc, niềm vui cho mỗi con người bởi nó là đặc trưng cho Hà Nội, biểu tượng cho sức sống bất diệt của người dân nơi đây. Trải qua mùa đông lạnh giá ở phía Bắc, hoa đào nở rộ như thắp lên ngọn lửa sưởi ấm cho nghìn ngôi nhà nơi đây. Hoa đào có nhiều loại, đào bích, đào phai, đào mộng tự hay đào bạch lại là những loại hoa đào được biết đến nhiều nhất. Người chơi hoa đào thường thích những cây đào được trồng trên SaPa, gốc của những cây đào đó xù sì, hiện sự riêu mốc nhưng ẩn trong đó lại lá sức sống mãnh liệt, chiến thắng mọi thử thách để sinh trưởng.

Nói đến hoa đào ở phía Bắc thì cũng chẳng thể nào mà bỏ sót được hoa mai ở phía Nam. Hoa mai biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh bạch của một tấm lòng tri kỉ. Giống với hoa đào, hoa mai cũng có nhiều loại như chi mai, bạch mai, mai tứ quý, hồng mai, hoàng mai,... Chơi mai rất cầu kì, chơi mai để tôn lên cái vẻ đẹp của nó cũng chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng chẳng bởi vậy mà Mai dành riêng cho tầng lớp nào, mai vẫn được người dân miền Nam tiếp thụ và hưởng thụ cái nét đẹp tinh túy rất riêng của nó.

Ngoài hoa đào và hoa mai là hai loài hoa đặc trưng cho miền Bắc và miền Nam thì cũng còn các loài hoa như hoa hồng, hoa cúc, hoa dơn, hoa ly và cùng nhiều loài hoa khác. Tết đến loài hoa nào cũng lên ngôi, trăm hoa đua nở. Tạo nên cảnh sắc đẹp hơn bao giờ hết, vừa mang nét thơ mộng của những bông hoa, vừa mang giá trị tinh thần đặc sắc của toàn dân tộc Việt Nam ta.

Tết năm nay theo thông lệ, gia đình tôi sẽ đến chợ hoa từ chiều 28 - 29 tết để mua hoa đào. Phiên chợ hoa những ngày giáp Tết nhộn nhịp hơn bao giờ hết, người bán tất bận chào bán, người mua cũng bận rộn tìm cho mình cành hoa hay cây hoa hợp ý để mang về trưng bày. Dù mệt mỏi như vậy nhưng trên gương mặt ai nấy cũng chẳng thể nào giấu đi được nét hồ hởi chào đón Tết về. Chứng kiến khung cảnh này, tôi không khỏi thốt lên tâm hồn của dân tộc Việt Nam ta ở đây chứ đâu, sự say mê và nâng niu của mọi người với những bông, những cành hoa thể hiện ra một cái đẹp vĩnh cửu.

4. Thuyết minh về hoa thược dược ngày Tết

Từ lâu nay, hoa thược dược được xem là loài hoa truyền thống của người Việt trong dịp tết cổ truyền. Hoa được trồng phổ biến ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc và rất được mọi người ưa chuộng trong ngày Tết.

Hoa thược dược có nguồn gốc từ đất nước Mexico, tại đây cây thược dược được tôn vinh là quốc hoa là biểu tượng của hạnh phúc lâu bền. Tại Việt Nam hoa thược dược được trồng nhiều nhất ở các làng hoa tại miền Bắc Việt Nam. Như làng hoa Ngọc Hà, làng hoa Tây Tựu, làng hoa Nghi Đàm,…

Hoa thược dược truyền thống có nhiều màu sắc rực rỡ như: màu đỏ cừ, màu đỏ nhung, vàng, trắng, tím, cam và đặc biệt là có 2 màu khác nhau trên 1 cánh hoa. Nếu được chăm sóc đúng cách, hoa có thể cho ra từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Đặc biệt, vào mỗi dịp tết do khí hậu mát mẻ, không quá lạnh, không quá nóng, kèm theo mưa phùn nên hoa có kích thước lớn, cây vươn cao, lá xanh thẩm rất đẹp mắt.

Trong những ngày tết, nhiều người sắm hoa thược dược để trang trí tô điểm thêm sắc xuân cho sân vườn cũng như trong nhà.

Có thể nói hoa thược dược đã trở thành một nét đẹp trong những ngày Tết, ngày đầu xuân năm mới cảu các gia đình người Việt. Tuy không trở thành những biểu tượng cho ngày Tết như hoa mai, hoa đào nhưng những bình hoa thược dược rực rỡ được cắm chung với những bông violet tím vẫn mang trong mình những nét xuân độc đáo của mùa xuân miền Bắc.

5. Thuyết minh về loài hoa ngày Tết mẫu số 1

"Mừng Tết đến, vạn lộc đến nhà nhà. Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi. Chúc cụ già được sống lâu, sống thọ. Cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang ...". Năm hết tết đến, trăm hoa đua nở, cúc vàng, quất đỏ rực rỡ khắp muôn nẻo đường đất nước, hoa đào tô hồng cái lạnh của phương Bắc, hoa mai lại tô vàng nắng cả phương Nam. Mỗi miền một thú thưởng hoa nhưng có lẽ đối với một người con miền Nam như tôi, thì nhắc đến Tết chính là nhắc đến cành mai vàng đang hé nở trước sân nhà.

Mai vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuộc vào hàng những loài cây cảnh rất được quý trọng. Tên khoa học của mai vàng là Ochna integerrima thuộc học Mai (Ochnaceae). Tên phổ biến là mai vàng ngoài ra còn có các tên gọi khác như hoàng mai, huỳnh mai hay lão mai. Ở Việt Nam, mai vàng chủ yếu mọc hoang nhiều ở dọc dãy Trường Sơn, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, xuất hiện ít hơn ở vùng Tây Nguyên, cùng một số các tỉnh miền núi phía Bắc. Mai vàng cũng có nhiều giống khác nhau, ở mỗi một khu vực với địa hình, khí hậu khác nhau lại có một loại mai riêng, nhưng đặc trưng nhất vẫn là màu hoa vàng tươi.

Mai vàng là loài cây có nhiều ý nghĩa lớn, đối với người Trung Quốc đặc biệt là các bậc trí thức Nho thời xưa lại càng thêm nặng tình với loài cây này. Trong quan niệm của họ, mai vàng chính là một trong bốn loài cây được mệnh danh là tứ quân tử, mỗi loại cây mang một đức tính mà người quân tử cần phải có, ví như tùng kiên cường, cứng cáp, trúc thì ngay thẳng, chính trực, cúc tuy kham khổ, giản dị nhưng vẫn luôn tươi đẹp, riêng mai mang trong mình nét thanh cao, tấm lòng trong sạch của người quân tử, không bao giờ khuất phục trước cường quyền. Chính vì những ngụ ý tốt đẹp, đáng quý như thế nên mai đã trở thành một trong những đề tài tạo cảm hứng bất tận cho nhiều văn nhân thi sĩ, ví như Cao Bá Quát từng ước được lên núi trồng mai trong bài thơ bất hủ Tài Mai, hay Hồ Chủ tịch trong Thướng Sơn cũng nhắc đến mai một cách đầy xúc động "Hai mươi tư tháng sáu/Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai". Ở Việt Nam ngoài việc đón nhận những ảnh hưởng về ý nghĩa Tứ Quân tử của Trung Quốc, thì mai vàng còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, thịnh vượng. Với màu vàng sáng của hoa mai, trưng trước nhà ngày tết luôn đem đến cho con người cảm giác vui mừng, hân hoan, cũng có lẽ vì vậy mà mai đã trở thành loài cây đặc trưng ngày tết của người dân Việt.

Mai có khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt như giá rét, đặc biệt loài này rất ưa thích khí hậu nhiệt đới, nên sinh trưởng và phát triển khá mạnh mẽ nếu được chăm sóc tốt. Đây là loại cây thân gỗ, có tuổi thọ cao tới hàng trăm tuổi, thậm chí có trường hợp đã từng ghi nhận những gốc mai 700-800 tuổi sinh trưởng ở vùng núi Yên Tử. Bài viết này đề cập đến loài mai vàng, mỗi năm chỉ nở hoa một lần vào cuối tháng chạp đầu tháng giêng. Thân cây xù xì, ít khi mọc thẳng mà thường phân thành nhiều nhánh tỏa sang hai bên thành các tán, thân cây mọc chậm, một gốc mai vài ba năm tuổi có khi chưa cao tới 1 mét. Mai vàng không quá xum xuê nhiều lá, ngược lại nó mang phẩm chất của người quân tử, đơn giản, gọn gàng và thanh tao, lá mai khá cứng, có màu xanh thẫm. Cuối năm khi không khí dần trở lạnh, lá mai rụng xuống một lượt, để trơ lại những cành khẳng khiu vươn ra trong gió, tầm 15 - 20 ngày sau thấy ở những cành ấy nhú ra những bụp nâu bằng đầu tăm, rồi chúng lớn dần cởi bỏ lớp áo nâu mỏng, để lộ ra những lá non mơn mởn, cùng với những nụ hoa mỡ màng xanh óng ả, mai lại tràn trề sức sống. Độ dăm ngày nữa thì hoa mai nở, thường đó là những ngày cuối năm, mai vàng có năm cánh mỏng manh, cánh mai khum tròn, màu vàng tươi, bên trong là nhị hoa vàng sẫm quây quanh nhụy hoa nằm chính giữa. Mai khá nhanh tàn, độ hai ngày là những cánh mai đã rụng lả tả đầy sân, để gió cuốn đi phiêu lãng, và mai cũng chẳng có một hương thơm rõ ràng, dường như chỉ thoang thoảng nơi chóp mũi, người không thật tinh ý có lẽ cả đời chẳng bao giờ biết hương hoa mai. Hoa tàn hết, quả mai xanh nõn hiện ra, lớn dần rồi rụng xuống gốc, vài tháng sau, nơi ấy đã mọc chi chít những cây con có độ vài cặp lá.

Công dụng chủ yếu của hoa mai là trưng làm cây cảnh, trang trí trong dịp tết đến xuân về, tăng thêm khí sắc mùa xuân tới. Ngoài ra trong Đông y người ta còn dùng hoa mai để làm vị thuốc giải thử, hóa đàm, sinh tân dịch, chữa các chứng nhiệt, sốt cao, đau đầu, chóng mặt cao huyết áp, đau tức ngực,...

Mai là một loài hoa đẹp và quý lại mang nhiều ý nghĩ tượng trưng tốt đẹp, đặc biệt là phẩm chất thanh cao, giản dị, chịu được những khắc nghiệt của thời tiết, điều ấy khiến tôi càng thêm trân quý loài hoa này. Bản thân tôi mỗi lần nhìn cây mai trước ngõ cũng đều mong muốn mai sau mình giống như cây mai ấy, mang trong mình những phẩm chất cao quý, có một tâm hồn thanh tao, tinh khiết.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về là trăm loài hoa lại đua nhau khoe sắc, bài Thuyết minh về một loài hoa ngày Tết sẽ cung cấp cho các em những gợi ý thú vị cho bài văn thuyết minh của mình, bên cạnh đó các em cũng có thể tham khảo thêm những bài văn đặc sắc khác như: Thuyết minh về hoa mai ngày Tết, Thuyết minh về hoa cúc, Thuyết minh về cây hoa đào, Thuyết minh về hoa sen.

6. Thuyết minh về loài hoa ngày tết mẫu số 2

Mùa xuân đến mang trong mình sự náo nức, vui tươi của ngày Tết. Ngày Tết lại mang trong mình sức sống của mọi vật, của hoa cỏ, cây cối. Hoa thì hoa nào cũng đẹp, cũng thơm, nhưng không ai lại không khẳng định rằng hoa đẹp nhất, thơm nhất, có sức sống mạnh mẽ nhất vào những ngày Tết.

Hoa ngày Tết từ bao đời nay đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Nội - người Việt Nam.

Hà Nội vào mùa xuân náo nức lòng người. Tiết xuân se lạnh, những hạt mưa xuân nhẹ nhàng tô thắm cho hoa, làm chồi non lộc biếc nở rộ trong các vườn hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm... Hoa theo các cô hàng hoa tràn vào năm sáu phố phường của thủ đô.

Ngày Tết không thể thiếu hoa đào - một loài hoa đặc trưng cho Hà Nội, biểu tượng cho mùa xuân và sức sống bất diệt của Bắc Việt:

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi

Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười.

Một đóa hoa đào mang lại bao nhiêu cảm xúc, niềm vui cho mỗi người. Sau mùa đông giá lạnh, hoa đào lại nở rộ như sưởi ấm lòng người, như báo hiệu cho một sự khởi đầu một năm mới đã đến. Hoa đào có nhiều loại nhưng được biết đến nhiều nhất là đào bích, đào phai, đào mộng tự, đào bạch. Thường hoa đào cũng là một trong các thú chơi của người Hà Nội, người chơi đào thường thích đào Sa Pa vì cái vẻ sù sì rêu mốc của cành, loáng thoáng nụ và hoa, được ẩn trong lá một sức sống mãnh liệt, thắng mọi thử thách.

Kể đến hoa đào, không thể không kể đến hoa mai. Khác với hoa đào là biểu trưng của miền Bắc, hoa mai lại là biểu trưng cho miền Nam, biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh bạch của tấm lòng tri âm tri kỉ. Mai cũng có rất nhiều loại: chi mai, bạch mai, mai tứ quý, hồng mai, hoàng mai. Thú chơi mai thật cầu kì, công phu, vì để tôn được vẻ đẹp của mai thật không dễ. Nhưng từ bao đời nay, người chơi mai vẫn tiếp thụ được những nét tinh túy của văn hóa đất Việt - văn hóa phương Đông.

Khoảng từ mồng mười Tết trở đi chính là thời điểm hoa lên ngôi với đủ mọi chủng loại. Trong đó, ngoài đào và mai còn có hoa hồng và hoa cúc. Hoa hồng rất được mọi người yêu thích vì nó là tượng trưng cho một tình yêu vĩnh cửu.

Hoa cúc có rất nhiều loại và đậm đà hương sắc như: cúc đại đóa, bạch mi, bạch khổng tước, hồng tử kì, cúc gấm, cúc đồng tiền, cúc ngũ sắc... Trong các loại cây hoa, cúc được xếp hàng thứ tư trong tứ quý (tùng, trúc, mai, cúc). Cúc ưa nhìn là bởi sự giản dị, là bởi vẻ đẹp đằm thắm lưu luyến lòng người. Cúc được ví với tính cách của người quân tử vì vẻ chịu đựng phong trần, thử thách của sương sa, tuyết lạnh mà hoa vẫn tươi và bền bỉ cùng thời gian. Không rung động sao được trước tính cách của một loài hoa đáng để mọi người suy ngẫm. Chẳng thế, các cụ nhà ta thường chơi hoa cúc, uống trà cúc. Chơi cúc và thưởng thức cúc với sự ngưỡng mộ tri âm tri kỉ.

Theo thông lệ hàng năm, vào chiều ba mươi Tết, tôi lại cùng bố mẹ ra chợ Bưởi để mua hoa. Phiên chợ Bưởi những ngày giáp Tết thật đông vui nhộn nhịp. Hoa và người như hòa quyện, xen vào nhau trên con đường tấp nập, nét mặt ai nấy đều hồ hởi, thư giãn. Chứng kiến sự say mê và nâng niu hoa của mọi người, lòng tôi lại dấy lên một suy nghĩ: cái đẹp luôn luôn tồn tại, không chỉ trong hoa, mà còn ở người chơi hoa. Đó chính là những đức tính, tâm hồn cao đẹp của con người Việt Nam ta.

7. Thuyết minh về hoa đào ngày Tết

Như một vòng tuần hoàn của cuộc sống, đông qua, xuân đến. Chúa xuân mang đến cho vạn vật những tia nắng ấm áp sau một mùa giá lạnh, thổi vào cuộc sống hương vị ngọt ngào của mùa xuân. Nếu như hoa mai tượng trưng cho một cái Tết sung túc ở phương Nam thì hoa đào là biểu tượng cho một mùa xuân bất diệt ở miền Bắc.

Tuy có nguồn gốc xa xôi ở xứ Ba Tư, thế nhưng ngày nay hoa đào có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam đặc biệt là ở miền Bắc và mỗi khi Tết đến Xuân về.

Cây đào thuộc họ hoa hồng, thân gỗ nhỏ, cao khoảng từ năm đến mười mét, lá có hình mũi mác. Hoa mọc đơn độc, có màu hồng hoặc màu trắng, năm cánh mềm mại, mịn màng như nhung. Khi cây ra hoa ngắn, hầu như không có cuống, đài có ống hình chuông, thùy hình trứng, có nhiều nhị. Dòng họ của hoa đào rất đa dạng và phong phú.

Nếu xếp theo số cánh thì có thể chia đào thành hai loại là đào đơn và đào kép. Còn xếp theo màu sắc thì có thể chia đào thành đào phai, đào bích, đào bạch, đào thất thốn. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là đào bích. Đào bích cánh hoa màu hồng thắm, tán tròn nhiều cành cân đối. Đào phai màu nhạt, hồng tươi, trang nhã mà hấp dẫn như đôi má ửng hồng của người thiếu nữ khi thẹn thùng. Đào bạch ít hoa tương đối khó trồng. Đào thất thốn dáng nhỏ, hoa nhỏ, có màu đỏ thẫm.

Hoa đào chỉ trồng được ở miền Bắc và nở đúng vào mùa xuân. Nhưng muốn hoa nở đúng thời vụ thì đòi hỏi nhiều kinh nghiệm ở người trồng hoa. Và thi sĩ Xuân Sách đã dùng những lời thơ để nêu ra cách làm cho hoa nở đúng ngày Tết:

"Vặt trụi lá, bè trơ cành

Để cây tức giận nở thành trăm hoa"

Vì vậy, muốn có đào chơi vào ngày Tết thì tháng mười một âm lịch người ta thường ngắt hết lá để nhựa cây tích tụ lên thân làm nụ. Rồi tùy theo thời tiết nóng hay rét nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm hoa.

Nếu ở miền Nam, xuân về phải có mai vàng, một biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý, hạnh phúc và sum vầy thì ở miền Bắc có hoa đào mới có mùa xuân. Người miền Bắc ưa chuộng chơi đào vào ngày Tết có lẽ vì màu hồng mang lại sự may mắn và phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo, cắm một cành đào trong nhà là cản được gió độc và đuổi được tà khí. Và sân nhà ai có trồng đào thì đó là sân nhà phú quý.

Những nhà có điều kiện thường sắm cả một cây đào ghép ba tầng, những nhà nghèo hơn cũng có mua một vài nhánh đào chưng trong nhà. Đón xuân mà không có hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đó, tràng pháo hồng. Vì vậy, Tết đến, dù bận việc đến mấy thì người dân miền Bắc cũng phải mua cho gia đình mình một vài nhánh đào.

Hoa đào không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang nét đẹp văn hóa đồng thời còn là một dược phẩm, mỹ phẩm độc đáo. Từ xưa, hình ảnh của hoa đào đã được đưa vào thơ ca làm xúc động lòng người. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có nhắc đến hình ảnh của hoa đào trong sự luyến tiếc khi cảnh cũ còn mà người xưa không thấy: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Và vẻ đẹp mơn mởn của hoa đào trong ngày Tết còn thể hiện qua câu thơ:

“Một đóa đào hoa khoe tốt tươi,

Tướng xuân mơn mởn thấy xuân cười”.

Mùa xuân năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh, đã mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân để tặng cho công chúa Ngọc Hân - người vợ yêu quý của người – để báo tin thắng trận. Trong lịch sử y học Á Đông, danh y Tuệ Tĩnh đã ghi lại nhiều phương pháp chăm sóc da mặt cho phụ nữ bằng hoa đào.

Cây đào không dễ trồng như cây mai. Nó là một loại cây ưa đất thịt, phân bón vừa phải, cần nhiều ánh sáng, thoáng và thông gió. Ở miền Bắc Việt Nam, người ta trồng đào để lấy hoa chơi Tết, sau ngày Tết, người ta tiếp tục trồng đào trở lại.

Xuân về mang đến bao nhiêu điều kì diệu. Đúng là muôn hồng, nghìn tía, cái đẹp đi đến từng người, từng nhà và hoa đào là một món quà mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho con người. Xuân đến rồi xuân đi, hoa đào nở rồi lại tàn, thế nhưng hình ảnh của hoa đào vẫn Còn sống mãi với thời gian như lời thơ của Chế Lan Viên:

“Một cành đào ứa nhựa

Nặng bàn tay anh cầm,

Nghe hương thầm lan tỏa

Qua màn sương thời gian”

8. Thuyết minh về loài hoa ngày Tết mẫu số 3

Thuyết minh hoa đào ngày tết

Hàng năm mỗi độ tết đến xuân về, tiết trời ấm áp là lúc hoa đào bắt đầu nở rộ. Hoa đào sẽ tô thêm vẻ đẹp cho hương sắc của mùa xuân, khiến cho cái tết của mọi nhà thêm ấm áp. Hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ đều coi hoa đào là đặc trưng trong ngày tết của mình.

Đào xuất hiện ở Việt Nam đó từ rất lâu đời. Khi tiết trời báo hiệu mùa xuân sắp đến, chúng ta có thể ghé thăm làng hoa Nhật tân, Ngọc Hà ở Hà Nội…chúng ta sẽ được hưởng một cảm giác vô cùng mới mẻ của rừng đào bạt ngàn.

Người ta đã đặt cho đào với tên khoa học là Prunus Persica. Có nhiều giống đào nhưng đào bích được coi là giống đào đẹp nhất. Hoa đào bích có nhiều cánh xếp chồng lên nhau màu hồng thẫm, loại này được trồng để chỉ lấy hoa. Giống thứ hai là giống đào phai, hoa có năm cánh, cánh màu phớt hồng, được trồng để lấy quả. Giống đào bạch hiếm thấy, cây nhỏ ít hoa có màu trắng tinh khiết. Đào thất thốn có hoa màu đỏ thẫm, khó trồng, khó chăm sóc, nên ít được người ta trồng.

Mùa xuân đến hoa đào nở rộ, cánh đào mỏng mềm và mịn như nhung, có những năm khi tết đã đến, xuân về nhưng tiết trời lạnh, hoa đào không thể nở được. Đào mọc thành từng bông riêng lẻ chứ không mọc thành chùm. Hoa đào thường nở 4-5 ngày thì tàn. Để cho ra một cây hoa đào đẹp, người trồng đào phải mất rất nhiều thời gian và công sức để trồng đào.

Đào trồng để ăn quả thì không phải chăm sóc nhiều. Từ việc đốn cành tỉa lá uốn cây theo các thế khác nhau đều phải rất tỉ mỉ và khéo léo. Trước tết khoảng 15 ngày, người trồng đào phải tuốt lá để đào sai hoa vào đúng dịp Tết. Ngày tết mà có cảnh đào trong nhà, sẽ tạo nên sự ấm cúng, một năm mới đủ đầy của mỗi nhà.

Bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mâm cỗ tất niên là cành đào nhỏ, góp phần tăng thêm hương vị cho ngày tết. Đào không chỉ góp phần tô đậm thêm cho hương sắc của mùa xuân mà còn là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Tùy thuộc vào mức độ đẹp và to nhỏ khác nhau mà mỗi cây đào có giá khác nhau, chúng có giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng.

Hoa đào cùng với bánh chưng xanh là thứ không thể thiếu trong dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc. Khách du lịch đến Việt Nam coi cành đào là món quà mang giá trị tinh thần lớn, những người con xa xứ khi ngắm cành đào lại nhớ về quê hương, như được sống với không khí tết của quê hương mình.

Cây đào không chỉ để làm cảnh, lấy quả mà còn dùng để chế thuốc rất hiệu quả. Hoa đào được chế làm thuốc đắp mặt, đem lại là da mát, mịn màng, hồng hào cho người phụ nữ. Hoa đào còn được chế thành thuốc chữa bệnh bí đại tiện rất hiệu quả.

Xã hội phát triển, con người có nhiều thứ để bày trong ngày tết, nhưng hoa đào vẫn luôn được mọi người yêu thích. Dù có những lễ vật sang trọng đến đâu, người ta vẫn muốn có một cây đào đẹp trong ngôi nhà của mình vào dịp tết.

9. Thuyết minh về loài hoa ngày Tết mẫu số 4

Hà Nội vào xuân náo nức lòng người. Ngày Tết không thể thiếu hoa đào – một loài hoa biểu tượng cho mùa xuân và sức sống bất diệt của miền Bắc.

“Một đóa đào hoa khoe tốt tươi

Tường xuân mơn mởn, thấy xuân cười”.

Tiết xuân se lạnh, những hạt mưa xuân giăng nhè nhẹ tô thắm cho hoa, làm cho chồi non lộc biếc nở rộ trong các vườn hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Thụy Khuê, Ngọc Hà. Hoa theo các cô hàng hoa tràn vào ba sáu phố phường Thủ đô.

Người ta chuộng chơi đào ngày Tết có lẽ vì hoa đào có màu hồng đỏ mang lại may mắn, phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo cắm cành đào trong nhà là cản được gió độc, đuổi tà khí ra ngoài. Cây đào chỉ trồng được ở miền Bắc, hoa nở vào mùa xuân nhưng muốn cho hoa nở đúng thời vụ thì lại là một vấn đề phức tạp.

Nó đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người trồng hoa. Muốn có hoa đào chơi Tết, tháng mười một, cây đào đã phải chịu đớn đau, bị bỏ đi hết lá, để nhựa cây tích tụ vào thân làm nụ. Tùy theo thời tiết nóng hay rét nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm (Thúc là bón cho cây phát triển nhanh hơn. Hãm là khía nhiều vòng quanh thân cho nó phát triển chậm lại).

Thường hoa đào là một trong các thú chơi dân gian của người Hà Nội. Người chơi đào thích đào Sa Pa vì cái vẻ xù xì rêu mốc của cành, loáng thoáng nụ và hoa được ăn trong lá thể hiện một sức sống mãnh liệt chiến thắng mọi thử thách. Từ xưa, hoa đào đã đi vào thơ ca làm xúc động lòng người. Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần nói tới hoa đào, như:

“Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”

Mùa xuân năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh đã mang cành đào từ Thăng Long vào Phú Xuân tặng công chúa Lê Ngọc Hân – vợ yêu của mình để báo tin chiến thắng.

Trong lịch sử dược học Á Đông, hoa đào được dùng sắc uống lấy làm thuốc chữa bệnh thủy thủng và bí đại tiện. Nhân hạt đào có chứa dầu béo amydalin và men amusing. Danh y Tuệ Tĩnh đã nhiều lần nhắc đến tên các vị thuốc có hoa đào trong cuốn sách nổi tiếng “Tam dược thần hiệu”.

Tết miền Bắc có hoa đào mới là Tết. Cành đào là vẻ đẹp mùa xuân giống như trong Nam có mai vàng. Nhiều nhà có điều kiện có thể chơi một cành đào ghép mận ba tầng, giá trị bằng vài năm tiền lương, không thì một vài cành đào cũng xong nhưng không thể thiếu. Thiếu hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đỏ, tràng pháo hồng.

Hoa đào không chỉ là vật trang trí, làm cảnh bình thường. Nó còn tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc. Người Việt Nam quan niệm có cành đào trong nhà thì sẽ xua đuổi được tà ma, ám khí. Vì thế, trong những ngày Tết, dù bận đến mấy, ai cũng cố mua cho gia đình một cành đào.

Mùa xuân thật kì lạ! Đúng là muôn hồng nghìn tía, cái đẹp đến từng nhà, từng người và hoa đào chính là phần thưởng xứng đáng của thiên nhiên, đất trời, ai cũng có thể hưởng và chắc chắn hoa đào sẽ còn lại mãi với thời gian như lời thơ của Chế Lan Viên:“Một cành đào ứa nhựa

Nặng bàn tay anh nắm

Nghe hương thầm lan tỏa

Qua màn sương thời gian.”

10. Thuyết minh về hoa mai ngày Tết

Mùa xuân là mùa của cây trái đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm. Mỗi mùa đều gắn liền với những loài hoa khác nhau. Nhắc đến mùa xuân, nhắc đến ngày tết miền Nam thì không thể không nhắc đến hoa mai. Hoa mai đã trở thành loài hoa đặc trưng của mùa xuân phương nam, là loài hoa gọi mùa xuân về.

Không rõ loài hoa mai xuất hiện từ khi nào, nó đã có từ rất lâu đời từ một loại mai rừng ở đồi núi với dáng vẻ giản dị độc đáo. Người xưa đã đem về trồng để bây giờ nó có thể mang đậm sắc màu Tết của miền Nam nước ta. Dần dần mai đã trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam.

Hoa mai có rất nhiều loại. Dựa vào màu sắc gồm: Hoàng mai (mai vàng), Bạch mai (mai trắng), Thanh mai (mai xanh), Hồng mai (mai hồng, mai đỏ). Còn dựa vào đặc điểm thì mai gồm có: mai Chiếu Thủy, mai Tứ Quý,... Nhưng mai vàng vẫn là loại phổ biến nhất, đẹp nhất.

Cây mai cũng có những đặc sắc riêng nhất là về hình dạng. Thân mai nhỏ, cành gầy, mỏng manh tạo nên vẻ duyên dáng của người con gái trong tà áo dài trang nhã và đài các. Lá mai màu xanh, nhỏ như lá chanh. Nụ mai thì nhỏ, có màu xanh, thuôn dài mọc thành chùm từ bảy đến mười cái.

Khi nở, hoa mai có năm cánh khoác trên mình một bộ đồ màu vàng rực rỡ mà ai cũng thích. Cánh mai mịn màng, mỏng manh làm cho người ta cảm thấy ấm áp lạ thường. Có thể nói cả cây mai đều có màu vàng chỉ riêng lá màu xanh và phấn hoa thì có màu nâu đỏ. Đặc biệt có những cành mai ghép, hoa nở ra thường có sáu đến mười hai cánh. Mai vàng không có mùi thơm.

Mai thuộc loại dễ trồng và cũng dễ chăm sóc. Người ta thường trồng mai bằng cách chọn những hạt mai nhìn mẩy, phơi khô rồi đem gieo vào đất ẩm, có thể gieo trong chậu hoặc ngoài vườn. Nó ưa đất ẩm và ánh sáng nhưng không chịu được úng. Vì vậy cần trồng cây mai nơi cao ráo và phải thường xuyên tưới nước cho cây. Nếu trồng trong chậu thì cần chú ý bón phân và thay đất hàng năm.

Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 5 – 7 năm mai có thể cho hoa. Để có một chậu hoa đẹp thường chú ý cắt nhánh, uống cành, tạo thế để có được những chậu mai có hình dạng độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc, đậm chất triết lí Á Đông. Để mai ra hoa đúng vào ba ngày Tết, người trồng mai thường phải chú ý trút lá và canh thời tiết. Năm nào thời tiết nắng ấm thì trút lá trước Tết khoảng hai mươi lăm ngày. Năm nào rét đậm thì phải trút lá sớm hơn.

Quả thật là vậy, hoa mai lúc nào cũng hiện diện trong nhà của mỗi người cũng giống như mâm ngũ quả không thể thiếu trong ngày Tết. Ý nghĩa của hoa mai là luôn mang lại may mắn cho mọi nhà. Không những thế, mai còn biểu thị cho đức tính trung thực, cho sự lịch lãm, thanh khiết của con người.

Người xưa nói quả không sai, chỉ khi gặp hoạn nạn, khó khăn thì mới biết đâu là bạn thật, đâu là bạn giả. Hoa mai cũng vậy, dù nắng mưa bão bùng, thì mai vẫn ngời ngời một sức sống dai dẳng. Điều đó cũng cho thấy được cây mai cũng rất kiên cường, rất chịu khó dù trong hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó hoa mai còn là nguồn khai thác vô tận là một đề tài đặc sắc cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

Hoa mai đã đi vào lòng người dân Việt Nam bằng nét đẹp giản dị, thanh tao và dịu dàng. Cũng vì ý nghĩa của nó nên hoa mai trong ngày Tết đã trở thành một truyền thống đặc sắc của miền Nam nước ta để nó luôn mang lại sự an lành, hạnh phúc và niềm may mắn cho mọi nhà.

Hoa mai là sứ giả của mùa xuân phương Nam. Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của mai cũng như quên được màu sắc hoàng gia của nó. Hoa mai là niềm tự hào của người dân Việt.

11. Thuyết minh về hoa cúc ngày Tết

Đã từ lâu hoa cúc vẫn là một loài hoa gần gũi, thân thuộc đối với nhiều người. Vào dịp Tết, có rất nhiều loài hoa để mọi người trang trí trong nhà như hoa mai, hoa đào,... nhưng có lẽ hoa cúc vàng được dùng nhiều nhất trong dịp lễ Tết này.

Người ta thường bảo hoa hồng kiêu sa, quyến rũ; hoa ly quý phái, hoa đào rực rỡ nhưng hoa cúc lại là một loài hoa bình dị, gần gũi với đời sống của con người. Hoa cúc còn được xem là loài hoa tượng trưng cho sức khỏe, cho sự vĩnh cửu.

Hoa cúc có mặt tại Việt Nam từ rất lâu, chỉ biết rằng từ lúc em sinh ra đã thấy loài hoa này được ba trồng ở trong vườn.

Hoa cúc có rất nhiều màu: màu vàng, màu trắng, màu tím, màu xanh. Thường thì hoa cúc to chỉ có hai màu vàng và trắng. Đây là những loài hoa được trồng vào mùa đông, mùa xuân. Nhất là vào dịp gần tết người dân trồng hoa nô nức thu hoạch để bán đúng dịp tết, phục vụ nhu cầu của người dân.

Hoa cúc có thân cây cứng, thẳng, lá mọc xung quanh thân cây, chen chúc nhau, màu xanh thẫm. Mỗi thân cây có thể có một bông hoa, hoặc nhiều hơn, chen chúc nhau mọc và đua sắc. Hoa cúc có rất nhiều cánh, chen nhau để nở và tạo thành một bông hoa nhiều cánh. Những cánh hoa chụm lại nhau tượng trưng cho sự gắn bó khăng khít giữa những người trong gia đình với nhau.

Hoa cúc không có mùi thơm dịu nhẹ, mùi có nó hơi hăng nên không thể ngửi được lâu.

Hoa cúc có thể trồng bằng rễ, bằng thân cây. Người trồng có thể trồng thành từng luống dài, mọc thành cum, hoặc ở mỗi gia đình có thể trồng ở trong chậu.

Việc chăm sóc, tưới tiêu cho hoa cúc đối với những người dân trồng hoa cũng cần phải quan tâm. Người dân phải chăm sóc từ lúc mới trồng, chống sâu bệnh, hoặc sự thay đổi của thời tiết. Người chăm sóc cần phải tỉ mỉ, chu đáo để hoa có thể nở nhiều bông, đều và to.

Thường thì vào cuối mùa thu, người ta đã bắt đầu trồng hoa cúc. Đến dịp gần tết thì người ta bắt đầu thu hoạch và mang ra thị trường.

Vào những dịp lễ tết thì mọi người vẫn xem hoa cúc là loài hoa thiêng liêng, có thể đặt lên bàn thờ tổ tiên với một lòng thành kính. Bởi rằng theo tương truyền hoa cúc tượng trưng cho sự báo hiếu mẹ cha, cầu mong cho cha mẹ luôn bên cuộc đời của chúng ta.

Mang một màu sắc đơn giản nhưng lại đẹp rực rỡ không kém gì những loài hoa khác. Với màu vàng rực rỡ,cùng với hương thơm dịu nhẹ của nó, hoa cúc vàng sẽ đem lại cho không gian nhà bạn tươi mới. Không chỉ có vậy, hoa cúc vàng mang đến niềm vui, sự may mắn, tài lộc cũng như sự hoan hỉ cho nhà bạn. Hoa cúc vàng còn là biểu tượng của sự trường thọ, lòng cao thượng, lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ nên loài cây này thường ví như những vị quân tử. Chính vì lẽ đó nên hoa cúc vàng được trưng bày nhiều vào dịp lễ Tết.

12. Thuyết minh về một loài hoa ngày Tết hoa lay ơn

Có lẽ khi nhắc đến hoa cho ngày tết, ai ai trong chúng ta cũng nghĩ đến hoa đào hoặc hoa mai, nhưng bên cạnh hai loài hoa ấy ngày nay mọi người có xu hướng mua thêm một số loài hoa khác để ngôi nhà thêm phần sức sống và thu hút may mắn dồi dào tài lộc. Một trong số những loài hoa phổ biến hiện nay được chọn là hoa lay ơn. Hoa lay ơn dần được ưa chuộng vì mang tính thẩm mỹ cao, độ bền lâu, nhiều người tin rằng loài hoa này biểu tượng cho may mắn, phát tài, trong phong thủy hoa lay hơn còn được gọi với tên khác là lan kiếm, có thể trừ tà, xua đuổi những điềm xấu

Những năm gần đây hoa lay ơn đang được người dân ưa chuộng vì có độ bền cao, dáng hoa đẹp, màu sắc đa dạng và đặc biệt là giá cả tương đối phù hợp để chơi xuân. Hoa lay ơn có nguồn gốc từ Châu Phi, có tên khoa học là Gladiolus, loài hoa này thường được các nước phương tây ưa chuộng nhiều và hiện nay cũng được trồng phổ biến ở Việt Nam. Hoa lay ơn có tổng cộng 260 loài khác nhau với nhiều màu sắc đa dạng và được phân bổ chủ yếu ở phương Tây. Hoa lay ơn có thân dài tròn, không có nhánh, hoa khi nở sẽ có hình phễu và nhụy hoa mọc thành chuỗi gắn ở đáy. Hoa gồm có 5 cánh mỏng và có hình dạng như cánh bướm, mọc xếp chồng lên nhau tạo thành một khối với 2 vòng hoa còn lại 3 nhị ở vòng trong hoa trông rất đẹp mắt và có rất nhiều màu sắc.

Hoa lay ơn không chỉ đẹp mà còn mang rất nhiều ý nghĩa và có giá trị phong thủy tốt cho người Việt, ý nghĩa loài hoa này còn phụ thuộc vào màu sắc của nó. Ví dụ nếu hoa lay ơn có màu đỏ nó biểu tượng cho tình cho tình yêu nồng nàn hay là sự biểu hiện của niềm đam mê nhiệt huyết cao cả, còn hoa lay ơn có màu hồng đậm mang ý nghĩa cho sự xin lỗi chân thành và sâu sắc, và khi hoa lay ơn màu trắng thì lại mang ý nghĩa cho sự tinh khiết, thanh tao và cao sang. Hoa lay ơn vàng là tượng trưng cho hạnh phúc, niềm vui và lòng trắc ẩn. Do đó, đây sẽ là đoá hoa hoàn hảo để bạn tặng cho những người bạn muốn mang đến sự hạnh phúc và những lời động viên, an ủi họ.

Tuy hoa đào và hoa mai là hai loài hoa không thể thay thế được mỗi dịp Tết đến xuân về tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh hai loài hoa ấy giờ đây mọi người ưa chuộng thêm các sắc màu rực rỡ của hoa lay ơn và hoa lay ơn dần trở thành một loài hoa mà nhà nhà người người đều mua để trang trí nhà cửa đón tết bên cạnh sắc đào hồng thắm và sắc mai thanh tao.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
129 82.183
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm